Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

 

LỄ AN TÁNG BÀ MARIA TRỊNH KIM SÂM

14/10/2020

TÍN THÁC VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Sáng nay chúng ta quy tụ nơi đây để hiệp dâng hy lễ với bà Maria, có thể nói đây là hy lễ cuối cùng của bà ở trên trần gian này.

Ngoài việc chúng ta cầu xin lòng thương xót Chúa tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót khi còn sống bà đã vướn mắc với niềm tin và hy vọng vào lòng thương xót Chúa bà sẽ được vui hưởng niềm hạnh phúc muôn đời trong nhà Cha trên trời; còn là dịp chúng ta cùng nhau xác tín lại niềm tin vững vàng vào sự sống vĩnh cửu mai sau.

Cách riêng với những người con, người cháu của bà Maria, là dịp đặc biệt để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình dành cho người mẹ, người bà suốt đời tận tụy hy sinh cho mình được lớn lên bằng tình yêu bao la, tựa như trời biển.

Mỗi khi có dịp nhắc đến người mẹ, tôi luôn nhớ đến bài hát “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lời thơ của nhà sư Thích Nhất Hạnh. Tôi thích bài hát này vởi ca từ rất đẹp và giai điệu cũng rất hay làm đụng chạm đến trái tim và làm xao động lòng người. Tôi xin hát một đoạn:

Mẹ, Mẹ là dòng suối diệu hiền.

Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên.

Là bóng mát trên cao.

Là mắt sáng trăm sao.

Là ánh đuốc trong đêm.

Khi lạc lối…

Mẹ, Mẹ là dòng suối ngọt ngào.

Mẹ, Mẹ là nải chuối, buồng cau

Là tiếng dế đêm thâu

Là nắng ấm nương rau

Là vốn liếng yêu thương

Cho cuộc đời.”…

Đúng vậy, tình mẹ thật nhẹ nhàng như dòng suối làm mát cuộc đời từng người con. Lòng mẹ thật ấm cúng nồng nàn tựa như nắng ấm nương rau. Thế nhưng, cho dù có thương nhớ mẹ thì cũng có ngày con cũng không còn mẹ, sẽ là những ngày tăm tối như lời bài hát sánh ví:

Như đóa hoa không mặt trời,

Như trẻ thơ không nụ cười,

Và đời mình không lớn khôn thêm

Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”

Theo nguồn tài liệu cho biết, ý của bài hát này, tác giả đã lấy cảm hứng từ ngày Mother’s day được tổ chức vào Chúa nhật thứ 2 của Tháng Năm tại Châu Âu. Và năm 1962 được tổ chức tại Nhật với phong tục cài cho những ngườì con không còn mẹ một bông hồng trắng, và những ai còn mẹ một bông hồng đỏ.  Nhìn thấy phong tục này thật hay, nên nhà sư Nhất Hạnh đã đem về Việt Nam, cổ võ trong ngày Vu Lan. Vì vậy, phong tục này không phải là truyền thống của Phật Giáo mà là của Tây Phương.

Tấm lòng của mẹ thật nồng ấm và mát trong tựa dòng suối. Mẹ là một món qùa quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Hạnh phúc biết bao cho những ai đã và đang còn có mẹ. Vì thế, đừng đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”. 

Thật đáng buồn cho những người con khi mẹ còn sống chỉ nhìn thoáng qua, trao đổi vài câu ngắn ngủi, hay chỉ xin tiền ăn quà, đòi hỏi mọi chuyện. Tệ hơn nữa là giận dỗi, hờn lẫy và gây bao nhiêu chuyện rắc rối làm cho mẹ phải lo lắng, buồn lòng mà ốm đau. Thật đau lòng khi ai đó để cho mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp, trong khi đó mình lại bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Đến nỗi mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con, và con cũng không có thì giờ để nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất đi, mình mới có cảm nghĩ: “Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!” Như lời tác giả Luân Lê cảm nhận MẸ LÀ AI? 

Mẹ, là người đàn bà mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn vằn mắt, hắng giọng lên mà cáu bẳn, gắt gỏng hay to tiếng với bà ấy để thỏa cơn bực dọc của mình ấy.

Mẹ, là người đàn bà cứ lặng lẽ bếp núc hàng ngày cho chúng ta ăn những bữa cơm mà lắm khi chúng ta còn chê ỏng chê eo, khó chịu bỏ đũa, quẳng bát chẳng ăn lấy vài miếng ấy.

Mẹ, là người đàn bà mà chúng ta đi học vẫn nhắc bà đến tháng phải nộp tiền học phí, tiền ăn, tiền phòng trọ, tiền sinh nhật đứa bạn lớp bên hay quà tặng người yêu vừa mới quen tháng trước mà đã thấy ngọt ngào thắm thiết quá đỗi ấy.

Mẹ, là người đàn bà thích nói nhiều đến nỗi mà chúng ta bực mình rồi sẵn sàng đáp lại những ngôn từ khó nghe, thậm chí vô phép để rồi bà lẳng lặng quay đi như người mang tội ấy.

Mẹ, là người vội vàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi đi mua thuốc khi chúng ta mới chỉ ho hắng hay nóng đầu một chút do dầm mưa hay dãi nắng vì nghịch ngợm ấy.

Mẹ, là người mà căn vặn đủ điều, dặn đi dặn lại mấy thứ vặt vãnh mà ta cho là biết hết rồi trước khi rời khỏi nhà, và cũng là người lặng lẽ nhìn nước mắt hay bộ mặt đau đớn, buồn tủi của chúng ta khi trở về với những lỗi lầm ấy.

Mẹ, là người mà có gì cũng mua sắm hết cho chúng ta, nhưng chúng ta lại đi mua sắm đồ cho những người yêu hay đám bạn khiến ta vui thú ấy.

Mẹ, là người luôn đuổi chúng ta đi tìm và khám phá những chân trời, tri thức mới, nhưng cũng luôn mở rộng vòng tay và đón chúng ta trở về trong thất bại, ê chề ấy.

Mẹ, là người tảo tần cả đời để chăm bẵm và với đôi mắt chỉ để dõi theo cuộc đời chúng ta, xem chúng ta hân hoan, đoạn trường hay an bình, trọn vẹn ấy.

Nhưng, với chúng ta, Mẹ là ai?

Có lẽ, Mẹ- chỉ là niềm an ủi dự trữ trong cuộc đời chúng ta thôi.

 

Những lời bộc bạch trên của tác giả, không chỉ nhắc ta về người một mẹ đã mất, nhưng còn muốn nói với chúng ta những người mẹ đang còn sống. Nếu có thể ngay hôm nay ta hãy cầm lấy tay mẹ mà hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?”. Chắc chắn mẹ ta sẽ rất cảm động; Và rồi hãy nhìn vào mắt mẹ, mà nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Tôi tin chắc rằng Mẹ ta sẽ rất sung sướng, sẽ rất hạnh phúc vì được nghe những lời yêu thương từ người con của mình.

Hôm nay chúng ta họp nhau đây để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho một người mẹ, đó là bà Maria. Bà đã trãi qua hành trình ở trần gian 85 năm… Với ngần ấy thời gian, chắc hẳn bà đã chứng kiến bao đổi thay của đất nước, của nhân tình thế thái và đã trãi qua không ít sóng gió cuộc đời bể dâu này. Với vai trò làm vợ, làm mẹ… chắc bà cũng đã đỗ không ít mồ hôi, nước mắt vì những hy sinh lau nhọc dành cho chồnng, cho con cháu vì tình thương. Và trên hết, trong bất cứ hoàn cảnh nào ta vẫn luôn thấy bà sống trung thành với niềm tin của mình vào một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, ngay trong lúc gặp đau đớn vì bệnh tật.

Có thể nói bà là một trong những người đầu tiên tôi đến thăm viếng, xức dầu và trao MTC trong cương vị là cha sở Họ đạo Giuse này. Nên tôi tin rằng bà đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ra đi về nhà Chúa hôm nay. Vì thế, chúng ta có quyền hy vọng bà sẽ được TC đón nhận vào ngôi nhà vĩnh cửu trên trời. Nơi đó Chúa Giêsu đã đi trước và đã dọn chổ cho bà. Giờ đây Ngài lại đến và mời gọi bà đi vào nơi đó, đúng như lời Ngài đã hứa: “Để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó với Thầy” (Ga 14,3).

Nếu thánh Phaolô gọi cõi trần gian này chỉ là nhà tạm, là quán trọ chỉ nhằm chuẩn bị cho ngày trở về ngôi nhà bền vững vĩnh cửu do Chúa dựng nên cho ta sau khi giả từ đời này, thì khi còn ở trần gian này ta cần phải chuẩn bị vật liệu để xây dựng cho ngôi nhà trên trời ngay từ bây giờ. Vì nếu chúng ta không tích lũy để gửi về nơi ấy, thì lấy gì mà xây cho ngôi nhà vĩnh cửu ấy trên trời? Tương lai ấy hoàn toàn nằm ở trong tầm tay ta. Ta có toàn quyền quyết định, Chúa không gây áp lực với ai. Ngài ban cho chúng ta có quyền tự do cùng với ơn trợ giúp của Ngài.

Vậy, ngay từ hôm nay, khi chứng kiến sự ra đi của Bà Maria, Chúa cũng muốn nhắc nhở chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng nước trời vì thời gian có hạn, vì tử thần đến rất bất ngờ, không trừ một ai, như lời thánh Phaolô đã nói: “Thời gian thật vắn vỏi”.

Trong niềm tin vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, là cơ sở giúp chúng ta phải cố gắng tích lũy cho đời mình thật nhiều vật liệu công đức bằng những hy sinh phục vụ quên mình, bằng những việc làm bác ái âm thầm, bằng cách chu toàn tốt bổn phận Chúa trao, với tinh thần mến Chúa yêu người. 

Xin vì công nghiệp chịu nạn, chịu chết trên thập giá và phục sinh của Đức Giêsu Kitô và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mân Côi, xin Chúa thương ban cho linh hồn bà Maria sớm được vào nhà Cha, chung hưởng niềm vui muôn đời cùng các thánh bên cạnh Mẹ Maria muôn đời. Amen.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...