SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V MÙA CHAY
Lm. Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM C
Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8, 1-11
Trong tình yêu, người ta có những sáng kiến bất
ngờ. Khi yêu, người ta có thể quên hết những khuyết điểm, lầm lỗi của người
mình yêu. Khi yêu người ta tìm mọi cách làm vui lòng người mình yêu. Khi yêu
người ta sẽ không ngần ngại giúp đỡ người yêu của mình được tốt đẹp hơn. Tình
yêu là động lực thúc đẩy sự thăng tiến và biến đổi đời sống. Đó chính là điều
mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những người đuợc Chúa yêu, qua bài tin mừng
hôm nay.
Nếu có ai đó còn nghi ngờ về tình yêu Thiên
Chúa, thì sứ điệp lời Chúa hôm nay là lời giải đáp có sức thuyết phục, xua tan
hết những nghi ngại trong lòng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Biết trước mình là tội nhân, bị liệt vào bản án
tử hình, ai lại không cảm thấy run sợ khi đứng trước tòa xét xử. Đó là tâm
trạng của người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay.
Vì không kiềm chế được bản năng sinh lý đòi hỏi
và không tự chủ trước những nhu cầu hưởng thụ khoái lạc sai lầm, người phụ nữ
trong bài Tin mừng hôm nay đã phạm trọng tội và phải lãnh lấy khung hình phạt
cao nhất là bị tử hình.
Trước mắt chị bây giờ chỉ là 1 màn đêm vây kín.
Cuộc đời chị coi như sắp kết thúc. Mạng sống của chị như ngàn cân treo sợi tóc
vì bản án tử hình đã rõ. Bó tay!
Bó tay vì theo luật Môsê, ngoại tình công khai
thì lãnh lấy án tử, không còn cách nào khác.
Bó tay vì không ai dám đứng về phía chị để bênh
đỡ.
Bó tay vì những búa rìu dư luận nặng nề bổ lên
đầu chị mà không ai có thể ngăn cản.
Nhưng trước những trói buộc của lòng người hiểm
ác, của dư luật độc hại, của luật lệ cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thoát
khỏi, thì với Chúa Giêsu mọi bó buộc đã được tháo cởi.
Trước hết Chúa tháo cởi lòng người hiểm ác. Bằng khoảng lặng và cách đặt vấn đế: “Ai trong các ông sạch
tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tự vấn lương tâm, ai cũng nhận
ra mình là tội nhân. Thay vì kết tội người khác họ quay về kết tội chính mình.
Thế là Chúa đã cởi bỏ tính tự mãn, kiêu căng nham hiểm nơi lòng họ.
Đồng thời qua đó Chúa Giêsu cũng đã tháo
cởi được những ánh mắt giận dữ, những lời nói độc ác, những búa rìu dư luận
và lời kết án nặng nề trút lên người phụ nữ từ từ được rút lại. Khi ấy Chúa
Giêsu mới lên tiếng hỏi: “Họ đâu rồi? không ai lên án chị sao?”.
Người đàn bà đáp:“Thưa ông, không có ai cả”.
Cuối cùng với lời tha thứ “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ
nay đừng phạm tội nữa!” Chúa Giêsu cởi trói tội lỗi cho chị và mở ra
bầu trời hy vọng sáng ngời.
Sau khi cởi hết những trói buộc, Chúa Giêsu
không quên khuyên bảo: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm
tội nữa!”. Giờ đây tất cả những gánh nặng tội lỗi xưa nay của chị đã được
trút bỏ. Từ đây chị có thể nhẹ nhàng tiến bước trong hân hoan với niềm vui và
hạnh phúc của con người mới được Chúa yêu thương. Đồng thời từ nay chị cũng
luôn quyết tâm đổi mới cuộc đời cho xứng đáng với tình yêu và ơn tha thứ của
Chúa.
Chúng ta là những tội nhân đáng chết, nhưng được
Chúa yêu thương tha thứ qua bí tích giao hoà. Xin cho mùa chay này, chúng
ta can đảm từ bỏ đi những tính hư nết xấu và tội lỗi, canh tân đời sống, hầu
xứng đáng với tình thương ơn tha thứ mà Chúa dành cho ta.
Thứ hai: Ga 8, 1-11
Suy niệm 1:
Cổ nhân đã nói: “Nhân vô thập toàn”, là người
không ai hoàn hảo cả. Mang thân phận con người ai trong chúng ta cũng bất toàn,
đây những thiếu sót và tội lỗi. Vì thế cần phải khiêm tốn sám hối.
Dám nhận mình thiếu sót, tội lỗi và can đảm sửa
đổi, mới được xem là bậc anh hùng, quân tử. Mạnh dạn đứng lên, đổi mới đời sống
theo thánh ý của Chúa sau khi vấp ngả mới xứng danh là người Kitô hữu và xứng
bậc là con Chúa. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta.
Ta có thể xem đoạn tin mừng hôm nay như là vở
kịch gồm 3 phần, nói về vụ án nỗi tiếng lịch sử nhân loại được mang tên
là: "người đàn bà ngoại tình né đá"
Phần 1. Tố cáo tội phạm: những người đứng
ra tố cáo tội phạm là các kinh sư và biệt phái. Họ tố một người phụ nữ bi bắt
quả tang đang phạm tội ngoại tình. Họ lôi kéo và xô đẩy chị ta ra trước toà án
công cộng. Đại diện quan toà bất đắc dĩ họ buộc phải đứng ra xét xử vụ án này
là Đức Giêsu. Bởi người mà những kinh sư và biệt phái nhắm đến để tố cáo và lên
án tử không phải là tội nhân mà là chính quan toà Giêsu.
Phần 2. Cách thức xử án: Để xét xử đúng người,
đúng tội, Đức Giêsu không kết án vội vàng đưa ra phán quyết, mà Ngài lại khôn
khéo đưa dẫn mọi người trở về với lòng mình với một khoảng lặng vừa đủ. Sau đó,
Ngài mới đặt ra một câu hỏi mang tính tra vấn: "Ai trong các ngươi
sạch tội, hãy ném đá chị này truớc đi!". Khi trở về đối diện với lương
tâm, ai nấy đều nhận ra sự thật về mình mang đầy thiếu sót và tội lỗi, cần phải
sám hối hơn là lên án. Nhờ đó, họ bắt đầu nới lỏng tay và từ từ buông bỏ những
hòn đá nặng trĩu xuống đất; rồi lần lượt rút lui khỏi pháp trường; bắt đầu từ
những người lớn cho đến người nhỏ nhất. Tình thế giờ đây được thay đổi, từ vị
trí kẻ lên án, tố cáo người khác, giờ đây họ trở thành kẻ bị tố. Từ người tưởng
mình vô tội, cho phép mình cầm đá ném vào người khác, giờ đây trở thành những
có tội, xứng đáng đón nhận những trận mưa đá ném vào chính mình.
Phần 3. Tuyên bố trắng án: Sau khi Chúa Giêsu khéo
léo đưa dẫn mọi người trở về lòng mình và nhận ra những tội lỗi của bản thân mà
bỏ đi hết, thì Ngài mới tuyên bố trắng án cho người phụ nữ ngoại tình, khi nói
với chị ta: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng
phạm tội nữa!".
Vở kịch hạ màn, mọi người ra đi, lòng mang theo
nhiều bài học đáng giá cho đời mình:
- Bài học về lòng người thật hiểm ác. Luôn tìm cách hãm hại, lên án, tố cáo người khác bằng cách giăng ra
những cái bẫy tinh vi nhằm hãm hại và giết chết những ai họ không ưa thích. Đại
diện cho thành phần ấy là các kinh sư và biệt phái.
- Bài học về hiệu ứng đám đông có
khi phủ lấp chân lý. Sự mù quáng thiếu tỉnh táo của đám đông dân chúng có mặt
hôm đó trước sân đền thờ Giêrusalem đã tạo nên một làn sóng phẩn nộ mạnh mẽ, có
sức mạnh khủng khiếp che lấp tình thương và công lý, có nguy cơ đưa đẩy người
phụ nữ vào con đường cùng vô phương cứu chữa. Mù quáng hùa theo dư luận đám
đông sẽ dễ dàng sai lầm, đẩy người khác vào cái chết không đáng.
- Bài học về phân định. Trong mọi vấn đề rất cần sự biện phân định, bằng cách tạo được khoảng
cách tâm lý, khi dành ra những giây phút thinh lặng để bình tâm suy xét dưới sự
tác động của CTT, nhờ sự soi sáng của lời Chúa. Nhờ thế, ta mới có thể tránh
được những sai lầm đáng tiếc, trước khi đưa ra những quyết định.
- Bài học trước hết và trên hết là tình thương, nhờ đó ta mới có được cái nhìn đúng đắn, tấm lòng nhân ái với hết mọi
người, nhất là những ai lầm lỗi. Tha thứ mở ra cho người khác một tương lai hy
vọng, bao dung tha thứ cho người khác là cũng chính là bao dung tha thứ cho
chính mình. Quy kết, lên án và tiêu diệt người khác là ta đã nhẫn tâm đóng chặt
cánh cửa tương lai đổi mới cho người khác và cho chính mình. Hãy tha thứ để
được Chúa thứ tha!
Suy niệm 2:
Bài tin mừng hôm nay làm nỗi bật lên hai hình
ảnh đối lập nhau:
1. Hình ảnh của một vị TC giàu lòng thương xót
nơi Đức Giêsu luôn bao dung, nhân từ tha thứ với mong muốn mở ra con đường sống
và một tương lai hy vọng cho những ai lầm lỗi thiếu sót. Bởi thế, Người khẳng
định: “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi
ăn năn hối cải" (Lc 5,32).
Với cái nhìn bao dung và lời nói tha thứ cho
người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã tháo cởi nút thắt để giải thoát
chị khỏi án tử.
2. Hình ảnh của những kinh sự và biệt phái: tự
cho mình là người công chính và cho phép mình cái quyền lên án người khác. Họ
chỉ biết nhìn vào những lỗi lầm người khác để lên án, cáo buộc, lọi trừ và giết
chết. Họ muốn đóng kín lại tương lai của người khác hơn là khơi mở con đường
sống và hy vọng cho những ai lầm đường lạc lối. Có thể đó cũng chính là thái độ
của chúng ta.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những
làm lỗi thiếu sót của mình để biết cảm thông và bao dung với những yếu đuối,
tội lỗi của người khác.
Và ta cũng hiểu rằng: Chúa yêu thương người có
tội chứ không yêu tội. Chúa bao dung tha thứ cho tội nhân, chứ không phải dung
túng cho phạm tội. Vì thế, sau khi tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, Chúa đã
nhắc nhở chị: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội
nữa!”. Khi lãnh nhận bí tích giao hoà, chúng ta cũng hãy cố gắng dốc lòng chừa
mà canh tân đổi mới đời sống!
Thứ hai: Ga 8, 12-20
Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến
ánh sáng-sự thật và bóng tối-gian dối
Xin cho chúng ta luôn can đảm bước đi
trong ánh sáng của sự thật và mạnh mẽ xua trừ bóng tối của gian dối ra khỏi đời
sống mình.
Ánh sáng và bóng tối là chủ đề lớn trong
tin mừng thánh Gioan.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với
những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ
không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”. Lần khác
khi đàm đạo với Ni-cô-đê- mô, Chúa Giêsu cũng cho biết: Ngài chính là “Ánh
sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các
việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3,19).
Như vậy, ai sống theo sự thật thì đi trong
ánh sáng và được Chúa ban cho sự sống. Ngược lại, ai sống theo sự gian dối thì
đang ở trong bóng tối của sự chết. Đức Giêsu là ánh sáng đã đến trần gian để
làm chứng cho sự thật. Nên ai tin và bước theo lời Ngài thì ở trong ánh sáng
của sự sống. Bằng ngược lại thì phải ở trong bóng tối của sự chết.
Bài đọc 1 hôm nay cho biết hai vị kỳ mục,
là những người được trọng vọng trong dân và là thành phần cầm cân nảy mực. Vậy
mà vì chiều theo đam mê xác thịt và ham muốn bất chính đã tìm cách cưỡng hiếp
bà Susana xinh đẹp, ngay chính. Nhưng không việc làm xấu xa của họ không thành
trước sự chống trả quyết liệt của bà ta. Nên hai ông lại quay sang tố cáo bà ta
thông gian với người khác. Nhưng có Chúa bênh đỡ qua việc vạch tội của cậu
thiếu niên Đa-ni-en, hai ông già kia đánh phải thú nhận tội ác. Nhờ đó mà bà Susanna
được giải thoát.
Xã hội ngày nay vẫn còn đầy dẫy bóng tối
của gian dối. Gian dối lan tràn trong mọi lĩnh vực. Ngay trong những lĩnh vực
giáo dục, y tế xưa nay vốn được xem là ngay chính. Vậy mà ngay nay bóng tối
gian dối vẫn len lỏi vào. Sống trong một xã hội bị che phủ đầy dẫy những bóng
tối gian dối, lọc lừa như thế làm cho ta bất an và nếu không để cho ánh sáng
của Chúa soi dẫn, ta cũng dễ dàng chấp nhận cho bóng tối dối trá che phủ
đời mình.
Xin Chúa ban ơn giúp sức cho ta luôn biết can
đảm sống và làm chứng cho sự thật cho dẫu phải chịu nhiều thiệt thòi. Vì chúng
ta tin vào lời Chúa: "sự thật sẽ giải thoát các con.".
Thứ ba: Ds 21,4-9; Ga 8, 21-30
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết
Ngài là ai, đến từ đâu và con đường nào Ngài phải đi. Xin cho chúng ta luôn
vững tin vào Chúa và vững bước theo Ngài.
Một lần nữa, Chúa Giêsu lại kiên nhẫn cố gắng
giúp cho những người Biệt Phái cứng lòng nhận biết: Ngài là ai, đến từ đâu và
còn đường Ngài đi là gì?
Ngày nay chúng ta đã hiểu con đường Chúa đã đi
qua là con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói về con đường ấy trong
bài tin mừng hôm nay: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ
biết tôi là Tôi Hằng Hữu”.
Con đường thập giá là con đường đẹp ý Chúa Cha.
Nhưng lại ngược với tư tưởng và ước muốn lựa chọn của con người. Bởi ai trong
chúng ta cũng mong muốn có được cuộc sống tiện nghi, giàu có, sung túc. Ai mà
chẳng mong được danh vọng chức quyền. Chẳng ai muốn thập giá của đau khổ, vất
vả, cay đắng và chết chóc. Nhưng thực tế cho thấy, dù không muốn ta vẫn không
tránh khỏi. Vì thế, Chúa bảo chúng ta nếu tin vào Ngài và cầu xin với Ngài,
Ngài sẽ ban ơn trợ giúp để chúng ta đủ sức mạnh vác lấy thập giá đời mình. Chúa
Giêsu cũng đã nhiều lần kêu gọi: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá
mình mà theo”.
Đã rõ, Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu đến từ Thiên
Chúa và con đường cứu độ của Ngài là con đường Thập Giá. Vậy, để được cứu độ thì
không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá Chúa đã đi qua và đã phục
sinh vinh quang.
Xin cho chúng ta biết:
- Từ bỏ ý riêng không hợp ý Chúa để vâng nghe và
thực thi ý Chúa.
- Vui vác thập giá mình bằng việc đón nhận những
hy sinh vất vả khó khăn thử thách trong cuộc sống mà không kêu than, oán trách
với niềm tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa.
- Sẵn sàng bước đi theo Chúa Giêsu chứ không
theo một ai khác, với mong muốn mỗi ngày ta thấy mình được gần Chúa và gần anh
chị em hơn, bởi biết rằng chính Người là Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương
ta.
Sống được như thế chúng ta sẽ không bị luận phạt
và không mang tội nơi mình mà chết. Trái lại sẽ được sống trong Chúa với niềm
hạnh phúc viên mãn.
Suy niệm 2:
Bài đọc 1, trích sách Dân số, trình thuật lại
cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi cảnh nộ lệ, đau thương bên Ai Cập, trở
về đất hứa. Trên cuộc hành trình ấy, họ đã chứng kiến bao phép lạ vĩ đại mà TC
đã làm cho họ. Tuy nhiên, mỗi khi gặp gian khó họ lại kêu trách Mô-sê và bất
tín với Chúa. Nên Chúa đã cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ
hoảng sợ và đã van xin Chúa cứu giúp. Mô-sê lại van xin Chúa và Chúa bảo Mô-sê
hãy đút rắn đồng treo trên cây, để khi những ai bị rắn cắn, nếu biết tin tưởng
nhìn lên rắn đồng, thì sẽ được sống.
Hình ảnh con rắn đồng treo cao trên cây trong sa
mạc, tiên báo về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Để từ nay, bất cứ ai
nhìn lên Chúa với lòng tin tưởng, cậy trông thì sẽ được cứu độ.
Nhưng tiếc thay, thời nào cũng vậy, có nhiều
người không tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian, nên họ không sống theo
giáo huấn của Người. Trong đó có những người Do Thái thời Mô-sê, nhất là các
kinh sư và biệt phái thời Chúa Giêsu. Vì vậy, họ không xứng đáng đón nhận ơn
cứu độ của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, vì tình thương, Chúa Giêsu rất kiên
nhẫn và dùng mọi cách để thuyết phục họ. Nhưng vì họ mong ước một Đấng Cứu Độ
theo ý muốn của họ và vì cứng lòng nên họ không tin vào Người.
Rất có thể những ước muốn của chúng ta ngày nay
cũng giống như họ, cho dẫu ta vẫn tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Có không ít
người trong chúng ta vẫn thích và đòi hỏi phép lạ nên đã thách thức Chúa thực
hiện mới tin; Cũng có khi ta gặp khó khăn, bệnh tật, nghèo khổ, ta mong muốn
Chúa làm dấu lạ để đáp ứng nhu cầu theo ý mình, nhưng không được Chúa đáp ứng,
ta lại chối bỏ Chúa và chạy theo những thần minh khác…Ta đâu có biết rằng, TC
luôn là Người Cha hằng yêu thương ta, luôn muốn mọi điều thiện hảo nhất cho ta
là con cái Người. Nên có lần Chúa Giêsu đã khẳng định với ta: “Các
con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các
con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!” (Lc
7,11). Tuy nhiên với cái nhìn thiển cận, chúng ta chỉ biết xin những điều ta
tưởng là tốt cho lợi ích cá nhân, nhưng điều ấy lại phương hại đến phần rỗi đời
đời của ta mà ta không biết. Thế là ta đâm ra bất mãn, không tin và bỏ cầu
nguyện.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng: “Tư
tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là
đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên
đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế
ấy.” (Is 55,7-9). Vậy nên trong mùa chay này, với niềm xác tín
vững vàng vào Chúa, ta hãy can đảm từ bỏ đường
lối và tư tưởng của mình mà hãy trở về với Chúa. Tin
rằng Chúa sẽ ban cho ta những điều tốt lành vượt trên những gì chúng ta
mong ước.
Thứ tư: Ga 8, 31-42
Thấy niềm tin của của những người Do Thái mới
tin chưa trọn vẹn lắm nên Chúa Giêsu đề nghị họ cần phải “sống lời Chúa”. Để
lời Chúa giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và xứng đáng trở thành môn đệ của
Chúa. Nhưng những người này chưa đủ khiêm tốn để chấp nhận lời đề nghị của
Chúa. Họ tự phụ cho mình là con cháu Abraham và không cần tiếp nhận thêm điều
gì nữa. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo lời dạy của Chúa,
nhờ đó ta được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi, xứng đáng là môn đệ Chúa
Giêsu.
Kết thúc cuộc đối thoại với những người Do thái,
Chúa Giêsu cho biết: “Ngài là Đấng Hằng Hữu” thì có nhiều kẻ tin Ngài. Tin mừng
hôm nay, Chúa tiếp
tục mời gọi những người
mới tin theo Chúa hãy tiến thêm một bước nữa là
hãy: “Ở lại
trong Lời Chúa”; vì Lời Chúa là lời chân lý có sức mạnh giải thoát họ. Nhưng
khi nghe đến sự giải thoát khỏi ràn buộc tội lỗi thì những người này cho rằng: “Chúng
tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”. Thế
là họ hiểu sai lời Chúa. Không phải Abraham làm cho họ tự do, nhưng tự do thật sự trước Chúa là sự sạch tội.
Còn ai phạm tội là trở nên nô lệ.
Đức thánh cha Bênêđictô 16 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa
Nhật 13/03/2011 đã nói: “Nô lệ nghiêm trọng và sâu xa nhất là nô lệ cho tội
lỗi”. Đúng vậy, hể ai phạm tội tất nhiên là nô lệ cho tội. Bởi khi phạm tội là
ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình và rước ác thần Satan vào cư ngụ thay thế
cho Thiên Chúa. Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải “ở
lại trong Lời Chúa”. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta giữ Lời
Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa, cũng đồng nghĩa
là ta để cho Chúa ở lại trong ta. Vì “Chúa chính là đường là sự thật
và là sự sống." Ai ở lại trong Chúa thì sự thật chiếm hữu và giải thoát
người ấy khỏi ràn buộc của tội lỗi, được đón nhận sự sống của Chúa.
Sở dĩ họ không chịu ở lại trong lời của Chúa, là vì họ tự mãn cho mình
là con cháu Abraham là dân riêng của Chúa. Tự mãn kiêu căng là tội đầu trong
các tội. Chính vì kiêu căng tự mãn muốn bằng Chúa nên nguyên tổ đã đánh mất
thiêng đàng và trở nên nô lệ cho ma quỷ. Chính kiêu căng tự mãn, thiên thần
Luxiphe đã chống đối lại Chúa và bị trừng phạt trở nên Satan.
Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người Công giáo, nhưng nhiều
lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy,
làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những
đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt,
thế gian.
Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta. Cho chúng ta biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa để được tự do làm con cái Chúa thật sự.
Thứ năm: Ga 8, 51-59
Trong những cuộc đối thoại với người Do Thái,
Chúa Giêsu kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài; cũng như về nếp
sống phải có của những ai tin nhận Ngài. Nhưng với cái nhìn và kiến thức hạn
hẹp cũng như ỷ vào kinh nghiệm sống của mình, họ không thể nhận biết thân thế
của Chúa. Do đó cũng không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.
Xin cho chúng ta đừng ỷ vào kiến thức và nếp
sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và hướng dẫn của Giáo
Hội. Nhưng xin cho chúng ta vững tin vào Chúa, sẵn sàng lắng nghe và thi hành
Lời Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội chỉ bảo để được sống sung mãn.
Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:
- Thứ nhất, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương
quan giữa Ngài với Chúa Cha.
- Thứ hai, Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý
của việc tuân giữ Lời Chúa.
1. Thánh Gioan luôn nói đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Tin mừng hôm nay cũng vậy, thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.
2. Ngài đến từ Chúa Cha, biết rõ về Chúa cha,
nói những lời của Chúa Cha. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời
ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “Nếu ai tuân giữ
Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.
Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ
xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây.
Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, nhưng
phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia
nghiệp nước trời. Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng
ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa. Mà Lời
Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao
giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận
nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng. Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông
truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự
sống đời đời của Chúa.
Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý
Lời của Chúa và cố gắng thi hành Lời Chúa dạy, để đón nhận sự sống đời đời Chúa
thương ban.
Thứ sáu: Ga 10, 31-42
Trong suốt những ngày qua, chúng ta đọc Tin mừng của thánh Gioan, Tác giả ghi lại các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái còn hoài nghi về Ngài. Tương tự như các cuộc tranh luận trước, cuộc tranh luận trong tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu mạc khải sự thật quan trọng về Ngài. Ngài xác định rõ ràng: "Ngài là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa."
Xin Chúa củng cố đức tin của mọi người trong chúng ta để cho dẫu phải gặp những khó khăn hay đau khổ trên hành trình sống đạo, ta vẫn luôn tin tưởng vào Đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm
người, cứu độ duy nhất của chúng ta.
Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết về hai chân lý đức tin rất quan trọng đó là: “Tôi là Con Thiên Chúa” và “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong chúa Cha”. Đây là giáo lý rất quan trọng. Bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ là một người như bao người, thì lời giảng dạy của Ngài cũng chỉ là để nghe cho vui tai và chỉ được tán dương như lời giảng dạy của những người hùng biện, hay như các bậc hiền triết và các vị sáng lập các tôn giáo khác. Nhưng Ngài không chỉ là con người tài giỏi, đức trọng mà Ngài còn là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nên lời giảng dạy của Ngài rất cao quý và có giá trị tuyệt đối. Nhưng vì tự mãn và cứng lòng nên những người Do Thái đã không tin vào Ngài, cho dẫu họ đã được chứng kiến không ít những lạ Ngài làm và đã nghe biết bao lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu.
Ngày nay không chỉ có những người cứng lòng tin
như người Do Thái xưa mà còn đó những con người vô thần. Lối sống của họ chỉ
nghĩ đến hưởng thụ vật chất, chỉ thích vui cuồng sống vội. Họ xem giáo huấn của
Chúa thật rắc rối, là chướng ngại vật, là bức tường cản ngăn lối sống phóng
túng, trụy lạc, tội lỗi của họ. Để rồi họ sẵn sàng ném đá tiêu diệt, nhằm lọai
bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống họ như người Do Thái xưa.
Chúng ta hãy cầu xin cho những người vô thần. Vô
thần trong tư tưởng, trong lập trường cũng như vô thần trong lối sống, biết
nhìn vào thiên nhiên, nhìn vào vạn vật, nhìn vào các biến cố xảy ra nhất là
nhìn vào bản thân mình mà khám phá ra sự hiện hữu của Chúa mà tin vào Chúa
Giêsu. Với chúng ta cũng rất cần nhìn lại cách thế sống và thể hiện niềm tin
vào Chúa như thế nào?
Thứ bảy: Ga 11, 45-56
Sự đố kị và lòng hận thù khiến người ta mù quáng
không còn nhận ra lẽ phải và bất chấp mọi thủ đoạn, ngay cả giết người. Đó là
cách thế hành xử của các Thượng Tế và Biệt Phái đối với Chúa Giêsu trong bài
tin mừng hôm nay.
Jean de La Fontaine từng viết bài thơ ngụ ngôn
“Le Loup et l’Agneau” kể về con chó sói và con cừu non cùng ra suối uống nước.
Con sói muốn ăn thịt con cừu bèn tìm đủ cách buộc tội con cừu.
Đầu tiên con sói bảo con cừu làm bẩn nước suối
của con sói.
Bị con cừu bẻ: “Thưa ông, ông uống ở thượng lưu,
tôi uống ở hạ lưu, thì chỉ có ông làm bẩn nước của tôi chứ làm sao tôi có thể
làm bẩn nước của ông được?”
Con sói nói: “Năm ngoái mày đã phỉ báng tao!”
Con cừu trả lời: “Thưa ông, năm ngoái tôi chưa
ra đời.”
Con sói nói: “Thế thì thằng anh mày đã phỉ báng
tao!”
Con cừu đáp: “Thưa ông tôi là con một.”
Con sói rống lên: “Thế thì một đứa trong lũ
chúng mày đã nói xấu tao, thằng chăn chúng mày đã nói xấu tao, con chó chăn
chúng mày đã nói xấu, tao phải trả thù!” Thế rồi con sói vồ con cừu nhai ngấu
nghiến.
La Fontaine kết luận: “Lý lẽ kẻ mạnh bao giờ
cũng thắng”
Đọc Tin mừng hôm nay, ta có cảm tưởng các Thượng
Tế và Biệt Phái giống như con sói vậy. Họ tìm mọi cách, viện đủ mọi lý do để
tiêu diệt Chúa Giêsu. Họ đã triệu tập một công nghị để bàn tính với nhau cách
đối phó với Chúa Giêsu ra sao. Vì thấy Chúa làm được nhiều việc lành, có nhiều
người tin theo Chúa, sợ mất ảnh hưởng nên họ ghen ghét muốn khử trừ Ngài cho
xong. Sau khi viện đủ mọi lý do tôn giáo để kết tội Chúa Giêsu như: Chúa đã
lộng ngôn phạm thượng xưng mình là Con Thiên Chúa. Rồi lại công khai tuyên bố
phá hủy đền thờ Giêrusalem, nhất là đã liên tục vi phạm ngày sabát…nhưng những
cáo buộc ấy không thành. Vì thế, họ chuyển sang ghép Ngài vào tội chính trị. Họ
vu cáo Ngài vi phạm tới luật lệ của nhà nước và quyền của hoàng đế Rôma. Rồi họ
ra chỉ thị truy nả Ngài trong toàn dân. Với lời khích động: “Thà một
người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”
Quyết định giết Chúa Giêsu để thay cho toàn dân
quả là một quyết định do lòng ghen tỵ, hận thù… thật là bất công. Nhưng trong
chương trình của Thiên Chúa, thì cái chết của Chúa Giêsu là để cho mọi người
được sống đời đời. Thay cho hành động hận thù và bất công của các Thượng Tế và
Biệt Phái là hành động bao dung và yêu thương của Thiên Chúa, nhằm quy tụ con
cái tản mác khắp nơi về một mối, trong tình hiệp nhất yêu thương.
Xin cho chúng ta đừng vì ghen ghét, hận thù mà
tìm đủ mọi cách để hãm hại người khác. Nhưng xin Chúa ban cho chúng ta có được
lòng quảng đại, yêu thương tha thứ và sẵn sàng hy sinh, chịu gian lao khốn khó
như Chúa Giêsu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét