Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Lm. Vĩnh Hòa

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN C

Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11

Nhận thấy nhiều giáo dân chưa sống đầy đủ “Ơn gọi và sứ mạng của mình”; cũng như nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam ngày nay đã và đang bị xuống cấp trầm trọng do trào lưu biến đổi nhanh chóng của kinh tế, xã hội và chính trị... tác động mạnh mẽ trên đời sống người Việt Nam. Nên năm 2014, HĐGMVN đã mời gọi mọi tín hữu Công giáo cần phải lưu tâm đến nền tảng căn bản của xã hội và GH là Gia đình để “Tân Phúc Âm Hóa”. 

"Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (xem Dt 13,8). Nhưng là làm mới lại lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả. Đó cũng chính là sứ điệp mà phụng vụ lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta.

Trên báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 12.8.2014, có đăng tải bài viết: “Gái Miền Tây, và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ.” (3 chữ “N”: Ngon, Ngoan và Ngu), đã bị dân cư mạng phản đối cực lực, khiến cho bộ VHTT phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc. Bởi vì tác giả bài viết này không những bôi nhọ, xúc phạm đến giá trị nhân phẩm của người con gái Miền Tây, mà nguy hiểm hơn là đã chia rẻ vùng miền.

Trái ngược lại nội dung của bài viết trên báo điện tử Tri Thức Trẻ trên, bài viết và nội dung của tác giả thánh Luca trong bài Tin mừng hôm nay, đã để lại cho người đọc một ấn tượng tuyệt đẹp, khi đề cao nhân vật Giêsu với 3 chữ “L” (Lạ) thật lạ nổi danh thiên hạ.

1. “Lạ” về nơi giảng dạy.

Lạ là ở đời ai lại dùng thuyền đánh cá để ngồi trên đó mà giảng dạy; cũng chưa từng thấy ai quy tụ dân chúng nơi bãi biển để giáo huấn. Vậy mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại tận dụng phương tiện và nơi chốn ấy để rao giảng Lời Chúa. Quả là lạ thường!

2. “Lạ” về mẻ cá bất thường.

Với kinh nghiệm lành nghề về việc đánh bắt cá biển, Sinmon cùng các bạn đồng nghiệp đã trãi qua một đêm vất vả, nhưng chẳng được con cá nào. Trong khi giữa lúc ban ngày, thầy Giêsu chẳng có chút kinh nghiệm gì về việc ra khơi bám biển, lại đề nghị Simon thả lưới bắt cá, quả là chuyện đùa! Nhưng để làm vui lòng thầy Giêsu, Simon đành miễn cưỡng làm theo; vậy mà thật bất ngờ, kết quả lại ngoài sức tưởng tượng. Một mẻ cá lạ đầy ấp những cá là cá. Ấy mới là sự lạ!

3. “Lạ” về cách chuyển đổi ngành nghề cho dân chài.

Trước một mẻ cá lạ lùng, Sinmon đã hò reo sung sướng, nhưng cũng đầy sợ hãi khi nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình nên đã sụp lạy thầy Giêsu đầy quyền năng. Không ngờ chính lúc đó, Chúa Giêsu lại nhẹ nhàng chấn an, rồi bất ngờ kêu gọi ông chuyển đổi ngành nghề: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Sinmon đã không cưỡng lại được lời mời gọi chân tình tha thiết ấy của Đấng quyền năng, nên đã“bỏ mọi sự mà theo Người”. Ôi lạ lùng biết mấy!

Với 3 chữ “lạ” nơi con người Giêsu mà thánh Luca tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay, đã dạy chúng ta về những bài học quý:

Phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Luôn biết tin tưởng, trông cậy vào quyền năng Chúa trong mọi lúc vì “mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng bao giờ”. (Tv 90 ).  Biết cậy dựa vào Chúa, ta có thể làm được những điều kì diệu, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi có thể làm mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Pl 4,13).

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi kinh nghiệm, mỗi người mỗi khả năng, tính cách, hoàn cảnh…, nhưng Chúa đều tin tưởng mời gọi để cộng tác với Chúa với mục tiêu cuối cùng là cứu rỗi các linh hồn.

Đó cũng là chủ đề của HĐGMVN đã hướng đến năm 2014:  “Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình”. "Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (xem Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả.

Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.

Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt: văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.

Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc Âm” (Thư chung số 4).

Xin cho chúng ta biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tích cực, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để thi hành thánh ý Chúa với lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng của Người.

Suy niệm 2:

Để hướng đến một HT Hiệp Hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ. GH mới gọi chúng ta lưu tâm đến 3 phương cách thực hiện: Gặp gỡ-Lắng Nghe-Phân định.

Có thể nói 3 cách thức trên đã được chính Đức Giêsu thực hiện cách nay hơn 2000. Bài tin mừng hôm nay minh chứng điều ấy.

1. Gặp gỡ: Ra đi mọi nơi, mọi lúc trong mọi hoàn cảnh để gặp gỡ dân chúng,  cho dẫu họ là ai: trí thức, sang giàu hay thất học, bần dân...; nơi nào có sự hiện diện của dân chúng là có Ngài: ở trong nhà hay ngoài đường, thành thị hay thôn quê, trên vùng núi, sa mạc hay đồng bằng, ngoài bãi biển...đâu đâu cũng in đậm bước chân của Đức Giêsu.

2. Lắng nghe: Đức Giêsu gặp gỡ không chỉ để rao giảng Tin mừng, làm phép lạ cứu giúp người đau khổ mà trên và trước hết là để lắng nghe tiếng lòng khát khao của dân chúng. Cụ thể hôm nay Ngài lắng nghe tiếng lòng thất vọng, buồn chán của Simon và những người bạn sau một đêm dài vất vả đánh bắt cá mà không có gì.

3. Phân định: Sau khi gặp gỡ, lắng nghe, Đức Giêsu không vội vàng đưa ra giải phá hay hành động ngay, trái lại Ngài luôn dành thời gian đủ để phân định. Phân định qua cầu nguyện, đối thoại, đi bước trước để khơi gợi ước muốn và khả năng của họ... Cuối cùng Ngài mới đưa ra giải pháp để giúp đỡ: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ sâu, và thả lưới bắt cá”. Có lẽ vì đây là lời đề nghị chứa đựng sự quan tâm, đồng cảm, phát xuất từ trái tim yêu thương chân thành của Thầy Giêsu nên đã khiến Simon không cưỡng lại được, ông đành làm theo lời đề nghị của Đức Giêsu: “Nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Kết quả thật bất ngờ! "Cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm"

Ơn gọi và sứ vụ mỗi chúng ta là sống và thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng tình thương cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Ơn gọi đó đã được Isaia, Phaolô đáp trả tích cực và đã hết mình thực hiện. Nhưng trên hết ơn gọi và sứ mạng ấy đã được chính Đức Giêsu thực hiện cách hoàn hảo. Sứ mạng ấy đã được trao lại cho mỗi người chúng ta qua lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh, trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi thụ tạo...” (Mc 16,15-16).

Xin cho chúng ta biết sẵn sàng ra đi gặp gỡ, lắng nghe và phân định các biến cố, sự việc dưới ánh sáng lời Chúa, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần theo gương Đức Giêsu. Tin rằng khi thực hiện theo những phương thức của Chúa Giêsu, thì sứ vụ loan báo Tin mừng tình thương cứu độ của Chúa sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Thứ hai: Mc 6, 53-56

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mạnh dạn đến với Chúa; bởi Ngài là Đấng giàu lòng thương xót. Xin cho chúng ta biết đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa tình thương, nhất là trong những lúc đau khổ. Tin chắc Chúa sẽ đón nhận và sẽ chữa lành những vết thương đau đớn sâu thẩm nơi tâm hồn của mỗi chúng ta.

Tin mừng hôm nay vẽ lên bức tranh với 2 mảng màu sáng tối đối lập.

Một bên là những mảng đen tối do bệnh tật thể xác và những đau khổ về tinh thần do tội lỗi và ma quỷ gây ra. Một bên là vùng ánh sáng phát xuất do quyền năng và lòng thương xót của Chúa chiếu giãi.

Bức tranh ấy trở nên tuyệt đẹp khi được ánh sáng tình thương và quyền năng của Chúa chiếu vào vùng tối của xấu xa tội lỗi do ma quỷ gây nên.

Bức tranh sẽ trở nên trong sáng, lung linh rực rỡ khi bức tranh ấy biết để cho màu sắc đức tin mình kết hợp hài hòa với sắc màu đẹp tươi của lòng thương xót Chúa.

Chính nhờ biết pha chế màu sắc đức tin mình vào màu sắc chủ đạo của tình thương Chúa mà rất nhiều bệnh nhân cũng như những ai gặp thử thách đã được Chúa Giêsu cứu chữa, đem lại cho họ niềm vui và hạnh phúc.

Xin cho chúng ta cũng biết đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa mà can đảm đến với Người trong những lúc màn đêm vây kín. Tin chắc Chúa sẽ đón nhận và chữa lành những vết thương đau khổ trong tâm hồn ta. Có Chúa trong đời thì ánh sáng niềm vui, hạnh phúc, bình an… sẽ đẩy lui bóng đen của tội lỗi, đau khổ, sự chết giăng mắc trong đời ta, và sẽ làm cho bức tranh đời ta được tươi sáng và xinh đẹp biết bao.

Thứ ba: Mc 7, 1-13

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tập chú vào việc thống nhất đời sống, nghĩa là làm cho lời nói và việc làm của ta luôn phù hợp với suy nghĩ và tâm tình bên trong.

Qua những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với thái độ và việc làm của những người Biệt phái và Luật sĩ trong bài Tin mừng hôm nay, nhằm hướng chúng ta đến 2 vấn đề chính trong đời sống.

Cần phải trở về cái chính yếu hơn là chỉ chú trọng đến những điều phụ tùy.

Luật Chúa mới là những điều chính yếu và có giá trị bền vững; còn luật lệ của con người có tính nhất thời, nên nó có thể thay đổi qua thời gian và hoàn cảnh cuộc sống. Do đó cần phải tuân giữ luật Chúa hơn luật con người. Vì thế nếu có sự đòi buột chọn lựa, ta cần chọn giá trị ưu tiên là luật Chúa. Nhưng những người Pharisêu và Luật sĩ lại đề cao những  luật lệ tiền nhân mà quên đi việc trung thành tuân giữ luật Thiên Chúa.

Cần phải thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”. Nghĩa là giữa lời nói, việc làm bên ngoài sao cho phù hợp với tâm tình bên trong. 

Việc làm phải được định hướng bởi ý hướng và tâm tình bên trong. Nhưng những người Biệt phái và Luật sĩ lại chú trong đến những hình thức bên ngoài như việc rửa tay trước khi ăn mà quên đi tẩy rửa tâm hồn cho thanh sạch. Vì thế mà Chúa Giêsu khiển trách họ nặng nề: “dân này thờ kính ta bằng môi miệng nhưng lòng trí thì xa Ta, Ta muốn lòng nhân chúng không phải hy lễ”.

Có thể những lời khiển trách của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay cũng hướng đến chúng ta. Bởi lẽ ta thường quá chú trong đến hình thức mà quên đi tâm tình bên trong việc thờ phượng Chúa và trong cách tương quan với tha nhân trong đời sống.

Có thể chúng ta cũng chỉ chú trọng vào những nghi lễ, luật lệ, quy định trần thế mà bỏ qua những lề luật của Chúa truyền dạy, để rồi dễ dàng vi phạm luật Chúa cách dễ dàng.

Xin Chúa cho chúng ta biết chấn chỉnh lại đời sống và đặt lại những bậc thang giá trị ưu tiên trong đời sống; cũng như luôn biết thống nhất đời sống giữa lời nói, việc làm sao cho phù hợp với ý hướng bên trong tâm hồn.

Thứ tư: Mc 7,14-23

Tin mừng hôm nay trình thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người Biệt phái và Luật sĩ về vấn đề sạch-dơ. Qua cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu xác định cho ta biết về nguồn gốc của sạch dơ phát xuất từ đâu? và đâu mới là sự dơ bẩn đáng sợ nhất trong đời sống con người?

Chúng ta đang sống trong một thế giới báo động đỏ về nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà lãnh đạo tâm huyết của thế giới đã kêu gọi liên kết với nhau nhằm tìm ra những giải pháp làm giảm đi nạn ngây ô nhiễm môi sinh.

Năm 2015 ĐGH Phanxicô trong thông điệp Laudato-si cũng cho thấy tác hại ghê gớm của nạn ô nhiễm môi trường và tha thiết kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ ngôi nhà chung với mong muốn để lại cho thế hệ mai sau một bầu không khí trong lành.

Nạn ô nhiễm bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của con người nên rất cần được gìn giữ và bảo vệ cho trong lành. Tuy nhiên nguy hiểm nhất vẫn là nạn ô nhiễm bên trong con người. Một khi tâm hồn con người bị ô nhiễm bởi ý hướng và tâm tình sai lạc sẽ gây ra biết bao nguy hại cho cuộc sống. Chúa Giêsu đã liệt kê ra 12 biểu hiện đáng sợ khi tâm hồn dơ bẩn... 

Do đó dơ bẩn bên trong con người mới chính là nguyên nhân đẩy con người đến chỗ không còn biết hành xử đạo đức và văn hóa nữa. Đưa đến tình trạng vức rác bừa bãi, xả thải nước công nghiệp độc hại ra môi trường vô tư; sản xuất vật tư nông nghiệp độc hại thoải mái; buôn bán thức ăn bẩn tràn lan…đưa đến tình trạng biến đổi khí hậu, bão lũ, động đất, nước biển dâng và xâm ngập mặn...nhất là bệnh tật bùng phát, làm cho đời sống con người phải điêu đứng khốn cùng!

Chính vì thế mà trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho những người Biệt phái và Luật sĩ hiểu rằng: Những gì xuất phát từ bên trong mới gây nên những điều xấu xa và nguy hại. Nếu tâm trí lành mạnh sẽ dẫn đến hành động tốt đẹp, bằng ngược lại tâm trí đầy u tối và toan tính xấu xa sẽ đưa đến những việc làm đen tối, gây nguy hại cho con người và cuộc sống. Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ý thức thanh tẩy tâm hồn hơn là chú tâm vào việc tẩy rửa bên ngoài chén đĩa. 

Xin Chúa thương thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tính hư nết xấu và giúp chúng ta biết quy hướng về những việc làm có ích cho cộng đồng bằng một tình yêu trong sáng. Nhờ đó cuộc sống mới có được niềm vui và con người mới cảm thấy được hạnh phúc.

Suy niệm 2

Rửa tay là việc làm bình thường. Việc rửa tay thường mang 3 ý nghĩa.

- Tự nhiên: cho sạch, tẩy vi khuẩn trước khi ăn, để tránh được những bệnh truyền nhiễm.

- Văn hóa: Rửa tay là dấu chỉ nói lên ý nghĩa vô can hay vô tội trước một sự kiện biến cố nào đó xảy ra chung quanh chúng ta. Như trường hợp Philatô rửa tay, nhằm nói rằng mình vô can trước vụ án và cái chết của Chúa Giêsu.

Siêu nhiên, đức tin, tôn giáo: Đối với người Do thái rửa tay trước khi ăn là một nghi thức nói lên ý hướng tẩy rửa tâm hồn nên trong sạch. Hay trong bí tích rửa tội, đổ nước trên đầu thụ nhân là nhằm thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn.

Tuy nhiên những người Biệt phái và Luật sĩ rửa tay như là một thoái quen bắt buộc nên dần dà họ quên ý nghĩa chính yếu của tôn giáo hay thiêng liêng. Họ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài để nhằm cho mọi người khen ngợi là đạo đức… mà quên đi cái cốt lõi là tẩy rửa tâm hồn vì lòng yêu mến Chúa. Chính vì thấy được sự sai lệnh của họ trong việc giữ luật nên Chúa Giêsu đã khiển trách họ rất nặng nề: “Dân này thờ kính ta bằng môi miệng, nhưng lòng trí thì xa Ta.”.

Có thể ngày hôm nay Chúa cũng khiển trách chúng ta vì lối sống đạo hình thức ấy. Nên những thực hành tôn thờ Chúa dần dà trở thành thói quen, chúng ta làm như cái máy rồi quên đi ý nghĩa của những việc đạo đức. 

Cũng như trong cách ứng xử với tha nhân, có thể chúng ta quá chú trọng đến hình thức mà quên đi lòng quý mến và trân trọng của ta dành cho tha nhân. Có khi những lời nói hay việc bác ái chúng ta chỉ là xáo ngữ cho vui tai hay nhằm mục đích cầu danh lợi bản thân ta hơn là vì lòng yêu mến chân thành dành cho nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm sống thật với lòng mình trước Chúa, tha nhân và lương tâm; cũng như tuân giữ luật Chúa và Giáo hội bằng tấm lòng con tim yêu mến hơn là hình thức trói buộc.

Thứ năm: Mc 7, 24-30

Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt đẹp về đức tính, cách ứng xử và một đức tin mạnh mẽ của một người phụ nữ ngoại giáo. Chính vì vậy mà lời cầu xin của bà đã được Chúa Giêsu nhậm lời. Xin cho chúng ta cũng biết bắt chước gương sáng của bà, để chúng ta xứng đáng được Chúa chúc lành.

Những ngày đầu năm, chúng ta hay nghe nhà đài phát lại bài hát: Em Trong Mắt Tôi (Tg. Nguyễn Đức Cường), với những ca từ rất đẹp:

Em đẹp không cần son phấn

Duyên thật xinh thật xinh rất hiền

Không quần Jean giày cao gót

Em chọn riêng mình em áo dài duyên dáng...

 Lời bài hát trên ca ngợi hình ảnh rất riêng và thật đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Nét đẹp của người phụ nữ Á Đông cách chung và của người phụ nữ Việt Nam nói riêng, xưa nay thường được người đời quý trọng bởi những đức tính: Công-dung-ngôn- hạnh. Cách riêng "đức hạnh" vẫn là tiêu chí được cha ông chúng ta đặt lên hàng đầu. Bởi ai cũng yêu mến người phụ nữ biết chịu thương, chịu khó, khiêm tốn và kiên nhẫn...Nói như thế thì người phụ nữ ngoại giáo trong đoạn Tin mừng hôm nay thật tuyệt đẹp, vì bà ta đã có đầy đủ những đức tính ấy.

- Với tình thương của người mẹ dành cho đứa con mà mình đã đứt ruột sinh ra, chắc hẳn bà đã từng chạy thầy, chạy thuốc khắp nơi và tiêu tốn không ít tiền của, công sức để nhằm cứu chữa đứa con gái yêu quý của bà. Chính vì tình thương lớn lao mà bà ta không ngại vượt qua ranh giới của luật lệ cấm cách giữa người Do Thái và người ngoại để tìm đến với Chúa Giêsu là người Do Thái. 

- Với đức tính chịu khó bà đã không ngại vượt qua những con đường xa xôi về địa lý, với cái nắng mưa dãi dầu; nhất là chấp nhận vượt qua những rào cản ngăn cách về tôn giáo để tìm đến với Thầy Giêsu, với mong muốn một điều duy nhất là con mình được cứu chữa khỏi thần ô uế ám hại.

- Với lòng khiêm tốn, bà ta sẵn sàng đến trước mặt Chúa Giêsu và phục lạy Người với lời khấn xin Chúa Giêsu cứu chữa con bà. Lòng khiêm tốn ấy càng sâu thẳm khi nhìn nhận mình chẳng là gì trước mặt Chúa Giêsu. Với Chúa bà chỉ dám đặt mình ngang hàng với “chó con” thôi: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”.

- Lòng kiên nhẫn của bà thật đáng khâm phục. Mặc dầu trước sự khướt từ hầu như quyết liệt của Chúa Giêsu, vậy mà cũng không làm cho bà tự ái bỏ cuộc: “Hãy để con cái ăn no trước đã vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó.”; trái lại càng làm cho bà vững vàng hơn, kiên nhẫn hơn để kêu xin tới cùng.

- Nhưng trên hết vẫn là đức tin mạnh mẽ của người đàn bà ngoại giáo này. Chính vì niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu của bà đã mở được cánh cửa của lòng thương xót Chúa. Và Người đã ra tay cứu chữa con bà, như chính lời Chúa Giêsu xác nhận:“Vì lời bà nói đó, bà hãy về, quỷ đã ra khỏi con bà rồi”.

Chiêm ngắm và suy gẫm về hình ảnh của người phụ nữ ngoại giáo tuyệt đẹp trong đoạn tin mừng hôm nay, ta vừa cảm động vừa thấy hổ thẹn trước Chúa. Bởi lẽ nhiều khi chúng ta lại không có được những đức tính quý giá và đức tin mạnh mẽ như người đàn bà ngoại giáo này.

Xin Chúa giúp chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để trong mọi hoàn cảnh chúng ta luôn tin tưởng cậy trông và phó thác vào lòng thương xót Chúa trong tinh thần của người con Chúa. Đồng thời cũng cho chúng ta ý thức sống tốt những đức tính nhân bản cần thiết trong đời làm người.

Thứ sáu: Mc 7, 31-37

Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người bị câm điếc được khỏi do tình thương và quyền năng của Người. Xin Chúa cũng dùng quyền năng và tình thương của Chúa mà cứu chữa chúng ta khỏi căn bệnh câm điếc tâm hồn.

Nghe và nói là 2 khả năng tuyệt vời mà Chúa thương ban cho con người. Nhờ nói được và nghe được mà mỗi chúng ta mới có thể dễ dàng sống hài hòa trong các mối tương quan với mọi người. Nhờ nghe được ta mới hiểu rõ ước muốn của tha nhân; và nhờ nói được ta mới dễ dàng diễn tả những tư tưởng của mình cho tha nhân hiểu.

Mất đi 2 khả năng này, con người như bị trói buộc trong các mối tương quan bình thường của một con người mang xã hội tính. Do đó sẽ dễ dàng dẫn đến trầm cảm, cô đơn và đau khổ. 

Việc Chúa Giêsu cứu chữa cho người bị câm điếc với một tiến trình tiệm tiến và có vẻ công phu theo như những gì mà bài Tin mừng hôm nay trình thuật, vừa nói lên tình yêu gần gủi và thân thiết của Chúa Giêsu; vừa cũng để diễn đạt quyền năng lớn lao và kín đáo mà Chúa Giêsu dành cho anh ta.

Xin Chúa cũng dùng quyền năng đầy tình thương Chúa cứu chữa chúng ta:

- Khỏi tình trạng câm tâm hồn:  để ta biết thốt lên những lời cảm thông, tha thứ, khích lệ nhau trong yêu thương; nhất là biết bắt chước người được Chúa chữa hôm nay mà hân hoan ca tụng quyền năng và lòng thương xót Chúa.  

- Khỏi tình trạng điếc thiêng liêng để chúng ta yêu thích lắng nghe những lời hay ý đẹp dành cho nhau, nhất là vui mừng lắng nghe Tin mừng tình yêu của Chúa: “Ephpheta, nghĩa là hãy mở ra”.

Hôm nay cũng là ngày GH kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức và cầu nguyện cách đặc biệt cho các bệnh nhân. Trong phần kết của Tông Sắc Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các tín hữu: “Giờ đây, chúng ta hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này”. (Misericordiae Vultus, 24).

Hơn ai hết Đức Maria là người Mẹ yêu thương nhân loại chúng ta nhất, Mẹ hằng bên ta và dõi theo chúng ta trong từng bước đi trong suốt cuộc sống. Chắc hẳn trong những lúc chúng ta gặp thử thách do bệnh tật thể xác và đau khổ trong tâm hồn gây nên, Mẹ sẽ không bỏ rơi chúng ta. Bởi vì Mẹ Maria chính là Người Mẹ của Lòng Thương Xót, nên Mẹ sẽ sẵn sàng nâng đỡ và ra tay cứu giúp chúng ta như Mẹ đã từng cứu giúp cho những ai gặp phải những đau khổ xác hồn khi họ tìm đến với Đức Mẹ tại Lộ Đức.

Xin cho chúng ta luôn biết kính mến, tin tưởng và phó thác cuộc đời mình vào trái tim từ ái của Mẹ Maria. Amen.

Thứ bảy: Mc 8, 1-10

Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho 4000 người ăn no nê, dư 7 thúng đầy, từ 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ. Phép lạ này được thực hiện phát xuất từ lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Trước nhu cầu chính đáng của con người, Chúa Giêsu không thể làm ngơ. Trái lại, Ngài rất quan tâm với con tim giàu lòng thương xót. Nên Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ do chính các tông đồ tiến dâng lên cho Chúa. Với số lượng ít ỏi này tưởng chứng như không thể làm gì được trước nhu cầu quá lớn của 4000 người đang trong tình trạng đói khát vì họ đã theo Chúa suốt 3 ngày đàng. Nhưng với Đức Giêsu thì mọi việc đều có thể vì Ngài là TC giàu lòng thương xót và đầy quyền năng. Điều quan trọng Ngài đòi buộc nơi con người là phải hết lòng cộng tác với Chúa với lòng tin tưởng. Chỉ với 7 chiế bánh và vài con cá nhỏ do sự cộng tác đắc lực của các tông đồ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa ra nhiều và đã nuôi sống 4000 người ăn no nê, còn dư lại 7 thúng đầy.

Dẫu rằng phép lạ hôm nay phát xuất từ lòng thương xót của Chúa. Ngài thấy tình cảnh đói khát của dân chúng, Ngài lên tiếng đề nghị cho họ ăn và Ngài làm phép lạ. Nhưng điều đáng chú ý nhất qua phép lạ hôm nay là sự góp phần tích cực với hết khả năng của các tông đồ, cho dẫu số lượng bánh và cá các ông đóng góp hết sức nhỏ bé.

Xin cho chúng ta biết quảng đại góp phần nhỏ bé của mình vào việc phục vụ lợi ích cho mọi người với lòng phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Tin rằng Chúa sẽ thực hiện những điều lạ lùng vượt trên những điều mong đợi của chúng ta.  

Không có nhận xét nào:

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...