SUY NIỆM
LỜI CHÚA TUẦN VII PHỤC SINH
CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN NĂM C
Cv 1,1-11; Ep
1,17-23; Lc 24,46-51
Hôm nay cùng với Giáo Hội chúng ta long trọng mừng kính lễ Chúa thăng
thiên. Vậy thăng thiên là gì?
Theo wikipedia, thăng thiên có hai nghĩa:
1. Lên trời, bay lên trời. Ví dụ: Ngày ông táo thăng thiên.
2. Còn có nghĩa là đã chết. Ví dụ: Bà tôi đã thăng thiên rồi.
Như vậy Chúa Giêsu thăng thiên nghĩa là Ngài lên trời sau khi đã chết và
sống lại. Vì thế lễ thăng thiên được cử hành sau lễ Phục sinh 40
ngày (tính từ Chúa nhật Phục sinh). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu còn ở lại
với các môn đệ 40 ngày nữa, rồi Ngài mới lên trời, kết thúc sự hiện diện cách
hữu hình ở trần gian.
Trong 40 ngày sau khi sống lại ấy, Chúa Giêsu Phục sinh đã nhiều lần tỏ
mình ra cho các môn đệ, nhằm minh chứng Ngài đang sống (Cv 1, 3). Ngài đã hiện
ra với những người phụ nữ (Mt 28, 9-10), với các tông đồ và với hai môn đệ trên
đường Emmau (Lc 24, 11-43), với hơn 500 người khác (1 Cr 15, 6)… Trong những
ngày ấy, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ về nước Trời (Cv 1, 3). Ngài cũng đã
an ủi, khích lệ, trao ban Thánh Thần, bình an và sứ mạng loan báo Tin mừng cho
các ông. Sau đó, Ngài mới thăng thiên về thiêng đàng (Lc 24, 50-51; Cv 1,
9-11).
Kinh thánh cho biết sự kiện thăng thiên của Đức Giêsu chính là sự trở về
thiên đàng. Đức tin cũng dạy cho ta biết, thiêng đàng hay nước trời không
phải là nơi chốn mà là tình trạng hay trạng thái. Nên sự kiện Đức Giêsu thăng
thiên cho thấy từ đây Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nữa mà hiện diện
cách thiêng liêng, Ngài không còn bị sự chi phối bởi thế giới vật chất nên Ngài
không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Vì thế, cho dẫu Ngài đã
thăng thiên, nhưng Ngài vẫn hiện diện cách tích cực và nhiệm mầu với các môn đệ
và trong thế giới này.
Nhưng ta tự hỏi xem, sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên có ý nghĩa gì đối với
ta?
1. Báo hiệu sứ vụ cứu độ của Ngài ở trần gian đã kết thúc tốt đẹp. Tuy
nhiên ơn cứu độ ấy có đến được với mọi người hay không còn tùy thuộc rất nhiều
vào mỗi người chúng ta. Vì thế trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu đã trao ban sứ
vụ loan báo tin mừng lại cho các môn đệ, với ơn trợ giúp của Ngài, dưới sự
hướng dẫn của CTT.
2. Cho thấy sự vinh hiển thần tính của Đức Giêsu. Sự vinh hiển thần tính
của Ngài trước đây đã bị che khuất trong suốt khoảng thời gian 33 năm ở thế
gian, chỉ ngoại trừ lúc Ngài biến hình chốc lát trên núi Tabor (Mt 17,1-9).
3. Mang đến niềm hy vọng tương lai sáng ngời cho nhân loại chúng ta, bởi ta
tin rằng sau khi kết thúc cuộc sống này ở trần gian, chúng ta cũng sẽ được về
trời với Chúa. Và Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng vào sự sống vinh hiển cho
chúng ta mai sau, bởi vì Ngài đã chết, đã sống lại và lên trời trong vinh quang
mở ra con đường đến quê trời vinh hiển, nơi đó Ngài cũng đã chuẩn bị chỗ để đón
nhận chúng ta về với Người. (Ga 14, 2).
4. Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên và ngự bên hữu Chúa Cha trong nước trời
còn cho thấy Ngài là TC uy quyền, mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được
trao cho Ngài. Nên ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong bàn tay đầy
yêu thương và quyền năng của Ngài.
5. Khát
vọng được về trời là khát vọng lớn lao nhất của con người cách chung và của
người kitô hữu chúng ta cách riêng. Tuy nhiên để đạt được khát vọng sâu xa ấy,
ta cần phải tích cực thi hành sứ loan báo tin mừng hay làm chứng nhân cho Chúa.
Bởi đây là lệnh truyền tâm huyết cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về với Chúa
Cha. Sứ mạng ấy ngày xưa Chúa trao cho các môn đệ : “Anh em hãy đi
đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần”, nhưng nay sứ mạng ấy, Chúa lại trao ban cho mỗi người tín
hữu chúng ta, với lời hứa có Chúa ở cùng, nhờ sự hướng dẫn tích cực của Chúa
Thánh Thần.
Chúa
Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại ở trần
gian. Xin cho chúng ta biết ý thức về bổn phận và sứ mạng của mình do Chúa giao
phó mà nỗ lực chu toàn với niềm hy vọng vào hạnh phúc vinh hiển mai sau trong
nhà Cha trên trời. Amen.
Thứ hai: Ga 16, 29-33
Tin mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại chân tình giữa Chúa Giêsu với các
môn đệ trong một bố cảnh hết sức đặc biệt, trước khi Chúa Giêsu rời khỏi các
môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên trong bầu khí trầm buồn, ngậm ngùi
này lại loé lên tia sáng của niềm vui, hy vọng và tin tưởng.
- Vui là bởi vì các môn đệ đã hiểu rõ về Thầy mình chính là Đấng bởi Thiên
Chúa mà đến. Các ông nói rằng:“Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi
sự…Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”.
- Hy vọng, vì cho dù các môn đệ sẽ sợ hãi chạy trốn bỏ Thầy một mình trong
cuộc khổ nạn, “các con sẽ tản mác mỗi người một ngả và bỏ mặt Thầy một
mình”, nhưng Chúa Cha hằng ở với Thầy nên Thầy sẽ không cô đơn.
- Tin tưởng, bởi vì cho dẫu nhiều gian lao, thử thách và bách hại sẽ xảy
đến với các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu chấn an các môn đệ hãy an tâm vì có Ngài
hằng ở cùng các ông. Và mời gọi các ông hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài “vì
Thầy đã thắng thế gian” .
Nước mắt và nụ cười, đau khổ và hạnh phúc là những sợi chỉ đa sắc màu được
đan dệt chặt chẽ vào nhau, làm nên tấm thảm của cuộc đời. Bao giờ còn sống giữa
thế gian thì còn giới hạn và bất toàn. Chính điều đó đã khiến con người cảm
thấy đau khổ.
Có những đau khổ vốn từ bản chất, vì ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ; tuy nhiên
cũng có những đau khổ do chính mình, hay do người khác hoặc bởi hoàn cảnh gây
nên. Nhưng nếu ngồi đó mà nguyền rủa, chắc chắn cũng không tránh được. Bóng tối
sẽ không tan biến nếu chúng ta không thắp lên ánh sáng. Ánh sáng của niềm tin,
hy vọng và phó thác trọn vẹn vào tình yêu và uy quyền nơi Chúa Giêsu phục sinh.
Cuộc đời chúng ta sẽ bình an khi đối mặt với những thử thách và đau khổ nếu
chúng ta biết đặt trọn niềm tin, hy vọng và phó thác vào Chúa Phục sinh. Bởi
Chúa Giêsu chỉ phục sinh vinh quang sau khi đã trãi qua thập giá với niềm tin
tưởng và phó thác hoàn toàn vào thánh ý Chúa Cha.
Thứ ba: Ga 17,1-11a
Tin mừng hôm nay ghi lại những lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu. Đây
được gọi là lời cầu nguyện hiến tế. Bởi lẽ lời cầu nguyện này quy hướng về Chúa
Cha để dâng hiến đời mình; và cũng hướng về các môn đệ những người còn ở lại
thế gian, hầu xin ơn giải thoát cho họ khỏi quyền lực của thế gian, để họ thuộc
trọn về Chúa.
- Hướng về Chúa Cha, Chúa Giêsu làm tất cả những gì có thể với ý hướng để danh Cha cả sáng.
Chúa Giêsu xác tín về nguồn gốc và bản chất đích thực của Ngài là bởi từ Chúa
Cha mà đến và vốn Ngài là Đấng vinh hiển. Nên những lời nói, việc làm và đời
sống của Ngài chính là của Chúa Cha. Nơi Ngài khuôn mặt đích thực của Chúa Cha
được tỏa hiện trong thế gian này, "ai thấy Thầy là Thấy Cha" (Ga
14, 9).
- Hướng về những người tin nhận Chúa, những người còn ở lại thế gian. Mà sống trong thế
gian, họ sẽ phải đối diện với bao nhiêu là thử thách, phải chiến đấu khắc
nghiệt giữa bóng tối và ánh sáng, giữa điều thiện và điều ác, giữa ý Chúa hay ý
mình... Nếu không được Cha ban ơn và không thuộc trọn vẹn trong Cha, họ khó mà
chống đỡ. Chính thánh Phaolô đã cảm nhận điều này: “ Sự
thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ
làm.” (Rm 7,19). “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này. Tạ
ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 24-25).
Lời nguyện hiến tế và hy lễ dâng hiến ngày nay luôn được Chúa Giêsu thực
hiện mỗi ngày trên bàn thờ trong mỗi thánh lễ, nhằm nhắc nhở chúng ta về hy tế
tình yêu vĩ đại mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong sự vâng phục và dành cho
con người bằng tình yêu cao quý qua cái chết đau thương trên thập giá. Với tình
yêu hy hiến ấy, Chúa Giêsu đã kết nối con người lại với Thiên Chúa để tất cả
được hiệp nhất trong Chúa Cha, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng khỏi những mưu
chước cám dỗ của Satan.
* LỄ KÍNH ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉTH
Xp 3,14-18a (Rm 12,9-16b); Lc 1,39-56
Sự kiện Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth để lại
cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.
1. Bài học từ bỏ và hy sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm viếng bà chị họ Elizebeth là
Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
- Bỏ mái
ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện
nghi tối thiểu.
- Bỏ lại những công việc gia
đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
- Bỏ những bận tâm lo lắng cho bản
thân và gia đình mình.
Từ bỏ những gì quen thuộc với mình
là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ thì không thể lên đường.
Sự cất bước lên lên đường của Đức
Maria cần phải hy sinh.
- Hy sinh chổ ở thân quen, chổ nằm
êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách giường xiêu.
- Hy sinh mang lấy hành trang nặng
nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc lòng mang dạ chữa.
- Hy sinh chịu gian lao thử thách
để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt với bao là hiểm
trở, đói khát dọc đường.
Đến với những nơi phồn hoa phố
thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những đại gia, được đón tiếp
nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị đã là một hy sinh;
huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong ngôi nhà nghèo nàn
như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa đến viếng thăm gia
đình của Giacaria chẳng được phục vụ chu đáo, trái lại Đức Maria còn phải lo
lắng chăm sóc cho bà chủ nhà trong lúc sắp sinh nở quả là một hy sinh lớn lao.
Nhưng điều mà con người không muốn
ấy, thì Đức Maria lại thực hiện cách vội vàng "vội vả lên
đường".
Động lực nào đã thúc đẩy Đức Maria
ra đi thăm viếng bà Elizabeth? Nếu không phải là động lực của tình yêu. Chính
tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra
đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong lúc khó khăn. Chính tình yêu
thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui vì đang cưu mang Đấng Cứu
Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người chị họ và cho gia đình
Giacaria. Vui vì "có Chúa ở cùng".
2. Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ
còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ,
không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày mà là suốt 3 tháng.
Ở lại không phải để được phục vụ, để sống trong cảnh
nệm êm chăn ấm nhưng để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong
lúc tuổi già. Đức Maria "đến để phục vụ chứ không phải được phục
vụ".
Ngày nay, thời đại văn minh, tiến bộ con người không
còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau bằng một
cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Emai, họa hiếm lắm người ta mới đến với nhau
với tính cách xã giao, hời hợt.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, vất vả
nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều rất quý. Nhất là thăm viếng mục
vụ lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng
là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất
hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy
cơ rạn vỡ; thăm viếng những gia đình ngụi lạnh trong đạo thánh để hâm nóng lại
tình yêu Chúa, cần thiết lắm thay! Thăm viếng những gia đình nghèo khổ, những
bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên và cũng cố đức tin là nhiệm vụ
hết sức quan trọng của đời kitô hữu....
Dĩ nhiên để làm được điều đó cần phải "có
Chúa ở cùng", nhất là dám chấp nhận hy sinh từ bỏ, cũng như ý thức
sống tinh thần phục vụ yêu thương chân thành theo gương Mẹ Maria. Xin Mẹ thương
giúp chúng con!
Thứ tư: Ga 17, 11b-19
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những ngày dài chiến đấu. Nhưng có lẽ chiến đấu với ba thứ: mà quỷ, thế gian và xác thịt là khó khăn nhất. Vậy cách thức hay vũ khí nào chúng ta cần trang bị để chiến đấu và chiến thắng ba thù?
Lời Chúa hôm nay sẽ hướng dẫn cho ta biết. Chúng ta hãy để tâm lắng nghe và thực hiện điều Chúa chỉ dạy!
Như một người cha trước lúc lìa đời trăn chối những
điều quan trọng và tâm quyết nhất cho con cái, thì Chúa Giêsu với tư cách là
Chúa và là Thầy của các môn đệ, trước khi lìa bỏ thế gian, Ngài cũng mong muốn
và cầu xin những điều tâm quyết nhất với Chúa Cha cho những môn đệ của Ngài.
- Lời tâm quyết thứ nhất mà Chúa Giêsu cầu xin cho các
môn đệ của Người là gìn giữ các môn đệ hiệp nhất nên một như Người với Chúa
Cha.
- Lời tâm quyết thứ hai mà Chúa Giêsu cầu xin cho các
môn đệ là khỏi hư mất. Vì theo ý định của Thiên Chúa là yêu thương cứu độ mọi
người.
Lý do mà Chúa Giệsu quan tâm đến những điều trên là vì
thế gian ghét các môn đệ, vì các ông không thuộc về thế gian, cũng như chính
Chúa Giêsu không thuộc về thế gian.
Nhưng làm sao các môn đệ vượt thắng được sự thù ghét
của thế gian và hiện thực hóa được những lời cầu xin của Chúa Giêsu? Thưa, qua
lời cầu nguyện, Chúa Giêsu cho biết các môn đệ phải sống theo Lời Chúa vì Lời
Chúa là chân lý. Sống theo chân lý là các môn đệ sẽ có đủ sức mạnh để vượt
thắng những quyến rủ của thế gian mà thuộc trọn về Chúa.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống theo lời Chúa chỉ
dạy để chúng con được hiệp nhất trong Chúa và nhờ sức mạnh của lời Chúa hướng
dẫn chúng ta đi đúng con đường mà Chúa Giêsu đã đi để không bị hư mất.
Thứ năm: Ga 17, 20-26
Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời cầu nguyện chân thành và tha
thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.
Lời cầu nguyện tha thiết này Chúa Giêsu hướng cách đặc biệt về những người
tin nhận Chúa, với mong muốn cho họ được hiệp nhất nên một. Bởi hiệp nhất chính
là sức mạnh; có hiệp nhất mới có niềm vui và bình an. Trái lại, sự chia rẽ làm
cho cuộc sống trở nên buồn bã, đau khổ và mất sức sống. Hiệp nhất trong cùng
một đức tin còn là dấu chứng khả tín nhất cho việc loan báo tin mừng.
Nhưng lời cầu xin của Chúa Giêsu hình như đã bị con người khướt từ bởi tính
kiêu căng, tự mãn. Do vậy mà trong GH đã từng xảy ra những cuộc sự chia rẽ đáng
tiếc, làm mất đi tinh thần hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm Chúa
Kitô. Chính những cuộc chia rẽ ấy đã gây nên những vết thương lòng đau đớn và
đã trở nên gương mù, gương xấu trong GH Chúa, nhất là làm mất đi tính khả tin
của Tin mừng tình yêu.
Ý thức điều đó, nên hàng năm GH luôn dành một tuần lễ để cầu nguyện cho sự
hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nhưng để cho Chúa nhậm lời ước nguyện hiệp nhất
ấy, trước hết mọi người Kitô hữu chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho mình có
được lòng khiêm tốn, bao dung để biết mở lòng đón nhận những khác biệt của
nhau; cũng như tích cực cộng tác với nhau thực hiện những giá trị căn bản mà
Chúa chỉ dạy, với tinh thần tôn trọng và lòng yêu mến chân thành.
Thứ sáu: Ga 21, 15-19
Lòng khiêm tốn và tình yêu, chính là điều kiện tiên quyết và quan trọng
nhất để chu toàn tốt nhiệm vụ Chúa trao. Đó là sứ điệp mà lời chúa hôm nay gửi
đến chúng ta.
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: trước khi trao phó sứ vụ quan trọng
làm đầu Hội Thánh cho Phêrô, Chúa Giêsu đã tế nhị tận dụng bầu khí cởi mở trong
một bữa ăn thân tình giữa Thầy và trò, để rồi tinh tế mời gọi Phêrô đảm
nhận vai trò quan trọng trong GH Chúa. Nhưng trước khi đặt Phêrô vào vị trí
chăn dắt đoàn chiên, Chúa Giêsu muốn ý thức Phêrô về 2 điều rất quan trọng cần
phải có trong vai trò lãnh đạo. Đó là lòng khiêm tốn và tình yêu mến.
Bằng cách đặt câu hỏi đến những 3 lần: “Simon, con ông Gioan,
con có yêu mến Thầy… không?”.
- Trước hết Chúa Giêsu như muốn Phêrô khẳng định Tình Yêu kiên vững và trọn
vẹn (kiềng 3 chân; tam tài) của mình dành cho Chúa và cho tha nhân. Bởi tình
yêu chính là động lực thúc đẩy con người dám hy sinh phục vụ cách vô vị
lợi.
- Thứ đến cũng là để nhắc nhớ Phêrô về 3 lần ông đã chối Thầy. Nhờ đó
ông ý thức được thân phận yếu đuối mõng giòn của mình có thể sa ngã bất
cứ lúc nào, nhờ đó mà khiêm tốn trước Chúa và mọi người trong sứ vụ lãnh đạo
đoàn chiên Chúa.
Một cách nào đó mỗi người chúng ta cũng được Chúa trao phó cho nhiệm vụ
lãnh đạo. Người lãnh đạo GH, người lãnh đạo cộng đoàn, người lãnh đạo gia đình
và mỗi người đều có bổn phận lãnh đạo chính bản thân mình. Do đó, Chúa cũng đòi
hỏi chúng ta phải luôn mang trong mình 2 đặc tính là khiêm tốn và tình yêu, nhờ
đó ta mới có thể chu toàn tốt trách nhiệm của mình.
Thứ bảy: Ga 21, 20-25
Mỗi người đều được Chúa Thánh Thần ban cho những đặc sủng khác
nhau. Thánh Phaolô diễn tả cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần rất đa dạng,
nhưng lại hài hòa với nhau tựa như các chi thể trong một thân thể.
Mỗi chi thể làm việc riêng nhưng đều hướng về lợi ích của toàn thân. Ngài
nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều
việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau,
nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra
nơi mỗi người một cách, là vì ích chung…… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm
ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của
Người”. (1Cr 12, 4-11).
GH được ví là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội và Giáo Hội là Thân
thể của Người (x. Cl 1,18 ; Ep 1,22 ; 4,15 ; 5,23). Nên mỗi người trong
GH đều có bổn phận xây dựng GH thân thể Chúa Kitô theo khả năng của mình trong
khiêm tốn. Đó là điều cần thiết không thể thiếu được như lời Thánh Phaolô nói:
"Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc
về thân thể, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.". Giả
như tai có nói: Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì
cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt,
thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng
Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Như
thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy anh em, anh em là thân thể
Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1Cr 12, 15-20).
Theo gương thánh Gioan ta có thể tích cực xây dựng GH Chúa bằng cách ghi
lại những cảm nhận sâu xa về tình yêu Chúa dành cho ta và tình yêu ta dành cho
Chúa qua những kinh nghiệm gặp gỡ thân tình với Chúa, và chia sẻ cảm nghiệm ấy
cho nhiều người. Chính nhờ cách thức ấy mà Tin mừng Tình yêu của Chúa được loan
báo cho mọi người, khắp mọi nơi và tồn tại mãi nơi Tin mừng của thánh Gioan.
Ta cũng có thể noi gương thánh Phêrô, xây dựng GH Chúa bằng cách can đảm
“theo Thầy” trên mọi nẻo đường của cuộc sống, cho dẫu gặp phải mọi gian lao,
thử thách ngay cả hy sinh mạng sống mình để minh chứng cho Tin mừng cứu độ bằng
một đức tin kiên vững trong vai trò là đầu Hội Thánh. Nhờ đó mà Hội Thánh Chúa
tồn tại vững mạnh và phát triển không ngừng.
Xin cho mỗi người chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt của nhau; biết mở
lòng tích cực cộng tác với người khác theo hết khả năng của mình trong tình
hiệp nhất. Nhờ đó mà GH Chúa ngày thêm vững mạnh và Tin mừng của Chúa được lan
tỏa đến mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét