Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN C

Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8

Suy niệm 1:

Ba việc đạo đức cao quý mà tôn giáo nào cũng xem trọng và dạy các tín hữu phải tích cực thực hiện trong đời sống đạo, đó là cầu nguyện, ăn chay và bác ái. Phụng vụ lời Chúa tuần này nhấn mạnh đến việc cầu nguyện và cầu nguyện kiên nhẫn. Nhờ cầu nguyện mà ta nối mạng gắn kết chặt chẽ với Chúa, nhận ra thánh ý Chúa và qua đó kín múc được năng lực ơn thiêng của Chúa mà chu toàn tốt ơn gọi và sứ vụ của mình trong đời sống hàng ngày.

Phải nói rằng cầu nguyện chính là biểu lộ đức tin. Có tin mới cầu xin. Tin ít thì cầu xin ít, tin nhiều cầu xin nhiều. Tin vững vàng thì cầu xin kiên trì. Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Nói cách khác là liệu Ngài có còn thấy con người cầu nguyện khi ngày quang lâm đến chăng?

Với hình ảnh Mô-sê dang tay cầu nguyện kiên trì trong bài đọc 1 và bà góa kiên nhẫn cầu xin trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải luôn chuyên chăm cầu nguyện. Bởi lẽ kiên trì cầu nguyện chính là dấu hiệu thể hiện niềm tin kiên vững vào Thiên Chúa.

Kiên trì là gì? Kiên trì là: bền bỉ, giữ vững, không bỏ.

- Bền bỉ cầu xin như như người đàn bà góa bất hạnh trong bài tin mừng hôm nay. Tin tưởng và kiên nhẫn cầu xin như ông Mô-sê, như người đàn bà ngoại giáo Cannaan (x.Mt 15, 21-28); hay như thánh nữ Mônica đã hơn 20 năm kiên nhẫn cầu nguyện cho chồng, cho con. Tất cả những lời cầu xin tha thiết, chân thành với lòng tin tưởng ấy đều được Chúa nhận lời.

- Nếu bà góa kiên vững đặt hết niềm tin vào lời cầu xin của mình ở nơi ông quan tòa vô tâm, thì chúng ta càng phải kiên tâm giữ vững niềm tin vào lời cầu xin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Một Người Cha quyền năng nhưng rất giàu lòng thương xót. 

- Nếu ông quan tòa bất chính kia còn đáp lại nguyện vọng chính đáng của người đàn bà góa, nhờ vào lòng kiên trì không chán nản bỏ cuộc của bà ta, thì Thiên Chúa, người cha nhân ái của chúng ta, chắc chắn sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin liên lỉ chính đáng của con cái mình. Nhưng điều quan trọng là liệu lòng tin chúng ta có đủ mạnh để kiên trì cầu xin hay là chúng ta dễ dàng nản lòng bỏ cuộc?

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết biểu lộ lòng tin của mình cách mạnh mẽ qua việc cầu nguyện kiên trì. Để khi vui hay lúc buồn, thành công hay thất bại, mưa hay nắng, mạnh khỏe hay đau yếu… lúc nào chúng con cũng gắn kết với Chúa mật thiết qua lời cầu nguyện.

Xin cho chúng con cũng ý thức cầu nguyện là nhu cầu rất cần thiết cho đời sống đức tin tựa như hơi thở cần cho sự sống vậy. Amen.

 

Suy niệm 2:

Nếu điểm nhấn của phụng vụ tuần trước là tạ ơn, thì chủ đề của phụng vụ lời Chúa tuần này là cầu nguyện luôn. Cầu nguyện là cách biểu tỏ niềm tin của người kitô hữu và là phương thế liền kết mật thiết với Chúa chính nguồn mọi ơn phúc. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để niềm tin của chúng ta mỗi ngày được củng cố thêm vững mạnh hơn.

Câu chuyện: Có một bà cụ quê mùa nhưng rất có lòng đạo đức. Nhà bà quá nghèo phải ăn đong từng bữa. Một hôm hũ gạo nhà bà chẳng còn hạt gạo nào, nhưng bà không biết phải lo liệu cách nào. Bà ra đứng trước bàn thờ và thành tâm cầu xin Chúa ban cho gia đình bà có lương thực hằng ngày.

Một chàng thanh niên vô thần nhà kế bên nghe thấy điều bà cầu nguyện, liền lấy một bịch gạo quăng sang nhà bếp của bà. Khi vừa trông thấy bịch gạo, bà liền dâng lời tạ ơn Chúa vì đã mau đáp lời bà cầu xin.

Thấy vậy, chàng thanh niên liền nói vọng sang: “Bà ơi, không phải Chúa ban cho bà đâu, bịch gạo đó là của cháu đấy! Chẳng có Chúa nào đã ban gạo cho bà đâu”.

Nghe vậy, bà cụ lại ngước mắt lên trời và lớn tiếng nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì đã xui khiến anh chàng Giuđa này đem gạo đến cho con. Qủa thật, Chúa có nhiều cách để thi ân giáng phúc cho con. Con xin tạ ơn Chúa.”

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cách kiên trì.

Bài đọc 1: Trích sách xuất hành (Xh 17, 8-13)

Trình thuật về thời dân do thái đang tiến vào Đất Hứa. Họ phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Đoạn này thuật cuộc giao chiến với quân Amaléc:

- Môsê giao cho ông Giôsuê dẫn quân đi giao chiến. Phần ông thì ở trên núi giang tay cầu nguyện.

- Khi nào Môsê còn giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế; ngược lại khi Môsê mỏi mệt quá bỏ tay xuống thì quân Israel thua. Người ta mới lấy một tảng đá kê cho Môsê ngồi, lại cử thêm hai người giúp Môsê nâng tay lên. Nhờ đó Môsê có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ, và kết quả là Israel đã toàn thắng.

Trình thuật trên muốn nói với ta rằng: chiến thắng không phải do sức mạnh của quân Israel, mà là sự phù hộ của Chúa nhờ lời cầu nguyện kiên trì tha thiết của Môsê.

Bài đọc II: Trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timôtêô.

Phaolô biết mình sắp chấm dứt cuộc đời này nên viết thư cho người môn đệ là Timôtêô để khuyên nhủ anh ta hãy luôn kiên vững trong đức tin qua những gì đã học được từ sách thánh.

Tin mừng: Chúa Giêsu kể về dụ ngôn người đàn bà góa và vị quan tòa vô tâm "Ông chẳng kính sợ TC, mà cũng chẳng coi ai ra gì."  Nhưng nhờ lòng kiên nhẫn đến với ông ta để xin minh oan cho bà. Cuối cùng vị quan tòa vô tâm ấy cũng xét xử cho bà ta vì sợ quấy bị quấy rầy. Và rồi Chúa Giêsu kết luận: " Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người  sao?". Qua đó, Chúa Giê-su muốn dạy các môn đệ cũng như chúng ta "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí." (Lc 18,1) để xứng đáng được Chúa ban ơn cứu độ.

1. Cầu nguyện là gì?

Người Việt Nam chúng ta thường đồng hoá “đọc kinh” với “cầu nguyện”. Thực ra đọc kinh là một cách cầu nguyện, nhưng có nhiều người đọc kinh mà không cầu nguyện vì chỉ đọc một cách máy móc mà không đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Trong khi đó, cầu nguyện lại là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, hiệp thông với Chúa trong thân tình Cha-con khi vui cũng như lúc buồn, khi gặp gian nan khốn khó hay khi hân hoan vui mừng…

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã nói về cầu nguyện như sau: “Đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.” (St Therese of Licieux, Autobiography ..p 25)

Như thế cầu nguyện là cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Chúa trong niềm tin yêu vào Chúa là Cha nhân từ luôn lắng nghe mọi lời nguyện cầu của chúng ta là con cái Người và Ngài sẵn lòng ban phát mọi ơn lành cho chúng ta. Vì thế mà cầu nguyện là việc đạo đức không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu nói riêng, và của cả Giáo Hội nói chung. Cho nên có người sánh ví cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn cũng thật chí lý!

2. Thái độ cần phải có khi cầu nguyện như thế nào?

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không dạy các môn đệ và chúng ta cầu nguyện như thế nào? nhưng Ngài khuyên các môn đệ cũng như chúng ta: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí." (Lc 18,1).

Ngài muốn các tín hữu kiên trì cầu nguyện theo gương ông Mô-sê xưa đã quì giang tay suốt cả ngày để xin Chúa cho quân Ít-ra-en được thắng trận (Bài đọc 1). Hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin viên quan toà “không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời”, để nhờ ông ta minh oan. Nhờ sự kiên trì mà cuối cùng bà góa này cũng được quan tòa minh oan (Bài Tin Mừng).

Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, ngay cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta, như trường hợp một người đàn bà Canaan kiên trì cầu xin Chúa chữa cho đứa con gái khỏi bị quỷ ám. (x Mt 15,21-28).

Vậy nếu kiên trì cầu xin với sự xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa thì tin chắc sẽ được Chúa nhậm lời, như Đức Giêsu đã xác quyết: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ.” (Lc 18,7-8a)

Câu chuyện sau đây minh họa cho thái độ đúng đắn khi cầu nguyện: Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty đang xây dựng.

Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện, do một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống chắn ngang các cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này:

Người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà này đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ bị sụp đổ khi động đất mạnh.

Người thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty, anh ta có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng, anh liền quỳ gối xuống lần chuỗi Mân Côi thật sốt sắng để cầu xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp.

Người thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty. Anh là người có đức tin trưởng thành đã bình tĩnh khi sự cố bất ngờ xảy ra. Anh ta âm thầm cầu xin Chúa như sau: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này? Và “Sau đó anh lấy búa và đục trong giỏ đồ nghề mang sẵn theo, rồi bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thĩ thưa chuyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức để đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con sớm thoát được ra bên ngoài".

Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui được ra ngoài an toàn.

Câu chuyện trên cho thấy thái độ cầu nguyện của ba hạng người: người thứ nhất không có đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề.

Người thứ hai có đức tin thụ động: Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin cho người khác.

Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động: tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức cần phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố kèm theo lời cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là thái độ và cách thức cầu nguyện đúng đắn nhất và đẹp lòng Chúa hơn cả mà chúng ta cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Như vậy, cầu nguyện không phải là cầu xin cách vụ lợi cho chúng ta, cũng không phải là nêu ra những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý ta muốn mà không cần phải cố gắng thực hiện, nhưng là thưa chuyện thân tình với Chúa, xin Ngài giúp ta vâng theo thánh ý Ngài theo gương Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn, Ngài đã tha thiết cầu xin: “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Lạy Chúa, chúng con dễ nản chí và thất vọng khi lời cầu xin của Chúng con không được Chúa đáp lời. Xin Chúa củng cố thêm niềm tin cho chúng con để trong mọi hoàn cảnh thuận hay nghịch, vui hay buồn, thành công hay thất bại... chúng con vẫn giữ vững niềm tin mà kiên trì cầu nguyện, để khi Con Người ngự đến, Người vẫn còn thấy lòng tin của chúng con trên mặt đất này. Nhờ đó chúng con xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.

 

Thứ hai: Lc 12, 13-21

Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cho chúng ta biết đâu là lẽ khôn ngoan đích thực của con người. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe lời Chúa dạy và cố gắng làm theo để chúng ta có được sự khôn ngoan đích thực.

Nhân sự kiện có một người trong đám đông xin Chúa Giêsu lên tiếng giúp anh ta chia gia tài với anh mình. Không biết Chúa Giêsu có nhận lời hay không? Nhưng tin mừng cho biết Chúa Giêsu đã tận dụng cơ hội này để hướng đám đông dân chúng cách riêng với anh này nhận ra đâu mới là giá trị đích thực của cuộc sống.

Chúa Giêsu khéo léo dùng hình ảnh của người phú hộ ngu dại để chỉ cho họ thấy 2 quan niệm sai lầm lớn nhất của con người dẫn đến ngu dại là:

- Quan niệm cá nhân chủ nghĩa: Ông phú hộ quan niệm cuộc sống này chỉ có mình ông nên ông luôn đặt cái tôi làm trung tâm vũ trụ. Ông cho rằng thế giới này chỉ riêng mình ông, nên ông nói cho chính ông nghe; ông làm việc thui thủi một mình và hưởng thụ ích kỷ một mình. Ông không nhận ra rằng chung quanh ông còn có rất nhiều người cần phải chia sẻ; ông cũng không nhận ra rằng những gì ông có là nhờ bởi ơn trên ban tặng và người khác giúp đỡ. Với quan niệm cá nhân chủ nghĩa như thế đã đẩy ông vào lối sống cô đơn, cô độc và buồn chán.

- Quan niệm duy vật chủ nghĩa: Ông phú hộ này nghĩ rằng cuộc sống này chỉ có thế giới vật chất duy nhất nên ông mãi mê kiếm tìm và tích trữ của cải. Ông không biết rằng ngoài cuộc sống đời này còn có đời sau; ngoài thế giới vật chất hữu hình còn có thế giới thiêng liêng vô hình. Nơi ấy mới là căn nhà vĩnh cửu là chốn đời đời để nương thân. Nơi ấy không có chổ cho những kẻ thu góp mà chỉ dành cho những ai biết cho đi bằng lòng nhân ái. Bởi lẽ “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 35).

Xin cho mọi người chúng ta cũng ý thức sự mau qua của kiếp người và chóng tàn của thế giới vật chất để lo tìm kiếm giá trị và cuộc sống sống vĩnh cửu mai này, bằng việc tích lũy vào bản thân thật nhiều kho tàng nhân đức nhờ những việc làm bác ái yêu thương.

 

* Nhớ thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, Giám mục, tử đạo.

Pl 3,17-4,1; Ga 12,24-26.

Lời Chúa trong đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta nhớ lại quy luật tự nhiên của đời sống, chết đi để được sống, khi phân quyết: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt.” (Ga 12,24). Dựa trên nền tảng của nguyên tắc này, Chúa Giêsu khẳng định cho chúng hiểu rằng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25).

Thánh Ignatio đã nhận ra nguyên tắc và hiểu được quy luật này nên ngài đã vui lòng dâng hiến đời mình, sẵn sàng chịu chết đau thương vì tin yêu Chúa và GH.

Ngài sinh trưởng năm 50 tại Syria, Inhaxiô trở lại Kitô giáo và sau đó làm giám mục Antiokia.

Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antiokia và buộc các Kitô hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Inhaxiô vì lòng yêu mến Chúa nên đã cương quyết không chối bỏ đức tin mà chấp nhận án tử hình ở Rôma.

Trên đường từ Antiokia đến Rôma chịu tử đạo, GM Inhaxiô đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo. Lá thư thứ sáu ngài gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Và trong lá thư sau cùng, ngài xin các Kitô hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. “Điều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô.”

Ước nguyện của ngài trở thành hiện thực khi chịu tử đạo dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107. Thánh tích của ngài hiện còn lưu giữ tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô ở Rôma.

Có thể nói điều quan tâm lớn lao của thánh Inhaxiô là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Nhưng cao quý hơn cả là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến GM Inhaxiô, nhưng vì niềm tin và tình yêu tuyệt đối ngài dành cho Thiên Chúa. Chính vì niềm tin và tình yêu ấy thì dù ngài có chết thì Thiên Chúa cũng cho ngài sống lại trong vinh phúc.

Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương thánh Ignatio, luôn đặt niềm tin kiên vững vào tình thương và quyền năng Chúa, để dù cho chúng ta có gặp gian nan thử thách, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình, chúng ta vẫn an vui đón nhận bởi ta tin vào lời dạy của Chúa: "ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” 


Thứ ba: Lc 10, 1-9

KÍNH THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ mừng kính thánh Luca, tác giả sách Tin mừng. Chúng ta không biết rõ về quê quán và gia thế của ngài, chỉ biết ngài gia nhập kitô giáo ở Antiokia và qua đời bên Hy lạp. Ngài được thánh Phaolô nhắc đến như người bạn đồng hành trong bước đường loan báo Tin mừng. Ngài chính là tác giả của sách Tin mừng thứ ba và sách công vụ tông đồ.

Đọc những tác phẩm của thánh Luca ta nhận ra được thao thức lớn nhất của thánh nhân là làm chứng niềm vui Tin mừng của Chúa đến tận cùng trái đất theo lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh.

Tạ ơn Chúa vì GH có được một vị thánh tài hoa và nhiệt tâm tông đồ. Tạ ơn Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa là người Cha giàu lòng thương xót.

Xin cho chúng ta biết siêng năng học hỏi TM của thánh Luca để chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Chúa, nhờ đó ta mới có thể loan báo niềm vui Tin mừng của Chúa cách tích cực và hiệu quả.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa.

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại sự kiện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”

Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của mình.

Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai?

Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.

Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.

Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người chúng con hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Luca thao thức sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi nơi. Xin cho chúng con biết cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình theo gương thánh Luca mà hôm nay GH mừng kính.

 

Thứ ba: Lc 12, 35-38

Không ai biết được chữ “ngờ”. Mọi thứ có thể đến với ta rất bất ngờ, nhất là cái chết. Chính vì thế mà trong bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải biết tỉnh thức để sẵn sàng cho những bất ngờ xảy đến trong cuộc đời mình.

Vậy phải làm gì để sẵn sàng trong ngày Chúa đến? Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ chỉ dạy chúng ta. Xin cho chúng ta biết chăm chú lắng nghe lời dạy của Chúa mà tích cực làm theo, để chúng ta không phải ngỡ ngàng và sợ hãi khi ngày Chúa đến bất ngờ.

Tin mừng của thánh sử Luca trong chương 12 muốn mời gọi chúng ta dọn tâm hồn để chuẩn bị sẵn sàng cho sự sống đời sau. Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự sống mai sau, Chúa Giêsu đưa ra khá nhiều điều kiện cần thiết như:

- Tránh xa men giả hình của biệt phái.

- Can đảm làm chứng cho Chúa và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

- Tránh thu tích của cải vật chất đời này mà tin tưởng phó thác vào tình thương Chúa.

- Riêng Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho thấy sự bất ngờ của ngày Chúa đến và kêu gọi chúng ta tích cực chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ấy, bằng cách đưa ra 2 việc làm căn bản của người đầy tớ trung tín:

1. Thắt lưng: ý thức mình là đầy tớ trước mặt Chúa nên lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng làm việc bổn phận phục vụ. Hình ảnh đầy tớ thắt lưng gọn gàng vừa cho thấy tư thế luôn chăm chỉ làm việc, vừa cho thấy tư thế của một người biết loại bỏ những vướn víu làm cản trở cho công việc. Như vậy để chu toàn tốt công việc bổn phận cần phải loại bỏ những vướn bận không cần thiết như ý hướng tiêu cực, những ham muốn bất chính và những đam mê xác thịt… nhờ đó mới có thể chu toàn tốt bổn phận hằng ngày Chúa trao.

2. Cầm đèn cháy sáng: ngọn đèn là biểu tượng đức tin của người Kitô hữu. Cầm đèn sáng trong tay là luôn trung thành sống đức tin. Ngày rửa tội Chúa trao cho ta ngọn đèn đức tin cháy sáng và mong muốn chúng ta hãy giữ vững đức tin ấy đừng để cho phong ba bảo táp dập tắt. Ngọn đèn đức tin muốn được cháy sáng cần phải châm dầu ơn Chúa nhờ cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, tích cực thực hành luật Chúa và GH, nhất là sống bác ái yêu thương.

Ngày Chúa đến thật bất ngờ như người chủ ăn cưới về, xin cho chúng ta ý thức về bổn phận của người đầy tớ của Chúa để ta biết tích cực chu toàn tốt bổn phận của mình và trung thành với Chúa cho dù cuộc sống có xảy ra những thử thách đau thương.

 

Thứ tư: Lc 12, 39-48

Tiếp tục là những lời cảnh tỉnh về ngày Chúa đến bất ngờ và mời gọi chúng ta cố gắng chu toàn tốt bổn phận như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.

Để chuẩn bị cho ngày Chúa đến thật bất ngờ, hôm qua Chúa nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh thức bằng cách chu toàn tốt bổn phận như người đầy tớ chuyên cần. Tiếp tục hôm nay, Chúa nhắc chúng ta ý thức sống tốt vai trò của người quản lý. Người quản lý tốt phải có 2 đặc tính: 1 là trung tín; 2 là khôn ngoan.

- Trung tín: là trung thành và tin tưởng chủ mình. Lòng tin tưởng và trung thành phát xuất từ lòng yêu mến chân thật. Vì yêu mến chủ mình nên người quản lý không bao giờ chểnh mảng hay phản bội chủ mình. Trái lại luôn biết chuyên chăm làm việc bổn phận theo ý muốn của chủ mà không hề kêu ca hay so đo tính toán.

- Khôn ngoan: là người biết phân biệt đúng-sai; tốt-xấu; lợi-hại; chóng qua-bền vững… người quản lý khôn ngoan là người luôn nhạy bén nhận ra đâu là thời điểm thuận lợi để đầu tư và phát triển của cải mà chủ trao phó để sinh lợi cho chủ cách tốt nhất.

Chúa tin tưởng đặt mỗi người chúng ta vào vai trò quản lý của Chúa bằng cách yêu thương trao ban cho chúng ta những của cải quý giá: gia đình, sức khỏe, thời gian, trí tuệ , của cải vật chất và nhiều đặc sủng khác… Chúa mong muốn chúng ta quản lý tốt những của cải quý giá ấy và nỗ lực sinh lợi ra nhiều cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xin cho chúng ta biết quản lý thật tốt những của cải mà Chúa trao phó nhằm sinh lợi thật nhiều cho Chúa và giúp ích cho nhiều người. Nhờ đó mà chúng ta trở thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan xứng đáng được Chúa tin tưởng trao ban dồi dào ơn lành, nhất là kho tàng nước trời mai sau.

 

Thứ năm: Lc 12, 49-53

Sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian là gì? Và tại sao mâu thuẫn lại xảy ra giữa các thành viên sống trong cùng một gia đình? Hai thắc mắc này sẽ được Chúa Giêsu giải đáp một cách rõ ràng qua bài tin mừng hôm nay.

Tin mừng hôm nay chia làm 2 phần:

- Phần thứ nhất nói đến sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Sứ mạng mà Chúa Giêsu nói đến trong bài tin mừng hôm nay là đem lửa xuống thế gian. Lửa ấy là tình yêu, lửa nung nấu của CTT. Nhưng để hoàn tất sứ mạng truyền lửa ấy, Chúa Giêsu sẽ phải trãi qua một phép rửa, đó là chấp nhận chết đau thương để sống lại trong vinh quang.

- Phần thứ hai Chúa Giêsu nói về sự chia rẽ sẽ xảy ra giữa những người trong cùng một gia đình: Chắn chắn Chúa Giêsu không đem sự chia rẽ vào thế gian này bởi vì Người chính là hoàng tử hòa bình. Nhưng sở dĩ có sự chia rẽ là vì con người có quyền tự do tiếp nhận hay từ chối lửa mà Chúa Giêsu đem đến. Chính vì thế mà có sự chia rẽ và chống đối nhau giữa những người thân thuộc sống chung cùng một gia đình.

Nhìn vào tình hình thế giới, ta thấy bóng tối vẫn còn bao phủ con người. Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa sự chết… Trong thế giới văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại thai nhi và đồng bào của mình. Vẫn có đó những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, cộng đoàn và gia đình mình.

Nhìn vào gia đình hôm nay, ta nhận ra có quá nhiều thách đố như: thay đổi môi trường sống, nuông chiều bản thân sống phóng túng, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất cách ích kỷ...đã gây ra những cuộc đỗ vỡ trong hôn nhân làm rạn nứt tình yêu vợ chồng, gây chia rẽ giữa con cái với nhau trong cùng một gia đình.

Sống trong xã hội và gia đình còn dày đặc bóng tối như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phải can đảm thắp lên ngọn lửa của tình yêu tha thứ, lửa của chân lý và sự sống cho dù phải trả giá bằng sự thù ghét, chống đối và bách hại.

Xin cho chúng ta biết can đảm thắp lên ngọn lửa của niềm vui tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến trần gian này. Hy vọng với ngọn lửa bao dung tha thứ, của hy sinh phục vụ, của yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu thắp lên được cháy sáng và lan tỏa khắp nơi, xua tan đi những bóng tối của chi rẽ, đau khổ và chết chóc còn đang bao phủ nơi gia đình và thế giới hôm nay.

 

Thứ sáu: Lc 12, 54-59

Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải nhạy bén nhận ra thánh ý của Chúa qua các dấu chỉ thời đại mà chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe gồm 2 phần:

- Phần thứ nhất: Chúa Giêsu khen ngợi những người Do Thái biết nhìn vào những hiện tượng thiên nhiên đang xảy ra mà tiên đoán thời tiết nóng lạnh, nắng mưa... sắp xảy đến. Nhưng qua đó Chúa Giêsu cũng khiển trách họ vì đã không nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa họ qua lời giảng dạy và những phép lạ Người làm.

- Phần thứ hai: Chúa Giêsu nhắc nhở họ cần phải khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

Với cái nhìn thực tế, Chúa Giêsu nhắc nhở họ hãy bắt chước việc làm khôn ngoan của người sắp phải đối mặt với quan tòa. Anh ta đã biết tận dụng sự khôn khéo vốn có của thế gian mà dàn xếp ổn thỏa mọi việc với đối phương trước đó. Nhờ đó mà anh ta cảm thấy an tâm cho dẫu phải đối mặt với quan quyền.

Dù muốn hay không thì ngày ra trước tòa phán xét cũng sẽ đến với mỗi người chúng ta. Có điều ngày ấy đến rất bất ngờ, ta không biết được. Do đó tốt hơn hết là ta hãy khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ấy.

Xin cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng như những biến cố lớn nhỏ, vui buồn, thành công thất bại xảy ra trong cuộc sống ta. Tất cả những điều đó chính là lời nhắc nhở yêu thương của Chúa gửi đến với mong muốn chúng ta biết ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, siên năng làm việc lành theo ý Chúa muốn, nhờ thế ta không phải lo âu sợ hãi nếu có phải ra trình diện trước tòa Chúa trong ngày phán xét.

 

Thứ bảy: Lc 13, 1-9

Nếu Tin mừng hôm qua Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biết nhạy bén nhận ra những dấu chỉ thời đại, để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trình diện trước tòa Chúa. Thì Tin mừng hôm nay, Chúa chỉ cho chúng ta biết cần phải chuẩn bị hành trang như thế nào cho ngày đó.

Để vững tâm bước vào đời sống mai sau trong niềm vui và hạnh phúc, tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết cần phải trang bị cho mình những gói hành trang như thế nào.

- Gói hành trang thứ nhất là lòng sám hối chân thành.

Để nhắc nhở chúng ta điều này, Chúa Giêsu dùng 2 sự kiện thời sự rất nóng đang gây xôn xao trong xã hội thời bấy giờ. Đó là vụ việc quan Philatô giết mấy người Galilêa, làm cho máu họ hòa lẫn với máu các vật họ tế sinh và sự kiện tháp Silôê đổ xuống đè chết 18 người cách bất ngờ. Nhắc lại hai sự kiện này, Chúa Giêsu muốn cảnh tỉnh những người Do Thái thời bấy giờ, cũng như chúng ta ngày nay hãy thay đổi cái nhìn. Thay vì ta tự mãn cho mình là người công chính mà lên án những người gặp đau khổ, thì hãy khiêm tốn nhận ra những tai họa xảy đến cho tha nhân như là dấu chỉ yêu thương mà Chúa gửi đến nhằm nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn hồi tâm sám hối mà canh tân đời sống hầu được Chúa tha thứ.

- Gói hành trang thứ hai là những việc làm bác ái trong sáng.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả, vừa nói lên lòng yêu thương nhẫn nại của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi như lời Chúa nói: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33, 11); vừa nhằm tạo điều kiện cho những ai đang lầm đường lạc lối có cơ hội quay về nẻo chính đường ngay mà thu tích cho mình thật nhiều công đức nhằm chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng để tiến bước vào nước trời. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại khuyết cáo cách mạnh mẻ: "Nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết giống như vậy".

Xin cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà lo chuẩn bị hành trang tốt nhất cho đời mình. Hành trang ấy chính là biết khiêm tốn ăn năn sám hối chân thành; là sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân trong yêu thương. Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc mai sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...