Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV MÙA CHAY
Lm. Seoka
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, NĂM C
Suy niệm 1:
Chúa là Người Cha nhân hậu, giàu lòng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ những lầm lỗi của ta, một khi ta nhận ra sai lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống. Đó là nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta.
Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa mà quyết tâm từ bỏ tội lỗi, quay về sống trong ân sủng của Người.
Người đời thường nói: con cưng là con hư. Nếu cưng không đúng cách sẽ làm hư hỏng con cái.
Nhưng con đã hư rồi thì liều thuốc duy nhất để chữa là tình thương.
Tin mừng hôm nay, không trình bày cho chúng ta biết trước khi hai người con hư, người cha đã yêu thương chúng như thế nào. Nhưng chỉ cho ta biết, người cha đã dùng tấm lòng yêu thương tha thiết để cảm hóa hai đứa con sau khi chúng đã ra hư đốn.
Người con thứ: Nhẫn tâm cắt đứt tình cha và sẵn sàng bỏ nghĩa anh em, gom lấy nữa phần gia sản gia đình ra đi phiêu lưu tìm cảm giác lạ. Từ nay thay vì ngủ nhà cha, anh ngủ nhà trọ. Thay những bữa cơm đơn sơ ở nhà cha bằng những bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng sang trọng. Thay vòng tay yêu thương chân tình của cha già bằng những vòng tay ân ái gian trá của các kiều nữ chân dài xinh đẹp.
Nhưng khách sạn dù có thoải mái, cơm nhà hàng dù có sang trọng, nằm trong vòng tay của các kiều nữ xinh đẹp êm ái, thì rồi anh cũng chẳng thấy bình an và hạnh phúc. Kết quả của phiêu lưu tìm cảm giác lạ trong thác loạn đã làm anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy và đau khổ, kiếp sống không ra con người.
Dẫu thế tình cha vẫn ấm áp như ngày nào. Vui mừng chào đón người con như thuợng khách. Sẵn sàng tha thứ, yêu thương. Tình yêu vẫn nguyên vẹn tha thiết và nồng nàn như xưa.
Người con cả cũng chẳng hơn gì đứa em hư hỏng. Dù cần cù lam lũ, không hề bất tuân lệnh cha. Nhưng đầu anh lại có nhiều toan tính, lòng anh đầy ích kỷ và ghen tỵ. Trong khi mọi người vui mừng “vì em con đã chết nay sống lại đã mất nay tìm thấy”. Vậy mà anh lại kể công và phân bì với em mình cùng cha già. Trong khi người cha không hề coi anh là người ngoài thì chính anh lại xem mình là kẻ xa lạ vì không thừa nhận mình là con cha và là người anh của đứa con thứ: “Cha coi đã bao năm con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy một con bê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con cha kia ( không phải là em con), sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.
Thấu hiểu hết lòng con, người cha ra năn nỉ con vào chia sẻ niềm vui và ân cần giải thích cho con hiểu rằng: “nó là em con và con là con cha”. Cha muốn con vui trong phận làm con và làm anh và hãy vui mừng và hãnh diện vì luôn được sống trong tình thương của cha.
Hình ảnh của hai đứa con trong dụ ngôn có lúc cũng hiện diện nơi mỗi chúng ta. Có lúc ta cũng muốn chối bỏ chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ. Có lúc chúng ta cũng muốn phiêu lưu tìm cảm giác lạ quá độ của bia rượu, thuốc lá, cà phê, trai gái, bất trung và sa đoạ như đứa con thứ. Cũng lắm lúc chúng ta sống trong ít kỷ tham lam toan tính, tìm lợi mình, muốn hại người, nuông chiều và nuôi dưỡng lòng ghanh tị. Cảm thấy khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, đạo đức hơn chúng ta, được nhiều người thương mến hơn chúng ta.
Chúa Người Cha thấu hiểu lòng của mỗi chúng ta. Nhưng Chúa cũng là Đấng giàu lòng yêu thương tha thứ, mong muốn ta nhận ra lầm lỗi mà sửa đổi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bỏ đi con đường đi hoang tội lỗi mà can đảm quay về nhà Cha để cảm nhận tình của Cha yêu con là dường nào. Nhờ thế trong mùa chay thánh này, chúng con quyết tâm đổi mới đời sống nên tốt hơn, hầu xứng đáng với tình yêu của Cha dành cho chúng con.

Suy niệm 2: 
Khi muốn nói một điều gì khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von để diễn đạt.
Khi muốn thổ lộ một tâm tình sâu kín khó bộc bạch nên lời, người ta thường nhờ đến câu truyện.
Khi muốn diễn tả một chân lý tròn đầy mà không từ ngữ nào có thể diễn đạt hết, người ta lại phải mượn lấy dụ ngôn.
Vì muốn diễn đạt chân lý “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến dụ ngôn: Người cha nhân hậu (ta thường gọi: dụ ngôn người con hoang đàng) để mời gọi chúng ta nhận ra lòng từ bi của Chúa mà sám hối trở về.
Như người con hoang đàng,  ta hãy can đảm trở về với Chúa là Cha.
Khi xa Cha, anh tưởng đời mình sẽ hạnh phúc. Nhưng anh đã lầm, sau những ngày phiêu lưu tìm cảm giác lạ, anh cảm thấy trống vắng, hụt hẩn, và đau khổ. Chỉ khi được ở bên cha, anh mới tìm lại hạnh phúc và bình an đích thực. Thế là anh quyết tâm trở về.
Như người anh cả,  ta hãy khiêm tốn trở về với anh em,.
Chính lòng ích kỉ nhỏ nhoi, đưa đến ghen tỵ. Lòng ghen tỵ khiến anh trở nên mù quáng không còn nhận ra tình anh em máu mủ, nên đã xem em mình chỉ là “ thằng con của cha”, chứ “không phải là em mình”. Lòng ghen tỵ dẫn đến so đo phân bì. Xem mình là người xứng đáng được cha ban thưởng chứ không phải em mình: “có bao giờ cha cho con dù chỉ con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn…vậy mà cha lại giết bê béo ăn mừng nó trở về”. Do đó anh cần phải loại bỏ lòng ghen tị và óc kiêu căng mới có thể sáng suốt nhận ra lòng thương  xót của người cha và bao dung với em mình.
Như hai người con cùng cha, ta hãy thành tâm trở về với chính mình.
Trong lúc khổ cực vất vã của cảnh người làm thuê. Trong cơn đói khát rã rời đã giúp người con hoang đàng trở về với chính lòng mình. Anh đã nhận ra sai lầm và tội lỗi mình đã phạm. Và cũng chính trong cơn đói khát anh đã nghĩ đến tình cha, cảm nhận được sự ấm áp, niềm vui khi được ở với  cha.
Còn đối với người anh, tưởng mình đang gần bên cha, ở trong nhà cha, nhưng hóa ra anh ở rất xa cha và ngoài mái ấm gia đình. Anh cần trở về với lòng mình để nhận ra thái độ và cách sống của mình trong mối tương quan với người cha và người em trong gia đình. Có trở về chính lòng mình anh mới cảm nhận được:  Niềm vui của cha là niềm vui của anh. Hạnh phúc của người em phải là hạnh phúc của mình.

Nếu mùa chay là sám hối trở về để canh tân đời sống, thì lời Chúa hôm nay quả là lời mời gọi tha thiết thúc đẩy ta hãy mau quay gót trở về để nối kết lại tình hiệp thông.
Hãy trở về với Chúa là người Cha nhân hậu luôn mõi mắt trông chờ ta về với Ngài, bằng cách gia tăng những việc làm đạo đức, siêng năng kết hợp với Chúa qua thánh lễ; nhất là chuyên chăm cầu nguyện nhiều hơn.
Hãy trở về với anh em, bằng cách chu toàn xuất sắc bổn phận của mình trong gia đình, nơi họ đạo và ngoài xã hội. Biết ý thức sống hài hòa, khiêm tốn và dịu dàng và bao dung với hết mọi người.
Hãy trở về với chính lòng mình bằng cách loại bỏ con người ích kỷ, kiêu căng, tự mãn để biết sống vị tha và khiêm tốn hơn. Nhất là biết sẵn sàng hy sinh công sức, thời giờ, tiền của để tích cực góp phần xây dựng cộng đoàn Họ đạo mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.
Nếu sự trở về của người con hoang đàng trong Tin mừng hôm nay, còn được người cha vui mừng đón nhận vào nhà và tổ chức tiệc mừng linh đình. Thì sự trở về của mỗi chúng ta chắc chắn sẽ là niềm vui lớn lao đối với Thiên Chúa. Chúa đang dang rộng cánh tay và trông ngóng chờ đợi chúng ta quay về để tiếp tục yêu thương tha thứ và ban ân sủng dư đầy cho ta.  

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm nhận được tình thương bao la của Chúa mà can đảm bỏ kiếp đi hoang để nhanh chân quay gót trở về cùng Chúa.

Thứ hai: Ga 4, 43-54
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật cho con người. Chính đức tin, viên sĩ quan đã đặt trọn hy vọng nơi Chúa. Chính đức tin mà phép lạ Chúa được thực hiện và con ông được cứu chữa. Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta.
Tin là đặt trọn hy vọng vào Chúa. Ông viên sĩ quan trong bài tin mừng hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu nên ông đã đặt trọn niềm hy vọng của mình vào Chúa.
Vì hy vọng vào Chúa, nên ông đã ra đi tìm đến Chúa Giêsu. 
Hy vọng nơi Chúa, ông đã không ngại kêu xin và kiên nhẫn nài nỉ Chúa đến nhà cứu sống con ông. 
Hy vọng ở Chúa, ông đã khiêm tốn đón nhận mọi thử thách: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu”. Dẫu bị mỉa mai, nhưng ông vẫn khiêm tốn kiên nhẫn kêu xin.
Cũng chính niềm hy vọng rất nhiều vào Chúa, ông tin nhận Lời Chúa: “cứ về đi, con ông sống”. Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và ra về.
Nhờ lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan ngoại giáo mà con ông đã được Chúa cứu khỏi chết và cả gia đình ông được ơn đức tin.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. Trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khó. 
Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Đau đớn, bệnh tật con cái là nỗi đau vô cùng của cha mẹ. Nhưng chính lúc đau khổ ấy, viên sĩ quan ngoại giáo đã có được niềm tin. Gặp gỡ Chúa niềm tin của ông lại vững mạnh hơn. Niềm tin của ông đã trở nên niềm tin cứu rỗi cho cả gia đình ông.
Chúng ta cũng vậy, niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn, không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha trong bài tin mừng hôm nay. Điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà những người chung quanh và trong gia đình có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn Đức Tin. Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Mùa chay này, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.

Thứ ba: Ga 5, 1-3.5-16
Thiếu bác ái yêu thương, việc thực thi lề luật chỉ còn là cái xác không hồn và là những hành động mù quáng. Tin mừng hôm nay, kêu gọi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với nhau trong cuộc sống, bằng việc thực thi tình bác ái, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Đó là cách thức ta thể hiện tâm tình tôn vinh Chúa.
Người bị bại liệt suốt 38 năm dài được Tin mừng hôm nay nói đến. Chắc hẳn đã và đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.
Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân; khó khăn trong việc đi lại; khó khăn mỗi khi tiếp xúc với người khác.
Đau khổ vì bệnh tật hành hạ; đau khổ vì bị mọi người bỏ rơi, ngay cả những người thân “không có người đem xuống hồ…”. Đau khổ vì bị mọi người khinh ghét, bị xã hội xem thường. Anh bị liệt vào thành phần “mang kiếp cầm ca”, ăn bám xã hội. Nhưng có lẽ đau khổ nhất vẫn là nỗi đau mặc cảm vì bị mọi người xem là người tội lỗi.
Nỗi khát khao lớn nhất của anh là được làm người bình thường như bao người. Được xã hội tôn trọng; được mọi người quan tâm, yêu mến; được tự do đi lại; nhất là được khẳng định giá trị và phẩm giá làm người của mình.
Hôm nay Chúa Giêsu đã trao ban cho anh món quà vô giá mà anh hằng khao khát đêm ngày, đó là chữa anh khỏi căn bệnh bại liệt. Quả là niềm vui lớn lao, niềm vui chính đáng. Ấy vậy mà niềm vui ấy lại bị chống đối. “Hôm nay là ngày Sabát không được phép vác chõng”. Không những chống đối quyền đi lại và làm người của anh, mà họ còn chống đối cả Chúa Giêsu vì đã vi phạm ngày Sabát.
Lòng ích kỷ và luật lệ vô hồn, quả là một gánh nặng, một rào cảng đáng sợ đẩy con người đến chổ vô cảm và cư xử bất nhân với nhau, khiến ngưòi khác không thể vươn lên sống xứng đáng là con người. Họ không hiểu rằng: “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”. Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.
Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi chối bỏ và khước từ thể hiện lòng nhân ái đối với người khác, là chúng ta đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Yêu thương và thực thi bác ái đối với người khác cũng là cách chúng ta đền bù tội lỗi trong mùa chay này.

Thứ tư: Ga 5, 17-30
Người kitô hữu, là người có Chúa Kitô. Nghĩa là từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của ta phải là của Chúa, như chính Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha. “Ai thấy Ta là thấy Cha”. Xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực dung mạo của Chúa Giêsu hơn. Để qua ta mọi người nhận biết Đức Giêsu.
Định luật tình yêu dạy chúng ta rằng: “Yêu ai thì ở gần người ấy. Yêu ai thì nên giống người ấy. Yêu ai thì muốn ở trong người ấy, và yêu ai thì sẵn sàng sống chết vì người ấy”. Chính vì yêu mến Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã trở nên giống Cha mọi đàng.
Mối bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu là thể hiện thánh ý Cha Ngài: “Lạy Cha, này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”. Chúa Giêsu khẳng định, suốt cuộc đời, Ngài làm việc như Cha Ngài: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Chúa Giêsu cũng xác định cho chúng ta biết, Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa, vì “Ta và Cha là một”, và “Ai thấy Ta là thấy cha”.
Như vậy, lẽ sống của Chúa Giêsu là sống như Cha. Trong mọi sự, Ngài đều lấy Cha làm mẫu mực. Và Ngài muốn chúng ta cũng phải lấy Cha làm mẫu mực cho đời sống: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Mà mẫu mực Chúa Cha ở nơi Ngài. Do đó muốn nên giống Cha ta chỉ cần nên giống Chúa Giêsu.
Giống Chúa Giêsu trong mối bận tâm duy nhất là cứu độ nhân loại. Giống Chúa Giêsu ở thái độ khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa Cha. Giống Chúa Giêsu bằng cách sống thành thật: “Ta là đường là sự thật và là sự sống”. sự thật trong lời nói, trong việc làm. Nhất là giống Chúa Giêsu cách sống yêu thương. Như trái tim không bao giờ ngừng đập, tình thương cũng không bao giờ ngơi nghỉ. Chúa Giêsu vẫn liên lỉ làm những việc tình thương. Bất chấp là ngày Sabát, vì ngày sabát dù nghỉ ngơi, nhưng Chúa vẫn quang phòng vũ trụ và con nguời mà chính Ngài đã dựng nên.
Xin Chúa cho chúng ta mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn, để tâm hồn, trái tim, suy nghĩ vá cách sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa. Để qua đó mọi người nhận ra chúng ta là mộn đệ Chúa, qua chúng ta danh Chúa được vinh danh.
Thứ năm: Ga, 31-47
Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối. Dù những  người Do Thái, nhất là nhóm Biệt Phái đã chứng kiến biết bao điều lạ Chúa Giêsu đã làm, nhưng họ vẫn không tin nhận Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về Ngài. Nhưng vì thiếu lòng yêu mến Chúa và cứng lòng, họ vẫn không tin.
Xin cho chúng ta biết nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại và qua Thánh Kinh. Và với lòng khiêm tốn thi hành ý Chúa trong đời sống hằng trong tin yêu. Tin chắc rằng Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Để ứng cử và thi hành nhiệm vụ HĐND hay Đại Biểu Quốc Hội, người  ta cần được sự giới thiệu của địa phương và được cử tri tín nhiệm cao. Để làm Linh Mục và thi hành sứ vụ tông đồ, cần có người giới thiệu, được đấng bản quyền chuẩn nhận, cho phép. Còn Chúa Giêsu trái lại, khi thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó là cứu độ nhân loại, thì chẳng có sự chuẩn nhận nào của Giáo Quyền cũng như Chính Quyền. Nên không lạ gì Ngài luôn bị khước từ và chống đối. Nếu ta ở vào trường hợp của họ lúc ấy, chúng ta cũng khó lòng chấp nhận Đấng Cứu Thế là ông Giêsu đến từ Nazarét. Một Đấng Cứu thế xem ra không phù hợp với quan niệm, suy nghĩ của con người.
Thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu xem ra không hợp pháp theo quan niệm con người, nhưng đó lại phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài vượt lên trên và không phụ thuộc vào những ràn buộc của thế quyền. Nhưng để cho thế quyền chấp nhận, Chúa Giêsu sẵn sàng đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về thân thế và sứ mạng của Ngài qua bài tin mừng hôm nay.
Thứ nhất: Bằng chứng của Gioan Tẩy Giả: “Đấng đến sau tôi, nhưng quyền thế hơn tôi. Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng Đấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”.
Thứ hai: Chính lời Tôi nói và những việc Tôi làm: Có ai làm cho người mù mới sinh được khỏi như Chúa Giêsu. Có ai làm cho một người phong cùi được sạch. Có ai làm cho một đứa bé đã chết được sống lại. Có ai làm cho đứa con trai của bà goá thành Naim bị cột chặt trong vải liệm và đang khiêng đem chôn được hồi sinh. Có ai làm cho ông Lazarô chết 4 ngày được chỗi dậy. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm những điều ấy.
Thứ ba: Chúa Cha làm chứng về Ngài: “Này là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Thứ tưBằng chứng của Thánh Kinh và Môsê đã loan báo về Ngài chính là Đấng Messia.
Tuy Chúa đã đưa ra những bằng chứng xác thực như vậy, nhưng người Do Thái không nhìn nhận Ngài.
Lý do:  Vì họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa và vì tính ích kỉ, hám danh. Vì thế họ đã không còn khả năng mở lòng đón nhận Ngài.
Dù họ có tin hay không tin, thì sự thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người. với tất cả nhân tính và Thiên tính nơi Ngài. Suốt hơn hai ngàn năm qua, không ai có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử như Chúa Giêsu.
Không nhà cách mạng tài ba nào có thể biến đổi thế giới được như Ngài. Không có vị tôn sư nào có` một dòng dõi môn đệ đông đảo như Ngài. Không có tên ai được nhắc một cách cực trong như tên Ngài. Không có một ân nhân nào được yêu mến say mê như Ngài. Thế mới rõ Đấng vĩ đại ấy chính là một người, nhưng là người Chúa, vì Ngài là Con Thiên Chúa.
Xin cho chúng con và hết mọi người biết khiêm tốn tin nhận Đức Kitô là Chúa lòng mình và nổ lực hết lòng sống theo lời Người chỉ dạy với tình yêu mến. Amen.

Thứ sáu: Ga 7,1-2.10.25-30
Tự mãn về sự hiểu biết của mình, dân Do Thái nói chung, cách riêng những người Biệt Phái đã trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Do đó họ đã không tin nhận Ngài và ra sức chống đối quyết liệt. Dù ngày nay chúng ta dễ dàng tin Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị chao đảo. Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta. Và cho nhiều người chưa tin Chúa cũng đón nhận ơn đức tin như chúng ta.
Càng ngày cuộc tranh luận về nguồn gốc và những phép lạ của Chúa Giêsu với người Do Thái, cách riêng với nhóm Biệt Phái càng trở nên gây gắt. Khiến họ đưa đến quyết định bắt và giết Ngài.
Bằng lời giảng dạy khôn ngoan đầy thuyết phục, dân chúng rất ngạc nhiên về Người. Những lời lẽ về đạo lý khôn ngoan ấy phải đến từ Thiên Chúa.
Bằng những bằng chứng cụ thể về ông Môsê đã truyền phải làm phép cắt bì và họ vẫn chịu cắt bì trong ngày sabát. Vậy có người đã chịu phép cắt bì trong ngày sabát để khỏi phạm luật Môsê, thì tại sao Chúa Giêsu cứu chữa người bệnh tật trong ngày sabát lại phạm luật. Chữa một phần cơ thể bị bất thường là việc bác ái đáng làm trong ngày sabát. Tại sao với tình yêu thương cứu chữa toàn thân thể cho người bị bệnh tật trong ngày sabát lại không được làm? Và Chúa Giêsu khẳng định: sở dĩ họ không tin nhận Ngài là do họ chỉ xét đoán theo bề ngoài.
Họ cho rằng họ biết quá rõ về lý lịch Đức Giêsu. Biết nơi sinh, chổ ở và còn biết cả cha mẹ, bà con họ hàng của Người nữa. Một người xuất thân từ một nơi chốn, một hoàn cảnh và một gia đình nghèo khó, tầm thường, nhỏ bé thì làm sao là Đấng Cứu Thế được. Còn những người có chức quyền thì ghen tức vì thấy Ngài được dân chúng ái mộ. Nhất là họ không thể chịu nổi những lời tuyên bố về nguồn gốc xuất thân từ Thiên Chúa của Ngài. Nên đã quyết tâm trừ khử Ngài.
Thế đã rõ: Vì kiêu căng-tự mãn, không muốn đón nhận lời chân lý Chúa dạy nên đã có cái nhìn lầm lạc về Chúa. Và vì tự ái-tự phụ, không muốn người khác hơn mình, đã ghen ghét và tìm cách giết hại Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con hết lòng tin kính Chúa là Đấng Cứu Độ Chúa Cha gởi đến cho chúng con. Và cho chúng con biết khiêm tốn ăn năn sám hối quay về với Chúa, để đón nhận tình thương ơn chữa lành những bệnh tật tâm hồn trong mùa chay thánh này.
Thứ bảy: Ga 7,40-53
Sống theo cảm tính và nhận định chủ quan, khiến cho con người có cái nhìn sai lạc nên dễ dàng đưa đến cách hành xử tàn bạo, độc ác. Đó là điều mà Tin mừng hôn nay muốn đề cập đến.
Trước những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, người Do Thái có những phản ứng khác nhau: Người bình dân, đơn sơ thì tin Ngài là một ngôn sứ cao cả được Môsê báo trước. Một số người hiểu biết thì cho rằng: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo. Còn những người thuộc giới lãnh đạo tôn giáo thì phủ nhận hoàn toàn, cho rằng: Ngài không phải là ngôn sứ, cũng không phải là Đấng Cứu Thế.
Có nhiều lý do:
1. Không hội đủ những điều kiện về địa dư và dòng tộc. 
2. Sứ điệp lời Chúa có nguy cơ làm cho dân chúng sao lãng lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc. 
3. Lời giảng dạy và phép lạ Chúa Giêsu làm lu mờ hình ảnh và uy thế của họ. Vì thế họ quyết định nhổ “cái gai Giêsu” ra khỏi mắt họ.
Nhưng đối với những người am tường luật lệ và yêu mến sự thật thì có cái nhìn trong sáng và cách hành xử công minh. Ông Nicôđêmô là một điển hình. Ông là thành viên của hội đồng lập pháp, là tiến sĩ luật có thế giá và là người can đảm đứng ra biện hộ cho Chúa Giêsu, ông nói: “muốn bắt người ta, tức là Chúa Giêsu, thì trước hết phải đối diện thẩm vấn, phải có nhân chứng và xét xử theo luật lệ”. Nhưng lời đề nghị của ông chẳng ăn nhằm gì với số đông chỉ biết xử dụng luật rừng.
Thời nay cũng vậy. Chân lý thuộc về số đông và nằm trong tay những kẻ có quyền. Công lý thường bị bẽ cong và hậu quả là những người sống theo sự thật, chân lý và tình thương bị xem là người khờ dại. Có nguy cơ đẩy toàn bộ thế hệ đi vào hướng nhìn lệch lạc, nhằm lẫn. Không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Đâu là chính, đâu là phụ. Đâu là điều ưu tiên phải thực hiện và đâu là điều cần bỏ qua nếu cần.

Xin cho chúng ta biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Biết làm theo ý Chúa hơn ý mình. Biết ưu tiên làm việc của Chúa, cho Chúa và vì Chúa hơn là cho mình. Nhất là biết chọn Chúa là lẽ sống và là con đường để ta dấn bước. Xin đừng để ta sống theo cảm tính nhẹ dạ, cả tin vào những luồng tư tưởng, thông tin bên ngoài áp đặt. Nhưng cho ta biết khôn ngoan lấy lời Chúa và Giáo Huấn Giáo chọn lọc và cam đảm sống theo sự hướng dẫn đó. Hy vọng chúng ta không phải đi vào vết xe đổ của người Do Thái ngày xưa


Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

HỌ ĐẠO SAKEO 
MỪNG BỔN MẠNG GIỚI GIA TRƯỞNG
19/03/2019
THÁNH GIUSE 
NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH 

Lm Seoka 
Hòa nhịp cùng Giáo hội, hôm nay Họ đạo chúng ta long trọng mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, đồng thời cũng là bổn mạng của anh em giới Gia trưởng chúng ta.
Nhân dịp này chúng ta cùng nhau hướng về thánh Giuse để chiêm ngưỡng đời sống tuyệt đẹp của Ngài mà học đòi bắt chước. Khi nhìn vào đời sống của thánh nhân, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đồng ý rằng: thánh Giuse là mẫu gương tuyệt hảo của nhân đức trung thành, đáng để cho chúng ta noi theo trong nhiệm vụ xây dựng hạnh phúc gia đình mình. 
1. Trung thành bảo vệ gia đình.
Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ Thánh gia.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử.
Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, Thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vả tại xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.
Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.
Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của người gia trưởng.
Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng!
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như Thánh Giuse, dù khi ngủ, ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.
2. Trung thành giáo dục con cái.
Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của Thánh gia qua câu: “Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta” (Lc 2,40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện: Thể dục, trí dục, đức dục …
- Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng. Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ, vậy mà không thấy Thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi. Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa.
- Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình Thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi Thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế?
Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu Thánh kinh và nghiên cứu Luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại. Sau này khi rao giảng Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc Lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến giáo dục tri thức cho con mình nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các khoản Luật và Lời Chúa.
- Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi Thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.
Chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng “đẹp lòng Chúa Cha”. Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ “xin vâng” theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria:
Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng Thánh Thiện lại gánh lấy tội nhân. Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó…; và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế nên Người hằng xác quyết: “lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).
Vậy những bậc cha mẹ cũng hãy noi gương thánh Giuse, quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới hy vọng con chúng ta trở nên tốt.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng-vợ, người cha-mẹ, người gia trưởng-hiền mẫu trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha-mẹ và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.

Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, xin cho các gia trưởng-hiền mẫu quyết sống với hai chữ TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse. Amen.










Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, C
Lm Seoka
Nhạy bén nhận ra những dấu chỉ thời đại mà chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trình diện trước tòa Chúa. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. 

Làm thế nào để an tâm bước vào đời sống mai sau trong niềm vui và hạnh phúc? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết cần phải trang bị cho mình những gói hành trang cần thiết nào ngay khi còn ở đời này?
- Gói hành trang thứ nhất cần trang bị là lòng sám hối chân thành.
Để nhắc nhở chúng ta điều này, Chúa Giêsu dùng 2 sự kiện thời sự nóng đang gây xôn xao trong xã hội thời Do Thái bấy giờ. Đó là vụ việc quan Philatô giết mấy người Galilêa, làm cho máu họ hòa lẫn với máu các vật họ tế sinh. Và sự kiện tháp Silôê đổ xuống đè chết 18 người cách bất ngờ. Nhắc lại hai sự kiện này, Chúa Giêsu muốn cảnh tỉnh những người Do Thái thời bấy giờ cũng như chúng ta ngày nay hãy thay đổi cái nhìn. Thay vì chúng ta tự mãn cho mình là người công chính mà lên án những người gặp hoạn nạn đau khổ, thì hãy sáng suốt nhận ra những đau thương xảy đến cho tha nhân như là dấu chỉ yêu thương Chúa gửi đến nhằm nhắc nhở ta biết hồi tâm sám hối, canh tân đời sống để được Chúa tha thứ.
- Gói hành trang thứ hai mà ta phải mang theo là những hoa trái của hy sinh bác ái, yêu thương phục vụ.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả, vừa nói lên tình thương và lòng nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33, 11); vừa tạo cơ hội cho những người tội lỗi có thời gian để hoán cải và tích lũy thêm cho mình nhiều việc lành với hy vọng được sống hạnh phúc trong nước Chúa sau khi kết thúc cuộc hành trình ở trần gian này. “Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy”.
Xin cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà lo chuẩn bị hành trang tốt nhất cho đời mình. Hành trang ấy chính là biết khiêm tốn ăn năn sám hối chân thành; là sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân trong yêu thương. Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc mai sau.

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C
Cùng với GH, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ III mùa chay. Mùa chay là mùa sám hối để đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần phải sáng suốt nhận ra những biến cố xảy đến trong cuộc sống hàng ngày bằng cái nhìn của đức tin. Từ đó ta mới khôn ngoan chọn lựa cho mình một thái độ sống phù hợp với tinh thần của Chúa.
Nếu ai có điều kiện theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông, sẽ thấy gần đây có rất nhiều sự kiện lạ xảy ra trong đất nước Việt Nam chúng ta. Rất nhiều sự kiện, nhưng ta chỉ có thể liệt kê  nhanh một vài sự kiện sau:
Sự kiện 1: vụ nữ sinh Cao Mỹ Duyên (SN 1997) trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị cưỡng bức tập thể và sát hại dã man bởi nhiều đối tượng khi đi giao gà chiều 30 Tết năm 2019.
Sự kiện 2: Vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Sự kiện 3: Cô giáo Phạm Thị Vũ Hạ (31 tuổi, giáo viên Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị tố cáo quan hệ bất chính với học sinh lớp 10.
Sự kiện 4: Một đối tượng tên là Đỗ Mạnh Hùng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Plam, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Xúc phạm đến danh dự nhân phẩm chỉ phạt 200 ngàn đồng còn đổi 100 USD thì phạt 90 triệu đồng.
Sự kiện 5: Chùa  Ba Vàng ở Tp Ung Bí, tỉnh Quảng Ninh bị tố giác dùng phương pháp gọi vong, báo oán thu lợi mỗi năm cả 100 tỉ đồng.
Sự kiện 6: Liên quan đến hai Linh mục trong đạo chúng ta. Hai ngài được xem là người có tài giảng thuyết về linh đạo của lòng thương xót Chúa; Và nghe đồn thổi là còn có khả năng chữa bệnh nan y nữa nên thu hút rất đông người.
Khi nhìn vào những sự kiện trên, có lẽ không ai trong chúng ta dám đánh giá nó là thật hay giả, đúng hay sai, tốt hay xấu… Bởi lẽ chúng ta không phải là người trong cuộc nên không thể biết được động cơ đàng sau của những sự kiện ấy là gì? Nên miễn bàn!

Điều mà ta quan tâm đến hôm nay là hai sự kiện rất hót gây xôn xao dư luận trong xã hội Do Thái vào thời Đức Giêsu, được Tin mừng hôm nay nói đến, đó là:
Sự kiện thứ nhất là vị Tổng trấn Philatô, quan chức Rôma vốn nổi tiếng có bàn tay sắt, ông đã ra lệnh hạ sát một nhóm người Galilê nổi loạn, ngay trong Đền thờ nên làm cho máu của họ hòa lẫn với các con vật được tế lễ. Đây là sự kiện có liên quan đến động cơ tôn giáo và chính trị.
Sự kiện thứ hai là ngọn tháp Siloê bất ngườ bị đổ xuống, chôn sống 18 người. Sự kiện này có lẽ liên quan đến tham nhũng rút ruột công trình hoặc do tắc trách của người lãnh đạo.
Với người Do Thái thời bấy giờ thì cho rằng hai sự kiện ấy xảy ra là vì do tội lỗi của nạn nhân; hoặc là do tội của cha ông họ nên họ phải gánh chịu. Chính vì thế mà những người Do Thái mới đến hỏi Đức Giêsu:“Tội của chúng nó hay của cha ông chúng nó?”.
Nhưng hình như Chúa Giêsu không quan tâm lắm đến nguyên nhân dẫn đến hai tai họa ấy, mà vấn đề Chúa Giêsu quan tâm lại là sám hối để chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết đời đời. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ: “...Nếu các ngươi không ăn năn trở lại thì các ngươi cũng sẽ phải chết tất cả”.
Vậy để chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cần phải sám hối. Sám hối có hai nghĩa: 
- Tiêu cực là khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi để xin ơn Chúa tha thứ và quyết tâm chừa bỏ. Muốn thế trước cần phải thay đổi cái nhìn. Thay vì nhìn những tai họa là hình phạt Chúa dành cho người tội lỗi thì hãy nhận ra đó chính tình thương mà Chúa muốn gửi đến để nhắc nhở ta phải lo sám hối. Nên thay vì kiêu căng kết án người khác thì tốt nhất là hãy khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình mà chân thành xin Chúa tha thứ.
- Tích cực là canh tân đổi mới đời sống để sinh nhiều hoa trái. Rất tinh tế Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả đã ba năm không sinh trái, vừa nói lên lòng nhân từ và sự nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho những tội nhân; vừa cho thấy được niềm hy vọng của TC vào sự đổi mới của chúng ta bằng những việc lành phúc đức, những hy sinh phục vụ, những việc làm bác ái yêu thương và chu toàn tốt bổn phận hàng ngày Chúa trao phó với hết khả năng của mình, trong tình yêu Chúa.
 Mùa chay này, xin Chúa cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra  những lầm lỗi thiếu sót và yếu đuối của bản thân mà thật lòng sám hối trở về với tình thương của Chúa. Nhất là xin Chúa cho chúng ta biết can đảm thay đổi đời sống theo tinh thần của Phúc âm để trổ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa và mang đến niềm vui cho mọi người.

Thứ hai: Lc 4, 24-30.
Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là đồng hương hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta biết hết lòng tin yêu Chúa và nỗ lực làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Quen quá, hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu.
Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ hoài nghi rồi dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ mới tin nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người đồng hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe hai câu chuyện thời xưa.
- Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả, mà lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta. 
- Và trong lúc nhiều người bị phong cùi, nhưng không ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man, người ngoại xứ Xy-ri-a. 
Nghe hai câu chuyện đó dân làng Nazaret hiểu Chúa Giêsu ám chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực sâu, nhưng Người bỏ họ mà đi. 

Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan niệm sẵn có trong đầu họ. Chính quan niệm sai lầm đưa đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mù quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau.
Xin cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở. Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình thương cứu độ của Chúa dành cho mọi người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có thể đón nhận được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành Lời Chúa dạy, nhờ thế ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.

25/ 03: Lễ Truyền Tin
Lc 1, 26-38
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng Lễ Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Đức Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Mỗi khi đọc kinh Kính mừng, chúng ta nhắc lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ…”; cũng đồng nghĩa với lời Thiên Thần chào Đức Maria: “Mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Sau khi được nghe Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng phục.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực hiện được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã tạo thành vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tác tạo nên con người và bằng hơi thở Chúa đã làm cho con người trở nên giống hình ảnh TC. Và với quyền năng bà chị họ Isave son sẻ đã mang thai và sinh con. Như thế thì việc Đức Maria cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng trinh là chuyện rất đổi bình thường với quyền năng của TC. Điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi chúng ta như Đức Maria không?.
Tuy Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa. Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành. Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện. Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”. 
Xin cho chúng ta tích cự cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và tha nhân.

Gợi ý thêm:
Trước ơn phúc lớn lao, Đức Maria đã bối rối và muốn tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi nhận biết là ý định của Thiên Chúa, Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, thất bại, đau buồn trong cuộc sống, nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị lung lay nên sinh ra nghi ngờ và than trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu xem Chúa muốn gì qua những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh ấy trong cuộc sống.
Ta hãy tin rằng mỗi biến cố đều có sứ điệp rất quan trọng Chúa muốn gởi đến ta và mong ta đọc ra thánh ý của Chúa mà chấn chỉnh lại đời sống mình. Chúa luôn đi ngang qua cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta, nhưng ta lại không nhận ra Ngài. Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta, nhưng ta lại không nhận ra tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để tâm suy niệm các biến cố trong đời mà nhạy bén nhận ra lòng thuơng xót của Chúa như Đức Maria. Amen 
(Viết theo Hạt Giống Nẩy Mầm, của cha Carôlô Hồ Bặc Xái)

Thứ ba: Mt 18, 21-35.
“Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Ngược lại lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Ai trong chúng ta lại không lầm lỗi thiếu sót. Ai trong chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta hãy lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, như chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta.
Khi muốn nói một điều khó nói, người ta dùng câu chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta lại dùng câu chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào lột tả hết, người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng câu chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi con người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua tha hế cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta không bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy hết lời van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh nộ bắt giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là Thiên Chúa. Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường xuyên, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay hữu ý xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ. 
Con người là con vật có xã hội tính. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác. Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến và phát triển nhiều phương diện. Tuy nhiên đời sống chung cũng có khi gây nên không ít phiền hà, làm khổ cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng. Tha thứ cho nhau không là chuyện dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Như để thực hiện được sự tha thứ cho nhau theo như ý muốn của Chúa ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy tội lỗi thường xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai hoàn hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông cảm tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của mình. Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ hoà giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.
Trong mùa chay chúng ta hãy duyệt xét lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều bất hòa, chúng ta hãy hòa giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa thương tha tội cho ta.

Thứ tư: Mt 5, 17-19.
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri, nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật Chúa và Giáo huấn Giáo hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến và tuân giữ.
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và nhân dân bàn thảo, nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế. Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho tất cả mọi người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu. 

Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…”. Như thế đã có sai lạc nào đó về quan niệm, cách thế giữ luật của những người Biệt Phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn. Cần xác định lại những yếu tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật: là nhằm đem lại lợi ích cho con người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những phương tiện nhằm giúp con người nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang lại những giá trị trên, trái lại chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ làm gì. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).
Ưu tiên của luật: Thiên luật là luật do Thiên Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ; còn nhân luật là luật do con người làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc. Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật: Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (x. Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong thân phận hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất yếu. Tuy nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị tốt xấu các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết: Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: “Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình” (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một điều tích cực trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm chí là xấu xa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt 25,31-46).
Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo qua cách thức giữ luật. Xin Chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình thức bên ngoài, mà còn phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.

Thứ năm: Lc 11, 14-23.
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối, tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
2. Một số người cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ".
3. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
- Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.

Thứ sáu: Mc 12, 28b-34.
Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Kinh sư tới hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất. Thời bấy giờ trên đất nước Do Thái cũng có nhiều phe nhóm. Tùy theo quan điểm cá nhân nên mỗi phe nhóm cũng đề cao một số luật lệ nào đó. Có lẽ vì thế mà nhân cơ hội này, họ cũng muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Và cũng qua cách thức thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về Thánh kinh và luật lệ của Chúa Giêsu tới mức độ nào?. Qủa là thâm ý!
Chúa Giêsu thừa biết thâm ý của họ. Nhưng vì đây là vấn đề rất quan trọng trong đời sống đức tin nên cần phải xác định cho rõ ràng. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời cho họ hiểu đâu là điều luật quan trọng nhất mà TC chỉ dạy. Bằng cách trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là:“ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”, Chúa Giêsu đã tóm lược cho biết điều luật căn bản và quan trọng nhất trong mọi điều luật đó là luật “tình yêu”. “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” và “yêu thương người thân cận như chính mình”.
- Nhưng “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” thì phải làm gì? Thưa, yêu mến Đức Chúa thì phải siêng năng đến với Chúa, sống thân tình với Chúa, hân hoan vì được lắng nghe lời dạy của Chúa, nhất là vui thích làm theo điều luật của Người hướng dẫn; còn mến Chúa “hết”…nghĩa là đặt Chúa làm ưu tiên trong mọi giá trị mà ta chọn lựa và Chúa luôn là trung tâm của đời sống của ta.
- Còn việc “yêu người thân cận như chính mình” nghĩa là làm sao? Thưa đó là phải yêu thương hết mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ.. bạn hay thù. “Yêu như chính mình” có nghĩa là phải đối xử với mọi người cùng một “tình yêu” như ta đối xử với chính ta, theo như tinh thần của thánh Phaolô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm.12,15). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải “yêu như Chúa yêu”, một tình yêu trao ban, cho đi nhưng không và sẵn sàng chết đi cho người mình yêu. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).
Để cụ thể hóa tình yêu đối với tha nhân, GH mời gọi chúng ta hãy tích cực thực hiện 14 mối yêu người (thương xác 7 mối; thương linh hồn 7 mối).
Xin Chúa cho chúng ta mùa chay này biết nỗ lực thực thi điều luật Giêsu Chúa chỉ dạy là mến Chúa yêu người cách sâu xa hơn, theo tinh thần mà Chúa Giêsu mong muốn.

Thứ bảy: Lc 18, 9-14.
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục. Xin cho chúng ta có được thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết sức mạnh của lời cầu nguyện khiêm nhường như thế nào?
Hình ảnh của người thu thuế phía cuối đền thờ mà tin mừng hôm nay trình thuật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp bởi dáng điệu rất đổi khiêm nhường, đẹp bởi tính cách hết sức đơn sơ và tâm tình rất chân thành nên lời cầu nguyện của anh ta đã vượt qua được mọi rào cản và chọc thủng mây trời mà chạm vào tận trái tim của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Nên đã được Thiên Chúa đón nhận: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Thứ bảy cũng là ngày GH hướng lòng về Mẹ Maria để tỏ lòng kính mến cách đặc biệt. Hơn ai hết Đức Maria là mẫu gương về lòng khiêm nhường thẳm sâu cho chúng ta noi theo. Bởi lúc nào Mẹ cũng ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa. “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 48). Chính lòng khiêm nhường ấy đã nâng Mẹ lên tận thiên đường với một hình ảnh tuyệt đẹp như sách khải huyền mô tả…
Ước mong mùa chay này, chúng ta can đảm loại trừ được thái độ kiêu căng tự mãn hay đề cao mình như người Biệt Phái để yêu thích mặc lấy chiếc áo khiêm nhường của người thu thuế và của Mẹ Maria. Được như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng được Chúa nhận lời.



SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...