Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III MC

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, NĂM A
Ga 4, 5-42
SỨ ĐIỆP CHÚA GỬI TA QUA QUÝ CÔ
Kể từ sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, cả thế giới nóng lên bởi đại dịch mang tên là Covid-19 (nhiều người gọi vui là Cô-Vy, 19 tuổi) hoành hành. Báo chí cho rằng nguồn gốc Covid-19 này phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng vì sợ làm xấu đi hình ảnh của đất nước mình nên mới đây giới chức Trung Quốc có phản ứng mạnh mẽ về việc lấy tên đại dịch là “Virus Vũ Hán” gây ra.
Đại dịch viêm phổi cấp do Virus Corona chủng mới gây ra hiện nay được thế giới đồng ý gọi tên là Covid-19. Đây là loại Virus rất bé nhỏ, mắt thường không thể thấy được, rất nguy hiểm vì gây chết người. Tuy nhiên nó lại ủ bệnh khá lâu nên rất khó phát hiện trong thời gian đầu mắc phải, vì thế ai nấy đều lo sợ và tìm mọi cách đề phòng, xa tránh.
Cho dẫu cả thế giới đang cố gắng tìm ra mọi cách để ngăn chặn và tiêu diệt, nhưng Covid-19 lại không hề có dấu hiệu suy giảm và dừng lại, trái lại mỗi ngày nó lại biến thể khác hơn và trở nên nguy hiểm hơn; sức lan tỏa của nó cực kỳ nhanh và khôn lường, không gì có thể ngăn chặn được bước tiến thần tốc của nó. 
Theo tin tức của TG và VN, tính đến hôm nay, ngày 13/03/2020 thì đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra 111 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã gây bệnh cho 134. 300 người, và đã cướp đi sinh mạng của 5.043 người. Riêng tại Việt Nam, Bộ Y Tế cho biết có 47 ca bị nhiễm, trong đó có 16 người đã được chữa khỏi và xuất viện.
Như vậy Covid-19 có khả năng thâm nhập bất cứ môi trường nào và không trừ bất cứ ai nếu tiếp xúc với nó. Chỉ duy một lần gặp gỡ Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên không thể xem thường Covid-19 được.
Tin mừng hôm nay cũng đã nhắc đến một Cô, nhưng không phải là Cô-Vy 19; cũng không phải là Cô N-17, nhân viên Khách Sạn, 29 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội; càng không phải là Cô T-34, nữ doanh nhân vật liệu xây dựng, 51 tuổi, ngụ tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận mà là một Cô khác, quê quán cô này cách xa Việt Nam và cũng không sống cùng thời với chúng ta. Đó là Cô phụ nữ xứ Sa-ma-ri mà Tin mừng hôm nay nói đến.
Cô này đã nổi danh cách đây hơn 2000 năm. Tuy vậy vẫn không ai biết tên cô ta là gì và bao nhiêu tuổi. Lý do đơn giản là vì Tin mừng tế nhị không nói đến. Ta chỉ biết cô này sống ở làng quê Xy-Kha, thuộc vùng đất Sa-ma-ri, thuộc miền trung đất nước Do Thái vào thời Chúa Giêsu.
Cô nổi danh không bởi nhan sắc nghiêng thành đổ nước hay sự giàu sang tài giỏi tột cùng; lại càng không phải do cô đang bị lây nhiễm bởi Virus Covid-17, mà cô được biết đến là nhờ vào một lần gặp gỡ tình cờ với một vị thầy chí thánh mang tên là Giêsu, bên bờ giếng Gia-cóp vào một buổi trưa hè nắng nóng. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà nhiều thông điệp được Chúa gửi đến cho chúng ta:
- Thông điệp về một TC giàu lòng thương xót nơi Đức Giêsu. Ngài luôn khao khát gặp gỡ con người, cho dù họ là người đang mang trong mình Virus của tội lỗi, muốn chôn mình vào môi trường cách ly với Chúa và mọi người, như người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp hôm nay.
- Với sự hiện diện nơi vùng đất Sa-ma-ri và khiêm tốn xin nước uống của người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giêsu như muốn mời gọi mọi người hãy can đảm phá bỏ những bức tường ngăn cách để xây dựng chiếc cầu hiệp thông của sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ… Đây cũng là thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gửi đến các quốc gia trong thời đại hôm nay. (Giáo huấn của ĐGH phanxicô tại Vatican, trong buổi yết kiến hôm 09/02/2017). Thời đại mà chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…xảy ra nhiều nơi. Tình trạng di dân bùng nổ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Thì sự mở lòng để đón nhận và giúp đỡ những người di dân là nhu cầu cấp thiết và mang tính nhân đạo cao quý hơn bao giờ hết.
- Qua việc ngồi lại bên bờ giếng Gia-cóp để đối thoại với người phụ nữ đang mang trong người Virus tội lỗi, Chúa Giêsu muốn nói rằng, giá trị và phẩm của con người cần được coi trọng cho dù họ là tội nhân hay đang sống trong tình trạng bệnh tật, già yếu… gây bất lợi cho xã hội, thì cũng đừng bao giờ xa lánh và bỏ rơi họ trong cô đơn tuyệt vọng.
- Với cách thức tiếp cận tiệm tiến, đi từ nhu cầu thể lý bên ngoài như xin nước uống với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giêsu đã tế nhị khơi lên nỗi khao khát sâu thẳm bên trong tâm hồn của chị một nhu cầu khác quan trọng hơn đó là nhận biết chân lý và lẽ sống đích thực. Qua đó, Chúa muốn nhắc nhở mọi người chúng ta đừng quá mãi mê chạy theo những đam mê dục vọng của đòi hỏi xác thịt bằng mọi giá mà quên đi nhu cầu sâu thẳm nơi tâm hồn, nơi đó Chúa đang âm thầm ngồi chờ đợi chúng ta. Chỉ khi nào gặp được Chúa, ta thỏa mãn được mọi khát vọng. Như thánh Augustinô đã từng thốt lên sau những ngày dài tìm kiếm vinh hoa phú quý và lạc thú ở đời: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Ngài”.
-  Với việc khai mở cho người phụ nữ hiểu biết về việc tôn thờ TC bây giờ không còn bị giới hạn trên núi này hay tại Giêrusalem nữa, mà “đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” Chúa muốn chúng ta có cái nhìn tích cực và tôn trọng hơn về quyền tự do tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo; cũng như đừng quá chú trọng đến việc thờ phượng TC bằng hình thức bên ngoài mà quên đi tấm lòng bên trong như lời mời gọi của tiên tri Gio-en: “hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 13).
Nếu sứ điệp quan trọng của mùa chay là sám hối-trở về, thì chúng ta cần trở phải về với lòng mình nơi có Thiên Chúa hiện diện để nhận ra đời sống của mình còn những rào cản nào, đang ngăn cách ta với Chúa và tha nhân. Để từ đó xin Chúa giúp ta loại bỏ đi mọi bức tường ngăn cách mà đến với tha nhân và tìm về bên Chúa để ta đắm mình trong nguồn nước ân sủng do Chúa tặng ban, với mong muốn đổi mới cái nhìn, quan niệm và đời sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Có như vậy đời ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực mà tích loan truyền niềm vui tin mừng cứu độ của Chúa đến với mọi người như người phụ nữ Sa-ma-ri hôm nay. Amen

* Đọc thêm:
Khi tìm hiểu về lịch sử đất nước Do Thái, ta biết được vào năm 922 TCN, Giêrôbôam, người không thuộc hoàng tộc Đavid, đã lãnh đạo cuộc nổi loạn cùng với mười bộ tộc phương Bắc và đã lập nên vương quốc Israel lấy thủ đô là Samaria và thờ Chúa ở núi Garizim . Còn lại hai bộ tộc là Giuđa và Bengiamin trung thành với hoàng tộc Đavid lập thành vương quốc Giuđa ở phương Nam, nơi có ngôi đền thờ Giêrusalem, và lấy thủ đô tên là Giêrusalem. Từ đó có sự mâu thuẩn về tôn giáo.
Năm 720 TCN, vương quốc Israel phương Bắc bị xâm lăng bởi Đế quốc Assyria. Tất cả mười bộ tộc của vương quốc Israel phương bắc bị giết, và bị bắt đi lưu đày. Nhưng cũng có một số người ở lại. Quân Assyria đến ở đất Samari, lấy vợ người Do Thái rồi sinh con đẻ cái. Từ đó người Do Thái thuần chủng ở Giuđê không còn xem những người Do Thái ở Samari là đồng bào của mình nữa. Trong mắt họ những người ở phương Bắc là dân ngoại. Đôi bên nuôi mối hiềm khích lẫn nhau mãi đến thời Đức Giêsu vẫn còn. Nên họ không qua lại nhau vì sự khác biệt về vùng miền và sắc tộc.
Vương quốc Giuda phương Nam thì tồn tại lâu hơn trong sự lệ thuộc vào người Assyria rồi cuối cùng cũng bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Thành phố Giêrusalem bị tàn phá, Ngôi Đền Giêrusalem bị san thành bình địa, dân nước Giuđa một số bị giết, một phần bị lưu đầy sang Babylon. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ nhất của dân tộc Do Thái cổ và cũng đánh dấu sự kết thúc thời kỳ được sách vở gọi là “Ngôi Đền thứ Nhất” (825-586 TCN).

Thứ hai: Lc 4, 24-30.
Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là đồng hương hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta biết hết lòng tin yêu Chúa và nỗ lực làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Quen quá, hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu.
Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ hoài nghi rồi dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ mới tin nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người đồng hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe hai câu chuyện thời xưa.
- Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả, mà lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta. 
- Và trong lúc nhiều người bị phong cùi, nhưng không ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man, người ngoại xứ Xy-ri-a. 
Nghe hai câu chuyện đó dân làng Nazaret hiểu Chúa Giêsu ám chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực sâu, nhưng Người bỏ họ mà đi. 
Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan niệm sẵn có trong đầu họ. Chính quan niệm sai lầm đưa đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mù quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau.
Xin cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở. Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình thương cứu độ của Chúa dành cho mọi người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có thể đón nhận được ơn cứu độ.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành Lời Chúa dạy, nhờ thế ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.

Thứ ba: Mt 18, 21-35.
“Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Ngược lại lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Ai trong chúng ta lại không lầm lỗi thiếu sót. Ai trong chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta hãy lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, như chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.
Khi muốn nói một điều khó nói, người ta dùng câu chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta lại dùng câu chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào lột tả hết, người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng câu chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi con người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua tha hế cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta không bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy hết lời van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh nộ bắt giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là Thiên Chúa. Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường xuyên, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay hữu ý xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ. 
Con người là con vật có xã hội tính. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác. Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến và phát triển nhiều phương diện. Tuy nhiên đời sống chung cũng có khi gây nên không ít phiền hà, làm khổ cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng. Tha thứ cho nhau không là chuyện dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Như để thực hiện được sự tha thứ cho nhau theo như ý muốn của Chúa ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy tội lỗi thường xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai hoàn hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông cảm tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của mình. Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ hoà giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.
Trong mùa chay chúng ta hãy duyệt xét lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều bất hòa, chúng ta hãy hòa giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa thương tha tội cho ta.

Thứ tư: Mt 5, 17-19.
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri, nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật Chúa và Giáo huấn Giáo hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến và tuân giữ.
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và nhân dân bàn thảo, nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế. Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho tất cả mọi người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu. 
Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…”. Như thế đã có sai lạc nào đó về quan niệm, cách thế giữ luật của những người Biệt Phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn. Cần xác định lại những yếu tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật: là nhằm đem lại lợi ích cho con người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những phương tiện nhằm giúp con người nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang lại những giá trị trên, trái lại chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ làm gì. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).
Ưu tiên của luật: Thiên luật là luật do Thiên Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ; còn nhân luật là luật do con người làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc. Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật: Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (x. Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong thân phận hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất yếu. Tuy nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị tốt xấu các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết: Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: “Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình” (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một điều tích cực trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm chí là xấu xa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt 25,31-46).
Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo qua cách thức giữ luật. Xin Chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình thức bên ngoài, mà còn phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.

Suy niệm 2: Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng như chúng ta biết thêm về lý do quan trọng mà Ngài đến trần gian này là:“không phải hủy bỏ lề luật hay các tiên tri, nhưng là để kiện toàn”.
Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời gian, nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải thích sai lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn. 
Luật của Chúa được ban cho nhân loại xuyên qua dân tộc Do Thái, bởi trung gian là ông Môsê. Luật đó được gìn giữ và bảo tồn qua thời các ngôn sứ. Nhưng đến thời Chúa Giêsu, luật Chúa được trao quyền cho các kinh sư giải thích và hướng dẫn cho dân chúng. Thay vì giúp người dân hiểu biết rõ về luật Chúa cũng như tinh thần đúng đắn phải có khi tuân giữ luật Chúa, thì trái lại các ông lại thêm thắc vào đó quá nhiều chi tiết từ 10 điều lên đến 613 điều khoản, khiến cho dân chúng rối ren không còn phân biệt đâu là điều chính đâu là điều phụ nữa.
Hơn nữa các ông lại quá chú trọng đến hình thức bên ngoài làm cho người dân có cảm giác luật Chúa quá nặng nề bởi những ràng buộc vượt quá khả năng của họ. Nên khi rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đả kích lối sống vị luật của người Pharisêu; cũng như cảnh báo về mối nguy hiểm của những gánh nặng mà dân chúng phải chịu do các kinh sư chất chồng lên vai họ. Có lẽ vì đó mà nhiều người tưởng rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật và các tiên tri.
Để chỉnh sửa lại ý nghĩ sai lệch ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ về lý do mà Ngài đến thế gian này đó là nhằm để kiện toàn lề luật. Vậy Chúa muốn kiện toàn điều gì?
- Trước hết Chúa Giêsu kiện toàn về nội dung văn bản của luật: Phải giữ nguyên trạng giới luật của Chúa, dù một chấm, một phẩy cũng không được thay đổi hay bỏ sót.
- Thứ đến Chúa kiện toàn về hình thức thi hành luật: Nếu các kinh sư và người Pharisêu quá chú trọng bởi hình thức bên ngoài thì Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm giữ luật bên trong. Việc giữ luật chỉ có giá trị đích thực khi nó xuất phát từ trái tim và tấm lòng.
- Cuối cùng Chúa Giêsu kiện toàn về tâm tình phải có khi giữ luật:  Việc giữ luật không phải vì lo sợ. Sợ không giữ thì bị Chúa phạt; lo vì nếu không thi hành luật sẽ bị người đời khinh thường và lên án… nếu mang nặng tâm lý ấy thì quả thật luật trở nên gánh nặng đáng sợ cho đời sống con người.
Điều mà Chúa Giêsu mong muốn là mọi người hãy tuân giữ luật với tấm lòng yêu mến. Chính lòng mến Chúa chân thành sẽ giúp ta cảm thấy vui tươi, thoải mái khi thi hành luật Chúa; và nhờ động lực tình thúc đẩy mà chúng ta không còn sợ hãi do những ràn buộc của luật lệ nữa.
Mong cho mỗi người trong chúng ta hiểu được rằng: vì không muốn nhân loại phải đi lạc đường nên Chúa mới ban truyền lề luật để hướng dẫn. 
Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao ấy của Chúa mà trung thành tuân giữ luật Chúa và GH chỉ dạy với tất cả tấm lòng trân quý và yêu mến của mình.

Đọc thêm:
Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã kiện toàn khá nhiều luật lệ như: luật giết người, luật hôn nhân, luật làm chứng…
1. Kiện toàn luật giết người:
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì Chúa mới là chủ sự sống. Đó là công lý. Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp chỉ buộc tội khi một người phạm tội bằng hành vi cụ thể. Còn Chúa thì đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Vì thế, “Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân”.
Đúng như lời Chúa nói: Giận dỗi chính là nguyên nhân đưa đến tội giết người. Vì khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta; ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác nào giết người không dao.
Cũng thế, khi ta mắng chửi anh em là đồ ngốc là khùng thì chẳng khác nào ta xem thường anh em mình, để rồi hạ thấp họ xuống hàng con vật, không đáng là người nữa. Hành vi như thế là chiếm đoạt quyền phán xét của Thiên Chúa, nên đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Như vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt và kết án, Chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ.".  Tha thứ là cách ta hàn gắn lại những vết thương lòng của ta và cho tha nhân. Tha thứ cũng là cách chúng ta bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với anh em mình.
Xin Chúa cho chúng con biết giữ tâm hồn và môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm. Xin Chúa cũng dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ, như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.

2. Kiện toàn luật hôn nhân:
Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một vợ một chồng. Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân, chẳng những Chúa Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân nữa. “Anh  em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh  em  biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…” (Mt 5:  27-28).
Như thế là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi; vì trong lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành động phản bội tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều xuất phát từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước muốn bất chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong lòng, chúng ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều tốt xấu muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.
E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt nên đã hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm muốn. Từ ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành động ấy là phạm tội bất trung với Chúa.
Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm đuối nhìn người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến những hành vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.
Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi mắt luôn có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ chúng con lỗi đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là tay... bởi vì Chúa đã phán: "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

3. Kiện toàn về luật làm chứng:
Trong cuộc sống, ta thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội, cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham, vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền… ta cũng sẵn sàng chối bỏ niềm tin cách dễ dàng.
Chúa Giêsu xác định: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Do đó để thuộc về Chúa chúng ta cần phải sống và làm chứng cho sự thật, vì sự thật mới giải phóng chúng ta khỏi những ràn buột của gian dối và bóng tối của sự dữ. "Sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8, 32). Vì thế, "hể có thì nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ".
Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời Chúa, luôn can đảm nói và làm theo sự thật, để chúng ta khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ. Nhờ đó cuộc sống mới được an vui, hạnh phúc.

Thứ năm: Lc 11, 14-23.
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối, tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
2. Một số người cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ".
3. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
- Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.

19/03: Kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria
Suy niệm 1: THÁNH GIUSE DẠY TA SÁM HỐI MÙA CHAY
Nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về, thì có lẽ việc trở về sâu xa nhất là trở về cõi lòng mình trong thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, nhận ra tha nhân là anh em mình, nhất là nhận ra con người thật của mình. Nhờ đó mà ta có những điều chỉnh cho đúng đắn phù hợp với ý Chúa hơn.
Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, thì mục đích đã rõ, bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thinh lặng.

Xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng và yêu quý đời sống thinh lặng, nhất là biết học nơi thánh Giuse bài học về “đức thinh lặng”.
Không biết vô tình hay hữu ý, năm nào cũng vậy, GH lại mừng kính thánh Giuse vào đúng lịch PV mùa chay. Chắn hẳn GH rất có lý. Bời lẽ nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về. Mà sự trở về sâu xa nhất lại chính là trở về chính mình và trở về với Thiên Chúa. Nói như vậy thì hơn ai hết Thánh Giuse chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về sự trở về ấy.
1. Trước hết thánh Giuse dạy ta bài học trở về với chính mình trong thinh lặng.
Khi đọc  các sách Tin Mừng, ta không thấy thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse, dù chỉ một lời nói với Mẹ Maria hay với Chúa Giêsu. Ngay cả khi gặp trẻ Giêsu ở trong Đền Thờ sau những ngày lo âu tìm kiếm cũng không có lời nào của ngài hé lộ. Có lẽ qua đó, Thánh Kinh nhằm đề cao giá trị của sự thinh lặng nơi thánh Giuse.
Đúng vậy thinh lặng là thái độ hết sức quý giá: Người đời thường nói: "lời nói là bạc, im lặng là vàng": thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng; là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc! Nhờ thinh lặng mà thánh Giuse có thời giờ gắn bó với Chúa cách sâu xa để nhờ đó ngài dễ dàng nhận ra ý Chúa và cũng dễ dàng chấp nhận thực thi thánh ý Chúa dẫu cho đó là điều không dễ dàng vì đụng chạm đến giá trị và quyền lợi cá nhân của ngài (cha chay và chồng chay). 
Thinh lặng là biểu hiện của sự hiểu biết: Ông bà ta vẫn nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” : Người không biết thì lại lắm mồm vì tưởng người khác không biết như mình, ngườì biết thì lại không nói, vì nghĩ rằng mọi người đều biết. Heidegger khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ của chúng ta hoà quỵện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới. Đó cũng là ý nghĩa mà nhà thơ tài danh của Ấn Độ Rabindranath Tagore muốn chuyển tải khi ông viết: “Nước trong chậu thì sóng sánh; nước trong biển cả thì thẫm đen.....”
Chính nhờ sự thinh lặng trong đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Chính vì thế ngài đã hết lòng bảo vệ, chăm sóc Đức Maria và Hài Nhi Giêsu vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Và trở nên “người công chính”.
Thinh lặng chính là thầy dạy sự khôn ngoan:
Nhìn vào đời sống, chúng ta thầy rằng mình đã sai lỗi quá nhiều trong lời nói. Bởi vì “đa ngôn thì đa quá”. Nói nhiều thì trở nên nói dai và kéo theo nói dở, nói ẩu và dại. Bởi đó hãy thận trọng trong lời nói. Ném một lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một lời nói ra bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp “tứ mã nan truy”. Vì vậy mà lời nói sẽ trở nên mối nguy cơ đánh mất tình thương, chia cắt tình thân và gây nên đau khổ cho nhau.
Hãy học cùng thánh Giuse bài học thinh lặng nhất là trong nhữn giây phút căng thẳng và sóng gió. Bởi nếu biết thinh lặng đúng lúc ta sẽ chặng được 90% đổ vỡ đáng tiếc, vì thinh lặng là thái độ khôn ngoan nhất của con người và là phương thuốc chữa lành những tội lỗi xấu xa.
Truyện kể rằng: Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước Chư hầu liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau. Nhà vua Ấn Độ yêu cầu nhà vua Chư hầu cho biết trong ba pho tượng vàng này, đâu là pho tượng quí giá nhất.
Nhà vua nước Chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quí giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng.
Nhà vua nước Chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.
Có một người tù, biết chuyện xin được xem ba pho tượng và nếu anh ta tìm ra giá trị hơn kém của ba pho tượng này thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do.
Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Chỉ trong ít phút, anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng.
Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “ đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.
Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.
Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình.
Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của thần dân nước nhỏ thì vô cùng kính nể. Ông về nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”.
2. Thứ hai thánh Giuse dạy ta bài học về sự tín thác và sự vâng phục Chúa.
Nếu ông Giacaria nghi ngờ về ý định của Thiên Chúa qua biến cố truyền tin của thiên thần Chúa nơi đền thờ và Mẹ Maria ngỡ ngàng trước lời mời gọi của Thiên Chúa nơi biến cố truyền tìn, thì Giuse lại hoàn toàn vâng phục không một lời chấp vấn hay bối rối gì cả.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử. Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Vâng phục ý Chúa, không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê qua việc vâng theo lời báo mộng của Chúa trong đêm mà nhanh chóng đem mẹ Người và Hài Nhi Giêsu vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Và khi tình hình yên ổn, một lần nữa Giuse lại nghe theo lời báo mộng bỏ Ai-cập đem gia đình trở về Palestine, định cư tại Nagiarét để chăm sóc nuôi dưỡng bằng chính công sức lao động chân chính của mình với nghề thợ mộc.
Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình hơn là ý Chúa. Và mỗi khi gặp phải những tai ương hoạn nạn, chúng ta thường kêu trách và xúc phạm đến Chúa, vì chúng ta cho rằng Chúa bất công và vâng lời chỉ là một hành động hèn nhát, mất tự do và chôn vùi nhân phẩm.
Chúng ta không phải lúc nào cũng biết được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ biết rằng cách của Người thì khác với cách của chúng ta, nhưng cách của Người thì luôn luôn tuyệt vời nhất. Vì thế, hãy tín thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta sẽ trở nên những tôi tớ trung thành và khôn ngoan như thánh cả Giuse ngày xưa.
Truyện kể rằng: Có 3 cái cây trên một ngọn đồi trong rừng, cùng tranh luận với nhau về những hi vọng và giấc mơ của chúng...
Cái cây đầu tiên nói: “Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành tủ đựng vàng bạc châu báu. Tôi sẽ được nhét đầy vàng, bạc và ngọc quý, được trang hoàng với nghệ thuật chạm khắc cầu kỳ và mọi người sẽ thấy rằng tôi rất đẹp”.
Đến lượt mình cây thứ hai nói: "Tôi ao ước sẽ được là một con thuyền mạnh mẽ. Tôi sẽ chuyên chở các vị vua và hoàng hậu đến mọi nơi trên thế giới. Mọi người sẽ cảm thấy an toàn khi ngồi trên thuyền tôi vì thân tàu mạnh mẽ và vững chắc".    
Cuối cùng cây thứ ba mơ ước: "Tôi muốn được là một cây cao lớn và mạnh mẽ nhất trong rừng. Mọi người sẽ nhìn thấy tôi trên ngọn đồi, nhìn lên các cành của tôi và biết rằng tôi đang vươn cao và gần bầu trời đến mức nào. Tôi sẽ mãi là cái cây vĩ đại nhất và mọi người sẽ luôn nhớ đến tôi".
Sau nhiều năm cẩu nguyện, ngày mong đợi của chúng cũng đến - một nhóm người lấy gỗ đến khu rừng đó.
Một người trong bọn họ tiến đến bên cây thứ nhất và nói: "Cây này trông có vẻ chắc lắm đấy. Tôi nghĩ là tôi sẽ bán nó cho anh thợ mộc" và anh bắt đầu đốn cây. Cái cây cảm thấy rất hạnh phúc vì nó nghĩ rằng anh thợ mộc sẽ dùng nó để đóng thành một hộp đựng đồ quý giá...    
Nhìn thấy cây thứ hai, người thợ rừng bảo: "Cây này cũng chắc lắm đấy, ta sẽ bán nó cho một hãng đóng thuyền". Cây thứ hai vô cùng sung sướng vì nghĩ rằng mình sắp được đóng thành một con thuyền lớn.
Khi người thợ rừng tiến đến gần cây thứ ba, nó cảm thấy thật sợ hãi bởi vì nó biết rằng nếu ông ấy hạ nó giấc mơ của nó sẽ không thể nào thành hiện thực được. Một người thợ bảo "Tôi chưa có dự định gì đặc biệt cho số cây của tôi nhưng tôi sẽ chặt cái cây này". Và ông ta cưa nó.    
Khi cây thứ nhất đến tay người thợ mộc, ông đóng nó thành máng ăn cho ngựa. Sau đó ông ấy đặt nó trong chuồng ngựa và chất đầy cỏ khô lên. Đây không phải là điều cái cây mơ ước.
Còn cây thứ hai, nó được xẻ ra và đóng thành một cái thuyền câu cá nhỏ. Mơ ước được trở thành một con thuyền mạnh mẽ và được chở các vị vua đã kết thúc.
Cây thứ ba thì bị cưa thành những thanh gổ lớn và bị xếp vào một góc tối tăm, hôi hám.    
Rồi năm tháng trôi qua, những cái cây đã quên hết ước mơ của mình. Thế rồi một ngày nọ một người đàn ông và một phụ nữ đến bên chuồng ngựa. Cô ấy sinh nở tại đây và họ đặt đứa bé nằm trong lớp cỏ khô trong máng ăn được đóng từ cây thứ nhất. Người đàn ông ao ước có được một cái giường cũi cho đứa bé và ông ấy sẽ sử dụng cái máng với mục đích này. Cái cây cảm nhận được tầm quan trọng của việc này và nó biết rằng nó đang giữ trong tay một tài sản quý báu nhất.
Vài năm sau, có một nhóm người bước lên chiếc thuyền câu được làm từ cây thứ hai. Một người đàn ông mệt và ngủ thiếp đi. Trong khi họ đang lênh đênh trên biển, một cơn bão lớn nổi lên và cái cây không nghĩ rằng mình đủ mạnh để đưa họ qua cơn sóng to gió lớn này. Họ đánh thức người đàn ông đang nằm ngủ, ông ấy đứng dậy và nói: "Biển lặng". Ngay tức thì
cơn bão tan biến. Trong lúc này cây thứ hai biết rằng nó đang được chở vị vua của tất cả các vị vua trên thuyền.
Cuối cùng cũng có người đến và mang cái cây thứ ba đi. Nó được khiêng qua các con đường. Suốt dọc đường người ta nhạo báng người đàn ông đang khiêng nó. Khi họ lên đến đỉnh đồi, người đàn ông kia bị đóng đinh trên cây và bị treo ở đó cho đến chết. Ngày Chúa nhật đến, cái cây cảm thấy mình đủ mạnh để đứng trên đỉnh đồi và thật gần với Thượng Đế bởi vì Chúa đã bị đóng trên thân của nó.
Do vậy, khi mọi việc diễn tiến không đúng với những gì ta mơ ước, hãy luôn tin tưởng và phó thác vào Chúa bởi vì Người luôn luôn có sẵn kế hoạch cho chúng ta. Hãy vững tin rồi chúng ta sẽ nhận được quà tặng từ Người. Giống như những cây kia, cuối cùng cũng đạt được giấc mơ của mình tuy không hoàn toàn giống như những gì chúng nguyện cầu.
Lạy Chúa, giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, con phải chọn lựa như thế nào?. Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, con biết đâu là đúng, đâu là sai? Xin cho con biết học nơi thánh Giuse bài học của thinh lặng để trở về với chính mình và với Chúa. Xin cho con biết chọn tiếng Chúa mời gọi hơn là tiếng đời thúc đẩy và nỗ lực thi hành tiếng Chúa với hy vọng được trở nên công chính theo gương thánh cả Giuse kính yêu. Amen.

* Tóm lược:
THÁNH GIUSE DẠY TA SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY
Không biết vô tình hay hữu ý, năm nào cũng vậy, GH lại mừng kính thánh Giuse vào đúng lịch PV mùa chay.
Chắn hẳn GH rất có lý. Bời lẽ nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về, thì sự trở về sâu xa nhất lại chính là trở về chính mình và trở về với Thiên Chúa. Nói như vậy thì hơn ai hết Thánh Giuse chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về sự trở về ấy.
1. Trước hết thánh Giuse dạy ta bài học trở về với chính mình trong thinh lặng.
Khi đọc  các sách Tin Mừng, ta không thấy thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse, dù chỉ một lời nói với Mẹ Maria hay với Chúa Giêsu. Ngay cả khi gặp trẻ Giêsu ở trong  Đền Thờ sau những ngày lo âu tìm kiếm cũng không thấy lời nào của ngài hé lộ. Có lẽ hơn ai hết thánh Giuse thấu hiểu về sự quý giá của thinh lặng. 
Đúng thế cha ông chúng ta đã từng nói: "lời nói là bạc, im lặng là vàng": nên chi thinh lặng giá trị hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng; là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc!
Hơn nữa thinh lặng còn là biểu hiện cho sự hiểu biết của một con người. Ông bà ta thường nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” : Người không biết thì lại nhiều lời vì tưởng người khác không biết như mình, ngườì biết thì lại không nói, vì nghĩ rằng mọi người đều biết. Ông Heidegger khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải là ta ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm hồn của chúng ta hoà quỵện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, và của nhiên giới.
Nhưng thực tế đời sống cho thấy chúng ta lại thích nói và nói nhiều hơn là yêu mến sự thinh lặng. Chính vì thế mà chúng ta đã sai lỗi quá nhiều trong lời nói vì “đa ngôn thì đa quá”. Nói nhiều thì trở nên nói dai và kéo theo nói dở, nói ẩu và dại nữa. Do đó hãy thận trọng trong lời nói. Bởi lời nói sẽ trở nên mối nguy cơ đánh mất tình thương, chia cắt tình thân và gây nên đau khổ cho nhau.
Ném một lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một lời nói ra bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp “tứ mã nan truy”. Nên trong những lúc gặp phải những căng thẳng và sóng gió trong đời,  ta hãy học cùng thánh Giuse bài học thinh lặng để lắng nghe được tiếng Chúa khẻ nói với ta mà làm theo, nhờ đó chúng ta sẽ ngăn chặng được những đổ vỡ đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống.
2. Thứ hai thánh Giuse dạy ta bài học sự tín thác và sự vâng phục Thiên Chúa.
Nếu ông Giacaria nghi ngờ về ý định của Thiên Chúa qua biến cố truyền tin trong đền thờ lúc dâng hương. Mẹ Maria thì ngỡ ngàng với biến cố truyền tin, thì Giuse lại hoàn toàn vâng phục thánh ý  Thiên Chúa mà không một lời chấp vấn hay bối rối gì cả.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử. Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Vâng phục ý Chúa, không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê qua việc vâng theo lời báo mộng của Chúa trong đêm mà nhanh chóng đem mẹ Người và Hài Nhi Giêsu vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Và khi tình hình yên ổn, một lần nữa Giuse lại nghe theo lời báo mộng bỏ Ai-cập đem gia đình trở về Palestine, định cư tại Nagiarét để chăm sóc nuôi dưỡng bằng chính công sức lao động chân chính của mình với nghề thợ mộc.
Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình hơn là ý Chúa. Mỗi khi gặp phải những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống, ta thường kêu trách Chúa và lắm khi còn xúc phạm đến Chúa nữa. Vì chúng ta cho rằng vâng phục thánh ý Chúa là hành động hèn nhát, mất tự do và đánh mất nhân phẩm của mình. Thánh Giuse giúp chúng ta hiểu rằng:  không phải lúc nào chúng ta cũng biết được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ biết rằng cách của Người thì khác với cách của chúng ta, nhưng cách của Người thì luôn luôn tuyệt vời nhất. Vì thế, hãy tín thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta sẽ trở nên những tôi tớ trung thành và khôn ngoan theo gương thánh cả Giuse.

Lạy Chúa, giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, con phải chọn lựa như thế nào?. Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, con biết đâu là đúng, đâu là sai? Xin cho con chúng con mùa chay thánh này biết đến với thánh cả Giuse để học nơi thánh nhân bài học của sự trở về trong thinh lặng mà nhận ra thánh ý Chúa và trở về với Chúa để vâng phục thánh ý Ngài  theo gương thánh cả Giuse kính yêu. Amen.

Suy niệm 2: NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH 
Hòa nhịp cùng Giáo hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, là bổn mạng của quý anh em giới Gia trưởng, cách riêng một số anh em có thánh bổn mạng là Giuse. Nhân dịp này chúng ta cùng nhau hướng về thánh Giuse để chiêm ngưỡng đời sống tuyệt đẹp của Ngài mà học đòi bắt chước. 
Khi nhìn vào đời sống của thánh nhân, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đồng ý với nhau rằng: thánh Giuse là một con người trung thành. Đây là nhân đức tuyệt đẹp, đáng để cho chúng ta noi theo trong sứ mạng xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. 
1. Thánh Giuse trung thành bảo vệ gia đình.
Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ Thánh gia.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử.
Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, Thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vả tại xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.
Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.
Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của người gia trưởng.
Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng!
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như Thánh Giuse, dù khi ngủ, ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.
2. Thánh Giuse trung thành giáo dục con cái.
Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của Thánh gia qua câu: “Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta” (Lc 2,40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện: Thể dục, trí dục, đức dục …
- Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng. Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ, vậy mà không thấy Thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi. Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa.
- Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình Thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi Thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế?
Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu Thánh kinh và nghiên cứu Luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại. Sau này khi rao giảng Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc Lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến giáo dục tri thức cho con mình nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các khoản Luật và Lời Chúa.
- Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi Thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.
Chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng “đẹp lòng Chúa Cha”. Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ “xin vâng” theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria:
Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng Thánh Thiện lại gánh lấy tội nhân. Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó…; và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế nên Người hằng xác quyết: “lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).
Vậy những bậc cha mẹ cũng hãy noi gương thánh Giuse, quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới hy vọng con chúng ta trở nên tốt.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng-vợ, người cha-mẹ, người gia trưởng-hiền mẫu trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha-mẹ và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.
Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, xin cho các gia trưởng-hiền mẫu quyết sống với hai chữ TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse. Amen.

Thứ sáu: Mc 12, 28b-34.
Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Kinh sư tới hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất. Thời bấy giờ trên đất nước Do Thái cũng có nhiều phe nhóm. Tùy theo quan điểm cá nhân nên mỗi phe nhóm cũng đề cao một số luật lệ nào đó. Có lẽ vì thế mà nhân cơ hội này, họ cũng muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Và cũng qua cách thức thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về Thánh kinh và luật lệ của Chúa Giêsu tới mức độ nào?. Qủa là thâm ý!
Chúa Giêsu thừa biết thâm ý của họ. Nhưng vì đây là vấn đề rất quan trọng trong đời sống đức tin nên cần phải xác định cho rõ ràng. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời cho họ hiểu đâu là điều luật quan trọng nhất mà TC chỉ dạy. Bằng cách trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là:“ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”, Chúa Giêsu đã tóm lược cho biết điều luật căn bản và quan trọng nhất trong mọi điều luật đó là luật “tình yêu”. “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” và “yêu thương người thân cận như chính mình”.
- Nhưng “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” thì phải làm gì? Thưa, yêu mến Đức Chúa thì phải siêng năng đến với Chúa, sống thân tình với Chúa, hân hoan vì được lắng nghe lời dạy của Chúa, nhất là vui thích làm theo điều luật của Người hướng dẫn; còn mến Chúa “hết”…nghĩa là đặt Chúa làm ưu tiên trong mọi giá trị mà ta chọn lựa và Chúa luôn là trung tâm của đời sống của ta.
- Còn việc “yêu người thân cận như chính mình” nghĩa là làm sao? Thưa đó là phải yêu thương hết mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ.. bạn hay thù. “Yêu như chính mình” có nghĩa là phải đối xử với mọi người cùng một “tình yêu” như ta đối xử với chính ta, theo như tinh thần của thánh Phaolô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm.12,15). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải “yêu như Chúa yêu”, một tình yêu trao ban, cho đi nhưng không và sẵn sàng chết đi cho người mình yêu. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).
Để cụ thể hóa tình yêu đối với tha nhân, GH mời gọi chúng ta hãy tích cực thực hiện 14 mối yêu người (thương xác 7 mối; thương linh hồn 7 mối).
Xin Chúa cho chúng ta mùa chay này biết nỗ lực thực thi điều luật Giêsu Chúa chỉ dạy là mến Chúa yêu người cách sâu xa hơn, theo tinh thần mà Chúa Giêsu mong muốn.

Thứ bảy: Lc 18, 9-14.
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục. Xin cho chúng ta có được thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết sức mạnh của lời cầu nguyện khiêm nhường như thế nào?
Hình ảnh của người thu thuế phía cuối đền thờ mà tin mừng hôm nay trình thuật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp bởi dáng điệu rất đổi khiêm nhường, đẹp bởi tính cách hết sức đơn sơ và tâm tình rất chân thành nên lời cầu nguyện của anh ta đã vượt qua được mọi rào cản và chọc thủng mây trời mà chạm vào tận trái tim của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Nên đã được Thiên Chúa đón nhận: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Thứ bảy cũng là ngày GH hướng lòng về Mẹ Maria để tỏ lòng kính mến cách đặc biệt. Hơn ai hết Đức Maria là mẫu gương về lòng khiêm nhường thẳm sâu cho chúng ta noi theo. Bởi lúc nào Mẹ cũng ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa. “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 48). Chính lòng khiêm nhường ấy đã nâng Mẹ lên tận thiên đường với một hình ảnh tuyệt đẹp như sách khải huyền mô tả…
Ước mong mùa chay này, chúng ta can đảm loại trừ được thái độ kiêu căng tự mãn hay đề cao mình như người Biệt Phái để yêu thích mặc lấy chiếc áo khiêm nhường của người thu thuế và của Mẹ Maria. Được như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng được Chúa nhận lời.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...