Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN A
Ga 1, 29-34
Tin mừng hôm nay, Gioan Tẩy Gỉa giới thiệu cho dân chúng biết Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, và là Con Thiên Chúa, Người đến để cứu độ trần gian. Tuy nhiên để thi hành sứ mạng cứu độ trần gian, Con Thiên Chúa đã phải chịu nhiều đau khổ và chết đau thương trên thập giá tựa như con chiên vô tội chịu sát tế để làm của lễ hy hiến dâng trên bàn thờ Thiên Chúa mà đền tội thay cho nhân loại.
Xin cho chúng ta biết nhận ra tình thương lớn lao mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta để qua đó ta sống sao cho xứng đáng với tình thương của Người.

Qua lời giới thiệu ngắn gọn của Gioan Tẩy Gỉa trong bài tin mừng hôm nay, dân chúng biết được Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa.
1. Người là Chiên Thiên Chúa: Hình ảnh con chiên rất quen thuộc với người Do Thái. Một con vật gần gũi, hiền hòa và lành tính. Người Do Thái tin rằng con chiên có khả năng gánh lấy tội và chết thay cho con người. Trong biến cố vượt qua bên Ai Cập. Môsê đã ra lệnh mỗi gia đình người Do Thái phải giết một con chiên đực dưới một tuổi, không tì vết để làm thức ăn với rau đắng; còn máu chiên thì bôi lên cửa nhà làm dấu, nhờ đó mà Thiên Sứ của Thiên Chúa đi qua trong đêm hôm ấy không ghé vào giết chết con trai đầu lòng của họ. 
Hơn nữa, trong ngày lễ xá tội của người Do Thái, tội nhân thường bắt một con chiên đem lên đền thờ, rồi đặt tay lên chúng ngụ ý trút tội mình lên con chiên. Sau đó vị tư tế đền thờ mới sát tế con chiên ấy để đền tội thay cho tội nhân. 
Nên khi Gioan Tẩy Gỉa giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa thì ông cũng như dân chúng hiểu rằng Đức Giêsu chính là người tôi tớ của TC mà tiên tri Isaia đã tiên báo từ ngàn xưa, nay được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. Vì là Chiên Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu phải chấp nhận chịu đau khổ và sẵn sàng chết trên thập giá để đền tội cho nhân thế.
2. Người còn là Con Thiên Chúa: Như Gioan Tẩy Gỉa đã thú nhận, trước khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, ông không hề biết Đức Giêsu như thế nào? Nhưng nhờ những dấu chỉ và lời mách bảo của Đấng đã sai Gioan làm phép rửa soi sáng, ông mới nhận ra Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa nên Gioan Tẩy Gỉa xác nhận cho biết phép rửa của Chúa Giêsu mới thật là phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu mới có năng lực xóa tội tổ tông và tội riêng, tái tạo chúng ta nên người mới để chúng ta xứng đáng trở thành làm con Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Người.
Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta mà quyết tâm sống sao cho trọn tình vẹn nghĩa với Chúa.

Thứ hai: Mc 2, 18-22
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thành tâm oán cải đời sống sao cho phù hợp với tinh thần mới của Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến.
3 việc đạo đức mà người Do Thái rất quan tâm thực hành, đó là: cầu nguyện, ăn chay và bác ái. Nên khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không giữ chay, trong khi đó môn đệ của Gioan, cũng như môn đệ của những người Pharisêu thì giữ luật ăn chay cách nghiêm ngặt. Điều này khiến cho một số người trong nhóm Pharisêu khó chịu, nên họ lên tiếng phàn nàn với Thầy Giêsu:“sao môn đệ ông lại không ăn chay?”.
Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu vừa giải thích cho những người Pharisêu biết lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay; đồng thời Chúa Giêsu cũng vừa mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu.
Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Ngài là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Ngài chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.
Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể)  đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.
Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Ngài vui thì con người phải chia vui với Ngài. Khi Ngài khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Ngài chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Ngài. Khi Ngài sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Ngài.
Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Ngài chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Xin cho chúng ta biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.

Thứ ba: Mc 2, 23-28
Qua cuộc tranh luận với những người Biệt phái mà đoạn Tin mừng hôm nay trình thuật, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rõ về ý nghĩa và mục đích thật sự của việc giữ luật ngày Sabat như thế nào.
Xin cho mỗi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn về việc tuân giữ luật ngày Chúa nhật cách riêng và luật lệ nói chung theo tinh thần như Chúa Giêsu mong muốn.

Tin mừng hôm nay trình thuật về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu.
Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát.
Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận này là vì bất đồng quan điểm.
- Với những người Pharisêu giữ ngày Sabát là điều hết sức quan trọng. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (x. Xh 31,14), bị ném đá (x. Ds 15,32-36).
Bứt bông lúa để ăn là một hành động không thể chấp nhận được. Mặc dù theo sách Đệ Nhị Luật (23,26) thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa”. Nhưng vì đố kỵ, ghen ghét Chúa Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày Sabát.
- Còn Chúa Giêsu thì cho rằng: Thiên Chúa lập nên ngày Sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5,14-15). Ngày Sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con người và vì con người: "Ngày Sabát được đặt ra vì con người".
Do đó việc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn cho đỡ đói trong ngày Sabát là một nhu cầu chính đáng vì nó phục vụ cho nhu cầu lợi ích chính đáng cho con người. Chính vua Đavít và đoàn tùy tùng cũng đã vào đền thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn khi bụng đói! Nhưng vì ghen ghét và hận thù đã làm cho những người Pharisêu trở nên mù quáng mà quên đi mục đích chính của việc giữ luật.
Để giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn đúng đắn về mục đích của luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho đến cùng, dù có phải trả giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống "yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).
Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái và bao dung với hết mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen

Thứ tư: Mc 3, 1-6
Làm việc lành không phải lúc nào cũng được ủng hộ, nhưng lắm khi lại bị lên án và ngăn cấm. Nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu buông xuôi bỏ cuộc. Trái lại Người vượt lên tất cả để hoàn thành sứ mạng phục vụ hạnh phúc cho con người. Đó là điều mà Tin mừng hôm nay nói đến.
Tin mừng hôm nay cho thấy 2 thái độ và cách hành xử khác nhau:
- Của những người Pharisêu: không nhắm đến phục vụ hạnh phúc con người, nhưng nhắm đến phụng sự cho lề luật. Không có cái nhìn cảm thông, nhưng lại có cái nhìn vô cảm trước đau khổ của đồng loại. Không dám chấp nhận sự thật hiển nhiên, nhưng lại cố tình tìm cách giải thích sai lệch. Tất cả những điều ấy đều phát xuất từ óc tự cao và lòng đố kỵ của họ dành cho Chúa Giêsu.
- Của Chúa Giêsu: Có cái nhìn đầy yêu thương trước những con người bị đau khổ. Dẫu biết rằng, chung quanh Người có nhiều ánh mắt không thiện cảm bởi những người Pharisêu. Họ đang theo dõi và đang giương những mũi tên độc ác hướng về Chúa Giêsu để tiêu diệt bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà Chúa Giêsu không hề nao núng và lo sợ. Chính bởi sức mạnh tình yêu đã làm cho Chúa vượt qua mọi rào cản và sẵn sàng cứu chữa người bị tay khô bại ngay trong ngày Sabat.
Xin cho chúng ta tránh được thái độ ghen tỵ trước những việc làm tốt của tha nhân. Để ta không buông ra những lời ác độc hay tìm cách hãm hại tha nhân như những người Pharisêu.
Xin cho chúng ta cũng can đảm vượt qua những rào cản do quan niệm sai lạc hay do lòng đố kị của những người chung quanh mà quyết tâm làm những việc lành, việc thiện cho tha nhân, nhất là những người đang gặp đau khổ về thể xác và tinh thần theo gương Chúa Giêsu.

Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay cho biết: Chúa Giêsu rất khó chịu trước thái độ kiêu căng bảo thủ của những người Biệt phái và tỏ ra rất buồn phiền trước hành vi ghen tị của họ. Chúa cũng sẽ rất buồn phiền nếu chúng ta cũng giữ luật Chúa và Giáo Hội bằng hình thức và thiếu lòng yêu mến.
Cả 2 bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến cuộc chiến đấu không cân sức. Nhưng người biết đứng về chân lý sẽ được Chúa ban ơn giúp sức và sẽ chiến thắng.
Bài đọc 1, thuật lại cuộc chiến đấu giữa Đavit, chàng trai trẻ, là con dân của đất nước Do Thái nhỏ bé; phải đối mặt với đội quân hùng mạnh, võ trang đầy đủ và dày dặn trận mạc, dưới quyền chỉ huy của một vị tướng sức mạnh phi thường là Gôliac cao to của một đế quốc hùng cường Philitinh. Đúng là sự đối đầu không cân tài, cân sức. Dưới cái nhìn tự nhiên thì Đavit không thể nào chiến thắng được quân thù. Ấy vậy mà nhờ vào sự khôn ngoan và sức mạnh của ơn Chúa ban, Đavit và dân Do Thái nhỏ bé đã chiến thắng cách oanh liệt kẻ thù.
Bài Tin mừng tiếp tục trình thuật lại cuộc đối đầu không cân sức giữa Chúa Giêsu và với giới chức lãnh đạo tôn giáo đã liên kết với nhóm cầm quyền chính trị quân sự là phái Hêrôđê. Bao vây Chúa Giêsu không chỉ là sức mạnh của giới chức đạo-đời, mà còn bởi sự kiềm hãm bởi những lề luật trói buột, giữa những quan niệm củ kỷ khắc nghiệt…Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại đấu đầu, tất cả chỉ vì giá trị của Tin mừng tình yêu. Với câu hỏi “Ngày Sabat làm việc lành hay sự dữ”. Chúa Giêsu cho thấy đích điểm của mọi lề luật là hướng đến hạnh phúc và sự sống cho con người. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại cứu chữa cho người bị khô bại tay trong ngày Sabát được khỏi.
Xin cho chúng ta cũng can đảm làm việc thiện nhằm phục vụ lợi ích cho tha nhân mà không sợ thua thiệt hay tính toán hơn thiệt. Nhất là can đảm sống đức tin và thi hành các việc đạo đức cho dẫu gặp phải nhửng chống đối, ngăn đe hay chỉ trích.

                                   Thứ năm: Mc 3, 7-12
Giữa lúc mà uy danh Chúa Giêsu được dân chúng không ngớt lời ca ngợi chúc tụng. Ngay cả ma quỷ cũng tôn vinh danh thánh Người. Nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu hãnh diện về những lời tâng bốc ấy. Trái lại Người biết làm chủ bản thân nên đã giữ một khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với mọi người, cũng như trước những lời đường mật của ma quỷ.
Có thể nói đây là thời kỳ vàng son của Chúa Giêsu với những thành công vang dội. Chính vì thế mà được rất đông đảo dân chúng đi theo để nghe Người giảng dạy và được chữa lành bệnh tật. Điều này khiến cho lịch làm việc của Chúa trở nên dày đặc. Tuy vậy, Chúa Giêsu luôn là người biết giữ khoảng cách tâm lý và vật lý chứ không bị cuốn theo những cuồng nhiệt của dân chúng.
Để cho lời giảng dạy đạt hiệu quả tốt và loan truyền dễ dàng đến tai người nghe, Chúa Giêsu dùng một chiếc thuyền để tách mình ra khỏi đám đông ồn ào và dùng sự lan truyền âm thanh mặt nước để rao giảng tin mừng.
Để tránh những người hâm mộ và những tình trạng quá khích có thể xảy ra, cũng như không chìm vào những thành công ngọt ngào, Chúa Giêsu đã tách mình ra khỏi họ và tìm cách giữ mình không sa đọa vào những lời tung hô của dân chúng.
Để tránh gây ra hiểm lầm về một Đấng Messia trần tục của dân chúng, Chúa Giêsu đã nghiêm cấm Ma quỷ không được tiết lộ về danh tính về con Thiên Chúa của Người. Bởi lẽ những lời tăng bốc ấy sẽ dễ cám dỗ Người rơi vào con đường riêng mình mà không vâng theo thánh ý Chúa Cha.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết giữ khoảng cách tâm lý và vật lý trong mọi vấn đề trong cuộc sống, để ta có điểm dừng đúng lúc, nhớ đó có nhận định sáng suốt đúng đắng trước mọi cám dỗ của ma quỷ giăng bẩy.

Thứ sáu: Mc 3, 13-19
Tin mừng hôm nay trình thuật lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ để Người huấn luyện đào tạo và trao ban sứ vụ cộng tác với Người trong sứ mạng rao giảng Tin mừng. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn gọi và trao ban sứ vụ làm chứng cho Chúa nơi gia đình và môi trường chúng ta đang sống. Xin cho chúng ta thi hành tốt nhiệm vụ mà Chúa trao ban.
Để rao giảng tin mừng cứu độ con người một mình Chúa Giêsu là đủ, bởi lẽ Người là TC quyền năng nên Người làm được mọi sự. Nhưng Chúa lại không thực hiện cách thế đó. Trái lại, Người mời gọi con người cộng tác.
Cụ thể Tin mừng hôm nay, Chúa tuyển chọn 12 tông đồ để ở với Người, nghe và học hỏi đời sống của Người. Sau đó Người trao ban quyền năng và sứ mạng quan trọng, cộng tác với Người đi rao giảng Tin mừng.
Điều đáng nói là 12 tông đồ mà Chúa Giêsu chọn lựa không phải là những con người tài năng mà là những con người ít học. Đa phần họ là dân làng chài quen nắng mưa và dạn dày với sóng nước biển cả. Các ông cũng không phải là những người được giáo dục đúng mức nên tính các rất khác biệt và lắm khi lại nóng nảy và cộc tính. Vậy mà Chúa lại chọn gọi và trao ban sứ mạng quan trọng. Vượt qua tất cả những yếu hèn của con người nếu biết tin tưởng và can đảm làm theo ý muốn của Chúa, thì mọi việc sẽ hoàn thành tốt đẹp “vì ơn Ta đủ cho con”.
Mỗi người chúng ta mỗi tánh tình khác nhau, và chúng ta cũng là những con người thật yếu đuối và bất tài, nhưng Chúa vẫn yêu thương gọi tên ta và chọn ta làm con làm môn đệ của Người. Xin cho chúng biết cộng tác tích cực để thi hành sứ mạng loan báo tin mừng niềm vui mà Chúa trao phó hầu chúng ta xứng đáng với tình thương chọn gọi của Chúa dành cho ta.

Thứ bảy 25/ 01: Kính thánh Phaolô tông đồ trở lại.
Cv 22, 3-16; Mc 16, 15-18
Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao là thay đổi. Sự thay đổi số phận con người có khi cũng lắm bất ngờ. Hôm qua tội lỗi, hôm nay trở nên tốt lành; hôm qua nghèo khổ, hôm nay trở nên giàu sang, hôm qua đầy tớ, hôm nay là ông chủ…và có thể ngược lại. Vận mạng con người thay đổi cũng bởi nhiều lý do khác nhau: có khi do một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một gương sáng, một lời cầu nguyện chân thành hay một biến cố vui buồn, thành công thất bại… nào đó xảy ra trong cuộc sống.
Sách Cv hôm nay thuật lại biến cố ngã ngựa bất ngờ, làm thay đổi cuộc đời của Sao-lô, nhờ gặp gỡ Đức Giêsu.
Sách Cv cho biết: Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Sao-lô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Tê-pha-nô. Sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, chàng trai Sao-lô hăng máu phóng ngựa như bay rong ruổi khắp các nẻo đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội. Hành động ấy Sao-lô xem là nhiệt thành với lề luật Do Thái giáo đúng như lời Chúa Giêsu đã nói:“Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa”. (Ga.16, 2). Nhưng không ngờ đang lúc ông hăng máu phóng ngựa truy cùng, diệt tận các kitô hữu trên đường Đa-mat, bất ngờ một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, khiến ông ngã xuống đất. Lúc đó ông nghe có tiếng nói: "Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta?". Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người ấy đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ". Nhưng không ai trông Chúa Giêsu. Sau đó Sao-lô được người ta đưa vào một căn nhà trong thành Đa-mát với tình trạng mắt ông bị mù. Tại đây Sao-lô được chữa lành đôi mắt và nhận lãnh Chúa Thánh Thần, nhờ việc đặt tay của Kha-na-ni-a, người môn đệ Chúa Giêsu sai đến.
Thế là sau ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn uống được gì. Nay ông đứng dậy chịu phép rửa, rồi ăn uống và khỏe lại. Thế là đời ông được thay đổi từ đây!
Từ một con người trung thành với quan niệm duy Do Thái giáo, nay Phaolô lại thay đổi trở nên con người say mê Giêsu đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi”. (Pl.3, 8-9).
Nếu trước đây Sao-lô tìm mọi cách để tiêu diệt những người theo Chúa Giêsu, thì nay Phao-lô lại hăng say rao giảng Tin mừng để đưa mọi người đến cùng Giêsu. Lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa đã trở thành phương châm sống của ông: "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng". (1Cr 9,16) 
Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, lắm khi một biến cố, một dấu chỉ nào đó xảy ra làm ta cảm thấy khó chịu, đau đớn lòng, nhưng có khi đó lại chính lại là hồng ân đổi mới. Giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin và dạng dày hơn trong cuộc sống nhờ ơn ban của Chúa.
Xin Chúa cho con biết nhìn các biến cố bằng cặp mắt đức tin, để chúng con không ngã lòng, buông xuôi khi gặp thử thách, thất bại; Và xin cho chúng con cũng đừng bao giờ tự mãn khi thành công. Vì cuộc đời có lắm đổi thay!.  

MÙNG MỘT TẾT
CẦU BÌNH AN NĂM MỚI
Chuyện kể: Có một gia đình sống giữa khu phố, vào một đêm nọ người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội, cha mẹ con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lữa thiêu rụi mái ấm của họ.
Bổng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất một đứa con bé nhất trong nhà. Thì ra trong lúc cậu bé chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa thấy lửa cháy dữ quá, cậu bé sợ hãi nên chạy trở lại lên lầu. Lửa phừng phừng cao vút tứ phía. Đang lúc cả gia đình hốt hoảng, không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi này. Thì bổng nhiên cửa sổ trên tầng lầu mở toang và cậu bé ló ra nhìn xuống kêu khóc in ỏi.
Từ dưới sân cha cậu bé gọi lớn tên con rồi nói: con nhảy xuống đây!
Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói và lửa mù mịt, nhưng cậu nghe rõ tiếng cha kêu mình nên liền trả lời: Ba ơi! Con không thấy ba đâu hết!
Người ba liền trả lời giọng cương quyết: Con cứ nhảy đi! Có ba trông thấy con là đủ rồi.
Nghe lời cha, cậu bé leo lên thành cửa sổ và lều mình nhảy xuống. Mọi người la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu. Nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn.
Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: sao hôm ấy cháu liều thế? Lỡ rơi không đúng vòng tay của ba cháu thì sao?
Cậu hồn nhiên trả lời: Cháu cũng không biết nữa, nhưng khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa. Cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu.

Tựa như tiếng gọi của người cha trong câu chuyện trên, Tin Mừng của ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su cũng mời gọi các môn đệ và chúng ta đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân, nhưng hãy tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa bằng cách nêu lên những dấu chỉ cụ thể cho chúng ta thấy mà vững tin:
- Một là “loài chim trời không gieo không gặt, nhưng Cha trên trời vẫn nuôi sống chúng”.
- Hai là “về việc sống lâu thì dù lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!”
- Ba là “về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc áo đẹp hơn long bào của vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.”
Chim trời chẳng đáng giá một đồng; hoa đồng cỏ nội sớm nở chiều tàn vậy mà Cha trên trời còn chăm sóc cho như thế, phương chi là loài người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa và là con cái của Người nên đáng giá muôn phần, chẳng lẽ lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Chính vì thế mà Chúa Giêsu mới khẳng định: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

 Mặc dù Chúa bảo chúng ta “đừng quá lo lắng”, nhưng không có nghĩa là chúng ta “không cần lo liệu”. Người biết lo liệu được xem là người khôn ngoan. Vì có lần Chúa đã nói: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa”. (Lc.14,28).
Ơn lo liệu không chỉ là sự nỗ lực do lý trí của con người mà còn là ơn ban của Chúa Thánh Thần nữa. Bởi thế khi traon ban bí tích Thêm Sức ĐGM đã đặt tay lên đầu thụ nhân mà đọc lời nguyện xin : “Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong những người này. Xin ban cho nhứng người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu; thần trí lo liệu và sức mạnh; thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”.
Dẫu rằng chim trời không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải cất công dệt may nhưng chúng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng để hút lấy. Nên ta cần phải tránh thái độ lười biếng vô trách nhiệm. Do đó Chúa Giêsu mới xác định cho ta biết: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).  Nghĩa là Chúa muốn chúng ta phải chịu khó làm việc mà lo cho bản thân, gia đình và xã hội; phải biết tích cực góp phần mình để làm cho môi trường sống ngày thêm an toàn sạch đẹp, cho thế giới này trở nên đáng sống hơn. Do vậy mà ngay từ khi dựng loài người, Thiên Chúa đã trao ban nhiệm vụ cho Ađam và Eva bổn phận canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Chúa Giêsu cũng đã đòi mỗi đầy tớ phải sinh lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không được mang đi chôn giấu. Như vậy là Chúa không chấp nhận cho chúng ta quá lo lắng về vật chất, cơm ăn áo mặc và xem nó như là cùng đích của đời mình.
Là người con Chúa một mặt chúng ta phải quan tâm đến những giá trị trần gian, vật chất, tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ xem chúng là quan trọng hơn Nước Thiên Chúa. Người đời thường coi tiền bạc vật chất là số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh cho thấy suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần thiết để giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường hay nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng tiền bạc của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ hữu dụng khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng một khi nó biến thành ông chủ thì nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó như một đầy tớ bằng bất cứ giá nào.
Tóm lại: chúng ta cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa nhưng phải biết chủ động tích cực cộng tác với hết khả năng Chúa ban và không quên xin ơn Chúa Thánh thần soi sáng hướng dẫn những hoạt động của chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Bởi người xưa đã dạy: “Tận nhân lực, mới tri thiên mệnh”, hay: “đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy thắp sáng lên ngọn đèn”.
Xin chúng ta luôn biết phó thác đời mình trong bàn tay uy quyền và yêu thương của Chúa trong năm mới này với lòng tin tưởng cậy trông. Và xin Chúa cũng thương ban bình an và chúc lành cho tất cả chúng con. Amen.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...