Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

                                                                   Lm Viki

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH NAM NỮ (1/11)

Kh 7, 2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc Thật

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hướng vọng lên cao để chiêm ngắm vinh quang rạng ngời nơi các thánh Nam Nữ. Các ngài đã trung thành bước theo Chúa đến cùng trên con đường “tám mối phúc thật”, dẫu phải chịu nhiều đau thương thử thách. Nên các ngài xứng đáng được Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời.

Dâng thánh lễ hôm nay, một mặt chúng ta chúc tụng ngợi mừng các thánh; mặt khác chúng ta cũng không quên xin ơn Chúa ban cho chúng ta niềm tin yêu và lòng trung tín để dấn bước trên con đường 8 mối phúc thật theo gương các thánh, với niềm hy vọng sẽ được chung niềm vinh phúc cùng với các ngài trong nhà Cha trên trời.  

Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.

Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu). Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật.

Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?

Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật. Đó chính là thực thi 8 mối phúc thật.

Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.

Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân bằng tình yêu.

Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước vào con đường 8 mối phúc mà Chúa Giêsu đã vạch ra và hâm hở tiến bước với lòng đầy niềm tin, nên tất cả đã đi đến đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang nước trời do Chúa tặng ban.

Mừng lễ các Thánh Nam Nữ, ngoài việc chúng ta tôn vinh chúc tụng các ngài là cha ông, bạn bè, người thân… của chúng ta đã đi trọn con đường 8 mối phúc và nay đã khải hoàn vinh hiển trong vinh quang; chúng ta còn phải nổ lực nên thánh giữa đời theo gương các ngài, với niềm xác tín như Thánh Augustinô: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không được?”.

Xin các thánh ngự bên tòa Chúa hằng thương nguyện giúp cầu thay cho chúng ta luôn can đảm bước theo con đường các Thánh Nam Nữ đã đi, bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó chúng ta đạt được điều mà mình hằng khao khát là hạnh phúc thật. Amen.

 

Thứ hai: LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN (2/11)

Làm Gì Để Giúp Đỡ Các Đẳng Linh Hồn?

Để nhắc nhở chúng ta siêng năng “đi viếng nhà thờ” mà cầu nguyện cho các đẳng linh hồn vào tháng 11, người ta thường kể cho nhau nghe câu chuyện sau đây:

Ở một Họ đạo nọ, có một người đàn ông sống đạo rất khô khan nguội lạnh. Ít khi thấy anh ta đi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ một mình. Anh chỉ đi nhà thờ, khi nào đứa con trai cưng bảy tuổi của anh đòi đi mà thôi.

Số là vào một buổi chiều trong tháng các đẳng linh hồn, đứa con của anh thấy bạn bè mình đều được cha mẹ dẫn đi “viếng nhà thờ” để đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời, nó cũng đòi đi cho bằng được, để cầu nguyện cho ông bà nội đã qua đời.

Sau khi đưa ra hết mọi lý lẽ để cản ngăn con đừng đi nhà thờ không thành công, anh ta đành phải chiều lòng con mà đưa nó đến nhà thờ.

Nhưng khi đến nhà thờ, anh không vào tham dự thánh lễ mà ngồi chờ con bên ngoài hành lang nhà thờ. Anh dặn đứa con: “Khi nào con đọc kinh xong thì ra, ba sẽ đưa con về!”.

Nhưng vì ngồi chờ quá lâu ở ngoài nhà thờ, nên anh ta đã ngủ quên và không biết giờ kinh đã xong lúc nào. Trong khi đang say ngủ như vậy thì anh mơ thấy một đoàn các Thiên Thần đông vô kể, từ trên trời bay xuống, vị nào cũng ì ạch mang theo những bao chứa đầy những thứ có màu trắng tựa như bông, lại bốc mùi rất thơm không thể nào diễn tả được. Quá tò mò, anh chạy theo một vị Thiên Thần và hỏi nhỏ: đó là thứ gì vậy? Vị Thiên Thần trả lời: đây là “các ơn thánh” mà những người trên trần gian đã tích góp được nhờ vào việc đọc kinh, lần hạt và đi viếng nhà thờ, nay gửi xuống cho người thân của họ đang bị giam cầm trong Luyện ngục. Được lệnh của Thiên Chúa nay chúng tôi đi giao quà. Nghe vậy, anh liền rón rén đi theo các Thiên Thần. 

Khi các Thiên Thần đi đến đâu thì các linh hồn đều rất vui mừng bởi họ đều nhận được thật nhiều quà “ơn thánh” mà bà con thân thuộc của họ gửi đến cho họ nên ai cũng đều cám ơn rối rít.

Sau cùng, còn lại một món quà nho nhỏ, các Thiên Thần tìm đến một phòng giam trông rất hoang vắng rồi gõ cửa và nói: “Này, ông bà cụ ơi, có quà của cháu nội gửi cho ông bà đây, ra mà nhận!”. Bổng từ bên trong có tiếng vọng ra vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Trời ơi, chúng tôi mà cũng có người tưởng nhớ tới sao! Bởi vì từ khi chết cho tới nay đã lâu quá rồi, đâu có ai nhớ đến chúng tôi nữa mà gửi quà! Nhưng thật cảm động vì hôm nay chúng tôi nhận được món quà hết sức quý giá của đứa cháu nội, ôi hạnh phúc biết bao!”. 

Thật bất ngờ không thể tin vào mắt mình nữa, bởi vì vừa khi mở cửa ra để lãnh quà “ơn thánh” của đứa cháu nội, thì anh ta nhận ra đó chính là cha mẹ ruột của anh. Nhưng giờ đây hình dáng của hai ông bà đã gầy óm và hốc hác đi quá nhiều, trông rất là đau khổ.

Lúc ấy anh thấy hai ông bà hướng mắt nhìn về anh rồi từ từ tiến lại gần anh với một vẽ mặt rất tức giận. Với cái gậy đang cầm sẵn trong tay, ông bà đã phang thẳng vào đầu anh một cái thật mạnh và quát lớn: “Thằng con bất hiếu kia, mi còn mò tới đây làm gì nữa! Mi quả là đứa con bất hiếu! Mi coi gương đứa con của mi mà từ nay ăn ở sao cho phải đạo đó!”. Bị đánh một cú quá bất ngờ và đau điếng, anh chàng bèn tỉnh giấc. Khi ngước mặt lên, anh ta bất ngờ nhìn thấy ông từ trông coi nhà thờ đang đứng trước mặt anh và la lớn tiếng: “Mi là ai mà giờ này còn nằm trước cửa nhà thờ ngủ như thế này!”.

Bấy giờ anh ta mới biết là mình đang mơ. Và cú gậy vừa rồi là do ông từ đánh, chứ không phải ba mẹ anh đánh!

Trên đường lủi thủi về nhà, người đàn ông ấy đã suy nghĩ thật nhiều về giấc mơ ấy. Cuối cùng anh ta cũng quyết tâm đổi đời. Từ đó anh ta cương quyết sống đạo tốt hơn, siêng năng tham dự thánh lễ thường xuyên và lúc nào cũng nhớ cầu nguyện cho cha mẹ anh ta thật nhiều.

Câu chuyện trên là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là trong tháng 11 này, vì các ngài đang chờ đợi nơi chúng ta những người còn sống tặng “quà ơn thánh” cho họ.

Qùa ơn thánh mà những người đã chết mong chờ chính là những việc làm bác ái yêu thương, là những kinh nguyện sáng chiều, là những hy sinh phục vụ chân thành và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận của mình trong gia đình, nơi họ đạo và ngoài xã hội. Nhất là những thánh lễ mà chúng ta cùng hiệp dâng lên Chúa mỗi ngày với niềm xác tín vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nhờ vào tình thương cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.

Với tình yêu mến và hiệp thông trong đức tin, chúng ta hãy tích lũy thật nhiều quà công đức mà gửi tặng các linh hồn nơi luyện tội, trong đó rất có thể là ông bà, cha mẹ, người thân của chúng ta, với niềm xác tín vào lòng Chúa thương xót  sẽ được Chúa thanh luyện nên trinh trong, hầu xứng đáng bước vào nước trời chung hưởng niềm vinh phúc trên trời cùng các thánh trong nhà Cha muôn đời. Amen.


Thứ ba: Lc 14, 15-24

Đời người ai cũng khao khát được hạnh phúc nước trời. Nhưng làm thế nào để đạt được niềm khát khao sâu xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết. Xin cho chúng ta biết lắng nghe và nỗ lực thực thi điều mà Chúa Giêsu chỉ dạy để được tham dự vào bàn tiệc nước trời.

Thấy cái này nhớ đến cái kia, hay làm cái này nghĩ cái nọ, đó là suy nghĩ thường tình của con người. Cũng thế, trong bữa tiệc nhà thủ lãnh Biệt phái, một người ngồi đồng bàn cùng với Chúa Giêsu đã bộc bạch nỗi khát khao của mình “phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã hướng dẫn ông cũng như chúng ta cách thế làm sao để được tham dự bữa nước trời.

Chúa Giêsu cho biết bàn tiệc nước trời đã dọn sẵn sàng và rộng cửa mời gọi  mọi người vào tham dự. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng cho thấy con người lại quá say mê nhiều thứ khác ở trần gian nên dễ dàng từ chối bàn tiệc nước trời.

Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do khiến con người thường hay từ chối lời mời gọi tham dự bàn tiệc nước trời: 1 Mới tậu một thửa ruộng, nên cần phải đi xem đất. 2 Mới mua năm đôi bò nên phải đi thử chúng. 3 Mới cưới vợ, bởi đó không thể đến được. Những lý do trên chung quy lại chỉ vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị vĩnh cửu sau này.

Hằng ngày, hàng tuần Chúa tha thiết mời chúng ta đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để ta cảm nếm niềm vui nước trời. Nhưng chúng ta lại tìm mọi cách, diện mọi lý do để khướt từ. Tất cả cũng vì cơm áo gạo tiền.

Xin Chúa ban cho chúng lòng cam đảm để vượt lên trên những giá trị trần thế chóng qua để siêng năng đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể mà Chúa thiết tha gọi mời. Nhờ đó chúng ta sẽ cảm nếm được niềm vui hạnh phúc nước trời hôm nay và mai sau.


Thứ tư: Lc 14, 25-33

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ chân chính của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực làm theo lời dạy của Chúa với mong muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.

Thời buổi kinh tế thị trường như hôm nay, trước khi đầu tư vào bất cứ công việc gì, người ta cũng phải tính toán rất là chi tiết, kẻo thất bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.

Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là quyết định hệ trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc đời này và đời sau. Vì thế, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải hãy suy tính thật cẩn trọng. Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế. Cũng vậy muốn chống lại quân thù kéo 20 ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối đầu nổi không. Nếu chỉ có 10 ngàn quân lại không có kế sách nào hay, thì tốt nhất nên cầu hòa, hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.

Nếu những sự đời như xây nhà, đánh trận mà người ta còn biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và làm môn đệ của Chúa không phải là chuyện đùa, nên cần phải chuẩn bị thật chu đáo. Vậy phải chuẩn bị thế nào?

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết sẽ phải chuẩn bị 2 cách: 1 là từ bỏ, 2 là vác thánh giá. Đó là phương cách hữu hiệu để được làm môn đệ Chúa và sẽ chiếm hữu được nước trời.

Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất mát và thấy thương đau vì những thử thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…xem ra còn dễ. Nhưng từ bỏ bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là rất khó khăn. Thật khó biết bao phải bỏ tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa hoàn toàn. Nhưng với ơn Chúa ta có thể bỏ được mọi sự chóng qua ở đời này.

Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước trời.


Thứ năm: Lc 15, 1-10

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà chân thành sám hối để an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.

Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”. Tác giả người tôi tớ Chúa là đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:

1. Chúa Giêsu không biết làm toán.

Với dụ ngôn con chiên bị mất, cho thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán!

2Chúa Giêsu không sành luận lý.

Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình. Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!

Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.

Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu cao vời của Chúa.

Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.


Thứ sáu: Lc 16, 1-8

Làm thế nào để trở thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan Chúa ban để sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho nước trời.

Quản gia là người được ông chủ rất tin tưởng trao phó trông coi tất cả tài sản. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất trung.

Anh ta khôn ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của chủ để thu lợi bất chính cho mình. Đến khi chủ gia khám phá và có ý định sa thải, thì một lần nữa anh ta lại khôn ngoan nghĩ ra cách thức đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có, anh đã nghĩ ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, với suy tính sau khi mất việc, anh sẽ được nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà họ.

Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta đã không trung thực trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của chủ làm lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc luân lý đòi buộc là anh đã dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt.

Khi ca ngợi hành động khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta học nơi người quản gia này biết khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai xa.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm phụng vụ, lời Chúa hôm nay là hồi chuông cảnh tỉnh những ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi lối sống bất trung với Chúa và gian dối với người khác kịp thời điều chỉnh lại cuộc sống mình sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền của… để sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa, cho người và cho đời.


Thứ bảy: Lc 16, 9-15

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xác định lại chỗ đứng đích thực của đồng tiền để có sự chọn lựa khôn ngoan cho những giá trị của cuộc sống. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.

Chúng ta đang sống trong đời đại kinh tế thị trường nên tiền bạc có sức ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống. Nếu không thức tỉnh chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy kim tiền mà đánh mất những giá trị cao quý khác, và có nguy cơ loại bỏ TC ra khỏi cuộc sống của mình. 

Dẫu biết rằng tiền của thế gian chỉ là phương tiện chứ không phải là ông chủ. Nhưng vì tiền bạc giúp con người có được cuộc sống sung túc và thoải mái nên nó có một sức hút rất mãnh liệt. Nhiều người say mê tiền bạc đến nỗi đặt nó lên làm ông chủ để tôn thờ ngang hàng với thần thánh “tiền là tiên là phật”. Chính vì đặt tiền bạc vào địa vị cao nhất đời mình, nên họ dễ dàng loại bỏ tất cả những giá trị cao quý khác. Vì tiền người ta có thể làm bất cứ việc gì ngay cả tham nhũng, gian lận, bán rẻ nhân phẩm và giết hại lẫn nhau để có được đồng tiền.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy được giới hạn của tiền bạc, và qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy vươn tới tình bạn hữu và giá trị nước trời: Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16, 9). Đúng vậy, tiền bạc không phải là ông chủ để ta tôn thờ mà chỉ là đầy tớ để phục vụ cho tình bạn và là phương tiện vật chất làm bậc thang lót đường để đưa ta đến với nhau và cùng nhau vươn lên đến tận trời cao. Vì thế mà Chúa Giêsu quyết liệt đòi buộc chúng ta phải có thái dứt khoát chọn lựa giữa Thần Tài và TC: “Các con không thể làm tôi TC mà lại làm tôi tiền của được!”.

Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình và đặt Chúa làm vị trí trung tâm và cao nhất trong các chọn lựa của đời sống Chúng ta. Để cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, chúng ta vẫn trung thành với Chúa Đấng đáng chúng ta yêu mến và tôn thờ.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

                                                                        

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A

Mt 22, 34-40

YÊU NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Có thể nói điều luật quan trọng nhất của nhân loại nói chung, cách riêng với người Kitô hữu chúng ta là “Tình Yêu.” Bởi khởi nguồn của tình yêu là ở nơi TC “TC là Tình Yêu” (1Ga 4,8 ). Ngài là đấng đặt vào trong ta tình yêu và dạy cho chúng ta biết yêu. Vì thế chúng ta không thể sống nếu thiếu tình yêu.

Xin Chúa đong đầy tình yêu của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta, để ta luôn trung thành “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình” như lời Người truyền dạy qua phần phụng vụ lời Chúa hôm nay.

Thời Chúa Giêsu ở Do Thái có đến 613 luật điều. Trong đó có 365 luật cấm và 248 luật buộc. Ngoài ra họ còn quy định một số điều luật phụ khác nữa. Sống trong một xã hội mà có quá nhiều luật lệ như vậy quả là rối não! Chính vì thế mà Tin mừng hôm nay cho biết nhóm Biệt phái đã cử ra một nhà thông luật đến để hỏi thử Chúa Giêsu xem điều luật nào là quan trọng nhất: Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?". Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi nếu Chúa Giêsu đề cao bất kỳ bất cứ luật điều nào cũng đều vướn phải vấn đề nhạy cảm là “lợi ích nhóm,” vì hiện tình đất nước Do Thái bấy giờ có nhiều nhóm khác biệt, mỗi nhóm lại theo đuổi và đề cao một số điều luật. Vì vậy nếu ủng hộ nhóm này là xem thường nhóm kia, từ đó có nguy cơ gây ra làn sóng kích động chia rẽ, làm bất ổn trật tự xã hội và xáo trộn về niềm tin tôn giáo. Còn nếu không trả lời thì họ cho là Đức Giêsu không am tường lề luật và xách động dân chúng loại trừ Ngài.

Chúa Giêsu dư biết thâm ý của họ nên Ngài khéo léo dẫn đưa nhà thông luật quay về nguồn cội của lề luật và lời của các tiên tri, bằng cách trích dẫn lại 2 điều luật quan trọng nhất đã được ghi trong sách Đệ Nhị Luật và sách Lêvi mà ai cũng tin nhận. Ngài phán rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi." (Đnl 6,5) và "Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi." (Lv 19,18). Rồi Chúa Giêsu kết luận: "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó." (Mt 22, 38).

Câu trả lời của Chúa Giêsu thật chí lý vì nhóm tôn giáo nào cũng công nhận điều ấy. Nhưng trên hết là Chúa Giêsu đã liên kết hai điều luật căn bản “mến Chúa, yêu người” lại thành một; và nhấn mạnh “yêu thương” chính là cốt lỏi của tất cả mọi lề luật, bởi mọi luật lệ đều phải dựa trên nền tảng của “Tình Yêu”.

Là người Công giáo ai trong chúng ta cũng biết và thuộc lòng 10 điều răn Chúa dạy được tóm lại vào 2 điều quan trọng là: “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy.”  Tuy nhiên cho dù biết, thuộc lòng nhưng rất có thể không ít người trong chúng ta vẫn chưa hiểu rõ và áp dụng đúng đắn luật “Tình Yêu” vào trong cuộc sống. Vậy “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức …” là yêu như thế nào? Và “yêu thương tha nhân như chính mình” là yêu ra sao?

I. Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn. Nghĩa là ta phải yêu Chúa bằng trọn vẹn con người chúng ta. Được cụ thể hóa qua hai hành vi sau đây:

1. Thích nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa.

Lời Chúa nói với ta qua sách Thánh Kinh, qua các giáo huấn Giáo Hội, qua lời chỉ dạy của quý bề trên, qua các biến cố trong đời sống và qua tiếng nói của lương tâm.  Khi ta biết để tâm lắng nghe tiếng Chúa qua những cách thức đó là dấu hiệu chúng ta yêu Chúa. Nhưng nghe không chưa đủ ta còn phải tích cực mau mắn thực hành lời dạy của Chúa như Đức Maria nữa.

2. Đặt Chúa vào vị trí trung tâm và cao nhất trong mọi lựa chọn.

Giả như phải chọn lựa giữa tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực, lạc thú trần gian với thánh ý Chúa, thì chúng ta phải sẵn sàng bỏ tất cả để chọn làm theo ý muốn của Chúa, cho dẫu phải hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc, thú vui, tình thân và ngay cả mạng sống mình nữa, để danh Chúa được tôn vinh và ý Chúa được thể hiện.

Đó là điều mà cộng đoàn tín hữu Thêxalônica đã sống. Thánh Phaolô đã khen ngợi họ vì trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ vẫn tích cực đón nhận lời rao giảng Tin mừng và hy sinh sống tích cực Tin mừng của Chúa nên họ trở thành gương mẫu đức tin cho tín hữu ở nhiều nơi khác noi theo.

II. Yêu thương tha nhân như chính mình. Nghĩa là xem người khác như là mình. Mình quan tâm chăm sóc bản thân mình ra sao? thì phải làm như vậy cho tha nhân. Cụ thể yêu tha nhân như chính mình trước hết:

1. Về mặt tiêu cực: ta không ước mong điều bất lợi, điều ác cho tha nhân như lời chỉ dạy của Tôbia cha dành cho Tôbia con: “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a). Đức Khổng Tử cũng khuyên các đệ tử: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác”. Còn sách xuất hành trong bài đọc 1 hôm nay thì khuyên: “Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ… chớ bắt nó chịu lãi nặng… hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn.” (Xh 22, 21-27).

2. Về mặt tích cực: theo lời Chúa Giêsu dạy: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12).  

- Tình yêu tha nhân còn đòi buộc chúng ta “yêu như Chúa yêu.” (x. Ga 13,34), nghĩa là không chỉ yêu những người thân thuộc và những ai làm lợi cho ta, mà còn yêu cả những người khó ưa hay làm hại ta nữa. Chúa dạy: “Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con” (Mt 5, 44). Yêu thương “như Chúa yêu” là sẵn sàng tha thứ mãi cho những ai xúc phạm đến ta và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống mình để phục vụ lợi ích cho phần rỗi của họ nữa theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã yêu và hiến mạng sống mình để ta được sống và sống dồi dào: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

- Nói yêu thương có lẽ ai cũng nói được và ai cũng hiểu yêu thương là luật điều quan trọng nhất trong đời sống. Tuy nhiên thực hành điều luật yêu thương như Chúa dạy không hề dễ chút nào, vì nó vượt lên trên nguyên tắc công bằng và quy luật bác ái xã hội.

* Thật khó khi chúng ta phải đặt Chúa vào địa vị trung tâm và tối cao trong đời sống, trong khi ngoài kia xã hội chủ trương vô thần và tôn thờ chủ nghĩa vật chất.

* Thật không dễ chút nào để yêu khi phải làm ơn cho kẻ thù và luôn tha thứ cho những người làm hại chúng ta, trong thời đại mà lòng tự trọng và tinh thần cá nhân chủ nghĩa được đề cao…

* Khó! nhưng Chúa Giêsu đã làm được và trở nên gương mẫu cho chúng ta noi theo. Và tin rằng với ơn Chúa ta sẽ thực hiện được vì “đối với TC thì mọi sự đều có thể.” (Mc 10,27; x Lc 1,37).

Xin Thiên Chúa là TY ban tràn đầy sức mạnh tình yêu của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể chu toàn tốt giới luật tình yêu mà Chúa đã chỉ dạy. 

 

Thứ hai: Lc 13, 10-17

Khi suy ngắm về lời nói cũng như hành vi của các nhân vật được đề cập trong đoạn tin mừng hôm nay, gợi lên cho chúng ta nhiều bài học quý:

1. Nơi Đức Giêsu: Vẫn biết rằng việc chữa bệnh cho người đàn bà bị còng lưng trong ngày Sabat là gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều phe nhóm, cụ thể là thái độ phản đối của ông trưởng hội đường hôm nay. Thế mà Chúa Giêsu lại không chùn bước và sợ hãi. Trái lại với tình yêu thúc đẩy và luật bác ái đòi buộc, Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa cho bà. Hành động này của Chúa Giêsu gợi lên trong ta nhiều suy nghĩ:

- Khi thực thi tình bác ái đối với tha nhân, nhiều lúc tôi cũng bị người đời gièm pha chỉ trích hoặc giả bị ngăn cản chống đối. Vậy tôi có chùn bước không?

- Để an phận, để a- dua theo cái nhìn sai lạc của thói đời, tôi có thường dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân không?

- Đã bao lần tôi có đủ can đảm để thực thi luật tình yêu, bằng cách tận tâm giúp đỡ những người gặp khốn khổ chung quanh tôi?

 

2. Nơi ông trưởng hội đường: Với danh phận là người đứng đầu của Hội đường, đáng lẽ ông phải là người đầu tiên cảm thương cho số phận khốn khổ của người chị em mình, vì suốt 18 năm dài lưng chị bị còng không ngẩng đầu lên nổi.

Hơn ai hết ông phải là người vui nhất khi nhìn thấy người chị em mình được cứu chữa;  ấy vậy mà khi chứng kiến người chị em này được Chúa Giêsu chữa lành, ông ta lại tỏ ra khó chịu. Như "Giận cá chém thớt", ông quay về phía dân chúng trút xuống cơn mưa giận dữ khi tuyên bố: "có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong những ngày đó, chứ đừng đến trong ngày Sabat.".

Để cởi trói cái nhìn và quan niệm sai lạc về việc giữ luật ngày Sabat, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của ông, rồi xác định cho mọi người thấy được giá trị cao quý của phẩm giá con người khi tuyên bố: "chớ thì trong ngày Sabat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan đã cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiếng xích buộc nó trong ngày Sabat sao?".  Súc vật mà còn được tháo cởi trong ngày Sabat để chúng tự do đi lại  ăn uống, thì tại sao người đàn bà này là con gái của tổ phụ Abraham và là con Thiên Chúa lại không được thừa hưởng quyền tự do cơ bản đó!.

Qua đây Chúa Giêsu minh chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho đó là tự do làm người và làm con Chúa.

Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái bao dung với hết mọi người như Chúa đã hằng nhân ái với chúng ta. Amen.

 

3. Nơi người đàn bà bị còng lưng 18 năm: Với hình ảnh người đàn bà bị còng lưng 18 năm trời, cho thấy nổi đau mà bà phải cam chịu trong suốt thời gian dài, thật khổ!

Khổ vì không ngước mặt lên được để nhìn người, nhìn đời.

Khổ vì không thể nhìn xa, ngước cao dù chỉ một lần.

Khổ vì mang gánh nặng mặc cảm tội lỗi mà người đời gán ghép cho. (người Do Thái cho rằng bệnh tật là do tội lỗi gây nên).

Khổ vì hằng ngày phải đối diện với bao lời xì xầm nhạo cười của bao người chung quanh, do tướng mạo khác người.

Việc bà được Chúa Giêsu chữa khỏi quả là một niềm vui lớn lao. Vui vì từ nay gánh nặng trên lưng bà được cất khỏi sau 18 năm trời mang lấy. Vui vì khối u tội lỗi đè nặng tâm hồn bà nay được gỡ bỏ. Từ nay bà có thể  ngước nhìn đời và nhìn người cách dễ dàng. Hạnh phúc nào bằng khi hôm nay bà có thể hòa nhập với mọi người trong các sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Từ nay bà tự do hướng nhìn về trời cao và có quyền mơ ước những điều cao quý như bao người!

Tội lỗi, tính hư tật xấu là gánh nặng vô hình nhiều lúc cũng đè nặng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Mong được giải thoát, trút khỏi gánh nặng nề ấy để lòng được thanh thản, an vui là nổi khát khao lớn lao của mỗi người. Nhưng tự sức ta nhiều lúc không đủ sức vượt thoát khỏi những trói buộc  vô hình ấy. Chỉ có quyền lực của Chúa mới có thể cởi trói và giải thoát ta khỏi ràng buộc của ma quỷ mà thôi.

Xin Chúa thương đụng chạm đến con người đầy yếu đuối của ta mà cất đi những gánh nặng do bệnh tật thể xác và tâm hồn do ma quỷ gây ra. Nhờ đó đem lại cho ta nguồn tự do đích thực của đời làm con Chúa.

 

Thứ ba: Lc 13,18-21

Khi muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von. Khi muốn bộc bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta hay nhờ đến những câu chuyện. Còn khi mạc khải về mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu lại hay dùng đến những dụ ngôn. Có thể nói, dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất và cũng hữu hiệu nhất đưa dẫn chúng ta tiếp nhận được những giá trị thiêng liêng và thực tại vô hình.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ hạt cải và tấm men để mạc khải về mầu nhiệm nước trời. Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, âm thầm như tấm men. Nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và có sức lan tỏa đến bất ngờ!

- Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.

- Với tấm men ít ỏi, nhưng khi trộn lẫn vào ba đấu bột thì nó lại kích thích ba đấu bột dậy men, trở thành một khối bột to lớn.

+ Giống như hạt cải ban đầu nhỏ tí ti, nhưng khi gieo vào lòng đất nó mọc lên và trở thành cây cao bóng cả, trở nên nơi trú ẩn an toàn cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy; GH khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi.  Nhưng trãi qua hơn 2000 năm qua, GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. GH đã trở thành nơi tựa nương cho bao nhiêu người yếu đuối, nghèo khổ tựa nương; trở nên bóng mát cho những ai mệt nhòai trên đường đời ẩn náo. Bởi lúc nào GH cũng đứng về phía người nghèo, cô thế cô thân để bênh vực chở che, nhằm đem lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời mời gọi của Chúa Giêsu: "những ai  vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).

+ Tựa như tấm men rất ít ỏi, nhưng khi được trộn vào ba đấu bột nó lại âm thầm kích thích cho ba đấu bột dậy men thành một khối to; làm thành những tấm bánh thơm ngon mang lại niềm vui và nguồn sức sống cho con người. Số tín hữu trong GH ban đầu cũng rất ít ỏi, lại phải sống hòa nhập với mọi người trong một thế giới rộng lớn. Vậy mà chỉ với thời gian ngắn, Tin mừng của Chúa đã thấm nhập và lan tỏa đến mọi người trên khắp cùng thế giới, nhờ vào đời sống hiệp nhất yêu thương và gương chứng nhân đức tin anh hùng của các kitô hữu.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng mở mang nước trời bằng đời sống chứng nhân của tình yêu Chúa; trở thành men Tin mừng thấm nhập vào mọi tâm hồn và lan tỏa đến mọi nơi. Nhờ đó mà GH của Chúa mỗi ngày được lan rộng và vững vàng hơn.

 

Thứ tư: Lc 6, 12-19

KÍNH THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ

Để thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, đem ơn cứu độ đến cho con người, một mình Chúa Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Chúa lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa muốn mời gọi con người cộng tác.

Cụ thể  bài Tin mừng hôm nay liệt kê bảng danh sách 12 tông đồ, những người được Chúa Giêsu tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong sứ mạng hết sức cao cả là loan báo Tin mừng. Để tuyển chọn và trao phó cho con người sứ mạng hết sức cao quý này, Chúa Giêsu đã không làm theo cảm tính cá nhân, hay theo cái nhìn chủ quan. Trái lại Ngài đã thận trọng tìm hiểu và bàn hỏi với Chúa Cha bằng cách suốt đêm cầu nguyện.

Nhìn vào danh sách 12 tông đồ mà Chúa Giêsu tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện, chúng ta nhận thấy đa số các ngài là những người quê mùa, ít học, nghèo khổ, tính tình lại rất người, chẳng tài ba lỗi lạc gì. Trong đó có hai vị tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: Giuđa và Simon.

Thánh kinh ít khi nhắc đến hai vị tông đồ này, ngoại trừ  bảng liệt kê danh sách các tông đồ hôm nay. Được biết trong  số 12 tông đồ có tới hai vị mang tên là Simon. Để phân biệt, Thánh kinh gọi thánh Simon  mừng kính hôm nay là Simon Nhiệt Thành, khác với Simon Phêrô. Cũng vậy, có hai vị mang tên là Giuđa trong danh  sách 12 tông đồ. Nên để phân biệt, Thánh kinh gọi Giuđa mừng kính hôm nay là Giuđa Tađêô khác với Giuđa Iscariôt (phản bội). Cả hai vị không có tài năng nào nổi trội ngoại trừ lòng Nhiệt Thành và sự Tín Trung, theo ý nghĩa biệt danh của hai ngài.

Như vậy, để tuyển chọn những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng mang ơn cứu độ đến với nhân loại, Chúa Giêsu không chọn những người giàu có, tài ba lỗi lạc hay đạo đức thánh thiện trổi vượt. Điều Chúa cần đó là những con người khiêm tốn âm thầm cộng tác với Ngài và tiêu chuẩn mà Chúa đến là lòng Nhiệt Tâm trong sứ vụ và sự Trung Thành cho lý tưởng tới cùng. Thế là đủ!

Xin cho chúng ta ý thức rằng:  ý Chúa luôn tốt hơn ý của ta, sự chỉ dạy của Ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho phần phúc chúng ta. Vì thế mội khi làm bất cứ việc gì, nhất là khi quyết định những việc quan trọng trong đời, chúng ta cần dành thời giờ để cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa; đồng thời cũng nên bàn hỏi với bề trên là những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta. Xin cho chúng ta hằng biết noi gương hai vị thánh tông đồ Simon và Giuđa luôn nhiệt thành trong bổn phận và hằng trung tín với niềm tin.

 

Thứ năm: Lc 13, 31-35

Để thi hành sứ mạng cứu độ con người, Chúa Giêsu đã phải đối mặt với biết bao là thử thách. Có những thử thách xem ra nhỏ nhoi, dễ dàng vượt qua, cũng có những thử thách khắt nghiệt, có nguy hại đến mạng sống và lý tưởng,  xem chừng khó vượt thắng. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu phải đối mặt với hai thử thách hết sức cam go đến từ hai phía.

1. Đến từ bên ngoài:  Vua Hêrôđê đang tìm cách hãm hại và tiêu diệt Ngài. Vì thế khi đến địa hạt thuộc vua này quản lý, Chúa Giêsu đã phải chịu áp lực bởi lời cảnh báo của một vài người...

Nhưng trung thành với với sứ mạng, Chúa Giêsu đã không hề chùng bước và sợ hãi. Trái lại Ngài tỉnh táo phân tích vấn đề và khẳng định nhiệm vụ ưu tiên của Ngài là loan báo tin mừng cứu độ nên phải chu toàn. Mặt khác Ngài cũng rất hiểu về hoàn cảnh và con người của vua Hêrôđê. Vì thế Ngài rất bìn tâm vì biết mình phải đối phó với hoàn cảnh nguy hiểm ấy như thế nào.

2. Đến từ bên trong: Người đời thường nói: giặc ngoài không sợ, nhưng ngại nhất là thù trong. Giêrusalem được xem là trung tâm chính trị, kinh tế , văn hóa và là cái nôi của tôn giáo. Ấy vậy mà nơi đây đã trở nên kinh hoàng nhất vì bao ngôn sứ đã bị giết tại đây và sứ điệp Tin mừng cũng bị khướt từ chính từ nơi này. Chúa Giêsu đã mạc khải cho biết về đau khổ mà Ngài phải chịu, và cái chết đau thương mà Ngài đối mặt cũng sẽ xảy ra chính tại nơi này, nơi mà được xem là người nhà và là cái nôi của tôn giáo.

Đời sống đức tin của mỗi chúng ta cũng luôn phải đối đầu với bao là thử thách. Có những thử thách đến từ bên ngoài, tuy nhiên cũng có những thử thách đến từ bên trong, ngay trong chính bản thân ta cũng có sự xung khắc.

Xin cho chúng ta luôn can đảm sống trọn bổn phận với Chúa với nhau; đồng thời xin Chúa giúp chúng ta kiên vững niềm tin dù có gặp nguy khó trên đường đời.

 

Thứ sáu: Lc 14, 1-6

Thiếu bác ái, việc thực thi lề luật chỉ còn là cái xác không hồn và là những hành động mù quáng. Tin mừng hôm nay, kêu gọi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với nhau trong cuộc sống, bằng việc thực thi tình bác ái, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Đó là cách thức ta thể hiện tâm tình tôn vinh Chúa.

Anh chàng trong bài Tin mừng hôm nay bị bệnh phù thủng chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ.

- Khó khăn trong việc đi lại. Khó khăn mỗi khi tiếp xúc với người khác.

- Đau khổ vì bệnh tật hành hạ, vì bỏ rơi không ai ngó tới. Đau khổ vì bị mọi người khinh ghét, bị xã hội xem thường. Nhưng trên hết có lẽ là nỗi đau mặc cảm vì bị mọi người xem là kẻ tội lỗi.

Nổi khát khao lớn nhất của anh là được làm người bình thường như bao người. Được xã hội tôn trọng; được mọi người quan tâm, yêu mến; được tự do đi lại; nhất là được khẳng định giá trị và phẩm giá làm người của mình.

Hôm nay Chúa Giêsu đã trao ban cho anh món quà vô giá mà anh hằng khao khát đêm ngày, đó là chữa anh khỏi căn bệnh phù thủng. Quả là niềm vui lớn lao, niềm vui chính đáng. Ấy vậy mà niềm vui đó lại bị chống đối. “Hôm nay là ngày Sabát không được phép”.  Không những chống đối quyền làm người của anh, mà họ còn chống đối cả Chúa Giêsu vì đã cho rằng Ngài đã vi phạm ngày Sabát.

Lòng ích kỷ và luật lệ vô hồn, quả là một gánh nặng, một rào cản đáng sợ đẩy con người đến chổ vô cảm và cư xử bất nhân với nhau, khiến người khác không thể vươn lên sống xứng đáng là con người. Họ không hiểu rằng: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.”  Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng và hạnh phúc, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.

Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi chối bỏ và khước từ thể hiện lòng nhân ái đối với người khác, là chúng ta đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Yêu thương và thực thi bác ái đối với người khác cũng là cách chúng ta đền bù tội lỗi trong mùa báo hiếu tháng 11 gần kề.

 

Thứ bảy: Lc 14, 1.7-11

Tin mừng hôm nay ghi lại những lời khuyến cáo của Chúa Giêsu dành cho những kẻ sống kiêu ngạo và khích lệ cho những ai biết sống khiêm nhường. Nhưng làm thế nào để ta phân biệt được đâu là kẻ kiêu ngạo và đâu là người sống khiêm nhường?

Dựa vào câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu trong đoạn tin mừng hôm nay: “Ai nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai họ mình xuống sẽ được nhắc lên.” Chúng ta biết được đâu là kẻ kiêu ngạo và đâu là người sống khiêm nhường. Như thế dấu hiệu của kẻ kiêu ngạo là “tự nhắc mình lên”; và dấu hiệu của người khiêm nhường là “tự hạ mình xuống”.

1. Người kiêu ngạo “tự nhắc mình lên” bằng cách nào? Thưa lhọ:

- Luôn cho mình là kẻ lớn nhất, biểu hiện ưa thích “chọn chỗ nhất” trong đám tiệc.

- Luôn khoe khoang thành tích của bản thân khi tiếp xúc với người khác. 

- Hay phàn nàn và luôn chê bai người khác là ngu dốt, ngầm ý mình là người khôn ngoan và tài giỏi.

- Luôn khăng khăng giữ ý kiến của mình xem thường ý kiến của người khác, không còn khả năng lắng nghe và hợp tác với ai cả.

- Mặt thì vênh váo, sẵn sàng nhẫn tâm chà đạp những người yếu thế, cô thân và thích lên giọng dạy đời người khác.

- Luôn tìm kiếm hư danh nên rất ưa nịnh nọt, sẵn sàng luồn cúi và tâng bốc bề trên. Nhưng sau lưng thì lại chê bai, nói xấu…

Hậu quả của kẻ kiêu ngạo là bị mọi người khinh ghét; bị bạn bè xa lánh… Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết: họ sẽ bị chủ tiệc làm bẻ mặt khi mời họ nhường chỗ cho người khác: “Xin ông nường chỗ cho người này”; nhất là họ còn bị Thiên Chúa hạ bệ:  “ hễ ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống”.

2. Người khiêm nhường “tự hạ mình xuống” ra sao? Thưa đó là người:

- Biết tôn trọng sự thật, dám nói và sống cho sự thật.

- Biết nhận ra giới hạn bản thân, dám chấp nhận thiếu sót và lầm lỗi của mình trước Chúa và tha nhân.

- Luôn sống chân thành cởi mở với mọi người. Sẵn sàng lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa và GH. Luôn mở lòng đón nhận những lời góp ý chân thành và chỉ bảo tốt đẹp của mọi người.

- Biết ý thức những gì mình “là” và “có” đều do ân ban của Chúa nên luôn biết cảm tạ và tôn vinh Chúa, sẵn sàng hy sinh chia sẻ với mọi người về vật chất lẫn tinh thần…

+  Tóm lại: Người sống khiêm nhường là người biết mình là ai? Vị trí của mình đang ở đâu? Và công việc của mình là gì?...

Vì thế mà người sống khiêm nhường luôn được mọi người yêu mến, tôn trọng và thích kết giao. Tin mừng hôm nay còn cho biết họ thật vinh dự khi được chủ tiệc mời lên trên: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”. Nhưng niềm vinh dự lớn nhất của người sống khiêm nhường là được chính Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ như lời Chúa Giêsu phán: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.”

Ta hãy mượn lại tâm tình bài hát sinh hoạt rất hay của nhạc sĩ linh mục Thái Nguyên mà dâng lên Chúa tâm tình cầu nguyện: “Xin cho con biết luôn tự hạ, sống khiêm như Giêsu từ ái. Lòng đơn sơ, chân thành cởi mở. Đời hồn nhiên như hoa nở thắm tươi.” Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa yêu thương nâng đỡ và chúc lành; cũng như được mọi người trân trọng và yêu mến.

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...