SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN
XXVI THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN, NĂM C
Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
KHÔN NGOAN SỬ DỤNG TIỀN CỦA
Ông
phú hộ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, xem ra cũng đáng khen. Ông chẳng làm gì
nên tội. Không ăn trộm ăn cắp ai. Không cho vay ăn lời dù lãi chỉ bằng ngân
hàng nhà nước. Không lấn ranh hay chiếm đoạt đất đai ai cả cho dù là ý muốn.
Cũng chẳng lê lết sang nhà hàng xóm để nhiều chuyện, nhất là không thấy phiền
trách hay nói hành nói xấu ai. Đời ông không hề cờ bạc, không số đầu số đuôi.
Dù nhiều tiền lắm của nhưng chẳng thấy nói ông có vợ bé hay vào hàng quán ăn
uống phung phí…
Sống
được như ông thời nay xem ra quả là quá tốt còn gì! Nhưng phải chi trái đất này
chỉ một mình ông thì quá tốt. Phải chi xã hội này mọi người đều giàu có như ông
thì số phận ông đâu có hẵm hiêu và đau đớn đến thế. Tất cả cũng bởi tại vì cái
anh Lazarô nghèo nàn và bệnh tật chết tiệt! hiện diện trên thế gian này nên làm
cho cuộc sống giàu sang, sung sướng của ông trở nên lo sợ và bất an. Lo sợ
không bởi trộm cắp nhưng vì phải chia sẻ; bất an không do ăn uống quá độ làm
gan sơ cứng hay huyết áp tăng mà vì tiếng van xin giúp đỡ của người nghèo luôn
vang vọng bên tai.
Quy
luật của cuộc đời biến đổi không dò. Hôm qua là chủ nay lại là tớ; hôm qua giàu
có nay lại nghèo khổ. Hôm qua là sung sướng thoải mái nhưng nay lại gian lao,
bất hạnh…
Cuộc
đời của ông phú hộ và Lazarô cũng xoay chuyển bất ngờ sau cái chết. Giàu có,
sung sướng, tiện nghị, yến tiệc linh đình nhưng thiếu bác ái cho đi lại trở
thành vực sâu u tối, giam hãm ông muôn đời trong đau khổ và vô vọng.
Chấp
nhận đau khổ, bệnh tật, nghèo nàn, khốn cùng nhưng không hề than van trách móc,
trái lại một mực tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa, tất cả những
điều ấy lại trở thành bậc thang đưa dẫn Lazarô lên tận đỉnh vinh quang, đến nỗi
khoảng cách từ Lazarô đến nhà phú hộ giờ đây trở thành vực thẳm ngàn
trùng, không thể nào qua lại được.
Chúa
cũng sẽ xét xử chúng ta về những việc làm bác ái mà ta đã làm hay không làm cho
tha nhân theo như lời Chúa đã phán khi đến ngày ta ra trình diện trước tòa
Chúa: “...Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc hãy vào hưởng vinh quang
cùng Ta. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…..”.
Như
thế ông phú hộ bị phạt không vì ông ta lắm tiền nhiều của, cũng không vì ông ăn
sang mặc đẹp. Nhưng ông ta bị phạt bởi vì ông không biết chạnh lòng thương xót
người anh em nghèo khổ của mình là Lazaro bằng những việc làm bác ái cụ thể.
Xin
Chúa cho chúng ta biết xử dùng tiền bạc, của cải Chúa ban cách có hiệu quả,
nhằm mang lại nhiều ích lợi xác hồn cho mình và cho mọi người theo lời
Chúa dạy. Xin cũng cho chúng ta dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng biết sống
tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa với niềm hy vọng vào hạnh phúc
nước trời do Chúa tặng ban như Lazarô nghèo khó khi xưa.
Suy
niệm 2:
* Bài đọc I: Am 6, 1a. 4-7
- Năm 931, Vua Salômon chết, con Salômon là Rôbôam (Rơ-kháp-am) lên kế vị. Vua mới
là người non trẻ, thiếu khôn ngoan, đã không chấp nhận giảm thuế mà ngược lại
còn đe doạ hà khắc hơn. Lập tức cuộc ly khai của 10 chi tộc miền bắc bùng nổ
dưới sự lãnh đạo của Giơrôbôam (thuộc chi tộc Ê-phra-im), thành lập một quốc
gia mới gồm 10 chi tộc và lấy tên là Israel. Vương quốc Giuđa của Rôbôam chỉ
còn duy nhất chi tộc Giuđa và một phần nhỏ của hai chi tộc Bengiamin và Simêon.
Vua đầu tiên của Vương quốc Israel (nước phía bắc) là
ông Giơrôbôam (Gia-róp-am). Ông đã cho xây dựng 2 đền thờ, một ở Bêthen và một
ở Đan để cho dân đến đó mà tế lễ cho Thiên Chúa, thay vì phải lên đền thờ
Giêrusalem nằm trên miền đất Giuđa (x. 1V 12, 26-33). Ông cho dựng tượng con bê
vàng làm bệ ngai của Giavê. Nhưng đối với người Canaan thì con bê vàng lại là
biểu tượng cho Baal. Việc làm này đã gây ra tai hại khủng khiếp, vì dân chúng
đã quay ra thờ lạy tượng con bê vàng theo kiểu người Canaan. Họ phạm tội bỏ
Thiên Chúa mà thờ lạy tà thần (điều răn thứ nhất). Họ bắt chước việc thờ cúng
cùng với cách sống buông thả vô luân của dân ngoại nữa. Sau này vua Acáp cưới
Giêgiaben (I-dơ-ven), một bà vợ ngoại giáo, và họ đã công khai xây đền thờ Baal
ở Samaria (thủ đô của Israel). Các ngôn sứ, trong đó có Êlia cũng như Amos là
gương mặt tiêu biểu, đã mạnh mẽ chống lại việc thờ quấy và lối sống sa hoa áp
bức dân nghèo.
Tại vương quốc Giuđa ở miền nam vẫn lấy Giêrusalem làm thủ đô. Đời sống tôn giáo cũng
bị sa sút vì người ta chỉ thờ phượng theo hình thức mà không có nội
tâm. Đồng thời dân chúng cũng bị cám dỗ chạy theo việc thờ cúng tà thần và nếp
sống buông thả của những dân chung quanh.đất nước Do Thái chia đôi.
- Năm 722 TCN, đế quốc Assyria đánh chiếm vương quốc phía bắc và bắt họ đi
lưu đày.
- Năm 587 TCN, đế quốc Babylon nỗi lên và đánh chiếm vương quốc phía nam là
Giuda và cũng đã bắt dân chúng đi lưu đày.
Amos là một mục đồng. Ông sinh ra ở Tegoa, một ngôi làng nhỏ vương quốc
phía nam thuộc chi tộc Giuđa. Ông xuất hiện dưới thời vua Osia, vua Giuđa
(khoảng năm 750) và Jeroboam, vua Israel, trị vì từ 783-743. Ông được Chúa kêu
gọi rao giảng ở vương quốc phía bắc. Trong bố cảnh bấy giờ những người giàu chỉ biết ăn chơi sa đọa, lo hưởng thụ,
ăn uống, rượu chè, ca hát; nhất là họ đã dùng mọi thủ đoạn để bóc lột
người nghèo; họ không quan tâm gì đến việc phụng thờ TC cũng
như số phận của đất nước mình đang lâm nguy.
Nên qua lời tiên tri Amốt, Thiên Chúa đã đưa ra những lời
cảnh báo họ:
- Khốn cho những kẻ sống vô tâm/ say sưa rượu chè
- Các ngươi chỉ lo thỏa mãn cho các dục vọng đam mê.
Nên TC sẽ không quên những việc họ làm mà bắt họ phải đi lưu đày cơ cực sau này.
* Bài đọc II: 1 Tm 6, 11-16 (Chủ đề phụ)
Những lời khuyên Phaolô gởi cho môn đệ mình là Timôtêô. Phaolô nhấn mạnh
đến việc trau dồi các nhân đức: tin, mến, nhẫn nại và hiền hòa.
* Tin Mừng: Lc 16, 19-31
Chúa Giêsu phát họa lên một bức tranh với hai mảng màu đối lập:
giàu-nghèo; phúc-họa qua hai hình ảnh ông phú hộ và người nghèo khó Lagiarô. Cuộc sống của ông
phú hộ thật đủ đầy sung túc. Ông thích sống xa hoa phung phí qua việc ăn mặc gấm vóc lụa là, yến
tiệc linh đình say sưa. Nhưng tâm hồn của ông lại khép
kín vì lối sống ích kỷ, vô cảm trước nỗi
đau khổ của Lazaro nghèo khó ngồi ăn xin trước cổng nhà ông.
Kết cục,
sau khi chết ông phú hộ phải sa vào hỏa
ngục, chịu cảnh cực hình trong đau khổ tột cùng. Đó cũng là số phận cho tất cả những ai chỉ
biết thỏa mãn bản năng thấp hèn, chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng mà
không nghĩ đến chia sẻ bác ái cho những người nghèo khổ.
Còn Lazaro
thì được đưa vào hưởng hạnh phúc thiêng đàng trong vòng tay của tổ phụ Abraham. Những không phải vì nghèo mà được Chúa thưởng mà vì
Lazaro đã vui lòng chịu mọi sự Chúa gửi đến, với niềm
tín thác vào lòng thương xót Chúa mà không than thân trách phận.
Vậy dù
trong hoàn cảnh nào đi nữa, ta cũng hãy tạ ơn
Chúa, không sử dụng ơn Chúa ban cách bất chính. Nhưng biết mở lòng chia sẻ bác
ái với mọi người, nhất là những người nghèo đói, bất hạnh, tội lỗi chung
quanh chúng ta.
Dụ ngôn này còn muốn gởi một lời nhắn nhủ đến những người giàu có: họ nên sớm
nhận ra sai lầm của mình khi đặt niềm cậy trông vào những giá trị trần thế, mà
kịp thời quay về trông cậy vào Chúa.
Đừng chờ đến khi chết, mới thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì
tới lúc đó, mọi việc đều không thể đảo ngược lại được. (St)
Thứ
hai: Lc 9,46-50
Nhớ
thánh Cót-ma và thánh Đa-mi-a-nô tử đạo.
Tin
mừng hôm nay đề cập đến tinh thần, thái độ và cách hành xử cần phải có của
người môn đệ Đức Giêsu.
Với
hành động cụ thể qua việc đặt đứa bé bên cạnh mình, Chúa Giêsu muốn chỉ dạy cho các
môn đệ tinh thần và thái độ cần phải có của người lãnh đạo:
- Về
tinh thần: Lẽ thường tình, ai trong chúng ta
cũng muốn làm lớn, đứng đầu, lãnh đạo như các môn đệ Chúa Giêsu khi xưa. Chúa
Giêsu có lẽ cũng không nghiêm cấm các môn đệ ước muốn làm lớn. Nhưng điều Ngài
quan tâm là làm lớn, đứng đầu với tinh thần nào mới quan trọng.
Để
xứng đáng là người đứng đầu, lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Giêsu mong muốn, thì người đó phải biết sống khiêm tốn và tận tâm phục vụ mọi người. Phải luôn ý thức chức và trách gắn liền với nhau. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống để
phục vụ người khác với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi, thì chính lúc ấy hình ảnh
và giá trị của người lãnh đạo mới trở nên cao đẹp, đáng được trân trọng! Ước
mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Về thái độ: Theo khuynh hướng tự nhiên ai trong chúng ta cũng thích tương quan và tiếp đón những người có chức cao quyền trọng, giàu sang thế giá; còn những người thấp cổ bé miệng, cô thế cô thân, nghèo khổ thì ta có vẻ xem thường, khinh bỉ, không thích đón tiếp họ. Đó cũng chính là thái độ của các môn đệ xưa kia. Hành vi đón nhận và đặt một đứa bé vào lòng, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ về thái độ cần phải có của người làm môn đệ Chúa là trân quý và tôn trọng hết mọi người, đặc biệt là những ai bé nhỏ trong xã hội,
- Về
cách hành xử: Chúa
không muốn các môn đệ hành xử tiêu cực và loại trừ như thế, nhưng Chúa muốn các
môn đệ hãy vì danh Chúa mà bao dung và quảng đại đón tiếp những ai bé nhỏ,
nghèo hèn, bởi lẽ họ chính là hiện thân của Chúa. Tiêu chí trong ngày phán xét
chính là đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc ta có quảng đại
giúp đỡ những người nghèo khổ hay không?
Hy
vọng mỗi người trong chúng ta đều có được thái độ ân cần, quảng đại và nhiệt
tâm giúp đỡ mọi người, nhất là anh em nghèo khổ.
Qua
cách hành xử độc đoán của tông đồ Gioan khi ra sức ngăn cấm người khác làm phép
lạ trừ quỷ nhân danh Chúa chỉ vì người ấy không cùng phe nhóm của mình. Chúa
Giêsu lại tiếp tục chỉ dạy cho các môn đệ về cách thế hành xử phải có của người
môn đệ Người. Cách hành xử ấy phải dựa trên những nguyên tắc căn bản như: "Trong
những điều tốt thì ủng hộ chứ không cấm đoán"; "hợp tác chứ không chống đối"; Và
trong hết mọi sự cần nhớ rằng: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ
chúng ta".
Cách
hành xử ích kỉ loại trừ của tông đồ Gioan ngày xưa cũng rất có thể là cách hành
xử của người kitô hữu chúng ta ngày nay. Bởi lẽ nhiều khi chúng ta chỉ muốn
Chúa ban ơn phúc cho riêng ta hay phe nhóm ta mà thôi; còn những người thuộc
phe nhóm khác thì mong Chúa đừng bao giờ thi ân giáng phúc cho họ.
Xin
Chúa hoán cải và biến đối lối suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ này của chúng con. Mong
lắm mọi người dù lương hay giáo, lớn hay nhỏ, hữu thần hay vô thần đều có được
tinh thần tôn trọng những đặc sủng riêng biệt do CTT ban cho để cùng nhau chung
tay thực hiện những điều thiện hảo với mong muốn mang đến niềm vui và hạnh phúc
cho mọi người.
Ngày 26/09: THÁNH COSMA VÀ
THÁNH ĐAMIANÔ
Người
ta thường ví vườn hoa không có hoa nở, không phải là vườn hoa. Trong nhà, không có tiếng khóc của trẻ con, nhà đó không vui nhộn. Lồng chim, không
có chim là lồng chim chết. Giáo
Hội được kết tinh, nở rộ bằng nhiều thành phần dân Chúa. Hội Thánh vì là thánh nên mọi người đều được mời gọi
nên thánh. Bầu trời Giáo Hội xinh đẹp, lộng
lẫy là do có nhiều vị thánh tô điểm, bồi đắp nên. Thánh....đã
góp phần tô điểm cho vườn hoa Giáo hội thêm mầu, thêm sắc và thêm hương cho vườn hoa GH.
Theo truyền thuyết thánh Cosma và Đamianô là hai anh em sinh
đôi. Sinh tại Ả rập. Các ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các ngài là một góa phụ nhân đức,
đã không tiếc gì để giáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con
theo học ở Syria. Tại đây Cosma và Đamianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi
và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa
này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con
người các ngài có thể góp phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.
Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các ngài và ban cho
các ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các ngài
càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện.
Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân
đến với các ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết
vì đạo của các ngài.
Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô
gióa, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế
thần. Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại.
Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất
thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục
hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin
này quan tổng trấn truyền bắt giam hai ngài. Sau khi bắt các ngài phải dâng
hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các ngài. Nhờ ơn Chúa, hai
thánh Cosma và Đamianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan
lính trói các ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng
xích và cứu các ngài bình an vô sự.
Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa
ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn
ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cosma và Đamianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận
lễ dâng của các ngài. Lần này nhưng ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu
tiên, đầu các ngài lìa xác và nhận phúc tử đạo.
Danh tiếng của hai thánh Cosma và Đamianô lan tràn khắp Giáo
hội vì những cuộc chữa lành bệnh tật các ngài thực hiện. Hoàng đế Justinô I
khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở
Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các ngài chịu chết vì đạo. Tại Rôma, Đức
Symmachô (498 - 514) xây nguyện đường. Đức Felix IV (526 - 530) xây một đại
giáo đường kính các ngài.
Cùng với thánh Luca, hai thánh Cosma và Đamianô được đặt làm
thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu.
Trích: Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy
Thứ
ba: Lc 9,51-56
Nhớ
thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục.
Tin
mừng hôm nay nhấn mạnh đến tinh thần của người môn đệ cần phải có khi đi theo
Đức Giêsu.
Nếu
tinh thần của Giacôbê và Gioan là tinh thần nóng nảy muốn báo thù và tiêu diệt
khi bị dân làng Samaria không tiếp đón, thì tinh thần mà Chúa Giêsu muốn các
tông đồ phải có đó là lòng bao dung tha thứ và cứu sống. "Con Người đến
không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta".
Đối
với Chúa Giêsu quyền lực và khả năng Chúa ban không phải để chấn áp hay giết
hại lẫn nhau cho hả cơn giận, nhưng là để phục vụ và dung hòa những xung đột
khi xảy ra. Chính vì thế Chúa Giêsu đã không chọn cách ứng xử nóng nảy trả đủa
ngay lập tức theo thói đời như Giacôbê và Goan. Trái lại Người mời gọi các ông
phải có lòng nhân từ tha thứ và khôn ngoan tìm con đường khác để lên
Giêsusalem.
Xin
cho chúng ta có được tinh thần quảng đại bao dung của Chúa để tránh được những
xung đột đáng tiếc xảy ra trong gia đình chúng con; nhất là biết bình tỉnh
trước những điều trái ý xảy ra trong đời sống mà khôn ngoan giải quyết cách êm
đẹp theo ý Chúa muốn.
Thánh Augustino từng nói: "Tình yêu có đôi chân đi đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân". Điều này đã được thánh Vinh Sơn Phaolô minh chứng rõ nét qua những việc làm bác ái cụ thể trong đời sống của ngài.
1. Đôi dòng tiểu sử
Vinh Sơn đệ Phaolô sinh ngày 24 tháng 4 năm 1580, là một vị thánh của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ngài
sinh tại Pouy, Landess, Gascony, nước Pháp trong một gia đình nông dân nghèo
khó. Lễ kính ngài trước đây là ngày 19 tháng 7 nhưng hiện nay được cử hành vào
ngày giỗ của ngài 27 tháng 9 hằng năm.
Vinh Sơn thụ phong linh mục năm 1600 và lưu trú tại
Toulouse cho đến khi đi Marseille để nhận thừa kế. Trên đường về từ Marseille,
ngài bị người Turk cướp và bắt cóc đưa đi Tunis và bị bán làm nô lệ. Sau khi
cảm hoá người chủ để trở thành một Kitô hữu, linh mục Vinh Sơn được trả tự do
vào năm 1607.
Sau đó, ngài quay trở lại Pháp và nhận nhiệm sở tại một
giáo xứ gần Paris. Ngài đã thành lập các dòng từ thiện như Tu Hội Nữ Tử Bác Ái,
với sự cộng tác của bà Louise de Marillac, và Tu hội Truyền giáo hay còn được
gọi là Lazarist.
Khi được vua Louis XIII bổ nhiệm làm Tổng Tuyên úy của
những tù nhân khổ sai chèo thuyền chiến, ngài có cơ hội để cải thiện đời sống
những tù nhân ở Pháp.
Thánh Vinh Sơn Phaolô qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660
tại Paris thọ 80 tuổi.
Vào năm 1705 tu viện trưởng Tu hội Truyền giáo
Lazarists đề nghị tiến hành hồ sơ phong thánh cho đấng sáng lập. Vào ngày 13
thánh 8 năm 1739, Vinh Sơn Phaolô đã được Đức Giáo Beneđictô XIII phong chân
phước và ngày 16 tháng 6 năm 1737 ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong
ngài lên hàng hiển thánh. Năm 1885 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đặt ngài làm bổn
mạng bổn mạng hội Nữ tu sĩ Bác ái. Đồng thời ngài cũng trở thành thánh bổn mạng
của hội Nam tu sĩ Bác ái.
2. Những nét nổi bật trong đời sống
+ Đầu tiên là việc phục vụ cho những người nghèo khó: Cuộc
đời của Ngài, ngay từ hồi còn thơ ấu đã nổi rõ nét là một con người đầy vị tha,
bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo khó. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn
Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu
của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: Bề trên
Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vị của một mục tử, thánh
Vinh Sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan. Ngài yêu
thương các người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc
biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ. Lời Chúa trong bài giảng tám
mối phúc thật (x. Mt chương 5), đã được Ngài thực hiện cách tận căn: đi và dậy
người ta bước đi trên con đường hiến chương nước trời. Ngài đã sống tận cùng
lời Chúa: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng
kẻ bị tù đầy v.v...(x. Mt chương 25).
Chúa đã dậy mọi người bài học yêu thương. Yêu thương
tận cùng và yêu thương không ngừng. Chính Chúa đã sống tận cùng sự yêu thương
bằng cái chết trên thập hình. Chết mới nói lên lời. Trên thập giá, Chúa đã nói
lên tất cả: yêu thương và tha thứ. Chúa đã trở nên nghèo, để sống với người
nghèo. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã yêu thương người nghèo, những kẻ bơ vơ vất
vưởng, đầu đường xó chợ, không nhà không cửa. Theo gương Chúa, thánh Vinh Sơn
Phaolô đã luôn cứu giúp người nghèo, sống như người nghèo trong việc phục vụ,
lao động để gần gũi Chúa. Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa. Sống như người
nghèo là sống như Chúa. Gặp gỡ người nghèo là gặp gỡ Chúa.
+ Thứ đến là lo cho những người nghèo khó có các mục tử
coi sóc. Chính vì thế mà năm 1625, ngài đã sáng lập ra Tu hội “Linh mục
thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ
theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là
những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của thánh
nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng
hành với người nghèo của ngài. Việc phục vụ những người nghèo khó theo tinh
thần Tin Mừng đã trở thành một linh đạo sống cho những ai muốn hiến thân phục
vụ người nghèo trong Chúa Kitô.
Theo Ngài, con đường nên thánh phải được khởi đi từ
việc nhận ra hiện
thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo: “…
Chính chúng ta phải cảm nghiệm được điều đó, cũng như phải xử sự như Đức Kitô
là quan tâm đến những người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả
thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm
môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của
họ…”
Việc phục vụ người nghèo đối với Thánh nhân, không phải
theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà phải được xuất phát từ chính con
tim biết hiểu
hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh
Phaolô tông đồ, khi Người nói: "Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”
Đức ái với những người nghèo trong linh đạo của thánh
Vinh Sơn Phaolô còn hệ tại ở việc hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu
cấp thiết nơi những người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi
chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em
phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).
Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta một tấm gương sáng
trong việc phục vụ những người nghèo khó mà Chúa luôn yêu thương họ.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Thứ
tư: Lc 9,57-62
Tin
mừng hôm nay cho chúng ta biết về những điều kiện mà Chúa Giêsu mong muốn nơi
người môn đệ chân chính của Người:
Người
thứ nhất: tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu.
Nhưng Chúa Giêsu cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản: không
nhà cửa, không tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải phiêu bạt khắp nơi. "Con
chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu". Không
biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.
Người
thứ hai: Chúa Giêsu lại kêu gọi: "hãy
theo Ta". Nhưng điều kiện anh ta đưa ra là: "xin cho phép
tôi đi chôn cha tôi trước đã". Một điều kiện xem ra rất cấp thiết và
phù hợp với đạo làm người, không ai có thể chối cải được. Nếu theo Chúa mà phải
bỏ cha mẹ và không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất
hiếu, không xứng đạo làm người sao xứng đáng làm môn đệ của Chúa được. Ấy vậy
mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi: "Hãy để kẻ chết chôn
kẻ chết, phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Chắn chắn là
Chúa Giêsu không hề xem thường đạo hiếu bởi trong 10 điều răn, thì ngay sau 3
điều răn đầu nói về bổn phận với Chúa thì điều răn thừ 4 Chúa dạy phải thảo
kính cha mẹ. Nhưng nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và
kính; giữa đạo làm người và làm con Chúa; nhất là giữa việc Chúa và việc con
người; giữa ý Chúa và ý ta thì ta phải ưu tiên cho Chúa. Việc rao giảng Nước
Thiên Chúa là việc làm tối quan trọng vì đem đến niềm vui tin mừng cứu độ đến
cho con người nên phải là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà
Chúa Giêsu đã quyết liệt đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta
có theo Chúa Giêsu hay không.
Người
thứ ba: cũng xin theo Chúa Giêsu với điều kiện
là cho phép anh ta về từ giã gia đình trước đã. Nhưng Chúa Giêsu không đồng ý
với lý do đó, Người nói :"ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng
thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Nếu theo Chúa mà còn vướn
bận chuyện gia đình, còn lưu luyến bởi những tình cảm thân quen thì khó lòng mà
dốc toàn tâm toàn lực cho Chúa và nước trời được. Do đó Chúa Giêsu đòi hỏi anh
ta phải dứt khoát từ bỏ những vướn bận ấy mới xứng đáng làm môn đệ Người. Cuối
cùng ta cũng không biết anh ta có theo Chúa hay không.
-
Tóm lại: Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần
hay từ từ, nhưng Chúa đòi ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó
đời mình cho Chúa và Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận
trần thế... là những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng nếu không vượt lên
những thứ ấy để dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ
không xứng đáng làm môn đệ đích thực của Chúa.
Xin
Chúa cho chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta
để sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta cho những giá trị
của Tin mừng.
Thứ
năm: Đn 7,9-10.13-14 (Kh 12,7-12a); Ga 1,47-51
KÍNH
TỔNG LÃNH CÁC THIÊN THẦN MI-CA-EN, GÁP-RI-EN VÀ RA-PHA-EN.
Hiệp hành cùng Giáo Hội, hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ mừng kính các tổng lãnh Thiên
Thần: Micaen, Gabrien và Raphaen. Các ngài là tạo vật cao quý do Thiên Chúa tạo
dựng. Nhưng vì mang tính thiêng liêng nên ta không thấy được. Các
ngài được diễm phúc túc trực ngay bên tòa Thiên Chúa để ca khen, chúc tụng và tôn vinh TC. Đồng thời các ngài cũng là sứ giả được Thiên Chúa, được sai đến với con người nhằm thông truyền những ý định của Thiên Chúa, cũng như cứu giúp con người chống
lại sức mạnh của ma quỷ.
Xin
cho chúng ta luôn yêu mến và năng tưởng nhớ đến các Tổng Lãnh Thiên Thần và liên kết mật thiết với các ngài để chống lại những cám dỗ do ma quỷ gây ra.
Dựa
vào nền tảng Thánh Kinh, GH dạy cho ta biết: TC tạo dựng vũ trụ này gồm 2 thế giới. Thế
giới hữu hình vật chất và một thế giới vô hình thiêng liêng. Và tạo vật quan
trọng nhất được TC dựng nên trong thế giới hữu hình là con người. Còn tạo vật cao quý nhất được TC tạo nên trong thế giới vô hình là các Thiên Thần.
Thánh Kinh cũng mạc khải cho biết có vô số các Thiên Thần, trong đó gồm có thần lành là các Thiên Thần và thần dữ là Luxiphe. Luxiphe cũng là tổng lãnh Thiên Thần nhưng vì đã bất tuân và chống lại Thiên Chúa nên gọi là Satan.
Các Thiên Thần chính là những sứ giả thần linh phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ con người.
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với Nathanael về sự hiện hữu và hoạt
động của các Thiên Thần trong thế giới, trong GH và trong cuộc đời của mỗi
chúng ta. Khi nói: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở
ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”
Có
vô số các Thiên Thần nhưng Thánh Kinh chỉ nhấn mạnh đến tên ba vị Tổng Lãnh
Thiên Thần là Micael, Gabriel và Raphael. Cả 3 tổng lãnh đều có âm cuối
là “el”. Trong tiếng Do Thái là “El” có nghĩa là Thiên Chúa.
-
Tổng lãnh thiên thần Micael. Tiếng Do Thái có nghĩa “ai bằng Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài
là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và
xúi dục con người chúng ta hướng chiều về ham muốn ấy như nó (x. St 3); Vì thế Satan
luôn cám dỗ con người đứng dưới cờ nó để tranh giành quyền ảnh hưởng thay cho Thiên
Chúa.
Sách
Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên
thần trong cuộc chiến đấu chống lại Luxiphe (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế,
ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân
đạp đầu con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.
Trong
truyền thống GH còn tin rằng ngài là vị đặc biệt bảo vệ Mình Thánh Chúa, bảo vệ
Đức Giáo Hoàng và GH. Ngài cũng luôn hiện diện với những người đang hấp hối để
giúp họ chiến đấu trong trận chiến cuối cùng chống lại thần dữ và dẫn đưa các
linh hồn qua đời đến trước tòa Thiên Chúa.
-
Tổng lãnh thiên thần Gabriel. Tiếng Do Thái có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả truyền đạt
tin vui của Thiên Chúa cho nhân loại. Trong chương 8 của sách ngôn sứ Đa-ni-en, cho biết điều
đó. Trong tân ước ngài mang đến cho con người những sứ điệp của niềm vui trọng
đại qua việc truyền tin cho cho ông Dacaria, cho thánh Giuse và cho Đức Mẹ Maria.
-
Tổng lãnh Thiên Thần Raphael. Tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa chữa trị”. Bởi vì, ngài có
sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài
người. Trong sách Tôbia (Tb 12,15), Ngài là bạn đồng với Tôbia con và đã chữa
mù mắt cho Tôbia cha được sáng. Truyền thống của Giáo Hội hiểu đoạn Tin Mừng
sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy
lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5,1-4) là
hoạt động của Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael.
Như
thế TC dựng nên các Thiên Thần để phụng sự Chúa; đồng thời cũng là để giúp đỡ
con người. Vì thế chúng ta hãy luôn biết kết hiệp mật thiết với các Tổng Lãnh
Thiên Thần để dâng lên TC tâm tình ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn không ngừng. Đồng thời xin cho chúng ta
cũng biết năng tưởng và cầu xin với các Tổng Lãnh Thiên Thần luôn ở bên gìn giữ, che chở và
cứu giúp chúng ta khỏi những cơn gian nan khốn khó.
Thứ
sáu: Nhớ thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ
Suy
niệm 1: Mt 13, 47-52
Như
một ưu ái cho những người sống vùng sông nước nhận ra mầu nhiệm nước trời, Tin
mừng hôm nay Chúa Giêsu lại tiếp tục dùng dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển bắt
cá.
Đây
là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn nói về Nước Trời, được Tin mừng
Matthêu ghi lại ở chương 13. Sứ điệp của dụ ngôn này nhằm nhấn mạnh đến số phận
đời đời của mỗi người chúng ta trong ngày phán xét.
-
Tựa như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt, xấu khác nhau, thì trong
xã hội và GH… cũng đều có những người tốt và kẻ xấu chung sống bên cạnh nhau.
-
Giống như cá bơi lội dưới nước sâu, ta không biết được đâu là cá tốt, đâu là cá
xấu, cho đến khi chiếc lưới được kéo lên bờ, thì ta mới phân biệt được rõ ràng.
Cũng vậy, sống trên thế gian này, ta không tài nào đánh giá được đâu là người
tốt, đâu là kẻ xấu. Nhưng đến ngày tận thế, ngày mà lưới trời chụp xuống trên
thế gian, lúc đó các Thiên Thần sẽ tách biệt ra, thì ta mới nhận ra đâu là người
lành và đâu là kẻ dữ.
-
Cũng giống như số phận của những con cá được kéo lên bờ, cá xấu sẽ bị ném ra
ngoài; còn cá tốt thì được bỏ vào giỏ; thì số phận đời đời của mỗi chúng ta
trong ngày phán xét cũng vậy. Ngày đó, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lò lửa không hề
tắt. Ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng”. Còn người công chính sẽ được Chúa
ân thưởng hạnh phúc nước trời.
Nhưng
làm thế nào để ngày phán xét, ta sẽ được vào hưởng vinh quang nước trời? Cuối
đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nói đến điều then chốt, quyết định
số phận của mỗi người trong ngày phán xét, đó là có biết học hỏi và đem lời
Chúa ra thực hành hay không. Việc hiểu lời Chúa và đem ra áp dụng vào đời sống
hiện tại cũng “giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái
mới lẫn cái cũ”.
Như
thế thì học hỏi lời Chúa là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng
nhất vẫn là đem lời Chúa ra thực hành, thì mới xứng đáng được Chúa ban thưởng
hạnh phúc nước trời.
Xin
cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria luôn biết để tâm lắng nghe lời Chúa dạy và
tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hiện tại nơi trần gian này.
Nhờ đó mà ta mới hy vọng được vào chung hưởng phần phúc vinh quang cùng với các
thánh và Mẹ Maria trong nước trời mai này.
* Ngày 30/09: THÁNH GIÊRÔNIMÔ, LINH MỤC,TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Nói về thánh Giêrônimô, không Kitô hữu nào không
nhớ câu nói nổi tiếng của Ngài: “Không biết Thánh Kinh là không biết
Chúa Kitô”. Và để mừng kỷ
niệm 1600 năm ngày mất của Thánh Gieronimo ( 340- 390 ) Linh mục, tiến sĩ Hội
Thánh, Đức Thánh Cha Phanxico ban hành Tông Thư Scripturae Sacrat Affectus (Lòng
Yêu Mến Kinh Thánh) gửi đến mọi Kitô hữu, nhất là những Kitô hữu giáo dân Việt
Nam vì rất ít giáo dân VN quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi và truyền bá Lời
Chúa chứa đựng trong kho tàng Thánh Kinh.
Vậy nhân ngày kính vị thánh đặc biệt này, chúng ta tìm hiểu đôi chút về ngài qua nguồn tgpsaigon.net:
A.
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Giêrônimô
sinh vào khoảng 347 trong xứ Dalmatia.
Lớn lên
Giêrônimô du học ở Roma, học chuyên về sử và triết lý.
Giêrônimô có
công tìm kiếm và mua sắm nhiều sách rất quí giá.
Lúc học ở
Roma, Giêrônimô sống hơi buông thả một chút những lúc nào cũng giữ được lòng
kính sợ Thiên Chúa.
Chính Đức
Giáo Hoàng Liberrio rửa tội cho ngài.
Sau khi học
xong, Giêrônimô có đi một vòng qua nước Pháp đến thành Trèves.
Cuối cùng thì
Giêrônimô sang và ở luôn tại Antioche trong xứ Syria. Thời gian ở đây đánh dấu
một bước ngoặt rất quan trọng trong việc hình thành ơn gọi nơi ngài. Ngài đã
được chịu chức linh mục tại đây. Một đêm kia người mơ thấy Chúa hiện ra với
mình.
Chúa hỏi:
- Giêrônimô,
con là ai vậy?
Ngài trả lời:
- Con là con
của Chúa, con là người có đạo.
Chúa trả lời
lại:
- Nói láo!
Phải nói con là của Cicêrô mới đúng.
Giêrônimô
hiểu là ý Chúa muốn trách mình quá say mê Cicêrô - Cicêrô vừa là một nhà văn
vừa là một nhà hùng biện rất nổi tiếng ở Roma - nên Giêrônimô quyết tâm sửa
mình lại.
Ngay sau đó
Giêrônimô bắt đầu học tiếng Hy lạp và Do thái với một mục đích duy nhất để có
đủ khả năng dịch sách Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Latinh.
Trong thời
gian này Giêrônimô được Đức Thánh cha Damsus gọi Ngài về Roma một thời gian để
làm thư ký riêng cho Ngài. Và cũng chính ở đây mà Ngài đã bắt đầu một công
trình có một tầm vóc hết sức quan trọng cho Giáo hội: Ngài bắt đầu dịch Kinh
Thánh bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh.
Ở Roma được
một thời gian, có lẽ vì cảm thấy Roma không phải là chỗ thích hợp cho công việc
quá đặc biệt này cho nên Ngài đã trở lại xứ Palestine, vào sống một cuộc đời
thầm lặng trong một tu viện ở Belem. Ngài sống tại đây suốt 34 năm trời...vừa
tiếp tục học hỏi, tra cứu thêm để phục vụ Chúa trong các tác phẩm chống lạc
giáo và nhất là để hoàn thành việc chuyển ngữ toàn bộ bộ Kinh Thánh sang tiếng
Latinh.
Sau này chính
Công Đồng Triđentinô đã tu sửa bản dịch này và đến nay vẫn được coi là văn bản
chính thức của Giáo hội Công
giáo Rôma.
Ngài là bạn
rất thân của thánh Augustino. Chính thánh Augustinô cũng đã có nhiều lần nhắc
đến Ngài như một người bạn và như một bậc thầy.
Theo cuốn
niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420, hưởng thọ 92
tuổi tại Bethlehem.
Mặc dầu qua
đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới
công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính
thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng
Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với
thánh Grêgôriô cả, thánh Âu Tinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây
phương.
B. BÀI HỌC.
1. Dám hy sinh vì Chúa.
Bỏ cả sở
thích riêng của mình. Khi được Chúa “cảnh cáo” dù chỉ là trong một giấc mơ,
Giêrônimô đã sửa lại lỗi lầm của mình ngay. Đây là một điều rất khó nhưng
Giêrônimô đã làm được.
Hy sinh cả
cuộc đời cho Lời của Chúa. Chúng ta hãy cứ tưởng tượng xem một công trình lớn -
là công trình chuyển ngữ Kinh Thánh tử tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh- như vậy
mà hầu như chỉ có một mình ngài thực hiện thì thời giờ và công sức phải bỏ ra
lớn đến mức độ như thế nào.
Để có một
chút so sánh thì chúng ta hãy nhìn vào Giáo hội Việt Nam của chúng ta. Giáo hội
công giáo Việt Nam đã tạm gọi là đã có hơn 4 thế kỷ nay. Vậy mà chỉ mới đây
chúng ta mới có một tin vui là nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh cho ra đời trọn bộ Kinh
Thánh bằng tiếng Việt đầu tiên. Trước đây đã có một số bản những bản này có quá
nhiều hạn chế và thiếu sai sót.
Phải đợi
nhiều năm trời Giáo Hội Việt Nam mới có được bộ Kinh Thánh có tầm cỡ và xứng
đáng như thế.
Vậy mà một mình Thánh Giêrônimô đã làm được công
việc vĩ đại đó. Giáo hội dùng bản dịch của Ngài suốt từ thời đó cho đến nay.
Điều đó đã tự khẳng định về tầm quan trọng và chỗ đứng của nó trong lịch sử
Giáo hội.
2. Tiếp đến Thánh Giêrônimô đã biết chọn
thật đúng nhu cầu của Giáo hội và đã làm hết sức mình để đáp ứng lại nhu cầu đó.
Vào hoàn cảnh
lúc bấy giờ, người ta đã thấy thời đại của văn hóa Hy lạp đang suy tàn và thời
đại văn minh Tây phương đi lên.
Phải nói
Giêrônimô là một con người rất thức thời.
Hiểu được những nhu cầu của Giáo hội và đáp ứng lại một cách hết sức tốt đẹp.
Đây là bài học chung cho cả Giáo hội. Công đồng Vaticanô khi cho chuyển ngữ các
bàn văn Phụng vụ bằng tiếng Latinh sang tiếng địa phương cũng nhắm chiều hướng
này.
Hơn nữa ngày
từ năm 1933 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI mà thánh Giêrônimô đã nghĩ đến
việc phát động phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh thì phải coi đây là
sáng kiến và công việc hết sức mới mẻ mà mãi về sau Giáo Hội mới thấy sự sức
cần thiết của công việc này. Bởi vậy, khi nhắc đến huân công và thiên tài dịch
bộ Kinh Thánh của ngài, giáo sư M.J. Lagrange, một nhà nghiên cứu và chú giải
Thánh kinh nổi tiếng của Giáo Hội hôm nay đã viết rằng: “Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc
nhân loại”
Chúng ta hãy
xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến Lời Chúa với tất cả tấm lòng của chúng ta .
Xin được kết thúc bằng lời chú
giải của thánh Ép-rem, phó tế, về sách Tin Mừng tổng hợp.”Lạy Chúa, ai nào hiểu
nổi dù chỉ một lời trong các lời Chúa phán. Như những kẻ khát nước uống nơi
mạch suối, chúng con bỏ đi nhiều hơn là thu vào, bởi lẽ lời Chúa có muôn màu
muôn vẻ, tuỳ theo nhận thức khác nhau của những người học hỏi. Chúa tô điểm cho
lời Người bằng nhiều màu sắc, để ai học hỏi đều tìm thấy ở đó điều mình ưa
thích. Người thiết lập nhiều kho tàng châu báu trong lời của mình, để ai trong
chúng ta khai thác ở đâu thì nên giàu ở đó.
Lời Chúa là cây sự sống cung cấp
cho bạn quả phúc từ mọi phần cây, tựa như tảng đá xưa trong sa mạc đã nứt ra để
ban nước thiêng cho mọi thành phần dân Chúa, như thánh Phao-lô tông đồ nói : Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, cùng uống một thức uống
linh thiêng. Vậy ai lãnh được phần nào trong kho tàng của Chúa thì
đừng tưởng trong lời Chúa chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng phải nghĩ rằng mình chỉ thấy
được có một trong nhiều điều chứa chất ở đó. Cũng đừng vì chỉ gặp được và lãnh
nhận có một phần đó thôi mà coi nhẹ và bảo rằng lời Chúa nghèo nàn và cằn cỗi,
nhưng bởi không thể lãnh hội hết nên hãy cảm tạ vì sự phong phú của lời Chúa.
Bạn hãy thưởng thức món bạn ăn và
đừng buồn vì bạn không ăn hết được. Kẻ khát thì vui khi được uống và chẳng buồn
vì không uống cạn được suối. Hãy để suối làm cho bạn đã khát, chứ đừng để cơn
khát của bạn uống cạn suối, vì nếu bạn hết khát mà suối không cạn thì khi bạn lại
khát, bạn có thể uống nữa. Còn nếu như bạn hết khát mà suối cũng cạn luôn thì
việc bạn uống cạn suối sẽ trở nên tai hoạ cho bạn.
Hãy cảm tạ vì những gì bạn đã nhận
được và đừng buồn vì phần còn lại quá nhiều. Cái bạn đã lãnh và đã tìm được là
phần của bạn; ngoài ra cái còn lại là gia nghiệp bạn sẽ được hưởng. Điều mà
trong một giờ bạn không lãnh được vì bạn yếu đuối thì bạn vẫn có thể lãnh nhận
trong những giờ khác, nếu bạn kiên trì. Đừng vì tà ý mà cố gắng uống một hơi
cho cạn cái không thể uống cạn một hơi, cũng đừng vì ngu dốt mà không uống cái
bạn có thể uống từ từ. Amen.
Lạy thánh
Giêrônimô, xin mở miệng chúng con để chúng con luôn ca ngợi và nói lời Chúa vì
chỉ lời Chúa mới làm cho chúng con đi đúng đường và hạnh phúc.
Lm.Giuse Đinh
Tất Quý
Suy
niệm 2: Lc 10,13-16.
Đức
Giêsu là Thiên Chúa làm người. Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, giàu lòng
thương xót với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập tắt; cây
lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao Người lại quở trách nặng
lời với các thành: Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum? Để hiểu được điều này,
chúng ta hãy để tâm lắng nghe lời Chúa nói với chúng ta trong bài tin mừng hôm
nay.
Chúa
Giê-su xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin
Mừng, mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
Những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum là những thành được diễm
phúc nghe lời giáo huấn của Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng
những người ở đây lại lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám
hối, canh tân đời sống mà lại khước từ những lời giáo huấn của Chúa. Thế là
Chúa phải thốt lên những lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”.
Giả như Chúa đến rao giảng cho những thành dân ngoại như Tyrô và Siđon thì hẳn
họ đã chú tâm lắng nghe mà ăn năn sám hối từ lâu rồi. Vì thế mà Chúa cho biết
trong ngày phán xét những thành đó sẽ được xét xử khoan hồng hơn những thành đã
được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối.
Vì
sao dân chúng ở những thành này lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa.
Có thể vì họ quá biết về Chúa Giê-su. Một người xuất thân từ một gia đình nghèo
ở một làng quê hẻo lánh, là con của một bác thợ mộc tầm thường... Do bởi cái
nhìn định kiến như thế nên họ đã không nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
Cũng rất có thể họ tự hào mình là dân riêng của Thiên Chúa, là con cháu của tổ
phụ Abraham, đương nhiên họ sẽ được Thiên Chúa nâng lên đến tận trời.
Có
thể những lời khiển trách của Chúa Giê-su dành cho những thành như Corozain,
Bethsaiđa hay Capharnaum cũng là những lời dành cho chúng ta hôm nay. Bởi
nhờ bí tích Rửa Tội, chúng được Chúa chọn làm dân riêng của
Chúa, được diễm phúc lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy, nhất là được đón nhận
chính Mình và Máu Chúa vào trong cung lòng. Thế nhưng đời sống của chúng ta
nhiều khi chẳng khác gì một người không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Lắm
khi ta cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa, mưu mô xảo quyệt theo kiểu người
đời, cũng như dễ dàng khước từ những lời giáo huấn của Chúa và GH để sống theo
ý riêng của mình.
Xin
Chúa cho chúng ta biết nhận ra những lầm lỗi, thiếu sót của mình để khiêm tốn
đón nhận những lời hướng dẫn của Chúa qua giáo huấn của GH và các vị mục tử mà
thật tâm sám hối về những thiếu sót, tội lỗi của mình để đời sống sao cho phù
hợp với thánh ý của Chúa.
Thứ
bảy: Is 66,10-14c; Mt 18,1-5.10
KÍNH
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU, trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh. Bổn mạng các xứ
truyền giáo.
Dưới
trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền
đoạt lợi quả là một điều đáng trách! Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy
nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài đã không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa
Giêsu: "Ai là người lớn nhất trong nước trời?".
Chúa
Giêsu không trả lời cho các ông biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng ngài cho biết điều kiện cần phải có để được vào Nước Trời. Đó là hãy trở nên như trẻ nhỏ. Không phải Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ hóa kiếp trở lại làm trẻ
nhỏ, nhưng Ngài muốn các ông phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì
trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ, ngay chính. Chúa muốn các môn đệ cũng như chúng ta cần phải mặc lấy tấm lòng đơn sơ, ngay chính như các trẻ nhỏ. Đừng mưu mô, lọc lừa, gian tham
vì bất cứ lý do nào. Biết rằng sống đơn sơ, ngay chính thời nay phải chịu rất
nhiều thiệt thòi, ngay cả bị người đời cho là dại khờ và xem thường nữa. Nhưng đó lại là điều đẹp ý Chúa.
Vì
trẻ nhỏ luôn biết tin tưởng, phó thác. Biết mình bé nhỏ, yếu đuối
không có khả năng sống tự lập nên lúc nào trẻ nhỏ luôn tin tưởng phó thác vào
sự che chở, bao bọc, đỡ nâng của người lớn. Chúa cũng muốn các môn đệ và chúng ta cũng hãy tin tưởng, phó thác
vào tình thương và quyền năng của Chúa, cho dẫu cuộc sống của ta phải đối mặt với nhiều gian
lao thử thách.
Vì
trẻ nhỏ sống khiêm nhường, vâng phục. Trẻ em tự biết mình còn
nhiều thiếu xót nên lúc nào cũng khiêm tốn lắng nghe và làm theo những lời chỉ
dạy của cha mẹ, thầy cô... Chúa cũng muốn các môn đệ và chúng ta cũng hãy có lòng khiêm nhường như Mẹ
Maria, luôn khiêm tốn mở lòng lắng nghe và thực thi thánh ý của Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe
tiếng Chúa qua tiếng nói lương tâm, qua những biến cố vui buồn trong đời sống,
qua sự hướng dẫn của GH, nhất là qua việc học hỏi và suy niệm lời Chúa hàng
ngày.
Tóm
lại, Chúa muốn các môn đệ và chúng ta áp dụng tinh thần của trẻ thơ vào trong đời sống mình.
Ai sống được tinh thần như thế thì mới được vào Nước Trời và xứng đáng được gọi
là người lớn nhất trong nước Chúa.
Đây
cũng là con đường mà chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã áp dụng cho đời
sống mình. Thánh Têrêsa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vỏn vẹn
24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường vào Nước
Trời bằng chính tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Ngài yêu Chúa như một đứa bé yêu mến
cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường.
Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối, nhiều bệnh tật nhưng tình yêu ngài dành cho
Chúa, cho mọi người, đặc biệt là cho các linh hồn trong luyện ngục một tình yêu thật lớn
lao vĩ đại. Ngài thánh hóa tất cả những việc bổn phận hàng ngày bằng một tình
yêu hy sinh, dâng hiến cho sứ vụ truyền giáo và cho phần rỗi các linh hồn.
Noi
gương thánh nữ, chúng ta hãy sống tinh thần bé nhỏ: luôn tin tưởng cậy trông
vào tình thương Chúa; khiêm tốn nhận ra giới hạn của mình để biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo ý Chúa; luôn sẵn sàng hy sinh âm thầm phục vụ mọi người nhất là những người
nghèo khổ với lòng yêu mến chân thành.
Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ, không có Chúa ta chẳng làm được việc gì và nếu chúng con có làm được việc gì đi nữa, tất cả cũng là hồng ân Chúa ban. Xin cho chúng ta hằng biết phó thác cả cuộc đời mình vào bàn tay uy quyền của Chúa tựa như đứa bé nương tựa vào lòng mẹ để tận hưởng hơi ấm tình thương và bình an của Chúa trao ban.
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
“Vâng lời, cầu nguyện và hy sinh” là chương trình sống của Têrêsa. Thánh
nữ có một lòng khao khát chịu đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa. Têrêsa có tinh
thần can đảm của một nữ anh thư đích thực. Thánh nữ viết: “Xin Chúa hãy cho con
được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác-hoặc tốt hơn, cả hai!”
Thánh nữ Tê-rê-sa chào đời ngày 2.1.1873 tại Alençon nước Pháp. Trong gia đình có 5 chị em, Têrêsa là con gái út.
Vào tháng 4.1888, Têrêsa vào đan viện Cát Minh ở Lisieux lúc được 15 tuổi và nhận tên là Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Chúng ta biết
được con đường nội tâm của thánh nữ nhờ vào quyển “Lịch sử một tâm hồn” và “Các
lời nói” do bà chị ruột cũng là bề trên sưu tập. Têrêxa đi vào cái trọn vẹn,
cái vĩ đại: chị muốn yêu mến Chúa Giêsu hơn bất cứ ai trên thế giới; chị muốn
dâng mình cho tình yêu nhân từ của Chúa như của lễ toàn thiêu; chị muốn yêu tất
cả mọi người, như Chúa Giêsu đã yêu. Chống lại kêu ngạo, chị luôn nhận thức
mình hoàn toàn bất lực và nếu có làm được gì, đó là do sức mạnh tình yêu của
Chúa ban cho.
Chị đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con đường thơ ấu”. Chị cũng đã dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh trong Dòng.
Chị
qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến dâng mạng sống
để các linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.
Đức Thánh Cha Piô XI nâng Têrêxa lên hàng hiển thánh năm 1925 và đặt làm thánh quan Thầy cho các xứ truyền giáo.
Đức
Thánh cha Gioan Phaolô II đã tuyên nhận thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến
sĩ Hội Thánh năm 1997. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
Thánh
nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy cho chúng ta biết “con đường thơ ấu” của ngài. Để
theo con đường này, mỗi ngày chúng ta hãy vui vẻ dâng những hy sinh nhỏ mọn của
chúng ta lên Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vượt qua chính mình để đối xử thật
tốt với những người khó tính. Nếu cảm thấy bị tổn thương, thay vì bực mình khó
chịu, chúng ta hãy dâng lên Đức Chúa Giêsu những bực dọc ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét