Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III TN

CHÚA NHẬT III TN C
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết được sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu khi xuống thế làm người là để loan tin mừng giải thoát và đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy được tiếp tục trao ban cho GH trước khi Người về trời:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16). Chúng ta những người kitô hữu, là thành phần của GH nên chúng ta cũng phải ý thức sứ mạng cao trọng ấy mà tích cực thông truyền tin mừng giải thoát và ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người, ở khắp mọi nơi, qua các thời đại.
Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn để mỗi người trong chúng ta hoàn thành sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó một cách tốt đẹp.
Sau những ngày thi hành sứ vụ loan báo tin mừng đó đây trong vùng đất miền Galilê rất thành công (gọi là mùa xuân Galilê), thì Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu trở về  quê nhà Nadaret, nơi người sinh trưởng. Tại đây, vào ngày Sabat, Người vào hội đường và long trọng công bố chương trình hành động. Đó là một chương trình bao gồm những việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu ưu tiên dành cho người nghèo: “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. 
Chương trình hành động của Chúa Giêsu rất hợp lòng dân, nên được “mọi người đều tán thành và thán phục lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng trên hết chương trình ấy còn rất đẹp thánh ý của Chúa Cha, bởi vì những việc làm ấy được ứng nghiệm đúng với những lời loan báo được ghi trong Thánh Kinh đã được ngôn sứ Isaia tiên báo cách đó khoảng 700 năm về trước.
Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm thực thi sứ mạng đem ơn giải thoát cho nhân loại khỏi những trói buộc tội lỗi, áp bức, bất công và hận thù do ma quỷ gây nên. Nhằm đem lại ánh sáng của niềm vui, tha thứ và ơn giải thoát đến cho mọi người, nhất là với những ai nghèo khổ. Thì hôm nay sứ mạng đó Chúa trao phó lại cho chúng ta.
Vậy thử hỏi ngày hôm nay mỗi người chúng ta cần phải làm gì để tiếp nối sứ mạng cứu độ mà Chúa trao phó cho chúng ta?
Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải loại bỏ lòng đố kỵ ghen ghét để sống hòa hợp yêu thương. Ngài ví GH như một thân thể mầu nhiệm trong Đức Kitô mà mỗi người chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm ấy. Mỗi chi thể đều có vai trò đặc biệt không thay thế được, tuy nhiên chúng lại bổ túc cho nhau để nhằm phục vụ ích lợi chung. Vì thế mà “chân không thể nói với tay: Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể…”. Mỗi bộ phận lớn nhỏ đều bổ trợ nhau và tùy thuộc vào nhau để làm nên thân thể GH được khỏe mạnh và tốt đẹp.
Trong mỗi Họ đạo cũng có nhiều thành phần, với những khả năng và nhiệm vụ khác nhau tùy theo đặc sủng Chúa ban. Nhưng tất cả phải cùng chung một mục đích là nhằm phục vụ Chúa và GH. Tựa như vườn hoa đủ loại sắc màu, nhưng nhờ thế làm chúng làm nên vẽ đẹp phong phú cho cả vườn hoa. Hay trong dàn hợp xướng mỗi nhạc cụ có chức năng khác nhau, nhưng khi hòa điệu chung với nhau sẽ tạo nên những âm thanh và giai điệu rất đẹp, làm ngây ngất cho tâm hồn người nghe. Cũng vậy, nếu mỗi người nếu biết hợp tác với nhau, sẽ tạo nên một bản nhạc tuyệt vời để ca ngợi và tôn vinh danh thánh Chúa.
Chính vì thế để tiếp nối sứ vụ cứu độ của Chúa trong ngày hôm nay, điều quan trọng nhất là mỗi người chúng ta phải biết sống hiệp nhất yêu thương. Với mục đích duy nhất là  làm chứng cho tin mừng tình thương cứu độ của Chúa. Để qua đời sống của chúng ta người khác tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ mà sống theo lời dạy của Người, nhờ đó mà đón nhận được hồng ân cứu độ mà Người mang đến. “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13, 35).
Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những lời nói yêu thương chân thành và những việc làm bác ái cụ thể. Làm được như thế là ta đã góp phần đưa chương trình hành động  yêu thương của Chúa đến được với mọi người nhất là những người khổ đau.

Thứ hai: Mc 3, 22-30
Người Việt có câu: “Yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.  Đây là câu tục ngữ, ý nói khi yêu thương, quý mến nhau thì dành cho nhau những thứ ngon lành, đầy đặn, còn khi đã ghét bỏ nhau thì cư xử với nhau nhạt nhẽo, không tử tế.
Tin mừng hôm nay cho biết những người Biệt Phái vì ghen ghét Chúa Giêsu nên đã tìm mọi cách để hạ uy tín và hãm hại Người. Ngay cả những thực tại chân lý mà họ cũng bẻ cong để gán ghép một cách ác ý cho Chúa Giêsu.
Chứng kiến những phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ mà Chúa Giêsu thực hiện, phần đông dân chúng vui mừng ngợi khen và tôn vinh Chúa Giêsu, nhưng bên cạnh đó lại có những người vì sợ mất chổ đứng và uy tín nên trở nên ghen tỵ với Chúa Giêsu nên họ tìm mọi cách để hạ bệ uy tìn của Người.
Cụ thể Tin mừng hôm nay họ gán ghép ác ý là Chúa Giêsu đã bị quỷ nhập và đã dùng sức mạnh của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ ám hại con người. nhằm lay động đức tin của quần chúng, nhằm kéo cái nhìn của đám đông về họ mà loại trừ Đức Giêsu.
Trước lời vu khống thiếu nền tảng ấy Chúa Giêsu đã vạch ra cho dân chúng thấy rõ giả tâm của họ qua việc đưa ra những luận cứ giải thích hết sức rõ ràng:
- Ma quỷ chắc chắn sẽ không chống đối nhau. Nên không có chuyện tướng quỷ lớn tiêu diệt quỷ nhỏ. Làm như vậy thì thế lực của Satan sẽ tan rã.
- Chúa dùng hình ảnh kẻ cướp tấn công chủ nhà để lấy của và cho thấy rằng chỉ khi kẻ cướp mạnh hơn chủ nhà thì mới không chế và tước hết của cải của chủ nhà, bằng không nó sẽ bị chủ nhà tước lấy vũ khí và loại trừ. Ma quỷ là các Thiên Thần sa ngã nên sức mạnh con người không thể chống đở nổi, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới không chế được sức mạnh của chúng. Do đó khi Chúa Giêsu trừ khử ma quỷ ám hại, chứng minh cho thấy Đức Giêsu chính là TC làm người.
- Cuối cùng Chúa Giêsu cũng cảnh báo những ai cố tình chối bỏ chân lý và chai lì trong sai lầm tội lỗi thì không thể được TC tha thứ, và cho biết đó chính là tội xúc phạm đến CTT. Chối bỏ chân lý cũng đồng nghĩa loại trừ Chúa Thánh Thần ra khỏi tâm hồn mình và bẻ cong Chân Lý.
Xin cho chúng ta biết can đảm loại trừ khỏi tâm hồn mầm móng của ganh tỵ, ghen ghét để có cái nhìn trong sáng mà nhận ra chân lý; đồng thời cũng biết can đảm sống và làm chứng cho chân lý theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thứ ba: Mc 3, 31-35
Làm thế nào để trở nên thành viên trong gia đình đức tin của Chúa? Đó là điều mà Tin mừng hôm nay chỉ dạy chùng ta. Xin cho chúng ta để tâm nghe lời Chúa dạy và thực hành để xứng đáng là những thành viên trong gia đình đức tin của Chúa.
Lời Chúa hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cơ bản cần thiết để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh ra trong đức tin.
Vì thế Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết“lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Nếu để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống ta phải lắng nghe và thi hành điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn chỉ bảo. Cũng vậy để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa với sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học chứng minh cho biết đó là loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an.
Xin cho chúng ta mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung và bình an qua việc thực thi Lời dạy của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình thiêng liêng.

Thứ tư: Mc 4, 1-20
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để vừa cho thấy tình thương hào hiệp của TC, vừa mời gọi con người tích cực chuẩn bị mãnh đất tâm hồn thật xứng hợp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở và trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Trong hành trình rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn để trình bày về mầu nhiệm nước trời cũng như những chân lý của Tin mừng. Dụ ngôn người ra đi gieo hạt giống mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta biết:
- Người ra đi gieo hạt giống là Thiên Chúa và chính Chúa Giêsu.
- Hạt giống chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Tin mừng mà Chúa Giêsu loan báo cũng là hạt giống mà Chúa Giêsu gieo giãi vào tâm hồn con người. Hạt giống ấy tự bản chất thì luôn luôn tốt, mang mầm sống dồi dào và có khả năng sinh hoa kết quả tốt đẹp.
- Mãnh đất được hạt giống gieo vào chính là tâm hồn của mọi người. Mãnh đất tâm hồn con người được Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại: Vệ đường, sỏi đá, gai góc và đất tốt.
Loại đất vệ đường là loại tâm hồn chai cứng không hề quan tâm đến việc lắng nghe Lời Chúa.
Loại đất sỏi đá là loại tâm hồn còn quá nhiều vướn bận chuyện đời như: cơm áo gạo tiền; chức quyền danh vọng. Lúc đầu có thể đón nhận hạt giống lời Chúa nhưng vì vướn bận chuyện đời họ dễ dàng lãng quên Lời Chúa.
Loại đất gai góc là tâm hồn có quá nhiều vướn bận bởi những đam mê dục vọng trần gian. Lúc đầu có thể họ háo hức đón nhận Lời Chúa, nhưng những đam mê xác thịt, họ bất chấp Lời Chúa hướng dẫn mà dễ dàng thỏa hiệp với những đam mê lạc thú trần gian.
Chỉ có loại đất tốt là những tâm hồn khiêm tốn lắng nghe và thực thi đời sống với tấm lòng yêu mến Chúa, thì hạt giống Lời Chúa mới sinh trưởng mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái tốt đẹp qua những việc làm bác ái yêu và đời sống đạo sáng ngời, mang lại kết quả niềm vui hạnh phúc cho mình và cho nhiều người.
Xin Chúa cho chúng ta biết tích cực chuẩn bị tâm hồn thật tốt để hạt giống Lời Chúa có cơ may phát triển và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng ích lợi cho mình và cho nhiều người hưởng nhờ.

Thứ năm: Mc 4, 21-25
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.
- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".
- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". (Gc.2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”.
Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…
Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng bị lấy đi.”.
Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con, hầu chúng con có thể can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin ấy bằng những hành động yêu thương bác ái cụ thể cho tha nhân, để qua đó mà mọi người nhận ra Chúa và ngợi ca Danh Người.

Thứ sáu: Mc 4, 26-34
Khi muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von.
Khi muốn bộc bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta hay nhờ đến những câu truyện.
Còn khi mạc khải mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu lại hay dùng đến những dụ ngôn. Có thể nói dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất nhưng cũng hữu hiệu nhất đưa dẫn chúng ta tiếp nhận dễ dàng những giá trị thiêng liêng và thực tại vô hình.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải để mạc khải về mầu nhiệm nước trời.
Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, và mong manh như hạt lúa, nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và mang đến những điều bất ngờ!
Hạt giống được gieo trong lòng đất, nó bị vùi lấp, bị hủy đi nó mới nảy mầm lớn lên và trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi mang lại mùa thu hoạch kết quả tốt đẹp, làm vui thỏa lòng người.
Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.
Bằng hai hình ảnh gần gũi trên, Chúa Giêsu muốn nói đến những thực tại quan trọng của nước trời nơi Hội Thánh trần gian.
- Hội thánh Chúa ở trần gian khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi.  Nhưng trãi qua hơn 2000 năm, GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. Đồng thời vai trò của Đức Thánh Cha trong HT có ảnh hưởng rất lớn trên các quốc gia trên toàn thế giới. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói! Dù Hội Thánh ban đầu nhỏ nhoi ít ỏi thì hôm nay lớn mạnh lan rộng khắp nơi.
Như  hạt giống mang mầm sống nuôi dưỡng đời sống con người, thì Hội Thánh cũng là nơi chứa đựng sức sống thần lương nuôi dưỡng cho người tín hữu trên đường đời nơi Lời Chúa, qua Giáo huấn của Giáo hội nhất là nhờ lãnh nhận các bí tích do Chúa Giêsu trao ban.
Tựa như cây cải lớn rộng trở thành cây cao bóng cả làm nơi trú ẩn cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy, thì GH cũng trở thành nơi tựa nương cho những ai yếu đuối, nghèo khổ tựa vào; làm bóng mát cho những ai mệt mỏi trên đường đời ẩn náo. Bởi lẽ lúc nào GH cũng đứng về người nghèo, cô thế cô thân để bên vực chở che nhằm đen lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời Chúa Giêsu mời gọi: " những ai  vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.(Mt.11.28).
Với những ý nghĩa trên của hai dụ ngôn, Chúa Giêsu còn muốn nhắc nhở chúng ta hãy tích cực góp phần vào sự nghiệp nước trời nữa. Nhưng để góp sức mình cho sự nghiệp nước trời, chúng ta cần phải thể hiện hai việc cụ thể sau:
- Phải hy sinh như hạt giống tự hủy, nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải tập chết đi cho ý riêng tích kỷ của mình, phải khử trừ những đam mê dục vọng thấp hèn nơi lòng mình và phải diệt trừ khỏi những thói hư tật xấu nơi bản thân, nhờ đó đời ta mới có thề trổ sinh được nhiều hoa trái bẳng những việc làm tốt đẹp dâng hiến cho người, cho đời.
- Phải kiên nhẫn như hạt giống, phải từng ngày âm thầm mọc lên và phát triển. Nước trời cũng vậy. Nên đừng vội nôn nóng khi thấy bản thân mình đã cố gắng nhiều mà không tiến triển gì trên đường nhân đức. Cũng đừng thất vọng khi thấy GH Chúa vẫn còn nhiều người xấu xa tội lỗi và nhất là đừng thua buồn vì công cuộc loan báo tin mừng của GH xem ra không có kết quả gì. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy kiên trì làm hết sức mình với sự phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng. Nhiệm vụ của chúng ta là kiên nhẫn gieo trồng, việc còn lại là do Thiên Chúa mới có quyền cho mọc lên. Chúng ta chỉ cần nổ lực góp phần mình bằng việc năng cầu nguyện chân thành, kèm theo những việc làm bác ái cụ thể để phục vụ tha nhân. Nhất là những người đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi. Nhờ những góp phần bé nhỏ của mỗi chúng cộng tác vào ơn Chúa mà HT mới có thể lớn mạnh và lan rông mỗi ngày một hơn. 

Thứ bảy: Mc 4, 35-41
Bài Tin mừng hôm nay thì nêu lên những sóng gió mà các tông đồ gặp phải khi xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ trong đêm tối. Nhưng nhờ có Chúa Giêsu hiện diện sóng nước mới yên lặng, con thuyền được cập bến bình an.
Cuộc đời ta của chúng ta có lúc yên bình nhưng cũng có lúc sóng gió nổi lên khiến ta sợ hãi bất an.  Xin Chúa luôn ở bên để che chở, chấn an nhờ đó ta mới dễ dàng vượt qua sóng gió hiễm nguy của biển đời trần gian mà đạt đến bến bờ của an vui và hạnh phúc.
Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra rằng:
Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.
Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.
Biển Hồ là hình ảnh trần gian.
Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.
Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người cần vươn tới.
Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.
Giống như con thuyền của các môn đệ bị những cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung, cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ, do thế lực ma quỷ gây ra.
Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động, mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.
Quan trọng là Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng ta vì “Ơn Ta đủ cho con”. Ngài vẫn ở bên Giáo Hội. Ngài luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng ta đủ sức lướt thắng mọi sóng to gió lớn và dìu bước chúng ta cập bến bình an, nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào quyền năng của Người.
Xin Chúa ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.

Thứ bảy: Ml 3, 1-4; Dt 2, 14-18; Lc 2, 22-32.
02/02: DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THÁNH
Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến cách thế hiện diện của Thiên Chúa và ta làm thế nào để đón nhận Người.
– Sách tiên tri Malakhi được viết sau thời lưu đày Babylon, khoảng 515 trước công nguyên. Khi ấy đền thờ được tái thiết xong, nhưng có thể không đẹp và tráng lệ như đền thờ Giêrusalem trước đây nên nhiều người tỏ ra hối tiếc. Nhiều vị tiên tri bấy giờ cho rằng: điều quan trọng không phải là đền thờ đó cao sang lộng lẫy, nhưng quan trọng là đền thờ ấy được Chúa ngự đến. Vì vậy, tiên tri Malakhi loan báo về niềm hy vọng ngày Thiên Chúa sẽ thân hành đi vào đền thờ viếng thăm dân Người: “và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến”.
Tiên tri Malakhi cũng cho biết ngày Chúa đến sẽ là ngày kinh hoàng :“Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?”. Vì ngày Chúa đến là ngày kinh hoàng nên con người cần phải được thanh luyện và tẩy sạch mới có thể đứng vững trong ngày đó.
– Trong bài đọc 2, tác giả thư Dothái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Người sẽ mặc lấy xác phàm mà đến ở với con người. Người trở nên đồng thân, đồng phận và đồng tử với con người, ngõ hầu cảm thông, trợ giúp và xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Thiên Chúa phải hiện diện với tư cách là thân phận con người? Thưa, bởi lẽ nếu Thiên Chúa không phải là người thật thì Người không chết thật và do đó loài người không được cứu độ; còn nếu Thiên Chúa là người thật mà không phải là Thiên Chúa thì cái chết của Người cũng như bao người khác, không thể cứu chuộc được ai cả. Vì thế sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu phải là Thiên Chúa thật và là người thật, ngoại trừ tội lỗi.
– Theo dòng tư tưởng trên, bài Tin mừng hôm nay cho biết cách thế để ta nhận ra Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu. Để nhận ra Thiên Chúa đi vào Đền thờ với thân phận là một Hài Nhi Giêsu thì cần phải có đời sống như cụ già Simêon: sống đời công chính, luôn khát khao mong đợi Chúa, nhất là biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; cũng như phải bắt chước cách sống của cụ bà tiên tri Anna: “không rời khỏi đền thờ, đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Giêrusalem”(Lc 37-38).
Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta qua mọi nẻo đường của cuộc sống để nâng đỡ, chở che. Điều quan trọng là làm thế nào để nhận ra Người?
Xin cho chúng ta có được đời sống tốt lành, thánh thiện như cụ ông Simêon và cụ bà Anna để ta dễ dàng nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống. Nhất là xin Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn ta nên trinh trong, để cái nhìn của ta được ngời sáng. Nhờ đó mà ta dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo nàn.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...