Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III PHỤC SINH

Lm Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A

Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24, 13-35

“Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình; gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh…”, đó là niềm xác tín chúng ta có được qua sự biến đổi lạ lùng của 2 môn đệ trên đường Em-mau khi gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh mà bài Tin mừng hôm nay nói đến. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ là chúng ta được gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh cách đặc biệt nơi Thánh Kinh và Thánh Thể.  

Xin cho Lời Chúa và Thánh Thể củng cố niềm tin và ban lại cho chúng ta niềm tin và hy vọng, để chúng ta hăng say ra đi loan báo Tin mừng Phục sinh của Chúa cho mọi người như hai môn đệ năm xưa trên đường đi Em-mau.

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay cho ta biết hai môn đệ trên đường Em-mau đã được biến đổi lạ lùng khi nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào:

Trước khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, lòng hai ông chất chứa một nổi buồn chán vô tận vì mộng ước làm quan không thành và hy vọng đổi đời đã tan vỡ. Đời hai ông hoàn toàn lạc mất hướng sống. Tin mừng cho biết hai môn đệ trên đường Em-mau năm ấy, một người có tên là Cleopas, ông còn lại thì không nêu rõ tên, nhưng các nhà nghiên cứu thì cho rằng có lẽ đó là môn đệ Luca, nhưng cũng có thể người môn đệ ấy ám chỉ mỗi người trong chúng ta. Hai ông đã từ bỏ Giêrusalem phồn hoa đô thị với bao kỉ niệm vui buồn cùng với thầy Giêsu và anh em mình trước đây, để giờ đây lê từng bước nặng nề, mệt mỏi trên chặng đường dài 11 cây số để trở về quê nhà. Một ngày họ đi bên nhau cùng với một vị khách lạ mang tên Giêsu, vậy mà hai ông lại không nhận ra người khách ấy chính là Thầy mình chỉ vì mắt hai ông còn bị nỗi buồn đè nặng.

Chính trong lúc đau buồn, thất vọng ấy, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra và đồng hành bên cạnh các ông, Ngài đã dùng Kinh thánh để trò chuyện cùng các ông, Ngài đã tế nhị gợi lại cho các ông những điều Thánh kinh đã nói về Ngài, cũng như những lời Ngài đã tuyên bố trước đây khi còn ở với các ông, Ngài minh chứng cho các ông thấy rằng tất cả những điều ấy giờ đây đã được ứng nghiệm. Nhờ thế mà lòng các ông như cảm ấm lên tia sáng của niềm hy vọng. Cuối cùng trong bầu khí thân tình của bữa ăn chiều tàn, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hoàn toàn mở mắt cho 2 ông khi Người cử hành nghi thức bẻ bánh và dâng lời chúc tụng quen thuộc như xưa. Bấy giờ niềm vui mới vỡ òa và lòng các ông tràn đầy hân hoan vì đã nhận ra Chúa Phục sinh. Lập tức các ông đứng dậy lên đường quay trở lại Giêrusalem để gặp gỡ các tông đồ và anh em bạn bè mình mà chia sẻ niềm vui cho dẫu trời đã tối. Con đường trở về Giêrusalem 11 km ấy giờ đây như ngắn lại, bước chân của hai ông cũng trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát không ngờ!

Trong cuộc sống lữ hành trên trần gian, nhiều khi chúng ta cũng rơi vào tình thế đau buồn thất vọng như hai môn đệ trên đường Em-mau, khi ấy chúng ta cũng không nhận ra Chúa hiện diện trong đời mình. Mặc dù Chúa vẫn có đó, Người hiện diện trong mọi nơi mọi lúc mọi biến cố. Chúa có đó nơi những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày, Chúa vẫn hiện diện nơi những người nghèo hèn, khốn khổ…Nhất là Chúa Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện qua Lời Chúa và nơi bí tích Thánh Thể.

Xin cho chúng ta biết mở rộng lòng đón nhận mọi người, cũng như biết tha thiết khẩn xin “Lời và Thánh Thể Chúa ở lại với chúng ta” mỗi khi trời về chiều, đó là lúc những nổi lo buồn, xao xuyến, thất vọng ập đến chúng ta. Có Chúa trong đời ban ơn thêm sức ta sẽ vượt thắng tất cả. Có Chúa đồng hành ta sẽ có được niềm vui, bình an và hy vọng. Có Chúa ở cùng niềm vui Tin mừng Phục Sinh mà ta loan báo mới có kết quả tốt đẹp. Amen.


Suy niệm 2:

Tin mừng Chúa nhật 3 Phục sinh năm A, giúp chúng ta giải tỏa được một vài thắc mắc quan trọng trong đời sống đức tin như là : Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở đâu? Tỏ ra bằng cách nào? Và làm sao ta có thể nhận ra Người?

1. Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở đâu?

Qua câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau, cho chúng  ta hiểu rằng: Chúa Giêsu phục sinh hiện diện mọi nơi và mọi lúc. Ngài hiện diện trên các nẻo đường; Ngài đã hiện diện tại vùng quê Emmau, Người hiện diện tại nơi ở của 2 môn đệ; Người hiện diện ngay trong bàn ăn…; đồng thời cùng lúc ấy, Người cũng hiện diện tại thành đô Giêrusalem nơi 11 tông đồ đang họp nhau cầu nguyện.

2. Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra bằng cách nào?

Chúa Giêsu Phục sinh đã tỏ hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Người tỏ hiện qua người khách bộ hành với dáng vẻ rất đỗi bình thường. Người tỏ hiện qua những lời được ghi trong Thánh Kinh, đặc biệt là nơi bàn tiệc Thánh Thể trong Thánh Lễ hàng ngày…

Vì lẽ Chúa Giêsu phục sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa, nên Người hiện diện khắp mọi nơi và mọi lúc và qua nhiều cách thức khác nhau. Chính vì thế mà Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên đời chúng ta và hiệp hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường đời, nhất là trong những lúc chúng ta gặp thử thách, đau khổ và thất bại trong cuộc sống như hai môn đệ trên đường đi Emmau.

3. Làm sao để chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh?

Như đã nói trên, một khi Đức Giêsu Phục sinh thì Người không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Cùng một lúc Người hiện diện ở mọi nơi, và trong mọi người, cho nên muốn gặp gỡ Người ta phải liên kết với anh em mình, phải sống tình bác ái với mọi người; phải biết củng cố lại tình hiệp thông với tha nhân bằng cách tích cực tham gia vào lớp học thánh kinh vào lúc 18g30 tối thứ sáu hàng tuần, Chầu Mình Thánh Chúa vào lúc 19g00 tối thứ năm đầu tháng, lần chuỗi Mân Côi vào lúc 19g00 mỗi tối hàng ngày..., ngoài ra còn phải nhiệt tình đóng góp phần mình vào việc xây dựng thăng tiến Họ đạo mỗi ngày nên tốt đẹp hơn. Cách đặc biệt là biết khiêm tốn để tâm lắng nghe Lời Chúa và tích cực tham dự Thánh Lễ. Bởi chính nhờ những cách thế đó, chúng ta mới dễ dàng gặp gỡ được Chúa Phục Sinh trong đời sống hàng ngày của mình.

Nguyện xin Chúa phục sinh hiệp hành và ở lại với chúng con mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chúng con an tâm tiến bước theo Chúa trong niềm vui, bình an  trên hành trình tiến về nước trời. Amen.


Suy niệm 3: 

Truyện: Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn : bệnh tật, rủi ro mất xe, mất tiền bạc… Anh đã nhiều lần xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh đâm ra chán nản và thôi không cầu nguyện và cũng không đến nhà thờ dự lễ nữa.

Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân : hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh.

Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên cạnh nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh. Anh chán nản ngồi nghỉ mệt trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên.

Anh thắc mắc hỏi Người : “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu mà để con phải một mình đương đầu với những khó khăn như vậy?”

Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói : “Con hãy thử nhìn kỹ lại xem hai dấu chân trên cát kia là của ai?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to là của Chúa Giê-su.

Anh lại hỏi : “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con đâu?”

Chúa liền trả lời : “Con ơi, hãy nhớ rằng : Ta luôn ở bên con mọi giây phút trong cuộc đời con. Chính khi con gặp gian nan thử thách là lúc Ta đang bồng con trên cánh tay Ta đó !”

Tin mừng hôm nay trình thuật lại câu chuyện hai môn đệ trên đường trở về làng quê Emmau, lòng của hai ông cũng mang đầy tâm trạng tựa như anh tân tòng của câu chuyện trên. Hai ông trở về quê không mang theo chiến thắng, không mang theo hy vọng, không mang theo bình an, niềm vui rạo rực cho một tương lai tươi sáng; trái lại chỉ mang theo nỗi buồn vô tận, bởi mộng ước xây đời làm quan không thành và hy vọng chức quyền đã vỡ tan, vì Đức Giêsu, vị thầy được dân chúng ca tụng là người công chính, là đấng thánh đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, vị thầy mà hai ông đã từng ngưỡng mộ và bỏ tất cả để đi theo, giờ đây đã bị giết chết và được chôn vùi trong mộ đá.

Hai người môn đệ ấy, một người tên là Cleopas, người còn lại tin mừng không nói tên gì, nhưng các nhà nghiên cứu thì cho rằng đó là môn đệ Luca. Sau khi Chúa Giêsu Chết, hai ông đã từ bỏ Giêrusalem phồn hoa đô thị với bao kỉ niệm và ước mơ đẹp để lê bước trên chặng đường 11 cây số trở về quê nhà. Một ngày họ đi bên nhau cùng với một vị khách bộ hành nhập cuộc. Họ không ngờ vị khách lạ hiệp hành ấy lại là Chúa Giêsu phục sinh, Thầy của mình đi bên cạnh, vì lúc ấy mắt hai ông còn bị che khuất bởi những nỗi buồn đè nặng.

Để giúp hai ông nhận ra mình, Chúa Giêsu Phục sinh đã dùng lời Kinh thánh để trò chuyện với hai ông, Ngài cũng đã gợi lại cho hai ông nhớ những điều Thánh kinh đã nói về Ngài và nhắc lại những lời Ngài đã tuyên bố trước đây khi còn ở với các ông, để chứng minh rằng tất cả những điều đã được tiên báo ấy, nay được ứng nghiệm. Cho dẫu những lời ấy đã làm cho lòng hai ông cảm thấy ấm lên, nhưng hai ông vẫn không nhận ra Chúa.

Cuối cùng trong bầu khí thân tình của bữa ăn chiều tàn, qua nghi thức bẻ bánh và dâng lời chúc tụng quen thuộc của Chúa Giêsu mới làm cho mắt hai ông được mở ra, và đã nhận ra Thầy mình đã thực sự sống lại. Bấy giờ lòng các ông tràn ngập niềm vui. Lập tức hai ông đứng dậy và quay gót trở về Giêrusalem để loan báo niềm vui Phục sinh cho những anh em đồng môn của mình, cho dẫu trời đã về đêm. Con đường trở về Giêrusalem 11 km giờ đây như được rút ngắn, những bước chân của hai ông cũng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn bao giờ hết.

Trong cuộc sống lữ hành trần gian, nhiều khi chúng ta cũng rơi vào tình thế đau buồn thất vọng như hai môn đệ trên đường Em-mau xưa. Đó là những lúc ta gặp thất bại dồn dập thất bại, cay đắng chồng lên cay đắng, thương đau đè lên thương đau, oan khuất kéo theo oan khuất, nó tấn công đời ta tứ phía.... Những lúc đen tối đó, ta cảm thấy bất an, lo sợ vì không còn thấy Chúa đâu cả, tựa như hai môn đệ Emmau và người tân tòng trong câu chuyện trên. Nhưng ta đâu ngờ rằng, Chúa Phục sinh vẫn luôn hiện diện bên ta, Ngài luôn cất bước hiệp hành cùng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống, và có khi Ngài cũng bồng ẳm ta trên bàn tay đầy yêu thương của Ngài để an ủi, nâng đỡ, che chở và ban ơn cho ta. Điều quan trọng là ta có nhận ra Chúa không và có dám đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông vào bàn tay từ ái của Chúa không? Hay chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào những thứ khác không phải là Chúa. Vậy trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta hãy nhanh chóng chạy về phía Chúa. Hãy chấp nhận ngã nhào vào vòng tay đầy yêu thương và quyền năng của Chúa, tựa như em bé sa vào vòng tay người mẹ trong mọi lúc, nhất là khi gặp hiểm nguy vì nó đặt trọn niềm tin và hy vọng vào tình thương của mẹ nó.

Xin Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, bởi lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa.

Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa trợ giúp vượt qua khó khăn của cuộc đời.

Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, chỉ biết tìm kiếm thỏa mãn những đam mê bất chính và dễ chán nản buông xuôi khi gặp thử thách gian nan.

Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.

Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được ơn biến đổi cuộc đời.

Xin ở lại với chúng con, để ban niềm vui và bình an vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa. Amen.

 

Thứ hai

Suy niệm 1: Cv 6, 8-15

Sách công vụ tông đồ thuật lại cuộc tranh luận giữa thầy phó tế Stêphanô với những người thuộc nhóm hội đường, gọi là hội đường của “nhóm nô lệ được giải phóng”, gốc Cyrene và Alexandria, cùng với một số người gốc Cilicia và Asia.

- Nguyên nhân xảy ra tranh luận là vì bất đồng quan điểm, chung quanh vấn đề: đền thờ và lề luật. Khi ấy ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Những lời lẽ khôn ngoan do Thánh Thần ban cho ông khiến cho những kẻ thù ghét ông không thể nào địch nổi.

- Kết quả là khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù Stêphanô. Để hả cơn giận dữ vì đuối lý trước lời lẽ khôn ngoan của Stêphanô, họ đã dùng đến hạ sách là xách động một số người tố cáo gian Stêphanô về tội lộng ngôn, phạm thượng Thiên Chúa và ông Maisen, với mục đích vịnh vào chứng cớ gian dối ấy mà ném đá ông (x. Cv 6,14). Nhưng cho dù họ có dùng sức mạnh của "tâm lý đám đông" hay chiêu trò tiểu nhân bỉ ỏi che đậy chân lý, thì chân lý vẫn không hề bị dập tắt, trái lại vẫn được chiếu sáng rạng ngời tựa như ánh sáng của Thiên Thần chiếu tỏa trên khuôn mặt của vị phó tế Stêphanô can đảm và khôn ngoan như họ nhìn thấy.

Trong đời sống cộng đoàn Họ đạo không thể nào mà không xảy ra những bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề... Những bất đồng này có thể làm phương hại đến tình hiệp nhất. Đây đó, không ít những trường hợp chống đối và tìm cách nói xấu, hạ bệ lẫn nhau.

Xin cho mỗi người trong Họ đạo chúng ta có được cái nhìn khách quan và lòng thiện chí tìm đến sự thật, dưới sự tác động và hướng dẫn của lời Chúa, nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó mà cộng đoàn Họ đạo chúng ta mới có thể tránh được những cuộc cải vả hận thù đáng tiếc xảy ra.

Xin cho cộng đoàn Họ đạo chúng ta luôn biết noi gương cộng đoàn ki-tô hữu đầu tiên, biết từ bỏ ý riêng, chấp nhận hy sinh ích lợi cá nhân để hướng đến lợi ích chung mà xây dựng tình hiệp nhất huynh đệ chân thành.

 

Suy niệm 2: Ga 6, 22-29

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến hai loại thức ăn. Thức ăn nhanh và thức ăn thường tồn. Thức ăn nhanh thì chỉ nuôi sống thể xác nhưng mau qua, còn thức ăn thường tồn thì chẳng những nuôi dưỡng thể xác mà cả tâm hồn; chẳng những bảo đảm sự sống đời này mà cả sự sống mai sau. Nhưng chúng ta lại thích chạy theo lối sống thực dụng nên từ chối chọn lựa thức ăn thường tồn để ăn. 

Xin Chúa cho chúng ta đủ tỉnh táo và khôn ngoan để chọn lựa những giá trị cao quý nhất trong đời sống mình.

Làm việc để tìm kiếm cơm bánh, nuôi dưỡng thân xác là mục tiêu cơ bản nhất của con người. Nhưng con người không chỉ có nhu cầu ăn uống mà con người còn có những nhu cầu khác về tri thức, tinh thần, tâm linh... nữa.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải vượt lên những giá trị tầm thường của cuộc sống mau qua này mà vươn đến những giá trị cao quý vĩnh cửu. Muốn vươn lên giá trị của sự sống vĩnh cửu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “Đến” với Chúa và hãy “Tin” vào Ngài.

Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông. Cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống.” Bởi xét cho cùng thì cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực trường tồn đem lại sự sống đời đời cho con người. Do đó, Ngài muốn ban cho con người chúng ta một thứ lương thực khác, thứ lương ấy sẽ đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Để có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người chúng ta cần phải ra công làm việc vất vã “đổ mồ hôi sót con mắt ” mới có của ăn. Để có được của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai việc: “Đến với” Chúa Giêsu và “Tin vào” Ngài.

Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần. Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và sự kính trọng…Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.

Thực tế cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn, con người chúng ta luôn đói khát một “ai đó” để mình yêu mến và tôn thờ. Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Hãy đến với Chúa Giêsu để ta bắt đầu được nếm thử tấm bánh do chính Ngài ban tặng, vì chính Ngài là Tình yêu, sự thật, bình an và sự sống.

Xin cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và có giá trị đem lại sự sống đời đời.

 

Thứ ba 25/ 04:: 1 Pr 5, 5b-14; Mc 16, 15-20

KÍNH THÁNH MAR-CÔ, TÁC GIẢ TIN MỪNG

Suy niệm 1:

"Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta". Đó là lời mở đầu của UB Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN sau 50 năm (1960-2010) nỗ lực truyền giáo.

Vì thế truyền giáo hay loan báo tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Gíao Hội. Gíao Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo tin mừng.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2).

Sẽ không là Gíao hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo tin mừng.

Trên hết truyền giáo hay loan báo tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các tông đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án " (Mc 16, 15).

Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa và được cứu độ.

Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?

Thư I của thánh Phêrô, trong bài đọc I hôm nay cho ta biết những điều tóm lượt quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm để sống:

"Lấy đức khiêm nhường đối xử với nhau". Muốn đối xử khiêm nhường với nhau, trước hết phải tự khiêm hạ trước Chúa.Không khiêm hạ trước Chúa làm sao ta dễ khiêm nhường với anh em. Kiêu ngạo luôn là cám dỗ nguy hiểm đánh mất hạnh phúc thiêng đàng mà nguyên tổ Adam và Eva đã mắc phải.  

"Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em". Nghĩa là phải đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Chúa đầy yêu thương chúng ta.

-  "Hãy sống tiết độ và tỉnh thức": sống đúng với ơn gọi và chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao phó cho  mình.

"Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự". Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả cái chết cũng luôn trung thành làm chứng niềm tin của mình. Vì phần thưởng mà Chúa ban tặng chính là được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường; nhất là được hưởng vinh quang đời đời trong Đức Kitô.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để như thánh Mác-cô, ta biết tận mọi khả năng, hoàn cảnh mà góp phần tich cực cho việc truyền giáo.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Giêsu nhờ biết siêng năng tìm hiểu học hỏi và sống theo lời Chúa dạy trong các sách Tin Mừng, trong đó có Tin Mừng thánh Mác-cô để lại bằng đời sống khiêm nhường, phó thác, tiết độ, tỉnh thức và kiên vững đức tin cho dẫu phải đối mặt với bao gian lao thử thách, nhờ đó mà Tin mừng của Chúa mới có sức thuyết phục và ơn cứu độ của Chúa mới được lan tỏa đến mọi người ở khắp nơi.

 

Suy niệm 2:

Mỗi khi tưởng nhớ hay tôn kính một vị thánh nào đó, GH thường nhắc lại thân thế và sự nghiệp của các ngài để tri ân công đức, nêu gương bắt chước đời sống tốt lành và khấn xin các ngài khấn cầu cùng Chúa ban ơn cho ta. Do đó trong ngày mừng kính thánh Marcô tác giả Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng hãy nhìn lại thân thế và sự nghiệp của thánh Marcô.

1. Thân thế:

Chúng ta không biết nhiều về quãng đời niên thiếu của thánh Marcô. Chỉ biết rằng ngài là một trong bốn vị thánh sử đã ghi chép Phúc Âm. 

Tên đầy đủ của ngài là Gioan Marcô (x.Cv 12,12). Thánh nhân là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Mẹ của ngài là bà Maria, một góa phụ giàu có, nơi ngôi nhà này, các tín hữu tiên khởi Giêrusalem hay đến tụ họp để cầu nguyện (x. Cv 12, 12tt). Cũng vì thế mà sau khi ra khỏi tù Phêrô đã về đây trú ẩn: “Mở cổng ra, thấy ông, họ kinh ngạc. Ông giơ tay làm hiệu cho họ im lặng, rồi kể cho họ nghe Chúa đã đưa ông ra khỏi tù thế nào” (Cv 12, 16-17).

Trong ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng, ta không thấy nhắc đến tên ngài, nhưng trong biến cố Chúa Giêsu bị bắt thì ngài có mặt ở đó, nhưng vì sợ liên lụy, ngài đã bỏ chạy thục mạng, đến tuột cả quần ra (x. Mc 14,  51-52).

2. Sự nghiệp:

Vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời, Marcô đã đi theo tông đồ Barnaba và Phaolô để loan báo Tin mừng. Nhưng trong chuyến truyền giáo thứ nhất có vì gặp quá nhiều gian lao, vất vả nên Marcô đã bỏ về Giêrusalem (x. Cv 13, 13). Do đó mà trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba (x. Cv 15, 36-40).

Nhưng nhờ thế mà sau đó Marcô lại theo Phêrô đến Rôma và làm thông dịch cho Phêrô, nên trong bức thư thứ nhất, Phêrô đã gọi Marcô là người con của ngài. (x. 1Pr 5, 13).

Là người thông ngôn cho Phêrô nên Marcô lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng dạy và là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, vào khoảng năm 64-70, với nhiều mục đích:

- Nhằm lưu lại lời rao giảng của các tông đồ cùng với những truyền thồng tiên khởi của GH vì e rằng thế hệ chứng nhân “mắt thấy tai nghe” sắp qua đi.

- Nhằm nâng đỡ và củng cố đức tin cho các tín hữu gốc lương dân, sống ngoài lãnh thổ Palestin, đang sống trong hoàn cảnh bị bách hại dữ dội bởi hoàng đế Nêron.

- Nhằm để giúp tín hữu mới theo đạo có được cảm nghiệm về Chúa Giêsu như thánh Phêrô. Cảm nghiệm ấy được Marcô trình bày một cách tiệm tiến qua ba giai đoạn được tóm lược vào câu đầu tiên trong Tin Mừng của ngài: “Khởi đầu Tin mừng Đức Giêsu-Kitô-Con Thiên Chúa”. Trước hết Chúa Giêsu là một người, tiếp đến Người là Đức Kitô như lời tuyên xưng của Phêrô (x. Mc 8, 29), Sau cùng Marcô trình bày cho thấy Đức Kitô ấy chính là Con TC, qua lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma dưới chân thập giá (x. Mc 15, 39),

Nếu so sánh với các Thánh sử khác, thì Phúc âm của Thánh Marcô là ngắn nhất (16 chương). Trong khi đó Matthêu có đến 28 chương, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Lối trình bày của Ngài đơn sơ, mộc mạc, mang tính kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những anh chị em bình dân.

Người ta quen vẽ hình ngài là một con sư tử, một trong bốn con vật được tiên tri Ezekiel xem thấy trong thị kiến. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy Giả như là tiếng hô trong sa mạc (x. Mc 1,3).

Theo một tài liệu không chắc lắm cho biết thánh nhân được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập sau đó. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.

Cũng như các tông đồ, thánh nhân cũng gặp nhiều gian lao thử thách trong sứ mạng làm chứng cho Chúa. Cuối cùng ngài cũng chịu bách hại bởi những lương dân tại giáo đoàn ngài đang phục vụ. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/04/67.

Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên soạn vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.

Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân ban cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Ðức Kitô phục sinh trong những bổn phận hằng ngày với hết khả năng của mình bằng con tim cháy lửa yêu mến theo gương thánh Marcô tác giả của Tin mừng, mà chúng ta mừng kính hôm nay.

 

 

Suy niệm 1: mùa phục sinh Cv 7, 51-8,1a

Chính vì đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu, bánh trường sinh đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6,35), mà thầy phó tế Stêphanô đã sẵn sàng chấp nhận chịu nhiều thiệt thòi ngay cả hy sinh mạng sống mình, đó là điều mà bài sách Cvtđ hôm nay nói đến.

- Với niềm tin vững vàng vào Đức Giêsu, bánh ban sự sống, Thầy phó tế Stêphanô đã say mê rao giảng Tin mừng Đức Giêsu đã truyền dạy, cho dù gíao huấn ấy có đi ngược lại với quan niệm cố hữu của hàng lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ.

- Với lòng tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, nguồn sống đích thực, ngài đã không ngần ngại nói lên sự thật, dù phải đối mặt với bao hiểm nguy: thù ghét, đàn áp, khống chế, lên án và giết hại của giới chức lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ.

- Với đức tin kiên trung vào Đức Giêsu, tấm bánh nuôi sống đời đời, nên cho dù phải đứng trước pháp đình, Stêphanô cũng mạnh dạn minh chứng về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến trần gian và đã chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người. Ngài cũng không ngần ngại vạch trần tội vong ân, bội nghĩa của cha ông họ và của họ; đồng thời ngài cũng không ngừng nhắc đến lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Lời lẽ khôn ngoan minh chứng niềm tin, cũng như lời biện hộ đanh thép tố cáo tội ác của những kẻ muốn hãm hại ngài, càng khiến cho đối phương tức giận đến sôi máu và quyết định đưa ngài ra ném đá tử hình. Dù chịu cực hình đau đớn, nhưng lòng ngài vẫn chan chứa niềm vui, sự cảm thông và tình yêu tha thứ theo gương vị Thầy Chí Thánh. Nên trước khi tắt thở, thánh Stêphanô đã không quên cầu nguyện cho những kẻ giết hại ngài: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ".

Nguyện cho mỗi người trong chúng ta luôn xác tín mạnh mẽ vào Chúa Giêsu là tấm bánh hằng sống, để chúng ta biết can đảm noi gương Stêphanô sẵn sàng làm chứng cho niềm tin của mình. Và cũng xin cho chúng ta cũng biết noi gương thánh Stêphanô có lòng bao dung sẵn sàng tha thứ cho những ai làm hại ta. Biết can đảm lấy tình thương xóa bỏ hận thù, theo như lời dạy và gương lành của Chúa Giêsu.

 

Suy niệm 2 mùa phục sinh: Ga 6, 30-35

Giúp đỡ cơm áo gạo tiền, chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của các nhà truyền giáo. Mục đích của nhà truyền giáo là tạo điều kiện để người khác có đủ sức đến gặp gỡ Chúa, đón nhận Chúa là lương thực đích thực, mang lại sự sống vĩnh cửu. Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta.

Để đủ sức tiến về đất hứa, Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái manna làm của ăn. Nhưng họ cứ tưởng đó là bánh do Môsê ban cho họ. Để có của ăn mang lại sự sống đời đời, Chúa Giêsu mời gọi dân chúng hãy tin vào Ngài. Nhưng dân chúng lại đòi hỏi phép lạ như Môsê. Chúa Giêsu giải thích cho họ biết Manna ngày xưa họ hưởng dùng nơi sa mạc không phải do Môsê ban cho, mà là do chính Chúa thương ban để nuôi sống họ. Nhưng Manna chỉ là lương thực nuôi dưỡng thể xác. Cha ông họ đã ăn Mana nhưng rồi cũng chết. Còn lương thực bảo đảm đem lại cho họ sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban cho họ chính là Đức Giêsu (bánh trường sinh). Bởi lẽ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa làm người. Trong Đức Giêsu được kết hợp bởi nhân tính và Thiên tính mang sự sống vĩnh cửu. Do đó khi hiến thân mình làm của ăn, Chúa Giêsu trở nên lương thực mang sự sống vĩnh cửu. Ai tin nhận và ăn lấy tấm bánh Đức Giêsu thì đồng nghĩa với việc tham dự vào sự sống vĩnh cửu nơi Chúa Giêsu.

Nếu ngày xưa, Chúa ban cho dân Do Thái Manna làm của ăn, nhờ đó họ đủ sức vượt qua sa mạc, tiến vào đất hứa; thì ngày nay, Chúa cũng ban cho chúng ta lương thực là Mình Thánh Chúa, Bánh Bởi Trời đích thực làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta đủ sức tiến về nhà Cha.

Xin cho chúng ta đừng quá bận tâm vào cơm bánh, thứ lương thực mau qua nuôi dưỡng thân xác ở đời này, bởi ăn rồi cũng phải chết. Nhưng cho chúng ta biết lưu tâm tìm kiếm thứ lương thực làm no thỏa tâm hồn, mang lại sự sống đời đời, đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.

  

Thứ tư

Suy niệm 1: Cv 8, 1b-8

Cái chết của thầy phó tế Stêphanô là tiếng chuông báo động khởi đầu cho cuộc bách hại gắt gao mà Gíao hội sơ khai phải gánh chịu.

Nguyên nhân chính gây ra cuộc bách hại là vì Giáo hội sơ khai phát triển theo hướng tách ra khỏi Do Thái giáo. Bài giảng của phó tế Stêphanô nêu lên tính cách tạm thời chuyển tiếp của tôn giáo Do Thái (x. Cv 7). Nó phải nhường chỗ cho giá trị vĩnh cửu của tôn giáo do Đức Giêsu Kitô thiết lập, một tôn giáo phổ quát không còn bị giới hạn trong một quốc gia hay một đền thờ nào cả. Vì lời lẽ đó, Stêphanô phải trả giá cho sự thật mà ngài đã rao giảng bằng chính mạng sống mình. Ngài đã bị ném đá cho đến chết và tiếng chuông báo động cho những cuộc bách hại kitô hữu khốc liệt bắt đầu được khai mào.

Dưới cái nhìn tự nhiên, thì cuộc bách hại này là biến cố đau thương của Gíao hội sơ khai. Nhưng với cái nhìn đức tin thì chính cuộc bách hại ấy lại mang một ý nghĩa hết sức to lớn trong sự quan phòng kì diệu của Thiên Chúa.

- Qua cuộc bách hại ấy cho thấy lời Chúa Giêsu phán: "Tôi tớ không trọng hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời anh em. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho anh em tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy." (Ga 15, 20) đã được ứng nghiệm.

- Chính cuộc bách hại ấy mà các môn đệ và các tín hữu phải tản mác về các vùng miền quê của Giuđa và Samaria để hoạt động. Phó-tế Philipphê thì xuống vùng Samaria và thành công trong việc rao giảng Tin Mừng tại đó. Cuộc phân tán này trở thành cơ hội cho các Kitô hữu đem hạt giống Tin Mừng đi gieo vãi khắp nơi (x. Cv 11, 19-21).

- Trong cuộc bách hại ấy cho thấy một đức tin kiên trung vào Chúa Giêsu của các Kitô hữu non trẻ. Họ sẵn sàng chịu mọi gian lao thử thách và can đảm nhận lấy cái chết để minh chứng cho niềm tin. Đúng như ai đó đã nói: "Thiên Chúa vẽ đường thẳng với những nét cong"; hay “khi Thiên Chúa đóng cửa chính thì Ngài mở ra cửa sổ”.

Tin tưởng vào sự quan phòng kì diệu của Chúa, nên những khi gặp đau khổ, chúng ta đừng bao giờ phàn nàn, kêu trách Chúa; cũng đừng bao giờ than thân trách phận hoặc chán nản, buông xuôi, nhưng hãy tin tưởng, cậy trông và gia tăng cầu nguyện xin Chúa trợ giúp.

Xin cho tất cả chúng ta biết cảm tạ Chúa vì đã ban cho Gíao Hội những vị chứng nhân anh dũng đã can đảm gieo vãi Tin Mừng của Chúa khắp nơi. Xin cho mỗi người trong Họ đạo chúng ta luôn ý thức bổn phận loan báo tin mừng để mọi người có cơ hội nhận biết và tin vào Đức Kitô.

 

Suy niệm 2: Ga 6, 35-40

Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đến trần gian là để thi hành thánh ý Chúa Cha: Cứu độ và ban cho con người sự sống muôn đời. Tuy nhiên chỉ những ai đến và tin nhận Ngài là Đấng Thiên Sai là bánh bởi trời mới đáng được hưởng sự sống trường sinh Ngài mang đến. Xin Chúa củng cố niềm tin nơi chúng ta để ta năng đến với Người.

Để giúp dân chúng hiểu về thứ bánh trường sinh là chính Người, Chúa Giêsu đã mạc khải cho họ biết về nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa về Người. Chúa Giêsu khẳng định cho dân chúng biết nguồn gốc về Người: “Tôi từ trời mà xuống”. Ngầm ý minh chứng rằng: Nếu ngày xưa Thiên Chúa ban Manna từ trời xuống, thì ngày nay, Thiên Chúa cũng ban Chúa Giêsu xuống từ trời. Như thế Chúa Giêsu chính là Bánh bởi trời ban. Nếu xưa kia mục đích Thiên Chúa ban manna là để làm lương thực nuôi tất cả dân Do Thái lưu lạc trong sa mạc, thì ngày nay, Chúa Giêsu cũng cho biết mục đích Ngài đến sa mạc trần gian cũng là để thi hành ý Cha, nuôi sống tất cả mọi người, không để mất một ai. Nếu xưa kia trong sa mạc, dân chúng đã tin vào Thiên Chúa và nghe lời Môsê xem Manna là bánh nuôi sống họ trên đường về đất hứa; thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi họ đón nhận và tin vào Ngài chính là tấm bánh trường sinh nuôi dưỡng và thêm sức để họ tiến về quê trời mà Chúa hứa ban.

Khi Chúa Giêsu khẳng định: “Chính Tôi là bánh trường sinh”, Ngài muốn quả quyết rằng, chỉ duy mình Ngài mới là lương thực và là sự sống cho mọi người, vì chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và thông ban sự sống cho muôn loài.

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống trần gian và sự sống đời đời. Sự sống trần gian được nuôi dưỡng bằng Manna và cơm bánh. Sự sống đời đời phải được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa chính là nguồn sống và là Đấng ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết gắn bó mật thiết với Chúa qua việc tin và đón nhận Thánh Thể Chúa vào lòng, để chính nguồn sự sống đời đời của Chúa nơi bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con.

 

Thứ năm

Suy niệm 1: Cv 8, 26-40

Muốn biết Đấng Ki-tô là ai? thì phải tìm đến Kinh Thánh, như thánh Giê-rô-ni-mô đã quả quyết: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô".

Trong bài đọc I, cho biết: Viên thái gíam Ethiopia chỉ có thể biết được Chúa Kitô khi ông yêu thích tìm đọc Thánh kinh. Nhưng nếu đọc Thánh kinh mà không được giải thích bởi Gíao Hội thì cũng không thể hiểu đúng ý nghĩa điều mà Thánh kinh muốn nói. Nhờ sự hướng dẫn của vị phó tế Philipphê và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần nên viên Thái Gíam đã hiểu đúng đoạn sách (x. Is 53,7-8 ) mà ông đang đọc ám chỉ về "Chúa Giêsu là Người Tôi Trung, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa." Nên viên Thái Gíam đã tin và xin nhận lãnh phép rửa với lòng đầy hoan hỷ, tiếp tục cuộc hành trình…

Đúng như điều Chúa Giêsu quả quyết: "Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy." (Ga 6,44). Viên Thái Gíam được sự lôi kéo bời Thiên Chúa nên ông đã tìm đến đọc Thánh kinh, nhờ sự giải thích của vị phó tế Philípphê, người của Gíao hội, dưới sự tác động của Thánh Thần nên ông đã tin và chịu phép rửa.

Xin cho chúng ta biết bắt chước viên thái giám: siêng đọc Lời Chúa, khiêm tốn lắng nghe lời Chúa qua sự hướng dẫn của các vị chủ chăn. Và nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần càng ngày chúng ta thêm hiểu biết lời Chúa, yêu mến Chúa và đặt trọn niềm tin vào Chúa hơn, hầu xứng đáng đón nhận ơn cứu độ mà Chúa thương ban.

 

Suy niệm 2: Ga 6, 44-51

Tiếp tục đề tài Bí Tích Thánh Thể, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu xác quyết chính Ngài là bánh từ trời xuống, bánh hằng sống, ai ăn sẽ được sống muôn đời. Nhưng để đến và đón nhận sự sống của Ngài cần phải được Chúa Cha ban ơn trợ giúp. Xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho chúng ta, để chúng ta tin nhận và đến cùng Chúa Giêsu nguồn ban sự sống đời đời.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi chúng ta đến với Ngài và tin vào Ngài. Bởi chính Người là bánh từ trời, bánh hằng sống. Ai đón nhận Ngài thì sẽ được sống đời đời. Nhưng để đến được với Chúa, chúng ta phải được Chúa Cha lôi kéo. Tự sức ta không thể đến với Chúa được, vì con người chúng ta hèn mọn và tội lỗi. Mà muốn được Chúa Cha lôi kéo, chúng ta phải đón nhận giáo huấn của Chúa qua việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa dạy. Chính Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha. Lời Chúa Cha là Lời ban sự sống cho con người. Vì thế đến được với Chúa Giêsu là “Lời”, ta tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa Cha.

Nhiều người cho mình đã chọn Chúa, tin kính Chúa và thường xuyên đến với Chúa là do khả năng và nổ lực của bản thân mình. Nhưng thật sai lầm, vì không ai có thể tin nhận và đến với Chúa nếu không cậy nhờ ơn ban của Chúa Cha lôi kéo người ấy.

Xin Chúa thương lôi kéo chúng ta siêng năng đến với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, cũng như trung thành lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy. Nhờ đó chúng ta được Chúa ban sự sống đời đời.

 

Thứ sáu

Suy niệm 1: Cv 9, 1-20

Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao là thay đổi. Sự thay đổi số phận con người có khi cũng lắm bất ngờ! Hôm qua tội lỗi, hôm nay trở nên tốt lành; hôm qua nghèo khổ, hôm nay trở nên giàu sang, hôm qua đầy tớ, hôm nay là ông chủ…và có thể ngược lại. Vận mạng con người thay đổi cũng bởi nhiều lý do khác nhau: có khi do một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một gương sáng, một lời cầu nguyện chân thành hay một biến cố vui buồn, thành công thất bại nào đó xảy ra trong cuộc sống.

Xin đừng để chúng ta quá đau buồn về những thất bại xảy ra trong cuộc sống, cũng như đừng quá tự mãn về những thành công của mình. Nhưng trên hết hãy khiêm tốn “ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Mt 6, 25-34).

Sách Cvtđ hôm nay thuật lại biến cố ngã ngựa bất ngờ, làm thay đổi cuộc đời của Sao-lô, nhờ gặp gỡ Đức Giêsu. Sách Cv cho biết: Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Saolô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Stêphanô. Sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, chàng trai Sao-lô hăng máu phóng ngựa như bay rong ruổi khắp các nẻo đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội. Hành động ấy Sao-lô xem là nhiệt thành với lề luật Do Thái giáo đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa” (Ga16, 2). Nhưng không ngờ đang lúc ông hăng máu phóng ngựa truy cùng, diệt tận các kitô hữu trên đường Đa-mat, bất ngờ một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao pbủ lấy ông, khiến ông ngã xuống đất. Lúc đó ông nghe có tiếng nói:"Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta?". Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người ấy đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ". Nhưng không ai trông Chúa Giêsu. Sau đó Sao-lô được người ta đưa vào một căn nhà trong thành Đa-mát với tình trạng mắt ông bị mù. Tại đây Sao-lô được chữa lành đôi mắt và nhận lãnh Chúa Thánh Thần, nhờ việc đặt tay của Kha-na-ni-a, người được Chúa Giêsu sai đến. Thế là sau ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn uống được gì nay ông đứng dậy chịu phép rửa, rồi ăn uống và khỏe lại. Từ đó đời ông được thay đổi!

Từ một con người trung thành với quan niệm duy Do Thái giáo, nay Phaolô lại thay đổi trở nên con người say mê Giêsu đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi” (Pl 3, 8-9).

Nếu trước đây Sao-lô tìm mọi cách để tiêu diệt những người theo Chúa Giêsu, thì nay Phao-lô lại hăng say rao giảng Tin mừng để đưa mọi người đến cùng Giêsu. Lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa đã trở thành phương châm sống của ông: "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng." (1Cr 9,16).

Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, lắm khi một biến cố, một dấu chỉ nào đó xảy ra làm ta cảm thấy khó chịu, đau đớn lòng, nhưng có khi đó lại chính lại là hồng ân đổi mới. Giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin và dạng dày hơn trong cuộc sống nhờ ơn ban của Chúa.

Xin Chúa cho con biết nhìn các biến cố bằng cặp mắt đức tin, để chúng con không ngã lòng, buông xuôi khi gặp thử thách, thất bại; Và xin cho chúng con cũng đừng bao giờ tự mãn khi thành công. Vì cuộc đời có lắm đổi thay!.

 

Suy niệm 2: Ga 6, 52-59

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày; phần hồn muốn sống phải rước Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa chính là của ăn nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến và quý trọng của ăn thiêng liêng mà Chúa Giêsu tặng bằng cách dọn mình xứng đáng và siêng năng đến rước Chúa nơi bàn tiệc Thánh.

Nhân gian thường nói “Ăn gì thì bổ cái đó”, là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người và các tạo vật.

Nếu ăn nhiều thịt thì áp xuất máu sẽ tăng lên và tính tình thường hay nóng nảy. Ngược lại ăn rau, củ, quả nhiều, thì cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, tính tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở những cơ thể cũng bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể khác.

Căn cứ vào kinh nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giêsu phán dạy: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy". Đúng vậy, Chúa Giêsu Kitô không chỉ có bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong Ngài, nên thịt và máu Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời.

Khi ăn thịt và uống máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ hãi và bỏ đi, và những người thời nay không tin Chúa Giêsu thì cho đầu óc những người Công Giáo là điên rồ. Nhưng ngược lại, lại rất quen thuộc thường tình và trở nên vô cùng quan trọng đối với sự sống tinh thần và thiêng liêng của mọi Kitô hữu, nhất là những người Công Giáo.

Người công giáo chẳng những tin vào Lời Chúa Giêsu phán về việc ăn thịt và uống máu Ngài, nhưng còn có kinh nghiệm ăn thịt và uống máu ấy hằng ngày, để cảm nghiệm sự trưởng thành trong đời sống tinh thần của mình ở mức độ đời đời thế nào. Vì thế trên cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ lại có một Thánh Lễ để cung cấp cho trên 1 tỷ người Công giáo sự sống trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu. Bất cứ ai đến ăn thịt và uống máu Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả sự chữa lành thể xác nữa.

Bí tích Thánh Thể, lương thực thần lương mang sự sống đời đời. Xin cho chúng ta biết tin tưởng và khao khát tìm đến đón nhận chính nguồn lương thực này, hầu đem lại cho chúng ta nguồn bình an và sự sống đời đời. (st)

 

Thứ bảy: Ga 6, 60-79

“Anh em có muốn bỏ Thấy không?”. Đây không chỉ là câu hỏi Giêsu dành cho các tông đồ xưa nhưng còn cho mỗi chúng ta hôm nay. Ta có theo Chúa hay không? Phải dứt khoát không thể nửa chừng, nước đôi. Chọn theo Chúa ta sẽ được sống. Chính Chúa mới đem lại cho chúng ta phúc trường sinh.

Xin cho chúng ta biết thân thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Bỏ thầy con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Kết quả diễn từ về Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu hầu như bị thất bại. Dân chúng thì bỏ đi. Nhiều môn đệ thì cảm thấy khó chịu, lẩm bẩm: “Lời gì mà chướng tai thế?”. Ông ta làm sao lấy thịt mình cho người ta ăn được? họ tỏ ra chán ngán và rút lui. May thay, Simon Phêrô thay mặt nhóm 12 tuyên tín vào Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Thật là an ủi và ấm lòng Chúa Giêsu biết bao!

Tin vào Bí Tích Thánh Thể luôn là thử thách lớn lao chẳng những đối với dân chúng và các môn đệ xưa, mà cho cả những người kitô hữu chúng ta ngày nay. Làm sao chúng ta có thể tin nhận Chúa Giêsu lại hiện diện nơi tấm bánh đơn sơ, bé nhỏ? Làm sao Chúa Giêsu lại biến bánh và rượu trở nên thịt và máu Ngài để nuôi sống chúng ta? Nếu không được Chúa ban ơn đức tin.

Tin Chúa quyền năng làm được mọi sự. Tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: Chính vì tình yêu, Chúa dựng nên chúng ta; chính vì tình yêu Chúa xuống thế làm người ở với chúng ta; chính vì tình yêu Ngài đã hiến thân chịu chết để cứu chuộc chúng ta; chính vì quá yêu loài người nên Ngài đã biến bánh và rượu trở nên thịt máu Ngài nuôi dưỡng và ở lại mãi trong ta, để ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài.

Xin cho mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng cảm nhận được tình thương vô vàn mà Chúa dành cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể; cho chúng ta ý thức dọn tâm hồn cho xứng đáng để đón nhận Chúa vào ở trong lòng chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...