Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II TN

 

CHÚA NHẬT II TN, NĂM C

Nếu tuần qua,  GH mời gọi chúng ta theo chân Đức Giêsu hòa vào dòng người đông đảo, đến bên dòng sông Giođan để lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gỉa. Thì tuần này GH tiếp tục mời gọi chúng ta cùng theo chân Chúa Giêsu về làng Cana miền Galilê để tham dự tiệc cưới. Tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon, đem lại niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn cho đôi hôn nhân, đang gặp phải tình trạng khó khăn vì hết rượu.

Xin Chúa thương đong đầy rượu nồng tình yêu cho các gia đình, để họ tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống hôn nhân và gia đình.

Sau khi Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gỉa bên dòng sông Giođan. Với lời xác nhận của Chúa Cha “Này là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con”;  và với sự tác động của Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu, Chúa Giêsu khởi đầu cho sứ vụ công khai, loan báo Tin mừng niềm vui đến cho mọi người.

 Tin mừng niềm vui ấy được thực hiện trước hết dành cho các gia đình. Tiêu biểu là nơi gia đình tiệc cưới Cana. Trong tình cảnh éo le là đang đãi tiệc cưới nhưng rượu lại hết nửa chừng. Tình cảnh này làm cho đôi hôn nhân rất bối rối vì sẽ phải bẻ mặt với mọi người. Hết rượu chắc chắn niềm vui của ngày cưới sẽ mất đi, và hạnh phúc của họ sẽ không được trọn vẹn… Nhưng thật may mắn  cho tiệc cưới hôm ấy vì đã mời Chúa Giêsu và Mẹ Maria tham dự. Với sự quan tâm lo lắng của Mẹ Maria. Mẹ đã trình cho Chúa Giêsu về tình cảnh khó khăn mà đôi tân hôn đang gặp phải “họ hết rượu rồi”. Và tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu, Mẹ đã căn dặn các gia nhân “Người bảo gì hãy làm theo”. Họ đã làm theo những gì mà Chúa Giêsu chỉ dạy nên phép lạ nước hóa thành rượu ngon đã xảy ra, đem đến niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn trọn vẹn cho đôi hôn nhân. Nhờ đó mà gia đình Cana vượt qua nổi lo lắng và không phải tủi hổ với mọi người.

Chúng ta cũng được TC nhận là con và được đón nhận CTT trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, nên chúng ta cũng mang trong mình sứ mạng, mang niềm vui Tin mừng của Chúa đến cho mọi người. Vậy ta phải thực hiện sứ mạng ấy như thế nào?

 

Bài đọc hai, thư thứ II thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nhắc nhở chúng ta phải biết dùng những đặc sủng Thiên Chúa ban mà phục vụ lợi ích chung. Mỗi người CTT ban cho khả năng khác nhau. Những khả năng ấy như là những nén bạc quý giá Chúa trao cho mỗi người chúng ta nắm giữ. Chúa mời gọi chúng ta hãy sinh lời tối đa. Đừng vì chễnh mãn mà cất giấu chúng đi; nhưng cũng đừng xử dụng chúng cách hoang phí. Tất cả hãy nghĩ đến tình thương, sự tin tưởng của Chúa dành cho ta mà hết tâm tận dụng tối đa để phụng sự Chúa và phục vụ lợi ích cho mọi người. Đó là cách chúng ta thi hành sứ mạng đem tin mừng niềm vui đến cho mọi người. 

Thứ hai: Mc 2, 18-22

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thành tâm oán cải đời sống sao cho phù hợp với tinh thần mới của Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến.

3 việc đạo đức mà người Do Thái rất quan tâm thực hành, đó là: cầu nguyện, ăn chay và bác ái. Nên khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không giữ chay, trong khi đó môn đệ của Gioan, cũng như môn đệ của những người Pharisêu thì giữ luật ăn chay cách nghiêm ngặt. Điều này khiến cho một số người trong nhóm Pharisêu khó chịu, nên họ lên tiếng phàn nàn với Thầy Giêsu:“sao môn đệ ông lại không ăn chay?”.

Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu vừa giải thích cho những người Pharisêu biết lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay; đồng thời Chúa Giêsu cũng vừa mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu.

Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Ngài là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Ngài chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.

Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể)  đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.

Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Ngài vui thì con người phải chia vui với Ngài. Khi Ngài khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Ngài chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Ngài. Khi Ngài sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Ngài.

Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Ngài chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.

Xin cho chúng ta biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.

 

Thứ ba: Mc 2, 23-28

Qua cuộc tranh luận với những người Biệt phái mà đoạn Tin mừng hôm nay trình thuật, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rõ về ý nghĩa và mục đích thật sự của việc giữ luật ngày Sabat như thế nào.

Xin cho mỗi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn về việc tuân giữ luật ngày Chúa nhật cách riêng và luật lệ nói chung theo tinh thần như Chúa Giêsu mong muốn.

 

Tin mừng hôm nay trình thuật về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu.

Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát.

Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận này là vì bất đồng quan điểm.

- Với những người Pharisêu giữ ngày Sabát là điều hết sức quan trọng. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (x. Xh 31,14), bị ném đá (x. Ds 15,32-36).

Bứt bông lúa để ăn là một hành động không thể chấp nhận được. Mặc dù theo sách Đệ Nhị Luật (23,26) thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa”. Nhưng vì đố kỵ, ghen ghét Chúa Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày Sabát.

- Còn Chúa Giêsu thì cho rằng: Thiên Chúa lập nên ngày Sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5,14-15). Ngày Sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con người và vì con người: "Ngày Sabát được đặt ra vì con người".

Do đó việc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn cho đỡ đói trong ngày Sabát là một nhu cầu chính đáng vì nó phục vụ cho nhu cầu lợi ích chính đáng cho con người. Chính vua Đavít và đoàn tùy tùng cũng đã vào đền thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn khi bụng đói! Nhưng vì ghen ghét và hận thù đã làm cho những người Pharisêu trở nên mù quáng mà quên đi mục đích chính của việc giữ luật.

Để giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn đúng đắn về mục đích của luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho đến cùng, dù có phải trả giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống "yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).

Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái và bao dung với hết mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen

 

Thứ tư: Mc 3, 1-6

Làm việc lành không phải lúc nào cũng được ủng hộ, nhưng lắm khi lại bị lên án và ngăn cấm. Nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu buông xuôi bỏ cuộc. Trái lại Người vượt lên tất cả để hoàn thành sứ mạng phục vụ hạnh phúc cho con người. Đó là điều mà Tin mừng hôm nay nói đến.

Tin mừng hôm nay cho thấy 2 thái độ và cách hành xử khác nhau:

- Của những người Pharisêu: không nhắm đến phục vụ hạnh phúc con người, nhưng nhắm đến phụng sự cho lề luật. Không có cái nhìn cảm thông, nhưng lại có cái nhìn vô cảm trước đau khổ của đồng loại. Không dám chấp nhận sự thật hiển nhiên, nhưng lại cố tình tìm cách giải thích sai lệch. Tất cả những điều ấy đều phát xuất từ óc tự cao và lòng đố kỵ của họ dành cho Chúa Giêsu.

- Của Chúa Giêsu: Có cái nhìn đầy yêu thương trước những con người bị đau khổ. Dẫu biết rằng, chung quanh Người có nhiều ánh mắt không thiện cảm bởi những người Pharisêu. Họ đang theo dõi và đang giương những mũi tên độc ác hướng về Chúa Giêsu để tiêu diệt bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà Chúa Giêsu không hề nao núng và lo sợ. Chính bởi sức mạnh tình yêu đã làm cho Chúa vượt qua mọi rào cản và sẵn sàng cứu chữa người bị tay khô bại ngay trong ngày Sabat.

Xin cho chúng ta tránh được thái độ ghen tỵ trước những việc làm tốt của tha nhân. Để ta không buông ra những lời ác độc hay tìm cách hãm hại tha nhân như những người Pharisêu.

Xin cho chúng ta cũng can đảm vượt qua những rào cản do quan niệm sai lạc hay do lòng đố kị của những người chung quanh mà quyết tâm làm những việc lành, việc thiện cho tha nhân, nhất là những người đang gặp đau khổ về thể xác và tinh thần theo gương Chúa Giêsu.

 

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay cho biết: Chúa Giêsu rất khó chịu trước thái độ kiêu căng bảo thủ của những người Biệt phái và tỏ ra rất buồn phiền trước hành vi ghen tị của họ. Chúa cũng sẽ rất buồn phiền nếu chúng ta cũng giữ luật Chúa và Giáo Hội bằng hình thức và thiếu lòng yêu mến.

Cả 2 bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến cuộc chiến đấu không cân sức. Nhưng người biết đứng về chân lý sẽ được Chúa ban ơn giúp sức và sẽ chiến thắng.

Bài đọc 1, thuật lại cuộc chiến đấu giữa Đavit, chàng trai trẻ, là con dân của đất nước Do Thái nhỏ bé; phải đối mặt với đội quân hùng mạnh, võ trang đầy đủ và dày dặn trận mạc, dưới quyền chỉ huy của một vị tướng sức mạnh phi thường là Gôliac cao to của một đế quốc hùng cường Philitinh. Đúng là sự đối đầu không cân tài, cân sức. Dưới cái nhìn tự nhiên thì Đavit không thể nào chiến thắng được quân thù. Ấy vậy mà nhờ vào sự khôn ngoan và sức mạnh của ơn Chúa ban, Đavit và dân Do Thái nhỏ bé đã chiến thắng cách oanh liệt kẻ thù.

Bài Tin mừng tiếp tục trình thuật lại cuộc đối đầu không cân sức giữa Chúa Giêsu và với giới chức lãnh đạo tôn giáo đã liên kết với nhóm cầm quyền chính trị quân sự là phái Hêrôđê. Bao vây Chúa Giêsu không chỉ là sức mạnh của giới chức đạo-đời, mà còn bởi sự kiềm hãm bởi những lề luật trói buột, giữa những quan niệm củ kỷ khắc nghiệt…Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại đấu đầu, tất cả chỉ vì giá trị của Tin mừng tình yêu. Với câu hỏi “Ngày Sabat làm việc lành hay sự dữ”. Chúa Giêsu cho thấy đích điểm của mọi lề luật là hướng đến hạnh phúc và sự sống cho con người. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại cứu chữa cho người bị khô bại tay trong ngày Sabát được khỏi.

Xin cho chúng ta cũng can đảm làm việc thiện nhằm phục vụ lợi ích cho tha nhân mà không sợ thua thiệt hay tính toán hơn thiệt. Nhất là can đảm sống đức tin và thi hành các việc đạo đức cho dẫu gặp phải nhửng chống đối, ngăn đe hay chỉ trích.

 

Thứ năm: 25/1
 Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
(Cv 22, 3-16; Mc 16, 15-18)

Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao là thay đổi. Sự thay đổi số phận con người có khi cũng lắm bất ngờ. Hôm qua tội lỗi, hôm nay trở nên tốt lành; hôm qua nghèo khổ, hôm nay trở nên giàu sang, hôm qua đầy tớ, hôm nay là ông chủ…và có thể ngược lại. Vận mạng con người thay đổi cũng bởi nhiều lý do khác nhau: có khi do một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một gương sáng, một lời cầu nguyện chân thành hay một biến cố vui buồn, thành công thất bại… nào đó xảy ra trong cuộc sống.

Sách Cv hôm nay thuật lại biến cố ngã ngựa bất ngờ, làm thay đổi cuộc đời của Sao-lô, nhờ gặp gỡ Đức Giêsu.

Sách Cv cho biết: Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Sao-lô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Tê-pha-nô. Sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, chàng trai Sao-lô hăng máu phóng ngựa như bay rong ruổi khắp các nẻo đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội. Hành động ấy Sao-lô xem là nhiệt thành với lề luật Do Thái giáo đúng như lời Chúa Giêsu đã nói:“Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa”. (Ga.16, 2). Nhưng không ngờ đang lúc ông hăng máu phóng ngựa truy cùng, diệt tận các kitô hữu trên đường Đa-mat, bất ngờ một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, khiến ông ngã xuống đất. Lúc đó ông nghe có tiếng nói: "Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta?". Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người ấy đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ". Nhưng không ai trông Chúa Giêsu. Sau đó Sao-lô được người ta đưa vào một căn nhà trong thành Đa-mát với tình trạng mắt ông bị mù. Tại đây Sao-lô được chữa lành đôi mắt và nhận lãnh Chúa Thánh Thần, nhờ việc đặt tay của Kha-na-ni-a, người môn đệ Chúa Giêsu sai đến.

Thế là sau ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn uống được gì. Nay ông đứng dậy chịu phép rửa, rồi ăn uống và khỏe lại. Thế là đời ông được thay đổi từ đây!

Từ một con người trung thành với quan niệm duy Do Thái giáo, nay Phaolô lại thay đổi trở nên con người say mê Giêsu đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi”. (Pl.3, 8-9).

Nếu trước đây Sao-lô tìm mọi cách để tiêu diệt những người theo Chúa Giêsu, thì nay Phao-lô lại hăng say rao giảng Tin mừng để đưa mọi người đến cùng Giêsu. Lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa đã trở thành phương châm sống của ông: "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng". (1Cr 9,16) 

Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, lắm khi một biến cố, một dấu chỉ nào đó xảy ra làm ta cảm thấy khó chịu, đau đớn lòng, nhưng có khi đó lại chính lại là hồng ân đổi mới. Giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin và dạng dày hơn trong cuộc sống nhờ ơn ban của Chúa.

 

Xin Chúa cho con biết nhìn các biến cố bằng cặp mắt đức tin, để chúng con không ngã lòng, buông xuôi khi gặp thử thách, thất bại; Và xin cho chúng con cũng đừng bao giờ tự mãn khi thành công. Vì cuộc đời có lắm đổi thay!.  

 

                                   Thứ năm: Mc 3, 7-12

Giữa lúc mà uy danh Chúa Giêsu được dân chúng không ngớt lời ca ngợi chúc tụng. Ngay cả ma quỷ cũng tôn vinh danh thánh Người. Nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu hãnh diện về những lời tâng bốc ấy. Trái lại Người biết làm chủ bản thân nên đã giữ một khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với mọi người, cũng như trước những lời đường mật của ma quỷ.

Có thể nói đây là thời kỳ vàng son của Chúa Giêsu với những thành công vang dội. Chính vì thế mà được rất đông đảo dân chúng đi theo để nghe Người giảng dạy và được chữa lành bệnh tật. Điều này khiến cho lịch làm việc của Chúa trở nên dày đặc. Tuy vậy, Chúa Giêsu luôn là người biết giữ khoảng cách tâm lý và vật lý chứ không bị cuốn theo những cuồng nhiệt của dân chúng.

Để cho lời giảng dạy đạt hiệu quả tốt và loan truyền dễ dàng đến tai người nghe, Chúa Giêsu dùng một chiếc thuyền để tách mình ra khỏi đám đông ồn ào và dùng sự lan truyền âm thanh mặt nước để rao giảng tin mừng.

Để tránh những người hâm mộ và những tình trạng quá khích có thể xảy ra, cũng như không chìm vào những thành công ngọt ngào, Chúa Giêsu đã tách mình ra khỏi họ và tìm cách giữ mình không sa đọa vào những lời tung hô của dân chúng.

Để tránh gây ra hiểm lầm về một Đấng Messia trần tục của dân chúng, Chúa Giêsu đã nghiêm cấm Ma quỷ không được tiết lộ về danh tính về con Thiên Chúa của Người. Bởi lẽ những lời tăng bốc ấy sẽ dễ cám dỗ Người rơi vào con đường riêng mình mà không vâng theo thánh ý Chúa Cha.

Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết giữ khoảng cách tâm lý và vật lý trong mọi vấn đề trong cuộc sống, để ta có điểm dừng đúng lúc, nhớ đó có nhận định sáng suốt đúng đắng trước mọi cám dỗ của ma quỷ giăng bẩy.

 

Thứ sáu 26/1: Luca 10, 1-12 

Kính Thánh Timôthê & thánh Titô, Giám mục

- Ti-mô-thê sinh tại Lít-tra, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; cha là một người ngoại giáo, mẹ theo Do Thái giáo. Thánh Phaolô, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, đã rửa tội cho Ti-mô-thê; từ đó Ti-mô-thê luôn theo Phaolô và trở thành cộng tác viên đắc lực cho thánh nhân. Cả khi Phaolô bị tù đày, Ti-mô-thê vẫn ở với ngài. Theo truyền thuyết, Ti-mô-thê là giám mục tiên khởi của giáo đoàn Êphêsô. Hai lá thơ Phaolô được đề tựa gửi cho ngài.

- Ti-tô là con của một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Trong Công vụ Tông đồ, Ti-tô không bao giờ được nhắc đến; nhưng trong các lá thơ, thánh Phaolô đều gọi ông Ti-tô là cộng tác viên. Phaolô đã rửa tội cho Ti-tô, đem theo lên Giêrusalem để dự Công đồng các Tông đồ. Phaolô đã trao cho Ti-tô nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh Phaolô đã đặt Ti-tô làm giám mục cho giáo đoàn Cờ-rê-ta.

 

Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15).

Không phải đợi đến khi Chúa về trời, Người mới giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên…”.

Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống của mình.

Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.

Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.

Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người theo gương 2 thánh Ti-mô-thê và Ti-tô mà GH hôm nay kính nhớ.  Thánh Timôthê và Titô là môn đệ nổi tiếng gắn bó mật thiết và nhiệt thành cộng tác với thánh Phaolô trên các hành trỉnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Cho dẫu bước đường rao giảng của các ngài gặp phải trăm ngàn thử thách gian khổ như lời Chúa Giêsu tiên báo “như chiên con vào giữa sói rừng”,nhưng các ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Chúa ban và đã chu toàn xuất sắc sứ mạng mà Chúa trao phó.

 

Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô can đảm hăng say chứng tá Tin mừng cho những người chung quanh chúng ta bằng lời nói và việc làm. Xin cho chúng ta biết ý thức:“lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, để tích cực cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình.

Thứ sáu: Mc 3, 13-19

Tin mừng hôm nay trình thuật lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ để Người huấn luyện đào tạo và trao ban sứ vụ cộng tác với Người trong sứ mạng rao giảng Tin mừng. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn gọi và trao ban sứ vụ làm chứng cho Chúa nơi gia đình và môi trường chúng ta đang sống. Xin cho chúng ta thi hành tốt nhiệm vụ mà Chúa trao ban.

Để rao giảng tin mừng cứu độ con người một mình Chúa Giêsu là đủ, bởi lẽ Người là TC quyền năng nên Người làm được mọi sự. Nhưng Chúa lại không thực hiện cách thế đó. Trái lại, Người mời gọi con người cộng tác.

Cụ thể Tin mừng hôm nay, Chúa tuyển chọn 12 tông đồ để ở với Người, nghe và học hỏi đời sống của Người. Sau đó Người trao ban quyền năng và sứ mạng quan trọng, cộng tác với Người đi rao giảng Tin mừng.

Điều đáng nói là 12 tông đồ mà Chúa Giêsu chọn lựa không phải là những con người tài năng mà là những con người ít học. Đa phần họ là dân làng chài quen nắng mưa và dạn dày với sóng nước biển cả. Các ông cũng không phải là những người được giáo dục đúng mức nên tính các rất khác biệt và lắm khi lại nóng nảy và cộc tính. Vậy mà Chúa lại chọn gọi và trao ban sứ mạng quan trọng. Vượt qua tất cả những yếu hèn của con người nếu biết tin tưởng và can đảm làm theo ý muốn của Chúa, thì mọi việc sẽ hoàn thành tốt đẹp “vì ơn Ta đủ cho con”.

Mỗi người chúng ta mỗi tánh tình khác nhau, và chúng ta cũng là những con người thật yếu đuối và bất tài, nhưng Chúa vẫn yêu thương gọi tên ta và chọn ta làm con làm môn đệ của Người. Xin cho chúng biết cộng tác tích cực để thi hành sứ mạng loan báo tin mừng niềm vui mà Chúa trao phó hầu chúng ta xứng đáng với tình thương chọn gọi của Chúa dành cho ta.

 

Thứ bảy Mc 3, 20-21

Sứ mạng loan báo Tin mừng đem ơn giải thoát cho con người khỏi đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng điều đó không làm cho Người nao lòng và chùng bước. Trái lại Người luôn kiên định trong lập trường và trung thành với lý tưởng mà Chúa Cha trao phó.

Xin cho chúng ta cũng can đảm sống niềm tin, cho dù phải đối mặt với bao nhiêu là thử thách. Rất có thể thử thách đó do chính  người thân yêu của chúng ta gây ra.

Trên bước đường thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu phải đối mặt với bao nhiêu là khó khăn, thử thách.

Khó khăn từ những chống đối bên ngoài, như nhóm Biệt phái và Hêrôđê luôn tìm cách gài bẩy và ám hại.

Thử thách từ bên trong là những người nhà của Người đã gây nhiều đau khổ cho Chúa Giêsu. Có lẽ họ không ác ý khi cho rằng Chúa Giêsu bị tâm thần. Nhưng có lẽ họ cũng bị áp lực bởi những lời kết án của giới chức tôn giáo và sự đe dọa bởi giới lãnh đạo chính quyền nên họ lo sợ về sự an nguy của Chúa Giêsu. Chính vì thế mà họ thừa nhận Chúa Giêsu bị tâm thần, với hy vọng nếu Chúa Giêsu có bị bắt thì cũng sẽ giảm nhẹ mức án cho Người.

Tuy nhiên dẫu sao ý nghĩ và sự thừa nhận về sự mất trí của những người thân cũng làm cho Chúa Giêsu đau buồn. Đúng ra, khi nhìn thấy những vất vả mà Chúa Giêsu đã làm để thi ân giáng phúc cho những người đang gặp đau khổ, đến nổi không còn thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống như vậy, thì người thân của Người phải cảm thông, ủng hộ và giúp đỡ Người chu toàn tốt sứ mạng. Đàng này họ lại hiểu lầm và tìm cách ngăn cản. Quả là một điều đáng buồn!

Qua đây cho ta biết: Sống đạo và làm chứng cho Tin mừng không phải lúc nào cũng êm ái dễ dàng; trái lại có lúc sẽ gặp phải nhiều khó khăn và chống đối. Chống đối ấy có thể đến từ bên ngoài, nhưng buồn nhất là đến từ những người rất thân yêu của chúng ta trong cùng một gia đình. Lý do có thể vì không cùng lý tưởng, quan niệm và niềm tin...

Xin Chúa ban thêm niềm tin nơi chúng ta, để chúng ta can đảm dấn thân hy sinh phục vụ hạnh phúc cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn và bách hại.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...