SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
Đnl 18, 15-20; 1Cr 7, 32-35; Mc 1, 21-28
Suy niệm 1: TIN
TƯỞNG VÀO UY QUYỀN CỦA CHÚA
Với lời giảng dạy
và sức mạnh khống chế thần ô uế của Đức Giêsu mà Tin mừng hôm nay trình thuật
minh chứng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng. Xin cho chúng ta luôn biết
tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình vào sức mạnh và quyền năng của Chúa.
Chuyện kể rằng: Có
một ông thầy tu nọ rất là đạo đức. Sáng nào ông cũng thức dậy vào lúc 5 giờ để
đọc kinh thờ phượng Chúa. Một hôm, do mệt trong người ông ngủ quên, nên quỷ
Sa-tan hiện ra đánh thức ông dậy. Khi dựt mình thức giấc, ông thầy tu nhìn thấy
kẻ gọi mình là con quỷ Sa-tan, nên thắc mắc hỏi: “Ông là ai?” Quỷ trả
lời: “Tôi là ai không quan trọng, việc đánh thức ông dậy là một việc tốt
và ai làm việc tốt cũng là người tốt, đúng không.”
Ông thầy lý
luận: “Tôi nghĩ ma quỷ các ngươi, không đời nào làm điều gì tốt cả. Nhân
Danh Chúa Giêsu, ngươi phải nói rõ cái lý do, tại sao ngươi nhắc ta dậy đọc
kinh?”. Nghe đến Tên Chúa Giêsu, Sa-tan sợ hãi đành phải thú thật rằng: “Nếu để
ông ngủ quên không đọc kinh, khi thức dậy ông sẽ hối hận và ăn năn, rồi sống đạo
tốt hơn (tôi không muốn như thế). Còn ngày nào, ông cũng đọc kinh,
ông sẽ tự mãn nghĩ rằng mình đạo đức rồi, không cần cố gắng gì thêm
nữa.” (tôi thích điều đó). Nói xong, Sa-tan biến mất.
Đúng là xảo quyệt và
hiểm độc như ma, như quỷ vậy!
Quả thật, ma quỷ
không bao giờ làm chuyện gì tốt, bởi vì bản chất của nó là gian dối, lừa lọc,
là xảo trá, độc ác từ xưa rồi. Câu chuyện Địa Đàng năm xưa, theo sách Sáng thế
đã kể lại: Sa-tan đã từng lừa đảo và xúi giục ông A-dong và bà E-và phạm tội ăn
trái cấm, chống lại Thiên Chúa (x. St 3,1-13). Và theo thời gian, nó
vẫn tiếp tục cám dỗ và lôi kéo con người bằng mọi cách.
Giáo lý Công Giáo
dạy chúng ta biết: Thiên Chúa dựng nên hai thế giới, thế giới hữu hình và vô
hình. Trong thế giới hữu hình, Thiên Chúa dựng nên con người. Con người có xác
và hồn và là tạo vật cao quý nhất. Còn trong thế giới vô hình, Chúa dựng nên
loài Thiên Thần thiêng liêng cao sang. Nhưng vì là loài thiêng liêng nên chúng
ta không nhìn thấy các ngài được.
Giáo lý cũng cho
biết: Vì bất tuân phục TC nên Thiên Thần Luxia đã bị TC giáng phạt thành ma quỷ
hay còn gọi là Satan (kẻ chống đối). Do đó mà thế lực của ma quỷ rất mạnh, con
người không có khả năng để chống đối lại được nếu không biết nương tựa vào
quyền năng của TC.
Câu chuyện sau đây
cho thấy sự nham hiểm của ma quỷ:
Ngày xưa có một
thanh niên tính tình hiền lành, luôn hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu
thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta
phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu :
Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống
rượu. Chàng thanh niên liền suy nghĩ : Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu,
nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta
cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được
thôi, vì uống rượu đâu quá xấu ! Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ
liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc
đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không
có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen,
mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy
“phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu : lúc nào mặt
cũng đỏ gay say xỉn !
Một hôm, anh ta say
đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất
cả chén bát và vất đồ đạc trong nhà ra ngoài đường. Bị cha mẹ ngăn
cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô
tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như
vậy liền tới gần khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã
lăn ra chết.
Thế là từ việc
uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã trở thành nguyên nhân
dẫn đến hai tội ác lớn lao là bất hiếu nói xúc phạm nặng nề đến cha mẹ,
và tội bất nghĩa giết chết người vợ thân yêu của mình.
Với lời nói đầy uy
lực và phép lạ khống chế sức mạnh của thần ô uế mà tin mừng hôm nay trình
thuật, minh chứng rõ ràng Đức Giêsu không chỉ có sức mạnh trong lời nói “Người
giảng dạy như một Đấng có uy quyền”, mà Người còn có uy quyền trong hành
động. Phép lạ Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám hại minh chứng
rõ ràng uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Xin cho chúng ta
luôn vững tin vào sức mạnh và quyền năng nơi Chúa Giêsu mà sẵn sàng đón nhận
Chúa vào cư ngụ trong gia đình ta để Người hướng dẫn, bảo vệ và gìn giữ các
thành viên trong gia đình chúng ta được hiệp nhất trong tin yêu và an vui trong
cuộc sống.
Suy niệm 2: THỰC HIỆN BA CHỨC
NĂNG NGƯỜI KITÔ HỮU
THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Với lời giảng dạy
đầy uy quyền và phép lạ khống chế ma quỷ của Đức Giêsu minh chứng cho biết
Người chính là TC quyền năng. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng và phó thác đời
mình trong bàn tay uy quyền và yêu thương của Chúa.
Sau khi chịu phép
rửa của Gioan Tẩy Gỉa ở sông Giodan, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai bằng
cách thực thi 3 chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế, để đem lại ơn cứu cho
nhân loại.
- Với chức năng tư
tế: Chúa Giêsu đã vào hội đường để cùng với mọi
người cầu nguyện, nghe lời Chúa, dâng của lễ cũng như những ước nguyện của mình
lên TC trong ngày Sabat.
- Với chức năng ngôn
sứ: Chúa Giêsu đã trang trọng đọc Lời Chúa và
thi hành nhiệm vụ giảng dạy. Lời giảng dạy của Người rất thu hút và có một sức
mạnh lôi cuốn, khiến mọi người phải thán phục. Bởi vì Người giảng dạy như Đấng
có uy quyền chứ không như các Kinh sư và Biệt phái.
- Với chức năng
vương đế: Chúa Giêsu đã dùng quyền năng TC mà trục
xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, để trả lại quyền tự do làm chủ bản
thân, thoát khỏi vòng khống chế bời sức mạnh của ác thần của ma quỷ.
Khi lãnh nhận lãnh
nhận bí tích rửa tội, Chúa đã trao ban cho mỗi chúng ta ba nhiệm vụ hay chức
năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Nên đòi buộc chúng ta phải thi hành những
chức năng này cách tích cực trong đời sống hàng ngày. Trong thư gửi cộng đoàn
dân Chúa với chủ đề “thúc đẩy sự tham gia đời sống Giao hội” của hội đồng giám mục Việt Nam vừa qua cũng đã nhắc nhớ chúng ta: “Anh
chị em giáo dân hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ
phẩm giá chung do phép rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với
tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em
không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9).
Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây
dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.”
Ước gì mỗi người trong
chúng ta hãy mạnh dạn tham gia tích cực vào các sinh hoạt mục vụ của họ đạo,
bởi họ đạo chính là ngôi nhà và là môi trường sống mà chúng ta thuộc về. Như
thánh Phao-lô đã nói: “Chân không thể nói: “Tôi không phải
là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”. Tai không thể nói: “Tôi không phải là
mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì
mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ
là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy
nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến
mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1Cr
12, 15-21).
Xin cho chúng ta
biết cố gắng thi hành tốt 3 chức năng đã lãnh nhận theo gương Đức Giêsu:
- Nhiệt tình tham
gia vào sứ vụ loan báo tin mừng bằng cách giới thiệu Chúa cho người khác.
- Chuyên chăm đến
nhà thờ để cùng với mọi người hiệp dâng thánh lễ tưởng niệm hy tế thập giá mà
Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá trong vai trò .tư tế.
- Biết làm chủ bản
thân, can đảm loại trừ tính hư tật xấu và tội lỗi ra khỏi tâm hồn, ngõ hầu tâm
hồn chúng ta thật sự là đền thờ thiêng liêng, xứng đáng là nơi Ba Ngôi Thiên
Chúa ngự trị
Suy niệm 3:
Nếu lời giảng dạy
của các Biệt phái và Kinh sư không được dân chúng đón nhận là vì “họ
nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính
họ lại không buồn động ngón tay vào." (Mt 23, 3-4) Và
lối sống giả hình của họ khiến dân chúng chán ngán, mệt mỏi. Thì với Chúa Giêsu
lại khác. Ngài không chỉ giảng dạy mà còn làm phép lạ kèm theo nữa. Với lời
giảng dạy như một Đấng có uy quyền và phép lạ trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị
nó ám hại, Chúa Giêsu đã làm cho mọi người trong hội đường Ca-phác-na-um hôm ấy
phải ngạc nhiên và vô cùng sững sờ.
Vì vậy, để thuyết
phục người khác tin vào Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng suông bằng lời,
nhưng còn đòi hỏi chúng ta phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể nữa.
Nguyện xin Chúa
Giêsu, Ðấng giảng dạy uy quyền, giúp chúng con biết thống nhất giữa lời nói và
việc làm để những giá trị Tin mừng mà chúng con loan báo được người nghe đón
nhận và tin theo.
Suy niệm 4:
Trong kho tàng
truyền thuyết của Giáo Hội, kể lại một câu chuyện mà nhân vật chính là một
người không tên. Chàng có sức mạnh hơn người và chỉ muốn dùng sức mạnh đó để
phục vụ cho kẻ nào mạnh nhất thế giới thôi.
Thoạt đầu chàng nghĩ
chẳng ai mạnh bằng tướng cướp nên xin đi theo làm hộ vệ cho một tướng cướp.
Nhưng mỗi lần sắp đi cướp, tên tướng cướp này lại phải nhờ đến một thầy phù
thuỷ làm phép xuất quân, biết thế chàng liền rời bỏ tướng cướp để đi theo vị
phù thuỷ.
Một hôm, thấy vị phù
thuỷ đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp.
Thế là chàng lực sĩ liền bỏ rơi phù thuỷ mà đến đứng bên cạnh cây Thánh giá để
chờ chủ nhân nó đến để xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ
nhân cây Thánh Giá. Nơi đó gần một khúc sông cạn. Một hôm, có một câu bé đến
nhờ chàng cõng mình qua con sông ấy, vì không có đò ngang. Chàng lực sĩ sẵn
sàng. Nhưng mới bơi được một đoạn ngắn, chàng cảm thấy chú bé quá nặng, liền
hỏi lý do. Cậu bé đáp: “Ta nâng đỡ cả trái đất trên tay Ta, làm sao mà không
nặng cho được”. Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh
Giá. Thế là chàng lực sĩ xin theo phò tá vị Chúa Tể trái đất ấy. Và Chúa
phàn dạy với chàng lực sĩ ấy: muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này,
mỗi lần có ai muốn sang sông thì ngươi hãy cõng người ấy sang. Chàng lực sĩ
tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Chistophe, nghĩa là người đã
mang Chúa Kitô trên vai.
Nếu chúng ta muốn
tìm một minh chủ để phụng sự, chúng ta cũng hãy làm như thánh Christophe, bởi
vì không ai xứng đáng hơn ngoài Đức Giêsu Kitô để cho ta đi theo phụng sự. Điều
này được minh chứng cụ thể qua Tin Mừng hôm nay đúng như lời ông Môsê đã
tiên báo với dân Do Thái trước khi tiến vào Đất Hứa. Khi ấy Môsê đã già và sắp
từ giã cõi đời, dân chúng rất ngưỡng mộ và không muốn rời xa ông. Nhưng ông đã
an ủi và bảo họ là đừng luyến tiếc, ông đã nói tiên tri rằng: Thiên Chúa sẽ cho
nổi lên một vị Ngôn Sứ chẳng kém gì ông, trái lại còn trổi vượt hơn ông để dẫn
dắt họ. Lời tiên tri của Mô-sê đã trở nên hiện thực nơi Đức Giêsu. Ngài
chính là Đấng đầy uy quyền trong lời nói lẫn hành động:
- Đức Giêsu có uy
quyền trong lời nói : Ngài giải thích Thánh Kinh trong
hội đường khiến cho nhiều người phải kinh ngạc, vì : “Người giảng
dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ.” (Mc
1,22). Bởi Người dùng chính quyền của mình mà giảng dạy chứ không lệ thuộc vào
thế giá của người khác. Quyền này được chứng tỏ khi Người sửa sai các tập tục
tiền nhân: “Người xưa đã dạy rằng… Phần Ta, Ta bảo các ngươi.” (Mt
5,21). Khác với các luật sĩ, họ chỉ đọc và giải thích kinh thánh, mà không dám
thêm một ý tưởng nào mới. Họ gò bó con người vào khuôn khổ của lề luật hơn là
dùng luật để giải thoát con người. Lời Người còn là “Giáo lý mới mẻ”. Cái
mới mẻ ở đây là làm cho người ta tin nhận Người là Đấng Cứu Thế. Cái mới mẻ đó
làm cho danh tiếng Người lan tràn khắp vùng lân cận Galilê.
Là tín hữu Kitô,
chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự mới mẻ của
Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng của Chúa tỏ bày qua cuộc sống và trong
vũ trụ này.
- Đức Giêsu có uy
quyền trong hành động : Ngài chỉ cần nói một lời thì quỷ ô
uế phải xuất khỏi người bị nó ám: “Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh
cho cả các thần ô uế và chúng phải vâng theo” (Mc 1,27). Chính thái độ
tuân phục của ma quỉ trước uy quyền của Đức Giêsu, là dấu hiệu cho biết thời
cứu độ đã tới.
Qua những việc làm
của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung
ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của
chúng. Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu
khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ.
Hôm nay, Người sai
chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không
hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại
trên thế giới.
Có thứ quỷ nghèo
đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân
phẩm con người.
Có thứ quỷ đói đang
giết chết nhân loại dần mòn.
Có thứ quỷ dốt giam
cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm.
Có thứ quỷ bệnh
không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.
Ngày nay, ma quỷ rất
tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp
dẫn:
Chúng xuất hiện dưới
những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái.
Chúng xuất hiện dưới
chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc
hại.
Chúng kích thích sự
tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.
Với bàn tay nham
hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia
rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa.
Chúng kích thích
lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành.
Chúng khơi dậy thói
kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực.
Chúng vuốt ve thói
ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu
của người khác.
Chúng lừa gạt ta để
ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.
Hôm nay, Chúa muốn
chúng ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta.
Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích
cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.
Hãy tỉnh táo nhận ra
ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.
Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham
lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.
Tự sức riêng, ta khó
mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp.
Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần
bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin thương
xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen. (St)
Thứ hai: Mc 5,1-20
Giáo lý công giáo
dạy ta biết rằng: Ma quỷ là loài Thiên Thần. Nhưng vì không vâng phục
Thiên Chúa nên đã bị phạt thành Satan hay Ma quỷ. Vì thế Satan hay ma quỷ
được mệnh danh là “kẻ chống đối”. Do không tài nào chống đối lại Thiên
Chúa quyền năng nên ma quỷ quay sang hãm hại con người. Bởi lẽ con người là tạo
vật được Chúa yêu thương bật nhất.
Gần đây, khi trả
lời phỏng vấn cho báo El Mundo, cha Juan José Gallego, một chuyên gia trừ quỷ
thuộc tổng giáo phận Barcelona ở Tây Ban Nha, cho biết: “Khi người ta bị quỷ
ám, họ mất hết ý thức, họ nói những thứ tiếng lạ,
họ mạnh mẽ lạ thường, họ cảm thấy thực sự rất tệ, bạn
có thể thấy họ nôn mửa và phỉ báng người ta.”
Ký giả hỏi cha:
“Thưa cha, thế cha có bao giờ sợ hãi không?” Cha Gallego trả lời: “Lúc đầu tôi
sợ lắm chứ. Khi tôi đang thực hành việc trừ quỷ, tôi đang nói: “Ta ra lệnh cho
ngươi! Ta yêu cầu ngươi!”… và tên quỷ hét lớn phản lại tôi rằng: ‘Galleeeego,
mày đang làm quá đấy.’ Điều ấy làm tôi bị sốc.” Tuy nhiên, cha biết rằng, ma
quỷ không thể mạnh hơn Thiên Chúa, vì ma quỷ cũng chỉ là một thụ tạo mà thôi.
Điều đó làm cho ngài không còn sợ nữa.
Kinh Thánh nói
nhiều đến quyền lực của chúng thống trị trên con người và thế giới. Tin mừng hôm nay cho
biết, tại vùng đất dân ngoại Ghê-ra-sa, đạo binh ma quỷ đang thống trị và dùng
mọi thủ đoạn để hãm hại con người.
- Thủ đoạn thứ
nhất: Hành hạ thân xác con người.
Quỷ đã nhập vào một
người làm cho anh ta phải điêu đứng khổ sở, mất hết nhân tính, phải sống cô độc
trong mồ mả và trên núi đồi, tự làm hại bản thân bằng cách tru tréo và lấy đá
đập vào mình…
- Thủ đoạn thứ
hai: Xúi dục con người chống lại Thiên Chúa.
Ngay sau khi bị Chúa
Giêsu trục xuất ra khỏi người bị nó ám hại, thì tứ khắc ma quỷ quay sang
cám dỗ về lòng tham mê của cải nơi con người. Chính lòng say mê của cải mà dân
trong vùng ấy chống lại Chúa Giêsu, bằng cách xin Ngài rời khỏi vùng đất của
họ. Bởi lẽ họ sợ rằng hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất đi
tài sản quý giá gì nữa? Vì vậy, họ quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu ra xa họ.
Ngày nay có lẽ
ma quỷ ít khi trực tiếp nhập vào con người, làm cho họ
phải điêu đứng khổ sở như ngày
xưa. Nhưng chúng thường bày ra muôn ngàn cách để lôi
kéo con người chống lại Thiên Chúa. Thúc đẩy con người hành động đến mất
cả nhân tính như: giết người cướp của; tự do đồng tình luyến ái; nghiện
ngập rượu chè, xì ke ma túy, hoang dâm…
Hoặc có khi nó cám
dỗ con người bằng những hình thức nhẹ nhàng, tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu
không tỉnh thức con người sẽ dễ dàng sập vào bẫy nó giăng.
Chuyện
dân gian kể rằng: có một người đàn ông nọ bị quỷ hiện lên chận đường.
Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say,
hai là đốt nhà của mình, ba là giết chết vợ mình. Quá hoảng sợ, người đàn ông
đành chọn uống rượu thật say, vì anh ta cho đó là việc làm ít nguy hại nhất.
Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ
can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba
việc mà tên quỷ đề ra.
Thủ
đoạn của ma qủy là vô biên nếu không đề cao cảnh giác chúng ta sẽ dễ
buông mình theo những lý lẽ xem ra rất hợp lý của chúng, tựa như câu chuyện
sau:
Một tu sĩ kia rất có
lòng đạo đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng
Chúa. Xảy ra là có một hôm ông ngủ quên, thấy vậy, tướng quỷ Sa-tan đến đánh
thức ông. Khi biết kẻ đánh thức mình là Sa-tan, tu sĩ tỏ dấu thắc mắc, ma quỷ
liền nói với ông: “Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ông
là một điều tốt. Ông thấy không, ai làm việc lành đều là người tốt cả. Vậy tôi
cũng là một người tốt”. Tu sĩ đáp: “Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, vậy
nhân danh Thiên Chúa, mi phải nói rõ vì lý do nào mi đánh thức ta?“ Bấy giờ ma
quỷ buộc lòng phải nói thật: “Nếu ngày nào ông ngủ quên không đọc kinh sáng,
thì khi thức dậy ông sẽ cảm thấy hối hận, khiêm tốn và quyết tâm sống đạo đức
hơn. Còn ngày nào ông thức dậy sớm đọc kinh sáng, thì ông sẽ nghĩ mình đạo đức
và không quyết tâm làm các việc lành khác”. Nói xong nó biến mất.
Để chống lại mưu mô
của quỷ dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không ngừng chay tịnh, cầu nguyện nhất
là sống theo Lời Chúa chỉ dạy.
Xin cho chúng ta
biết chay tịnh cỏi lòng, chuyên chăm cầu nguyện. Nhất là biết dùng Lời
Chúa như là kim chỉ nam định hướng cuộc sống chúng ta.
Thứ ba: Mc 5,
21-13
Tình thương cứu độ
của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc
hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi
hỏi con người phải có đức tin.
Tin mừng hôm nay
thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và chữa
lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẻ của
họ.
Đức tin chính là
thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người.
Nhờ tin mà cô con
gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.
Đức Tin đem đến cho
con người niềm hy vọng.
Hy vọng vào Chúa,
nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi
tìm đến và đụng chạm vào gấu áo của Chúa Giêsu.
Hy vọng nơi Chúa,
ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái
ông.
Nhờ lòng tin công
khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu sống.
Nhờ lòng tin chân
thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa
chữa lành.
Tin chính là đặt hết
niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở "Chúa. Trao cho
Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Con cái là món quà
quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ.Con cái là tất cả. Mất con cái
là mất tất cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ lãnh
đã có được niềm tin.
Bệnh tật luôn là nổi
ám ảnh của con người. Bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên đau khổ, chan
nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà đã có
được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.
Chúng ta cũng vậy,
niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức
tin chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như
người cha; hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay.
Điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều
Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh
ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trên hành trình bước
theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là thử thách. Xin
cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẻ thể hiện niềm tin của
mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.
Trong cuộc sống,
chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn
"Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy
tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.
Thứ tư: Mc
6,1-6
Nhớ Thánh Gio-an
Bốt-Cô, linh mục
Sau một thời gian
thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu gây được nhiều tiếng vang và
được đông đảo dân chúng đó đây ngưỡng mộ về giáo lý và những phép lạ
Ngài làm.
Hôm nay khi trở về
quê hương xứ sở để thi hành sứ vụ, thì Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương
Nazareth khướt từ và đối xử tệ bạt. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ loại trừ
và cách hành xử tệ bạt như thế của dân làng Nazareth?
Xét cho cùng cũng
bởi hai chữ “tại vì”.
- Tại vì Chúa
Giêsu không có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ trong tay nên
khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, Giáo lý, hay giáo luật…nên đã bị làng
Nazareth xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu giảng dạy về kỷ thuật đóng
bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận.
- Tại vì Chúa
Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo. Con của bác
thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa, không nghề nghiệp trong tay, không của
hồi môn nên làm sao có của dư của để. Gía như Chúa Giêsu là con của một đại
gia, thì đâu nổi bị dân làng xúc phạm.
- Tại vì Chúa
Giêsu không có bà con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên
làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay
bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền quý. Gía như Chúa Giêsu là con ông cháu cha
(CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi tán thưởng của dân làng Nazareth sẽ vang dậy
không ngừng trước những lời hay ý đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!
Tắt một
lời, “tại vì” họ biết rất rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu,
một lý lịch được xếp vào “hạng tồi”. Nên không lạ gì họ chối
từ, không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Ngày nay Chúa Giêsu
vẫn tiếp tục bị coi thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh
hoạn tật nguyền; nơi những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã
hội. Đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, khi mà mọi thứ đều được
đánh giá dựa trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những
người nghèo hèn vẫn còn bị coi rẻ.
Khi mà người ta quá
coi trọng địa vị bằng cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cõi ít học vẫn bị
khinh thường.
Khi mà xã hội quá đề
cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân cô thế vẫn còn
bị hất hủi chà đạp.
Đâu là những tiêu
chuẩn tôi thường dựa vào để đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành
kiến, ác cảm chi phối mà đánh giá người khác một cách bất công không? Thái độ
của tôi thế nào đối với những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?
Ước gì Lời Chúa hôm
nay giúp chúng ta gạt bỏ cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức
tin, cái nhìn siêu nhiên: cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo
khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận
chính Chúa. Amen.
Thứ năm: Mc 6,
6-13
Để thực hiện sứ mạng
giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc
bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng
ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng
hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai
các ông từng hai người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn
năn sám hối.
Khi lãnh nhận bí
tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được
mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn
nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức chúng ta hãy cậy trông
vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa,
ta dễ sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho
dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị,
không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa,
ta dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và
sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa,
ta sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc
với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.
Lạy Chúa
Giêsu, xin cho chúng con có được tinh thần khó nghèo đểcảm nhận được những
thiếu thốn của tha nhân và đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh.
Xin gìn
giữ chúng con khỏi những ma lực của đồng tiền, những quyến
rũ của vật chất, để trung thành và can đảm rao giảng sứ điệp ăn năn sám
hối mà Chúa truyền dạy.
Xin cho
chúng con biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác tích cực với anh em trong
việc truyền giáo, nhằm làm lành mạnh hóa đời sống các tâm hồn,
ngõ hầu đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường
chúng con đang sống.
Thứ sáu: Ml 3,1-4; Dt
2,14-18; Lc 2,22-32.
DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO
ĐỀN THÁNH (Làm Phép Và Kiệu Nến)
Cùng với GH hôm nay
chúng ta mừng kính lễ Chúa Giêsu dâng mình trong đền thánh. Sự kiện Chúa
Giêsu dâng mình trong đền thánh tiên báo về của lễ tinh tuyền mà Người sẽ hiến
dâng lên Chúa Cha trên thập giá sau này, để đền tội thay cho muôn dân.
Dâng thánh lễ hôm nay,
chúng ta cảm tạ tình thương cứu độ cao quý mà Thiên Chúa dành cho
chúng ta; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng đời mình làm của lễ
sống động dâng lên Thiên Chúa và phục vụ mọi người với
niềm tin yêu và phó thác.
Phụng vụ lời Chúa
hôm nay nhấn mạnh đến cách thế hiện diện của Thiên Chúa và điều kiện căn
bản để ta đón nhận Người.
- Như chúng ta
biết sau thời lưu đày Babylon, khoảng 515 trước công nguyên. Khi ấy đền
thờ Giêrusalem đã được tái thiết xong, nhưng không đẹp và tráng lệ
bằng đền thờ Giêrusalem trước đây nên nhiều người tỏ ra hối tiếc. Nhiều vị tiên
tri thời bấy giờ cho rằng: điều quan trọng không phải là đền thờ đó cao
sang lộng lẫy, nhưng quan trọng là đền thờ ấy được Chúa ngự đến. Vì vậy mà tiên
tri Malakhi đã loan báo về một viễn tượng tràn đầy hy
vọng trong ngày mà Thiên Chúa sẽ thân hành đi vào đền thờ
viếng thăm dân Người: “và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi
vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông
đang đến.”
Tiên tri Malakhi
cũng cho biết ngày Chúa đến sẽ là ngày kinh hoàng : “Ai chịu nổi
ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?”. Vì ngày Chúa đến
là ngày kinh hoàng nên con người cần phải được thanh luyện và tẩy sạch mới có
thể đứng vững trong ngày đó.
- Trong bài đọc 2,
tác giả thư Do Thái tiếp tục mô tả cách thức hiện diện của Thiên
Chúa: “Người sẽ mặc lấy xác phàm mà đến ở với con người. Người trở nên
đồng thân, đồng phận và đồng tử với con người, ngõ hầu cảm thông, trợ giúp và
xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.”
Một câu hỏi đặt ra
là tại sao Thiên Chúa phải hiện diện với thân phận con người như thế?
Thưa, bởi lẽ nếu Thiên Chúa không phải là người thật thì Người không chết thật
và do đó loài người không được cứu độ; còn nếu Thiên Chúa là người thật mà
không phải là Thiên Chúa thì cái chết của Người cũng như bao người khác, không
thể cứu chuộc được ai cả. Vì thế sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu phải
là Thiên Chúa thật và là người thật, ngoại trừ tội lỗi.
- Theo dòng tư tưởng
trên, bài Tin mừng hôm nay cho biết cách thế để ta nhận ra Thiên Chúa làm
người nơi Đức Giêsu.
Để nhận ra Thiên
Chúa đi vào Đền thờ với thân phận là một Hài Nhi Giêsu thì cần phải có đời sống
như cụ già Simêon: Sống đời công chính, luôn khát khao mong đợi
Chúa đến, nhất là biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần;
cũng như phải nêu gương bắt chước lối sống của cụ bà tiên tri
Anna: “không rời khỏi đền thờ, đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện. Vào
giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng
đợi phúc cứu chuộc của Giêrusalem.” (Lc 37-38).
Thiên Chúa luôn hiện
diện và đồng hành với chúng ta qua mọi nẻo đường của cuộc sống để nâng đỡ, chở
che, ban ơn. Điều quan trọng là làm thế nào để nhận ra Người?
Xin cho chúng ta có
được đời sống tốt lành, thánh thiện như cụ ông Simêon và như cụ bà
Anna để ta có được cái tâm trong sáng và cái nhìn ngay chính thánh thiện mà nhận
ra Chúa hiện diện trong mọi người cũng như qua biến cố của cuộc đời.
Xin Chúa Thánh Thần thương thanh tẩy tâm hồn và đôi mắt
của ta nên trinh trong, để cái nhìn của ta được ngời sáng. Nhờ đó mà ta dễ
dàng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo nàn.
* Suy niệm thường
niên: Mc 6, 14-29
Cái chết anh dũng
của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn
nhiều góc tối.
- Góc tối của đam mê
dục vọng: Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân
thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong
đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những
tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
- Góc tối của hận
thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của
Gioan Tẩy Gỉa trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù
Gioan Tẩy Gỉa đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách
bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
- Góc tối của nhác
đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua
che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe.
Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì
sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời
hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến
quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa.
- Góc tối của ngây
ngô dại khờ: Salômê một cô con gái có tài mà không
có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh
phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của
cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.
Xin cho ánh sáng
chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những
góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.
Xin cho chúng ta dám
can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh
mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình
thương.
Thứ bảy: Mc 6,30-34
Ðức thánh giáo hoàng
Gioan Phao-lô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi
thứ hai của tình thương". (Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
số 7).
Đức Giêsu là hiện
thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là hiện thân
của Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể
hiện cách cụ qua bài tin mừng hôm nay, bằng cách:
- Quan tâm đến các
tông đồ: Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả,
các Tông đồ trở về lòng đầy hứng khởi, thuật lại cho Chúa
Giêsu nghe những thành quả vàng son mà các ông đã gặt hái được.
Ngoài việc lắng nghe
và đồng cảm với những thành quả ấy của các môn đệ, Chúa Giêsu còn nhìn
thấy điều cần thiết và quan trọng hơn đối với các tông đồ ở đây lúc
này, đó là nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi để lấy lại
sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau… Đây
là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình lại cuộc sống. Nên
Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một
chút.” (Mc 6,31). Với sự quan tâm này cho biết: Chúa Giêsu coi
trọng con người hơn công việc.
- Quan tâm đến dân
chúng: Mặc dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông
đồ đã tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi
chút. Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến, “Ngài chạnh lòng
thương vì họ đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”.
Ngài quên cả mệt nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban
phát lời hằng sống cũng như đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành
động này cho biết: Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan
tâm đến người khác.
Mỗi người chúng ta
có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo
vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu đôi lúc cần phải hy sinh cái lợi ích
riêng tư ấy vì lợi ích và hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi
đó là một cơ hội và là ân ban của Chúa để sẵn sàng đáp ứng với tấm lòng
thương xót như Chúa đã thương xót ta.
Xin Chúa cho chúng
ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra những nhu cầu cần thiết nơi
tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như Chúa để chúng ta
không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con người.