SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY
Lm. Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, C
Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13, 1-9
Suy niệm 1:
Nhạy bén nhận ra những dấu chỉ thời đại để chuẩn bị
sẵn sàng cho ngày trình diện trước tòa Chúa. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm
nay muốn gửi đến chúng ta.
Nhưng làm thế nào để ta an tâm bước vào đời sống mai sau
trong niềm vui và hạnh phúc? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết
cần phải trang bị cho mình những gói hành trang cần thiết nào ngay khi còn ở
đời này?
- Gói hành trang thứ nhất cần trang bị là lòng sám hối chân thành.
Để nhắc nhở chúng ta điều này, Chúa Giêsu dùng 2 sự
kiện thời sự nóng đang gây xôn xao trong xã hội thời Do Thái bấy giờ. Đó là vụ
việc quan Philatô giết mấy người Galilêa, làm cho máu họ hòa lẫn với máu các
vật họ tế sinh. Và sự kiện tháp Silôê đổ xuống đè chết 18 người cách bất ngờ.
Nhắc lại hai sự kiện này, Chúa Giêsu muốn cảnh tỉnh những người Do Thái thời
bấy giờ cũng như chúng ta ngày nay hãy thay đổi cái nhìn. Thay vì chúng ta tự
mãn cho mình là người công chính mà lên án những người gặp hoạn nạn đau khổ,
thì hãy sáng suốt nhận ra những đau thương xảy đến cho tha nhân như là dấu chỉ
yêu thương Chúa gửi đến nhằm nhắc nhở ta biết hồi tâm sám hối, canh tân đời
sống để được Chúa tha thứ.
- Gói hành trang thứ hai mà ta phải mang theo là những hoa trái của hy sinh bác ái, yêu
thương phục vụ.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả, vừa nói lên tình
thương và lòng nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. “Ta không
muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed
33, 11); vừa tạo cơ hội cho những người tội lỗi có thời gian để hoán cải và
tích lũy thêm cho mình nhiều việc lành với hy vọng được sống hạnh phúc trong
nước Chúa sau khi kết thúc cuộc hành trình ở trần gian này. “Nếu các con không
sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy”.
Xin cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà lo chuẩn bị hành trang tốt nhất cho đời mình. Hành trang ấy chính là biết khiêm tốn ăn năn sám hối chân thành; là sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân trong yêu thương. Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc mai sau.
Suy niệm 2:
Cùng với GH, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ III mùa chay. Mùa chay là mùa sám hối để đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần phải sáng suốt nhận ra những biến cố xảy đến trong cuộc sống hàng ngày bằng cái nhìn của đức tin. Từ đó ta mới khôn ngoan chọn lựa cho mình một thái độ sống phù hợp với tinh thần của Chúa.
Có thể hai sự kiện hót nhất hiện nay trên thế giới đó là:
1. Sự kiện đại dịch Covid-19 bùng phát với những biến thể khôn lường đã kéo dài trong suốt 2 năm qua. Gây ra biết bao là bất an, đau thương cho nhân loại. Tính đến nay đã có khoảng 6 triệu người tử vong do bệnh dịch này gây ra.
2. Sự kiện chiến sự đang nổ ra trên đất nước Ucraina. Trong suốt 23 ngày qua đã có biết bao tấn bom hạng nặng, do quân đội Nga dội xuống mảnh đất Ucraina thân thương, khiến cho rất nhiều nhà cửa dân thường cũng như hầu hết các cơ sở vật chất công cộng bị đổ nát. Người dân phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, phải bỏ chạy thoát thân sang các nước láng giềng lánh nạn trong tình cảnh loạn lạc. Tính đến nay, cuộc chiến vô nghĩa này đã cướp đi biết bao sinh mạng con người vô tội. Thật thương tâm!
Khi nhìn vào những nạn nhân của hai sự kiện trên, có lẽ không ai trong chúng ta lại nhẫn tâm đến mức cho rằng những nạn nhân ấy là những người tội lỗi hơn những người khác nên phải gánh lấy hậu quả tang thương như thế!
Để có cái nhìn đúng đắn hơn, chúng ta hãy hướng cái nhìn về hai sự kiện xảy ra vào thời Đức Giêsu, và để ý xem Ngài đánh giá thế nào về những con người xấu số trong hai biến cố ấy? Hai biến cố hay sự kiện được Tin mừng hôm nay nói đến là:
1. Sự kiện thứ nhất là vị Tổng trấn Philatô, quan chức Rôma vốn nổi tiếng có bàn tay sắt, ông đã ra lệnh hạ sát một nhóm người Galilê nổi loạn, ngay trong Đền thờ nên làm cho máu của họ hòa lẫn với các con vật được tế lễ. Đây là sự kiện có liên quan đến động cơ tôn giáo và chính trị.
2. Sự kiện thứ hai là ngọn tháp Siloê bất ngờ bị đổ xuống, chôn sống 18 người. Sự kiện này có lẽ liên quan đến tham nhũng rút ruột công trình hoặc do tắc trách của người lãnh đạo.
Với người Do Thái thời bấy giờ thì cho rằng hai sự kiện ấy xảy ra là vì do tội lỗi của nạn nhân; hoặc là do tội của cha ông họ nên họ phải gánh chịu. Chính vì thế mà những người Do Thái mới đến hỏi Đức Giêsu: “Tội của chúng nó hay của cha ông chúng nó?”.
Nhưng hình như Chúa Giêsu không quan tâm lắm đến nguyên nhân dẫn đến hai tai họa ấy, mà vấn đề Chúa Giêsu quan tâm lại là việc ăn năn sám hối nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết đời đời của mỗi người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại cảnh tỉnh họ: “...Nếu các ngươi không ăn năn trở lại thì các ngươi cũng sẽ phải chết tất cả”.
Vậy để chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cần phải sám hối. Sám hối có hai nghĩa:
- Theo nghĩa tiêu cực là khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi mà xin ơn Chúa tha thứ và quyết tâm chừa bỏ. Muốn thế trước cần phải thay đổi cái nhìn. Thay vì nhìn những tai họa là hình phạt Chúa dành cho người tội lỗi thì hãy nhận ra đó chính tình thương mà Chúa muốn gửi đến, để nhắc nhở ta phải lo sám hối. Nên thay vì kiêu căng kết án người khác thì tốt nhất là hãy khiêm tốn nhận ra những tội lỗi của mình để chân thành xin Chúa tha thứ.
- Theo nghĩa tích cực là canh tân đổi mới đời sống để sinh nhiều hoa trái. Rất tinh tế, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả đã ba năm không sinh trái, với mục đích vừa nói lên lòng nhân từ và sự nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho những tội nhân; vừa cho thấy được niềm hy vọng của TC vào sự đổi mới của chúng ta, bằng những việc lành phúc đức, hy sinh phục vụ, bác ái yêu thương và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận hàng ngày Chúa trao phó, với hết khả năng của mình vì lòng yêu mến Chúa.
Mùa chay này, xin Chúa cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra những lầm lỗi thiếu sót và yếu đuối của bản thân mà thật lòng sám hối trở về với tình thương của Chúa. Nhất là xin Chúa cho chúng ta biết can đảm thay đổi đời sống theo tinh thần của Phúc âm, nhờ đó mà đời ta trổ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa và phục vụ con người.
Thứ hai: Lc 4, 24-30.
Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người,
vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là đồng hương hay đạo dòng
là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi
con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta biết hết lòng
tin yêu Chúa và nỗ lực làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ
Chúa ban.
Quen quá, hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái
độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng
Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng
dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn
liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn
chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu.
Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ hoài nghi rồi
dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu làm phép lạ
như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ mới tin
nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người đồng
hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe hai
câu chuyện thời xưa.
- Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước
phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả, mà
lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta.
- Và trong lúc nhiều người bị phong cùi, nhưng không
ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man, người ngoại xứ
Xy-ri-a.
Nghe hai câu chuyện đó dân làng Nazaret hiểu Chúa
Giêsu ám chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực
sâu, nhưng Người bỏ họ mà đi.
Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan
niệm sẵn có trong đầu họ. Chính quan niệm sai lầm đưa đến hậu quả nguy hại là
không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mù quáng,
không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm
cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau.
Xin cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của
mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét
chân thành và đời sống cởi mở. Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình
thương cứu độ của Chúa dành cho mọi người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở
lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có thể đón nhận được ơn cứu độ.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người
có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm
tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành Lời Chúa dạy, nhờ thế
ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.
Thứ ba: Mt 18, 21-35.
“Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Ngược lại lấy đức
báo oán, oán tiêu tan”. Ai trong chúng ta lại không lầm lỗi thiếu sót. Ai trong
chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta hãy lấy tình
thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, như
chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta.
Khi muốn nói một điều khó nói, người ta dùng câu
chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta lại dùng câu
chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào lột tả hết,
người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng câu
chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi con
người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười ngàn
nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua tha hế
cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta không
bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy hết lời
van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh nộ bắt
giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là Thiên Chúa.
Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường xuyên, nhưng
Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay hữu ý
xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ.
Con người là con vật có xã hội tính. Không ai là một
hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác.
Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến và phát triển nhiều phương
diện. Tuy nhiên đời sống chung cũng có khi gây nên không ít phiền hà, làm khổ
cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng
bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta
phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng. Tha thứ cho nhau không là chuyện
dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Như để thực hiện được sự tha thứ cho nhau
theo như ý muốn của Chúa ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy tội
lỗi thường xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai hoàn
hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông cảm
tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng
hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của mình.
Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ hoà
giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.
Trong mùa chay chúng ta hãy duyệt xét lại các mối
tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều bất hòa, chúng ta hãy hòa
giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa thương tha tội cho ta.
Suy niệm 2:
Khi suy nghĩ về lòng thương xót Chúa, nhiều lúc
ta tự hỏi: lòng thương xót của Thiên Chúa đạt đến đỉnh điểm
khi nào?
Có phải khi Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho dân
chúng ăn?
Có phải khi Chúa Giê-su bôn ba rao giảng Tin mừng?
Hay khi Chúa Giê-su xua trừ ma quỷ và chữa lành mọi
bệnh hoạn tật nguyền cho dân?
Hoặc là khi Chúa Giê-su làm cho kẻ chết sống lại?
Câu trả lời đúng nhất là: Lòng thương xót của Thiên
Chúa được thực hiện ở mọi nơi và mọi lúc, nhưng có lẽ lòng thương xót
ấy đạt tới đỉnh điểm trên thập giá khi Chúa Giêsu khẩn xin lòng tha
thứ của Chúa Cha dành cho tất cả những ai hận thù và nhẫn tâm ra tay giết chết
Người: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ
làm" (Lc 23,34).
Đúng vậy, tha thứ cho những ai hận thù, ghét
bỏ và làm hại mình chưa bao giờ dễ dàng! Nhưng Chúa Giêsu vẫn
rộng lòng thứ tha và mời gọi ta thứ tha.
Ông cha ta thường nói: “Quá tam 3 bận”. Giới hạn
tối đa của việc tha thứ theo tiêu chuẩn con người được định mức ở con
số 3. Nhưng Chúa lại bảo với Phêrô và tất cả chúng
ta không dừng ở con số 3 hay số 7 mà phải là 70 lần 7, nghĩa là tha
hoài tha mãi. Đúng là không tưởng đối với khả năng giới hạn của
con người.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể thực
hiện được điều mà Chúa Giêsu đòi buộc?
- Thưa, trên hết ta cần phải
có ơn ban của Chúa, vì Chúa Giêsu đã phán: “Đối với TC, không
gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
- Thứ hai, ta phải ra sức tập luyện. Nếu một khi
ta can đảm tha thứ cho ai đó làm hại chúng
ta được một lần, thì hy vọng ta sẽ có kinh nghiệm tha
thứ lần hai, thứ 3... và như vậy trở thành thói quen giúp ta có thể dễ
dàng tha thứ nhiều lần.
- Thứ ba, hãy luôn nghĩ đến sự tha thứ lớn lao của
Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá, vậy mà Người luôn yêu thương và sẵn lòng
tha thứ mãi cho chúng ta là thụ tạo bé nhỏ, yếu đuối và đầy tội
lỗi. Khi suy nghĩ như vậy, sẽ giúp ta dễ cảm thông và tha thứ cho nhau
trong đời sống.
- Cuối cùng, ta hãy hiểu rằng: khi tha thứ cho
người khác cũng đồng nghĩa là ta
tha thứ cho chính bản thân mình. Nuôi dưỡng hận thù và
trả đũa sẽ làm cho tâm hồn ta bất an và đau khổ. Còn khi ta biết
buông bỏ và tha thứ sẽ làm cho tâm hồn ta được bình an và cuộc sống
ta có được niềm vui.
Tha thứ được ví như liều thuốc mát hay
loại kem dưỡng da tuyệt hảo khi xoa vào tâm hồn sẽ làm cho cơ
thể ta mát mẻ, dễ chịu, nhờ đó mà những vết hằn và nếp nhăn nheo
trên khôn mặt ta sẽ trở nên mịn màn, hồng hào và tươi đẹp rạng
ngời.
Xin Chúa ban cho chúng ta cảm nhận được lòng
thương xót của Chúa, cũng như những ích lợi của việc tha thứ, để ít là
trong mùa chay thánh này, ta biết sẵn sàng tha thứ cho những ai vô
tình hay cố ý xúc phạm đến ta, với mong muốn chúng ta được xứng đáng đón
nhận sự tha thứ của Chúa. Amen.
Thứ tư: Mt 5, 17-19.
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật
và lời các tiên tri, nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ
luật Chúa và Giáo huấn Giáo hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến
và tuân giữ.
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây
được đánh giá là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình
để quốc hội và nhân dân bàn thảo, nhiều luật cũ được đặt lại để chỉnh sửa cho
hoàn chỉnh hơn theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc
tế. Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục
đích phục vụ lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho
tất cả mọi người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá
trị của luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu.
Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình
nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy
định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không
phải là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…”. Như thế đã có sai lạc nào đó về
quan niệm, cách thế giữ luật của những người Biệt Phái nên Chúa Giêsu mới kiện
toàn. Cần xác định lại những yếu tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật: là nhằm đem lại lợi ích cho con
người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần
thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những phương tiện nhằm giúp con người
nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu
luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang lại những giá trị trên, trái lại
chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ làm gì. “Ngày
Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc
2,27).
Ưu tiên của luật: Thiên luật là luật do Thiên Chúa ban
thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ; còn nhân luật là luật do con người
làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh thời gian,
không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được
thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên
tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc.
Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự
bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của
thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật: Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán
thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm
hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong
thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời
sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta” (x. Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong
thân phận hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất
yếu. Tuy nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị
tốt xấu các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết: Chúa Giêsu đã nhiều lần minh
định về giới răn: “Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn
và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình” (x. Mt
22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một
điều tích cực trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm
chí là xấu xa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm
những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt
25,31-46).
Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo
qua cách thức giữ luật. Xin Chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình
thức bên ngoài, mà còn phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng như
chúng ta biết thêm về lý do quan trọng mà Ngài đến trần gian này là:“không
phải hủy bỏ lề luật hay các tiên tri, nhưng là để kiện toàn”.
Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời gian,
nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải thích sai
lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn.
Luật của Chúa được ban cho nhân loại xuyên qua dân tộc
Do Thái, bởi trung gian là ông Môsê. Luật đó được gìn giữ và bảo tồn
qua thời các ngôn sứ. Nhưng đến thời Chúa Giêsu, luật Chúa được trao quyền cho
các kinh sư giải thích và hướng dẫn cho dân chúng. Thay vì giúp người dân hiểu
biết rõ về luật Chúa cũng như tinh thần đúng đắn phải có khi tuân giữ luật
Chúa, thì trái lại các ông lại thêm thắc vào đó quá nhiều chi tiết từ 10 điều
lên đến 613 điều khoản, khiến cho dân chúng rối ren không còn phân biệt đâu là
điều chính đâu là điều phụ nữa.
Hơn nữa các ông lại quá chú trọng đến hình thức bên
ngoài làm cho người dân có cảm giác luật Chúa quá nặng nề bởi những ràng buộc vượt
quá khả năng của họ. Nên khi rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đả kích lối
sống vị luật của người Pharisêu; cũng như cảnh báo về mối nguy hiểm của những
gánh nặng mà dân chúng phải chịu do các kinh sư chất chồng lên vai họ. Có lẽ vì
đó mà nhiều người tưởng rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật và các tiên tri.
Để chỉnh sửa lại ý nghĩ sai lệch ấy, Chúa Giêsu đã
khẳng định với các môn đệ về lý do mà Ngài đến thế gian này đó là nhằm
để kiện toàn lề luật. Vậy Chúa muốn kiện toàn điều gì?
- Trước hết Chúa Giêsu kiện toàn về nội dung văn bản
của luật: Phải giữ nguyên trạng giới luật của Chúa, dù một chấm, một phẩy cũng
không được thay đổi hay bỏ sót.
- Thứ đến Chúa kiện toàn về hình thức thi hành luật:
Nếu các kinh sư và người Pharisêu quá chú trọng bởi hình thức bên ngoài thì
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm giữ luật bên trong. Việc giữ luật chỉ có giá
trị đích thực khi nó xuất phát từ trái tim và tấm lòng.
- Cuối cùng Chúa Giêsu kiện toàn về tâm tình phải có
khi giữ luật: Việc giữ luật không phải vì lo sợ. Sợ không giữ thì bị Chúa
phạt; lo vì nếu không thi hành luật sẽ bị người đời khinh thường và lên án… nếu
mang nặng tâm lý ấy thì quả thật luật trở nên gánh nặng đáng sợ cho đời sống
con người.
Điều mà Chúa Giêsu mong muốn là mọi người hãy tuân giữ
luật với tấm lòng yêu mến. Chính lòng mến Chúa chân thành sẽ giúp ta cảm thấy
vui tươi, thoải mái khi thi hành luật Chúa; và nhờ động lực tình thúc đẩy mà
chúng ta không còn sợ hãi do những ràn buộc của luật lệ nữa.
Mong cho mỗi người trong chúng ta hiểu được rằng: vì
không muốn nhân loại phải đi lạc đường nên Chúa mới ban truyền lề luật để hướng
dẫn.
Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn
lao ấy của Chúa mà trung thành tuân giữ luật Chúa và GH chỉ dạy với tất cả tấm
lòng trân quý và yêu mến của mình.
Suy
niệm 3: Kiện Toàn Lề
Luật
Một thanh niên đi xem bóng đá với cha
sở, nói với cha rằng: anh không thích vâng phục ai hết. Anh nói : “Thưa
cha, con rất ghét ai đó bảo phải thế này, thế nọ. Nghệ theo họ là con không có
tự do”.
Cha sở không nói một lời. Liền sau đó, họ gặp một biển
chỉ đường đi tới sân bóng. Nhưng cha sở làm như không thấy. Chàng ta mới la
lên : “Chúng ta đã đi sai đường ! Thưa cha, cha không thấy bảng chỉ
đường đằng kia à !”.
Cha sở bình tĩnh trả lời : “Cha thấy chứ, nhưng
cha nghĩ đường này xem ra tốt hơn, và cha cũng ghét bị chỉ bảo phải đi đường
này hay đường kia. Nó không cho cha được tự do hành động”.
Chàng thanh niên giờ mới nhận ra bài học, rồi lặng
thinh cùng cha đi vòng trở lại để vào sân bóng.
Con người thời nay, cách riêng giới trẻ hình như không
thích nói đến “luật lệ” vì cho rằng luật lệ gò bó tự do mình. Nên họ cảm thấy
dị ứng mỗi khi nói đến luật lệ.
Chính Đức Giêsu cũng nhiều lần đả phá chủ trương vị
luật. Ngài kịch liệt công kích những người Pharisêu vì họ chủ trương sống “vị
luật”.
Tuy đả phá tính thần vị luật nhưng Ngài không hề phá
bỏ lề luật : “Ta đến không phải để huỷ bỏ lề luật mà để kiện
toàn.” (Mt 5,17).
Ngài kiện toàn luật thế nào ? Thưa bằng cách chỉ
cho chúng ta thấy được “trái tim” của lề luật chính là thương yêu.
Ngài tóm lược tất cả mọi lề luật vào 2 khoản luật căn bản là “mến Chúa và yêu
người.”
Thánh Augustinô đã hiểu như thế, nên đã nói :
“Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”
Chính Đức Giêsu đã nêu gương giữ luật với tất cả tấm
lòng yêu thương ấy.
Vì yêu mến lề luật và “vì
nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.
Chúa muốn chúng ta tuân giữ lề luật không phải vì sợ
Chúa phạt, mà vì ta yêu mến Chúa.
Cũng vậy, chúng ta giữ luật không phải để được Chúa
yêu, mà vì biết được Chúa đã yêu ta trước.
* Đọc thêm:
Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã
kiện toàn khá nhiều luật lệ như: luật giết người, luật hôn nhân, luật làm
chứng…
1. Kiện toàn luật giết người:
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì
Chúa mới là chủ sự sống. Đó là công lý. Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng hôm
nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp chỉ buộc tội khi một người
phạm tội bằng hành vi cụ thể. Còn Chúa thì đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ
nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Vì thế, “Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa
xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai
mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân”.
Đúng như lời Chúa nói: Giận dỗi chính là nguyên nhân
đưa đến tội giết người. Vì khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta;
ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì
chẳng khác nào giết người không dao.
Cũng thế, khi ta mắng chửi anh em là đồ ngốc là khùng
thì chẳng khác nào ta xem thường anh em mình, để rồi hạ thấp họ xuống hàng con
vật, không đáng là người nữa. Hành vi như thế là chiếm đoạt quyền phán xét của
Thiên Chúa, nên đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Như vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt và kết án,
Chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn vinh Thiên
Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực
nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi
làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ.". Tha
thứ là cách ta hàn gắn lại những vết thương lòng của ta và cho tha nhân. Tha
thứ cũng là cách chúng ta bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với anh em mình.
Xin Chúa cho chúng con biết giữ tâm hồn và môi miệng
cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm. Xin Chúa cũng dạy chúng
con biết yêu thương và tha thứ, như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho
chúng con. Amen.
2. Kiện toàn luật hôn nhân:
Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một vợ một
chồng. Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân, chẳng những Chúa
Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả nguyên nhân sâu xa đưa
đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân nữa. “Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với
người ấy rồi…” (Mt 5: 27-28).
Như thế là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay
chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi; vì trong
lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành động phản bội
tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều xuất phát
từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước muốn bất
chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong lòng, chúng
ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều tốt xấu
muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.
E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt nên đã
hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm muốn. Từ
ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành động ấy
là phạm tội bất trung với Chúa.
Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm đuối
nhìn người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến những
hành vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.
Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi mắt luôn
có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ chúng con lỗi
đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là tay... bởi vì
Chúa đã phán: "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào
hỏa ngục".
3. Kiện toàn về luật làm chứng:
Trong cuộc sống, ta thường nghe được những luồng thông
tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội, cũng như trong Giáo
Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền
lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần
phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta
bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên
cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong
một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là
bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy
xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều
lần vì sợ, vì tham, vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng
cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền… ta cũng sẵn sàng chối bỏ
niềm tin cách dễ dàng.
Chúa Giêsu xác định: “Tôi sinh ra
và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự
thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga
18,37). Do đó để thuộc về Chúa chúng ta cần phải sống và làm chứng cho sự thật,
vì sự thật mới giải phóng chúng ta khỏi những ràn buột của gian dối và bóng tối
của sự dữ. "Sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8, 32). Vì
thế, "hể có thì nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ".
Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời Chúa, luôn can đảm
nói và làm theo sự thật, để chúng ta khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ. Nhờ đó
cuộc sống mới được an vui, hạnh phúc.
Thứ năm: Lc 11, 14-23.
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ
theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối, tin nhận hay khước từ.
Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ
quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong
sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản
ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
2. Một số người cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ
vương Beelzebul mà trừ quỷ".
3. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một
dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống
đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai
điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính
để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. "Nước nào tự chia
rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia
rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng
Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và
hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế
việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó
không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là
Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ
Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và
ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù
quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con
người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ
hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ
thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
* Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác
vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi
anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.”
Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng
bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm
một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không
bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi
cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân
mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để
có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm
sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin
vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong
cuộc đời này.
Thứ sáu: Lc 1, 26-38
25/ 03: Lễ Truyền Tin
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng Lễ
Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi
đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn
gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria
đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Đức
Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để
chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Mỗi khi đọc kinh Kính mừng, chúng ta nhắc lại lời
truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính mừng Maria đầy ơn
phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ…”; cũng đồng
nghĩa với lời Thiên Thần chào Đức Maria: “Mừng vui lên, Đấng đầy ơn
phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và
mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc
được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc.
Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào
lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (được chọn làm
mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt
trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào?
Sau khi được nghe Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên
Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng phục.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí
hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực hiện được, nhưng đối
với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã tạo thành vũ trụ vạn
vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tác tạo nên con người và
bằng hơi thở Chúa đã làm cho con người trở nên giống hình ảnh TC. Và với quyền
năng bà chị họ Isave son sẻ đã mang thai và sinh con. Như thế thì việc Đức
Maria cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng trinh là chuyện rất đổi bình thường với
quyền năng của TC. Điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi
chúng ta như Đức Maria không?.
Tuy Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên
Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa. Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã
mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý
định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành. Để cứu dân tộc
Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù
sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc
giải phóng đã hoàn tất. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một
người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn
tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được
thực hiện. Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa.
Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ
độ con Chúa cần con cộng tác”.
Xin cho chúng ta tích cực cộng tác vào ơn cứu độ của
Chúa để cứu chính mình và tha nhân.
* Gợi ý thêm:
Trước ơn phúc lớn lao, Đức Maria đã bối rối và muốn
tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi nhận biết là ý định của
Thiên Chúa, Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, thất bại, đau buồn trong cuộc
sống, nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị lung lay nên sinh ra nghi ngờ và than
trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu xem Chúa muốn gì qua
những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh ấy trong
cuộc sống.
Ta hãy tin rằng mỗi biến cố đều có sứ điệp rất quan
trọng Chúa muốn gởi đến ta và mong ta đọc ra thánh ý của Chúa mà chấn chỉnh lại
đời sống mình. Chúa luôn đi ngang qua cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại
không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta, nhưng ta lại không nhận ra Ngài.
Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta, nhưng ta lại không nhận ra tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để tâm suy niệm các biến cố
trong đời mà nhạy bén nhận ra lòng thuơng xót của Chúa như Đức Maria.
Amen
(Viết theo Hạt Giống Nẩy Mầm, của
cha Carôlô Hồ Bặc Xái)
Thứ bảy: Lc 18, 9-14.
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động quân tử của bậc anh hùng, khiến mọi người mến phục và TC yêu mến. Xin cho chúng ta có được lòng khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn công chính.
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết thế nào là sức mạnh của lời cầu nguyện khiêm nhường!
Trái ngược với hình ảnh của người Pharisêu tự mãn là hình ảnh người thu thuế dễ thương ở phía cuối đền thờ. Một hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp bởi dáng điệu rất đổi khiêm nhường, đẹp bởi tính cách hết sức đơn sơ và đẹp bởi tâm tình rất chân thành trước nhan thánh Chúa. Chính vì thế mà lời cầu nguyện của anh ta đã vươn lên cao, vượt qua được mọi rào cản và đã chọc thủng các tầng mây, cuối cùng đã chạm vào tận trái tim của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Nên xứng đáng được Thiên Chúa nhận lời: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Thứ bảy cũng là ngày GH hướng lòng về Mẹ Maria để tỏ lòng kính mến Mẹ cách đặc biệt. Hơn ai hết Đức Maria là mẫu gương về lòng khiêm nhường thẳm sâu cho chúng ta noi theo. Bởi lúc nào Mẹ cũng ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 48). Chính lòng khiêm nhường ấy đã nâng Mẹ lên tận thiên đường với một hình ảnh tuyệt đẹp như sách khải huyền mô tả: "Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao..." (Kh 11,9)
Ước mong mùa chay này, chúng ta can đảm loại trừ được thái độ kiêu căng tự mãn hay đề cao mình như người Biệt Phái để yêu thích mặc lấy chiếc áo khiêm nhường của người thu thuế và của Mẹ Maria. Được như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng được Chúa nhận lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét