SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C
Xh 32,7-11.13-14;
1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32
Chúa
là Người Cha nhân hậu, giàu lòng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ
những lầm lỗi của ta, một khi ta nhận ra sai lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống.
Đó là nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta.
Xin
cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa mà quyết tâm từ bỏ tội lỗi, quay
về sống trong ân sủng của Người.
Người
đời thường nói: Con cưng là con hư. Nếu cưng không đúng cách sẽ làm hư hỏng con
cái. Nhưng con đã hư rồi thì liều thuốc duy nhất để chữa là tình thương.
Tin
mừng hôm nay, không trình bày cho chúng ta biết trước khi hai người con hư,
người cha đã yêu thương chúng như thế nào. Nhưng chỉ cho ta biết, người cha đã
dùng tấm lòng yêu thương tha thiết để cảm hóa hai đứa con sau khi chúng đã ra
hư đốn.
Người
con thứ: Nhẫn tâm cắt đứt tình cha và sẵn
sàng bỏ nghĩa anh em, gom lấy nữa phần gia sản gia đình ra đi phiêu lưu tìm cảm
giác lạ. Từ nay thay vì ngủ nhà cha, anh ngủ nhà trọ. Thay những bữa cơm
đơn sơ ở nhà cha bằng những bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng sang trọng. Thay
vòng tay yêu thương chân tình của cha già bằng những vòng tay ân ái gian trá
của các kiều nữ chân dài xinh đẹp.
Nhưng
khách sạn dù có thoải mái, cơm nhà hàng dù có sang trọng, nằm trong vòng tay
của các kiều nữ xinh đẹp êm ái, thì rồi anh cũng chẳng thấy bình an và hạnh
phúc. Kết quả của phiêu lưu tìm cảm giác lạ trong thác loạn đã làm anh tan gia
bại sản, thân xác tiều tụy và đau khổ, kiếp sống không ra con người.
Dẫu
thế tình cha vẫn ấm áp như ngày nào. Vui mừng chào đón người con như thuợng
khách. Sẵn sàng tha thứ, yêu thương. Tình yêu vẫn nguyên vẹn tha thiết và nồng
nàn như xưa.
Người
con cả cũng chẳng hơn gì đứa em hư
hỏng. Dù cần cù lam lũ, không hề bất tuân lệnh cha. Nhưng đầu anh lại có
nhiều toan tính, lòng anh đầy ích kỷ và ghen tỵ. Trong khi mọi người vui
mừng “vì em con đã chết nay sống lại đã mất nay tìm thấy”. Vậy
mà anh lại kể công và phân bì với em mình cùng cha già. Trong khi người cha
không hề coi anh là người ngoài thì chính anh lại xem mình là kẻ xa lạ vì không
thừa nhận mình là con cha và là người anh của đứa con thứ:“Cha coi đã bao
năm con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy một con bê con để ăn mừng
với bạn bè. Còn thằng con cha kia ( không phải là em con), sau khi nuốt hết của
cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.
Thấu
hiểu hết lòng con, người cha ra năn nỉ con vào chia sẻ niềm vui và ân cần giải
thích cho con hiểu rằng: “nó là em con và con là con cha”. Cha muốn
con vui trong phận làm con và làm anh và hãy vui mừng và hãnh diện vì luôn được
sống trong tình thương của cha.
Hình
ảnh của hai đứa con trong dụ ngôn có lúc cũng hiện diện nơi mỗi chúng ta. Có
lúc ta cũng muốn chối bỏ chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ. Có lúc chúng ta cũng muốn
phiêu lưu tìm cảm giác lạ quá độ của bia rượu, thuốc lá, cà phê, trai gái, bất
trung và sa đoạ như đứa con thứ. Cũng lắm lúc chúng ta sống trong ích kỷ tham
lam toan tính, tìm lợi mình, muốn hại người, nuông chiều và nuôi dưỡng
lòng ghanh tị. Cảm thấy khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng
ta, đạo đức hơn chúng ta, được nhiều người thương mến hơn chúng ta.
Chúa
Người Cha thấu hiểu lòng của mỗi chúng ta. Nhưng Chúa cũng là Đấng giàu lòng
yêu thương tha thứ, mong muốn ta nhận ra lầm lỗi mà sửa đổi.
Xin
cho chúng ta biết can đảm từ bỏ kiếp đi hoang mà quay gót trở về cùng Chúa là
Cha giàu lòng thương xót hầu xứng đáng đón nhận sự tha thứ và tình thương mà
Chúa ban tặng cho chúng ta.
Suy niệm 2: Lc 15, 1-32
Qua một loạt dụ ngôn được trình bày trong đoạn tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho những người Biệt phái và Pharisêu thấu hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa
dành cho con người, nhất là những tội nhân bị xã hội bỏ rơi. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương cao vời của Chúa
mà cảm thông với những ai làm lỗi cũng như biết khiêm tốn thành tâm sám hối về những thiếu sót làm lỗi của mình hầu xứng đáng đón nhận ơn tha thứ cũng như những ơn
lành do Chúa thương ban.
Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”, Tác giả người
tôi tớ Chúa là Đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm
nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu:
2. Chúa Giêsu không
biết làm toán.
3. Chúa Giêsu không
sành luận lý.
4. Chúa Giêsu không
biết kinh tế tài chính.
5. Chúa Giêsu làm bạn
với kẻ tội lỗi
6. Chúa Giêsu thích
ăn uống, tiệc tùng.
7. Chúa Giêsu không
giữ luật Do Thái
10. Chúa Giêsu có
những lời giảng dạy xem ra mâu thuẫn.
Trong 10 khuyết điểm ấy, bài tin mừng hôm nay đã đề cập đến ít nhất ba khuyết điểm của Ngài:
1. Chúa Giêsu không biết làm toán:
Với dụ ngôn con chiên bị mất, cho
thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con
chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con
đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng
bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị
mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn
hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm
toán!
2. Chúa Giêsu không sành luận lý:
Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên
số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình
thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ
có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà,
moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc
nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình.
Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì
vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm
phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!
3. Chúa Giêsu kém trí nhớ.
Với dụ ngôn người cha nhân hậu, thánh sử Luca cho biết người con út đã xin cha già chia gia tài và sau đó đã lấy hết phần gia tài của mình bỏ nhà ra đi để sống đời phóng đảng, quên cha, quên anh. Ðến khi tiêu
hết tiền, gặp năm đói, thì quay trở về nhà, xin khai thú tội lỗi mong cha già xét
tình cha con mà tha thứ…
Người cha (là hình ảnh Chúa Giêsu), không kể đến tội
cũ, chỉ trông ngóng chờ con; thấy con đằng xa, thì chạy ra đón. Con có thú tội,
thì cũng không cố nghe để hạch hỏi tội cũ mà ra lệnh cho tôi tớ: lấy áo đẹp,
giày tốt, nhẫn quý mang lại cho cậu, làm thịt con bê béo dọn tiệc vì con ta
chết mà nay nó sống lại. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng
thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Bấy giờ người con thưa rằng:
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng đáng gọi là con cha
nữa…”. Nhưng người cha liền bảo người giúp việc rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra
đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay , xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con dê
đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!…” (Lc 15,20-23).
Dụ ngôn trên cho thấy hình như trí nhớ của Chúa Giêsu
không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ
không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con
Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được
mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng nhớ lại câu
chuyện lúc Chúa Giêsu sắp trút hơi thở trên thập giá, trong cuộc
đối thoại cuối cùng với hai người gian phi cùng bị treo trên thập giá bên cạnh ngài. Một trong hai người đó thốt lên lời nầy với
Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.
Và Chúa nói với anh ấy: “Tôi bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ được ở
với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42-43).
Chúa Giêsu không sưu tra lại lý lịch người đó để nhớ
xem hắn gian ác đến mức độ nào, không cân nhắc tội nặng, nhẹ để châm chước hay
tạm ra hình phạt thế nào đó cho thích đáng. Người gian phi kêu nài Ngài nhớ,
thì Ngài “nhớ” một điều là thấy người ấy trước mắt, còn tất cả mọi điều gian ác
trước đó Ngài đã quên hết, quên đến độ ngay hôm đó hứa ngay Nước Thiên đàng cho
anh ta. Các thánh nói: tên này suốt đời ăn trộm, đến lúc chết nó ăn trộm nước
thiên đàng luôn!...
Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu,
Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là:
Vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không
tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò
bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu
lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp
của những quy luật xã hội
và của lối cân nhắc giới hạn của con người.
Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết
điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người
không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu
thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và ngài
khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng cho những khuyết
điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu cao vời của
Chúa.
Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao
mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc
lại tình yêu của Chúa.
Suy niệm 3:
Chủ đề chính của phụng
vụ Chúa nhật hôm nay nhấn mạnh đến lòng thương xót vô bờ bến của TC tình
thương.
1. Bài đọc I trích
sách xuất hành kể lại câu chuyện ngay sau khi Thiên Chúa kết Giao ước với dân
Israel tại núi Sinai, thì liền sau đó họ đã vi phạm Giao ước đó bằng cách đúc
tượng một con bê vàng và thờ lạy trước tượng đó. Thiên Chúa rất nỗi giận. Ngài
cho Môsê biết Ngài muốn tiêu diệt họ, thay vào đó Ngài sẽ tạo một dân mới từ
dòng dõi Môsê. Nhưng Môsê đã van xin Thiên Chúa và cuối cùng Thiên Chúa nguôi
giận không giữ ý định tiêu diệt dân Israel nữa.
2. Bài đọc II trích
thư thứ nhất thánh Phaolô gửi cho Timôthê. Thánh Phaolô tạ ơn Thiên Chúa vì
lòng nhân từ thương xót của Ngài:
“Trước kia tôi là kẻ
lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng đã được Ngài thương xót”.
“Đức Kitô đã đến thế
gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”.
“Sở dĩ tôi được
thương xót là vì Chúa Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi
tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài”.
3. Tin Mừng của
thánh Luca diễn tả trong bố cảnh Chúa Giêsu gần gũi và ăn uống với những người
tội lỗi, nên những người Pharisêu và Kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng 3 dụ
ngôn liên tiếp để trả lời cho họ hiểu về lòng thương xót của Thiên Chúa bao la
là dường nào.
Nều đọc kĩ ba dụ
ngôn chúng ta thấy rằng:
- Tỉ lệ mất mác
ngày càng cao: 1 con chiên trong số 100 con bị mất, 1 đồng trong số 10 đồng bị
đánh rơi, và 1 đứa trong hai đứa con bỏ nhà đi hoang. Tỉ lệ mất mát trên cho thấy
ngày càng cao (1/100 à 1/10 à ½).
- Giá trị của những
thứ bị mất cũng ngày càng lớn (1 con vật, 1 đồng bạc- người ta thường nói “đồng
tiền liền khúc ruột – và 1 đứa con).
- Chính vì thế mà
cường độ tình thương của TC dành cho vạn vật cũng ngày càng sâu nặng:
Dụ ngôn tìm con
chiên lạc nhắm đến sự quan tâm của Chúa dành cho động vật. Chúa chăm nom, bảo vệ
từng con vật.
Dụ ngôn đồng tiền bị
lạc mất, chỉ là vật vô tri vô giác. Vậy mà Thiên Chúa vẫn quan tâm, thao thức
và kiên nhẫn tìm kiếm cho bắng được nếu chúng bị thất lạc.
Dụ ngôn người con
hoang đàng nói lên tình thương cao vời của TC dành cho từng con người trong
chúng ta. Ngài luôn bao dung, tha thứ và đón nhận tất cả những ai lầm lỗi biết
ăn năn sám hối quay về với Ngài.
Còn con người chúng
ta thì ngược lại luôn muốn phản loạn chống đối Chúa như dân Do Thái xưa hay tựa
như hai đứa con trong dụ ngôn người cha nhận hậu. Rất có thể mỗi người trong
chúng ta lại mang trong mình cả hai thái độ sống của người con thứ và người con
cả.
Bởi có lúc ta thật
bất trung với Chúa. sẵn sàng bỏ Chúa đi hoang giống như người em, qua việc chống
đối Chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ…. Để được tự do phiêu lưu đi tìm cảm giác lạ trong
bia rượu, bài bạc, trai gái ...cách sa đoạ. Hay tự hào cho mình luôn ở trong
nhà Cha, gia đình GH, khi cho rằng mình chưa bao giờ bỏ đạo, chẳng bao giờ chối
Chúa giống như người anh. Tuy nhiên chúng ta lại sống trong ích kỷ tham lam
toan tính, tìm lợi cho mình, muốn hại người, nuông chiều và nuôi dưỡng lòng
ghanh tị. Cảm thấy khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, đạo
đức hơn chúng ta, được nhiều người thương mến hơn mình giống như người anh cả.
Thái độ đó không phải là thái độ của người con mà là của đây tớ.
Thấu hiểu hết lòng
của chúng ta, Chúa vẫn yêu thương, bao dung và tha thứ với mong muốn ta nhận ra
lầm lỗi của mình mà sửa đổi để quay về với tình thương hải hà của Người.
Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa mà chừa bỏ tội
lỗi mà quay gót trở về sống trong tâm tình của người con trong nhà Chúa thật sự
hầu xứng đáng đón nhận ơn tha thứ, tình thương và ân sủng của Chúa.
Suy niệm 4:
BÀI HUẤN DỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO CHÚA NHẬT 24 TN C
1. Thiên Chúa muốn tất cả đến dự tiệc của Người
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta ba dụ ngôn về lòng thương xót (Lc 15,4-32). Chúa Giêsu kể các dụ ngôn để đáp lại lời xầm xì của những người Pharisêu và kinh sư, họ nói: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (câu 2). Nếu đối với họ về mặt tôn giáo, điều này gây tai tiếng, thì Chúa Giêsu, khi tiếp đón những người tội lỗi và dùng bữa với họ, tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là như vậy: Người không loại trừ ai, Thiên Chúa muốn tất cả đến dự tiệc của Người, vì Chúa yêu thương tất cả như những người con. Ba dụ ngôn tóm tắt trọng tâm của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha và Người đến tìm chúng ta mỗi khi chúng ta lạc lối.
2. Yêu thương thì lo lắng và nhớ người vắng mặt
Thực tế, nhân vật chính của ba dụ ngôn, đại diện Thiên Chúa, là một mục tử đi tìm con chiên bị mất, một người phụ nữ tìm thấy đồng tiền bị mất và người cha của người con hoang đàng. Chúng ta hãy dừng lại ở một khía cạnh chung của ba nhân vật chính này, chúng ta có thể định nghĩa như sau: bồn chồn về sự thiếu vắng. Nói cho cùng, cả ba người, nếu họ thực hiện một số tính toán, họ có thể yên tâm: người chăn chiên đang thiếu một con chiên, nhưng ông có chín mươi chín con khác; người phụ nữ mất một đồng quan, nhưng bà còn có chín đồng khác; và Người Cha cũng có một người con khác, vâng lời, chăm chỉ. Tuy nhiên, tâm hồn họ bồn chồn lo lắng về những gì còn thiếu: con chiên, đồng tiền, người con đã đi xa. Một người biết yêu thương thì lo lắng và nhớ người vắng mặt, tìm kiếm người đã lạc mất, chờ đợi người đã rời xa. Bởi vì người này muốn không ai bị lạc mất.
3. Chúa không tính toán mất mát, rủi ro
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là như vậy: Chúa không “yên tâm” nếu chúng ta rời xa Người, Chúa đau khổ và bồn chồn; và Chúa đi tìm chúng ta, cho đến khi mang chúng ta trở lại trong vòng tay Người. Chúa không tính toán mất mát, rủi ro. Chúa có tấm lòng của người cha, người mẹ, đau khổ đối với sự vắng bóng của những người con yêu dấu. Đúng vậy, Thiên Chúa đau khổ vì sự xa cách của chúng ta và khi chúng ta lạc lối, Người chờ chúng ta quay trở lại. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn rộng mở vòng tay đón chờ chúng ta, dù chúng ta lạc lối trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như thánh vịnh nói, Thiên Chúa không chợp mắt ngủ quên, Người luôn canh giữ, che chở chúng ta (121,4-5).
4. Cầu nguyện cho những người chưa tin
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: trong điều này chúng ta có noi gương Chúa, nghĩa là chúng ta có bồn chồn vì sự thiếu vắng không? Chúng ta có nhớ người vắng mặt, người đã đi xa đời sống Kitô không? Chúng ta có mang trong mình sự bồn chồn nội tâm này, hay chúng ta cảm thấy bình yên và không bị xáo trộn? Nói cách khác, chúng ta có thực sự cảm thấy nhớ người đang vắng trong cộng đoàn chúng ta không? Hay chúng ta cảm thấy ổn không có gì khác, bình yên và hạnh phúc trong nhóm của chúng ta, mà không nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với người rời xa? Đây không chỉ là về việc “mở lòng với người khác”, đó là Tin Mừng! Người chăn chiên trong dụ ngôn không nói: “Tôi có chín mươi chín con chiên, tại sao tôi phải tìm con bị mất?”. Chúng ta hãy suy ngẫm về các mối quan hệ của chúng ta: tôi có cầu nguyện cho những người chưa tin, cho những người xa rời không? Chúng ta có thu hút người đang ở xa qua phong cách của Chúa, là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng không? Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải quan tâm đến những người con mà Người nhớ nhất. Chúng ta hãy nghĩ về một số người mà chúng ta biết, người bên cạnh chúng ta và những người có thể chưa bao giờ nghe một ai đó nói với họ: “Bạn biết không? Đối với Chúa, bạn quan trọng”.
Chúng ta hãy để cho mình bị bồn chồn bởi những câu hỏi này và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, một người mẹ không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm chúng ta và chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ.
HUẤN DỤ KHAI MẠC NĂM
HỌC GIÁO LÝ 2022-2023
“Cổ
nhân đã dạy: “Vô tri bất mộ”, nghĩa là không biết thì không yêu
mến. Điều này rất chính
xác trong đời sống Đức Tin. Bởi lẽ thiếu kiến thức giáo lý, người tín hữu sẽ sống Đạo một cách dửng dưng hời hợt bên ngoài.
Thiếu
kiến thức giáo lý nhiều người chỉ có Đạo trong nhà thờ, còn trong cuộc sống
thường nhật, trong lời nói việc làm thì không được hướng dẫn bởi đức tin.
Thiếu
kiến thức giáo lý, nên nhiều bạn trẻ không hiểu biết vai trò bổn phận của mình.
Đến lượt họ trở thành cha mẹ, cũng không hướng dẫn giáo dục Đức Tin cho con
cái.
Không
được học giáo lý nên nhiều bạn trẻ dễ
dàng bỏ lễ Chúa nhật, lơ là việc lãnh nhận các Bí tích. Dễ dàng mất đức tin khi
đi làm hoặc đi học xa gia đình.
Trong
Tông Huấn: “Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta” ĐGH Chân Phước Gioan Phao-lô II đã khẳng định: đối với
Giáo Hội, dạy giáo lý là nhiệm vụ tối thượng và là
quyền lợi của Giáo Hội, một quyền bất khả xâm phạm vì
phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa và là nhiệm vụ sống còn để củng cố đời
sống bên trong của cộng đoàn tín hữu và hoạt động truyền giáo bên ngoài (x.
số 15).
- “Là nhiệm vụ tối thượng” nghĩa
là chúng ta phải dành ưu tiên mọi phương tiện, về tài chính cũng như trí tuệ
công sức cho việc dạy giáo lý. Tại khá nhiều họ đạo, xem ra điều ưu tiên không
được đặt đúng trọng tâm. Người ta chú ý đến việc xây cất, rước xách và đồng
phục của các hội đoàn nhiều hơn là việc huấn luyện đức tin. Kinh nghiệm cho
thấy, thiếu kiến thức giáo lý, những công trình đồ sộ sẽ trở thành vô nghĩa,
thiếu tinh thần đức tin, những cuộc rước xách sẽ chỉ là lễ hội bề ngoài.
- “Là
quyền lợi của Giáo Hội”, vì
mỗi tín hữu có quyền được học hỏi và khám phá chân lý, nhờ đó mà họ sống điều
họ học hỏi. Những người có trách nhiệm như Giám mục đối với giáo phận, linh mục
với họ đạo, bị
bó buộc theo lẽ công bằng phải phân phát Lời Chúa cho những cộng đoàn thuộc về
mình. Nhờ việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý, các ngài dẫn đưa các tín hữu đến
gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta, để nhờ Người mà họ đến gặp
gỡ Chúa Cha, là đích điểm của muôn loài muôn vật.
- “Là
một quyền bất khả xâm phạm”. Trong Tông huấn nêu trên, Vị Chân phước Giáo
Hoàng đã nêu rõ, tại một số quốc gia, việc học giáo lý vẫn bị cấm đoán hoặc là
lý do để gây phiền nhiều. Ngài mạnh mẽ phản đối và kêu gọi các vị lãnh đạo
những quốc gia hãy tôn trọng và mở cánh cửa tự do cho những ai muốn đi tìm kiếm
sự thật, và một khi đã được gặp gỡ Đức Giêsu là Sự Thật tuyệt đối, họ sẽ góp
phần xây dựng quê hương đất nước của họ (x. số 14).
Việc
học hỏi giáo lý sẽ góp phần củng cố đời sống Đức Tin, đồng thời xây dựng tình
hiệp thông trong cộng đoàn địa phương, góp phần cho công cuộc truyền giáo. Đây
là một nhiệm vụ “sống còn”, tức là liên hệ đến sự phát triển hay suy thoái của
Giáo Hội.
Dạy
giáo lý không phải là truyền đạt một mớ kiến thức, như những giáo viên truyền
đạt kiến thức cho học sinh ở trường học. Người dạy giáo lý vừa chuyển tải kiến
thức trong sách vở, vừa phải dẫn học viên đến gặp gỡ Chúa. Vì thế
mà trước mỗi buổi học, giáo lý viên và học viên phải cầu nguyện xin ơn Chúa
Thánh Thần. Cuối buổi học cũng là lời cầu nguyện để mỗi người biết sống những
điều vừa học.” (St)
“Các con thân mến, tiếng trống khai trường sẽ vang lên,
khởi đầu cho năm học mới. Tiếng trống này sẽ khởi động lại cho một hành trình
trau dồi kiến thức và kỹ năng cho cuộc sống của các con. Cha nguyện ước cho
tiếng trống ấy cũng mang theo một niềm vui trọn vẹn, các con sẽ an bình đến
trường trong sự che chở của Chúa và Mẹ Maria.
Trong
buổi tiếp kiến chung ngày 14.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài
giáo lý với lời mời gọi: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa
Giêsu luôn ở cùng chúng ta”. Trong niềm xác tín ấy, cha cầu chúc các con và
gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Chúc các con học tốt, học giỏi, luôn biết bám
chặt cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người, vì “Đức
Kitô Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1, 1).” (Trích Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Khai
Giảng Năm Học 2022 – 2023)
Thứ
hai: Lc 7,1-10
Kính
danh thánh Đức Maria
Sống
thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người quý mến? Đó là điều mà bài tin
mừng hôm nay muốn nói đến.
Lối
sống cao đẹp của viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma mà tin mừng thánh Luca hôm
nay đề cập đến, đã được Chúa Giêsu khen ngợi; chắc chắn đó phải là lối sống mà
Chúa mong muốn nơi người Kitô hữu chúng ta vươn đến. Vậy đó là lối sống nào?
1.
Trước tiên là lối sống tử tế:
- Tử
tế đối với người ăn kẻ ở. Bằng tình thương chân thành qua việc tận tâm lo lắng
và vất vả hy sinh tìm thầy chạy thuốc để cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang
bị bệnh nặng.
- Tử
tế với Thầy Giêsu. Với lòng kính trọng Đức Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng
đến gặp trực tiếp Ngài, nên ông đã nhờ những người có uy tín trong đạo làm
trung gian giúp ông tiếp cận Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa cho tên đầy tớ của
ông. Hành động ứng xử tinh tế này cho thấy ông quả là con người hết sức nhân
bản và tử tế.
- Tử
tế với dân tộc Do Thái. Việc làm tử tế của ông không chỉ giới hạn đối với cá
nhân một ai đó, mà còn dành cho cả dân tộc Do Thái nữa. Chính vì vậy mà ông đã
được người dân Do Thái quý mến qua lời xác nhận: “ông ta đã yêu mến dân ta, và
chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”
2.
Thứ đến ông có lòng khiêm tốn:
Với
chức vị sĩ quan của đế quốc Rôma nên quyền thế của ông rất lớn trong xã hội.
Đáng lẽ ra ông chỉ cần ra lệnh là Đức Giêsu cũng phải tùng phục theo mệnh lệnh
của ông. Nhưng không, trái lại ông chỉ nhận mình là người bé nhỏ không xứng
đáng trực tiếp gặp Chúa Giêsu và còn cho rằng ngôi nhà của ông cũng không xứng
hợp để Chúa Giêsu đặt bước chân vào: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn
nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.
3.
Trên hết, ông ta là người có đức tin mạnh mẽ:
Với
kinh nghiệm của một người lãnh đạo quân đội, ông hiểu rằng chỉ cần cấp trên ra
lệnh là cấp dưới phải phục tùng. Áp dụng kinh nghiệm ấy vào đời sống đức tin,
ông xác tín rằng chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì mọi bệnh tật đều tan biến.
Chính niềm xác tín mạnh mẽ đó nên ông đã được Chúa Giêsu khen ngợi hết lòng:
“Trong Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và Người đã ra tay
chữa lành cho tên đầy tớ theo như ý nguyện của ông.
Xin
cho chúng ta biết học nơi người sĩ quan Rôma ngoại giáo này những đức tính cao
đẹp trong cách ứng xử, nhờ đó mới mong được mọi người quý mến và xứng đáng đón
nhận phúc lành của Chúa.
Thứ
ba: Lc 7,11-17
Nhớ Thánh Gioankim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT.
Tin
mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà
góa thành Naim. Qua đây minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền
năng và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là
trong những lúc gặp gian nan thử thách.
Phép
lạ của Chúa Giêsu cứu sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay
muốn nói với chúng ta 2 điều:
-
Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng: Sự
sống con người là quý giá nhất. Sự sống ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng
cho con người. Nên không ai có quyền trên sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự
sống của đứa con trai bà góa thành Naim hôm nay đã mất, không ai trên trần gian
này có thể phục hồi được, trừ một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi
Chúa Giêsu phục hồi sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim, minh chứng cho
biết Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng.
- Đức
Giêsu là Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái
thời Chúa Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội
khinh thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội
cũng như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh
sẽ rất khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao
của bà góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con
trai bà ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng
thương và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao
nó lại cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa
con trai sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh
sáng hy vọng và niềm vui.
Qua
phép lạ này cho thấy: Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng
rất giàu lòng thương xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng
thương xót qua việc phục sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho
bà ta niềm niềm vui và hy vọng sáng tươi.
Xin
cho chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi
Chúa Giêsu để chúng ta luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn
của Người. Đặc biệt trong những lúc đau khổ và thất vọng xin cho chúng ta biết
tìm đến nương tựa vào quyền năng và tình thương của Ngài.
Thứ
tư: Ga 3,13-17
LỄ
SUY TÔN THÁNH GIÁ
Cùng
với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ suy tôn Thánh Giá Chúa. Đây là dịp chúng
ta chiêm ngắm kỹ hơn Thánh Giá Chúa. Để qua đó, ta nhận ra tội lỗi của mình;
nhất là nhận ra tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Nói
đến thánh giá là nói đến tình yêu. Mà đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho
chúng ta chính là cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá. Kể từ khi
thập giá treo Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế thì thập giá lại trở nên Thánh Giá bởi
nơi ấy gắn liền với Đấng Thánh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Xin
cho chúng ta nhận ra con đường tình đó mà Chúa đã dành cho chúng ta và xin cho
chúng ta cũng biết can đảm dấn bước vào con đường tình thập giá Chúa, để được
tham dự vào sự phục sinh vinh quang của Người.
Lễ
suy tôn thánh giá hôm nay, GH như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn về
Thánh Giá Chúa.
-
Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta biết, dân Israel đã được Thiên Chúa
yêu thương. Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã đưa dẫn họ về đất hứa. Nhưng trên hành
trình trong sa mạc, dân Israel đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và
trút tội lên đầu Môsê. Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện
và cắn chết nhiều người. Nhận ra sự bất trung về tội lỗi của mình đã phạm, toàn
dân đồng loạt kêu cầu ông Môsê xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã
nhận lời Môsê và truyền cho ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và
treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ
được sống." (Ds
21,8)
-
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu xác định hình ảnh con rắn đồng treo trong sa mạc
xưa chính là Ngài, khi nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong
sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì
được sống muôn đời.” (Ga 3, 14-15). Như vậy, khi chiêm ngắm Thánh
Giá, chúng ta thấy gì? và được gì?
1.
Thấy gì?
-
Thấy tội phản phúc của mình đã gây nên cái chết đau thương của Chúa, tựa như
những người Do Thái trong sa mạc và những người cùng thời với Chúa Giêsu.
-
Thấy tình thương lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tội lỗi đáng lẽ
làm cho chúng ta phải chết, nhưng Chúa đã chết hay cho chúng ta. Một vị Thiên
Chúa quyền năng và thánh thiện mà lại sẵn sàng chết cho thụ tạo là tội nhân,
quả là lớn lao biết bao.
-
Thấy được sự tự hạ tột cùng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng
này trong thư gửi cho tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết
trên cây thập tự” (Pl 2,6-7).
2.
Và được gì?
-
Được Chúa ban lại ơn sự sống. Tội lỗi làm cho chúng ta phải chết nhưng qua cái
chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự sống.
-
Được phục hồi chức vị làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
-
Được hiệp thông với nhau trong tình anh em và được đón nhận dồi dào ân sủng của
Thiên Chúa, nhất là ơn cứu độ.
Khi
chiêm ngắm Thánh Giá Chúa, chúng ta cũng nhận ra rằng: Muốn được phục sinh vinh
quang cùng với Đức Giêsu thì chúng ta cũng phải chấp nhận trãi qua thập giá đau
khổ. Xin cho chúng ta học được những bài học cao quý nơi Thánh Giá Chúa. Nhờ
đó, ta ý thức sống xứng đáng hơn với mầu nhiệm thập gía của Chúa Giêsu bằng
cách noi gương thánh Phaolô luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong
niềm xác tín: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống
trong tôi" (Gl 2,20).
Thứ
năm: Ga 19, 25-27
LỄ
ĐỨC MẸ SẦU BI
Hôm
qua, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Suy tôn Thánh giá là suy tôn chính
tình yêu tự hiến của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô để đem lại ơn cứu chuộc cho
nhân loại. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tức là chúng ta kính nhớ
đến những đau khổ của Đức Mẹ phải chịu để thông phần vào ơn cứu độ của Thiên
Chúa dành cho con người. Đó là lý do mà Giáo Hội mừng hai ngày lễ này sát kề
nhau.
“Đứng
gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người.” (Ga
19, 25). Hành trình môn đệ của Mẹ Maria là tiếng xin vâng trọn vẹn. Mẹ đã vâng
phục ý Chúa khi sứ thần truyền tin. Mẹ cũng dõi bước theo Chúa Giêsu trên con
đường sứ vụ của Ngài và hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc
khổ nạn.
Dưới
chân thập giá, trong thân phận người phụ nữ yếu đuối, trái tim Mẹ đã tan nát
như điều mà cụ già Simêon đã tiên báo thuở xưa. Mẹ chứng kiến những làn roi,
những vết thương đang rỉ máu trên thân thể người con yêu dấu mà mẹ đã sinh hạ.
Có người nào có thể hiểu thấu nỗi đau mà mẹ đang chịu đựng. Tuy nhiên, mẹ chấp
nhận tất cả bằng việc phó thác mọi điều đang xảy ra trong chương trình của
Chúa. Chính tự nơi đây và giờ phút này, hình ảnh người môn đệ càng thể hiện
tuyệt hảo nơi mẹ. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, mẹ cảm nghiệm được trọn vẹn thực
tại ơn cứu độ để rồi thâm tín vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Mẹ đã làm
trọn vẹn lời xin vâng của mình.
Người
môn đệ của Chúa là người vâng phục ý Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và bước
theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan thử thách và đỉnh cao là cái
chết trên thập giá. Đức Maria đã đi trọn vẹn con đường này và cùng với Chúa
Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên Chúa.
Mỗi
người chúng ta hãy học theo mẹ Maria, tin tưởng, phó dâng cuộc đời mình trong
bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Điều này thể hiện qua sự chấp nhận
những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày vì tình yêu Chúa.
Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria, một tấm gương tuyệt
hảo để bước theo Chúa trong cuộc hành trình tiến về quê trời. Nhờ lời cầu bầu
của Mẹ, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, để
chúng con nhận ra tình yêu của Chúa qua mọi sự xảy đến với chúng con. Amen.
Thứ
sáu: Lc 8,1-3
Nhớ Thánh Cor-nê-li-ô, giáo hoàng và Thánh Síp-ri-a-nô
giám mục, tử đạo.
Để
thực thi sứ mạng loan báo tin mừng đến muôn dân, Chúa Giêsu luôn cần đến sự
cộng tác của mọi người, thuộc mọi thành phần. Tin mừng hôm nay cho chúng ta
biết ngoài sự cộng tác của các tông đồ, còn có một thành phần đặc biệt cùng
đồng hành với Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin mừng. Đó là những người
phụ nữ. Xin cho chúng ta biết ý thức tích cực góp phần cộng tác với Chúa và GH
trong việc loan báo tin mừng.
Quan
niệm người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng như người Việt Nam chúng ta trước đây
là trọng nam khinh nữ. Do đó phụ nữ là thành phần thấp kém và bị xã hội xem
thường. Tiếng nói hay việc làm của họ không được xã hội đề cao. Trong mắt mọi
người, người phụ nữ đúng nghĩa phải là người phụ nữ truyền thống và gia đình mà
thôi.
Ngày
nay ở Việt Nam chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn. Một người phụ nữ được đánh giá
cao là người phụ nữ biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Nghĩa là người
ấy một mặt biết chăm lo tốt gia đình mình nhưng cũng phải là người tích cực
tham gia vào các công việc ngoài xã hội.
Chúa
Giêsu đã có cái nhìn rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống. Chính vì thế mà
Ngài không khinh chê sự đóng góp của những người phụ nữ đã hy sinh đồng hành và
giúp đỡ Ngài cũng như các tông đồ trên hành trình rao giảng Tin mừng. Cái nhìn
của Chúa Giêsu là cái nhìn của dung hòa, của bao dung với hết mọi người cũng
như luôn trân trọng mọi đóng góp cho công việc loan báo Tin mừng tình thương.
Xin
cho mọi người, mọi thành phần trong GH ý thức được sự cần thiết của Chúa đối
với mỗi người chúng ta trong việc loan niềm vui tin mừng, để dùng hết khả năng
hay địa vị của mình mà cộng tác tích cực với GH trong việc truyền giáo.
Thứ
bảy: Lc 8,4-15
Tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tâm hồn của mỗi chúng ta như mảnh đất; và rất
mong tâm hồn của ta là mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào được đơm hoa
kết trái tốt lành.
Dụ
ngôn người gieo hạt mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay rất quen thuộc với người nông
dân của chúng ta.
-
Hình ảnh người gieo hạt đó chính là Thiên Chúa.
-
Hạt giống chính là Lời Chúa.
-
Các mảnh đất chính là tâm hồn của mỗi chúng ta.
Thiên
Chúa thì luôn quảng đại và hào phóng sẵn sàng gieo Lời của Ngài đến với mọi nơi
và mọi tâm hồn. Hạt giống Lời Chúa thì luôn mang mầm sự sống tốt và có khả năng
trổ sinh dồi dào hoa trái tốt lành. Nhưng kết quả có sinh được nhiều hoa trái
là những việc làm tốt lành hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào mảnh đất tâm
hồn của mỗi chúng ta.
Mong rằng tâm hồn của ta không trở nên chai lì như đất vệ đường, cũng đừng cứng cỏi như sỏi đá và bị nhiều vướng bận như đất đầy cỏ dại. Nhưng hãy là những tâm hồn thật tốt để hạt Lời Chúa có cơ mai đâm chồi nẩy lộc và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt đẹp sinh ích cho mình và hữu ích cho người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét