SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVII
THƯỜNG NIÊN
Lm. Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN,
NĂM C
St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc
11, 1-13
Suy niệm 1: KINH LẠY CHA ĐỊNH HƯỚNG CHO
CUỘC SỐNG
Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu chỉ dạy các
môn đệ trong đoạn Tin mừng hôm nay, chính là định hướng quan trọng và đúng đắn
nhất cho mọi lời cầu nguyện dành cho những ai muốn sống tâm tình con thảo đối
với Chúa.
– Sống tình con thảo là không làm theo ý
mình, nhưng làm theo ý Cha và mong muốn mọi người cũng biết thi hành thánh ý
của Chúa Cha như ta vậy.
– Sống tâm tình con thảo là không mưu tìm
tư lợi cho riêng mình, nhưng mưu tìm vinh quang, danh dự và lợi ích cho Người
Cha của mình.
– Sống tâm tình con thảo là luôn biết sống
hiệp nhất với anh em bằng tinh thần bao dung, quảng đại, yêu thương tha thứ theo
mẫu gương của Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
– Sống tâm tình con thảo là luôn tin tưởng
và phó thác vào uy quyền của Cha mình. Do đó, điều quan trọng của người con
thảo không phải là quan tâm đến những nhu cầu vật chất cho bằng ưu tiên hàng
đầu là làm sao tìm kiếm thánh ý Cha để sống cho đẹp lòng Cha. Vì thế mà người
con ấy phải can đảm chối bỏ những lời mời gọi ngọt ngào của ma quỷ, thế gian và
xác thịt là những kẻ thù luôn chống đối và dẫn dắt ta đi ngược lại với đường
lối của Cha mình.
- Sống tinh thần con thảo còn là luôn biết gắn kết đời
mình vào Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong hoàn cảnh. Bởi người con ấy hiểu
rằng không ai yêu thương mình hơn chính người Cha tốt lành của mình.
Xin cho mỗi người trong gia đình
chúng ta biết sống tâm tình con thảo với Chúa là Cha; biết siêng năng quy tụ
bên nhau trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện sáng tối;biết khiêm tốn lắng nghe và
thực thi lời dạy của Chúa mà sống quảng đại, tha thứ và hy sinh phục vụ lẫn
nhau với lòng tín thác vào tình thương của Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
Nhờ đó, mà ta mới xứng đáng trở nên người con thảo của Chúa.
Suy niệm 2:
Cầu nguyện là một hành vi rất
quan trọng không thể thiếu đối với đời sống của các tôn giáo. Đối với người
công giáo cầu nguyện còn được gọi là hơi thở của linh hồn nữa. Nhưng phải cầu
nguyện như thế nào cho phù hợp với ý muốn của Chúa? Đó là điều mà phụng vụ lời
Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Vậy giờ đây, chúng ta hãy để tâm lắng nghe
lời Chúa dạy mà điều chỉnh lại cách cầu nguyện của mình, sao cho phù hợp với ý
muốn của Chúa.
Thông thường khi nói đến cầu
nguyện, đa số chúng ta đều nghĩ đến xin ơn nọ ơn kia, mà ít ai nghĩ rằng cầu
nguyện chính là cách để “làm vinh danh Chúa và làm công việc của Chúa”.
Cầu xin cho những nhu cầu về vật
chất là một điều cần, nhưng vẫn chưa đủ, vì còn mang nặng tính ích kỷ, chỉ nghĩ
đến bản thân mà không quan tâm gì đến ý muốn của Chúa. Vì thế mà Chúa Giêsu đã
chỉ dạy cho các Tông đồ cách thức cầu nguyện sao cho xứng hợp qua lời “Kinh Lạy
Cha”.
Khi phân tích lời Kinh Lạy Cha,
ta nhận thấy gồm có tất cả bảy điều nguyện xin, và được chia ra thành hai phần
rõ rệt:
1. Phần thứ nhất: Gồm ba điều nguyện ước qui
hướng về Chúa: Xin cho Thánh Danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết, mến
yêu mà tôn thờ (1); xin cho Nước Cha, tức là uy quyền thống trị của Chúa được
lan rộng khắp mọi nơi, nhất là nơi tâm hồn của mỗi người (2); xin cho Thánh Ý
Cha được mọi người trên thế giới tuân phục cách tuyệt đối, và được các Thánh ở
trên trời hằng vâng theo (3).
2. Phần thứ hai: Gồm bốn điều, đó là những
lời cầu xin về nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cho bản thân mình. Xin
cho lương thực hàng ngày dùng đủ để nuôi sự sống thể xác (1) ; xin Thiên Chúa
tha nợ (tội lỗi), cái nợ cái tội đã làm phiền lòng Chúa là Cha yêu
thương ta (2); xin Chúa đừng để chúng ta sa vào những mưu chước cám dỗ của ma
quỷ(3); và cứu giúp chúng ta khỏi mọi sự dữ, tai ương thường xuyên xảy ra ở
trần gian này (4).
Những lời nguyện xin ở trên đây
phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng những tâm tình tin cậy và yêu mến của người
con đối với Cha mình. Nên người cầu nguyện phải xem Thiên Chúa là Cha, một
người Cha trên hết mọi người Cha.
Sau khi dạy Kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu còn đặc biệt nhấn mạnh đến lòng kiên nhẫn phải có khi cầu
nguyện. Bởi kinh nghiệm xưa nay cho biết: muốn làm bất cứ việc gì, chúng
ta cũng phải kiên nhẫn và dầy công chịu khó. Người nông dân muốn có mùa gặt bội
thu, phải vất vả làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới, tưới phân, chăm sóc… hy
sinh như thế mới mong mùa thu hoạch đạt kết quả tốt đẹp.
Một học sinh muốn trở thành bác
sĩ, kỹ sư phải vất vả học tập, thức khuya dậy sớm miệt mài đèn sách, mới
có thể trở thành người có chuyên môn giỏi, giúp ích cho mình và cho đời.
Kiên trì là điều kiện cần thiết
cho mọi thành bại trong cuộc sống. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn
sẽ đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm
ngôn : "Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không
những chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực siêu nhiên
nữa.
Bài đọc 1 cho thấy: Khi cầu
nguyện, Abraham mặc cả với Chúa nhiều lần bằng cách hạ dần số người công chính
có trong thành Xơ-đôm tội lỗi, để xin Chúa tha phạt cho cả thành. Quả là có lợi
khi ông lý luận chẳng lẽ người công chính cũng bị vạ lây với hình phạt dành cho
người tội lỗi? Và cuối cùng nhờ biết “đôi co”, Thiên Chúa “đành chịu thua” sự
kiên trì của ông Abraham. Thế là ông và cả thành thoát nạn, bởi vì bản chất của
Thiên Chúa là Đấng "chậm bất bình và đầy lòng khoan dung".
Lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông
Maisen cũng vậy. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế; còn khi
ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân A-ma-lếch chiến thắng.
Thánh Phaolô trong thư gửi
Timôthêô cũng đã căn dặn phải kiên nhẫn, trung tín cầu nguyện và năng suy gẫm
lời Chúa trong Thánh Kinh.
Nổi bậc nhất là dụ ngôn người bạn
vay bánh giữa đêm khuya mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Cho
dẫu người bạn hàng xóm thức dậy và lấy bánh cho người bạn mình vay không vì
tình nghĩa, thì cũng ít ra cũng vì sự kiên nhẫn của người bạn này.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết được
giá trị cao quý của việc cầu nguyện là cần thiết cho đời sống chúng ta là thế
nào? nên Người đã tha thiết kêu mời chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện: “Anh
em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc
11, 9).
Cuộc trở lại của thánh Augustinô
là một ví dụ điển hình, nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ
là Monica. Phải mất gần 20 năm trời lời cầu xin, bà Mônica mới được Chúa
nhậm lời.
Xin cho chúng ta biết vâng nghe
lời dạy của Chúa mà siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện kiên trì với lòng tin
tưởng vào Chúa là người Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Tin chắc Ngài sẽ nhận
lời mà ban cho chúng ta những điều thiện hảo nhất, hơn cả những gì chúng ta cầu
xin. Amen.
Thứ hai: Mt 20,20-28
Kính Thánh Gia-cô-bê, tông đồ
Mừng kính Thánh Giacôbê tông đồ hôm nay, chúng ta cùng
nhau liệt kê vài nét chính liên quan đến con người của thánh nhân mà tin mừng
đã nói đến.
- Thánh Giacôbê là anh ruột của
thánh Gioan, quê ở làng Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê. Cha ngài là ông Dêbêđê
làm nghề chài lưới. Mẹ ngài là bà Salômê, một người phụ nữ đạo đức được nhắc
trong thánh kinh.
- Ngài là một trong 4 môn đệ đầu
tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài trên biển hồ Têbêria. Không ngần ngại do
dự, Giacôbê đã lập tức bỏ lại tất cả để đi theo Chúa.
- Trong số 12 tông đồ, ngài là
một trong ba môn đệ thân tín và gần gũi Chúa Giêsu nhất. Ngài được diễm phúc
chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabo, được chứng kiến Chúa phục sinh con gái
ông Gia-ia, được Chúa sai đi sửa soạn bữa tiệc cuối cùng; ngài cũng được hiện
diện cùng với Chúa trong vườn cây dầu và chứng kiến giây phút sợ hãi nhất của
Thầy Giêsu. Nhất là vinh dự được làm tông đồ đầu tiên hiến mạng sống để làm
chứng cho tin mừng.
- Nhắc đến tông đồ Giacôbê ai
trong chúng ta cũng đều nhớ đến hai tính xấu nổi bật nơi con người ông.
Thứ nhất: ông là một con người
nóng tính.
Một lần Chúa Giêsu cùng các môn
đệ lên Giêrusalem, vì phải đi ngang qua Samaria. Do đường xa nên Chúa Giêsu sai
ông cùng Gioan đi trước để chuẩn bị chỗ ở. Nhưng những người trong thành quyết
liệt từ chối không cho thầy trò nghỉ trọ. Lý do vì họ không ưa thích người Do
Thái. Tông đồ Giacôbê rất tức giận, nên khi trở lại gặp Chúa Giêsu, ông xin
Chúa khiến lữa từ trời xuống để thiêu đốt cả dân thành ấy. Nhưng Chúa
không làm theo ý của ông. Trái lại Ngài quở trách ông là "con của
sấm sét". Sau đó thầy trò sang đường khác tiếp tục cuộc hành trình.
Thứ hai ông là con người đam mê
quyền lực.
Mặc dù Giacôbê đã theo Chúa,
được Chúa dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang
nặng đam mê quyền lực.
Do đó đã có lần chính ông và
Gioan trực tiếp đến xin Chúa cho ngồi hai bên tả hữu trong nước của Chúa, ngay
sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Thật quá đáng!
Càng quá đáng hơn khi hai anh em
ông nhờ cậy chính người mẹ mình đi cửa sau để xin Chúa cho hai anh em ông được
ngồi vào hai chiếc ghế bên cạnh Chúa, một khi giang sơn thuộc về tay Chúa.
Với Chúa Giêsu phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài
giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và
Giáo Hội là việc tốt, nên làm.
Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu nhằm thống trị mọi
người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho
quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Nhưng càng đáng khiển trách hơn đối
với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành
công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… để tìm cách triệt hạ. Hạng
người ấy chỉ đáng là kẻ tiểu nhân.
Xin cho chúng ta biết dùng tính nóng của mình để không
nhằm làm điều xấu gây phương hại đến tha nhân, nhưng biết điều hướng tính nóng
ấy để xả thân làm những việc lành và loan báo tin mừng theo gương thánh Giacôbê
tông đồ .
Xin cho chúng ta cũng ý thức rằng: làm lớn không
phải là để thống trị hà khắc người khác, nhưng là để phục vụ vô vị lợi trong
tinh thần khiêm tốn. Nhất là đừng vì lòng ghen tị mà tìm mọi cách để hạ bệ hay
ngăn bước tiến anh em mình.
Thứ ba: Mt 13, 16-17
Kính thánh Gioakim và Anna
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Gioakim
và Anna song thân Đức Maria. Dù rằng chúng ta không biết gì về đời sống của hai
ngài. Nhưng với kinh nghiệm của cha ông ta: “Con nhà tông không giống lông cũng
giống cánh, hay “Cha nào con nấy”… Nhất là dưới ánh sáng lời Chúa
dạy: “Xem quả thì biết cây”, phần nào chúng ta nhận ra đôi
chút về đời sống của hai ngài qua Đức Maria, người con của hai ngài.
- Đức Maria sẽ không được mọi đời khen
ngợi là người phụ nữ diễm phúc nếu không được cảm nếm niềm hạnh phúc nơi thánh
Gioankim và Anna.
- Đức Maria sẽ không được chọn làm Mẹ Đấng
Cứu Thế nếu như tâm hồn Mẹ không được thánh Gioakim và Anna chuần bị xứng hợp.
- Đức Maria sẽ không có tinh thần âm thầm
hy sinh phục vụ nếu như không nhận thấy đời sống hy sinh phục vụ âm thầm của
cha mẹ người.
- Đức Maria sẽ không thể có được tinh thần
khiêm hạ, nghèo khó nếu như không được hấp thụ bởi gương sáng từ cha mẹ.
- Đức Maria sẽ không có được tinh thần
vâng phục thánh ý Thiên Chúa nếu như không được cha mẹ truyền thụ lại một nền
tảng đức tin vững chắc.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria
giúp cho gia đình chúng con biết noi gương gia đình thánh Gioakim và Anna, luôn
vâng nghe lời Chúa và Hội thánh; biết loại trừ tính hư tính xấu là cỏ lùng độc
hại ra khỏi đời sống, để những giá trị Tin mừng là lúa tốt được triển nở mạnh
mẻ nơi gia đình chúng con.
Xin cho các bật làm cha mẹ trở thành gương
sáng đời sống đức tin và yêu thương cho con cái như thánh Gioakim và Anna, nhằm
góp phần làm cho mảnh đất tâm hồn nơi con cái trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Thứ ba: Mt 13, 36-43
Với lời giải thích về dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa,
Chúa Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ biết về lòng từ bi và nhẫn nại của TC
dành cho những người tội lỗi; đồng thời qua đó cũng cho thấy trước số phận khác
biệt của người công chính và kẻ bất lương trong ngày sau hết. Ngày ấy “Người
công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Chúa”; còn kẻ bất
lương sẽ “bị tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở
đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Cảm nhận được lòng từ bi nhẫn nại của TC; và nhìn thấy
được sự công thẳng của Người trong ngày phán xét, phải là động lực mạnh mẽ thúc
đẩy mỗi người chúng ta quyết tâm sống tốt hơn, hầu xứng đáng với tình thương
của một vị Thiên Chúa “chậm bất bình và giàu lòng xót thương”(x. Xh
34,6), nên “Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó
ăn năn sám hối và được sống”(Ed 33, 11).
Mong rằng mỗi người trong chúng ta giữ được bản chất
tốt lành vốn có đã được Thiên Chúa gieo vãi vào trong mãnh đất tâm hồn ngay từ
thuở ban đầu.
Ước gì mỗi người chúng ta đều biết can đảm khước từ
mọi mầm móng của cỏ lùng do kè thù gieo vãi vào trong thế gian này để những hạt
lúa tốt có cơ may phát triển mạnh mẽ và trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành nơi
mỗi chúng ta.
Thứ tư: Mt 13, 44-46
Để mạc khải về những khía cạnh khác nhau của nước
trời, trong những ngày qua, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh cụ thể để
diễn đạt.
Tiếp tục về đề tài nước trời, Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu đề cập đến hai hình ảnh rất gần gũi, đó là kho
báu và viên ngọc quý để làm nổi bật giá trị tuyệt đối của nước
trời.
Bằng dụ ngôn người nông dân sẵn sàng bán đi tất cả gia
sản của mình mà tậu cho bằng được kho báu bị chôn giấu trong mảnh ruộng nọ; và
nhà buôn kia cũng chấp nhận đánh đổi mọi thứ ông có, mà mua lấy viên ngọc quý.
Qua đó, Chúa Giêsu như muốn nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tích cực lo tìm
kiếm và sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có, để mua lấy cho bằng được kho
tàng quý giá, vượt trên cả kho báu và viên ngọc quý trên trần gian này, đó là
Nước Trời. Bởi làm gì có kho tàng nào quý giá bền vững và an toàn cho bằng
nước trời, vì“nơi đó kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục
phá” (Lc 12, 33), nên rất đáng cho chúng ta đánh đổi mọi thứ mà mua
lấy.
Xin Chúa cho chúng ta biết khao khát tìm kiếm những
giá trị thuộc về nước trời và can đảm đánh đổi mọi thứ chóng qua đời này, ngay
cả phải hy sinh mạng sống mình để mua cho bằng được Nước Trời làm gia nghiệp
đời mình.
Thứ năm: Mt 13,47-53
Như một ưu ái cho những người sống vùng sông nước nhận ra mầu nhiệm nước
trời, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lại tiếp tục dùng dụ ngôn chiếc lưới thả
xuống biển bắt cá.
Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn nói về Nước Trời, được
Tin mừng Matthêu ghi lại ở chương 13. Sứ điệp của dụ ngôn này nhằm nhấn mạnh
đến số phận đời đời của mỗi người chúng ta trong ngày phán xét.
- Tựa như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt, xấu khác nhau, thì
trong xã hội và GH… cũng đều có những người tốt và kẻ xấu chung sống bên cạnh
nhau.
- Giống như cá bơi lội dưới nước sâu, ta không biết được đâu là cá tốt, đâu
là cá xấu, cho đến khi chiếc lưới được kéo lên bờ, thì ta mới phân biệt được rõ
ràng. Cũng vậy, sống trên thế gian này, ta không tài nào đánh giá được đâu là
người tốt, đâu là kẻ xấu. Nhưng đến ngày tận thế, ngày mà lưới trời chụp xuống
trên thế gian, lúc đó các Thiên Thần sẽ tách biệt ra, thì ta mới nhận ra đâu là
người lành và đâu là kẻ dữ.
- Cũng giống như số phận của những con cá được kéo lên bờ, cá xấu sẽ bị ném
ra ngoài; còn cá tốt thì được bỏ vào giỏ; thì số phận đời đời của mỗi chúng ta
trong ngày phán xét cũng vậy. Ngày đó, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lò lửa không hề
tắt. Ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng”. Còn người công chính sẽ được
Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời.
Nhưng làm thế nào để ngày phán xét, ta sẽ được vào hưởng vinh quang nước
trời? Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nói đến điều then chốt,
quyết định số phận của mỗi người trong ngày phán xét, đó là có biết học hỏi và
đem lời Chúa ra thực hành hay không. Việc hiểu lời Chúa và đem ra áp dụng vào
đời sống hiện tại cũng “giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho
tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Như thế thì học hỏi lời Chúa là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan
trọng nhất vẫn là đem lời Chúa ra thực hành, thì mới xứng đáng được Chúa ban
thưởng hạnh phúc nước trời.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria luôn biết để tâm lắng nghe lời
Chúa dạy và tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hiện tại nơi trần
gian này. Nhờ đó mà ta mới hy vọng được vào chung hưởng phần phúc vinh quang
cùng với các thánh và Mẹ Maria trong nước trời mai này.
Thứ sáu: Lc 10, 38-42
Nhớ Thánh Mác-ta
Tin mừng Luca hôm nay vẽ lên một bức tranh thật trong
sáng, hài hòa về chân dung của hai người thiếu nữ:
- Cô Martha nồng nhiệt đón rước Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà mình, rồi tất bật với công việc phục
vụ nhằm chuẩn bị cho một bữa ăn thật thịnh soạn để thết đãi
khách quý.
- Cô em, Maria thì ngược lại, rất
tế nhị và sâu lắng, ngồi im lặng bên chân Chúa để chăm chú lắng nghe từng lời giáo huấn của Chúa Giêsu.
+ Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng cả hai đều thể
hiện được nét đẹp của sự đón tiếp theo cách thế của người Á đông: hiếu khách,
tận tâm lo phục vụ sao cho vừa lòng khách đến. Bên cạnh đó cũng hết sức tinh
tế, gần gủi thân tình, chịu khó lắng nghe và chia sẻ, với mong muốn được vui
lòng khách đi.
- Mọi chuyện tưởng như sẽ êm xuôi nếu như cô chị
Martha không lên tiếng than trách đứa em Maria. Có lẽ với nét mặt khó chịu, chị
ta hướng nhìn về Chúa Giêsu rồi lên tiếng: "Thưa Thầy, em con để mình
con phục vụ, mà Thầy không để ý tới
sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một
tay." (c. 40).
Cứ ngỡ là Chúa Giêsu đồng tình với quan điểm của chị.
Nhưng không, Chúa Giêsu lại dịu dàng quở trách chị ta: "Martha!
Martha, chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện qúa! (c 41). Chỉ
có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và
sẽ không bị lấy đi" (c. 42).
Như thế, có phải Chúa Giêsu xem trọng việc lắng nghe
lời Chúa hơn là việc phục vụ Chúa không? Chắc chắn là Chúa Giêsu không muốn đặt
hai việc này lên bàn cân để xem việc nào nặng hơn. Nhưng trên hết, Người muốn
Martha biết dung hòa hai việc ấy lại với nhau. Sở dĩ Chúa Giêsu quở trách
Martha, bởi vì: chị ta quá xem điều chị đang làm là quan trọng, còn việc lắng
nghe lời Chúa của Maria chỉ là thứ yếu.
Theo triết lý Á đông thì có cái nhìn trung dung hơn
trong mọi vấn đề. Nên các nhà tu đức cho rằng: “đạo đức thì ở giữa chiêm niệm
và hoạt động.”.
Trong bài huấn dụ trước hơn 50.000 tín hữu và du khách
hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa
Chúa Nhật 21/ 07/ 2013, Đức Thánh Phanxicô cũng đã nói: “Anh chị em thân mến,
cả trong cuộc sống Kitô của chúng ta cầu nguyện và hành động luôn luôn hiệp
nhất với nhau một cách sâu xa”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này: “Một lời cầu
nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh
tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi
và không trọn vẹn. Nhưng đồng thời trong việc phục vụ Giáo Hội khi người ta chỉ
chú ý tới việc làm, chỉ đặt trọng lượng nơi các sự vật, các nhiệm vụ, các cơ
cấu, mà quên đi trọng tâm là Chúa Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại
với Chúa trong lời cầu nguyện, thì có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục
vụ Thiên Chúa nơi người anh em cần sự giúp đỡ”.
Thánh Biển Đức tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho
các tu sĩ của người trong hai từ "ora et labora"; "cầu nguyện và
lao động". Chính từ việc chiêm niệm, từ một tương quan tình bạn mạnh
mẽ với Chúa nảy sinh ra nơi chúng ta khả năng sống và đem tình yêu của Thiên
Chúa, lòng thương xót và sự hiền dịu của Chúa đến cho người khác.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy hướng
về Mẹ Maria, mẫu gương tuyệt hảo của cầu nguyện và hoạt động mà nêu gương bắt chước: “Xin
Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ, dạy chúng ta biết suy niệm
trong lòng Lời của Con Mẹ và cầu nguyện với lòng trung thành, để luôn luôn chú
ý tới các nhu cầu của các anh chị em khác một cách cụ thể hơn”.
Suy niệm 2:
Hôm nay 29/7, cùng với GH chúng ta kính nhớ thánh Macta quê ở Betania, chị
của Maria và Lazaro. Xin cho chúng ta học được bài học mở lòng đón Chúa và hy
sinh phục vụ trong tình yêu mến.
Bài đọc 1, thánh Gioan cho biết ta biết: TC là Tình Yêu nên Người dựng nên
chúng ta giống Người, đó là đặt để nơi con người chúng ta tình yêu của Chúa. Và
cũng chính Người đã yêu thương chúng ta trước. Nên “hễ
ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai
không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.” Và “Ai
tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và
người ấy ở trong Thiên Chúa.”
Thánh Macta đã nhận ra Đức Giêsu chính là TC và chính nhờ tình yêu hướng
dẫn. Chị đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu “là
Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Tình yêu và niền tin vào Đức Kitô là TC đã kết
dệt nên một con người với những nhân cách tuyệt đẹp nơi thánh Macta.
Đọc tin mừng, chúng ta thấy có 3 lần nhắc đến tên Macta:
Lần thứ nhất: Lc 10, 38-42
Lấn thứ hai: Ga 11, 19-27
Lần thứ ba: Ga 12, 1-11
Cả ba lần ấy chúng ta đều nhận ra những tính cách đặc biệt của Macta: Hân hoan
đón rước Chúa vào nhà mình; tận tâm hy sinh phục vụ và đặt trọn niềm tin vào
Đức Giêsu “là sự sống lại và là sự sống, ai tin
Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống.”
Xin chúng ta biết noi gương thánh Macta tin và yêu
Chúa hết lòng nhờ đó chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa và tha nhân vào trong
cuộc đời mình; biết luôn khiêm tốn hy sinh phục vụ những nhu cầu cầu cần thiết
cho mọi người; nhất là luôn biết tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình
thương và quyền năng của Chúa ngay trong những lúc khó khăn và đau khổ
Thứ bảy: Mt 14, 1-12
Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Giả được Tin mừng
trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.
– Góc tối của đam mê dục vọng: Đắm chìm trong dục vọng, vua
Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi
người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết
buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy
rượu và thịt.
– Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở
của Gioan Tẩy Giả trước hành động vô luân của mình, bà
Hêrôdia đã căm thù ông đến tận xương tủy. Nên khi cơ
hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả
thay cho nửa giang sơn.
– Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là
người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất
phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng
lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời
chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà
ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy
Giả.
– Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê, một cô con
gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì
phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại
khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.
Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngỏ
ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó
nơi cỏi lòng con người hôm nay.
Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Giả dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền chân lý tin mừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét