SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TUẦN IV PHỤC SINH
Lm. Seoka
Thứ hai (Ga 10,11-18)
Dẫn
“Công cuộc canh tân
Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng Linh mục, vì thế, ước mong các Giám mục và
Linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của
Chúa và là những mục tử nhân lành”. (Sứ điệp Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số
5).
Xin cho các vị chủ
chăn trong Hội Thánh là những chủ chăn đích thực như lòng Chúa mong ước, nhờ
thế Hội Thánh Chúa được canh tân mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.
Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa
Giêsu cho chúng ta biết những đặc tính cần phải có của người mục tử đích thực.
1. Hy sinh mạng sống
mình cho đoàn chiên.
Đoàn chiên không phải
là của người chăn thuê, nên anh ta không thiết tha gì để bảo vệ đàn chiên. Mục
tiêu của người chăn thuê là vì lợi ích của bản thân. Vì thế khi có
sói dữ tấn công, anh ta sẽ dễ dàng bỏ mặt chiên cho sói dữ ăn thịt, còn anh ta
thì sẽ tìm cách thoát thân.
Còn mục tử chân thật
thì sẵn sàng đứng ra để chống lại sói dữ, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm, dù
phải hy sinh mạng sống.
2. Biết chiên của
mình.
Cái biết của người
mục tử không chỉ là cái biết chung chung. Cái biết không chỉ hời hợt ở hình
thức và số lượng. Nhưng mục tử đích thực phải biết tình trạng, nhu cầu, ước
muốn sâu xa của chiên mình. Cái biết đến độ đồng thân, đồng phận và đồng tử với
chiên mình.
3. Quan tâm và đưa
những chiên xa lạc về đàn.
Vì chiên cần có chủ
chiên, nên chủ chiên phải quy tụ chiên vào đàn để chăm sóc, bảo vệ và nuôi
dưỡng cho chúng được sống và sống dồi dào. Do đó chủ chiên không chỉ quan tâm
đến chiên trong đàn mà còn tìm cách để đem các chiên ngoài đàn về, để chúng
được hiệp nhất trong cùng một đàn và cùng một chủ chiên.
Xin cho các vị chủ chăn sẵn sàng hy sinh không chỉ thời giờ sức khoẻ mà cả
mạng sống để phục vụ cho cộng đoàn được lớn mạnh trong sức sống của Chúa.
Xin cho các vị chủ chăn cũng tìm hiểu và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng
chính đáng của mọi người trong cộng đoàn. Sẵn sàng khiêm tốn đáp ứng những nhu
cầu ấy bằng tình thương của người mục tử. Đừng vì tự cao, tự ái bỏ ngoài tai
những đòi hỏi, nhu cầu chính đáng.
Xin cho các vị chủ chăn ngoài việc lo lắng chăm sóc cho đàn chiên mình cho
tốt, còn phải quan tâm đến những con chiên ngoài đàng. Tìm mọi cách để dẫn đưa
họ về với Chúa hầu chúng cũng sống và sống trong tình thương chăm sóc của Chúa.
Thứ ba ( Ga 10,
22-30)
Dẫn
Nhờ bí tích rửa tội,
chúng ta trở thành chiên của Chúa.
Xin cho chúng ta hết
lòng tin kính, vâng lời và sẵn sàng đi theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, vị chủ
chăn tốt lành chúng ta.
Chia sẻ
Dù được nghe những
lời giảng dạy và chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng những người Do
Thái, cách riêng Biệt Phái và Kinh Sư vẫn không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng
Thiên Sai.
Do đâu mà họ không
tin nhận và nghe theo lời của Chúa Giêsu?
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu cho biết, vì họ không thuộc về đoàn chiên của Ngài.
Theo nghĩa phổ quát,
mọi người đều là chiên của Chúa, vì mọi người đều được Chúa yêu thương dựng nên
và hy sinh đổ máu cứu chuộc. Tuy nhiên để trở thành chiên thật thuộc về Chúa
thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện:
1. Tin nhận Chúa và
chịu phép rửa tội. Vì giáo lý công giáo dạy: nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được
thanh tẩy mọi tội lỗi, được làm con Chúa, được gia nhập vào đoàn chiên Chúa là
Giáo Hội.
2. Phải nghe theo lời
Chúa là mục tử tối cao cũng như tuân giữ mọi điều răn và luật lệ Chúa truyền
dạy với tình yêu mến.
Nhiều người Do Thái
đã không thành tâm yêu mến Chúa, nên dù Chúa Giêsu ở giữa họ, có giảng dạy và
làm nhiều phép lạ, họ vẫn không tin nhận vì họ không thuộc đoàn chiên đích thực
của Chúa.
Như Chúa Giêsu đã
nói: chỉ những ai thuộc đoàn chiên Chúa, thì mới được Chúa gìn giữ và ban cho
sự sống đời đời .
Xin cho chúng ta biết tin kính và yêu mến Chúa Giêsu, đấng chăn chiên tốt
lành của chúng ta. Đồng thời cho chúng ta luôn là những con chiên ngoan hiền
của Chúa. Biết lắng nghe, vâng lời và thi hành điều Chúa chỉ dạy với tình con
thảo.
Thứ tư (Ga 12,44-50)
Dẫn
Sống trong xã hội
vàng thau lẫn lộn, con người không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu,
thật giả…vì thế, hơn bao giờ hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật
soi đường, chỉ lối.
Chúa Kitô, ánh sáng
thật, đến trần gian để soi đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống
theo sự hướng dẫn của Ngài.
Chia sẻ
Ánh sáng là chủ đề
tài nổi bậc trong tin mừng:
Ngay những trang đầu
của tin mừng, thánh Gioan đã cho biết Chúa Giêsu chính “ là ánh sáng, ánh sáng
thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người”.
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu tự xưng là ánh sáng thế gian và Ngài mời gọi con người đi trong ánh
sáng của Ngài.
Từ hai ngàn năm qua,
Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa
xuống trần gian. Người mong ước cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra.
Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con
người.
Bóng tối chết
chóc của chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức,
phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa sự chết giết hại cả những mầm mống sự
sống.
Bóng tối tội lỗi. Tội
lỗi vẫn tiếp tục lan tràn. Sự dữ nổi lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy
hiểm nhất là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội,
sống chung với tội lỗi.
Bóng tối của hận thù
ghen ghét. Trong thế giới văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có
những người say máu giết hại đồng bào của mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn
có những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa
các cộng đoàn, hội thánh...
Sống trong xã hội
tràn ngập bóng tối của sự chết, của tội lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu
không ngừng mời gọi chúng ta phải chiếu giãi trước mặt mọi người.
“Các con là ánh sáng
thế gian”. Ngày nhận lãnh bí tích rửa tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để
nhắc nhớ chúng ta hãy gìn giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc
đời.
Cây nến phục sinh mà
người kitô hữu chúng ta thắp lên trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm
vụ mang ánh sáng Chúa Kitô chia sẻ cho mọi người chung quanh.
Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi, để thực sự được sinh
lại cùng với Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng bằng đời sống tươi vui, an
hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết đến cho anh em.
Thứ năm (Ga 13,16-20)
Dẫn
Các nhà xã hội học
định nghĩa con người là con vật có xã hội tính. Thật vậy “ không ai là một hòn
đảo”. con người sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống nhờ người khác.
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp những sứ giả Chúa với tấm lòng yêu
mến và hy sinh phục vụ. Yêu mến phục vụ các ngài chính là yêu mến và
phục vụ Chúa.
Chia sẻ
“ Tôi tớ không lớn
hơn chủa nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13, 16). Các tông
đồ là môn đệ Chúa nên các ông không thể bằng Chúa. Nhưng các ngài diễm phúc
được Chúa Giêsu đặt ngang hàng với Người. “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là
đón tiếp Thầy”.
Như thế, Chúa mời gọi
chúng ta phải lưu tâm đón tiếp và phục vụ những sứ giả của Chúa sai đến là
các tông đồ. Tiếp nối các tông đồ là các linh mục. Các ngài cũng là những Chúa
Kitô thứ hai. Do đó đón tiếp các ngài là đón tiếp chính Chúa.
Trong Thánh Kinh
chúng ta thấy còn ghi lại một vài nét đẹp của sự tiếp đón đáng cho chúng ta bắt
chước. Những gương sáng này vẫn luôn giữ được tính cách thời sự của nó.
1. Ông
Abraham.
Ông là một con người
hiếu khách và quảng đại. Khi thấy ba khách lạ đang đi trong sa mạc nắng cháy,
không những ông mời mà còn năn nỉ họ vào nhà nghỉ và ân cần săn sóc họ một cách
chu đáo. Ba người khách lạ đó là ai ? Đó là ba sứ giả của Thiên Chúa.
Đáp lại tấm thịnh
tình và lòng quảng đại của ông, ba sứ giả ban cho vợ chồng hiến muộn này một
đứa con trai đầu lòng. Đó là cậu Isáac.
2. Một gia
đình ở Su-nêm.
Khi tiên tri Elia qua
Su-nêm, một bà giầu có rất hiếu khách đã mời Elia vào nhà dùng bữa với sự săn
sóc tỉ mỉ. Bà còn dọn cho tiên tri một phòng trên gác đầy tiện nghi để tiên tri
có thể lui tới tự do.
Đáp lại tấm lòng
quảng đại của bà, Elia cũng hứa ban cho bà một đứa con vì bà son sẻ: ‘Vào
thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”
3. Gia
đình ba chị em ở Bêtania.
Chúa Giêsu rất thương
ba chị em này, mỗi khi đi qua Bêtania, Chúa và các môn đệ thuờng ghé thăm chị
em và nghỉ ngơi. Chị cả Matta rất hiếu khách, dọn cho Chúa những bữa ăn ngon.
Còn cô em Maria đón tiếp Chúa bằng cách ngồi dưới chân Chúa mà nghe
Ngài dạy dỗ, cách đón tiếp này cũng làm cho Chúa rất hài lòng. Còn Lagiarô là
đàn ông thì tiếp theo kiểu đàn ông là ăn uống và chuyện trò với Chúa.
Đáp lại sự đón tiếp
ân cần và thành thực của ba chị em, Chúa Giêsu đã làm cho Lagiarô sống lại sau
khi chết bốn ngày.
Khi tiếp đón các tông
đồ của Chúa, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát : mất thì giờ, mất tiền của, mất
công... Nhưng tất cả sẽ được Chúa thưởng công cho ở đời này hay đời sau.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, đã tiên liệu cho chúng ta có những người kế tiếp
Chúa, là các linh mục, để đem Chúa đến cho chúng ta và dạy bảo chúng ta về đời
sống đạo.
Chúng ta cầu xin cho các linh mục biết sống và thể hiện đầy đủ trách
nhiệm của mình trước mặt Chúa cho xứng đáng, để mọi người nhận ra khuôn mặt Đức
Kitô qua đời sống linh mục.
Thứ sáu (Ga 14, 1-6)
Dẫn
Ngày xưa chưa có
đường. Nhưng do đi lại nên trở thành đường mà thôi.
Muốn đi và đạt đến
đỉnh hạnh phúc vinh quang ta cần có con đường để đi. Con đường ấy chính là Đức
Giêsu Kitô, Ngài đi từ trời xuống và từ đất lên và trở nên đường đưa dẫn chúng
ta về trời sum họp cùng với Ngài trong nhà Cha.
Xin cho chúng ta biết
đi trên con đường mà chính Chúa đã vạch ra hầu chúng ta đạt tới quê trời vinh
phúc.
Chia sẻ
Sau một thời gian rời
bỏ Việt Nam để tìm cho mình cuộc sống tự do nơi quê hương xứ sở mới. Nay cuộc
sống của hầu hết Việt Kiều ở nước ngoài đều ổn định và sung túc. Trong khi đó
những người thân của họ ở lại thì phải sống trong cảnh khó khăn, vất vã. Với chính
sách đoàn tụ gia đình, những năm gần đây, nhiều việt kiều đã về nước để bảo
lãnh người thân của mình sang để sum họp gia đình và hưởng được cuộc sống tiện
nghi thoải mái.
Tuy nhiên để được
đoàn tụ với người thân bên nước ngoài, công dân việt nam phải thoả mãn nhiều
điều kiện....
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu cho các tông đồ biết : Ngài sẽ ra đi để dọn chỗ cho các ông,
rồi một ngày nào đó, Chúa sẽ trở lại, đem các ông lên ở với Chúa trên nhà Cha
trên trời, để hưởng vinh phúc đời đời.
Tuy nhiên để được đoàn
tụ với Chúa Giêsu trên quê hương thiêng đường, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta phải
thoả mãn các điều kiện mà Chúa đưa ra. Đó là đi đúng con đường của Chúa đã đi,
tuân giữ chân lý mà Chúa đã truyền và hiệp thông trong sự sống của Chúa.
Con đường mà Chúa Giêsu
đi là con đường hẹp, con đường thập giá. Chấp nhận hy sinh, gian khổ để thi
hành những giời răn mà Chúa đã chỉ dạy. Biết khiêm tốn, hạ mình chấp nhận thiệt
thòi để phục vụ tha nhân với tình yêu mến.
Cố gắng sống theo
chân lý mà Chúa đã dạy. Chân lý ấy là sống yêu thương. Yêu không chỉ những
người thân cận, không phải những kẻ yêu mình mà tình yêu phải quy chiếu vào
tình yêu của Chúa Giêsu : « Yêu như Chúa yêu », tình yêu ấy phải
dành cho hết mọi người, không phân biệt một ai, ngay cả kẻ thù.
Ý thức nổ lực sống
hiệp thông với Chúa, bằng việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa cũng như tha
thiết kết hiệp với Chúa qua việc kính yêu và năng đón nhận Mình Thánh Chúa. Nhờ
thế sự sống và sức mạnh Chúa tuôn chảy trong ta. Như nhựa cây cần thiết để nuôi
sống cây nho và cành nho thế nào thì linh hồn chúng ta cũng cần đến Lời Chúa và
Mình Thánh Chúa như thế.
Mục đích một
đời sống đạo là hạnh phúc thiêng đàng. Nhưng để đạt được điều mong đó, không gì
khác hơn là chúng ta phải đi theo đường Chúa đã đi, sống theo chân lý mà Chúa
đã sống và chỉ dạy, nhất là phải luôn sống bằng sức sống của Chúa qua việc thi
hành Lời Chúa và năng kết hiệp với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Thứ bảy (Ga 14, 7-14)
Dẫn
"Xin cho chúng
con thấy Chúa Cha" (Ga 14,8). Đó không chỉ là khao khát của tông đồ
philipphê mà là mỗi chúng ta, những người tin Chúa.
Khao khát đó sẽ được Đức Giêsu làm thoả mãn qua sứ điệp của lời Chúa hôm
nay.
Chia sẻ
Tin Mừng hôm
nay, Philipphê xin với Chúa Giêsu: " Xin tỏ cho chúng con
thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."(Ga.14:8)
Khao khát của
Philipphê, cũng là khao khát mỗi chúng ta.
Thiên Chúa đã đáp lại
khát vọng đó qua việc cho Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
“ Thuở xưa, nhiều lần
nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào
thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giêsu” (Dt 1,
1-20)
Nơi Đức Giêsu Kitô,
chúng ta gặp được Thiên Chúa, dễ gần, dễ thấy, dễ quen.
Thiên Chúa đâu chỉ ở
nơi cao thẳm ngàn trùng, Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ.
Giữa Ngài và Thiên Chúa Cha có một gắn bó lạ lùng đến nỗi Đức Giêsu dám nói:
"Ai biết Thầy là biết Cha" (14, 7) "Ai thấy Thầy là thấy Cha"
(14, 9) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy"(14, 10).
Lời nói và việc làm
của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa (14, 10). Toàn bộ
cuộc đời Đức Giêsu được Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt, phản
chiếu khuôn mặt và trái tim Thiên Chúa, đầy nhân ái và bao dung với hết mọi
người.
Kitô hữu là người có
Chúa Kitô nên được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu để có thể nói rằng:
"Ai biết tôi là biết Đức Kitô, ai thấy tôi là thấy Đức Kitô."
Lạy Chúa Giêsu! Ðã bao lần con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng
và có thể là rất khó thương vì đời sống không tốt đẹp của con.
Xin cho con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để tu tập thành
con người mới, con người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và tình yêu thương,
để nhờ đó con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét