SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI PHỤC SINH
Lm. Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT VI
PHỤC SINH C
Cv
15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
Tin mừng hôm nay ghi lại những lời nhắn nhủ đầy
tâm quyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn,
chịu chết, sống lại và lên trời. Đây được xem như là một bản di chúc ngắn gọn,
chan chứa tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ cũng như nhân loại chúng
ta: Bản di chúc này bao gồm tóm trong hai điều căn bản:
1. Lời căn dặn: “Các con hãy yêu mến Thầy và hãy tuân giữ lời Thầy”.
Yêu mến và giữ lời là hai mặt trong một
vấn đề. Có yêu mến thì mới giữ lời và có giữ lời thì mới nói lên lòng yêu mến.
Càng yêu mến ai thì ta càng muốn nghe và tha thiết giữ lời người mình yêu mến.
Ngược lại càng tích cực tuân giữ lời ai đó là dấu chỉ nói lên lòng yêu mến tha
thiết với người mình yêu.
Thật vậy, để trở nên người môn đệ đích
thực của Chúa Giêsu, trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, bằng cách
đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời của ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá
trị hàng đầu trong cuộc sống mình.
Khi yêu mến Chúa, ta sẽ gắn bó mật thiết với
Chúa. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai thì thích “ở gần” người đó, yêu ai thì
muốn “ở bên” người đó và yêu ai thì muốn “ở với” và “ở trong” ngườiấy với khao khát
trở nên một với người mình yêu.
Thước
đo của lòng yêu mến Chúa
nơi chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta có tuân giữ lời Chúa ở mức độ nào.
Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thực hành lời
Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”, nhưng chỉ vâng vâng, dạ dạ
mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu giả
hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi
ích và giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “Ai nghe và thực hành lời Chúa
giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “hãy làm theo lời Chúa chứ đừng nghe
suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải
đi đôi mới giá trị và có ích lợi, bởi vì nếu “đức tin không việc làm là
đức tin chết” (Gc 2, 17).
2. Lời hứa ban: Ban Chúa Thánh Thần và bình an đích
thật cho các môn đệ.
Chúa Giêsu ra
đi về với Chúa Cha sẽ làm cho các môn đệ hoang mang sợ hãi. Vì thế để chấn an
các ngài, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần là thần chân lý, là đấng bảo trợ…sẽ đến
và ở với các ông. Ngài sẽ nâng đỡ, hướng dẫn và ban sức mạnh để các môn đệ can
đảm sống và làm chứng nhân cho Chúa.
Chưa
bao giờ con người lại phải đối diện trước những lo âu, bối rối, sợ hãi và bất
an như ngày hôm nay. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… xảy ra hàng ngày trên
khắp cùng trái đất. Thất nghiệp, vật giá leo thang, trộm cắp… gia tăng đến mức
báo động. Ly dị, phá thai, bất trung, tệ nạn xã hội …không ngừng gia
tăng. Vì thế hơn lúc nào hết, con người ngày hôm nay luôn khao khát có được
cuộc sống bình an đích thực.
Để
chốn chạy nỗi lo sợ, buồn phiền, bất an, con người thường chỉ biết dựa vào của
cải vật chất để trấn an tâm hồn đấy bất an. Chẳng hạn như: Mua bảo
hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng, y tế…Hằng đêm mơ mộng để đánh con số đề, mua
tấm vé kiến thiết hy vọng bớt đi những lo âu về tiến bạc. Kẻ thì lao mình vào
rượu chè và những thú vui khác để tìm những phút giây thoải mái quên đi chuyện
đời. Người thì uống thuốc an thần để đi tìm giấc ngủ hy vọng quên đi những muộn
phiền. Kẻ dễ tin thì đi tìm thầy bói, thầy tướng, thầy số… để kiếm tìm hậu vận
cho tương lai. Người giàu có thì gởi tiền và vàng vào ngân hàng để được an tâm…
Nhưng tất cả những việc làm ấy chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu căn cơ và không
bền vững nên không thể đem lại nguồn bình an đích thực cho tâm hồn. Vì thế,
Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Sự bình an của Thầy. Thầy ban
cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).
Bình
an của Ngài không phải là thứ bình an bên ngoài, giả tạo. Nhưng là bình an bên
trong, nghĩa là không giống như sự yên ổn hay hòa bình, vì yên ổn hay hòa bình
là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.
Bình
an là tình trạng tâm hồn đang tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân.
Bình
an của Chúa là bình an khi có Chúa làm chủ đời sống mình, luôn tin tưởng, phó
thác và vâng theo ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Bình
an của Chúa là có một tâm hồn trong sạch, được giao hòa với Chúa và anh em.
Bình
an của Chúa ban tặng còn được hiểu là bình an với anh em mình. Sống hoà thuận
với nhau, không thấy mình có điều gì làm phiền lòng anh em và thấy anh em không
có điều gì làm phiền lòng mình.
Chỉ
có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là
thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhờ thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa
Cha nên Ngài luôn thấy bình an ngay khi kẻ thù đang đến gần và sắp giết chết
Ngài.
Xin
Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu
mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa
làm gia nghiệp đời ta. Làm được như thế chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và
xứng danh là con cái đích thực của Chúa và nhờ đó ta mới xứng đáng đón nhận sự bình an đích
thực của Chúa ban tặng.
Thứ hai: Cv
16, 11-15; Ga 15, 26-16, 4
Tin mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại những lời trăn trối đầy yêu
thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài rời xa các ông để bước
vào cuộc khổ nạn, chịu chết, sống lại và lên trời.
Đoạn tin mừng hôm nay ghi lại hai lời trăn trối rất quan trọng mà
Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ:
1. Hứa ban
Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Để động viên và an ủi các môn đệ trong tình cảnh đau buồn của kẻ ở
người đi, Ngài hứa sẽ không bỏ rơi các môn đệ như những đứa con mồ côi, mà Ngài
sẽ ban cho các ông một Đấng Phù Trợ khác, cũng là Thần Chân Lý đến ở với các
ông luôn mãi, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và bảo trợ
các ông trong sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa sau này.
2. Nhắc nhở
các ông về sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa.
Vì các tông đồ là những người “đã ở với Chúa Giêsu từ ban đầu”, nên
lời chứng của các tông đồ có giá trị, dễ thuyết phục người nghe. Tuy nhiên để
khỏi bị vấp ngã trong sứ vụ sau này, Chúa cũng báo trước cho các môn đệ biết, sẽ
gặp nhiều khó khăn và thử thách, bởi sự chống đối của người đời vì họ không hiểu
và không nhận biết Chúa Cha và Ngài: “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường.
Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa; và vì họ không
biết Cha, cũng không biết Thầy.” Nhưng hãy an tâm thi hành sứ mạng, vì có Chúa
Thánh Thần là Đấng Phù Trợ và là Thần Chân Lý luôn ở bên bảo vệ, che chở và hướng
dẫn các ông.
3. Vai trò phù
trợ của Chúa Thánh Thần được minh chứng
cách cụ thể qua trình thuật hoạt động truyền giáo của tông đồ Phaolô trong bài
đọc 1 hôm nay.
Sách Cvtđ ghi nhận, cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của Phaolô
đang lúc bị trắc trở vì CTT ngăn cản không cho ông đi xuống phía nam và cũng
không cho ngài đi lên bắc nên buộc ngài phải rẽ sang hướng tây, xuống tàu để
vào vùng đất Châu Âu. Để giúp cho Phaolô khỏi phải bỡ ngỡ không biết đi đến đâu
để truyền giáo, Chúa Thánh Thần đã đưa dẫn một chàng thanh niên Macêđônia đến với
Phaolô và mời gọi ngài đến Philipphê mà rao giảng (các nhà nghiên cứu cho rằng
chàng thanh niên Macêđônia đó là thầy thuốc Luca, bởi vì kể từ lúc ấy, trình
thuật của sách Cvtđ chuyển sang dùng đại danh từ “chúng ta” một cách bất ngờ).
Phái đoàn truyền giáo bấy giờ gồm 4 người: Xila, Timôthê, Luca và
Phaolô đến thành Philipphê là trung tâm của tỉnh Macêđônia, thuộc quyền cai trị
của chính quyền Rôma, có thể nói đây là địa điểm đầu tiên thuộc vùng đất Châu
Âu. Tại đây Chúa Thánh Thần lại tiếp tục an bài cho Phaolô gặp được “một bà tên
là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa”, bà sẵn sàng mở lòng
để đòn nhận lời rao giảng của Phaolô và đã chịu phép rửa cùng với những người
trong gia đình bà. Bà cũng là người hiếu khách nên đã nài xin Phaolô cùng đoàn
truyền giáo đến ở nhà bà mà thi hành sứ vụ: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên
tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi.”. Nhờ vậy mà Phaolô có điều kiện
để nhanh chóng thành lập cộng đoàn tín hữu tại Philipphê. Đây được xem là cộng
đoàn tiên khởi bên vùng đất Châu Âu.
Sứ mạng làm chứng
nhân cho Chúa là bổn phận và trách nhiệm của mỗi tín hữu chúng ta. Nhưng để làm
chứng có kết quả tốt ngoài việc nhiệt tình hết lòng với sứ vụ, ta còn phải cần
phải biết khiêm tốn lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của
nhiều người với niềm tin tưởng, phó thác vào sự an bài của Chúa.
Suy niệm 2:
Phúc âm tuần
này, cách cụ thể hôm nay đề cao vai trò của CTT trong sứ mạng làm chứng cho
Chúa Kitô. Ngài là Đấng Phù Trợ và là Thần Chân Lý nên Ngài sẽ hướng dẫn và
nâng đỡ cho các môn đệ thực thi sứ mạng làm chứng cách có hiệu quả nhất. Sứ mạng
làm chứng hay loan báo tin mừng cũng là nhiệm vụ Chúa trao ban cho mỗi người
kitô hữu chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin CTT hướng dẫn và trợ giúp ta thi
hành thật tốt sứ mạng quan trọng này.
Lịch sử của GH trãi qua hơn 2000 năm cho thấy, việc loan báo tin mừng
lúc nào cũng gặp phải những khó khăn, chống đối. Có những chống đối đến từ bên
ngoài nhưng cũng có những khó khăn xuất phát từ bên trong GH. Tuy nhiên không
vì thế mà GH chùn bước và bỏ cuộc. Kinh nghiệm giúp chúng ta hiểu rằng, để làm
tốt sứ mạng này, ta cần phải lưu tâm đến những điều do Chúa Giêsu chỉ dạy:
- Lưu tâm đến vai trò quan trọng của CTT, bởi “Ngài là Đấng Phù Trợ
và là Thần Chân Lý bởi Cha mà ra”, Ngài sẽ hướng dẫn, bảo vệ và bên đỡ chúng ta
trong mọi hoàn cảnh. Vì thế mà chúng ta cần phải luôn cầu xin và nghe theo sự
hướng dẫn khôn ngoan của CTT.
- Phải tích cực làm chứng nhân cho Chúa trong nhẫn nại và kiên
trì, bằng lời nói và việc làm cụ thể. Đức thánh Gíao Hoàng Phaolô VI nói: “Người
thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy
là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
Chính thánh Phêrô cũng đã mời gọi các tín hữu đang sống trong hoàn
cảnh chịu bách hại:“hãy can đảm trả lời mọi chấp vấn cho những ai thù ghét mình
với giọng điệu hiền hòa và lòng kính trọng. Nhất là phải luôn sống tốt lành
ngay chính theo lương tâm hướng dẫn. Được như vậy mới làm cho những kẻ thù ghét
và bách hại mình phải xấu hổ vì đã đối xử không tốt với chúng ta.” (x. 1 Pr
3,15-18).
Nguyện xin CTT
nâng đỡ, hướng dẫn và thúc giục chúng ta nỗ lực thi hành sứ mạng làm chứng cho
Chúa trong mọi hoàn cảnh, với mong muốn danh thánh của Chúa được mọi người biết
đến và tin nhận. Amen.
Thứ ba: Cv 16,
22-34; Ga 16, 5b-11
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho các môn đệ biết vai trò
và sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Ngài là Thần Chân Lý nên Ngài sẽ vạch ra cho thế
gian thấy được những sai lầm của họ. Chúa Thánh Thần đến sẽ chứng minh cho thế
gian nhận ra ba thứ sai lầm:
1. “Về tội lỗi”: đối với người Do Thái xưa, đó là tội đã không tin vào Đức Giêsu
là Đấng Cứu Thế, nên họ đã không nghe và sống theo giáo huấn Người hướng dẫn.
Còn đối với chúng ta ngày nay, mặc dầu chúng ta tin Chúa, nhưng vì kiêu căng
chúng ta lại thích làm theo ý riêng mình hơn là sống theo ý muốn của Chúa. Từ
đó đưa dẫn chúng ta đi vào con đường lầm lạc, tội lỗi. Chúa Thánh Thần sẽ cho
chúng ta nhận ra điều đó.
2. “Về sự công
chính”: đối với người Do Thái, vì không nhìn nhận
Chúa Giêsu là Đấng Công Chính nên họ đã lên án và giết chết Ngài. Đối với chúng
ta ngày nay, do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tương đối nên chúng ta dễ dàng bóp méo
hình ảnh về một Thiên Chúa chân thật. Hơn nữa, do bị ảnh hưởng bởi giới tục
hóa, nên con người thời nay dễ dàng bị chủ nghĩa vô thần, tiền bạc, khoái lạc
cuốn trôi. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định: “Tội lớn nhất
hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi.”.
3. “Về việc
xét xử”: ngày xưa Thượng Hội đồng Do Thái đã xử
án tử Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái đã đồng tình với bản án ấy, bởi vì được
xử không chỉ bởi phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà còn là giám đốc thẩm, một cơ
quan có thẩm quyền cao nhất. Tuy nhiên sau cái chết và sự phục sinh của Chúa
Giêsu, họ mới nhận ra đó là bản án sự sai lầm vì không dựa vào công lý mà lại dựa
trên dư luận và hận thù. Chúng ta ngày nay nhiều khi cũng dựa vào dư luận và cảm
tính nên có cái nhìn không đúng về người khác dẫn đến những sai lạc tai hại.
Đoạn sách Cvtđ hôm nay cũng cho biết, do thánh Phaolô trục xuất thần
Ốp ra khỏi người đầy tớ gái, đụng chạm đến túi tiền của chủ cô ta, vì từ nay cô
ta không còn khả năng bói toán làm lợi cho người chủ này nữa, nên họ đã túm lấy
Phaolô và Xila, lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức trách mà tố cáo
Phaolô và Xila là người Do Thái đã gây xáo trộn trong thành phố, vì đã truyền
bá những tập tục chống lại người Rôma. Nên cả đám đông chống đối hai ông, các
quan tòa thì tức giận ra lệnh đánh đòn Phaolô và Xila nhừ tử rồi nhốt hai ông
vào trong ngục, giao người canh giữ cẩn thận. Dầu vậy, Phalô và Xila luôn tin
tưởng vào sự quan phòng của Chúa, nên hai ông vẫn lạc quan ca hát và cầu nguyện.
Với vai trò bảo trợ, CTT đã ra tay giải thoát hai ông thoát khỏi xiềng xích và
nhà tù cách lạ lùng, Ngài còn cảm hóa cả viên cai ngục và cả gia đình ông tin
theo Chúa Giêsu, với niềm hy vọng vào ơn cứu độ, nhờ lời giảng dạy của Phaolô.
Hơn hết, CTT còn soi sáng cho quan tòa nhận ra sự sai lầm của mình nên ông đã
xin lỗi Phaolô và Xila rồi ra lệnh thả hai ngài. Phaolô trở lại nhà bà Lyđia để
thăm và khuyên nhủ các tín hữu. Sau đó ngài rời Philipphê để đến Thêxalônia.
Xin cho chúng
ta luôn biết tin tưởng phó thác vào sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Nhất là cho chúng ta luôn biết khiêm tốn nhận ra những lầm lỗi, yếu đuối của
mình và can đảm sửa đổi đời sống cho ngày càng hoàn thiện hơn.
Suy niệm 2:
Chúa Giêsu biết sự ra đi của Ngài về với Chúa Cha sẽ để lại một
khoản trống rất lớn đối với các môn đệ, khiến cho các ông phải u sầu vì không
còn được Thầy ở bên, mặt giáp mặt, theo nghĩa hữu hình. Biết được điều đó nên
Người đã chấn an các môn đệ và hứa ban CTT đến ở với các ông. CTT là Đấng Phù
Trợ nên Ngài có vai trò bên vực và bảo vệ các môn đệ, qua việc “chứng minh rằng
thế gian sai lầm” ở ba điểm:
- Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”, vì họ đã không tin vào Đức
Giêsu là đấng cứu độ.
- Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”, vì không tin nhận Người đến
từ Chúa Cha và những lời giảng dạy của Người là chân lý.
- Sai lầm thứ ba là “về án phạt”, vì thủ lãnh thế gian này đã bị
xét xử. Cho thấy uy quyền TC nơi Đức Giêsu và hậu quả của việc chống đối Người.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được những bài học này
là mỗi người chúng ta, cần phải khiêm tốn nhìn nhận về mình còn nhiều sai sót lỗi
lầm, bởi vì không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta luôn cần phải nhờ ơn Chúa Thánh
Thần soi sáng hướng dẫn, ta mới thấy rõ và thấy đúng được những lầm lạc của
mình. Việc nhận ra những sai lầm là điều rất cần thiết và rất hữu ích để chúng
ta kịp thời chấn chỉnh lại đời sống mà thăng tiến bản thân cho phù hợp thánh ý
TC.
Lạy Chúa Thánh
Thần, Ngài đang hiện diện từng giây phút trong đời sống chúng con. Thế mà, lắm
lúc chúng con đã quên mất sự hiện diện của Ngài. Tuy nhiên, chúng con biết Chúa
vẫn rất yêu thương chúng con, Ngài không rời bỏ chúng con ngay cả lúc chúng con
lãng quên Ngài. Chúng con thật lòng xin lỗi Chúa và xin Chúa tiếp tục ban ơn
soi sáng, để chúng con nhận ra những sai lầm, yếu đuối, tội lỗi của mình mà chấn
chỉnh lại đời sống cho đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Thứ tư: Cv 17, 15. 22-18,1; Ga 16, 12-15
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay tiếp tục đề cập đến vài trò và sứ mạng của CTT.
Ngài có vai trò tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, giúp các môn đệ cũng như chúng
ta nhận ra được sự thật toàn vẹn. Xin cho chúng ta biết mở lòng đón nhận CTT
vào trong tâm hồn để Ngài hướng dẫn chúng ta đến với thật toàn vẹn.
Trong suốt 3 năm theo Chúa Giêsu bôn ba trên khắp mọi nẻo đường
Palestina để rao giảng tin mừng, các môn đệ đã nghe biết bao lời giáo huấn của
Chúa Giêsu và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm, thế nhưng lúc ấy các ông
không hiểu hay không hiểu hết chân lý do Chúa Giêsu truyền dạy. Nên có lần các
ông thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).
Mãi đến khi Chúa Giêsu sắp về cùng Chúa Cha, vậy mà các ông vẫn
không hiểu hết những lời giảng dạy của Ngài. Dầu vậy Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn
chấp nhận sự giới hạn của các ông với hy vọng thời gian và nhờ ơn sủng của CTT,
các ông sẽ hiểu được những lời Ngài giảng dạy.
Qủa thật, trước đây có nhiều điều các môn đệ không hiểu nỗi, nhưng
sau khi đón nhận CTT trong ngày lễ ngũ tuần, các môn đệ đã thay đổi cách lạ
lùng. Các ngài đã nhận ra chân lý của tin mừng nên đã sẵn sàng sống chết để làm
chứng cho chân lý đã tin nhận.
Con người chúng ta hay kiêu căng tự mãn cho rằng mình hiểu biết tất
cả, nhưng thật ra chúng ta rất giới hạn, chỉ biết ra một phần của sự thật. Bầu
trời thì bao la, kiến thức thì mênh mong như đại dương, ta làm sao hiểu hết được
mọi lãnh vực trong đời sống; nhất là những chân lý mầu nhiệm làm sao ta có thể
suy thấu nếu không được sự hướng dẫn và soi sáng của CTT.
Vậy xin Chúa
Thánh Thần thanh luyện tâm hồn ta nên trinh trong, để lương tâm ta luôn trong
sáng, ngỏ hầu ta có thể dễ dàng nghe được tiếng nói của CTT nơi tâm hồn chúng
ta mà, nhận ra chân lý toàn vẹn do Chúa Giêsu giảng dạy. Amen.
Suy niệm 2:
Cả cuộc đời của Đức Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về Thiên Chúa,
về kế hoạch và đường lối cứu độ của Ngài, nhưng không phải tất cả những gì Đức Giêsu
nói và những việc Đức Giêsu làm được các môn đệ hiểu, để đến với sự thật toàn vẹn.
Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay đã khẳng định với các môn đệ: “Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.
Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.” Như thế, để hiều tất cả những gì Đức Giêsu giảng
dạy cách toàn vẹn, các môn đệ cần đến sự soi sáng và hướng dẫn của Thánh Thần.
Vì thế, trước khi đi vào cuộc thương khó, chịu chết, sống lại và
đi về nhà Cha, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ về Thần Khí sự thật, về vai trò
của Người trong việc mạc khải. Các môn đệ sẽ hiểu hết tất cả những gì Đức Giêsu
mạc khải, và nhất là sẽ đến được với chân lý toàn vẹn nhờ Thần Khí sự thật. Quả
vậy, đúng như lời Đức Giêsu nói, Thần Khí sự thật được ban xuống bởi Đức Giêsu
từ Chúa Cha cho các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Nhờ sự xuất hiện của Thần Khí sự thật, không những các môn đệ đã
hiểu, đã đến được với chân lý toàn vẹn, mà các ngài còn đủ khôn ngoan, can đảm
và sức mạnh để rao giảng và làm chứng cho tin mừng của Chúa.
Sách Cv kể rằng, lần đầu tiên Phêrô rao giảng sau khi lãnh nhận
Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, đã có hơn 3000 người xin lãnh nhận phép rửa.
Những lời rao giảng của các ông vừa khôn ngoan, vừa mạnh mẽ, vượt
lên trên khả năng tự nhiên của các ông. Phêrô chỉ là người làm nghề chài lưới,
Matthêu là người thu thuế,... vậy mà rao giảng, viết sách y như một nhà thông
thái. Làm được những việc lớn lao cả thể ấy, không phải do sức riêng, nhưng do
Thánh Thần.
Đức Giêsu là mạc
khải tròn đầy của Thiên Chúa, nhưng mạc khải ấy chỉ được hiểu đầy đủ, trọn vẹn
nhờ Thần Khí sự thật được ban xuống theo đúng lời hứa của Đức Giêsu. Xin cho mỗi
tâm hồn tín hữu Chúa luôn mở ra và được đổ đầy Thần Khí sự thật, để ai nấy đều
hiểu được mạc khải của Đức Giêsu và nhất là được Đức Giêsu dẫn đến với sự thật
toàn vẹn. Amen.
Thứ năm: Cv
18, 1-8; Ga 16, 16-20
Tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những vui buồn trong đời sống. Niềm vui
và nỗi buồn là lẽ thường tình trong cuộc sống bất tất trong cuộc đời này, nên
ta cần phải bình tỉnh đón nhận trong niềm hy vọng và phó thác vào tình thương
và quyền năng của Chúa.
Xin Chúa cho
chúng ta đừng bao giờ thất vọng khi gặp đau buồn và cũng đừng phá phấn khích
khi gặp được niềm vui, nhưng luôn biết giữ được sự quân bình trong mọi hoàn cảnh
của đời sống với lòng tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Chúa Giêsu phục
sinh luôn ở cùng chúng ta.
Chúa Giêsu biết rằng sự ra đi về với Chúa Cha sẽ làm cho các môn đệ
đau buồn vì không thấy Ngài, Tuy nhiên nỗi buồn ấy sẽ biến thành niềm vui vì
Ngài về cùng Chúa Cha và sẽ bảo vệ, nâng đỡ, hỗ trợ các môn đệ tích cực hơn. Nhất
là mở ra một tương lai sáng ngời cho niềm hy vọng vào sự sống mai sau.
Trong thế gian này, không ai tránh khỏi những vui buồn. Tuy nhiên
có những niềm vui chóng vánh, sau đó để lại nỗi buồn vô hạn bởi đó chỉ là niềm
vui của thế gian. Nhưng có những nỗi buồn khiến ta tê tái lòng nhưng chưa hẳn
là tăm tối, vì phía bên kia đường hầm tăm tối là ánh sáng rạng ngời của niềm
vui.
Chúa Giêsu cũng từng trãi qua những đau buồn tột cùng của kiếp người
nhưng với niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương Chúa Cha nên
Ngài đã đón nhận với thái độ an nhiên và niềm hy vọng vào sự phục sinh và mang
đến ơn cứu độ cho nhân loại.
Vì thế ta đừng quá phấn khích khi có được niềm vui chóng qua của
thế gian, vì thường sau khi lao vào những cuộc vui ấy, ta dễ dàng đánh mất
chính mình, hậu quả tai hại là để lại nơi tâm hồn ta một sự trống vắng, bất an
và chán chường.
Xin cho chúng
ta biết đón nhận những đau buồn vốn xảy ra cách thường tình trong cuộc đời này.
Nhưng trong những lúc ấy xin cho chúng ta biết kiên nhẫn đón nhận với niềm tin
và hy vọng vào sức mạnh và tình thương của Chúa Giêsu Phục, tin rằng chúng ta sẽ
dễ dàng vượt qua vì “ơn Ta đủ cho con”. Nhờ đó mà nỗi buồn sẽ biến thành niềm
vui. Amen.
Thứ sáu: Cv
18, 9-18; Ga 16, 20-23a
Tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mẹ sắp sinh con để sánh ví với nỗi buồn-niềm
vui của người môn đệ Chúa nơi trần gian này.
Xin cho chúng
ta biết tích cực đón nhận những nghịch cảnh xảy ra trong đời với niềm tin tưởng
và hy vọng vào sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu Kitô.
Cuộc sống chúng ta có nhiều niềm vui, có những niềm vui chóng qua
nhưng cũng có những niềm vui lâu dài, bền vững.
Có những niềm vui đến từ vật chất, khiến lòng ta cảm thấy vui, vì
nó đáp ứng được những đòi hỏi ham muốn của thể xác. Nhưng niềm vui ấy chóng
qua.
Có những niềm vui đến từ những giá trị tinh thần, khiếm tâm hồn ta
cảm thấy hạnh phúc vì cảm nếm được những điều ngọt ngào và mới mẽ trong đời sống
phong phú này. Nhưng xét cho cùng niềm vui đến từ giá trị tinh thần rồi cũng
qua đi, bởi vì nó chỉ là niềm vui do thế gian ban tặng.
Có một thứ niềm vui tồn tại vĩnh viễn, niềm vui này không ai lấy mất
được. Đó là niềm vui trong Chúa mà Chúa Giêsu nói đến trong bài tin mừng hôm
nay.
Các thánh tử đạo cũng trãi qua những đau khổ và ngay cả hy sinh mạng
sống mình, nhưng các ngài cảm thấy chan chứa niềm vui dầu phải bước ra pháp trường
chịu chết. Bởi lẽ, các ngài có Chúa trong tâm hồn.
Dịch Covid-19 là kinh nghiệm cho chúng ta nhận ra điều ấy, đau khổ,
mất mác nhưng không làm ta mất đi niềm tin và hy vọng. Là người tín hữu ta luôn
tin rằng ánh sáng luôn chiếu tỏa phía sau con đường hầm tăm tối. Chúa có cách để
viết đường thẳng từ những đường cong.
Niềm vui mà Chúa Giêsu nói đến không phải là niềm vui gây ra đau
khổ cho bản thân và người khác; nỗi buồn của người môn đệ Chúa không phải là nỗi
buồn gặm nhắm con tim và gây ra đau khổ cho người khác, mà là nỗi buồn trong niềm
tin và hy vọng vào một tương lại tốt đẹp, tựa như người phụ nữ sắp sinh con với
niềm vui và hy vọng vào tương lại tuyệt đẹp chờ đợi phía trước khi biết được có
một sự sống chào dời.
Chúa Giêsu cũng đã trãi qua đau buồn nhưng nỗi buồn đó lại đem đến
niềm vui ơn cứu rỗi cho nhân loại sau cái chết và sự phục sinh của Người.
Chúng ta chỉ có niềm vui ấy khi chúng ta đi theo con đường Chúa
đi, nghe theo giáo huấn do Chúa chỉ dạy và sống với ơn thánh do Chúa thương
ban.
Thứ bảy: Cv
18, 23-28; Ga 16, 23b-28
Tin mừng hôm
nay Chúa Giêsu nói đến sự liên kết mật thiết giữa Chúa Cha và chúng ta, qua vai
trò trung gian của Ngài. Nên Ngài khuyên các môn đệ cũng như chúng ta hãy cầu
xin với Chúa Cha, nhân danh Ngài với lòng tin tưởng sẽ được Chúa Cha lắng nghe
và ban cho chúng ta có được niềm vui trọn vẹn.
Ý thức điều
đó, chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Cha nhờ danh Chúa Giêsu, đó là
sứ điệp được nhấn mạnh trong tin mừng hôm nay.
Ta có thể chia đoạn tin mừng hôm nay làm hai phần:
1. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy năng tưởng đến Chúa Cha mà
dâng lên Người những lời nguyện xin. Tuy nhiên những lời nguyện xin ấy phải được
hiệp nhất trong Ngài, tin chắc sẽ đẹp lòng Chúa Cha và sẽ được Chúa Cha lắng
nghe và nhận lời. Nhưng hình như các môn đệ ít năng tưởng đến Chúa Cha và ít
khi cầu xin với Người. Lời nhắc bảo này của Chúa Giêsu cũng nhằm đến chúng ta,
vì chúng ta cũng ít khi nhớ đến Chúa Cha để cầu xin với Người. Vậy chúng ta hãy
ghi nhớ điều Chúa Giêsu chỉ dạy, mà hiệp thông với Ngài trong lời cầu xin với
Chúa Cha.
2. Chúa Giêsu nói cho ta biết lý do tại sao Chúa Cha nhận lời cầu
xin của chúng ta.
- Bởi vì Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta con cái của Người:
“Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy”.
- Chúng ta được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng giá máu của Người, mà
Chúa Giêsu là con yêu dấu Chúa Cha “Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Nên khi nhân
danh Chúa Giêsu mà cầu xin là Chúa Cha sẽ nghe lời cầu xin của chúng ta.
- Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến thế gian và từ thế gian mà trở về
cùng với Chúa Cha “Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy
bỏ thế gian mà về cùng Cha”, từ đó mở đường cho chúng ta đến được với Chúa Cha.
Hơn nữa khi ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang nước trời, Chúa Giêsu sẽ
không quên chúng ta “Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn
chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì
các con cũng ở đó. (Ga 14, 3)
“Tựa như một thái tử sống trong một vương quốc thịnh vượng, hùng
cường, giàu sang, Thái Tử ấy có một vị vua cha rất nhân từ, bao dung và sẵn
lòng giúp đỡ con dân nghèo khổ. Thái Tử ấy đến thăm và sống với dân nghèo nên cảm
thương tìm mọi cách để cứu giúp họ. Nay Thái Tử ấy về lại với vua cha nên tha
thiết kêu gọi dân chúng gửi lời cầu xin vua cha, bởi Thái Tử tin chắc chắn vua
cha sẽ ban phúc cho họ nhờ nhân danh Thái Tử vì vua cha hài lòng về điều đó.”.
Đó cũng là điều
mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay. Vậy chúng ta cũng hãy tin tưởng cậy
dựa vào công nghiệp Chúa Giêsu mà năng cầu xin với Chúa Cha trong niềm tin tưởng
và yêu mến, tin chắc rằng Chúa Cha sẽ sẵn sàng ban cho chúng ta dồi dào ơn
phúc, để cuộc đời chúng ta có được niềm vui trọn vẹn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét