SỐNG LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY A
Thứ hai: Lc 4, 24-30
Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế không phải cứ là đồng hương, hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta hết lòng tin yêu Chúa, sống đạo sốt sắng và làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Quen quá, hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ hoài nghi rồi dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ mới tin nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người đồng hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe hai câu chuyện thời xưa. Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả, mà lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta. Và trong lúc nhiều người phong cùi trong họ không ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man, người ngoại xứ Xy-ri-a. Nghe hai câu chuyện dân làng Nazaret hiểu Chúa Giêsu ám chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực sâu, nhưng Người bỏ họ mà đi. Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan niệm sẵn có trong đầu họ.
Chính quan niệm sai lầm đưa đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mùa quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau. Xin cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở. Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình thương cứu độ của Chúa dành cho mọi người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có thể đón nhận được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành
Lời Chúa dạy, nhờ thế ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.
Thứ ba: Mt 18, 21-35
Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Ngược lại lấy đức báo oán, oán tiêu tan. Ai trong chúng ta lại không lầm lỗi thiếu sót. Ai trong chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta hãy lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, như chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta.
Khi muốn nói một điều khó nói, người ta dùng câu chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta lại dùng câu chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào lột tả hết, người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng câu chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi con người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua tha hế cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta không bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy hết lời van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh nộ bắt giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là Thiên Chúa. Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường xuyên, Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay hữu ý xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ. Con người là con vật có xã hội tính. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác. Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến và phát triển nhiều phương diện.
Tuy nhiên đời sống chung có khi gây không ít phiền hà, làm khổ cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng. Tha thứ cho nhau không là chuyện dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Để thực hiện được sự tha thứ cho nhau ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy tội lỗi thuờng, xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai hoàn hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông cảm tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của mình. Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ hoà giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc. Trong mùa chay chúng ta hãy duyệt xét lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều bất hòa, chúng ta hãy hòa giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa thương tha tội cho ta.
Thứ tư: Mt 5, 17-19
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến và tuân giữ.
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và nhân dân bàn thảo, nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế. Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho tất cả mọi người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu. Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “ Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…” Như thế đã có sai lạc nào đó về quan niệm, cách thế giữ luật của những người biệt phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn. Cần xác định lại những yếu tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật
Mục đích của luật là nhằm đem lại lợi ích cho con người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những phương tiện nhằm giúp con người nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang lại những giá trị trên, trái lại chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ làm gì. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).
Ưu tiên của luật
Thiên luật là luật do Thiên Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật là luật do con người làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và Thiên luật đòi buộc cùng lúc. Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật
Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (x.Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong thân phận hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất yếu. Tuy nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị tốt xấu các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết
Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một điều tích cực trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm chí là xấu xa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt 25,31-46). Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo qua cách thức giữ luật. Xin chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình thức bên ngoài, mà còn phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.
Thứ năm: Lc 11,14-23
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối. Tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
2. Một số người cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ."
3. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu.
Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
Câu truyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.
Thứ sáu: Mc 12,28b-34
Cốt lõi của đạo Công Giáo là Bác Ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm kinh sư tới hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất.
Thời bấy giờ có nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ. Có lẽ, nhân cơ hội này họ cũng muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào. Bằng cách thăm dò đó , họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết của Chúa Giêsu về Thánh Kinh và luật lệ tới mức độ nào.
Chúa Giêsu trích dẫn hai câu Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “ Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: “ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”.
I. YÊU MẾN CHÚA
Yêu mến Chúa hết lòng: Nghĩa là ta phải yêu Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng. Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận.
Yêu mến chúa hết linh hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng linh hồn Chúa ban: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu mù quáng.
II. YÊU THƯƠNG NGƯỜI
Thân cận là ai ?
Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù.
Như chính mình là sao?
Không có nghĩa là ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
III. CỤ THỂ HÓA TÌNH YÊU THA NHÂN
1. Thứ nhất: Yêu là thông cảm với nhau trong bất cứ trưòng hợp nào: “ vui với người vui, khóc với người khóc”. Sự chia sẻ này không chỉ ở đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thể hiện cụ thể bằng hành động. Vì tình yêu chân thực là tình yêu san sẻ.
2. Thứ hai: Yêu nhau là phải xây dựng cho nhau. Không ai hoàn hảo. vậy khi thấy anh em sa ngã hay sai trái, chúng ta có bổn phận chân thành nhắc nhở, khuyên bảo, giúp đỡ, động viên, an ủi và cầu nguyện, để họ ăn năn hối cải . “ có nhau lúc hoạn nạn, mới là bạn”.
3. Thứ ba: Yêu mến nhau là biết nhường nhịn nhau. Chấp nhận thiệt thòi về phía mình. Bởi yêu thì không chấp nhất, trái lại sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn, bỏ qua và tha thứ. Có người ví von: “ Muốn biết là tình yêu thật hay dỏm, cứ bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra hai chữ hy sinh, thì đó là tình yêu thật”.
Mến Chúa và yêu người, đó là hai bộ mặt của một tình yêu. Cả hai chỉ là một như đồng tiền hai mặt. bỏ một mặt đồng nghĩa bỏ cả hai.
Nếu so sánh tình yêu đối với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình “hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xóa mọi chuyện.
Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta.
Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai.
IV. YÊU THA NHÂN LÀ YÊU CHÍNH MÌNH
Nhờ hai tình yêu đó mà con người có thể tìm lại được chính mình. Các tác giả tu đức nói rằng lệnh truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Ngài đòi buộc chúng ta yêu mến Chúa. Hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không thương yêu anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa. Có một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau :
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,
Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,
Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.
Chúng ta có thể quả quyết : Bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương người lân cận của mình.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống yêu thương và biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương. Yêu anh em là yêu Chúa, và yêu người khác là yêu chính mình. Amen.
(Viết theo Lm. Gc Phạm Văn Phượng, OP. và Lm. Giuse Đinh lập Liễm)
Thứ bảy: Lc 18,9-14
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục.
Xin cho chúng ta có đưuợc thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Mấy ngày gần đây, báo giới xôn xao về lời xin lỗi muộn màng của BTV Kim Ngân nói riêng và của nhà đài THVN nói chung.
Ngày 25/01/2011 VTV đã phát sóng chương trình “ Mối Tình Đầu Của Lượm” sai sự thật.
Đáng lẽ ra, Nhà Đài phải có lời xin lỗi chính thức với khán giả về việc làm không nghiêm túc dẫn đến sai trái, lừa dối lòng tin yêu của nhân dân.
Đàng này Nhà Đài còn muốn to tiếng đỗ lỗi và trút trách nhiệm cho cô Trần Thuỳ Dương, người đóng vai Cô Lượm.
Đàng này Nhà Đài còn muốn to tiếng đỗ lỗi và trút trách nhiệm cho cô Trần Thuỳ Dương, người đóng vai Cô Lượm.
Trước hành động cao ngạo của BTV Kim Ngân và ê kíp chương trình, đã làm cho báo giới bất bình và ước mong một lời xin lỗi chân thành từ phía Đài.
Tối ngày 29/3/2011, trong chương trình Người Xây Tổ Ấm, phát sóng lúc 22h30, BTV Kim Ngân đã có lời xin lỗi chính thức gởi tới khán giả của Đài THVN liên quan tới chương trình “ Mối Tình Đầu Của Lựơm”, là câu chuyện không có thật.
Lời xin lỗi chính thức của BTV Kim Ngân dù muộn màng nhưng đã làm hài lòng khán giả cả nước. Giá như khiêm tốn xin lỗi khán giả ngay từ đầu, thì sự việc sẽ không phức tạp. Trái lại sẽ càng được mọi người kính trọng và yêu mến.
Bài tin mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu lại dạy cho chúng ta biết sức mạnh của đức khiêm nhường: lời cầu nguyện của người khiêm nhường chọc thủng trời mây, tức là lời cầu nguyện của người khiêm nhường sẽ được Chúa nhậm lời. “ Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…”
Ước mong mùa chay, chúng ta có được tâm tình, thái độ và lời cầu nguyện khiên tốn của người thu thuế. Tránh thái độ kiêu căng tự mãn đề cao mình trước mặt Chúa và tìm cách hạ bệ, buộc tội người khác của người Biệt Phái.
Chúa chỉ tha thứ và ban ơn cho những ai biết nhận ra thiếu sót, tội lỗi của mình và khiên tốn hết lòng kêu xin lòng thương xót của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét