Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

SỐNG LỜI CHÚA TUẦN I MC A

Thứ hai ( 25,31-46)
Dẫn
Ước muốn của người kitô hữu chúng ta là gi? Nếu không phải là được hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp.
Nhưng làm thế nào để đạt được điều mà chúng ta hằng mong ước đó?
Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ dạy chúng ta.
Chia sẻ
Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là “Tình Yêu”.
Chúa Giêsu đi vào trần gian không chỉ thể hiện tình yêu qua việc giúp đỡ mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ bệnh tật,…mà còn vạch ra cho chúng ta con đường tình yêu qua cái “chết cho người mình yêu” và mời tất cả những ai muốn vào nước trời phải đi vào con đường tình đó: “ yêu như Chúa yêu”.
Sở dĩ chúng ta phải yêu thương mọi người vì tất cả đều do Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa. Mọi người đều được Chúa Giêsu đổ máu để cứu chuộc. Chính Chúa Giêsu còn đồng hoá Người với những ai bé nhỏ nghèo hèn nữa. Do vậy ai giúp họ chính là giúp Ngài. Ai cho họ là cho Ngài.
Chúng ta thường hay phân biệt có hai loại nghèo: nghèo mà dễ thương là những người chí thú lo làm ăn lương thiện, nhưng vì hoàn cảnh họ không khá lên được. Loại nghèo khó thương, là những ai suốt ngày chỉ lo cờ bạc, rượu chè, gian tham, lười biếng không lo làm, nên sinh nghèo. Loại nghèo này đáng phải trừng phạt và loại trừ mới đáng. Tuy nhiên với cái nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác. Loại nghèo xem ra khó thương, thì đó lại là loại nghèo đáng thương trước mặt Chúa, vì họ không chỉ nghèo vật chất mà nghèo cả tinh thần và kiến thức. Do đó họ đáng cần được yêu thương và giúp đỡ.
Mỗi người đều được kêu mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Do đó dù con người có xấu xa, tội lỗi như thế nào đi nữa thì họ cũng là đối tượng được Chúa yêu thương và tôn trọng, nên chúng ta không có quyền loại trừ.
Nhưng ta phải làm gì để nói lên tình yêu dành cho tha nhân?
Bài tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta ý thức nổ lực thực hành sống mười bốn mối yêu người.
Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệc cùng kẻ tù đày, cho khách đổ nhờ, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết…
Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Sống được như thế là chúng ta đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho ngày Con Người đến trong vinh quang. Chắc chắn ngày ấy chúng ta sẽ đứng bên phải, thuộc hạng chiên ngoan xứng đáng được Chúa chúc phúc và thưởng vương quốc mà Người đã dọn sẵn cho.
Xin cho mùa chay này chúng ta ý thức sống tình bác ái với tha nhân tích cực hơn. Bằng cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, bằng những cử chỉ thân tình, bằng những nụ cười quý mến, bằng đôi chân ra đi đến với anh em, bằng đôi tay sẵn sàng mở rộng để chia sẻ với anh chị em, nhất là những ai nghèo khổ.
Nhờ thế chúng ta sẽ nên giống Chúa và được Chúa chúc phúc lành cho chúng ta hôm nay và mai sau.
Thứ ba ( Mt 6,7-15)
Dẫn
Cầu nguyện là một trong ba việc làm đạo đức quan trọng mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta thi hành trong mùa chay. Nhưng chúng ta đã cầu nguyện như thế nào? Có hợp với ý muốn của Chúa chưa? Hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay, để điều chỉnh lại việc cầu nguyện của chúng ta cho xứng hợp.
Chia sẻ
Chuyện vui kể rằng: Hai vợ chồng nọ do làm ăn thất bại nên lâm vào cảnh túng cực. Nhân lễ giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, hai vợ chồng vào mộ cha Diệp khẩn xin. Người chồng móc túi quần bên phải ra hai tờ giấy số mới mua, rồi thành tâm khẩn cầu: Nếu chiều nay cha cho con trúng 2 tờ giấy số này, vợ chồng con sẽ dâng cúng hết cho nhà thờ.
Nghe ông chồng cầu xin, bà vợ tỏ ra bực tức nên lớn tiếng mắng vào mặt chồng: đồ ngu! trúng 2 tờ dâng hết lấy gì mà ăn?.
Nghe vợ mắng, chồng không nhịn được liền quay sang vợ, thò tay móc những tờ giấy số còn lại bên túi quần trái, giận dữ đập vào mặt vợ và bảo: bà mới thật là ngu, còn 8 tờ nữa nè!
Chúa biết khi cầu nguyện, người ta thường hay xin ơn nọ ơn kia và rất ít nghĩ đến vinh danh và công việc của Chúa.
Xin ơn, đành là một điều cần, nhưng nó lại mang tính cách vị kỷ làm cho người ta chỉ nghĩ đến mình và không lo đến việc của Chúa. Vì thế Chúa dạy cho các Tông Đồ cách thức cầu nguyện phù hợp qua kinh Lạy Cha.
Phân tích kinh lạy cha, ta thấy gồm có bảy điều nguyện xin và được chia ra làm hai phần rõ rệt:
Phần thứ nhất: gồm ba điều nguyện ước hướng về Chúa. Xin cho Thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết mến yêu và phụng sự, xin cho Nước Cha tức là Uy quyền của Chúa hay là Giáo Hội Ngài thành lập được lan rộng khắp nơi., được thống trị trong cả thế giới nhất là trong các linh hồn ; xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân phục cách hoàn hảo cũng như các Thánh ở trên trời hằng tuân phục.
Phần thứ hai: gồm bốn điều, là những lời nguyện xin cho nhu cầu vật chất và tinh thần cho chính chúng ta. Xin cho được đủ của để nuôi mình hằng ngày ; xin Chúa tha nợ tội lỗi, cái nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa ; xin Chúa cứu khỏi những chước cám dỗ bất kỳ bởi đâu và cả những sự dữ, những tai ương ở trần gian nữa.
Những lời nguyện xin ở trên đây phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng những tâm tình tin cậy yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha. Vì thế để thể hiện những tâm tình đó, khi cầu nguyện chúng ta phải kính cẩn và vui mừng đọc lên những lời kinh rất ý nghĩa : “Lạy Cha chúng con ở trên trời.......”
Sau khi dạy kinh lạy cha, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến việc tha thứ. Đây là vấn đế khó, mình xin Chúa tha nợ cho mình, nhưng mình có sẵn sàng tha nợ cho người khác hay không ? Chữ nợ ở đây có nhiều ý nghĩa, nhưng nghĩa chính mà Chúa muốn nói đến là tội lỗi. Xin Chúa tha tội cho mình mà mình không tha thứ cho người khác thì đọc hàng ngàn hàng vạn Kinh Lạy Cha cũng chẳng được ơn ích gì !
Như thế tha nợ cho người khác là điều kiện tiên quyết để được Chúa thứ tha. Suy nghĩ kỉ chúng ta thấy rằng: chúng ta xúc phạm đến Chúa là Đấng Thánh, là Đấng Tạo Dựng… thì nặng nề biết dường nào. Ngược lại người khác xúc phạm đến ta chỉ là thụ tạo thì có đáng gì. Như thế ta nợ Chúa quá nặng, người khác nợ ta thì quá nhẹ. Chúa lại lấy cái nợ nhẹ ra để làm điều kiện tha nợ nặng cho chúng ta quả là ân huệ lớn lao cho ta rồi. Nếu ta không chấp nhận đúng ta là người dại biết mấy. Hơn nữa chẳng những Chúa không tha tội cho ta mà Chúa cũng không nhận lời cầu xin và lễ dâng của ta nữa. Chính Chúa đã nói rõ: “khi đi dâng lễ mà nhớ mình có chuyện bất hoà với anh em, thì hãy để của lễ đó mà về làm hòa với anh em đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ sau”.
Hằng ngày, chúng ta vẫn đọc kinh lạy cha, chúng ta thờ lạy Chúa, chúng ta tôn vinh Chúa, chúng ta cầu xin những ơn hồn xác điều đó tốt lắm. riêng việc cầu xin: “ Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”, chúng ta thưa với Chúa vậy nhưng có làm không?
Trong cuộc sống khó trách được những va chạm làm ta buồn bực, tức giận, khó chịu, đau lòng, khổ sở…chúng ta có sẵn sàng bỏ qua và tha thứ cho họ không? Nếu chúng vẫn để lòng mình còn buồn phiền, hờn giận là chúng ta chưa sống tâm tình của kinh Lạy Cha, cũng như không xứng đáng được Chúa tha thứ và ban ơn cho ta.
Thứ tư (Lc 11,29-32)
Dẫn
Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng lời.
Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như người Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Chia sẻ
Người buồn cảnh có vui bao giờ.
Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Dù có chứng kiến bao là phép lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng họ vẫn không tin.
Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “ Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.
Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe!
Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù quáng và tự mãn. Nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Thứ năm (Mt 7,7-12)
Dẫn
Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta hãy siêng năng và kiên trì cầu nguyện với lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa là Cha.
Chia sẻ
Nhiều người kitô hữu cảm thấy chán nản không muốn cầu nguyện nữa, bởi lẽ họ cầu xin hoài mà Chúa không đáp lời. Vậy lời Chúa hôm nay phải hiểu như thế nào?
- Chúng ta cần xác định Thiên Chúa là Cha chúng ta. Mà đã là Cha thì tất nhiên phải quan tâm đến những nhu cầu của con cái.
“ Anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa không những là Cha Tốt Lành, Ngài còn có uy quyền làm mọi sự; việc Ngài ban điều con cái xin là chuyện hiển nhiên.
- Có thể những ơn Chúa ban, ta lại không nhận ra.
Ví dụ: Khi xin được bình an, Chúa lại ban cho ta ý thức và nổ lực tạo bình an cho mình và tìm cách đem bình an cho người khác.
Khi xin được giàu có, Chúa lại ban cho ta biết nổ lực làm việc, lao động thành thật và siêng năng.
Khi ta xin thi đậu, chúa ban cho ta sự cố gắng học hành, ngày đêm chăm chỉ.
- Ngay cả khi ta thấy thất bại trong điều cầu xin, khi ấy ta lại được Chúa ban ơn khác quý giá hơn.
Nhiều người nói rằng mình đã cố gắng học, nhưng vẫn...không đậu. Nhưng ta có nhận ra rằng: vài năm sau khi nhìn lại sự việc đó, ta sẽ thấy nó tốt cho mình hơn là thi đậu không?
Tôi đã cố gắng làm việc, nhưng vẫn không giàu. Nhưng sau đó ta có nhận ra là nhờ nó mà sau đó ta lại giàu gấp 3-4 lần ta mong đợi không?
- Người xưa thường nói: Có chí thì nên. Kiến tha lâu đầy tổ. Góp gió thành bão. Năng nhặt chặt bị. Ngồi lâu câu bền. Thua keo này, bày keo khác.
“Dẫu rằng chí thiển tài hèn, chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ”…
Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy : muốn làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải dầy công vất vả : người nông dân muốn có mùa gặt, phải làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới đất, tưới tắm chăm sóc cây lúa. Có như thế mới có thu hoạch.
Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư phải vất vả và học hành bao nhiêu năm trời đèn sách. Có như thế mới có thể trở thành người có chuyên môn có khả năng giúp ích cho gia đình và xã hội.
Kiên trì lao động là đều kiện cần thiết cho sự thành đạt của mọi công việc. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn sẽ đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn :”Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không những chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực tâm linh.
- Khi cầu nguyện, Abraham mặc cả với Chúa nhiều lần bằng cách hạ dần số người công chính có trong thành Xơđôm tội lỗi để xin Chúa tha phạt cho cả thành. Quả là có lợi khi ông lý luận chẳng lẽ người công chính cũng bị vạ lây với hình phạt dành cho người tội lỗi? Và cuối cùng nhờ biết “đôi co”, Thiên Chúa “đành thua” mẹo của ông Abraham. Thế là ông và cả thành thoát nạn bởi bản chất của Thiên Chúa là Đấng "chậm bất bình và đầy lòng khoan dung".
Lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Maisen. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân Amalếch thắng.
Thánh Phaolô trong thư căn dặn Timôthêô phải kiên nhẫn và trung tín cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh.
Rồi đến dụ ngôn bà góa trong Tin mừng. Bà góa nài nẵng xin thẩm phán xét xử công lý cho bà. Để bà khỏi quấy rầy, ông thẩm phán, mặc dù là người bất lương , cuối cùng cũng phải xét xử vụ kiện của bà.
Cuộc trở lại của thánh Augustinô là một ví dụ điển hình nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là Monica, phải mất gần 20 năm trời lời cầu xin của bà mới được chấp nhận.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9).
Dù Chúa có trì hoãn : Chắc chắn Ngài sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Ngài. Mỗi khi chúng ta có cảm tưởng Chúa trì hoãn không bao giờ theo ý chúng ta xin, chúng ta hãy nhớ lại lời cầu của Đức Giêsu xin Cha cất chén đắng cho Ngài, nhưng lời xin ấy đã không được Cha chấp nhận cất chén đắng đau khổ đi. Vì chính nhờ Đức Giêsu đã trải qua đau khổ của thập gía để vào vinh quang Phục sinh, mà loài người chúng ta mới được ơn cứu độ. Trong thực tế, có nhiều điều ta tưởng là tốt nên nài xin Chúa ban cho mình, nhưng thực ra nó có hại cho ta mà ta không hay biết, nên Chúa đã không ban. Chúng ta sẽ ra sao nếu mọi ước muốn ngông cuồng hay ấu trĩ của chúng ta đều được Chúa nhận lời hết?
Thứ sáu (Mt 5,20-26)
Dẫn
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì chỉ có Chúa làm chủ sự sống mới có quyền đó. Đó là công lý.
Luật của Chúa trong tin mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp buộc tội khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Xin cho mùa chay này chúng ta biết giữ tâm hồn cũng như môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
Chia sẻ
Chúa nói “ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”
Người xưa kết tội khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì thường bắt đâu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ, giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động. Chúa cấm từ trong trứng nước như vậy.
1. “Ai giận anh em mình thì đáng bị xét xử”.
Giận dỗi thì ai cũng dễ mắc lắm. “... dày môi hay hờn, giận cá chém thớt”... Người ta chỉ giận người khác rồi mới nảy ra ý định giết người đó. Khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta, ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác gì giết người không dao.
2. Thái độ thứ hai được kể ngang hàng với tội sát nhân là tội khinh dể anh em mình. Chúa Giêsu nói: “Ai bảo anh em mình là đố ngốc... là đáng bị lên án trước công nghị.”
Tại sao khinh bỉ người như thế mà cũng bị coi là giết người. Thưa vì khinh khi như thế, ta thường kiếm cách sát phạt họ, làm hại thanh danh họ mà không cần gươm giáo gì cả. Cho nên giết người ở đây là giết trong phạm vi tinh thần day dứt, làm cho người đó khốn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, chết dần chết mòn... Đó cũng là cách làm cho người đó chết mau hơn.
3. Cũng chưa hết, Chúa Giêsu nói: “Ai mắng anh em là đồ khùng... đáng lửa hỏa ngục”.
Khi ta mắng một người như vậy là ta đóng một vai trò quan án mà mình không có quyền như thế. Ta mắng một người như thế là ta hạ thấp họ xuống hàng con vật hết trí khôn rồi, không đáng là người nữa. Trong lòng chúng ta chất chứa những cay đắng giận dữ ghen ghét và ta muốn đổ hết lên đầu người mà ta mắng chửi kia.
Chúng ta nhớ một điều khi chúng ta phạm tội giết người từ trong tư tưởng, lời nói hay việc làm là chính chúng ta cướp quyền của Thiên Chúa, là chúng ta phản bội Thiên Chúa. Chúa ra hình phạt truớc là lửa hỏa ngục.
Chúng ta phải ăn năn thống hối nhiều lắm vì đời chúng ta hằng gây sóng gió bằng lời ăn tiếng nói làm đau khổ, làm tan nát bao nhiêu tâm hồn. Về lời nói, chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử ngày phán xét đó!
4. Tha thứ không phải là điều dễ nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: " Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ." Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.
Thứ bảy 19.03.2011
Lễ Thánh Giuse
THÁNH GIUSE MẪU GƯƠNG CỦA THINH LẶNG
Dẫn nhập
Nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về. Có lẽ việc trở về sâu xa nhất là trở về cỏi lòng mình trong thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, nhận ra tha nhân là anh em mình, nhất là nhận ra con người thật của mình. Nhờ đó mà ta có những điều chỉnh cho đúng đắn phù hợp với ý Chúa hơn.
Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, thì mục đích đã rõ, bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thinh lặng.
Xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng và yêu quý đời sống thinh lặng, nhất là biết học nơi thánh Giuse bài học về “đức thinh lặng”.
Chia sẻ
Có truyện kể về 3 pho tượng: Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước Chư hầu liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau. Nhà vua Ấn Độ yêu cầu nhà vua Chư hầu cho biết trong ba pho tượng vàng này, đâu là pho tượng quí giá nhất.
Nhà vua nước Chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quí giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng.
Nhà vua nước Chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.
Có một người tù, biết chuyện xin được xem ba pho tượng và nếu anh ta tìm ra giá trị hơn kém của ba pho tượng này thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do.
Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Chỉ trong ít phút, anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng.
Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “ đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.
Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.
Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình.
Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của thần dân nước nhỏ thì vô cùng kính nể. Ông về nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”.
Trong các sách Tin Mừng không hề thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse, dù chỉ một lời nói với Mẹ Maria hay với Chúa Giêsu. Ngay cả khi gặp trẻ Giêsu ở trong Đền Thờ sau những ngày lo âu tìm kiếm, cũng không có lời nào của ngài hé lộ. Các thánh sử muốn trình bày thánh Giuse là người của thinh lặng.
Không phải vô tình Thánh Kinh không ghi nhận một lời nào của Thánh Giuse, nhưng có lẽ hữu ý đề cao giá trị của sự thinh lặng.
Thinh lặng giúp ta cảm nhận được vẽ đẹp.
“...Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu...”
Trong bài thơ “ Đà Lạt Trăng Mờ”, nhà thơ Hàn Mặc Tử kêu mời ta hãy lắng đọng tâm hồn trong cỏi riêng tư để cảm nhận sâu xa vẽ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế yêu thương ban tặng cho. Có lẽ chỉ có thinh lặng, ta mới chìm sâu vào tận đáy lòng mình để nhận ra đáy nước hồ reo và nghe thấy nhịp rung của liễu tơ .
Chính đời sống thinh lặng, Thánh Giuse mới có khả năng nhìn thấu được phía bên kia của những biến động làm xáo trộn cuộc sống của ngài. Chính trong thinh lặng ngài mới mạnh mẽ đón nhận tất cả những biến cố đầy sống gió xảy đến cho gia đình mình như thế nào.
Thinh lặng là chọn cho mình lối sống khôn ngoan
Người đời thường nói: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng". thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc.
Như thế thinh lặng đươc ví như một chuẩn mực của đạo đức, một tiêu chí hay của khôn ngoan thông thái. Thinh lặng là thước đo của sự khôn ngoan, ví dụ như “bài diễn văn thông thái nhất cũng không bằng sự thinh lặng” (Thomas Hardy".
Ông bà ta vẫn nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Người không biết thì lại lắm mồm vì tưởng người khác không biết như mình, ngườì biết thì lại không nói vì nghĩ rằng mọi người đều biết”.).
Trong thinh lặng đầy khôn ngoan, Thánh Giuse đã âm thầm bảo vệ che chỡ Đức Maria và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trong bầu khí ấm êm của một gia đình hợp pháp.
Biết bao lần anh chi em giận hờn nhau, chồng dỗi hờn vợ, con cái phiền lòng cha mẹ, biết bao lần hàng xóm láng giềng chung vách chung tường có bao điều muốn tâm sự, muốn giãi bày, để hiểu nhau hơn, để làm vừa lòng nhau, hay để nhắc nhớ nhau diều này, điều nọ….. nhưng dường như ngôn từ không đủ ý tứ, hay chưa trọn vẹn lý tình, hay không hoàn hảo sâu sắc đủ để diễn tả, để biểu đạt, để tỏ lộ, bộc bạch…. tất cả những ai oán, những uẩn khúc, những lắt léo, những giằng co … trong thẳm sâu đáy lòng ta. Thế nên nhiều khi nói rồi, giãi bày rồi, lặp đi lặp lại nhiều lần rồi nhưng vẫn sợ, vẫn e ngại đối tác không hiểu, ban bè, người thân, láng giềng, chòm xóm hiểu sai, giận dỗi, quở trách, thì thật là phiền muộn lắm …..
Cho nên Heidegger mới khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biếu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ của chúng ta hoà quỵện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới. Đó cũng là ý nghĩa mà nhà thơ tài danh của Ấn Độ Rabindranath
Tagore muốn chuyển tải khi ông viết “Nước trong chậu thì sóng sánh; nước trong biển cả thì thẫm đen.....
Thinh lặng giúp ta nhận ra giới hạn của mình.
Thinh lặng để thấu đạt được cái vô thường, cái bất biến, cái trường cửu của đất trời. Thinh lặng để thấu triệt được nội quan cũng như ngoại giới. Thinhlặng đễ thấy ta là nhỏ bé, là mong manh, là hạn hữu trong trong mênh mông, bao la, vô hạn giới của đất trời, của vũ trụ thường hằng và vô biên. thinh lặng để chuyển tải nhiều hơn, thinh lặng để nói nhiều hơn, để nghe nhiều hơn, để thấu đạt nhiều hơn, có lẽ cũng đáng giá lắm thay sự thinh lặng ấy.
Trong chính sự thinh lặng trong đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Chính vì thế ngài được gọi là “người công chính”: làm theo ý Chúa.
Giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, ta phải chọn lựa như thế nào?. Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, ta biết đâu là đúng, đâu là sai? Có lẽ ta hãy học thinh lặng như thánh Giuse, để lắng đọng tâm hồn, bình tỉnh lắng nghe Tiếng Chúa nói. Khi nghe được tiếng Chúa, ta phải cương quyết chọn lấy cho mình con đường. Đó là sống cho nền văn minh tình thương và văn hoá của sự sống như Chúa và Giáo Hội dạy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...