Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C
Lm. Seoka

Dẫn
Ông bà và anh chị em thân mến, cùng với GH hôm nay chúng ta khởi đầu một năm phụng vụ mới, với Chúa nhật I Mùa Vọng. Khởi đầu năm phụng vụ mới, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Xin Chúa cho chúng ta để tâm lắng nghe và thi hành lời Chúa dạy hôm nay mà tỉnh thức và cầu nguyện trong kiên trì để sẵn sàng cho ngày Chúa đến .

Suy niệm
Bước vào Chúa nhật I mùa vọng, khởi đầu một năm phụng vụ mới, thời tiết của đất trời trở nên se lạnh cộng vào bầu khí phụng vụ trầm buồn với những giai điệu nhẹ nhàng và du dương của những bài thánh ca ... Tất cả như mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình sâu xa mà lo chuẩn bị tâm hồn xứng hợp đón chờ ngày Chúa đến.
 Thực ra Chúa đã đến cách nay hơn 2000 trong nơi  hang đá Bêlem nghèo hèn để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Tuy nhiên ơn cứu độ vẫn chưa đến được với lòng người, bởi lẽ "thế gian còn thích bóng tối hơn ánh sáng", vì thế GH luôn nhắc nhở chúng ta mở lòng để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến. 
Tin mừng Chúa nhật I mùa vọng hôm nay cho biết việc Chúa đến lần thứ hai trong ngày phán xét rất bất ngờ như cái lưới chụp xuống vậy. Do đó chúng ta cần phải có tâm thế sẵn sàng cho ngày ấy. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho xứng hợp? Tin mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta biết những cách thức cụ thể:
1.  Không nên cậy dựa vào sức mạnh trần thế nhưng hãy trông cậy và tin tưởng vào Chúa.
Thế giới này sẽ qua đi, bởi vạn vật có khởi đầu và có kết thúc, có sinh thì có diệt. Do đó ngày tận thế, tất cả những thế lực xưa nay mà người ta xem là vững bền (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển khơi…) đều bị lay chuyển trong ngày Chúa đến. Ngay cả những giá trị trần gian: tiền bạc, danh vọng, chức quyền …đều tan biến.
Ngày đó sẽ là ngày kinh hoàng đến hồn siêu phách lạc cho những người không có đức tin, nhưng lại là ngày vui mừng cho những ai nương tựa vào quyền năng Chúa. Và là ngày ngẫn cao đầu cho những ai tin tưởng vào Chúa.
2. Phải tỉnh thức
Tỉnh khức không có nghĩa là không được ngủ. Nhưng tỉnh thức có nghĩa là ta hãy chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao phó cho ta.
Mỗi người đều được trao gửi những nhiệm vụ khác nhau:
Là con trong gia đình hãy chu toàn tốt bổn phận làm con: Kính trọng và vâng nghe lời cha mẹ, siêng năng trong học tập và tích cực làm việc giúp giúp đỡ cha mẹ…
Là người chồng người cha trong gia đình hãy ý tứ để hoàn thành trọng trách thuyền trưởng bảo vệ, chăm sóc và đưa dẫn gia đình mình đi đúng hướng để đạt đến bến bờ an vui, hạnh phúc…
Là vợ là mẹ trong gia đình, hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ lữa, tạo cho gia đình bầu khí êm ấm thuận hòa. Tạo mối dây hiệp nhất yêu thương các thành viên gia đình bằng những khả năng đặc biệt của người phụ nữ Chúa ban.
Là người con Chúa hãy biết tôn thờ yêu mến vâng nghe và thực thi Lời Chúa dạy. Cũng như tích cực góp phần xây dựng GH mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Là người dân đất nước, hãy chu toàn tốt  bổn phận người công dân bằng cách góp phần cộng tác vào những phúc lợi chung hầu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
3.  Cầu nguyện kiên trì
Chúa Giêsu đã nói: “tinh thần lanh lẹ nhưng xác thịt nặng nề”, thánh Phaolô cũng từng có kinh nghiệm điều này: “Điều tốt tôi muốn, nhưng tôi lại không làm; điều xấu tôi không muốn, nhưng tôi lại làm”. Cầu nguyện để chúng ta đủ sức chống trả lại sức mạnh của cám dỗ ma quỷ. Cầu nguyện để chúng gắn kết chặt chẽ với Chúa, múc lấy ơn Chúa, nhận ra thánh ý Chúa nhờ đó giúp ta vượt thoát khỏi vòng giam hãm của xác thịt, thế gian và ma quỷ mà vươn lên những giá trị thiêng liêng cao quý.
Tóm lại để chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho ngày Chúa đến. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải trung thành sống đức tin vững vàng; luôn chu toàn bổn phận thật tốt với tình yêu Chúa và tha nhân nồng nàn; nhất là gia tăng đời sống cầu nguyện cách kiên trì. Nhờ đó ta sẽ được gặp Chúa trong mọi biến cố của đời sống, nhất là vào ngày cùng Chúa đến bất ngờ. 

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
Lm. Gs Thành Thái

HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Người Kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có ngày cùng tận, lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Chúa Giêsu đến trong vinh quang, để phán xét chung cả loài người. Nhưng khi nào biến cố đó xảy ra, chẳng ai biết được, chỉ có Thiên Chúa biết. Nên chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức và cầu nguyện là chúng ta không ngủ mê trong tội lỗi, không ngủ mê trong những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức và cầu nguyện là chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn, bằng cách ăn năó nghĩ sám hối, ăn ngay ở lành, làm nhiều việc lành phúc đức. Tỉnh thức và cầu nguyện cũng có nghĩa là tâm hồn chúng ta luôn hướng về cuộc sống vĩnh cửu mai này. Đó là phần thưởng Nước trời mà Chúa hứa ban cho chúng ta.
Có tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta mới cảm nếm nỗi niềm khao khát mong chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Có tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta mới gặp gỡ được Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Có tỉnh thức cầu nguyện, chúng ta mới chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, để đón mừng ngày Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện chúng ta mới được tham dự vào Bàn Tiệc Nước Trời, được hưởng hạnh phúc với Chúa.
Khi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, đón mừng ngày Chúa đến trong vinh quang, đây là giây phút được mong đợi và là hạnh phúc nhất của chúng ta. Đấng mà chúng ta chỉ thấy trong niềm tin, nay chúng ta được diện đối diện. Đấng mà chúng ta tôn thờ, giờ đây đang cầm tay dìu dắt từng người chúng ta bước vào hưởng vinh quang Nước Chúa.
Vâng, cuộc sống hôm nay của chúng ta có rất nhiều những cám dỗ, làm cho chúng ta chìm đắm trong tội lỗi. Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi tiền tài danh vọng chóng qua. Tâm hồn chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề, vì ăn nhậu say sưa, vì nuông chiều thân xác, hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại trần gian.
Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng: Tôi không có thời giờ để đi lễ đi Nhà thờ, tôi không có thời giờ để lo việc linh hồn, tôi không có thời giờ để gặp gỡ Chúa. Tôi bận rộn quá nhiều công việc: nào là tôi phải đi ăn tiệc, nào là tôi phải đi chơi với bạn bè, nào là tôi phải lo kiếm tiền, nào là tôi phải đi làm. Chúng ta bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống. Cuộc sống quá khó khăn hay quá tiện nghi đều làm chúng ta đánh mất thái độ tỉnh thức và cầu nguyện.
Chúa đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, Chúa sẽ đến trong vinh quang, để phán xét chung cả và loài người chúng ta. Mùa vọng là thời gian chúng ta mong chờ Chúa đến. Xin Chúa ngự đến trong tâm hồn của chúng con.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN I MV C

Lm Seoka
Thứ hai: Lễ Thánh Anrê Tông Đồ
Trong những lúc cuộc sống gặp nhiều khó khăn hay khi áp lực công việc nặng nề, thì niềm tin chính là sức mạnh giúp con người có đủ nghị lực vượt qua để vươn đến tương lai tốt đẹp. Niềm tin ấy có thể đến từ bên ngoài do những người thân yêu khích lệ, nhưng niềm tin ấy phần lớn được thúc đẩy từ bên trong. Đó cũng chính là điều mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 1 của ngày lễ mừng kính thánh Anrê tông đồ hôm nay.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến Đức tin chính là điều kiện cốt yếu giúp con người vượt thắng mọi trở ngại mà vươn đến đỉnh cao của sự công chính và ơn cứu độ. Nhưng làm thế nào để có được đức tin?
Để có được đức tin, Thánh Phaolô đề cập đến hai tác động:
Tác động từ bên trong bởi tiếng nói của Chúa thúc đẩy: “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng anh em”.
Tác động từ bên ngoài bởi nhờ lời rao giảng:“làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng?”.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu độ chứ không riêng người Do Thái. Nhưng để đạt đến ơn cứu độ thì cần phải có đức tin. Mà muốn có đức tin, trước hết ta phải lắng nghe tiếng nói của Chúa nơi lương tâm cũng như Tin mừng do Giáo hội rao giảng. Mà lắng nghe xong vẫn chưa đủ, ta còn phải cụ thể hóa Lời Chúa bằng những hành động cụ thể . Vì “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có tuyên xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ”. Thánh Giacôbê cũng đã xác quyết điều này:“Đức tin không có việc làm là Đức tin chết”. (Gc 2, 17).
Do đó khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn gọi chính là tông đồ Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Với lời mời gọi thân thương của Chúa Giêsu và ý thức được sứ vụ loan báo Tin mừng hết sức cao trọng nên các ông đã mau mắn đáp Lời. Sẵn sàng bỏ lại tất cả, kể cả những gì thiết thân nhất trong cuộc sống trần gian để mau mắn lên đường, hăng say loan báo Lời Chúa, ngõ hầu mọi người Tin mà được cứu độ.
 Mùa vọng là mùa trông ngóng, đợi chờ ơn cứu độ đến với ta và với mọi người. Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Anrê tông đồ mau mắn lắng nghe và đáp lại Lời  mời gọi của Chúa, hăng say ra đi loan truyền Tin mừng tình thương, giúp mọi người đón nhận được Đức tin mà được cứu độ.

Thứ Ba
Sống trong cảnh nước mất, nhà tan của kiếp làm nô lệ nơi đất khách quê người thời tiên tri Isaia, hơn bao giờ hết dân Do Thái mong đến một tương lai tốt đẹp.
Mơ ước ấy được tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc 1 hôm nay.
Isaia mơ ước đến một ngày mà thế giới được chung sống hòa bình, không còn cảnh chia rẽ hận thù, chiến tranh và chết chóc.“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.”.  
Viễn cảnh tốt đẹp ấy chỉ đến khi Đấng Thiên Sai xuất hiện. Đấng Thiên Sai mà Isaia loan báo sẽ xuất thân từ dòng dõi Đa-vit. “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”.  (Ông Jesse là cha của Vua David); được tràn đầy Thánh Thần. “Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và can đảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”; có đầy đủ mọi đức tính xứng bậc quân vương: công minh khi xét xử: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.”; thương yêu người nghèo hèn: “Ngài xét xử công minh cho những người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở.”; và can đảm nghiêm trị kẻ gian ác: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.”.
Ngày nay con người đang sống trong một thế giới có nhiều bất ổn: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố đe dọa từng giây phút… ; và trong một xã hội đầy dẫy những bất công, mạnh thắng yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, người nghèo luôn bị thiệt thòi, người vô tội thì luôn bị ức hiếp… Hơn bao giờ hết con người luôn mong muốn có được cuộc sống an bình, hòa hợp nhờ vào những nhà lãnh đạo chân chính, biết tận tâm hy sinh phục vụ cho lợi ích con người, nhất là những người thiệt thòi trong xã hội. 
Nỗi mong ước ấy chỉ thành hiện thực khi con người biết khiêm tốn tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai. Bởi lẽ mầu nhiệm nước trời chỉ mạc khải cho những người bé mọn, như lời cảm tạ của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Xin cho chúng ta mùa vọng này biết can đảm loại bỏ tính kiêu căng, tự mãn nơi con người củ để mặc lấy con người mới của chân thành, đơn sơ, khiêm tốn. Nhờ đó ta mới đón nhận được nền hòa bình mà Chúa Giêsu mang đến trần gian, cũng như cảm nhận được niềm vui và bình an của Chúa trong tâm hồn.

Thứ Tư
Bữa tiệc nói lên niềm vui và hạnh phúc. Được tham dự tiệc là chung phần niềm vui và hạnh phúc cùng với chủ tiệc. Nhưng tiệc nào ở trần gian thì cũng tàn, niềm vui nào cũng dứt. Vậy mà Isaia lại loan báo về một bữa tiệc không hề tàn và niềm vui không hề dứt, với những nét rất độc và thật lạ.
- Độc là bởi vì mọi người đều được mời gọi tham dự; và bữa tiệc do chính Thiên Chúa khoán đãi.
- Lạ là vì bữa tiệc được dọn ra ở trên núi cao; thức ăn thì dư đầy, rượu thì ngon, thịt thì béo. Thực khách được ăn thỏa thích mà không phải trả đồng nào cả. Đặc biệt thực khách tham dự tiệc ấy thì mọi đau khổ, ô nhục, nước mắt và chết chóc sẽ tan biến, nhường chổ cho niềm vui và hoan lạc.
Qua phép lạ chữa lành những người bệnh tật và hóa bánh ra nhiều cho những người nghèo đói được ăn no nê, được Tin mừng hôm nay trình thuật, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa về bữa tiệc mà Isaia đã loan báo và hướng chúng ta đến bữa tiệc viên mãn trong nước trời.
Được tham dự bữa tiệc nước trời là khao khát lớn nhất của người kitô hữu. Tuy nhiên để xứng đáng tham dự vào bữa tiệc ấy, chúng ta cần phải tin nhận, đến với và ở lại trong Chúa. Bởi chính Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ta là bánh sự sống…Ai đến với Ta không hề đói và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bào giờ”. (Ga 6, 35) nên “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết”. (Ga 6, 54).
Xin cho mùa vọng này, chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc siêng năng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể do Chính Chúa Giêsu thết đãi hằng ngày trên bàn thờ, hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho việc tham dự vào bữa tiệc viên mãn trong nước trời mai ngày.

Thứ năm: Kính Thánh Phanxicô xaviê
Với thánh phaolô thì việc rao giảng Tin mừng như là cái duyên chứ không còn phải là cái nợ bó buộc nặng nề. Nên việc rao giảng Tin mừng chính là một niềm vui là hạnh phúc và là lẽ sống. “Miễn Lời Chúa được rao giảng”. (Pl 1, 18), Thánh Phaolô thấy rằng không rao giảng là một sự khốn khổ: “khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. (1Cr 9,16).
Chính tình yêu là sức mạnh thúc đẩy thánh phaolô tận tâm, tận lực trong sứ vụ rao giảng. Với sức mạnh tình yêu, thánh Phaolô đã chấp nhận mọi gian lao, khổ nhọc để đồng thân đồng thân với mọi người: yếu với người yếu, vui với người vui“trở nên tất cả cho mọi người”. (1 Cr 9, 12), với mục tiêu duy nhất đem phần phúc Tin mừng đến với mọi người.
Tiếp nối thánh Phaolô tông đồ, thánh Phanxicô-Xaviê cũng đã sẵn sàng bỏ lại tất cả: danh vọng, giàu sang… để dấn bước lên đường đến với muôn dân loan báo Tin mừng. Vâng nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu và mưu cầu ơn cứu độ cho mọi người, thánh nhân đã hăng say đến những vùng xa xôi Á Châu: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippin. Ngài đã sẵn sàng bỏ lại thân xác mình trong một túp lều thô sơ, trên một đảo nhỏ ở Sancian gần bờ biển Trung Hoa sau những ngày lâm trọng bệnh. Trong lúc tìm đường vào đại lục này.
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban, theo gương của thánh Phanxico-Xaviê mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

Suy niệm 2

"Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta". Đó là lời mở đầu của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng giám Mục Việt Nam sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội. Giáo Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad Gentes 2). Sẽ không là Giáo Hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo Tin mừng.
Trên hết truyền giáo hay loan báo Tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các Tông đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16,15). Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa mà được cứu độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?
Trước hết noi gương thánh Phanxicô-Xaviê thao thức truyền giáo.
Trong bức thư của thánh Phanxicô gửi cho thánh Inhaxiô Loyola cho thấy thánh nhân đã thao thức cho việc truyền giáo mạnh mẻ là dường nào. Ngài viết: “Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ trở nên người có đạo. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết  hơn là thực hành rằng :”Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục. Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú  vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã ủy thác cho họ”. (Các giờ kinh Phụng vụ, tr 535).
Thứ đến phải có lòng nhiệt thành truyền giáo.
Vì yêu Chúa và các linh hồn, ngài đã hy sinh tất cả bởi vì như ngài nói: “Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi”. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó không còn khó nhọc nữa. Mà nếu có khó nhọc thì họ lại yêu thích chính sự khó nhọc đó”. Vì thế, sau khi rửa tội cho một bà già đau nặng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, bỏ cha mẹ, quê hương, vượt trùng dương để cứu một linh hồn mà thôi thì con cũng thỏa mãn lắm rồi. Nay có chết con cũng vui lòng”. Điều đó chứng tỏ ngài yêu các linh hồn như thế nào. Gương truyền giáo của thánh Phanxicô thật tuyệt vời, chúng ta cần phải noi theo.
Có lẽ  ngày hôm nay, Chúa không bắt chúng ta phải qua Tàu, sang Tây để truyền giáo mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người làm việc với chúng ta. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hằng ngày.
Một cách cụ thể, chúng ta thực hiện việc truyền giáo trước hết bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa, chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó, vì Chúa đã phán: “vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người.”. (Lc 10, 2).
Thứ đến phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác vì như ai đó đã nói :“Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.  Gương sáng có tính thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói. “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. (Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Xin Chúa cho chúng ta biết thao thức và góp phần tích cực vào công cuộc tân phúc âm hóa cho mọi người, ở mọi nơi theo gương thánh Phanxicô-Xaviê.

Thứ Sáu
Bài đọc I, tiên tri Isaia loan báo về một tương lai tốt đẹp sắp đến. Ngày ấy sẽ là ngày ngập tràn niềm vui.
Vui cho người nông phu vất vả gieo trồng sẽ thu nhập mùa màng hoa trái tốt tươi. “Chỉ còn chút nữa, chút ít nữa thôi, núi Liban sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng.”.
Vui cho những người đau khổ vì bệnh tật sẽ được cứa chữa. “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.”
Vui cho những người sống trong cảnh nghèo hèn và bị đàn áp sẽ được giải thoát. “Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.”.
Vui cho những người công chính vì những kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt. “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài..
Vui cho những người tin tưởng vào Chúa, vì quyền năng Thiên Chúa được thể hiện. “Từ nay Jacob sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Jacob nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Jacob là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.”.
Còn bài Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu chính là Đấng mang đến niềm vui ấy. Với phép lạ chữa cho 2 người mù được sáng mắt, như là dấu hiệu để người Do Thái hiểu rằng, điều tiên tri Isaia tiên báo 700 năm về trước, nay đã trở thành hiện thực.
Nơi Chúa Giêsu ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ đã đến. Nơi Chúa Giêsu số phận con người từ nay được thay đổi. Người mù lòa sống trong đêm tối của lầm thang, khốn khổ sẽ nhìn thấy ánh sáng soi dẫn mà hân hoan bước đi trong ánh sáng ơn cứu độ.
Xin cho mỗi người chúng ta biết tích cực bước theo Chúa Giêsu “ là đường là sự thật và là sự sống”. Cũng như tích cực chiếu tỏa sáng niềm vui cứu độ của Chúa cho những ai đang còn ngồi trong bóng tối tử thần.

Thứ Bảy

Lời Chúa hôm nay khắc họa khuôn mặt của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Bài đọc 1, tiên tri Isaia trình bày Thiên Chúa tựa như một người cha: rất gần gũi để sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của con cái mình. Ngài luôn ở bên để bảo vệ chăm sóc phần xác cũng như phần hồn. Ngài cũng hằng quan tâm lo dạy dỗ, hướng dẫn con cái bước đi trên con đường chân lý.  Tận thâm tâm Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ khi con cái biết ăn năn và hết lòng chữa lành sau khi nghiêm khắc sửa dạy khi con cái đi sai đường. 
Còn bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa qua ánh mắt:“Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” và  nơi việc làm:
- Ngài dạy dỗ dân chúng: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.”
- Ngài chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”.
- Ngài lo cho dân ăn qua phép lạ Bánh hóa nhiều.
- Ngoài ra Ngài còn lo tương lai cho dân: chọn gọi và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục công việc của Ngài vì: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.”.
Mùa vọng là dịp tốt để chúng ta nhìn lại mà cảm nhận sâu xa tình Chúa yêu ta.
Xin cho chúng ta biết không ngừng cảm tạ, chúc tụng lòng thương xót Chúa bằng tâm tình sám hối ăn năn chân thành và nỗ lực canh tân đời sống bằng những việc làm thiết thực: lần chuỗi lòng thương xót;siêng năng tham dự thánh lễ; nhất là tích cực làm việc bác ái để loan truyền lòng Chúa thương xót.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

 LỄ CHÚA KITÔ VUA
BỔN MẠNG HỌ ĐẠO SAKEO
(CN 24/11/2015)

BA TRONG MỘT

-  Dẫn lễ:
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô là Vua, bổn mạng họ đạo chúng ta. Hòa trong tâm tình cảm tạ và suy tôn Chúa Kitô là Vua hôm nay, chúng ta còn chúc mừng và cầu nguyện:
Trước hết cho ban HĐGX, vừa được cộng đoàn tín nhiệm đề cử vào các chức danh: Ban Thường Vụ, ban trị sự khu, các ban ngành, các giới… để cộng tác tích cực với cha sở trong việc xây dựng Họ đạo thành cộng đoàn: ĐỨC TIN-PHƯỢNG TỰ -BÁC ÁI, hầu Họ Đạo trở nên chứng nhân loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Tiếp đến, chúng ta chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cách đặc biệt cho các em Rước Lễ Trọng Thể và các em Rước Lễ Lần Đầu. Xin cho các em ngày càng trưởng thành trong đức tin, vững vàn trong niềm cậy trông và say nồng trong tình mến Chúa. Nhờ đó các em mới xứng đáng trở nên những người con ngoan và là môn đệ đích thực của Chúa. Xin cho các em biết siêng năng tham dự Thánh Lễ cũng như ý thức được tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể để gắn bó với Chúa Kitô, Vua Tình yêu hơn bất cứ giá trị nào ở trần gian.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ và là Vua cai trị cuộc sống của chúng ta. Đức Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền, nhưng đầy lòng nhân từ, tha thứ và thương yêu. Dẫu là vị Vua trên các vua, Chúa trên các chúa, nhưng Ngài đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, để có thể yêu thương, phục vụ, thông phần chia sẻ buồn vui của con người. Bởi Ngài nói : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Xin cho tất cả chúng ta là giáo dân trong họ đạo Sakeo biết nhận Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ làm bổn mạng, thì cũng luôn đặt trọn vẹn niềm tin của mình vào vị Vua Giêsu tối cao. Biết trung thành nghe theo sự hướng dẫn của Đức Vua mình tôn thờ là: sống yêu thương, hiệp nhất và sẵn sàng hy sinh phục vụ trong tinh thần khiêm tốn quên mình như Ngài, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
Xin Chúa kiện toàn niềm tin và ban ơn hiệp nhất, bình an cho tất cả quý ông bà và anh chị em hiện diện trong thánh lễ hôm nay.
Với những ý nghĩa và tâm tình đó, chúng ta cùng sốt sắng tham dự thánh lễ tạ ơn đặc biệt hôm nay.
Giờ đây, kính mời cộng đoàn phụng vụ cùng đứng và hướng về đoàn rước.
- Rước chủ tế từ cuối nhà thờ – ca đoàn hát ca nhập lễ
- Thứ tự đi rước:
1.  Thánh giá đèn chầu.
2. Các em rước lễ lần đầu, các em rước lễ trọng thể, phụ huynh các em, hội đồng giáo xứ. (Các em RLLĐ và RLTT cầm đèn sáng, HĐGX cầm nhang).
3. Các em giúp lễ.
4. Chủ tế.

*  Lời hiệu triệu và thẩm vấn các em RLTT

-  Chủ tế:
Anh chị em thân mến,
Trong thánh lễ mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua, bổn mạng họ đạo chúng ta hôm nay, Cộng đoàn sẽ tham dự lễ nghi tuyên hứa của Ban HĐGX và tuyên xưng đức tin của một số con em rước lễ trọng thể, cũng như cầu nguyện cho các em được Rước Chúa Lần Đầu.
Chúng ta cám ơn Chúa, Đấng đã dùng sức mạnh và lòng yêu thương của Ngài mà thúc đẩy và hấp dẫn khiến anh chị em trong ban HĐGX và các em RL hôm nay quyết chọn Chúa Kitô làm vua đời mình hơn là chạy theo những cám dỗ trần gian. Tuy nhiên, cuộc đời dấn thân theo Chúa Kitô và phục vụ tha nhân còn rất dài, và cũng lắm gian lao thử thách. Anh chị em và các con rất cần sức mạnh của ơn Chúa, cũng như sự nâng đỡ và hợp tác của mọi người.
Xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện thật nhiều cho các thành viên HĐGX cũng như các em RLTT và RLLĐ, để nhờ ơn Chúa, hy vọng HĐGX sẽ hy sinh dấn thân phục vụ tích cực và các em RLTT và RL Lần Đầu hôm nay sẽ mãi mãi xa lìa tội lỗi và suốt đời trung thành với Chúa Kitô.

Cách riêng con RLTT thân mến, hôm nay các con đến đây trước mặt Chúa và cộng đoàn. Vậy chúng con muốn xin sự gì ?
-  TC: Thưa cha, chúng con xin tuyên xưng Đức Tin, và nhắc lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội.
- Chủ tế: Nhưng chúng con có hiểu Đức Tin là gì không?
-  TCThưa là phần chúng con cao rao tỏ tường “Mình tin rõ ràng mọi chân lý Thiên Chúa truyền dạy và Giáo Hội truyền dạy cho chúng con tin.”
-  Chủ tế: Những lời hứa mà chúng con sắp lặp lại đây là những lời nào ?
-  TC: Thưa là những lời mà chúng con chúng con thề hứa ngày chịu Phép Rửa Tội.
-  Chủ tế: Tại sao chúng con lại muốn tuyên xưng Đức Tin và hứa lại những lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội ?
- TC: Thưa để chúng con nhất quyết theo Chúa Kitô mọi ngày trót cả đời sống và nên người Công giáo hoàn toàn để phụng sự Chúa và hy sinh phục vụ tha nhân.
- Chủ tế: Vậy bây giờ các con hãy cùng với Cha và cả cộng đoàn họ đạo dọn mình chuẩn bị dâng lễ cho thật sốt sắng.
- TC: Tôi thú nhận. . . .

Các con Rước Lễ Trọng Thể thân mến, sau mười mấy năm qua, các con được Chúa che chở gìn giữ, được Cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, nhưng các con đã ngỗ nghịch xúc phạm đến Chúa, và làm phiền lòng ông bà cha mẹ. Hôm nay là dịp tốt để các con bày tỏ lòng thành thật ăn năn sám hối công khai xin lỗi cha mẹ các con. Các con hướng về phía cha mẹ các con.

Các em cùng đọc bài văn vần “Xin lỗi cha mẹ”.


Thưa cha mẹ đầy lòng nhân ái,
Tha cho con khờ dại ngây thơ.
Bởi nhiều phen bơ thờ lầm lỡ
Nay dốc lòng từ bỏ thói xưa
Quyết chí chừa mọi điều ngỗ nghịch.
Công ơn mẹ thu tích ghi âm,
Tình nghĩa cha trăm năm tạc dạ,
Biết thuở nào đền trả cho xong
Không dám đâu coi thường đạo hiếu
Xin mẹ cha thương hiểu cho con
Thuở ban đầu con còn thơ dại
Trót lãng xao vì mải ham chơi.
Tội nặng nhẹ xin người tha hết
Kể từ nay đến chết xin chừa.
Nguyện vàng đá trót dời một dạ
Đền ơn cha cao quá Thái Sơn
Đáp nghĩa mẹ rộng hơn bốn bể.
Ơn phụ mẫu muôn vàn xiết kể
Công sinh thành dưỡng dục trông nom
Khổ trăm bề lặn lội sớm hôm.
Khi lớn khôn cho đi học hành
Dạy ăn ngay ở lành sau trước
Săn sóc từ nước bước đường đi.
Tuổi thiếu nhi ham vui bè bạn
Cha mẹ hằng uốn nắn vỗ về
Mong sao con nên người tử tế.
Ngày rước lễ con dám đâu quên
Những ơn trên con xin Chúa trả,
Xin mẹ cha cầu nguyện cho con.
Lòng sắt son giữ tròn lời hứa
Ngày hồng ân Chúa ngự vào lòng
Có mẹ cha cùng dự với con
Phận hèn mọn con thật không đáng
Những cậy trông ơn thánh hộ phù
Và mẹ cha đền bù công đức
Cho con được lòng trí trắng trong
Hiệp thông cùng Giêsu chí thánh. Amen.

* Hát kinh Vinh Danh, và thánh lễ như thường lệ.





* Sau bài giảng: Lặp lại lời hứa trong Bí tích Thánh Tẩy :

Các em RLTT tuyên xưng đức tin.


Chủ tế: Chúng con thân mến, khi chúng con còn nhỏ, cha mẹ chúng con đã đem chúng con đến nhà thờ để xin chịu phép rửa tội. Lúc đó, cha mẹ chúng con đã hứa dạy dỗ chúng con nên người công giáo. Những người đỡ đầu cũng đã hứa sẽ tiếp tay với cha mẹ lo cho đời sống của chúng con.
Nay chúng con đã lớn khôn, đã học biết Phúc âm và Giáo lí của Chúa, Giáo Hội muốn chúng con tuyên xưng đức lại niềm tin của người ki tô hữu một cách có ý thức và tự do. Bây giờ cha đại diện cho Giáo Hội chứng thực lời tuyên xưng và tuyên thệ đó.
Vậy chúng con có sẵn sàng bày tỏ đức tin của mình không ?
Các em: Thưa chúng con sẵn sàng.
Chủ tế: Vậy chúng con có từ bỏ ma quỉ không ?
Các em: Thưa con từ bỏ
Chủ tế: Chúng con có từ bỏ mọi việc của ma quỉ không ?
Các em: Thưa con từ bỏ.
Chủ tế: Chúng con có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỉ không ?
Các em: Thưa con từ bỏ.
Chủ tế: Chúng con có tin kính Thiên Chúa là cha toàn năng, Đấng tạo thành Trời đất không ?
Các em: Thưa con tin
Chủ tế: Chúng con có tin kính Đức Giêsu ki tô, con một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha không ?
Các em: Thưa con tin.
Chủ tế: Chúng con có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin Các Thánh Thông Công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không ?
Các em: Thưa con tin.
Chủ tế: Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh, chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu ki tô, Chúa chúng ta.
Các em: Amen (Mời cộng đoàn ngồi)

Tuyên Thệ của các em RLTT


Chủ tế: Sau đây, từng em sẽ đặt tay trên sách Thánh và long trọng thề hứa từ bỏ ma quỉ, tin theo Chúa và những giáo huấn của Ngài.
(Các em thắp nến, từng 2 em tiến lên đặt tay trên sách đọc tên Thánh, tên gọi rồi sắp thành hàng ngang).
Các em đọc đồng thanh: Chúng con xin hứa trước mặt Chúa, chúng con từ bỏ ma quỉ, chúng con từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỉ, chúng con hứa trung thành với Chúa và với Giáo Hội đến trọn đời. Xin Chúa Giúp chúng con. Amen.

Tuyên Thệ của HĐGX



Trưởng Ban Tổ Chức: Kính thưa cha sở và Cộng đoàn Dân Chúa trong Họ đạo, thay mặt Ban Tổ Chức tuyển chọn HĐGX, tôi xin giới thiệu những người mới được tuyển chọn làm thành viên HĐGX trong Họ đạo chúng ta.
Cha sở: BTC tuyển chọn thấy những người này có xứng đáng không?
Trưởng BTC: Kính thưa cha sở, theo nhận xét của BTC, những người này đã được giáo dân trong Họ đạo tín nhiệm và tuyển chọn, là những người xứng đáng.
Cha sở: Vậy đại diện choa ĐGM Giáo Phận và Họ đạo, tôi chấp nhận những người này là thành viên HĐGX chúng ta, để cùng tôi phục vụ Họ đạo theo truyền thống Giáo Hội Việt Nam đã lưu lại và theo Qui chế Giáo Phận đã ấn định.
Cộng đoàn: Vỗ tay chúc mừng. Các thành viên quỳ gối.
Cha sở huấn dụ: Anh chị em thành viên thân mến, Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh để cộng tác với Ngài trong sứ vụ loan báo Tin mừng, anh chị em cũng được tuyển chọn để cộng tác vào sứ vụ đó trong Họ đạo chúng ta. Đó là sứ vụ cao trọng. Sứ vụ này đòi hỏi anh chị em sống gương mẫu, có lòng đạo đức, ứng xử khôn ngoan, biết yêu thương và chăm sóc mọi người trong họ đạo chúng ta.
Là cộng sự viên, anh chị em hãy liên kết với cha sở trong mọi việc. Anh chị em phải biết đặt lợi ích chung trên tư lợi, cùng trách nhiệm xây dựng Họ đạo và mở mang nước Chúa. Anh chị em hãy giúp nhau vượt qua mọi bất đồng, mọi chia rẽ, luôn phát huy tình đoàn kết huynh đệ theo ý nguyện của Chúa Kitô, để mọi người nhận biết anh em là môn đệ Chúa và chúc tụng Thiên Chúa là Cha chung mọi người.
Vậy tước khi tuyên hứa, tôi muốn hỏi anh chị em:
Cha sở: Anh chị em có ý thức mình là những người đại diện Họ đạo, có trách nhiệm cùng với cha sở bảo quản Họ đạo và chăm sóc cho đời sống mọi người trong Họ đạo không?
HĐGX: Thưa chúng con ý thức.
Cha sở: Anh chị em có sẵn sàng tích cực góp sức xây dựng Họ đạo chúng ta thành một cộng đoàn Đức Tin, một cộng đoàn Phượng Tự, một cộng đoàn Bác Ái và một cộng đoàn Chứng Nhân loan báo Tin Mừng không?
HĐGX: Thưa chúng con sẵn sàng.
Cha sở: Vậy, giờ đây anh chị em hãy đọc lời Tuyên hứa, để thể hiện xác tín trên đây:
(Lần lượt từng người đọc):
Con là………(tên thánh, họ và tên) được đề cử vào chức vụ ……………..
(đọc chung) Nhờ ơn Chúa, con xin hứa sẽ cố gắng trung thành với những điều Hội Thánh truyền dạy, chu toàn chức vụ mình theo như Giáo Phận quy định, luôn noi gương thánh thiện và trung kiên của các vị tiền bối, để hết lòng phụng sự cho Danh Thánh Chúa và hạnh phúc cho mọi người. Xin ơn Chúa giúp con.
Cha sở: Nhân danh ĐGM Gia1o Phận và cộng đoàn Họ đạo, tôi nhận lời tuyên hứa của anh chị em. Ngyện xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn phù trợ anh chị em chu toàn chức vụ.
HĐGX: Amen.

Hát bài: con đến trước toà. (HĐGX và các em RLTT-RLLĐ đứng)









* Lời nguyện tín hữu.(Mời cộng Đoàn đứng).
Chủ tế: Anh chị em thân mến, nhân ngày mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua, bổn mạng Họ đạo chúng ta hôm nay, chúng ta vui mừng vì một số anh chị em chúng ta đã can đảm dấn thân phục vụ Họ đạo trong chức vụ HĐGX, cũng như một số con em chúng ta được rước lễ trọng thể và Rước lễ lần đầu. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và thiết tha cầu xin:
1. Lạy Chúa, xin cho mọi người trong Hội Thánh đã tuyên hứa với Chúa khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, luôn quyết tâm từ bỏ ma quỉ và tội lỗi, sống hiệp thông với Chúa Ba Ngôi cũng như với mọi người.
2. Thánh Thể là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới. Xin cho chúng con và mọi ki tô hữu năng tham dự Thánh Lễ tích cực, sống động và biết kéo dài Thánh Lễ trong cuộc sống hàng ngày.
3. Lạy Chúa, xin cho những người đã lặp lại lời hứa khi được rửa tội nhưng nay đang sa lầy trong tội lỗi và từ bỏ Chúa, biết ý thức về sự phản bội lời thề của mình, để sớm ăn năn sám hối trở về cùng Chúa.
4. Lạy Chúa, Hôm nay, với ý muốn của Chúa qua cộng đoàn Họ đạo Chúa đã trao ban cho một số anh chị em trọng trách nặng nề nhưng cũng rất cao quý và Chúa cũng đã ân hưởng cho các con em chúng con bằng hồng ân Thánh Thể, xin cho ban HĐGX mới luôn biết gắn bó mật thiết với bí tích Thánh Thể và kiên vững thi hành nhiệm vụ trong yêu thương, khiêm tốn và  xin cho các em cũng như mỗi người chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch, niềm yêu mến và lòng tôn kính Chúa Kitô Vua thật nhiều, để xứng đáng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa xin thương nhận lời chúng con khẩn nguyện cho mọi người trong Họ đạo chúng con luôn biết chọn vua Giêsu chính là lẽ sống và là Đấng chúng con yêu mến tôn thờ trên hết, để chúng con được xứng đáng là thần dân của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cộng đoàn: Amen.

* Dâng lễ: Đại diện HĐGX và 2 em dâng của lễ: 2 người nhang, đèn, tiền.

* Kết lễ:
1. Lời nguyện kết lễ
   - Đại diện cám ơn
2. Chúc bình an
   - Ca Đoàn hát tạ lễ
   - HĐGX và các em xếp hàng chụp hình lưu niệm









DẪN LỄ THÁNH CLÉMENTÉ, BỔN MẠNG CHA SỞ

Kính thưa cộng đòan,
Hôm nay trong bầu khí vui mừng của ngày lễ mừng kính thánh Clêmentê, Giáo hoàng thứ nhất tử đạo, Họ đạo Sakeo chúng ta vui mừng quy tụ bên nhau để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và chúc mừng bổn mạng cha sở thân yêu của chúng ta.
Thánh CLÊMENTÊ là vị giáo hoàng trị vì Giáo Hội trong 10 năm nhờ vào bức thư gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Vào thế kỷ thứ IV có lưu hành những chứng thư đầy huyền thoại. Theo đó, cha ngài là Phau-stin thuộc dòng dõi Gia-cóp. Ngài được sinh hạ tại Roma và được nuôi dưỡng trong đạo Do Thái giáo. Nhưng thánh Clêmentê đã nghe theo diễn từ của các thánh tông đồ và đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Ngài đã theo Thánh Phaolô trong các hành trình đi truyền giáo và đã trở thành đấng kế vị thứ ba của Thánh Phêrô.
Vua Tra-gia-nô lúc ấy bách hại các Kitô hữu gắt gao. Nhà vua biết được: vị giáo hoàng đã đem nhiều người trở lại đạo, nên nhà vua ra lệnh bắt và kết án ngài phải làm việc khổ sai tại các hầm mỏ bên kia Bắc Hải, trong miền hoang vắng. Nơi đó có khoảng 2.000 Kitô hữu bị đầy làm việc nặng nhọc là đục đẽo đá nên phải chịu cảnh khát nước thảm khốc.
Tương truyền rằng Thánh Clêmentê cầu nguyện rồi, ngài lên một ngọn đồi và thấy một con chiên ghi dấu chân đúng vào chỗ có dòng nước tươi mát vọt lên làm giảm cơn khát cho những người mang án tù khổ sai.
Biết được Thánh Clêmentê đã dùng lời nói và phép lạ để an ủi các Kitô hữu, nhà vua liền sai các sứ giả tới cột cổ ngài vào một cái neo rồi ném xuống biển. Lệnh được thi hành, trong khi đó các tín hữu tha thiết cầu nguyện trên bờ, họ thấy dòng nước rút đi một cách lạ lùng như đưa xác vị tử đạo lên đất liền.
Điều đáng quý là trong những năm trị vì Giáo Hội, thánh Clémenté đã để lại nhiều bức thư quý giá và trở thành tài liệu quan trọng cho các Kitô hữu thời xưa. Các Kitô hữu Côrintô thường chạy đến Đức Giáo Hoàng để tìm hoà giải trong những cuộc tranh chấp, cũng như luôn kính cẩn đón tiếp thư của ngài.
Những lá thư của thánh nhân thường được đọc cho các cộng đoàn tín hữu nghe. Thư của Thánh Clêmentê chứng thực về việc Thánh Phêrô đến và chịu chết ở Roma, cũng như tường trình về việc bạo chúa Nê-rông bắt các Kitô hữu làm trò mua vui thế nào.
Thư của thánh nhân cũng gợi ý cho các kitô hữu sơ khai biết phải tổ chức Giáo hội ra sao và bàn đến nhiều sự việc lớn lao khác.
Đọc thư của thánh Clêmentê người ta nhận thấy điều ngài quan tâm đặc biệt là tinh thần khiêm tốn phục vụ, sống hiệp nhất và thi hành bác ái kitô giáo. Trong thư ngài nói: "Ai mạnh hãy lo cho người yếu. Người giàu hãy giúp đỡ người nghèo và người nghèo hãy chúc tụng Chúa và điều Ngài muốn cung ứng cho các nhu cầu của họ. Người khôn ngoan hãy tỏ ra khôn ngoan không phải chỉ trong lời nói mà còn trong các việc lành. Người khiêm tốn đừng nóí gì về mình và đừng tìm phô diễn hành động của mình. Người lớn không thể tồn tại mà không có người nhỏ và người nhỏ cũng không thể tồn tại mà không có người lớn... Thân thể không thể bỏ qua sự phục vụ của những chi thể nhỏ bé hơn.
Các tín hữu còn học biết qua những âu lo và sống đời sám hối, mỗi người phải biết vâng phục để trở nên tôi tớ hoàn tất vinh quang Thiên Chúa. Đức Kitô đã không đến trong kiêu sa, nhưng đã tự hạ, đã chịu khổ cực. Vậy phải nên thánh và tín thác cho Chúa."
Ngài là người đã sống họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu nhân từ, hiền hậu. Ngài đã sống trọn vẹn con người của Ngài đến nỗi ta có thể nói được như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi ". 
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con khâm phục Chúa đã làm cho thánh Cơ-lê-men-tê là tư tế và tử đạo của Ðức Kitô. Thánh nhân đã can đảm sẵn sàng lấy máu đào để minh chứng cho những mầu nhiệm mà thánh nhân cử hành, cũng như biết nêu gương sáng để củng cố Tin Mừng mà ngài rao giảng.
Hôm nay, mừng kính thánh Clêmentê là vị thánh mà cha sở chúng ta nhận làm bổn mạng. Trong niềm phấn khởi vui mừng nhân ngày mừng bổn mạng cha, chúng ta hãy tỏ lòng kính yêu chân thành với cha bằng việc cầu nguyện thật nhiều cho cha, ít là trong thánh lễ hôm nay. Nguyện xin thánh Clêmentê, quan thầy cùa cha, tiếp tục cầu bàu cùng Chúa cho cha được luôn an mạnh, đầy tràn niềm vui và dồi dào ơn Thánh, để Cha đủ sức chu toàn nhiệm vụ Mục tử  mà Chúa và Giáo Hội trao phó.
Xin mời cộng đoàn đứng!







  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...