Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Vĩnh Hòa

 

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN C

Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

“Hãy tự biết mình”, đó là câu nói bất hủ của nhà hiền triết Socrates, người Hy Lạp, sống vào thế kỷ thứ V trước công nguyên.  Nhưng tự biết mình không phải dễ, vì chúng ta chỉ thích nhìn vào người khác mà ít khi nhìn vào chính mình. Nên ta chỉ  "thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới". Cho nên phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải trở về với chính mình mà chấn chỉnh lại đời sống sao phù hợp với thánh ý của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta dám can đảm nhìn vào chính mình để nhận ra những lầm lỗi, thiếu sót, và khiêm tốn xin Chúa thương tha thứ và ban ơn đổi mới, để mỗi ngày ta trở nên hoàn thiện hơn.

Phụng vụ lời chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm trở về với chính lòng mình để nhận ra những lầm lỗi, thiếu xót của phận người mà chân thành sám hối, xin Chúa tha thứ và  ban ơn đổi mới đời sống. Nhờ đó ta mới xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Đúng như cổ nhân đã nói: “Nhân vô thập toàn”. Mang thân phận con người, ai trong chúng ta tránh được thiếu sót và không có tội. Lắm khi những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta còn lớn hơn nhiều so với những người khác. Vậy mà theo khuynh hướng tự nhiên, ta lại thường hay chỉnh sửa và lên mặt dạy đời người khác. Thật là khó chấp nhận!

Vì thế mà tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy để ý đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Bởi có lấy được cái xà trong mắt mình ra, thì mắt của ta mới được trong sáng. Nhờ đó mà ta mới có thể hướng dẫn người khác đi đúng hướng, không lạc đường. Bằng ngược lại, ta sẽ dắt người khác đi sai đường, lạc lối, có nguy cơ cả hai cùng lọt xuống hố mất mạng là rất cao! 

Rất mong mỗi người trong chúng ta luôn biết lưu tâm sửa đổi bản thân sao cho thật tốt. Được như vậy thì việc sửa lỗi của chúng ta dành cho tha nhân mới mang lại hiệu quả tốt đẹp. 

Xin Chúa thương thanh tẩy tâm hồn và ban ơn đổi mới cho tất cả chúng ta, với hy vọng cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thơm ngon, tốt lành để dâng hiến cho đời và cho người. Amen

 

Thứ haiMc 10, 17-27

Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta biết được điều đó. 

Trong  sách Giáo lý công giáo thường được thành 4 phần:

Tín lý (tin): kinh tin kính (tuyên xưng đức tin).

Luân lý (giữ): 10 điều răn  (sống đức tin).

Bí tích (nhận): 7 bí tích (cử hành đức tin).

Cầu nguyện (xin): các kinh nguyện (củng cố đức tin).

Nhưng hình những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tín ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong luân lý.

Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục đích và Phương tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt.

Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi.

Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.

Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chín chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời. Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức.

Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt. Anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.

Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa chính là hạnh phúc nước trời.

Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện tình yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tấ cả …mà theo Ta”. Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.

Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu với niềm tin tưởng phó thác; cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen.

 

Thứ baMc 10, 28-31

Bắt đầu tháng 3: Kính thánh Giuse

Con đường dẫn đến hạnh phúc quê trời không phải thoải mái, dễ dàng. Trái lại con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nổ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái lại nó rất dài, đòi chúng ta phải kiên trì bước đi trong sự tốt lành từng giây phút và suốt cả đời ta.

Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay người ta có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính.

Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của và tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, có được tương lai thoải mái. Một người nông dân suốt năm tháng vất vả gieo trồng, với hy vọng trúng mùa, có lợi nhuận kinh tế cao. Người buôn bán cũng luôn mong được mua may bán đắt, lời càng nhiều càng tốt.

Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời. Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là từ con đã bỏ tất cả mà theo Chúa, thì con có lợi gì cho hôm nay và tương lai?

Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu hứa sẽ trọng thưởng gấp trăm ở đời này cho những ai dám từ bỏ theo Chúa. Ngài còn bảo đảm sự sống đời đời mai sau cho những ai bị ngược đải vì danh Người. Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.

Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa. Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.

Còn khi Chúa Giêsu nói “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại hay chểnh mảng trong nhiệm vụ nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..

Lạy Chúa, ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu".

 

Thứ tư Lễ TroMt 6,1-6.16-18

Suy niệm 1:

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào mùa chay thánh. Mùa chay thánh có thể được ví như mùa cải lương. Bởi lẽ mùa chay không chỉ mời gọi chúng ta thay đổi cách sống bên ngoài, nhưng trên hết là biến đổi tận bên trong cỏi lòng. Nghĩa là biến đổi từ tâm xấu trở nên tốt, từ tâm bất chính trở nên chính tâm, từ giả tâm trở nên thật tâm , từ ác tâm trở về với lương tâm ngay chính của thuở ban đầu Chúa tác tạo.

Khởi đầu mùa chay (mùa cải lương) bằng nghi thức xức tro lên đầu, như là bí tích mời gọi chúng ta ý thức về thân phận bụi tro, mang nhiều tội lỗi mà khiêm tốn xin ơn hoán cải. Nhận ra mình tội lỗi thì mới thật lòng xin ơn tha thứ, có được ơn tha thứ thì mới mong được biến đổi.

Ước gì mùa chay thánh này là dịp thuận tiện, là cơ hội tốt làm chuyển biến cuộc đời chúng ta trở nên tốt đẹp theo ý Chúa muốn và Giáo Hội mong đợi.

Cử chỉ mà chúng ta nhận tro trên đầu nói lên dấu chỉ của lòng sám hối.

Vậy sám hối là gì ?

Từ ngữ Do thái dùng để chỉ sự sám hối có ý nghĩa sâu sắc. Đó là danh từ của động từ có nghĩa là “quay lại”. Sám hối là từ bỏ điều dữ và quay lại cùng Thiên Chúa, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý của tòan dân tộc hoặc của cá nhân.

Sám hối, theo tiếng Hy lạp là “Metanoia” có nghĩa là “thay đổi” = meta… não trạng = noia. Như vậy sám hối có nghĩa là sự đổi mới của con người từ trong con người, từ trong tâm hồn, biểu lộ qua ngôn ngữ và hành vi. Không phải chỉ như người bộ hành xoay mặt ngó lui thấy mình đi lầm đường rồi thôi, mà phải đi trở lại để đi vào đúng con đường chính.

Như vậy sám hối không phải chỉ là thay con người ở hình thức bên ngoài, mà là thay đổi chính nội tâm, biểu lộ ra bên ngoài qua ngôn ngữ và hành vi.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta sám hối hay là trở về trong các mối hiệp thông.

1. Hiệp thông giữa con người với nhau (chiều ngang).

Không biết vô tình hay hữu ý mà tin mừng hôm nay, trước tiên Chúa Giêsu lại nhắc nhở chúng ta chỉnh đốn lại mối hiệp thông đối với nhau. “khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy”.

Về cách làm việc lành phúc đức hay gọi là làm việc bác ái, thì Chúa dạy ta đừng thổi loa trước như bọn giả hình để cho người ta ca tụng. Chúa cảnh giác những người làm việc thiện chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen, để người ta ca tụng mình. Nếu để người khác ca tụng mình dưới đất thì ta đã được thưởng công rồi, không còn công phúc trước mặt Chúa nữa. Nếu không cẩn thận thì những việc quyên góp bác ái của ta chỉ nhằm để lấy điểm thì thật là tai hại. 

Ðể được gọi là việc bác ái, ta cần chia sẻ những gì là của mình, cho đi chính những gì mình cần, theo tinh thần của người đàn bà goá đã bỏ vào hòm tiền hai đồng bạc thì mới đáng quý. Còn nếu chỉ cho những thứ mà mình không dùng đến thì chẳng có giá trị gì.

Trở về sống hiệp thông trong tình bác ái với anh em là chúng ta phải vượt ra khỏi võ ốc của sự ích kỉ nhỏ nhen chính mình để đến với tha nhân bằng sự cảm thông và tha thứ, cho dầu gặp phải những lừa dối và vô ơn. Đến với mọi người bằng san sẻ chia xớt, cho dẫu gặp toàn những vong ơn bội bạc. Đến với anh chị em bằng tiếng cười cởi mở chân thành, dù gặp toàn những đắng cay muộn phiền.

Biết làm việc lành phúc đức trong âm thầm, hy sinh như thế là chúng ta đã trở về với con người thật với ý thức “ tất cả là bởi ân huệ Chúa ban”; “đã lãnh nhận nhưng không thì trao ban nhưng không”. Cho đi mà không toan tính như thế mới đáng được Chúa trả công.

2. Hiệp thông với Chúa (chiều cao)

Khởi đầu mùa chay, Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về sống tình hiệp thông với Chúa qua đời sống cầu nguyện và cách thức cầu nguyện. “ Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại…”.

Những người Pharisêu là những người chỉ muốn người khác biết họ cầu nguyện và cho họ là đạo đức. Nên thường thích chọn những nơi đông người. Không phải vì cầu nguyện nơi đông người là xấu, nhưng nó trở nên không xứng khi việc cầu nguyện trở nên một sản phẩm để đưa ra quảng cáo nhằm thu hút khác hàng.

Theo cách giải thích của thánh Ambrôxiô thì vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, có nghĩa là vào căn phòng nội tâm của nhà linh hồn, là nơi người ta lưu trữ tư tưởng, cảm tình. Cầu nguyện là lúc ta hiệp thông với Chúa, nhận ra Chúa là Đấng nhân hậu và yêu thương. Trở về với Chúa qua cầu nguyện là để mở lòng đón nhận tình thương tha thứ của Chúa. Trở về với Chúa để ta nhận ra đường lối và sự chỉ dạy của Người. Trở về với Chúa ta mới nhận ra những khuynh huớng xấu và những tội lỗi của mình mà sửa đổi ăn năn. Nhất là hiệp thông với Chúa qua cầu nguyện ta tránh khỏi sa chước cám dỗ (x.Mt 22, 20).

3. Hiệp thông với chính mình (chiều sâu)

Cuối cùng Chúa mời gọi chúng ta hãy trở về để sống tình hiệp thông với chính mình bằng việc ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình.

Sau Công đồng Vaticanô II, luật ăn chay kiêng thịt trở nên đơn giản: chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ sáu mùa chay và ăn chay cùng với kiêng thịt vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh. Ðiều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng luật ăn chay kiêng thịt đã trở nên lỏng lẻo dễ dãi. Tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề, người ta thấy không phải vậy. Thiết tưởng ngày nay nhiều người công giáo cần phải xét lại việc ăn chay kiêng thịt.

Sống trong xã hội kĩ nghệ hoá tiêu thụ, người ta thấy thịt thà quá dư thừa. Vì thế ăn cá cũng là dịp tốt cho sức khoẻ. Vả lại những người thích ăn đồ biển thì việc kiêng thịt cũng không hẳn là việc hãm mình đáng kể. Có những người kiêng thịt mà lại đi ăn tôm hùm chẳng hạn - vừa mắc tiền vừa ngon lành - thì làm sao gọi là hi sinh hãm mình?

Ðiểm lợi ích của việc ăn chay là không những để giữ gìn sức khoẻ phần xác, mà còn giúp gia tăng sức mạnh thiêng liêng hầu chống trả cám dỗ.

Nếu người ta kiêng ăn uống chỉ nhằm mục đích giữ gìn sức khoẻ phần xác cho khỏi mập hay cao máu, hay để làm giảm chất béo cholesterol, thì việc ăn chay kiêng thịt của họ không có giá trị thiêng liêng vì thiếu động lực tôn giáo thúc đẩy. Vì vậy, muốn có giá trị thiêng liêng, người ta phải đem động lực tôn giáo vào việc kiêng cữ đồ ăn thưc uống. Mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để tạo nên một khoảng trống trong dạ dày hầu giúp người ta cảm thấy được sự trống rỗng trong tâm hồn mà đi tìm Chúa và mời Chúa vào để lấp đầy sự trống rỗng. Nói cách khác mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để cho tâm trí được thanh thoát hầu dễ vươn lên thượng giới.

Ngoài ra Giáo hội mong muốn người tín hữu tự nguyện ăn chay kiêng thịt vào những ngày khác. Ai tưởng luật ăn chay cho người Công giáo là khắt khe, thì nên tìm hiểu xem tín đồ Phật giáo và Hồi giáo giữ chay ngặt hơn gấp bội như thế nào.

Ngoài việc kiêng cữ đồ ăn thức uống, Giáo hội còn mong muốn người tín hữu không những kiêng thịt, nhưng còn kiêng miệng lưỡi, lỗ tai, con mắt, để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, nghĩa là những gì lành mạnh hoá cho sức khoẻ tâm linh. 

Do đó, việc ăn chay kiêng thịt của người kitô hữu, không phải là để được kính nể và được tiếng khen tặng như những người Biệt Phái. Nhưng nhằm rèn luyện ý chí, làm chủ bản thân và kiềm chế những đòi hỏi bất chính của bản năng. Nhờ thế mà tâm hồn được thanh thoát và vươn lên tới những giá trị cao quý, thánh thiêng. Việc ăn chay, kiêng thịt cũng nhằm giúp chúng ta ý thức và chia sẻ phần hy sinh trong chay tịnh để trợ giúp cho những ai thiếu thốn, khó nghèo đang cần đến chúng ta.

Sự trở về trong các mối hiệp thông dĩ nhiên là việc làm thường xuyên, nhưng những mạng hiệp thông này cần được lưu ý ra soát và sửa chữa cho thật tốt trong mùa chay. Xin cầu chúc quý ông bà anh chị em mùa chay thánh thật thánh thiện.

Suy niệm 2:

Chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa chay thánh. Khởi đầu mùa chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, điều này cho chúng ta hiểu rằng: Thân phận con người chúng ta nhỏ bé, thấp hèn như tro bụi nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương hóa kiếp làm người.

Cử chỉ nhận tro xức trên đầu cho biết con người ta mang nhiều tội lỗi cần khiêm tốn ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha, đổi mới đời sống. Nhận tro xức lên đầu cũng nhắc chúng ta nhớ ngày nào đó, chúng ta cũng trở về tro bụi. Đó là ý nghĩa của thánh lễ hôm nay.

Bắt đầu Mùa Chay, Giáo Hội đưa ra nhiều phương cách để giúp chúng ta chữa trị tâm hồn: Đó là xức tro, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.

-  Xức tro chỉ sự khiêm nhường: Khi chấp nhận được xức tro trên đầu là ta chấp nhận sự thấp kém, chấp nhận sự chóng qua mau tàn của mình. Chính ông Abraham đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa nhận mình là thân tro bụi (x. St 18,27).

- Xức tro cũng chỉ sự sám hối: Việc rắc tro trên đầu là lễ nghi và là dấu chỉ lòng ăn năn sám hối của con người với Thiên Chúa (x. 2Sm 13,19; Mac 3,47 ; Eth 4,1; Mt 11,21). Khi xức tro, thừa tác viên mời gọi các kitô hữu sám hối: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”. (Mc 1,15).

Tiên tri Giô-en mời gọi chúng ta hãy sám hối thực lòng: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Ge 2,12). Sám hối thực lòng là “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo” (Ge 2,13). Đó là hành động dũ bỏ những tội lỗi trong con người chúng ta.

Thánh Phaolô nói rằng cần phải phá bỏ trong chúng ta con người cũ để mang lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Con người cũ đó là: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Rũ bỏ con người cũ nhưng phải thay thế vào đó bằng những việc lành phúc đức. Mùa chay mời gọi chúng ta thay thế bằng cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bố thí.

- Việc cầu nguyện: Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa.

Cầu nguyện đối với người kitô hữu như cá cần nước để sống. Khi cầu nguyện chúng ta bắt chước gương Đức Giêsu: Ngài cầu nguyện khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những vấn đề hệ trọng.

Khi cầu nguyện chúng ta thi hành bổn phận Đức Giêsu dạy: Ngài dạy chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện để xua trừ ma quỷ, vì có những thứ quỷ chỉ có trừ được bằng cầu nguyện, như có lần Ngài nói: “Giống quỷ ấy chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”(Mc 9,29). Khi cầu nguyện nhắc nhở chúng ta sống tín thác vào Chúa. Đức Giêsu nói: “Không có Thầy các con không thể làm được việc gì?”(x. Ga 15,5). Vậy, chúng ta hãy xét mình lại về tinh thần cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Cầu nguyện riêng? Cầu nguyện chung? Cầu nguyện trong gia đình, ở nhà thờ ? Cầu nguyện khi thành công? Cầu nguyện khi thất bại?...

-  Việc ăn chay nhằm giúp chúng ta làm chủ các ham muốn của xác thịt, tâm hồn gia tăng cách tự do để hướng tới sự chiêm niệm về các điều thiện hảo và đặc biệt là để đền bù các tội lỗi của mình, Giáo Hội mời gọi chúng ta ăn chay. Ăn chay theo luật bao gồm việc nhịn ăn và kiêng ăn.

Việc nhịn ăn: Trong ngày ăn chay không được ăn vặt, chọn một bữa ăn no, còn hai bữa kia chỉ được ăn vừa hoặc ăn ít.

Việc kiêng ăn: Kiêng ăn thịt loài máu nóng như thịt heo, gà, bò, vịt…Ngày hôm nay, Giáo Hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoài ra, Giáo Hội khuyến khích người kitô hữu ăn chay theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Đặc biệt, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình ăn chay theo nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn: giảm bớt tiêu xài; kiêng ăn uống say sưa; không nói xấu nói hành; không xem những bộ phim xấu, những tranh ảnh khiêu dâm…Tiên tri Isaia còn cho chúng ta biết về cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích nhất, đó là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành”(Is 58,4-8).

-  Việc bố thí chỉ có ý nghĩa khi ta biết hy sinh bớt đi phần ăn của mình để làm phúc bố thí cho người nghèo. Vì vậy, việc ăn chay và bố thí luôn đi đôi với nhau. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô”.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, Đức Giêsu cũng cho chúng ta biết, khi làm phúc bố thí cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa, và đó cũng là điều kiện để được hạnh phúc Nước Trời. Vị Thẩm Phán mời gọi kẻ lành vào hưởng hạnh phúc nước trời bằng những lời thân thương sau đây: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết vận dụng những phương pháp mà Giáo Hội đưa ra trong Mùa Chay thánh này, đó là sám hối, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí để chữa trị tâm hồn chúng con, giúp chúng con có sức chiến đấu với sự dữ và ma quỷ. Amen

 

Suy niệm 3: CẦU NGUYỆN-BÁC ÁI- ĂN CHAY

Khởi đầu mùa chay bằng nghi thức xức tro lên đầu, là dấu chỉ mời gọi chúng ta ý thức về thân phận bụi tro, mang nhiều tội lỗi mà khiêm tốn xin ơn hoán cải. Nhận ra mình tội lỗi thì mới thật lòng xin ơn tha thứ, có được ơn tha thứ thì mới mong được biến đổi.

Ước gì mùa chay thánh này là dịp thuận tiện, là cơ hội tốt làm chuyển biến cuộc đời chúng ta trở nên tốt đẹp theo như ý Chúa muốn và Giáo Hội mong đợi. 

Sau bài giảng hôm nay có nghi thức làm phép và rắc tro trên đầu, cử chỉ này nói lên tâm tình sám hối khi bước vào mùa chay thánh.

Vậy sám hối là gì ?

"Sám hối" vừa là danh từ, vừa là động từ có nghĩa là “quay lại”. Sám hối là từ bỏ điều dữ để quay lại điều lành, là thay đổi cách ăn nết ở nhằm cải thiện đời sống luân lý của cá nhân hay cả cộng đoàn.

Sám hối, theo tiếng Hy lạp là “Metanoia”. Meta là thay đổi; Noia là não trạng. Như vậy sám hối có nghĩa là sự đổi mới con người từ bên trong, từ trong tâm hồn, được biểu lộ qua ngôn ngữ và hành vi bên ngoài. Không phải như người bộ hành xoay mặt ngó lui khi thấy mình đi lầm đường, nhưng là mau mắn quay trở lại để đi vào chính lộ.

Như thế, sám hối không phải chỉ là thay con người ở hình thức bên ngoài, mà là thay đổi chính nội tâm, biểu lộ ra bên ngoài qua ngôn ngữ và hành vi.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta sám hối bằng cách trở về để chấn chỉnh lại các mối hiệp thông.

1. Hiệp thông giữa con người với nhau bằng việc làm bác ái (chiều ngang).

Chúa nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy”. Làm việc lành phúc đức chính là làm việc bác ái. Chúa dạy chúng ta khi làm việc bác ái thì đừng thổi loa trước như bọn giả hình để được người ta khen ngợi và ca tụng, vì làm như thế thì ta đã được người đời thưởng công rồi, không còn công phúc trước mặt Chúa nữa. Làm việc bác ái cũng không phải cho đi những thứ dư thừa nhưng là chia sẻ những gì mình cần, theo tinh thần của người đàn bà goá đã bỏ vào hòm tiền hai đồng bạc, đó mới là điều đáng quý. Còn nếu chỉ cho những thứ mà mình dư thừa không dùng đến thì chẳng có giá trị gì.

Trên hết việc làm bác ái phải vượt ra khỏi võ ốc ích kỉ nhỏ nhen của mình để cảm thông bao dung tha thứ cho tha nhân, cho dầu mình phải gặp lừa dối và vô ơn và thiệt thòi.

Biết làm việc lành phúc đức trong hy sinh âm thầm, là chúng ta đã sống đúng với tinh thần phúc âm, bởi lẽ ta ý thức rằng “đã lãnh nhận nhưng không thì trao ban nhưng không”. Cho đi mà không cần toan tính như thế mới đáng được Chúa trả công.

Chuyện: Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai cảm thông với bạn nên đề nghị: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở lý tưởng như thế trong nhà thờ này thật ư? Hãy cho tớ biết là chỗ nào vậy?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo đặt ở cuối nhà thờ này đấy !”.

2. Hiệp thông với Chúa bằng đời sống cầu nguyện (chiều cao)

Khởi đầu mùa chay, Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về sống tình hiệp thông với Chúa qua đời sống cầu nguyện và cách thức cầu nguyện. “ Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại…”.

Những người Pharisêu là những người chỉ muốn người khác biết họ cầu nguyện và cho họ là đạo đức. Nên thường thích chọn những nơi đông người. Không phải vì cầu nguyện nơi đông người là xấu, nhưng nó trở nên không xứng khi việc cầu nguyện trở nên một sản phẩm để đưa ra quảng cáo nhằm thu hút khác hàng.

Câu chuyện: Một cụ già có thói quen ngồi bất động cầu nguyện hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha sở hỏi cụ:

- Chúa đã nói gì với cụ? Cụ trả lời : Thưa cha, Chúa chẳng nói gì cả, Ngài chỉ nghe con nói.

- Vậy à? Thế thì cụ nói gì với Chúa? Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa !

Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là sự hoàn toàn kết hợp mật thiết với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ :

a) Ta nói và Chúa nghe.

b) Chúa nói và ta nghe.

c) Không ai nói nhưng cả hai cùng nghe.

d) Không có nói mà cũng chẳng có ai nghe.

3. Hiệp thông với chính mình bằng chay tịnh cỏi lòng (chiều sâu)

Cuối cùng Chúa mời gọi chúng ta hãy trở về để sống tình hiệp thông với chính mình bằng việc ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình.

Sau Công đồng Vaticanô II, luật ăn chay kiêng thịt trở nên đơn giản: chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ sáu mùa chay và ăn chay cùng với kiêng thịt vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh. Ðiều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng luật ăn chay kiêng thịt đã trở nên lỏng lẻo dễ dãi. Tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề, người ta thấy không phải vậy.

- Ăn chay theo tinh thần của Giáo hội, trước hết là kiêng cữ miệng lưỡi, lỗ tai, con mắt, để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, nghĩa là những gì lành mạnh hoá cho sức khoẻ tâm linh. 

- Việc ăn chay kiêng thịt của người kitô hữu cũng không phải để được người khác tiếng khen ngợi như những người Biệt Phái mà là để rèn luyện ý chí, làm chủ bản thân và kiềm chế những đòi hỏi bất chính của bản năng. Nhờ thế mà tâm hồn được thanh thoát và vươn lên tới những giá trị thiêng liêng cao quý.

- Sau nữa, việc ăn chay, kiêng thịt còn nhằm đến giảm bớt nhu cầu ăn uống của bản thân mà chia sẻ phần hy sinh của mình giúp đỡ cho những ai túng thiếu, nghèo khổ đang cần đến của ăn.

Câu chuyện: Trong kho tàng chuyện cổ nước Pháp có câu chuyện về tác hại của rượu trên con người như sau:

Khi ông Nô-e trồng nho, Sa-tan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:

Ông đang trồng gì thế?

Cây nho.

Nó có lợi gì không?

Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

Vậy thì để tôi giúp ông

Sa-tan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Sa-tan lấy máu của chúng tưới vào gốc cây nho. Thế là cây nho lớn rất nhanh. Ông Nô-e lấy trái nho làm rượu

Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì trở nên mạnh bạo như con sư tử; Nếu uống thêm ly nữa thì sẽ hóa ra ngu dốt như con lừa; Nếu lại uống thêm nữa thì… sẽ tìm hưởng lạc thú bất chính như con heo vậy. Giữ chay sẽ giúp người ta biết lúc nào phải dừng lại. Một người có bản lãnh, sẽ có khả năng làm chủ mình là người biết dừng lại đúng lúc.

Trong Mùa Chay, xin cho mỗi người chúng ta tích cực trở về để sống các mối hiệp thông: với Chúa bằng gia tăng thánh lễ và cầu nguyện, với tha nhân thực hành những việc làm bác ái hài hòa, bao dung và tha thứ; với bản thân quyết tâm sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, hay uống rượu say xỉn, dự lễ Chúa Nhật trễ, xem phim ảnh xấu…

 

LỄ TRO LO CÕI LÒNG

Lm. Nguyễn Xuân Trường

Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro nói nhiều về LÒNG.

1. Hết lòng sám hối. Bài Đọc 1 mời gọi chúng ta hết lòng trở về cùng Chúa bằng câu nói giàu hình ảnh “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” để mỗi người thật lòng sám hối ăn năn.

2. Chúa dủ lòng thương. Chúa không xử với ta như ta đáng tội. Bài Đáp Ca làm nổi bật hình ảnh một Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu thương xót bằng việc rộng lòng tha thứ tội lỗi cho dân Người.

3. Một tấm lòng son. Câu Tung hô Tin Mừng kêu gọi “hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.” Khi chúng ta mềm lòng và mở lòng ra, thì Chúa sẽ biến đổi lòng chai dạ đá thành lòng ngay dạ thẳng; Chúa sẽ tạo cho chúng ta một tấm lòng trong trắng, một tấm lòng đầy “Thần Khí thánh của Chúa.”

4. Chúa thấu lòng con. Tin Mừng nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha thấu suốt những gì kín đáo trong lòng. Vì vậy, khi làm việc bác ái, cầu nguyện, ăn chay thì hãy thật lòng, hãy làm với tất cả lòng thành chứ không phô trương hình thức bề ngoài.

Thế nên, Lễ Tro là dịp để lo cõi lòng mình. Amen.

 

MÙA CHAY: CHẠY - CHÁY - CHẢY

Phúc Âm Lễ Tro khởi đầu mùa chay nói đến 3 việc đạo đức: cầu nguyện, ăn chay, làm phúc. Để cho dễ nhớ, xin gọi 3 việc này là chạy - cháy - chảy.

1. Chạy. Mùa chay thúc giục ta chạy về với Chúa bằng con đường cầu nguyện. Chạy về với Ngài không phải vì sợ Chúa phạt, nhưng vì “Chúa từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” Về với Chúa để hưởng tình thương và ơn phúc.

2. Cháy. Chay tịnh là nhằm đốt cháy những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu của bản thân, đốt cháy những áp bức bất công của xã hội. Mấy chị em còn bảo ăn chay để đốt cháy mỡ đỡ bị béo phì! hihii. Chay tịnh để đốt cháy cái xấu, cái ác, nên Giáo hội gọi mùa chay là mùa chiến đấu thiêng liêng để chiến thắng ác thần.

3. Chảy: Mùa chay mời gọi chúng ta làm việc lành phúc đức như dòng sông chảy đi chứ không giữ lại cho mình. Sông suối nước chảy thì trong, ao tù nước đọng thì bẩn. Đời người cũng thế. Khi mở rộng lòng mình để dòng tình thương quảng đại cho đi chảy mãi thì đời sẽ lung linh nghĩa tình nhân ái, còn khi lòng ta đóng lại ôm giữ khư khư cho riêng mình thì lúc ấy đời sẽ u ám xám màu keo kiệt ích kỉ.

Thực sự thì cả ba điều Chạy - Cháy - Chảy đều dẫn vào tình yêu: Chạy vào tình yêu Chúa, cháy sáng tình yêu mình, và chảy mãi tình yêu tha nhân. Amen.

 

Thứ năm sau lễ troLc 9, 22-25

Để làm môn đệ Chúa Giêsu, cần phải có những điều kiện nào? Tin mừng hôm nay cho ta biết phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa”. Xin cho mỗi ngày chúng ta biết can đảm từ bỏ ý mình để theo ý chúa. Từ bỏ lối sống vị kỉ để sống vị tha. Biết hy sinh vác thập giá mình hằng ngày mà bước theo Chúa, hầu xứng đáng làm môn đệ của Người.

Cuộc sống chúng ta là một chuỗi những chọn lựa. Những lựa chọn sẽ làm cho ta trở nên tốt hay xấu, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh… Lựa chọn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ. Từ bỏ lại đòi chúng ta hy sinh. Mà hy sinh nào cũng phải chấp nhận mất mác và đau đớn.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có thái độ dứt khoát trong chọn lựa. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo”.

Khi gọi các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các ngài phải chấp nhận từ bỏ mọi sự: Bỏ tình thân (cha mẹ, anh chị em, vợ chồng…). Bỏ con người củ với những tính hư nết xấu, cả những tội lỗi để đi theo Chúa. Đó là ta không được nhượng bộ ham muốn xác thịt, không dung dưỡng sự lười biếng, không thỏa hiệp với lòng tham lam ích kỉ... Trên hết ta phải từ bỏ chính mình, vì nếu ta có bỏ đi tất cả mà chưa từ bỏ mình thì ta chưa bỏ gì cả, từ từ chúng ta sẽ gom lại tất cả những gì mình đã bỏ rơi.

Trong kho tàng văn hóa thần bí của nước Ấn độ, người ta đọc thấy một câu chuyện răn đời lý thú sau đây :

Sau một thời gian dài kiên nhẫn chịu đựng để hướng dẫn tu luyện, một vị linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử ruột của ông. Nhận thức rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt huấn luyện của mình nữa, nên một ngày kia, vị linh sư mới bỏ mặc anh trong một túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông.

Thực hiện huấn dụ của vị linh sư, mỗi buổi sáng khi thức dậy, người đệ tử dìm mình xuống dòng sông để thanh tẩy theo đúng nghi thức Ấn giáo, rồi anh giặt chiếc áo rách của mình. Chiếc áo rách : Ðó là tất cả tài sản duy nhất của anh.

Một ngày kia, người đệ tử buồn bực xót xa vô hạn khi phát giác chiếc áo duy nhất của mình phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn rách tả tơi! Không còn cách nào khác, người đệ tử đành phải gõ cửa dân làng để xin một chiếc áo khác.

Chẳng bao lâu, chiếc áo này cũng bị chuột cắn nát! Lúc đó anh mới nảy sinh ý nghĩ vào làng xin cho kỳ được một con mèo. Từ nay anh khỏi phải lo lắng về sự quấy phá của mấy chú chuột nữa. Nhưng thay vì xin áo mặc, người đệ tử thuộc môn phái khất thực cũng vẫn phải ngày ngày vào làng xin cơm bánh cho mình.

Tháng này qua năm khác, anh vẫn phải vác bị đi khất thực! Một ngày kia, bỗng nhiên người đệ tử cảm thấy xấu hổ vì bao năm qua, anh đã vô tình trở thành một thứ gánh nặng cho dân làng! Nghĩ thế, anh đã tìm đủ mọi cách để tậu cho bằng được một con bò lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò rồi thì cũng phải liệu sao có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh tự mình đi cắt cỏ cho bò. Nhưng về lâu về dài, nhận thấy không còn thời giờ để ngồi thiền và cầu nguyện, anh đành phải thuê một người cắt cỏ cho bò.

Con bò ngày càng sinh sản ra nhiều. Chẳng bao lâu đã trở thành một đàn bò đông đúc, nên số người cắt cỏ cũng phải gia tăng theo nhịp độ phát triển của đàn bò. Mấy năm sau, mảnh đất chung quanh túp lều tranh của anh ngày xưa đã biến thành một nông trại trù phú lớn lao.

Con người đã một thời muốn từ bỏ tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ, một vị linh sư trong Ấn giáo, thì nay đã nghiễm nhiên trở thành một ông chủ nông trại giàu có danh tiếng. Có tiền, có tất cả mọi sự, nên anh nghĩ phải có một người tâm đầu ý hợp để cùng anh chia sẻ công việc. Sau cùng anh đành phải cưới một người vợ trẻ đẹp. Không bao lâu, anh đã trở thành một trong những ông chủ nông trại giàu có quyền thế nhất trong vùng.

Hai mươi năm sau, trong một dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư Ấn giáo xưa đã một thời dẫn dắt anh trên đường tu trì, vô cùng ngạc nhiên vì thay cho túp lều tranh rách nát nghèo nàn bên bờ sông ngày nào, nay đã là cả một cơ nghiệp đồ sộ lớn lao.

Thăm hỏi dân làng để biết được tung tích người chủ nông trại giàu có uy quyền hống hách khắp vùng, vị linh sư mới ôn tồn lên tiếng hỏi người đệ tử cũ của mình: " Thế này nghĩa là gì hả con?".

Người đệ tử suy nghĩ hồi lâu rồi hối hận trả lời: "Thưa Thày, có lẽ Thày không tin. Tất cả cơ nghiệp này, được như hôm nay, cũng chỉ vì con đã không đủ can đảm tìm mọi cách để giữ được chiếc áo rách!".

Như vậy, bỏ mọi sự là phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn.

Đi theo Ngài. Nghĩa là đi chứ không đứng, là thực hiện chứ không ước muốn, vì “hoả ngục thường được lát bằng những thiện chí”. Đi chứ không lùi: nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải thấy được gần Chúa hơn, gần anh em hơn. Đi theo Ngài chứ không theo ai khác, nghĩa là phải xác định rõ Giêsu Kitô là thần tượng duy nhất của đời tôi. Đó là một Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh, đã sống chết và sống lại cho tình yêu. Đi theo Ngài chứ không phải bắt Ngài phải theo tôi.

Ước gì mùa chay thánh này, chúng ta biết bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Chúa. Biết bỏ đi những dự định toan tính của mình để vâng theo ý định của Chúa. Biết ưu tiên làm việc Chúa hơn việc mình. Biết làm cho và vì Chúa hơn làm cho và vì mình. Bởi ta biết rằng ý Chúa, việc Chúa, cho Chúa và vì Chúa thì thiện hảo và ích lợi cho đời sống chúng ta.

 

Thứ sáu sau thứ tư lễ troMt 9, 14-15

Nhân cơ hội giải thích cho các môn đệ Gioan hiểu vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.

Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Như vậy khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu như muốn cho các môn đệ của Gioan biết rằng: Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố: Người chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.

Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể) đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.

Việc ăn chay chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Người.

Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là chàng rể mà Chúa Cha sai đến để kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay chính là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.

Xin cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, yếu đuối, biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón mừng Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà ta được thông hiệp với Chúa trong ngày phục sinh vinh quang.

 

Thứ bảy sau thứ tư lễ troLc 5, 27-32

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi làm môn đệ Chúa và sẵn lòng đồng bàn ăn uống với tội nhân. Sự kiện này minh chứng mạnh mẽ lời xác quyết của Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Xin cho chúng ta cũng có cái nhìn tích cực và bao dung với mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi. Đồng thời cũng cho chúng ta biết can đảm từ bỏ tội lỗi mình để xứng đáng bước theo Chúa trong đời sống mới.

Lêvi được xem là người tội lỗi công khai đáng sợ đối với những người Do Thái bấy giờ. Bởi vì những người thu thuế thường lạm dụng quyền hành để đánh thuế cao hơn theo luật định nhằm làm giàu cho bản thân mình. Người thu thuế cũng bị coi là người trực tiếp cộng tác với ngoại bang bóc lột trên xương máu đồng bào mình. Trong xã hội xưa nay, hạng người bán thân để nuôi miệng luôn được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi gái điếm kiếm tiền bằng thân xác mình, thì hạng người ma cô lại kiếm tiền trên thân xác người khác.

Đọc tin mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thu thuế chẳng khác gì ma cô, mà còn tệ hại hơn vì họ kiếm tiền trên xương máu của người khác.

Chính vì thế mà ai ai cũng cái nhìn ác cảm, khinh bỉ đối với những người làm nghề thu thuế. Nhưng Chúa Giêsu lại có cái nhìn khác về họ. Chúa không nhìn họ làm nghề gì? xem họ thuộc băng nhóm nào? chơi với ai? Nhưng trên hết Chúa có cái yêu thương.

Với cái nhìn đầy yêu thương, cộng với lời mời gọi tin tưởng của Chúa Giêsu mà Lêvi đã đáp lời mà dứt khoát từ bỏ cái nghề gặt hái ra tiền dễ dàng, với nguồn thu lợi béo bỡ. Đúng là “Tình yêu vẫy gọi tình yêu”, Lêvi đã không chỉ dứt khoát bỏ nghề nghiệp mà ông còn chấp nhận bỏ chổ ở an toàn, êm ấm quen thuộc để dấn thân vào con đường tình. Yêu Chúa ông đã từ bỏ tất cả để theo; yêu anh em nên ông đã tạo điều kiện cho anh em đồng nghiệp đến gặp gỡ Chúa, với mong muốn chính họ cũng được biến đổi nhờ cảm nhận tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Chúa.

Chính trong khung cảnh bàn tiệc thân tình giữa Chúa Giêsu và những người thu thuế đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu. Vậy mà ngay lúc đó, Chúa Giêsu lại bất ngờ tuyên bố về sứ mạng của Người khi đến trần gian này: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Xin Chúa cho chúng ta biết tích cực ăn năn sám hối để biến đổi đời sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Và trong mùa chay thánh này biết gia tăng linh dược mà Chúa chỉ dẫn là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí để chữa trị tâm hồn và sửa đổi đời sống, với tâm thế sằn sàng đón nhận ơn cứu độ của Chúa mang đến.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...