Lm. Nguyệt
Giang
CHÚA NHẬT
XXXI TN NĂM C
Kn 11,22-12,2; 2Tx
1,11-2,2; Lc 19, 1-10
Suy niệm 1:
“Gặp gỡ Đức
Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh…”, đó
không chỉ là niềm xác tín của cha Tiến Lộc, tác giả của bài hát này. Nhưng trên
hết đó còn là chính sứ điệp của Chúa gửi đến mỗi người chúng ta qua Tin mừng
hôm nay.
Xin cho chúng ta biết
quảng đại hy sinh nhiều thời giờ đến gặp gỡ Chúa để đời ta được Người biến đổi
mỗi ngày nên tốt lành hơn.
Tin mừng mà chúng ta
vừa nghe trình thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu, thủ lãnh những
người thu thuế và là người giàu có. Chính nhờ cuộc gặp gỡ thân tình này đã làm
cho Giakêu biến đổi cách lạ lùng, nhờ đó mà cả nhà ông được ơn cứu độ. Ta cùng tìm hiểu đôi chút về sự biến đổi lạ lùng của Giakêu trước
và sau khi gặp Chúa:
- Trước khi gặp Chúa:
Ông Giakêu là một kẻ
nối giáo cho giặc, vì đã cộng tác với đế quốc Rôma thu thuế đồng bào của mình.
Đây là cái nghề bị người dân khinh bỉ vì nhẫn tâm bòn rút xương máu dân mình,
để làm giàu cho ngoại bang.
Giakêu là thủ lãnh
những người thu thuế nên ông rất coi trọng tiền của, và cũng rất là khinh
người. Nếu cần ông sẽ sẵn sàng ra tay đàn áp bất cứ ai chống đối không nộp thuế
cho ông.
Ông lại là người giàu
có. Sự giàu có của ông chắc chắn là do tham lam trong việc gia tăng mức thuế
hơn luật định để bỏ túi riêng cho mình.
Chính vì vậy mà ông
bị xem là kẻ tội lỗi công khai, được liệt kê chung vào hạng đỉ điếm.
- Sau khi gặp Chúa:
Sau khi gặp gỡ Chúa
Giêsu trong bữa tiệc thân tình tại nhà ông, không biết Chúa Giêsu nói gì? Nhưng
ông lại được biến đổi lạ lùng. Ông trở nên một người quảng đại, cởi mở và sẵn
sàng chi tiền làm tiệc thết đãi Chúa Giêsu, các tông đồ và những người đồng môn
của ông. Ông cũng trở thành người biết tôn trọng lẽ công bằng nên đã mạnh
dạn tuyên bố đền bù cho những ai mà ông đã gây ra thiệt hại “Nếu tôi đã
làm thiệt hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đi xa hơn nữa, ông còn
biết sống tinh thần bác ái, sẵn sàng hy sinh gia sản của mình mà chia sẻ cho
người nghèo “Tôi xin chia nửa gia tài, để bố thí cho người nghèo”.
Đúng là nhờ cuộc gặp
gỡ Đức Kitô mà ông được tái sinh. Giờ đây, ông không còn là kẻ tội lỗi mà là
một con người đạo đức, thánh thiện. Nếu trước đây ông bị mọi người khinh bỉ thì
giờ đây ông lại là một con người đáng thương. Nếu trước đây ông sống bất công,
bất chính thì giờ đây ông biết coi trọng lẽ công bằng và trở thành người công
chính.
Nhờ gặp gỡ Đức Kitô
Đấng “đến và cứu chữa những gì đã hư mất” mà ông và cả gia
đình ông được biến đổi và xứng đáng đón nhận ơn cứu độ như lời Chúa Giêsu xác
quyết: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái
Abraham”.
Ước mong được biến
đổi đời mình mỗi ngày nên tốt hơn là khao khát chính đáng của mỗi chúng ta.
Nhưng để biến ước mơ đó trở thành hiện thực, chúng ta hãy bắt chước ông Gia-kêu
tìm mọi cách để gặp gỡ Đức Giêsu.
Xin cho chúng ta tìm
đến gặp gỡ Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, siêng năng tham dự
bàn tiệc Thánh Thể, kiên trì trong cầu nguyện… Đặc biệt là gặp gỡ Đức Kitô nơi
những người anh em nghèo khổ. Nhờ đó mà đời ta sẽ được Chúa biến đổi và xứng
đáng được Chúa chúc lành. Amen.
Suy niệm 2:
Theo khuynh hướng tự nhiên ai trong chúng ta cũng
thích thay đổi: đổi quần áo mới, bàn ghế mới, xe cộ nhà cửa mới…Nhưng khi nói
đến đổi mới bản thân, cuộc đời thì nhiều người trong chúng ta hơi e ngại, nhất
là những ai lớn tuổi hay đã có công danh sự nghiệp ổn định.
Có nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do lớn nhất đó là
chúng ta không muốn mạo hiểm và cố gắng.
Câu chuyện tin mừng mà chúng ta vừa nghe cho thấy
một cuộc đổi đời đầy mạo hiểm và cố gắng của vị thủ lãnh người thu thuế mang
tên Giakêu. Câu chuyện xảy ra tại Giêrikhô, một thành phố nằm ở phía đông
Giêrusalem, gần biển chết. Đây được xem là một thành phố phồn thịnh, rất đông
dân cư, buôn bán sầm uất thời bấy giờ.
Giakêu lại là người đứng đầu ngành thu thuế tại
vùng đất này, nên nhất định ông khá giả không nói là giàu có. Tuy nhiên ông lại
bị dân chúng khinh dễ, bởi họ xem ông là kẻ tội lỗi công khai và căn nhà của
ông cũng trở nên ô uế chẳng ai muốn đặt chân tới.
Nhưng chính căn nhà này, hôm nay lại được Chúa
Giêsu đề nghị đển thăm và khi Giakeu mở lòng Ngài liền đặt chân tới. Chính nhờ
sự hiện diện của Chúa nơi căn nhà này đã làm nên một cuộc đổi đời đầy bất ngờ
nơi ông Giakêu cũng như các thành viên trong gia đình ông.
Ngoài việc ông mở lòng đón tiếp và mở tiệc ăn
mừng, ông còn khiêm tốn công khai thú nhận tội lỗi của mình trước Chúa. Ông
nhìn nhận cái nghề của ông chắc chắn sẽ có nhiều sai sót nên giờ đây muốn bồi
thường thiệt hại cho những ai mà ông đã làm mất công bằng. Ông hứa không chỉ
bồi thường theo luật quy định mà là gấp 4 lần hơn cả những gì luật đòi buộc.
Đi xa hơn thế nữa, ông muốn thực thi lòng bác ái,
nên ông đã hứa dành phân nữa gia tài của mình để giúp đỡ cho người nghèo.
Về phần Chúa Giêsu, Người không có cái nhìn ác cảm
hay thái độ loại trừ như bao người khác, nhưng Ngài rất nhân từ, bao dung và
cảm thông đối với Giakêu. Ngài đã đến thăm gia đình ông và sẵn sàng dùng bữa
với những người tội lỗi. Trước lòng khiêm tốn và oán cải của Giakêu, Chúa Giêsu
đã thương tha thứ và đã chúc lành cho ông cũng như gia đình ông từ một “nhà
của người tội lỗi” trở nên ngôi “nhà tiếp nhận ơn cứu độ”.
Từ những con người bị mọi người xem là tội lỗi, không xứng danh là con cháu
Abraham nay được Chúa Giêsu phục hồi danh phận xứng đáng trở thành những người
có quyền làm con cháu Abraham, hơn thế nữa được Chúa chúc phúc và xứng đáng đón
nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đối với TC không bao giờ loại trừ và giết chết
nhưng luôn chữa lành và cứu sống: "Ta không muốn kẻ gian ác phải
chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 33, 11).
Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó: “Ta
không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội
lỗi." (Mc 2,17). Chỉ
cần Giakêu mở lòng quy hướng về Chúa với lòng khiêm tốn ăn năn sám hối thì liền
được Chúa bao dung tha thứ và cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết tin tưởng vào tình
thương và quyền năng Chúa để mở lòng đón Chúa vào tâm hồn và cuộc đời mình. Nhờ
sức mạnh và ân sủng Chúa cuộc đời chúng ta mới có thể được biến đổi nên tốt
lành thánh thiện hơn, hầu xứng danh là con Chúa và đáng hưởng ơn cứu độ do Chúa
thương ban.
Suy niệm 3:
Hôm qua nay tôi có đề cập đến hai bài hát xem ra
phần nào phù hợp với chủ đề của phụng vụ lời Chúa tuần này. Đó là bài "Biến
đổi đời con" của LM Thái Nguyên; bài thứ hai “Gặp gỡ Đức
Kitô" của Lm Tiến Lộc. Chiều hôm nay tôi muốn đề cập thêm một bài
hát nhạc đời của cố nhạc sị Xuân Hồng, có tựa đề là “Đôi Mắt”.
Tôi xin hát một đoạn cho quý ông bà và anh chị
nghe qua để chúng ta đi vào chủ đề của sứ điệp lời Chúa hôm nay.
Mẹ cho em đôi mắt sàng ngời,
để nhìn đời và để làm duyên.
Đời cho em đôi mắt màu đen,
để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn,
là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt,
là tuyệt tác của thiên nhiên.
Qủa vậy! đôi mắt thật tuyệt vời vì là tuyệt tác
của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người. Đôi mắt ví như cửa sổ tâm hồn, bởi lẽ
mọi tâm tư, tình cảm, ước muốn đều bắt đầu từ cái nhìn của đôi mắt. Đôi mắt là
lý do làm cho tâm hồn ta xao động nên có lời bài hát: "Chính đôi
mắt này năm xưa lạc vào hồn tôi, khiến tôi không ngủ bên đèn mờ khói thuốc
bay". Tuy nhiên, bên cạnh đó đôi mắt cũng lại là nguyên cớ gây vấp
phạm, khiến tâm hồn ta đau khổ, lòng nuôi hận thù mà tìm cách xa lánh nhau.
Tin mừng chúng ta vừa nghe, hướng về những đôi mắt
với những cái nhìn khác nhau:
1. Cái nhìn của đám đông dân chúng:
Họ cho rằng Giakêu là người tội lỗi vì làm nghề
thu thuế nên họ có cái nhìn ác cảm, khinh bỉ và loại trừ ông.
Họ cũng nhìn thấy nơi Chúa Giêsu hay giao du với
người tội lỗi, ăn uống với những người thu thuế nên có lần họ đã lên án Chúa
"là tay ăn nhậu". Và hôm nay khi tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu đi đến
nhà Giakêu và đồng bàn với với ông họ kiền lẩm bẩm xầm xì với nhau: “Ông
này lại trọ tại nhà một người tội lỗi.”
Thật chua xót! Bởi người đời thường chỉ nhìn bề
ngoài nên không hiểu được con tim nhân hậu của Chúa và tấm lòng muốn oán cải
của Giakêu.
2. Cái nhìn của Giakêu: Ban
đầu ông chỉ nhìn Đức Giêsu là đấng hiền lành, khiêm nhượng và thương người. Ông
đã từng nghe nói về Đức Giêsu có khả năng chữa bệnh cho người cùi, cho người
què, kẻ điếc người câm và làm sáng mắt cho anh mù Bartimê nên ông có cái nhìn
ngưỡng mộ và khao khát được nhìn thấy Chúa. Nhưng sau khi gặp gỡ được Chúa ông
lại đổi cái nhìn. Từ hâm mộ đến tin tưởng Đức Giêsu chính là Đấng Messia và là
đấng cứu độ mà muôn dân hằng trông đợi. Từ đó ông cũng làm thay đổi cái nhìn
của ông về tiền bạc của cải. Với ông của cải tiền bạc giờ đây không còn quan trọng
nhất mà là chia sẻ và trao ban. Ông tuyên bố sẽ bồi thường cho những ai ông đã
làm thiệt hại gấp 4 lần và sẵn sàng bán gia tài của mình để chia phân nửa cho
người nghèo. Đúng là lùn về thể xác nhưng cao cả về tâm hồn. Nhỏ về thể lý
nhưng to lớn về tình người.
3. Riêng với Đức Giêsu: Ngài không
nhìn Giakêu như đám đông đã nhìn. Bởi ngài không nhìn bên ngoài mà là bên
trong. Cái nhìn của Ngài là cái nhìn yêu thương và cứu chữa. Chúa Giêsu nhìn
thấy lòng chân thành và ước muốn oán cải của Giakêu. Thật vậy, sau khi gặp gỡ
Giakêu và biến đổi đời sống của ông thì Chúa liền tuyên bố: “Hôm nay ơn
cứu rỗi đã đến cho nhà này, bởi chưng người này cũng là con cái của Abraham.” (Lc
19,9).
Câu chuyện của Giakêu nói với chúng ta rằng: cho
dẫu chúng ta ở đâu, làm gì, thì Chúa vẫn thương ta, Chúa vẫn tìm kiếm ta và chờ
đợi ta. Phần chúng ta cũng hãy mau mắn đến với Người.
Ngày hôm nay, nhân loại đang dần chay cứng con tim
và thoái hóa về tinh thần bởi những giá trị vật chất lên ngôi nên nhiều người
không còn cái nhìn giống Chúa nữa. Tình thân ái, bao dung nơi con người bị phá
sản bởi con người hay nhìn nhau bằng "cặp mắt mang hình viên đạn" do
chính lòng ích kỉ, ghen ghét, hận thù gây ra.
Ước mong chúng ta biết nhìn nhau bằng ánh mắt yêu
thương của Chúa nhờ đó ta biết tôn trọng tha nhân, không khinh khi bất cứ ai kể
cả những người đầy tội lỗi. Xin cho chúng ta biết thực thi lời thánh
Phaolo dạy: “Vui với người vui, buồn với người buồn.” Đừng bao giờ vui khi thấy
người khác khổ, đừng mừng khi thấy người bên cạnh khốn khó. Đừng khó chịu khi
thấy người khác thành công; biết coi nỗi khổ người khác là của mình để hy sinh
giúp đợ tận tình nhằm tháo gỡ những khó khăn đau khổ cho anh em mình.
Nhìn cái nhìn của Chúa để ta nâng dậy những ai vì
hoàn cảnh nào đó mà phải đi xa đường lối Chúa. Amen
Thứ hai: Lc 14, 12-14
“Như trời cao hơn đất thế
nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt
trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 5, 9). Đó cũng là sứ điệp mà
lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. Xin Chúa uốn lòng chúng ta
giống như trái tim Chúa, để chúng ta cũng có cách suy nghĩ và hành xử giống như
Chúa.
Gần đây rong khu vực nông thôn rộ
lên phong trào tổ chức đám tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ chạp… người ta
còn bày ra nhiều lý do khác để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật…nói
chung người ta tìm đủ mọi lý do để tổ chức tiệc. Thì ra người ta thích tổ
chức tiệc tùng là nhắm đến lợi nhuận kinh tế trong thời buổi "củi quế gạo
châu". Vì thế, những thực khách được nhắm đến thường là những người có
tiền và có địa vị trong xã hội. Còn những người nghèo thì ít khi người ta nghĩ
tới để mời dự tiệc.
Đó cũng chính là mưu tính của vị
thủ lãnh người Biệt Phái mà Chúa đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Để lên
án đầu óc tính toán vụ lợi, Chúa Giêsu đề nghị ông ta cần phải loại bỏ tính ích
kỷ và lòng tham lam tiền mà hãy quan tâm đến những người nghèo khổ. Vì thế Chúa
đề nghị ông ta và mọi người khi dọn tiệc nên “mời những người nghèo
khó, tàn tật, què quặt và đui mù”. Làm được như vậy, ta sẽ được phúc vì sẽ
được người nghèo biết ơn ở đời này và được Chúa ban thưởng hạnh phúc ở đời sau,
khi những người công chính sống lại đền ơn.
Để cụ thể hóa lời dạy của Chúa
Giêsu, ĐTC Phanxicô đã thiết lập ngày “Thế giới người nghèo” hàng năm. Với mục
đích để các cộng đoàn Kitô hữu “trở nên dấu chỉ cụ thể, rõ ràng cho tình yêu
thương của Chúa Kitô, đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất”.
Xin cho chúng ta biết đáp lại lời
mời gọi của Chúa và GH mà thể hiện lòng yêu thương người nghèo bằng những
việc làm thiết thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo; học hỏi “sứ điệp
ngày thế giới người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh lễ cầu nguyện
cách đặc biệt cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các khu xóm; chầu
Thánh Thể và suy niệm Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón nhận và chia sẻ.
Đó chính là phương thế để ta đạt đến sự trọn lành và xứng danh là môn đệ
Chúa Giêsu.
Thứ ba 01/11: KÍNH
TRỌNG THỂ CÁC THÁNH NAM NỮ
Kh 7,
2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a
Suy niệm 1: CON
ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC THẬT
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta
hướng vọng lên cao để chiêm ngắm vinh quang rạng ngời nơi các thánh Nam Nữ. Các
ngài đã trung thành bước theo Chúa đến cùng trên con đường “Tám mối phúc thật”,
dẫu phải chịu nhiều đau thương thử thách. Nên các ngài xứng đáng được Chúa ân
thưởng hạnh phúc nước trời.
Dâng thánh lễ hôm nay, một mặt
chúng ta chúc tụng ngợi mừng các thánh; mặt khác chúng ta cũng không quên xin
ơn Chúa ban cho chúng ta niềm tin yêu và lòng trung tín để dấn bước trên con
đường 8 mối phúc thật theo gương các thánh, với niềm hy vọng sẽ được chung niềm
vinh phúc cùng với các ngài trong nhà Cha trên trời.
Ở đời luôn có hai mặt thật và
giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy
nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền
lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại
thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.
Xã hội ngày nay, nhiều người cho
rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 (một là vợ đẹp, hai là con ngoan (chứ
không phải như bảng hiệu đề: Mỗi gia đình 2 con vợ, chồng hạnh phúc), ba là
nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu). Thế nhưng thực tế cho
thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh
phúc thật.
Như thế thì tiền bạc của cải, vật
chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu
xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta
phải làm gì để có hạnh phúc thật?
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật. Đó
chính là thực thi 8 mối phúc thật.
Điều đáng nói là con đường 8 mối
phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của
con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu
chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của
cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra
là sống tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ hay hy sinh mạng sống mình vì chính
đạo, để phục vụ tha nhân và làm chứng cho những giá trị của tin mừng của Chúa.
Con đường 8 mối phúc không phải
là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính
Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có hạnh
phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức
Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến
thân cho tha nhân bằng tình yêu.
Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng
kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước vào con đường 8 mối phúc mà Chúa Giêsu đã
vạch ra và đã hâm hở tiến bước với lòng đầy tin tưởng, nên tất cả đã đi đến
đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang nước trời do Chúa tặng ban.
Mừng lễ các Thánh Nam Nữ, ngoài
việc chúng ta tôn vinh chúc tụng các ngài là cha ông, bạn bè, người thân… của
chúng ta đã đi trọn con đường 8 mối phúc và nay đã khải hoàn vinh hiển trong
vinh quang; chúng ta còn phải nỗ lực nên thánh giữa đời theo gương các ngài,
với niềm xác tín như Thánh Augustinô: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi
tại sao lại không được?”.
Xin các thánh nam nữ ngự bên tòa
Chúa hằng nguyện giúp cầu thay cho chúng ta được luôn can đảm bước theo con
đường các ngài đã đi, bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu
vạch ra, nhờ đó chúng ta mới có thể đạt được điều mà chúng ta hằng khao khát là
hạnh phúc đích thật. Amen.
Suy niệm 2: NÊN
THÁNH LÀ ƠN GỌI VÀ ĐÍCH ĐẾN
Có thể nói tháng 11 là tháng GH mời gọi chúng ta
tích cực nối mạng:
Nối mạng với trời qua việc chiêm ngưỡng vinh quang
của các thánh nam nữ để noi gương, bắt chước.
Nối mạng với đất qua việc nhìn xuống các đẳng linh
hồn nơi luyện tội mà giúp đỡ các ngài, bằng cách làm thật nhiều việc lành phúc
đức với mong muốn giúp đỡ các ngài sớm được thanh luyện nên trinh trong, hầu
xứng đáng được bước vào nước trời tận hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu cùng các
thánh.
Hôm nay, GH mời gọi chúng ta ngước vọng lên trời
cao để chiêm ngắm vinh quang rạng ngời của các thánh để chúc mừng, ngợi khen
các ngài, bởi vì sau cuộc hành trình bước theo Chúa trên con đường 8 mối phúc
thật với lòng trung tín, nay các ngài đã được Chúa ân thưởng hạnh phúc viên mãn
trong nhà Cha trên trời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin các ngài thương
nguyện giúp cầu thay cho chúng ta bên tòa Chúa, cho chúng ta cũng được kiên
trung và vững vàng bước theo Chúa Kitô trên con đường 8 mối phúc thật như các
ngài, với lòng tin tưởng và phó thác cho dẫu có phải trải qua nhiều gian lao
thử thách, với hy vọng cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc trong nước trời mai
này.
- Bài I: Ðoạn sách Khải
huyền chúng ta vừa nghe có ý an ủi những tín hữu trong thời kỳ bị bách
hại. Những con số được nêu ra trên đây chỉ là tượng trưng cho một đoàn lũ đông
đảo những người đã được cứu rỗi nhờ máu của Con Chiên, tức là giá máu cứu chuộc
của Chúa Giêsu.
- Bài II: Thánh Gioan nhắc nhở
chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa; cũng như ý thức rằng chúng ta
được nhận biết Thiên Chúa đó là nhờ và qua Giáo Hội.
- Bài Tin mừng hôm nay chỉ dẫn
cho chúng ta biết cách làm thế nào để nên thánh. Con đường nên thánh
được Chúa Giêsu vạch ra qua con đường 8 mối Phúc Thật, đây
được xem là bảng hiến chương nước trời do chính Chúa Giêsu long trọng công bố.
Con đường đó đòi hỏi nơi chúng ta chấp nhận hy sinh, gian khổ và đón nhận những
thử thách trong đời sống đức tin.
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng
kính trọng thể lễ các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta
càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh cùng thông công trong Giáo Hội.
Mỗi khi suy niệm về mầu nhiệm các thánh cùng thông công, chúng ta lại
càng đặt niềm tin tưởng và hy vọng vững vàng hơn vào ơn cứu độ của Thiên Chúa,
nhờ tình liên đới giữa các kitô hữu trong Hội Thánh Người.
- Các thánh là những con người
như chúng ta. Trước khi là thánh, các ngài đã là người nên cũng đã trải
qua nhiều gian lao đau khổ. Đó cũng chính là con đường Chúa
Giêsu đã kinh qua khi mang thân phận con người như chúng ta ngoại trừ
tội lỗi để cứu độ chúng ta.
- Các thánh nam nữ là những con
người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian, các ngài cũng có những tham sân
si, cũng kiêu căng từ mãn, cũng giận hờn ghen ghét, cũng tham lam và có
những ham muốn bất chính, cũng mang nơi mình những tội lỗi không khác gì
chúng ta. Nhưng các ngài đã biết tin tưởng, cậy trông vào tình thương và ân
sủng của Chúa nên các ngài đã quyết tâm đứng lên, đã sám hối và làm
lại cuộc đời. Các ngài cũng can đảm chiến đấu và vượt thắng
được những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được Chúa ân thưởng niềm hạnh
phúc thiêng đàng, cùng Đức Mẹ Maria và các thiên thần trên thiên quốc.
- Các thánh nam nữ thuộc đủ
mọi thành phần như chúng ta, có những vị làm vua, có vị làm
quan, làm bác sĩ, kỹ sư, thấy giáo, nô lệ; có vị làm giáo hoàng, giám mục, linh
mục, phó tế, và sĩ nam nữ v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành
phần giai cấp trong xã hội, và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng các ngài đã có
một mục đích chung là nỗ lực nên thánh, phải trở thành bạn hữu với Thiên Chúa
trong chính bổn phận sống hằng ngày của mình.
- Các thánh nam nữ là những người
như chúng ta, nhưng các ngài đã biết kiên nhẫn bước đi theo con đường
“Tám Mối Phúc Thật”, sống triệt để hiến chương nước trời do Chúa Giêsu ban hành
ngay tại trần thế này.
1. Các ngài giàu có nhưng đã sống
tinh thần siêu thoát khó nghèo vì Nước Trời.
2. Các ngài bị người khác vu oan
giá họa nhưng vẫn hiền lành bao dung với họ.
3. Các ngài đã chia vui với người
vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
4. Các ngài mong muốn được trở
nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa
cho thỏa lòng.
5. Các ngài biết thương xót
người, tức là biết chạnh lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được
Thiên Chúa xót thương.
6. Trong các ngài cũng có người
sống trong danh vọng, lây nhiễm bụi trần với những đam mê của kiếp người, nhưng
các ngài đã giữ được tâm hồn trong sạch, vì thế các ngài được nhìn thấy Thiên
Chúa.
7. Các ngài đi đến đâu là đem
bình an của Thiên Chúa đến nơi đó; các ngài được gọi là những người biết kiến
tạo hoà bình, nên các ngài xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa.
8. Các ngài bị bắt bớ, bị đánh
đập, bị tra tấn, bị tù đày... vì các ngài sống và tin vào Đức Chúa Giê-su, Đấng
đã và sẽ ban phần phúc Nước Trời cho những ai tin cậy vào Người, nên các ngài
đã được Chúa ban thưởng Nước Trời làm gia nghiệp sau khi từ giã cõi đời này...
Anh chị em thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con
người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh, thì chúng ta cũng có
thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc âm và là
mục đích sống của chúng ta, những Kitô hữu. Và nói như thánh Augustinô:
"Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?".
Xin Đức Mẹ Maria, các thánh nam
nữ trên thiên đàng cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta, là những người đang trên
đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài, biết quyết tâm đổi mới đời
sống, biết đứng dậy khi ngã quỵ trong tội, nhất là biết hy sinh phục vụ và tha
thứ cho nhau vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương nhau, với niềm hy vọng vào sự
sống đời đời theo gương các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay. (St)
Suy niệm 3: PHÚC THẬT
Ý tưởng của
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Ngày đầu tiên của tháng 11,
Hội Thánh mừng kính tất cả các thánh Nam Nữ đã và đang được Chúa trọng thưởng
trên trời.
Có bốn lý do để Hội Thánh
lập lễ này:
1. Các thánh quá nhiều,
không thể mừng mỗi vị một ngày riêng. Chỉ tính 25 năm đầu triều đại giáo hoàng
của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên đến 476 hiển thánh, 1315 chân phước. Mỗi
năm chỉ 365 ngày. Nếu mừng mỗi ngày một vị thánh, chỉ tính thời Đức Gioan
Phaolô II, đã không đủ ngày, huống hồ là suốt hơn hai ngàn năm. Bởi con số
những vị thánh trong Hội Thánh là nhiều vô kể.
2. Vì không phải mỗi vị
thánh đều được Hội Thánh tuyên phong. Có rất nhiều người được coi là thánh
thiện, nhưng Hội Thánh chỉ tuyên một số vị nổi bậc tiêu biểu cho các nhân đức,
cho ơn gọi nên thánh, để nhờ gương cụ thể của các thánh mà ta có thể học tập,
noi gương đời sống các ngài mà sống nhân đức, sống thánh thiện.
3. Vì vô số các thánh vô
danh, không ai biết đến. Các vị có thể là người thân của ta. Vì thế, ngày lễ
hôm nay là ngày quan trọng nhất, vui mừng nhất của từng người. Vì trong tầng
tầng lớp lớp các vị mà ta gọi chung là các thánh Nam Nữ, có ông bà tổ tiên, những
người cùng lối xóm, bạn bè, ruột thịt… của ta. Các ngài từng sống như ta trong
cuộc đời, nay đi qua cuộc đời và đạt tới ơn cứu độ trong Thiên Chúa.
4. Lễ các thánh Nam Nữ nhắc
ta nhớ tới quê hương thật, là quê hương trên trời. Lễ này giúp ta củng cố niềm
hy vọng hưởng vinh quang bên Chúa như toàn thể các thánh.
Các thánh Nam Nữ cũng giống
chúng ta: Xưa khi còn sống trên trần thế, các ngài cũng đầy bất toàn, cũng
nhiều yếu đuối… Nói cách khác, các thánh Nam Nữ là những con người bình thường
như mọi người. Nhưng điều quan trọng để các ngài được nên thánh đó là những cố
gắng, những nỗ lực, những chiến đấu cam go để nên giống Chúa Kitô: sống nghèo
khó, sống hiền hòa, sống yêu thương. Các ngài ra sức sống trọn vẹn Tám Mối phúc
mà Chúa dạy, để hiến dâng trọn đời, hiến dâng sự trung thành cho Thiên Chúa.
Có những vị thánh công
nghiệp lẫy lừng cả nhân loại đều biết.
Có những vị lại nên thánh
trong lối sống thanh thoát với của cải mau qua, quyết sống nghèo như Chúa
dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”.
Có những vị dành trọn cuộc
sống trần thế, bất kể hiểm nguy, bất kể tù tội… quyết hy sinh chính mình vì
công lý, vì chân lý, vì sự bình an của đồng loại. Các ngài nêu cao tinh thần
bất khuất: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”.
Có những vị mạnh mẽ chấp
nhận chết dể bênh vực Đạo Chúa.
Cũng có vị sống giữa đời
luôn nở nụ cười khả ái với mọi người, không tranh chấp, không đố kị, không hiềm
khích để đêm ngày đón nhận phúc của Chúa: “Phúc cho ai hiền lành”.
Có những vị can đảm chấp
nhận thánh giá của Chúa Kitô hết sức can trường, sống một đời vui trong đau
khổ, để đạt Phúc Thật của Chúa: “Phúc cho ai đau buồn”.
Có những vị trọn đời sống
công chính, không để mình lây bất cứ ô nhiễm nào của cám dỗ, của tội lỗi để nêu
cao các mối phúc: “Phúc cho ai đói khát công chính, phúc cho ai thanh
sạch”.
Chúng ta hãy suy niệm Tám
Mối Phúc Thật và chiêm ngắm tình yêu mà các thánh nêu
gương để bước theo chân các ngài đi vào trời cao.
Các thánh đã theo những nẻo
đường Phúc Thật mà Chúa Kitô giới thiệu, dù rất âm thầm, và đã thành công.
Chúng ta cũng sẽ thành công, khi tiếp tục dõi theo từng bước Chúa Kitô đã lưu
dấu.
Nếu các thánh thành công
khi chọn lựa Phúc Thật để sống, thì chúng ta, khi quyết tâm sống các Mối Phúc,
sẽ thành công như các ngài. Các ngài là gương mẫu dạy chúng ta định hướng đời
mình. Bởi hạnh phúc không bao giờ đến với ai xây dựng đời mình theo tiêu chuẩn
thế gian, mà chỉ dành cho ai dám chọn lựa Phúc Thật như Chúa Kitô dạy.
Nếu xưa, các thánh đã nên
thánh nhờ sống Tám Mối Phúc Thật, thì nay chúng ta cũng nên thánh bằng con
đường Phúc Thật ấy:
- Chúng ta sống tinh thần
nghèo khó bằng sự xa tránh tất cả mọi thứ tham lam bất chính để chỉ
tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa mà thôi.
- Chúng ta sống hiền lành
bằng cách rộng lượng tha thứ cho kẻ xúc phạm mình, và luôn có thái độ an hòa,
vui tươi khi đến với anh chị em.
- Chúng ta chấp nhận mọi
thử thách trong đời. Đó là cây thập giá mà chúng ta tình nguyện vác lấy vì phần
rỗi của mình, vì phần rỗi của nhân loại, để theo Chúa Kitô, hiến tế như Chúa
Kitô.
- Chúng ta luôn tìm kiếm
chân lý Nước Trời, tìm kiếm sự thánh thiện, để từng ngày ta hoàn thiện chính
mình hơn trong các nhân đức, trong lòng yêu mến Thiên Chúa.
- Chúng ta tỏ lòng thương
xót, mến yêu, đón nhận anh chị em, đón nhận cả người không thiện cảm,
hay đối nghịch cùng ta, bằng cầu nguyện hằng ngày cho tất cả họ.
- Chúng ta quyết giữ tâm
hồn thanh sạch, để việc thờ phượng Chúa luôn tinh ròng, không vướng chút ô
nhiễm nào, nhất là những cám dỗ đòi ta nô lệ thân xác. Những gì càng cản trở
việc nên thánh, thì càng phải quyết tâm chiến thắng, quyết tâm tránh xa.
- Chúng ta theo đuổi con
đường hiếu hòa. Sống ở đâu, hiện diện nơi nào, nơi đó phải tràn ngập bình an,
tràn ngập niềm cảm thông và yêu thương nhau.
- Chúng ta sẵn sàng tuyên
xưng đức tin, làm chứng đức tin bằng mọi cách thế, nhất là bằng gương lành của
bản thân, để luôn minh chứng đức tin mà Hội Thánh truyền cho ta.
Làm người, ai cũng khát
khao được hạnh phúc, nhưng con người lại bị nhận chìm trong nỗi bất hạnh, vì
không biết cội nguồn hạnh phúc ở đâu. Chúng con tìm hạnh phúc mau qua, bỏ đi
hạnh phúc trường cửu. Chúng con tìm hạnh phúc thế trần, thay vì tìm hạnh phúc
Nước Trời. Xin cho chúng con được khôn ngoan, biết chọn lựa hạnh
phúc mà Chúa giới thiệu hôm nay, đó là con
đường TÁM MỐI PHÚC THẬT.
Thứ tư 02/11: LỄ CÁC ĐẲNG LINH
HỒN
LÀM GÌ ĐỂ
GIÚP ĐỠ CÁC ĐẲNG LINH HỒN?
LỄ CÁC ĐẲNG
LINH HỒN
Để nhắc nhở chúng ta siêng năng
“đi viếng nhà thờ” mà cầu nguyện cho các đẳng linh hồn vào tháng 11, người ta
thường kể cho nhau nghe câu chuyện sau đây:
Ở một Họ đạo nọ, có một người đàn
ông sống đạo rất khô khan nguội lạnh. Ít khi thấy anh ta đi đến nhà thờ để tham
dự thánh lễ một mình. Anh chỉ đi nhà thờ, khi nào đứa con trai cưng bảy tuổi
của anh đòi đi mà thôi.
Số là vào một buổi chiều trong
tháng các đẳng linh hồn, đứa con của anh thấy bạn bè mình đều được cha mẹ dẫn
đi “viếng nhà thờ” để đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời, nó
cũng đòi đi cho bằng được, để cầu nguyện cho ông bà nội đã qua đời.
Sau khi đưa ra hết mọi lý lẽ để
cản ngăn con đừng đi nhà thờ không thành công, anh ta đành phải chiều lòng con
mà đưa nó đến nhà thờ.
Nhưng khi đến nhà thờ, anh không
vào tham dự thánh lễ mà ngồi chờ con bên ngoài hành lang nhà thờ. Anh dặn đứa
con: “Khi nào con đọc kinh xong thì ra, ba sẽ đưa con về!”.
Nhưng vì ngồi chờ quá lâu ở ngoài
nhà thờ, nên anh ta đã ngủ quên và không biết giờ kinh đã xong lúc nào. Trong
khi đang say ngủ như vậy thì anh mơ thấy một đoàn các Thiên Thần đông vô kể, từ
trên trời bay xuống, vị nào cũng ì ạch mang theo những bao chứa đầy những thứ
có màu trắng tựa như bông, lại bốc mùi rất thơm không thể nào diễn tả được. Quá
tò mò, anh chạy theo một vị Thiên Thần và hỏi nhỏ: đó là thứ gì vậy? Vị Thiên
Thần trả lời: đây là “các ơn thánh” mà những người trên trần gian đã tích góp
được nhờ vào việc đọc kinh, lần hạt và đi viếng nhà thờ, nay gửi xuống cho
người thân của họ đang bị giam cầm trong Luyện ngục. Được lệnh của Thiên Chúa
nay chúng tôi đi giao quà. Nghe vậy, anh liền rón rén đi theo các Thiên Thần.
Khi các Thiên Thần đi đến đâu thì
các linh hồn đều rất vui mừng bởi họ đều nhận được thật nhiều quà “ơn thánh” mà
bà con thân thuộc của họ gửi đến cho họ nên ai cũng đều cám ơn rối rít.
Sau cùng, còn lại một món quà nho
nhỏ, các Thiên Thần tìm đến một phòng giam trông rất hoang vắng rồi gõ cửa và
nói: “Này, ông bà cụ ơi, có quà của cháu nội gửi cho ông bà đây, ra mà nhận!”.
Bổng từ bên trong có tiếng vọng ra vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Trời ơi,
chúng tôi mà cũng có người tưởng nhớ tới sao! Bởi vì từ khi chết cho tới nay đã
lâu quá rồi, đâu có ai nhớ đến chúng tôi nữa mà gửi quà! Nhưng thật cảm động vì
hôm nay chúng tôi nhận được món quà hết sức quý giá của đứa cháu nội, ôi hạnh
phúc biết bao!”.
Thật bất ngờ không thể tin vào
mắt mình nữa, bởi vì vừa khi mở cửa ra để lãnh quà “ơn thánh” của đứa cháu nội,
thì anh ta nhận ra đó chính là cha mẹ ruột của anh. Nhưng giờ đây hình dáng của
hai ông bà đã gầy óm và hốc hác đi quá nhiều, trông rất là đau khổ.
Lúc ấy anh thấy hai ông bà hướng
mắt nhìn về anh rồi từ từ tiến lại gần anh với một vẽ mặt rất tức giận. Với cái
gậy đang cầm sẵn trong tay, ông bà đã phang thẳng vào đầu anh một cái thật mạnh
và quát lớn: “Thằng con bất hiếu kia, mi còn mò tới đây làm gì nữa! Mi quả là
đứa con bất hiếu! Mi coi gương đứa con của mi mà từ nay ăn ở sao cho phải đạo
đó!”. Bị đánh một cú quá bất ngờ và đau điếng, anh chàng bèn tỉnh giấc. Khi
ngước mặt lên, anh ta bất ngờ nhìn thấy ông từ trông coi nhà thờ đang đứng
trước mặt anh và la lớn tiếng: “Mi là ai mà giờ này còn nằm trước cửa nhà thờ
ngủ như thế này!”.
Bấy giờ anh ta mới biết là mình
đang mơ. Và cú gậy vừa rồi là do ông từ đánh, chứ không phải ba mẹ anh đánh!
Trên đường lủi thủi về nhà, người
đàn ông ấy đã suy nghĩ thật nhiều về giấc mơ ấy. Cuối cùng anh ta cũng quyết
tâm đổi đời. Từ đó anh ta cương quyết sống đạo tốt hơn, siêng năng tham dự
thánh lễ thường xuyên và lúc nào cũng nhớ cầu nguyện cho cha mẹ anh ta thật
nhiều.
Câu chuyện trên là lời nhắc nhớ
mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là trong
tháng 11 này, vì các ngài đang chờ đợi nơi chúng ta những người còn sống tặng
“quà ơn thánh” cho họ.
Qùa ơn thánh mà những người đã
chết mong chờ chính là những việc làm bác ái yêu thương, là những kinh nguyện
sáng chiều, là những hy sinh phục vụ chân thành và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận
của mình trong gia đình, nơi họ đạo và ngoài xã hội. Nhất là những thánh lễ mà
chúng ta cùng hiệp dâng lên Chúa mỗi ngày với niềm xác tín vào mầu nhiệm các
thánh cùng thông công, nhờ vào tình thương cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
Tin tưởng vào tín điều các thánh thông công, chúng ta hãy tích lũy thật nhiều quà công đức mà gửi tặng các linh hồn nơi luyện tội, trong đó rất có thể là ông bà, cha mẹ, người thân của chúng ta, với niềm xác tín vào lòng thương xót Chúa sẽ thanh luyện các đẳng nên trinh trong, hầu xứng đáng bước vào nước trời chung hưởng niềm vinh phúc cùng các thánh trong nhà Cha muôn đời. Amen.
Suy niệm 2: LỄ I: CÁC
ĐẲNG LINH HỒN (St)
Kính thưa quý ông
bà và anh chị em,
Những ngày đầu
tháng 11 là những ngày chúng ta được mời gọi sống đỉnh cao của mầu nhiệm hiệp
thông trong GH. Hiệp thông trong ân phúc và hiệp thông trong cả tội lỗi.
Nếu hôm qua chúng ta được hiệp
thông với các thánh trên trời nhờ công đức của các ngài, thì hôm nay chúng ta cũng được
kêu gọi để hiệp thông với các đẳng linh hồn trong nơi luyện tội bằng tình bác
ái yêu thương.
Vì thế, trong thánh
lễ này với niềm xác tín vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công và với lòng tin
tưởng vững vàng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta hãy dâng những hy sinh,
những việc làm phúc đức cùng những lời nguyện cầu nguyện chân thành lên trước tòa
Chúa.
Xin Chúa thương đón nhận những của
lễ hy sinh chúng con mà tha thứ mọi hình phạt tạm cho
các đẳng linh hồn trong
nơi luyện tội, nhất là linh hồn của ông bà, cha mẹ và bạn hữu của chúng con, để các ngài sớm được dự phần vào vinh quang trong nước trời.
Gói trọn những tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng nhau thành tâm sám hối. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta, để chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
Một triết
gia đã khẳng định: “đã là người đều phải chết. Vậy, tôi là người, tôi
cũng phải chết”.
Chết là cái
đích cuối cùng của một đời người mà ai cũng phải trải qua. Nhưng, khi nói về
cái chết thì nó muôn màu, muôn vẻ, không ai giống ai :
Có người sau
một đêm dài yên giấc, đã từ giã cõi đời và người thân yêu của mình ra đi mãi
mãi, không bao giờ trở lại.
Có người
chết vì già nua ốm yếu, nhưng cũng có người chết trong lúc tuổi trẻ xuân thời;
Có người
chết bởi tai ương họan nạn, nhưng cũng có kẻ chết trong lúc vui vẻ với người
thân, bạn bè;
Có người
chết vì bệnh tật hiểm nghèo, nhưng cũng có kẻ chết vì muốn tự kết liệu đời mình
bởi không tìm được lối thoát trên dương gian...vv.
Quả là cái
chết của con ngươi xảy ra "muôn hình, vạn trạng".
Nhưng, với
niềm tin Kitô giáo thì cái chết sẽ dẫn đưa người ta đến sự sống muôn đời. Hay,
nói khác đi, chết là một cơ hội tốt đẹp nhất dẫn con người ta đến sự sống muôn
đời trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Cả ba bài đọc lời Chúa trong thánh lễ cầu cho các
tín hữu đã qua đời hôm nay đều đề cập đến niềm tin căn bản của người kitô hữu
chúng ta, đó là chết, sống lại và thưởng phạt.
Bài đọc 1 trích sách Gióp, tác giả tin rằng cho
dẫu phải trải qua cuộc đời gian nan thử thách vì phải đối mặt với bao đau khổ,
ngay cả cái chết do ma quỷ gây ra, ông vẫn tin tưởng vào tình thương và sự quan
phòng của Thiên Chúa, đấng có quyền trên sự sống chết con người nên sẽ cứu
thoát ông khỏi mọi hiểm nguy và đưa ông vào cỏi phúc khi ông nhắm mắt lìa
đời: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi
vẫn sống, và sau cùng Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị
tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được
ngắm nhìn người, Đấng mắt tôi nhìn thấy, không phải người xa lạ. Lòng tôi những
tha thiết mong chờ.” (G 19, 25- 27).
Bài đọc 2, trích thư thánh phaolo tông đồ gửi tín
hữu Roma, thánh Phaolo khuyên nhủ mọi tín hữu hãy luôn trông cậy vào TC, bởi
chính TC mới là đấng làm ch con người có niềm hy vọng vào sự sống vĩnh
cửu: “Thưa anh em, trông cậy, không làm
chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ
thánh thần mà người đã ban cho chúng ta... phương chi bây giờ chúng ta đã được
hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của người con ấy.” (Rm
5, 5.10b)
Bài tin mừng của thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Tất cả những
kẻ được Chúa Cha ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống
lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người
Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết.” (Ga 6, 39- 40).
Như thế phụng vụ lời Chúa hôm nay xác quyết cho
chúng ta biết rằng sự sống đời đời của người tín hữu hệ tại ở việc nhận biết,
tin tưởng và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Nhờ đó mà ta sẽ được Ngài cho
sống lại trong ngày sau hết.
Trong thánh
lễ cầu cho các tín hữu đã ly trần hôm nay, chúng ta tin chắc rằng, khi
sống kiếp phàm nhân họ không tránh khỏi những lỗi lầm do cuộc sống đưa đẩy, hay
do những khiếm khuyết của bản thân, nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa rất mạnh
mẽ, không phai nhòa của họ là cơ hội tốt đẹp để Thiên Chúa chấm công và ban
phần thưởng.
Đời sống nơi
dương thế với những ngày dài lê thê và những khổ ải đi theo Chúa của người tín
hữu, nhưng nếu chúng ta biết cố gắng vượt qua với niềm tin vững vàng vào tình
thương và ơn cứu độ của Chúa thì dù có chết về phần xác thì Chúa cũng sẽ cho
chúng ta được phục sinh để bước vào cõi sống muôn đời với Thiên Chúa, vì chính
Ngài đã phán: “Ai tin vào tôi, sẽ sống muôn đời”.
Khi suy niệm
về cái chết của những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta cũng nhớ về thân
phận tro bụi dễ tàn và chóng phai, nay còn nhưng mai mất của
mình. Bởi thế, chúng ta cần chuẩn sẵn sàng mọi tư thế, để khi Chúa có đến
gõ cửa, ta vui mừng đáp lại “này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Ngài muốn con
đi đâu vậy? Con đã sẵn sàng hành lý để đi theo Ngài đây”. Có lẽ khi nghe lời
đáp trả mạnh mẽ như thế, Chúa sẽ mỉm cười và nói với chúng ta rằng: “Ta muốn
con đi theo Ta vào chung hưởng phần gia nghiệp với Ta trong Nước Trời”.
Lạy Chúa,
xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu, chiếu soi
trên các linh hồn ấy. Amen
Thứ năm: Lc 15, 1-10
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng
hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho con
người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà chân thành sám hối để
an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.
Trong quyển sách “Niềm vui sống
đạo”. Tác giả là người tôi tớ Chúa, Đức
cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm
đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:
1. Chúa Giêsu không biết làm toán:
Với dụ ngôn con
chiên bị mất, cho thấy lối cư xử của Chúa Giêsu
tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất
một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại.
Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận
bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng
vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu và những người thân cận đến
chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán!
2. Chúa
Giêsu không sành luận lý:
Chúa Giêsu không những không cân
nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại
với sự khôn ngoan bình thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất,
người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp
đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất
chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung
vui với mình. Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay,
1 đồng rơi thì vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà
đến độ phải làm phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là
thiếu lý luận!
Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết
điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý
do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không
nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không
câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên
cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu
mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.
Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành,
làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí
khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng
qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của
người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng
cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu
cao vời của Chúa.
Xin Chúa cho
chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con.
Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.
Thứ sáu: Lc
16, 1-8
Làm thế nào để trở
thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp Lời Chúa
hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan
Chúa ban để sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho
nước trời.
Quản gia là người được ông chủ
rất tin tưởng trao phó tất cả tài sản cho quản
gia trông coi. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là
vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho
ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm
nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất trung.
Anh ta khôn ngoan vì biết
tận dụng tài sản sẵn có của chủ để thu lợi bất chính cho mình. Đến khi chủ gia
khám phá và có ý định sa thải, thì một lần nữa, anh khôn ngoan nghĩ
ra cách đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có anh nghĩ
ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, với ý định sau khi mất
việc anh được nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà họ.
Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn
bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta đã không
trung thực trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của chủ làm
lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc
luân lý đòi buộc là dùng phương tiện xấu hầu đạt được mục
đích tốt.
Khi ca ngợi hành động
khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý
khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi
chúng ta học nơi người quản gia này biết khôn ngoan chuẩn bị cho
tương lai xa.
Chúng ta đang sống trong những
ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa hôm nay là hồi
chu chuông cảnh tỉnh những ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi
lối sống bất trung với Chúa và gian dối với người kịp thời điều
chỉnh lại cuộc sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng
ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa
ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền
của… để sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho người và cho
nước trời.
CHẦU THÁNH
THỂ THÁNG 11
Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Đã trở thành thông lệ, tháng 11
là dịp tĩnh tâm cuối cùng của anh em linh mục hạt Sóc Trăng chúng con. Đây là
thời điểm thuận lợi để chúng con nhìn lại chặng đường mục vụ đã qua và đưa ra
những dự hướng mục vụ cho năm sắp tới.
Gói gém tất cả chân tình của một
năm qua với bao niềm vui-nỗi buồn; thành công-thất bại; tội lỗi và ân sủng…
chúng con xin dâng lên trước tôn nhan Chúa với tâm tình cảm mến tri ân cùng với
tấm lòng sám hối chân thành. Nguyện xin Chúa rộng lòng nhân từ tha thứ tất cả
những lầm lỗi, thiếu sót của chúng con. Xin Chúa tiếp tục thương ban lời giáo
huấn để hướng dẫn đời sống chúng con.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một
người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của
chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh
hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý
nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức
quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải
liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.
“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người
thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng
dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại
năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người
ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà
viết lại: tám mươi’.
“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành
động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn
khéo hơn con cái sự sáng”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cũng
như bao tín hữu khác, khi bước vào đời, chúng con đã được Chúa trao ban cho rất
nhiều “tài sản” đó là : sự sống, sức khỏe, tài năng, công việc, tiền của … cùng
với trách nhiệm là sinh lợi và làm sáng danh Chúa trên trần gian này.
Riêng đối với anh em linh mục
chúng con, Chúa còn trao ban thêm thánh chức cao quý nữa. Với thánh chức linh
mục ấy, chúng con được vinh dự thông phần cách đặc biệt vào ba chức năng thừa
tác của Chúa là: Tư tế để hiến dâng của lễ cứu độ loài
người. Ngôn sứ để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Và Vương
đế để thiết lập và phục vụ dân mới, dân riêng của Chúa.
Khi trao ban gia sản quý giá ấy
cho chúng con quản lý, Chúa luôn mong muốn chúng con phải trở nên những người
quản lý trung tín và khôn ngoan.
Nhưng lạy Chúa, nhiều khi chỉ vì
chúng con thích chạy theo sự khôn ngoan của thế gian mà đánh mất đi lòng trung
tín với Chúa, tựa như người quản lý bất lương đã được Chúa nói đến trong bài
tin mừng hôm nay.
Khi nhìn lại một năm qua, có lẽ
không ai trong chúng con tự hào mình là người quản lý khôn ngoan và trung tín
trước mặt Chúa. Bởi chúng con đã không trung thành đủ trong các công việc bổn
phận hàng ngày của người mục tử vì nhiều lý do khác nhau:
Có thể do lười biếng nên lắm khi
chúng con đã lơ là trong việc chuẩn bị giảng dạy lời Chúa và dâng Thánh lễ.
Vì mãi mê thế sự với những đam mê
kiếp người nên chúng con dễ dàng cử hành các bí tích một cách chiếu lệ, qua
loa.
Do thiếu nhiệt huyết tông đồ nên
không còn nhạy bén và tích cực thi hành các công tác mục vụ như thuở ban đầu.
Trái tim mục tử lâu ngày trở nên
xơ cứng không còn khả năng hòa nhịp cùng với con tim của những mãnh đời đau khổ
và những gia cảnh đang gặp khó khăn rất cần sự đỡ nâng của chúng con.
Trong khi đó chúng con lại dễ
dàng phung phí thời gian, sức khỏe, khả năng và tiền bạc vào những việc vô ích,
xem ra không phù hợp với lối sống và sứ vụ của mình.
Vậy giờ đây, chúng con xin Chúa
thương tha thứ và giúp chúng con biết tích cực quản lý ơn ban của Chúa một cách
khôn ngoan và trung tín. Nhờ đó chúng con mới có thể làm triển nở tốt đẹp các
ân hụê Chúa ban, nhằm mang lại ích lợi cho bản thân, mọi người và nước trời.
Thứ bảy: Lc 16, 9-15
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời
gọi chúng ta xác định lại chỗ đứng đích thực của đồng tiền để có sự chọn lựa
khôn ngoan cho những giá trị của cuộc sống. Đó là điều thực tế hàng ngày xảy ra
trong cuộc sống nên rất cần chúng ta quan tâm.
Chúng ta đang sống trong đời đại
kinh tế thị trường nên tiền bạc có sức ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống. Nếu
không thức tỉnh chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy kim tiền mà đánh mất những giá
trị cao quý khác, và có nguy cơ loại bỏ TC ra khỏi cuộc sống của mình.
Dẫu biết rằng tiền của thế gian
chỉ là phương tiện chứ không phải là ông chủ. Nhưng vì tiền bạc giúp con người
có được cuộc sống sung túc và thoải mái nên nó có một sức hút rất mãnh liệt.
Nhiều người say mê tiền bạc đến nỗi đặt nó lên làm ông chủ để tôn thờ ngang
hàng với thần thánh “tiền là tiên là phật”. Chính vì đặt tiền bạc vào địa vị
cao nhất đời mình, nên họ dễ dàng loại bỏ tất cả những giá trị cao quý khác. Vì
tiền người ta có thể làm bất cứ việc gì ngay cả tham nhũng, gian lận, bán rẻ
nhân phẩm và giết hại lẫn nhau để có được đồng tiền.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ
cho chúng ta thấy được giới hạn của tiền bạc, và qua đó Chúa mời gọi chúng ta
hãy vươn tới tình bạn hữu và giá trị nước trời: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy
dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ
đón tiếp các con vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16, 9). Đúng vậy, tiền bạc không phải
là ông chủ để ta tôn thờ mà chỉ là đầy tớ để phục vụ cho tình bạn và là phương
tiện vật chất làm bậc thang lót đường để đưa ta đến với nhau và cùng nhau vươn
lên đến tận trời cao. Vì thế mà Chúa Giêsu quyết liệt đòi buộc chúng ta phải có
thái dứt khoát chọn lựa giữa Thần Tài và TC: “Các con không thể làm tôi
TC mà lại làm tôi tiền của được!”.
Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình và đặt Chúa làm vị trí trung tâm và cao nhất trong các chọn lựa của đời sống Chúng ta. Để cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, chúng ta vẫn trung thành với Chúa Đấng đáng chúng ta yêu mến và tôn thờ.