Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TUẦN I MÙA CHAY

                                                                        Lm Vĩnh Hòa

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, C

Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

Cùng với GH chúng ta bước vào Chúa nhật I MC thánh. Mùa chay kéo dài 40 ngày, từ thứ tư lễ tro cho đến thứ năm tuần thánh.

Mùa chay nhắc nhở chúng ta về những thử thách của dân Do Thái trong suốt cuộc hành trình 40 năm đi trong hoang địa; cũng như những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đối mặt sau 40 ngày chay tịnh nơi sa mạc. Trước những thử thách dân Do Thái đã quỵ ngã, còn Đức Giêsu thì lại vượt thắng dễ dàng, nhờ đặt niềm tin trọn vẹn vào TC và biết xử dụng sức mạnh lời Chúa mà chiến đấu.

Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Chúa Giêsu luôn vững vàng niềm tin vào Chúa và biết lấy lời Chúa làm kim chỉ nam định hướng cho đời mình, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được những mưu chước cám dỗ của ma quỷ.

1. Mục đích ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu là gì?

Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, loan báo Tin mừng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã đến dòng sông Giođan để đón nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gỉa. Sau đó “Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa, và chịu quỷ cám dỗ.” (Lc 4,2). Nhìn vào 3 cơn cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu mà Tin mừng hôm nay trình thuật, ta nhận thấy mục đích chính mà ma quỷ muốn nhắm đến là muốn thử thách lòng trung thành của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha.

- Ma quỷ biết rằng chỉ vì nghi ngờ vào tình thương của TC mà Ađam và Eva xưa kia đã gục ngã trước lời cám dỗ của nó, thì hôm nay nó cũng nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ phải gục ngã trước cám dỗ của nó, nếu như Người không biết đặt trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh của TC.

- Ma quỷ cũng rất vui mừng vì trước kia dân Israel đã nhiều lần phạm tội bất trung với TC trong suốt cuộc hành trình 40 năm đi hoang địa do những cám dỗ của chúng. Với hy vọng đó, ma quỷ cũng mong Chúa Giêsu đi vào vết xe đỗ của dân Israel xưa. Nhưng nó đã sai lầm bởi vì Người luôn biết lấy Lời Chúa lẽ sống. “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta.” (Ga 4, 34).

2. Tại sao Chúa Giêsu phải chịu ma quỷ cám dỗ?

- Có người thắc mắc tại sao Đức Giêsu là TC mà lại phải chịu ma quỷ cám dỗ? Ta chỉ giải thích được khi chúng ta tin rằng: Mặc dù Đức Giêsu là TC, nhưng Người vẫn mang thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên Người mới bị ma quỷ cám dỗ, ngược lại nếu Người là TC thì làm sao ma quỷ dám cám dỗ. Vì thế mà thánh Phaolô mới xác quyết: "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách như chúng ta." (Dt 4,15).

- Cũng có người đặt vấn đề là tự ý Chúa Giêsu đi vào hoang địa ăn chay và để cho ma quỷ cám dỗ hay do ai thúc đẩy ? Thưa tất cả những việc làm của Đức Giêsu đều xuất phát từ thánh ý của Chúa Cha. Người không tự mình đi vào trong hoang địa, nhưng do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. "Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được đầy Chúa Thánh Thần; Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”.

Như vậy lý do sâu xa nhất mà Chúa Giêsu chấp nhận chịu ma quỷ cám dỗ là vì Người vâng phục thánh ý Chúa Cha, dưới sự tác động của CTT, đồng thời qua đó Người muốn cảm thông và chia sẻ thân phận kiếp người mong manh, yếu đuối với chúng ta.

3. Những cám dỗ của Chúa Giêsu có liên quan gì đến ta?

Có thể nói: Ba cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu cũng chính là mẫu số chung cho mọi hình thức cám dỗ của con người chúng ta.

- Cám dỗ thứ nhất nhắm đến ham mê xác thịt: Một trong những ham mê xác thịt lớn nhất là nhu cầu ăn uống. Ma quỷ đã lợi dụng thời điểm Chúa Giêsu đang đói sau khi nhịn đói 40 ngày trong hoang địa nên nó tiến đến dùng lời ngon ngọt mà cám dỗ Người hóa đá thành bánh mà ăn. Một lời đề nghị hợp lý! Nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu lọt vào lưới giăng của ma quỷ. Ngài vẫn sáng suốt phân định giữa lời đề nghị của ma quỷ và lời dạy của Chúa, đâu mới là lời hay ý đẹp. Và sau khi cân nhắc Người đã chọn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống cho mình. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3).

- Cám dỗ thứ hai nhắm đến sự kiêu ngạo: Ma quỷ cũng không vừa, nó rất tinh ranh đã dùng chính Lời Chúa được ghi trong Thánh Vịnh “TC sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn; TC sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91, 11-12) để cám dỗ Chúa Giêsu. Xem ra cám dỗ này rất hợp lý! Nhưng Chúa Giêsu lại nhận thấy nó không hợp tình nên Người đã trích lại Lời Chúa được trong sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là TC của ngươi.” (Đnl 6,16) để sửa lại lời đề nghị của ma quỷ. Bởi Người biết rằng: Chỉ khi nào Người không cậy dựa vào sức mạnh lôi kéo của lạm dụng quyền lực mà thử thách TC thì lúc đó hành động của Người mới hợp lý và hợp tình.

- Cám dỗ thứ ba nhắm đến vinh hoa phú quý: Được cả thế giới, nắm gọn trong tay mọi dân nước, và tận hưởng mọi của cải trần gian mà chỉ cần quỳ xuống bái lạy ma quỷ quả thật là một lời điều kiện quá dễ dàng.Nhưng không vì được tắm mình trong bãi vinh hoa phú quý ấy mà Chúa Giêsu quên mất ai mới là Đấng đáng được Người yêu mến và tôn thờ. Nên một lần nữa Người đã nhắc nhở cho ma quỷ biết được đâu là Đấng mà nó phải tôn thờ: "Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi." (Mt 4,10).

Mang thân phận con người, chắc hẳn không ai trong chúng ta tránh được cám dỗ bởi đam mê xác thịt, ham mê tiền của và tìm kiếm danh vọng… Nhưng chúng ta tin rằng bên cạnh chúng ta luôn có Chúa yêu thương nâng đỡ chúng ta nên ta phải biết luôn đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào sức mạnh của Chúa và luôn trung thành sống theo Lời Chúa chỉ dạy, nhờ đó ta mới có thể chiến thắng được những cám dỗ của ma quỷ.


Suy niệm 2:

Trong thư thứ I thánh Phêrô cảnh cáo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. (1Pr 5, 8) Vì ma quỷ là thù địch chúng ta nên nó tìm mọi cách để hãm hại chúng ta. Vì ma quỷ rất hung dữ nên nó lợi dụng mọi cơ hội để tấn công và giết hại đời ta. Do đó ta phải luôn đề phòng và tìm mọi phương cách để chống trả. Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về điều ấy. 

Tin mừng hôm nay thuật lại những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đối mặt, sau khi ăn chay 40 ngày đêm nơi hoang địa. Nhưng ma quỷ đã thất bại, bởi vì Đức Giêsu luôn biết đặt trọn niềm tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa mà nghe theo lời hướng dẫn của Người.

Cám dỗ luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thời, cám dỗ không miễn trừ một ai cả. Vì thế cho dẫu ta là ai đi nữa thì cũng đều bị ma quỷ cám dỗ. Trong thực tế đã không ít lần chúng ta cũng sa vào cám dỗ và đã thất bại thảm hại, bởi lẽ ta đã không nghe theo sự hướng dẫn của Chúa. Hậu quả là tâm hồn ta bất an và gây tổn hại đến những người khác.

Vậy để vượt thắng được sức mạnh của cám dỗ, cách tốt nhất là ta hãy nêu gương Đức Giêsu:

- Cầu nguyện và ăn chay: Có lần Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết: “thứ quỷ này phải phải ăn chay và cầu nguyện mới trừ được” ( Mc 9,29). Trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu cũng đã cảnh tỉnh các môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối." ( Mc 26,41). Nhờ cầu nguyện ta mới múc lấy được sức mạnh của ơn Chúa. Chính thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm này và ngài đã tin tưởng vào sức thiêng của Chúa, khi nói: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9). 

- Sống theo Lời Chúa: Lời Chúa chính là ánh sáng soi dẫn bước đường ta đi. Chúa Giêsu đã dùng lời Chúa như cặp mắt thần để nhận ra mưu chước cám dỗ của ma quỷ; Ngài cũng đã dùng chính sức mạnh của lời Chúa làm vũ khí để khuất phục ma quỷ. 

- Tránh xa cám dỗ: Bằng những kinh nghiệm đã từng vượt thắng cám dỗ, các nhà tu đức luôn khuyên chúng ta hãy biết tránh xa cám dỗ. Ma quỷ là loài xảo nguyệt và rất tinh ranh nên nó có muôn ngàn cách thế để lôi kéo chúng ta phạm tội. Có khi rất mãnh liệt, nhưng có lúc cũng rất ngọt ngào và êm dịu làm say ngất lòng người. Nên cách tốt nhất là ta nên tránh xa những dịp cám dỗ. Bởi đối với cám dỗ thì “đào vi thượng sách”.

Xin cho chúng ta biết lắng nghe, học hỏi, suy niệm và đưa Lời Chúa vào đời sống. Nhờ đó ta mới sáng suốt phân định rõ được những mưu chước của ma quỷ mà xa tránh mới có thể vượt thắng được những cám dỗ.


Thứ hai: Lv 19, 1-2.11-18; Mt 25, 31-46

Nên Thánh là tiêu chí mà mọi người, đặc biệt là các kitô hữu hướng đến, vì đó là lời mời gọi của Thiên Chúa "Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” ( Lv 19, 2). Nhưng làm thế nào để nên thánh?

Bài đọc I cho chúng ta biết cần phải trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa. Các điều răn của Chúa gồm tóm vào hai điều chính yếu:
"Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn". Để cụ thể hóa điều này, sách Lê-vi chỉ dạy chúng ta "không được lấy danh Chúa mà thề gian: làm như thế là ta xúc phạm đến danh Thiên Chúa" (Lv 19, 12).
"Yêu đồng loại như chính mình". Để thực hiện cụ thể điều luật này, sách Lê-vi khuyên dạy chúng ta phải giữ đức công bằng (x. Lv 9,11-16); đồng thời cần phải loại trừ lòng ghen ghét, hận thù, oán hận ra khỏi lòng mình.

Còn bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực thi luật tình yêu cách tích cực hơn qua những việc làm bác ái cụ thể như: cho kẻ đói ăn, khát uống, tiếp đón khách trọ, chia sẻ quần áo mặc, giúp đỡ người đau yếu…Chúa Giêsu cũng cho biết khi giúp đỡ tha nhân nhất là những người nghèo khổ là ta làm cho chính Chúa. Như vậy bác ái đối với tha nhân chính là điều kiện cần thiết để được Chúa chúc phúc và xứng đáng đón nhận phần thưởng nước trời.

Xin Chúa cho chúng ta mùa chay biết gia tăng việc làm bác ái, nhất là biết lưu tâm giúp đỡ những người nghèo về vật chất và khổ về tinh thần, cũng như siêng năng thực hành các việc thờ phượng Chúa.

Suy niệm 2:

Ước muốn của người kitô hữu chúng ta là gi? Nếu không phải là được hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mà chúng ta hằng mong ước đó? Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ dạy chúng ta.

Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúa Giêsu đi vào trần gian không chỉ thể hiện tình yêu qua việc giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh tật,…mà còn vạch ra cho chúng ta con đường tình yêu qua cái “chết cho người mình yêu”, để rồi mời gọi tất cả những ai muốn vào nước trời phải đi vào con đường tình đó: “yêu như Chúa yêu”.

Sở dĩ chúng ta phải yêu thương mọi người vì: (1) tất cả đều do Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa. (2) Mọi người đều được Chúa Giêsu đổ máu để cứu chuộc. (3) Chính Chúa Giêsu cũng đồng hoá Người với tất cả những ai bé nhỏ nghèo hèn nữa. Do vậy ai giúp người, nhất là người nghèo khổ chính là giúp Chúa.
Chúng ta thường hay phân biệt hai loại nghèo: (1) nghèo mà dễ thương là những người chí thú lo làm ăn lương thiện, nhưng vì hoàn cảnh họ không khá lên được. (2) Loại nghèo khó thương, là những ai suốt ngày chỉ lo cờ bạc, rượu chè, gian tham, lười biếng không lo làm, nên sinh nghèo. Loại nghèo này đáng phải trừng phạt và loại trừ mới đáng. Tuy nhiên với cái nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác. Loại nghèo xem ra khó thương, thì đó lại là loại nghèo đáng thương trước mặt Chúa, vì họ không chỉ nghèo vật chất mà nghèo cả tinh thần và kiến thức. Do đó họ đáng cần được yêu thương và giúp đỡ.

Mỗi người đều được Chúa kêu mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Do đó dù con người có xấu xa, tội lỗi như thế nào đi nữa thì họ cũng là đối tượng được Chúa yêu thương và tôn trọng, nên chúng ta không có quyền loại trừ. Nhưng ta phải làm gì để nói lên tình yêu dành cho tha nhân?

Bài tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta ý thức nổ lực thực hành sống mười bốn mối yêu người.

- Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệc cùng kẻ tù đày, cho khách đổ nhờ, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết…

- Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Sống được như thế là chúng ta đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho ngày Con Người đến trong vinh quang. Chắc chắn ngày ấy chúng ta sẽ đứng bên phải, thuộc hạng chiên ngoan, xứng đáng được Chúa chúc phúc và thưởng vương quốc mà Người đã dọn sẵn cho.

Xin cho mùa chay này chúng ta ý thức sống tình bác ái với tha nhân tích cực hơn bằng cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, bằng những cử chỉ thân tình, bằng những nụ cười quý mến, bằng đôi chân ra đi đến với anh em, bằng đôi tay sẵn sàng mở rộng để chia sẻ với anh chị em, nhất là những ai nghèo khổ. Nhờ thế chúng ta sẽ nên giống Chúa và được Chúa chúc phúc lành cho chúng ta hôm nay và mai sau.

 

Suy niệm 3:

Điều kiện gì để ta được Chúa ban thưởng nước trời?. Và tiêu chí nào  làm cho ta vui mừng trong ngày Chúa phán xét? Đó là điều mà Tin mừng hôm nay muốn nói đến. Xin cho chúng ta biết để tâm lắng nghe và thi hành những điều kiện cần thiết như Chúa muốn, nhờ đó ta mới đạt được những điều tốt đẹp mà Chúa muốn nơi ta.

Tin mừng hôm nay vén mở quang cảnh trang nghiêm trong ngày phán xét của Thiên Chúa. Ngày ấy, Đức Giêsu sẽ là Vua ngự đến trong vinh quang để xét xử muôn dân. Ngày ấy muôn dân sẽ được tập họp hai bên tả hữu trước mặt Vua Giêsu để nghe xét xử và phán quyết.

Tiêu chí xét xử trong ngày đó sẽ không dựa trên chức quyền, giàu sang, kiến thức, màu da chủng tộc hay tôn giáo…nhưng Vua Giêsu chỉ căn cứ trên tiêu chí duy nhất đó là việc làm bác ái dành cho những người bé nhỏ và nghèo khổ. Bởi những người này là hiện thân của Chúa Giêsu. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa Giêsu.
Phần thưởng mà Vua Giêsu dành cho họ là được đến với Người và lãnh lấy phần thưởng là gia nghiệp nước trời. Còn án phạt mà những người đã không thực thi tình bác ái đối với những người bé mọn nhất là lui khỏi mặt Người và vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ.

Thật hạnh phúc biết mấy cho những ai được ở bên hữu Vua Giêsu vì họ đã được Chúa ghi nhận công đức mà ban thưởng xứng đáng.

Trong mùa chay này, xin Chúa cho chúng ta biế sống vị tha và cố gắng hy sinh tiết chế những nhu cầu không cần thiết để góp phần vào chương trình mục vụ bác ái, giúp đỡ cho những ai đang nghèo khổ.

Thứ ba: Is 55,10-11; Mt 6,7-15.

Suy niệm 1:

Trong hoàn cảnh bị lưu đày bên Babylon. Dân Chúa phải sống trong tình trạng tủi nhục, đau khổ nên lúc nào họ cũng trông chờ ngày Thiên Chúa ra tay giải thoát họ. Họ nhớ lại lời Chúa hứa với cha ông họ và mong Ngài mau đến để thực hiện lời hứa.

Trong bố cảnh đó, ngôn sứ Isaia đã lên tiếng chấn an họ hãy an tâm vì Thiên Chúa sẽ không thất tín bao giờ.

Bằng hình ảnh mưa móc làm cho đất phì nhiêu, làm cho hạt giống đâm chồi nẩy lộc sinh hoa kết trái và đem lại cơm bánh cho con người. Isaia muốn nhấn mạnh đến hai đặc tính của Lời Chúa.

1. Lời Chúa là lời Chân lý vì thế Lời Chúa hứa với dân Ngài chắn chắn sẽ được thực hiện, vì“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời" thế nào thì lời Chúa hứa sẽ không bao giờ bị rút lại.

2. Lời Chúa có sức biến đổi tâm hồn và cuộc sống con người trở nên an vui và hạnh phúc, tựa như mưa sa tưới gội "làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn" như vậy. Vì thế tiên tri Isaia kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào Lời Chúa và hãy để cho Lời Chúa biến đổi cuộc đời.

Còn bài tin mừng hôm nay thì mời gọi chúng ta thực hiện Lời Chúa qua hai việc làm cụ thể đó là: Cầu nguyện với lời kinh Lạy Cha và thực thi bác ái với nhau bằng việc tha thứ cho nhau. Thực thi lời dạy của Chúa Giêsu dạy tin chắn cuộc đời chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Xin cho chúng ta trong Mùa chay này biết chuyên chăm cầu nguyện và tích cực sống tình bác ái bằng việc tha thứ những lỗi lầm cho nhau nhằm góp phần xây dựng Họ đạo chúng ta trở thành cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin và đức ái vững mạnh theo thánh ý của Chúa và ước mong của Gíao Hội.

Suy niệm 2:

Cầu nguyện là một trong ba việc làm đạo đức quan trọng mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta thi hành trong mùa chay thánh. Nhưng chúng ta đã cầu nguyện như thế nào? Có hợp với ý muốn của Chúa chưa? Hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay, để điều chỉnh lại việc cầu nguyện của chúng ta cho xứng hợp.

Thông thường khi nói đến cầu nguyện, đa số chúng ta đều nghĩ đến xin ơn nọ ơn kia, it ai nghĩ rằng cầu nguyện là tìm cách làm vinh danh Chúa và làm công việc của Chúa. Xin những ích lợi vật chất cho mình, đành là một điều cần, nhưng nó còn mang tính cách vị kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến ý muốn của Chúa. Vì thế Chúa dạy cho các Tông đồ và chúng ta cách thức cầu nguyện sao cho phù hợp qua lời kinh Lạy Cha.

Phân tích kinh lạy cha, ta thấy gồm có bảy điều nguyện xin và được chia ra làm hai phần rõ rệt:

- Phần thứ nhất: gồm ba điều nguyện ước hướng về Chúa:

Xin cho Thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết, mến yêu và phụng sự.

Xin cho Nước Cha tức là uy quyền của Chúa hay là Giáo Hội Ngài thành lập được lan rộng khắp nơi, được thống trị trong cả thế giới nhất là trong các linh hồn.

Xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân phục cách hoàn hảo cũng như các thánh ở trên trời hằng tuân phục.

- Phần thứ hai: gồm bốn lời nguyện xin:

Nguyện xin cho nhu cầu vật chất và tinh thần cho chính bản thân ta và cho mọi người.

Xin Chúa cho ta có đủ của ăn, để nuôi sống phần xác hằng ngày.

Xin Chúa tha nợ là tội cho ta vì đã làm mất lòng Chúa. Với điều kiện là ta cũng phải tha thứ cho những ai xúc phạm đến ta.

Xin Chúa đừng để chúng ta sa chước những cám dỗ.

Xin Chúa cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ, tai ương, hoạn nạn ở trần gian này.

Những lời nguyện xin ở trên phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng những tâm tình tin cậy, yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha.

Sau khi dạy kinh lạy cha, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến việc tha thứ. Đây là vấn đế khó. Mình xin Chúa tha nợ (tội) cho mình thì dể, nhưng mình tha nợ (lỗi) cho người khác quả là không dể. Sở dĩ khó bởi vì chúng ta xem trọng mình hơn Chúa. Nếu suy nghĩ kỉ chúng ta thấy rằng: chúng ta xúc phạm đến Chúa là Đấng Chí Thánh, là Đấng Tạo Dựng… thì nặng nề biết dường nào. Ngược lại người khác xúc phạm đến ta chỉ là thụ tạo thì có đáng gì. Như thế ta nợ Chúa quá nặng, người khác nợ ta thì quá nhẹ. Chúa lại lấy cái nợ nhẹ ra để làm điều kiện tha nợ nặng cho chúng ta quả là ân huệ lớn lao cho ta rồi. Nếu ta không chấp nhận đúng là ta quá dại khờ.

Hơn nữa chẳng những Chúa không tha tội cho ta mà Chúa cũng không nhận lời cầu xin và lễ dâng của ta nữa. Chính Chúa đã nói rõ: “Khi đi dâng lễ mà nhớ mình có chuyện bất hoà với anh em, thì hãy để của lễ đó mà về làm hòa với anh em đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ sau”.

Hằng ngày, chúng ta vẫn đọc kinh lạy cha, chúng ta thờ lạy Chúa, chúng ta tôn vinh Chúa, chúng ta cầu xin những ơn hồn xác, điều đó tốt lắm. Riêng việc cầu xin ơn tha thứ cho nhau là điều rất cần nhưng chúng ta lại hay quên.

Xin Chúa giúp ta ít là trong mùa chay này biết sẵn sàng quảng đại tha thứ cho những ai đã đang và sẽ làm cho chúng ta đau lòng, nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa tha thứ và đón nhận dồi dào phúc lành của Người.

Thứ tư: Gn 3,1-10; Lc 11,29-32

Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng lời.

Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe đỗ như người Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có chứng kiến bao là phép lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng họ vẫn không tin. Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.

Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.

Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa (bài đọc I), nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!

Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salômôn. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salômôn nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!

Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.

Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù quáng và tự mãn, nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

Thứ năm: Et 14,1. 3-5.12-14; Mt 7,7-12

Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện với tất cả niềm tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa là Cha.

Người xưa thường nói: "Có chí thì nên; kiến tha lâu đầy tổ; góp gió thành bão; năng nhặt chặt bị; ngồi lâu câu bền; thua keo này, bày keo khác…". Nhờ thế mà “dẫu rằng chí thiển tài hèn, chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ”…

Kinh nghiệm ở đời cho biết: muốn thành công bất cứ việc gì, đều đòi buộc chúng ta cũng phải dầy công vất vả. Người nông dân muốn có mùa vụ như ý thì phải chấp nhận một nắng hai sương, mồ hôi nước mắt. Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư... phải miệt mài đèn sách bao năm.

Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn : "Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực siêu nhiên nữa.

Sách sáng thế ghi lại câu chuyện của tổ phụ Abraham khi cầu nguyện với TC. Để xin lòng khoan dung của TC, Abraham đã mặc cả với Chúa trong kiên trì, mỗi lần cầu xin ông đều hạ dần số người công chính trong thành Xơ-đôm xuống, với mong muốn xin Thiên Chúa tha phạt cho toàn thể con dân trong thành. Tựa như một vị trạng sư, Abraham đã lý luận “đôi co” và kiên nhẫn với Chúa về số phận người công chính chẳng lẽ phải chịu chung số phận với người tội lỗi sao? Nhờ thế mà cuối cùng Thiên Chúa cũng “đành chịu thua” trước sự kiên trì của ông. Bởi lẽ Thiên Chúa chính là Đấng "chậm bất bình và đầy lòng khoan dung". (X. St 16, 18-33).

Lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Môsen cũng vậy. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân A-ma-lếch thắng thế. (X. Xh 17, 8-13).

Thánh Phaolô trong thư gửi Timôthêô cũng đã căn dặn là phải kiên nhẫn, trung tín cầu nguyện và năng suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh.

Rồi đến dụ ngôn bà góa trong Tin mừng. Bà đã nài nỉ xin vị thẩm phán xét xử công minh nỗi oan ức cho bà. Mặc dù ông ta là vị thẩm phán bất lương, nhưng để tránh sự quấy rầy phiền phức của bà, cuối cùng ông cũng phải xét xử để phân giải cho bà.

Cuộc trở lại của thánh Augustinô luôn là một ví dụ điển hình, nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ Mônica. Phải mất gần 20 năm trời, lời cầu xin của bà Mônica mới được Chúa nhậm lời.

Đặc biệt bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời của bà Esther. Nhờ kiên tâm cầu nguyện với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng nên lời cầu xin của bà đã được Thiên Chúa nhậm lời.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết được giá trị cao quý của việc cầu nguyện là cần thiết cho đời sống chúng ta là thế nào, nên bài Tin mừng hôm nay, Người tha thiết kêu mời chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11, 9).

Xin cho chúng ta nghe lời Chúa chỉ dạy mà siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện kiên trì với lòng tin tưởng vào Chúa là người Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Tin chắc Người sẽ nhận lời mà ban cho chúng ta những điều thiện hảo nhất, hơn cả những gì chúng ta cầu xin.

Suy niệm 2:

Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn nên không thể thiếu được trong đời sống thiêng liêng đức tin. Vì thế mà lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta phải kiên trì cầu nguyện với lòng tin tưởng cậy trông vào TC là Người cha đầy lòng yêu thương chúng ta.

Ba việc đạo đức được nhắc nhiều trong mùa chay: ăn chay, bác ái, cầu nguyện. Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh cầu nguyện. Nhưng không phải dạy chúng ta về nội dung, hình thức hay thái độ khi cầu nguyện, mà là tâm tình và tinh thần phải có mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Chúa.

- Tâm tình của cầu nguyện phải là tâm thế của một người con trong tương quan với TC là Người Cha rất giàu lòng yêu thương chúng ta. Khi cầu nguyện với tâm thế đó ta sẽ không nản lòng nếu lời cầu xin của chúng ta không được Chúa nhậm lời; và ta cũng sẽ không thấy khó chịu khi gặp phải những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống, bởi vì với tâm tình của một người con, chúng ta tin rằng mọi sự xảy đến với ta đều là ân sủng do Chúa tặng ban. Và chỉ khi đặt mình vào tâm thế của người con Chúa, ta mới có thể hiểu và cảm nhận được sâu sắc lời cầu xin của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu năm xưa, khi phải đối diện với đau khổ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, Nhưng đừng theo ý Con, một xin vâng ý Cha.” (Mt 26, 39).

- Tinh thần của chúng ta phải có khi cầu nguyện là phải luôn tin tưởng cậy trông uy quyền và sự khôn ngoan vô cùng của TC. TC là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nên Người biết chúng ta cần gì và điều gì mới thật sự mang lại ích lợi cho chúng ta. Nên Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy kiên vững cầu nguyện: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho.”.

Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, tại sao vậy? Thánh Giacôbê cho ta biết nguyên nhân: "Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc" (Gc 4, 2-3). Như vậy sở dĩ lời cầu chúng ta không được Chúa nhậm lời là vì, thứ nhất không mang lại ích lợi thật sự cho chúng ta, thứ hai có thể chúng ta chưa đủ kiên trì cầu nguyện trước sự trì hoãn của Chúa. Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là "Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời."

Xin Chúa cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện hơn trong mùa chay thánh này với tất cả niềm tin tưởng phó thác vào uy quyền và tình yêu quan phòng kỳ diệu của Chúa là Người Cha rất nhân từ. Amen.

Thứ sáu: Ed 18,21-28; Mt 5,20-26

Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì chỉ có Chúa làm chủ sự sống mới có quyền đó. Đó là công lý! Luật của Chúa trong tin mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp buộc tội khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn, Chúa ngăn chặn ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.

Xin cho mùa chay này chúng ta biết giữ tâm hồn cũng như môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.

Chúa nói “ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”

Người xưa kết tội khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ, giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ trong tư tưởng đó chứ không chờ đến khi sự việc xảy ra. Chúa cấm từ trong trứng nước như vậy.

1. “Ai giận anh em mình thì đáng bị xét xử”. Giận dỗi thì ai cũng dễ mắc lắm, bởi “dày môi hay hờn, giận cá chém thớt”. Người ta chỉ giận người khác rồi mới nảy ra ý định giết người đó. Khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta, ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác gì giết người không dao.

2. Thái độ thứ hai được kể ngang hàng với tội sát nhân là tội khinh dể anh em mình. Chúa Giêsu nói: “Ai bảo anh em mình là đố ngốc... là đáng bị lên án trước công nghị.” Tại sao khinh bỉ người như thế mà cũng bị coi là giết người. Thưa vì khinh khi như thế, ta thường kiếm cách sát phạt họ, làm hại thanh danh họ mà không cần gươm giáo. Cho nên giết người ở đây là giết tinh thần, làm cho người khác khốn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, chết dần chết mòn... Đó cũng là cách giết chết nhân phẩm người anh em của ta rồi .

3. Chưa hết, Chúa Giêsu nói: “Ai mắng anh em là đồ khùng... đáng lửa hỏa ngục.” Khi ta mắng một người như vậy là ta đóng một vai trò quan án mà mình không có quyền như thế. Ta mắng một người như thế là ta hạ thấp họ xuống ngang hàng với loài vật rồi, không đáng là người nữa. Trong lòng chúng ta chất chứa những cay đắng, giận dữ, ghen ghét và ta muốn đổ hết lên đầu người khác đó là cách ta lỗi đức công bằng và phạm đến luật bác ái nên rất đáng sa hỏa ngục.

Hãy nhớ rằng khi chúng ta phạm tội giết người từ trong tư tưởng, lời nói hay việc làm là chính chúng ta cướp đi quyền của Thiên Chúa, phản bội lại tình thương của Thiên Chúa nên đáng nhận lấy hình phạt là lửa địa ngục.

Chúng ta phải ăn năn thống hối nhiều lắm vì đời chúng ta hằng gây sóng gió bằng lời ăn tiếng nói làm đau khổ, làm tan nát bao nhiêu tâm hồn. Do bởi lời nói, chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử ngày phán xét đó!

4. Tha thứ không phải là điều dễ nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ."  Tha thứ là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.

 

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ phải công chính hơn các Kinh Sư và Biệt Phái thì mới xứng đáng được vào nước trời.

Vậy mức độ công chính mà Chúa Giêsu đòi hỏi là ở mức độ nào?

Để biết điều ấy, trước tiên ta cần tìm hiểu sự công chính là gì?

Theo từ điển: Công là công bằng và Chính là ngay thẳng.

Theo nghĩa thánh kinh: Công chính là vâng nghe và làm theo ý Chúa. Vì thế mà tổ phụ Abraham, Đức Maria và thánh cả Giuse…được gọi là đấng công chính.

Những Kinh sư và Biệt phái được đánh giá là những người luôn nghe và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa một cách nghiêm ngặt. Nên họ luôn tự cho mình là những người công chính. Nhưng sự công chính của họ chỉ được đánh giá qua những việc làm mang tính hình thức chứ không phát xuất từ ý hướng chân chính, ngay thẳng. Nên mọi việc họ làm là nhắm đến cho người ta thấy mà ngợi ca công đức của họ. Do đó nhiều lần Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ rất nặng lời: “Khốn cho các người, hỡi các Kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23, 27); “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ…” (Mt 23, 14). Họ không thống nhất được đời sống. Lời nói không đi đôi với hành động nên có lần Chúa Giêsu lưu ý dân chúng và các môn đệ về họ: "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy.Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 2-3).

Vậy công chính hơn những Kinh sự và Biệt phái chính là ta phải biết thống nhất được đời sống, nghĩa là tư tưởng, lời nói và việc làm phải thẳng ngay, không quanh co, khác biệt nhau.

Để minh họa cho các môn đệ hiểu được điều ấy, Chúa Giêsu đưa ra một vài ví dụ như luật giết người. Tội giết người không chỉ bị kết án khi làm hại đến sự sống thể lý mà ngay trong ước muốn, ý định và lời nói xúc phạm đến giá trị và nhân phẩm của tha nhân đã bị xem là phạm tội giết người rồi.

Tương tự như thế luật thờ phượng Chúa ngang qua việc dâng của lễ lên bàn thờ Chúa nhưng nếu trong lòng còn nuôi hận thù, ghen ghét ai đó thì phải bỏ của lễ lại mà đi làm hòa trước đã. Được như vậy thì việc dâng của lễ lên Chúa mới được Chúa đón nhận.

Tóm lại để trở nên công chính như Chúa muốn, ta cần phải tuân giữ những điều luật Chúa dạy với tất cả ý hướng ngay lành, bằng một tình yêu chân chính. Làm được như thế ta mới xứng danh là môn đệ Chúa và đáng được hưởng niềm vui nước trời.

 Suy niệm: 3

Chúa Giêsu đã từng xác quyết với các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Tin mừng hôm nay, nói đến việc Chúa Giêsu kiện toàn luật giết người.

Nếu người xưa dạy không được giết người. Ai ra tay giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Chúa Giêsu thì lên án ngay cả khi ta phẩn nộ, chửi bới xúc phạm đến danh dự của người khác. Bởi ta chửi người khác là “ngốc’, là “khùng” là tâm trí của ta đã loại trừ người anh em mình ra khỏi cuộc đời mình và xem họ như là kẻ thù ta.

Chúa Giêsu muốn người môn đệ của Ngài phải sống hoàn thiện và nên công chính hơn các luật sĩ và biệt phái. Bởi lẽ sự công chính không chỉ hệ tại ở những hành vi đạo đức bên ngoài mà còn phải phát xuất từ trong tâm trí ngay chính nữa.

Lắm khi húng ta sống như những luật sĩ và pharisêu chỉ chú trọng những việc đạo đức bên ngoài mà bỏ qua tâm tình bên trong. Nên ta không thể hiệp thông với Chúa và với nhau đúng nghĩa. Suy nghĩ, lời nói và việc làm bất nhất với nhau. Trong đời sống cộng đoàn chúng ta cứ xử "bằng mặt nhưng không bằng lòng". Sống bên nhau mà ta xem nhau như kẻ thù. 

Vì thế, ta dễ dàng buông ra những lời chua cay, thâm độc: ha nhục nhau bằng những lời chửi rủa tục tằn; lòng luôn muốn điều ác cho nhau, sẵn sàng kiện cáo nhau trước tòa đời...nguy hiểm là giết hại nhau.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết bao dung tha thứ. Tha thứ là cách chúng ta kiện toàn lề luật và trở nên công chính trước mặt Chúa. 

Chúa chỉ nhận lễ dâng của ta khi ta biết làm hòa với anh em mình; Và Người chỉ tha thứ tội lỗi cho ta một khi ta biết sẵn lòng tha thứ cho người khác.

Xin Chúa thương chữa lành những vết thương lòng của ta và xin cho chúng ta có được lòng nhân từ của Chúa, để chúng ta dễ dàng tha thứ những lầm lỗi, thiếu sót cho nhau. Nhờ thế ta mới xứng đáng bước vào nước trời. 

Ta nên hiểu rằng“Người xởi lởi trời gởi của cho, người so đo trời gò của lại”. Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta.

 

Thứ bảy: Đnl 26,16-19; Mt 5, 43-48

Để xứng đáng là dân thánh Thiên Chúa nhằm thừa hưởng vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc, sách Đệ Nhị Luật trong bài đọc I đưa ra một số điều kiện như sau:

Phải chọn Chúa là Thiên Chúa của đời mình.

Phải hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa.

Phải hết lòng tin tưởng Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài theo gương tổ phụ Abraham.

Còn bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra những tiêu chí để trở nên hoàn thiện, xứng đáng làm môn đệ của Ngài:

1. Phải "yêu thương địch thù và làm ơn cho những kẻ ghét các ngươi".

2. Hãy “cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi".

Thực hiện những tiêu chí mà Chúa Giêsu đòi hỏi không phải là điều dễ dàng. Khó nhưng không phải là không thể, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Ngài đã yêu thương đến tận cùng bằng cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao thập giá Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại Người và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng. "Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm."

Ngài còn hướng chúng ta đến mẫu gương cội nguồn Tình yêu nơi Thiên Chúa. Một tình yêu dành cho hết mọi loài và mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Không giới hạn giới tính nam hay nữ, hoàn cảnh giàu hay nghèo, tình trạng tốt hay xấu… tất cả đều được Ngài yêu thương. Tình yêu của Ngài tựa như "mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết cũng như kẻ bất lương." Và mời gọi chúng ta noi theo gương Chúa để trở nên hoàn thiện. Qua đó mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu vì chúng ta có lòng yêu thương nhau như Chúa yêu.

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn trở nên dân Thánh và trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

Xin cho chúng ta biết sống theo tinh thần của Thiên Chúa là: bao dung tha thứ, quảng đại hy sinh cho hết mọi người. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...