SUY NIỆM LỜI
CHÚA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Lm Vĩnh Hòa
LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN
XUỐNG
St 11, 1-9 (Xh 19, 3-8a. 16-20b...) Rm.
8, 22-27; Ga 7, 37-39
Chiều hôm nay, chúng ta cùng quy tụ nhau đây để cử
hành lễ vọng, mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết vai trò
rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta và GH. Chính Ngài là
Đấng khai sinh và nuôi sống GH. Ngài cũng chính là nguyên lý tạo nên sự hiệp
nhất trong GH và chính là nguồn sự sống đích thực của chúng ta.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận nguồn
nước sự sống của Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn để cho CTT hướng dẫn cuộc sống
chúng ta. Nhờ đó đời ta mới có thể trổ sinh được nhiều hoa trái tốt
lành.
- Bài đọc 1, trích sách Xuất hành: nhấn
mạnh đến sự nguy hiểm của sự chia rẽ. Trình thuật trong sách xuất hành hôm nay
nhắc lại câu chuyện tháp Babel thời ông Nôe. Sau trận lục đại hồng thủy, con
cháu ông Noe còn sống sót. Họ tập họp nhau lại không phải là để tạ
ơn và tìm cách tôn thờ Chúa cho phải đạo; trái lại họ quy tụ với nhau để bàn kế
sách đối phó chống lại Thiên Chúa. Họ cùng nhau quyết định xây dựng cây tháp ở
Babel cao ngút lên tận trời, nhằm thách thức Thiên Chúa có thể làm gì được họ.
Nhưng khi họ tiến hành xây dựng được nữa chừng thì Chúa liền cho họ trở nên bất
đồng về ngôn ngữ. Khiến họ không còn hiểu nhau nữa, gây nên sự chia rẽ nhau. Vì
thế kế hoạch xây tháp Babel của họ bất thành.
Câu chuyện cho thấy rằng nếu con người kiêu căng muốn
loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, sẽ nhận lấy hậu quả tai hại đó là sự chia
rẽ, chống đối nhau và sẽ bị thất bại trong mọi việc làm. Chia rẽ còn đồng nghĩa
với sự chết.
- Trái lại với sự chia rẽ gây nên cái chết về tình yêu
thương, hiệp nhất của nơi con cháu Noe ngày xưa, thì bài tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu nói đến sự sống nhờ sự hiệp nhất trong nguồn
nước CTT.
Nói đến sự sống là phải nói đến nước và sự hiệp nhất.
Chúa Giêsu sánh ví CTT chính là nguồn nước. Nguồn nước ấy được tuôn tràn trên
các tông đồ và thế gian vào ngày lễ ngũ tuần. Ngày ấy từ Giêrusalem mới sẽ tuôn
tràn nguồn suối nước mát, mang lại sự sống dồi dào cho thế gian.
Thật ra CTT là nguyên lý của sự sống đã được Thánh
Kinh diễn tả khá nhiều.
Trong cựu ước, ngay từ chương đầu sách Sáng Thế đã cho
thấy CTT là hơi thở Thần Khí mà TC đã thổi vào hồn con người của Ađam. Và sự
sống vạn vật được hình thành kể từ khi “Thần Khí Chúa bay là trên mặt
nước”. (St 1,2)
Trong sách 1 Xh
17,6-7, cho biết: Từ trong tảng đá Mêriba ở Masa nơi sa
mạc khô cằn đã tuôn ra dòng nước nuôi sống dân Do Thái trên hành trình tiến về
đất hứa. Tảng đá Mêriba ấy chính là hình ảnh của Giêsu. Từ tảng đá Giêsu cũng
tuôn tràn một dòng nước chính là CTT sẽ nuôi sống cho dân Chúa vượt qua hành
trình tiến về quê trời.
Còn trong sách Edekiel 47, 1-9.
12, thì mô tả. “Tôi đã thấy Nước từ bên phải Đền Thờ
chảy ra, và Nước ấy chảy đến đâu thì tất cả đều được cứu rỗi…”. (Ed 47,
1-9. 12). Đền Thờ đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu và từ nơi Chúa
Giêsu Đền Thờ Mới ấy lại tuôn tràn dòng nước mang sự sống sung mãn đến mọi người
và mọi nơi. Dòng nước ban sự sống ấy chính là CTT.
Mừng lễ Chúa Thánh thần hôm nay, xin cho chúng ta biết
nhìn nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong GH và trong đời sống mỗi
người chúng ta. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận
dòng nước ân thiêng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta. Nhờ đó mà
chúng ta được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần và được
tưới dội cùng một dòng nước sự sống của CTT. Nhờ đó mà hoa trái CTT là bác ái,
bình an và hoan lạc được trổ sinh trong cuộc đời mỗi chúng ta.
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH
THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2,1-11; 1Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Suy niệm 1: DANH XƯNG-BIỂU TƯỢNG-VAI TRÒ CỦA CTT
Cùng với toàn thể GH, hôm nay chúng ta hân hoan mừng
trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đánh dấu chính thức ngày khai sinh của
GH, dưới sự hướng dẫn của CTT. Chính CTT là Đấng ban tràn đầy ân sủng, sự
sống và sức mạnh cho GH. Ngài cũng là tác nhân tạo nên sự hiệp nhất, bình an và
tình yêu trong lòng GH.
Hiệp dâng Thánh lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần xuống
đầy lòng chúng ta, để Ngài sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta. Xin CTT ban cho
chúng ta biết sốnghiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin, đức cậy và đức
mến, nhất là luôn hăng say sống và làm chứng cho Tin Mừng tình thương cứu độ
của Chúa.
1. Danh xưng:
- Chúa Thánh Thần là tên gọi của Ngôi Thứ Ba trong Ba
Ngôi Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, cùng được phụng thờ và
tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. (khi đọc kinh tin kính và khi làm
dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng uy danh ấy).
- Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, là Trạng Sư mà
Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ.
- Chúa Thánh Thần cũng còn được gọi Đấng An Ủi, Thần
Chân Lý (Ga 16,13), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40),
Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11), Thần Khí Vinh Hiển (1P 4,14), Thần Khí của
Lời hứa (Gl 3,14: Ep 1,13), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6)…
2. Biểu tượng:
Chúa Thánh Thần được nhắc đến trong Kinh Thánh dưới
nhiều biểu tượng khác nhau như: nước, dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, chim bồ
câu…
- Gió, hơi thở: (Tiếng Hipri: Ruah;
tiếng Hylạp: Pneuma) là sinh khí, sức sống mà Thiên Chúa ban để con
người tham dự vào sự sống của Người (Ds 16,22; Cv 2,2; Ga 3,8)
- Nước: có ý nghĩa về hoạt động của Chúa
Thánh Thần để thanh tẩy. Chúa Thánh Thần là nước nguồn vọt ra từ Chúa Kitô bị
đóng đinh trên thập giá rửa ta sạch mọi tội lỗi và sinh ra lại làm con Chúa;
trong bí tích Thánh Tẩy, Chúa Thánh Thần thanh tẩy tội lỗi và sinh ta lại làm
con Thiên Chúa (Ga 3,5)
- Dầu: nói lên sức mạnh đặc biệt Thiên Chúa
ban, cách riêng cho những kẻ Người chọn. Việc xức dầu rất có ý nghĩa đối với
Chúa Thánh Thần, người “được xức dầu” đồng nghĩa với được “Thánh Thần ngự đến”
(Is 61,1tt; Lc 4,16tt)
- Áng mây và ánh sáng: Hai biểu tượng này
nói lên sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần mặc khải về sự hiện diện và quyền năng
của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ (Ds 11,24–25; Lc 9,28–36)
- Bàn tay: Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt
tay của Đức Giêsu (Mc 6,5; 8,23; 10,16; 16,18) và của các Tông đồ (Cv 5,12;
8,17-19; 13,3; 14,5; 19,6). Giáo Hội cũng đặt tay khẩn cầu Thánh Thần trong các
bí tích.
- Chim bồ câu: Hình ảnh chim bồ câu biểu tượng
Thánh Thần xuống trên Đức Giêsu khi chịu phép Rửa sám hối ở sông Jođan, nói lên
sứ mạng của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống và ở lại trong
tâm hồn tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.
3. Vai trò của Chúa Thánh Thần:
- Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng cho
sự hình thành và phát triển vũ trụ vạn vật. Sách Sáng thế viết: khi đất còn
trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên
Chúa bay lượn trên mặt nước.
- Trong biến cố truyền tin Thiên Chúa nhập thể nơi
cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria thì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. Tin
mừng Luca khẳng định: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối
Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con
Thiên Chúa.
- Khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan thì Chúa
Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến để thông truyền cho nhân loại biết
Đức Giêsu quả thật là Con yêu dấu của Thiên Chúa.
- Đặc biệt, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chính Chúa Thánh
Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ và làm cho các tông đồ nhớ
lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các ngài, đồng thời khiến các ngài đang từ
những kẻ nhút nhát, sợ sệt đã trở nên những con người can đảm, mạnh mẽ, sẵn
sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
* Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong
đời sống của Giáo hội. Sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ làm Giáo hội không
ngừng phát triển, nhất là Người luôn luôn đồng hành với mỗi người chúng ta. Thế
nên, trước khi chúng ta bắt tay vào làm bất kỳ công việc nào, chúng ta đều khởi
đầu bằng việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cầu xin sự soi sáng và
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tất cả mọi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành
đều nhờ bởi ơn Chúa.
Như vậy, vai trò của Chúa Thánh Thần vô cùng quan
trọng trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần còn
không ngừng thánh hóa toàn thể nhân loại. Người sẽ thúc đẩy tâm hồn con người
hành động theo sự hướng dẫn của Người để có thể đưa nhân loại tiến vào con
đường hoàn thiện trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ xưa về sự xuất
hiện của Chúa Thánh Thần sau khi Ngài về với Chúa Cha cũng là đang nói với mỗi
người chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên mất vai trò của Chúa
Thánh Thần, hay nói một cách khác là chúng ta bỏ rơi Chúa Thánh Thần, chẳng
quan tâm đến sự hiện hữu của Người trong cuộc đời chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta biết đón nhận Lời Chúa và mở rộng con tim để Chúa Thánh Thần đến và hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành, gìn giữ và thánh hóa mỗi người, đồng thời Người sẽ thúc đẩy chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh trong chính cuộc sống hằng ngày.
Suy niệm 2: THẦN KHÍ SỰ SỐNG VÀ HIỆP NHẤT
Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho thế giới đã lâm vào cảnh bi thương. Dịch bệnh này trong thời gian qua đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người, khiến cho hàng tỷ người phải cách ly xã hội. Có
thể nói Covid-19 gây nên cái chết và sự cách ly, nhưng Thần Khí thì ngược lại,
Ngài luôn tạo nên sự sống và tình hiệp nhất.
1. CTT, Đấng ban sự sống.
Có lẽ cuộc sống ngày nay điều quan trọng nhất hình như không phải cơm áo
gạo tiền, mà khí thở mới là điều chính yếu nhất. Có đủ khí thở mới giúp con
người có được sự sống. Không có khí thở thì con người phải chết.
Mà khí thở không do nhân loại tạo ra. Con người dù tài giỏi mấy
cũng không thể nào tạo ra được khí thở. Chỉ duy mình TC mới là
Đấng tạo ra và ban phát khí thở cho muôn loài. Vì thế mà Thánh Kinh
thường sánh ví Chúa Thánh Thần là hơi thở. Đúng vậy, Ngài chính là Đấng ban sự
sống cho muôn vật muôn loài, như lời Thánh vịnh đáp ca diễn
tả: “Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên.”
Vì vậy, khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến với các môn đệ trong căn
phòng đóng kín vì sợ người Do Thái, Ngài đã thổi hơi trên các môn đệ
để trao ban sự sống thần linh. Nhờ đó mà các môn đệ có được sự sống
mới, sự sống thần linh do CTT ban tặng khác xa sự sống thể
chất của các con vật.
2. CTT, Đấng kiến tạo sự hiệp nhất.
Các bài Sách Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
diễn tả tuyệt vời về sự hiệp nhất. Sách Công vụ Tông Đồ kể chuyện các môn đệ
nói các ngôn ngữ khác nhau nhưng mọi người đều hiểu nhau. Thánh Phaolô khẳng định
dù chúng ta có nhiều đặc sủng, nhiều hoạt động, nhiều phục vụ khác nhau, thì tất
cả vẫn hiệp hành gắn bó với nhau như các chi thể làm nên một thân thể nhờ Thần
Khí duy nhất, tất cả vì ích chung chứ không tìm lợi riêng cho mình. Nhờ thần
khí hiệp nhất mà mọi người dù khác biệt lại không xung khắc, nhưng ăn khớp với
nhau. Khác mà không khắc, khác mà khớp với nhau. Như vậy chínhChúa Thánh Thần là nguyên lý tạo nên tình hiệp nhất,
tựa như các chi thể trong cùng một thân thể.
Mặc
dầu không ai nhìn thấy Chúa Thánh Thần như thế nào, sách thánh cũng chỉ dùng
những biểu tượng để diễn tả. Nhưng những hoạt động của CTT thì ta có thể nhận
ra. Để nhận ra sự hiện diện của CTT, ta hãy dựa vào thư gửi tín hữu Galata của thánh Phaolô tông đồ, ngài đã liệt kê
cụ thể các “hoa trái” của Chúa Thánh Thần như sau: “Tình yêu, hoan lạc,
bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ. Không có
luật nào chống lại những điều như thế.” (Gal 5, 22-23).
Trong
những hoa trái kể trên, ta còn nhận thấy hoa trái của sự sống và tình hiệp nhất
trong đời sống do CTT tác động mà phụng vụ lời Chúa hôm nay nói đến.
Xin cho chúng ta biết mở lòng đón nhận CTT vào tâm hồn mình, để Ngài ban cho ta sự sống mới, thúc đẩy ta tích cực hơn trong việc dấn thân xây dựng xã hội và GH này mỗi ngày nên phong phú và thiện hảo hơn.
Thứ hai: St
3,9-15.20; Ga 19,25-34
Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội
Thánh
Theo lịch phụng vụ, hàng năm ngay sau khi mừng kính
trọng thể lễ CTT hiện xuống, GH liền mừng lễ (lễ nhớ buộc) Đức Trinh Nữ Maria,
Mẹ Hội Thánh. Qua đó, GH cho thấy, nếu CTT là Đấng khai sinh và hướng dẫn GH,
thì Đức Maria là Đấng đồng hành, đỡ nâng GH.
Trong năm phụng vụ, GH mừng kính nhiều tước vị Đức
Maria: Mẹ TC, Hồn Xác Lên, Vô Nhiễm Nguyên Tội...và hôm nay là mừng
lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.
Lễ này được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI công
bố trước các nghị phụ vào ngày 21/11/1964, sau khi bế mạc kỳ họp thứ III của
công đồng Vatican II, với lời xác quyết: “Mẹ của HT, nghĩa là Mẹ của toàn
thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Mẹ là Mẹ vô
cùng nhân ái.”
Lời xác quyết trên của Đức Chân Phước Giáo Hoàng
Phao-lô VI đặt trên nền tảng vững chắc của Thánh Kinh Và truyền
thống GH.
- Trong truyền thống GH, ngay
từ buổi ban đầu, người tín hữu luôn có lòng sùng kính Đức Maria.
Nên việc cử hành này sẽ làm phong phú và tăng trưởng thêm đời sống
Kitô hữu: “ Toàn dân Kitô giáo xưa nay đã tôn kính Thánh Mẫu TC bằng danh hiệu
rất ngọt ngào này, thì nay còn phải tôn kính hơn nữa.” (ĐTC Phao-lô VI)
- Nền tảng Thánh Kinh cho biết:
Đức Maria đã được TC tuyển chọn để cưu mang,
hạ sinh và nuôi dưỡng Đức Giêsu, Ngôi Hai TC làm người. Do Đức Maria
là Mẹ Chúa Giêsu là đầu HT, nên Đức Maria phải xứng danh là Mẹ HT.
- Tin mừng hôm nay, thánh Gioan cho biết: Dưới
chân thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã trối thánh
Gioan làm con Đức Maria và Đức Maria làm mẹ của thánh Gioan;
mà thánh Gioan được hiểu là đại biểu của HT. Qua đó, Chúa
Giêsu muốn GH đón nhận Đức Maria là Mẹ và muốn Đức Maria nhận HT làm
con Mẹ.
- Sách Cvtđ tường thuật lại những hoạt động của
HT những ngày đầu, luôn có Mẹ Maria hiện diện
bên cạnh các môn đệ để hiệp thông, an ủi, khích lệ và cầu
nguyện cùng các ngài. Nhờ đó mà HT non trẻ của Chúa vượt
thắng được mọi gian lao thử thách và không ngừng tiến triển.
- Kinh nghiệm cho thấy không có người mẹ nào quên
con mình. Vì thế ta tin chắc Mẹ Maria sẽ không bao giờ bỏ rơi
còn cái Mẹ trong HT, nhất là trong cơn gian nan thử thách. Vì lẽ đó, một mặt
chúng ta phải tỏ lòng hiếu kính Đức Mẹ, bằng cách thực hiện
điều Chúa Giêsu chỉ dạy như lời mẹ căn dặn các gia nhân nơi tiệc cưới
Cana:“Người bảo sao cứ làm vậy.” (Ga 2,5) Nhất là
luôn tuân giữ lệnh truyền của Mẹ khi hiện ra ở Fatima: “ăn
năn đền tội cải thiện đời sống, tôn sùng mẫu tâm, siêng năng lần chuỗi Mân
côi.’
- Nguyện xin Chúa nhờ lời chuyển
cầu rất thế giá của Mẹ Maria bên tòa Chúa, ban
cho HT luôn được bình an, yêu thương hiệp nhất và kiên vững
niềm tin.
Xin Chúa chúc lành cho GH và cho mỗi
người chúng ta. Amen.
Thứ ba: Mt 5,13-16
Bằng hai hình ảnh muối và ánh sáng, Chúa Giêsu muốn
nói đến bản chất và sứ mạng của người kitô hữu.
1. Bản chất và sứ mạng của muối:
Nếu bản chất của muối là phải mặn. Muối không mặn thì
không còn là muối nữa, chỉ còn cách quăng xuống đường cho người ta giẫm đạp
lên. Cũng vậy, bản chất của người Kitô hữu phải mang đậm chất mặn của tình yêu.
Nếu ta không có tình yêu thì không còn là Kitô hữu nữa. Bởi lẽ "Thiên Chúa
là Tình Yêu" (1Ga 4,7). Ngài đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh
Ngài, nên tự bản chất nơi ta phải mang chất tình yêu. Dĩ nhiên tình yêu ấy phải
đặt trên nền tảng Tình Yêu như Chúa. "Yêu như Thầy đã yêu" (Ga
15,12).
Còn nếu sứ mạng của muối là giữ cho thức ăn khỏi hư
thối và đem lại mùi vị thơm ngon cho thức ăn. Thì sứ mạng của người kitô hữu
phải có nhiệm vụ ướp đời, ướp người khỏi những băng hoại của dối trá, hận thù,
ganh tị, lường gạt, bất trung... Ngoài sứ mạng ngăn chặn
cuộc sống khỏi những băng hoại, chúng ta còn phải là tác nhân đem lại hương vị
ngọt ngào cho cuộc sống bằng những cử chỉ, lời nói, việc làm thắm đợm tình
thương, nhằm mang đến niềm vui, an bình và hạnh phúc cho tha nhân.
2. Bản chất và sứ mạng của đèn:
Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức
tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín
hữu".
Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng
cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng
đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức
tin không có việc làm là đức tin chết " (Gc. 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy
chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước
mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha
của anh em, Đấng ngự trên trời”.Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa
trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần
gian.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn giữ được chất tình yêu của
Chúa, để chúng ta có thể ướp mặn cho đời và cho người; cụ thể là những thành
viên trong gia đình chúng ta khỏi những băng hoại do tội lỗi gây nên. Đồng thời
xin Chúa cũng ban thêm chất Đức Tin nơi mỗi chúng ta, hầu ta có thể can đảm
thắp lên ngọn lữa đức tin ấy bằng những hành động bác ái cụ thể cho tha nhân,
qua đó mà mọi người nhận ra Chúa mà ngợi ca Danh Người.
Thứ tư: Mt 5,17-19
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng như
chúng ta biết thêm về lý do quan trọng mà Ngài đến trần gian này là:“không
phải hủy bỏ lề luật hay các tiên tri, nhưng là để kiện toàn”.
Luật của Chúa được ban cho nhân loại xuyên qua dân tộc
Do Thái, bởi trung gian là ông Môsê. Luật đó được gìn giữ và bảo tồn
qua thời các ngôn sứ. Nhưng đến thời Chúa Giêsu, luật Chúa được trao quyền cho
các kinh sư giải thích và hướng dẫn cho dân chúng. Thay vì giúp người dân hiểu
biết rõ về luật Chúa cũng như tinh thần đúng đắn phải có khi tuân giữ luật
Chúa, thì trái lại các ông lại thêm thắc vào đó quá nhiều chi tiết từ 10 điều
lên đến 613 điều khoản khiến cho dân chúng rối ren không còn phân biệt đâu là
điều chính đâu là điều phụ. Hơn nữa các ông lại quá chú trọng đến hình thức làm
cho người dân có cảm giác luật Chúa quá nặng nề bởi những ràng buộc. Nên khi
rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đả kích lối sống vị luật của người Pharisêu;
cũng như cảnh báo về mối nguy hiểm của những gánh nặng mà dân chúng phải chịu
do các kinh sư chất chồng lên vai họ. Có lẽ vì đó mà nhiều người tưởng rằng
Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật và các tiên tri. Để chỉnh sửa lại ý nghĩ sai
lệch ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ về lý do mà Ngài đến thế gian
này là nhằm mục đích để kiện toàn lề luật. Vậy Chúa muốn kiện toàn
điều gì?
- Trước hết Chúa Giêsu kiện toàn về nội dung văn bản
của luật: Phải giữ nguyên trạng giới luật của Chúa, dù một chấm, một phẩy cũng
không được thay đổi hay bỏ sót.
- Thứ đến Chúa kiện toàn về hình thức thi hành luật:
Nếu các kinh sư và người Pharisêu quá chú trọng bởi hình thức bên ngoài thì
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm giữ luật bên trong. Việc giữ luật chỉ có giá
trị đích thực khi nó xuất phát từ trái tim và tấm lòng.
- Cuối cùng Chúa Giêsu kiện toàn về tâm tình phải có
khi giữ luật: Việc giữ luật không phải vì lo sợ. Sợ không giữ thì bị Chúa
phạt; lo vì nếu không thi hành luật sẽ bị người đời khinh thường và lên án… nếu
mang nặng tâm tình ấy thì quả thật luật trở nên gánh nặng cho đời sống. Điều mà
Chúa Giêsu muốn là mọi người hãy tuân giữ luật với tấm lòng yêu mến. Với lòng
yêu mến Chúa chân thành sẽ giúp ta cảm thấy vui tươi thoải mái thi hành luật
Chúa; sẽ không còn sợ hãi bởi ràn buộc của luật nữa.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức được rằng: vì không muốn
chúng ta phải đi lạc đường nên Chúa đã ban lề luật để hướng dẫn bước đường
chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao ấy, mà hăng hái
thi hành luật Chúa và GH chỉ dạy bằng tất cả tấm lòng yêu mến của chúng ta.
Thứ năm: Mt 5, 20-26
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì
Chúa mới là chủ sự sống. Đó là công lý. Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng hôm
nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp chỉ buộc tội khi một người
phạm tội bằng hành vi cụ thể. Còn Chúa thì đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ
nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Vì thế, “Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa
xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai
mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân”.
Đúng như Lời Chúa nói:
Giận dỗi chính là nguyên nhân đưa đến tội giết người.
Vì khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta; ta không muốn người đó
hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác nào giết
người không dao.
Cũng thế, khi ta mắng chửi anh em là đồ ngốc là khùng
thì chẳng khác nào ta xem thường anh em mình, để rồi hạ thấp họ xuống hàng con
vật, không đáng là người nữa. Hành vi như thế là chiếm đoạt quyền phán xét của
Thiên Chúa, nên đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Như vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt và kết án,
Chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn vinh Thiên
Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực
nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi
làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ.". Tha
thứ là cách ta hàn gắn lại những vết thương lòng của ta và cho tha nhân. Tha
thứ cũng là cách chúng ta bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với anh em mình.
Xin Chúa cho chúng con biết giữ tâm hồn và môi miệng
cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
Xin Chúa cũng dạy chúng con biết yêu thương và
tha thứ, như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.
Thứ sáu: Mt 5, 27-32
Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một vợ một
chồng.
Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân,
chẳng những Chúa Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả
nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân
nữa. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy,
Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì
trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…”(Mt 5: 27-28).
Như thế là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay
chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi; vì trong
lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành động phản bội
tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều xuất phát
từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước muốn bất
chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong lòng, chúng
ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều tốt xấu
muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.
E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt nên đã
hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm muốn. Từ
ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành động ấy
là phạm tội bất trung với Chúa.
Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm đuối nhìn
người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến những hành
vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.
Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi mắt luôn
có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ chúng con lỗi
đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là tay... bởi vì
Chúa đã phán: "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào
hỏa ngục".
Thứ bảy: Cv
11,21b-26.13,1-3; Mt 10,6-13
Nhớ Thánh Barnaba Tông Đồ
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những
đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là
Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái
lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu chọn gọi các tông đồ, ban quyền chữa bệnh, trừ quỷ cho các ông và sai các
ông ra đi gieo rắc Bình an của Chúa cho mọi nhà, mọi người. Sứ mạng thì to
lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các Tông đồ hãy
cậy trông vào Chúa.
- Cậy trông vào Chúa, nên tông đồ Barnaba đã sống tinh
thần khó nghèo. Ngài sẵn sàng bán đi thửa ruộng của mình có và đem bạc đặt
dưới chân các Tông đồ (Cv 4,36-37).
- Cậy trông vào Chúa, tông đồ Barnaba dễ dàng sống siêu
thoát, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào khi Giáo hội muốn với tinh thần phó thác.
Sách Công vụ cho biết khi được mọi người cử đi
An-ti-ô-khi-a xem tình hình ở đó thực hư thế nào, Barnaba đã sẵn sàng lên đường
và khi Barnaba tới nơi thì thấy rõ đó là kết quả của “Ơn Thiên Chúa” cho nên
ông không nghi ngờ gì, trái lại còn “mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền
lòng gắn bó cùng Chúa” ( Cv 11, 23-24).
Rồi khi nhận được bài sai từ Thánh Thần: “Hãy dành
riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy
làm” (Cv 13, 2). Ông cùng với Phaolô đã lên đường, nhiệt
thành với công việc loan báo Tin Mừng cho lương dân, âm vang Lời Chúa lan rộng
ở các cộng đoàn nhất là ở Giêrusalem, Antiokhia ….
- Cậy trông vào Chúa, Banaba đã khiêm tốn đón nhận mọi
cảnh huống của cuộc sống, nhằm thi hành tốt sứ mạng đem Bình an của Chúa cho
mọi người. Bằng chứng là Ngài đã giúp Phaolô hoà nhập với tông đồ đoàn tại
Giêrusalem trong lần gặp mặt đầu tiên, khi mọi người chưa dám tin Phaolô là
tông đồ (x. Cv 9, 26-27); và sau đó hai bên hoà thuận với nhau, cộng
tác nhau vui vẻ (x. Cv 9, 28.30).
Cùng với Phaolô, ngài rao giảng Tin Mừng cho dân
ngoại, khiến họ vui mừng tôn vinh Lời Chúa… Lời Chúa lan tràn khắp vùng. (Cv
14, 48-49). Rồi bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem (Cv 15, 12). Việc này góp
phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc lương dân hiểu nhau và sống
hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin. Ngay cả khi đụng độ với Phaolô về
việc đem theo Mác-cô đi truyền giáo mà Thánh Phaolô không muốn, nên họ to tiếng
với nhau và chia tay nhau, thì Barnaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng
khiêm tốn hòa giải vì ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm (x. Cv
15, 37.39). Quả là ý định tốt lành của Barnaba đạt kết quả tốt lành vì Mác-cô
trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.
Bổn phận truyền giáo không là việc của riêng ai mà là
nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Mừng lễ Thánh
Barnaba Tông đồ, là dịp chúng ta kiểm xét lại chính mình, xem chúng ta đã góp
được gì cho công cuộc truyền giáo, hay chúng ta cũng chỉ là những kẻ cổ suý hô
hào cho việc truyền giảng Tin Mừng bằng môi miệng, mà cuộc sống thì lại là một
phản chứng ghê gớm đối với Tin Mừng?!
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Barnaba
tông đồ, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền
giáo, để chúng ta tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu
nguyện, bằng sức lực, tài lực và cả của cải. Nhất là xin Chúa ban cho chúng con
có tinh thần khó nghèo, siêu thoát và khiêm tốn hầu trở nên khí cụ Bình an của
Chúa trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, theo mẫu gương của thánh
Barnaba tông đồ.