Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- NĂM C
Lc 16, 1-13
Suy niệm 1:
Làm thế nào để trở thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan mà Chúa ban để sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành nhằm hướng đến mưu cầu hạnh phúc nước trời.
Quản gia là người được ông chủ rất tin tưởng trao phó tất cả tài sản cho quản gia trông coi. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất lương.
Anh ta khôn ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của chủ để mưu tìm tư lợi cho mình thay vì cho chủ. Đến khi chủ gia khám phá ra sự gian lận của anh ta và có ý định sa thải, thì một lần nữa, anh lại khôn ngoan nghĩ ra cách để đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có, anh nghĩ ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, để sau khi mất việc anh sẽ được nhiều người quí mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà của họ.
Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: Thứ nhất anh ta đã không trung thực trong vai trò quản gia vì anh đã từng dùng tài sản của chủ làm lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc luân lý đòi buộc là dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt.
Khi ca ngợi hành động khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt đến mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta học nơi người quản gia này sự khôn ngoan nhằm chuẩn bị cho tương lai xa và vững bền.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà đồng tiền được đặt lên làm Chúa tể khiến cho tất cả các giá trị đạo đức và luân lý xuống cấp và bị xem thường, nên lời Chúa hôm nay chính là hồi chuông báo động đánh thức cho những ai đang còn say mê chạy theo tiền bạc mà sống trong tình trạng tội lỗi, xa rời tình người và bất trung với Chúa, thì hãy tỉnh thức để nhận ra đâu là giá trị đích thực của con người mà chấn chỉnh lại đời sống theo lời dạy của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền của… để sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho mình, cho người mà dâng hiến cho Chúa, nhờ đó mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời này và đời sau.

Suy niệm 2:
Thời nào cũng vậy, tiền bạc luôn có sức ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống con người. Nếu không thức tỉnh, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy của kim tiền mà quên đi những giá trị cao quý khác. Đó chính là sứ điệp mà lời Chúa hôm nay muốn nói với mỗi người trong chúng ta.
Dẫu biết rằng tiền của chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích tối hậu. Nhưng ai trong chúng ta cũng mong muốn có được nhiều tiền. Bởi lẽ không có tiền, cuộc sống của ta sẽ trở nên túng thiếu, cơ cực, đói khát và không thể thăng tiến được. Có tiền, ta mới có được cuộc sống sung túc, thoải mái, an vui và được người khác nể trọng. Vì thế mà nhân gian thường sánh ví đồng tiền ngang hàng với thần tiên, trời phật “tiền là tiên là phật” là vậy.
Chính vì quá xem trọng đồng tiền nên nhiều người ngày nay đã lao mình vào những việc làm bất chính như: tham nhũng, lừa đảo, bất trung trong đời sống vợ chồng, buôn bán hàng cấm, hàng giả, và sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm con người… để có thật nhiều tiền.
Sức mạnh của đồng tiền không chỉ làm khuynh đảo các giá trị đạo đức của con người trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay mà ngay từ thời tiên tri Amos, tiền bạc cũng chính là nguyên nhân đưa đến sự biến chất của bao người.
Trong bài đọc 1, tiên tri Amos đã lên án mạnh mẽ lối sống suy thoái của những người giàu có. Vì tham tiền mà họ mong cho những ngày nghỉ lễ mau qua. Vì tiền mà họ tìm đủ mọi cách để gian lận “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”. Cũng vì tham tiền mà họ nhẫn tâm khai thác và bóc lột sức lao động của những người nghèo đến tận xương tủy.
Vào thời Chúa Giêsu cũng thế, những Luật sĩ và Biệt phái được xem là thành phần ưu tú của xã hội. Vậy mà vì lòng tham, họ đã sẵn sàng buông mình theo dòng xoáy của kim tiền. Họ cố đọc kinh cho lâu giờ để bòn rút những đồng tiền của các bà góa và không ngần ngại bẻ cong luật thu thuế thập phân cách tùy tiện nhằm tư lợi cho mình.
Nhận thấy sức mạnh lôi cuốn của đồng tiền là khó cưỡng, nên Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về người quản gia bất lương để cảnh tỉnh chúng ta. Qua dụ ngôn người quản gia bất lương ấy, Chúa Giêsu muốn chỉ cho thấy: Mặc dù anh ta là “con cái thế gian”, thế mà anh ta còn biết sử dụng tiền của đời này một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải mình có, để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai vững bền mai này. Còn chúng ta được xem là “con cái của sự sáng”, thì tại sao chúng ta lại không biết dùng của cải thế gian Chúa ban, mà mua lấy bạn hữu và hạnh phúc nước trời? Hãy làm theo lời dạy của Chúa Giêsu: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16, 9).
Như vậy để có được tình bạn hữu và chiếm hữu được nước trời, Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải có sự chọn lựa dứt khoát giữa TC và tiền của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Nếu ta biết đặt tiền của vào vị đầy tớ, nhằm phục vụ cho những nhu cầu cần thiết giúp ta vươn đến những giá trị cao quý là nước trời thì ta mới xứng đáng được gọi là người quản gia khôn ngoan đích thực trước mặt TC. "Bởi vì Chúa là Đá tảng, là chiến lũy" (Tv 70,1-2) bền vững cho ta tựa nương. Nên có Chúa thì có tất cả, mất Chúa là mất mọi sự.
Xin cho chúng ta luôn biết đặt Chúa làm vị trí quan trọng nhất trong tâm trì và đời sống của Chúng ta. Để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta luôn trung thành tin yêu Chúa, bởi Người mới chính là lẽ sống, là gia nghiệp đích thực và là đấng đáng cho chúng ta tôn thờ.

Suy niệm 3: GIỚI HẠN CỦA ĐỒNG TIỀN
Người đời thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Câu này cũng đúng phần nào. Bởi ai trong chúng ta cũng cần tiền để mua thực phẩm, thuốc thang, quần áo, điện nước, xe cộ, nhà cửa… Tuy nhiên không phải vì thế mà ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ quý giá của cuộc đời mình để kiếm tiền. Bởi kinh nghiệm cho thấy khi có nhiều tiền rồi, người ta mới ngộ ra rằng tiền bạc không phải là tất cả.
Chuyện kể rằng:
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp, bo bo, chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta cũng để dành được một gia tài lớn. Nhưng chẳng ngờ đời người như ánh chớp, tháng ngày đã tận, một hôm Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi mạng anh.
Đúng lúc ấy, anh ta mới nhận ra rằng mình chưa từng hưởng thụ chút gì từ số tiền đã tích cóp được, bèn nài nỉ: “Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho ngài. Ngài chỉ cần cho tôi sống thêm một năm để hưởng thụ thôi được chăng?”.
“Không được!”, Thần Chết lắc đầu, nghiêm nghị nói.
“Vậy tôi biếu ngài một nửa nhé. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không?”. Chàng trai tiếp tục khẩn khoản van lơn.
“Không được!”, Thần Chết vẫn không đồng ý, phũ phàng từ chối.
Anh chàng lại nói: “Vậy thì tôi xin giao hết của cải cho ngài. Chỉ cần ngài cho tôi sống thêm một ngày thôi, vậy được chứ?”.
“Không được!”. Lần này, Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay toan động thủ.
Người đàn ông tuyệt vọng, cầu xin Thần Chết lần cuối cùng: “Xin ngài cho tôi một phút để viết di chúc!”.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh ta run rẩy, lấy bút viết ra dòng chữ trong nước mắt giàn giụa: Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày.
"Bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi 1 ngày", đó cũng chính là lời di chúc mà lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta.
Cho dẫu phụng vụ lời Chúa hôm nay không hề lên án tiền bạc, cũng như chỉ trích những người có nhiều tiền của, nhưng lại cảnh tỉnh chúng ta về thái độ quá xem trọng tiền bạc, đến nỗi đặt nó lên làm ông chủ để tôn thờ.
Xin nhớ rằng: Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng không phải mọi thứ đều mua được bằng tiền:
Tiền mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Tiền mua được ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm.
Tiền mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ.
Tiền mua được thực phẩm nhưng không mua được sự ngon miệng.
Tiền mua được thuốc uống nhưng không mua được sức khỏe.
Tiền mua được máu nhưng không mua được sự sống
Tiền mua hào quang nhưng không mua được sắc đẹp.
Tiền mua được sách vỡ nhưng không mua được kiến thức.
Tiền mua được sự hiểu biết nhưng không mua được sự khôn ngoan.
Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng.
Tiền mua được sự huy hoàng nhưng không mua được sự ấm áp.
Tiền mua được thú vui nhưng không mua được niềm vui.
Tiển mua được người quen nhưng không mua được bạn bè.
Tiền mua được tôi tớ nhưng không mua được lòng trung thành”.
Tiền mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu…
Để biết mình có thái độ ra sao về vấn đề tiền của, ta hãy thực lòng trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Tôi có bị cám dỗ trước những mánh khóe làm giàu nhanh chóng không?
- Tôi có được thoáng lắm trong chuyện chi tiêu tiền nong không?
- Tôi có khuynh hướng làm bạn với những người luôn nói về tiền bạc và những thứ mà họ sở hữu không?
- Tôi có nói dối hoặc làm những chuyện phi pháp để kiếm tiền không?
- Tiền bạc có làm tôi cảm thấy mình là người quan trọng không?
- Tôi có thường xuyên nghĩ về tiền bạc không?
- Thái độ của tôi đối với tiền bạc có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bản thân và cuộc sống gia đình không? Nếu tôi trả lời “có” cho bất cứ câu hỏi nào ở trên là ta biết mình đang ở trong tình trạng làm tôi cho tiền của thay vì Thiên Chúa.
Xin nhớ rằng "tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu". "Tiền bạc là phương thế chứ không phải là cùng đích". Do đó ta cần khôn ngoan đặt tiền bạc vào đúng vị trí nó, để từ đó ta biết tránh đi những cách thế kiếm tiền bất chính, cũng như sáng suốt xử dụng tiền của thế nào cho đúng với ý muốn của Chúa. Nhờ đó mà ta có được niềm vui, bình an trong tâm hồn, nhất là sau này xứng đáng được Chúa ban thưởng hồng phúc nước trời . (St).


Thứ hai: Lc 8,16-18
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.
- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người Kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".
- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết " (Gc 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…
Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “vì ai có, sẽ được cho thêm, và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất” (Mc 4, 25)
Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con để chúng con can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin bằng những hành động bác ái cụ thể cho tha nhân, nhờ đó mà mọi người nhận ra danh thánh Chúa và ngợi ca Danh Người.


Thứ ba: Lc 8,19-21
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên được liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh ra trong đức tin.
Vì thế Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Nếu để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống ta phải lắng nghe và thi hành điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy,  để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin, ta cần phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học chứng minh cho biết đó là loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an.
Xin cho chúng ta mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung và bình an qua việc thực thi lời dạy của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình thiêng liêng.


Thứ tư: Lc 9,1-6
Sứ mạng quan trọng nhất khi Chúa Giêsu đến trần gian này là loan báo Tin mừng, mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy Chúa trao cho các tông đồ xưa và nay cho chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng ấy để nỗ lực thi hành cho thật tốt.
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải ra đi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.


Thứ năm: Lc 9,7-9
Theo khuynh hướng tự nhiên mỗi khi mong muốn gặp ai đó là vì nhớ thương, kính mến hoặc muốn học hỏi những điều tốt đẹp nơi người ấy. Nhưng khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu của vua Hêrôđê mà tin mừng hôm nay trình thuật không phải thế mà chỉ là vì hiếu kỳ. Do đó ước muốn của ông bất thành.  
Tin mừng hôm nay cho biết danh tiếng Chúa Giêsu được nhiều người biết đến, bởi những lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ lớn lao Người đã thực hiện. Do đó dân chúng rất ngưỡng mộ và kính trọng Người. Biết những điều đó nên vua Hêrôđê cũng mong muốn một lần diện kiến Chúa để xác định xem Đức Giêsu là Người thế nào mà được dân chúng đồn thổi và ngưỡng mộ đến thế. Do bởi ước muốn gặp gỡ của Vua Hêrôđê không phải là vì thiện chí để lắng nghe và tìm hiểu chân thành mà chỉ để thỏa mãn tham vọng bất chính như:
- Vì lo sợ, ông muốn xác định xem Đức Giêsu có phải là Gioan Tẩy Giả mà ông đã nhẫn tâm giết chết không?
- Vì hiếu kỳ, ông muốn xem Đức Giêsu có thực sự tài năng xuất chúng như dân chúng đồn đoán không?
- Vì muốn chấn an lương tâm bất ổn bởi ông đã phạm quá nhiều tội ác như: 
. Giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận, khi Chúa Giêsu giáng sinh. Biến cố ấy đã gây chấn động đất nước và đã khiến cho biết bao nước mắt của các bà mẹ phải tuôn chảy vì khóc thương cho con mình. Tiếng thét ai oán của bà Rakhen không ngưng nghỉ vì con bà đã bị giết chết, đến nỗi không ai có thể khuyên can được bà. 
. Cướp lấy người vợ của anh mình là bà Hêrôđia. 
. Nhẫn tâm ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả chỉ vì lời hứa lúc cao hứng trong men say, nhân ngày sinh nhật của ông.
. Xem thường và lên án tử cách vô tội cho Chúa Giêsu sau này.
Chính do ý muốn gặp gỡ của ông phát xuất từ tâm địa bất chính nên mãi sau này khi Chúa Giêsu bị bắt bởi những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo, rồi đem đến trình diện để ông xử án, khi đó ông mới gặp gỡ được Chúa. Nhưng trong cuộc gặp gỡ ấy, ông cũng không đón nhận được bất cứ điều gì thiện hảo từ nơi Chúa Giêsu. Bởi lẽ ngay từ đầu cuộc gặp gỡ này đã không vì chủ đích tốt lành. 
Cuộc đời của vua Hêrôđê đã gây ra quá nhiều tội ác đã làm cho tâm hồn của ông trở nên chai đá, không còn khả năng để sám hối và thay đổi đời sống nữa. Cho nên dù ông có gặp gỡ Chúa Giêsu đi chăng nữa thì ông cũng không thể đón nhận được bất kỳ ân phúc từ nơi Chúa ban.  
Xin cho chúng ta luôn biết tìm đến Chúa bằng một tấm lòng chân thành khiêm tốn với ước muốn được đón nhận ơn tha thứ và lời chỉ dạy khôn ngoan của Người. Nhờ đó ta mới có thể đón nhận được những ơn lành cần thiết Chúa ban mà biến đổi đời sống nên tốt đẹp hơn.


Thứ sáu: Lc 9, 18-22
Đức Giêsu là ai? và con đường thực thi sứ mạng của Ngài là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ và với chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay.
Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên Ngài phỏng vấn các môn đệ xem dư luận người ta bảo Thầy là ai?
Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ thấy có 3 luồng đánh giá về Thầy Giêsu.
Số người thì cho là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối sống giả hình của người Pharisêu cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa. Một số người khác thì cho rằng là Êlia, bởi Chúa Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia. Cũng có một số người xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri vì cách chung họ cũng thấy Chúa cũng nói lời Chúa và tiên báo về những vấn đề tương lai như các tiên tri.
Nhưng có lẽ điều quan tâm nhất đối với Chúa Giêsu là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? May mắn thay,  Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng đúng như Ngài là: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại ngăn cấm các ông không được nói điều ấy với bất cứ ai cả và rồi Người mạc khải về con đường thương khó mà Người phải đi, để hoàn thành sứ mạng cứu độ theo thánh ý Chúa Cha. Qua lời loan báo này, Chúa Giêsu rất muốn các môn đệ và dân chúng phải hiểu đúng về vai trò đích thực “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó là một Đấng Kitô cứu độ con người bằng con đường yêu thương:
- Chính vì yêu thương thế gian nên Chúa Giêsu đã chấp nhận từ  bỏ vinh quang và quyền thế của một vị Thiên Chúa tối cao để nhập thể làm người, ngoại trừ tội lỗi; đến nỗi những người Do Thái sống cùng thời với Người không nhận ra Thiên Tính đích thực của Người.
- Cũng vì quá yêu con người tội lỗi chúng ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào con đường khổ nạn, đón nhận cái chết đau thương trên thập giá để cứu độ chúng ta theo thánh ý của Chúa Cha.
Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao của Chúa, để ta biết nỗ lực sống xứng đáng với tình yêu ấy, cho dẫu phải đối mặt với bao gian nan thử thách trong cuộc sống hàng ngày.


Thứ bảy: Lc 9, 43b-45.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo lần thứ 2 về cuộc khổ nạn của Người. Nhưng các tông đồ không hiểu hay không muốn hiểu vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược lại với những gì các ông mong ước.
Xin cho chúng ta hiểu rằng muốn đạt đến vinh quang phải trải qua con đường thập giá.
Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có những sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và lý tưởng…
Có thể nói “gu” của các tông đồ là được sung sướng, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời...”, các tông đồ đều không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu vì không phải là “gu” mà các ông mong muốn.
“Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn, lãnh đạo và đứng đầu nên có lần các ông đã tranh cải với nhau xem ai là người lớn nhất. “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. (Mt 18,1).
“Gu” mà các tông đồ là mong muốn tận hưởng được một cuộc sống giàu sang, sung sướng, quyền thế nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời"Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". (Mt 16,22).
“Gu các tông đồ là muốn thống trị và buộc mọi người phải tùng phục mình, nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông.“Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?”. (Lc 9,54). 
“Gu” các tông đồ là muốn chiếm hữu độc quyền về đặc sủng của Chúa nên không muốn cho bất cứ ai được làm phép lạ như Thầy mình. Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." (Mc 9,38).
Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu là vì quyền lực, thống trị và tận hưởng vinh quang phú quý. Vì thế những gì đi ngược lại “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.
Rất có thể “Gu” của các tông đồ cũng là  “gu” của chúng ta. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Nước mắt và nụ cười, đau khổ và hạnh phúc luôn đan xen vào nhau, dệt nên tấm thảm cuộc đời. Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào trần gian và sống kiếp người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa Cha để bước đi trên con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Nên những ai muốn đạt đến đỉnh vinh quang và hạnh phúc đích thực thì không thể đi con đường nào khác ngoài con đường mang tên Giêsu theo như lời mời gọi của Người:“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).  
Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” của ta để đón nhận theo “gu” Chúa bằng cách  yêu mến  đón nhận vác thập giá mình đi theo Chúa, nhờ đó mới xứng đáng trở thành môn đệ của Người. Đức Maria đã chấp nhận đi vào con đường “xin vâng”, sẵn sàng đón nhận thập giá cùng với con mình là Đức Giêsu. Nhờ đó mẹ đã được Chúa ân thưởng vinh quang rực rở trên trời và được người thế chúc tụng tôn vinh muôn thế hệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...