Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, C
Lm Seoka
Nhạy bén nhận ra những dấu chỉ thời đại mà chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trình diện trước tòa Chúa. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. 

Làm thế nào để an tâm bước vào đời sống mai sau trong niềm vui và hạnh phúc? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết cần phải trang bị cho mình những gói hành trang cần thiết nào ngay khi còn ở đời này?
- Gói hành trang thứ nhất cần trang bị là lòng sám hối chân thành.
Để nhắc nhở chúng ta điều này, Chúa Giêsu dùng 2 sự kiện thời sự nóng đang gây xôn xao trong xã hội thời Do Thái bấy giờ. Đó là vụ việc quan Philatô giết mấy người Galilêa, làm cho máu họ hòa lẫn với máu các vật họ tế sinh. Và sự kiện tháp Silôê đổ xuống đè chết 18 người cách bất ngờ. Nhắc lại hai sự kiện này, Chúa Giêsu muốn cảnh tỉnh những người Do Thái thời bấy giờ cũng như chúng ta ngày nay hãy thay đổi cái nhìn. Thay vì chúng ta tự mãn cho mình là người công chính mà lên án những người gặp hoạn nạn đau khổ, thì hãy sáng suốt nhận ra những đau thương xảy đến cho tha nhân như là dấu chỉ yêu thương Chúa gửi đến nhằm nhắc nhở ta biết hồi tâm sám hối, canh tân đời sống để được Chúa tha thứ.
- Gói hành trang thứ hai mà ta phải mang theo là những hoa trái của hy sinh bác ái, yêu thương phục vụ.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả, vừa nói lên tình thương và lòng nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33, 11); vừa tạo cơ hội cho những người tội lỗi có thời gian để hoán cải và tích lũy thêm cho mình nhiều việc lành với hy vọng được sống hạnh phúc trong nước Chúa sau khi kết thúc cuộc hành trình ở trần gian này. “Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy”.
Xin cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà lo chuẩn bị hành trang tốt nhất cho đời mình. Hành trang ấy chính là biết khiêm tốn ăn năn sám hối chân thành; là sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân trong yêu thương. Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc mai sau.

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C
Cùng với GH, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ III mùa chay. Mùa chay là mùa sám hối để đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần phải sáng suốt nhận ra những biến cố xảy đến trong cuộc sống hàng ngày bằng cái nhìn của đức tin. Từ đó ta mới khôn ngoan chọn lựa cho mình một thái độ sống phù hợp với tinh thần của Chúa.
Nếu ai có điều kiện theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông, sẽ thấy gần đây có rất nhiều sự kiện lạ xảy ra trong đất nước Việt Nam chúng ta. Rất nhiều sự kiện, nhưng ta chỉ có thể liệt kê  nhanh một vài sự kiện sau:
Sự kiện 1: vụ nữ sinh Cao Mỹ Duyên (SN 1997) trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị cưỡng bức tập thể và sát hại dã man bởi nhiều đối tượng khi đi giao gà chiều 30 Tết năm 2019.
Sự kiện 2: Vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Sự kiện 3: Cô giáo Phạm Thị Vũ Hạ (31 tuổi, giáo viên Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị tố cáo quan hệ bất chính với học sinh lớp 10.
Sự kiện 4: Một đối tượng tên là Đỗ Mạnh Hùng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Plam, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Xúc phạm đến danh dự nhân phẩm chỉ phạt 200 ngàn đồng còn đổi 100 USD thì phạt 90 triệu đồng.
Sự kiện 5: Chùa  Ba Vàng ở Tp Ung Bí, tỉnh Quảng Ninh bị tố giác dùng phương pháp gọi vong, báo oán thu lợi mỗi năm cả 100 tỉ đồng.
Sự kiện 6: Liên quan đến hai Linh mục trong đạo chúng ta. Hai ngài được xem là người có tài giảng thuyết về linh đạo của lòng thương xót Chúa; Và nghe đồn thổi là còn có khả năng chữa bệnh nan y nữa nên thu hút rất đông người.
Khi nhìn vào những sự kiện trên, có lẽ không ai trong chúng ta dám đánh giá nó là thật hay giả, đúng hay sai, tốt hay xấu… Bởi lẽ chúng ta không phải là người trong cuộc nên không thể biết được động cơ đàng sau của những sự kiện ấy là gì? Nên miễn bàn!

Điều mà ta quan tâm đến hôm nay là hai sự kiện rất hót gây xôn xao dư luận trong xã hội Do Thái vào thời Đức Giêsu, được Tin mừng hôm nay nói đến, đó là:
Sự kiện thứ nhất là vị Tổng trấn Philatô, quan chức Rôma vốn nổi tiếng có bàn tay sắt, ông đã ra lệnh hạ sát một nhóm người Galilê nổi loạn, ngay trong Đền thờ nên làm cho máu của họ hòa lẫn với các con vật được tế lễ. Đây là sự kiện có liên quan đến động cơ tôn giáo và chính trị.
Sự kiện thứ hai là ngọn tháp Siloê bất ngườ bị đổ xuống, chôn sống 18 người. Sự kiện này có lẽ liên quan đến tham nhũng rút ruột công trình hoặc do tắc trách của người lãnh đạo.
Với người Do Thái thời bấy giờ thì cho rằng hai sự kiện ấy xảy ra là vì do tội lỗi của nạn nhân; hoặc là do tội của cha ông họ nên họ phải gánh chịu. Chính vì thế mà những người Do Thái mới đến hỏi Đức Giêsu:“Tội của chúng nó hay của cha ông chúng nó?”.
Nhưng hình như Chúa Giêsu không quan tâm lắm đến nguyên nhân dẫn đến hai tai họa ấy, mà vấn đề Chúa Giêsu quan tâm lại là sám hối để chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết đời đời. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ: “...Nếu các ngươi không ăn năn trở lại thì các ngươi cũng sẽ phải chết tất cả”.
Vậy để chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cần phải sám hối. Sám hối có hai nghĩa: 
- Tiêu cực là khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi để xin ơn Chúa tha thứ và quyết tâm chừa bỏ. Muốn thế trước cần phải thay đổi cái nhìn. Thay vì nhìn những tai họa là hình phạt Chúa dành cho người tội lỗi thì hãy nhận ra đó chính tình thương mà Chúa muốn gửi đến để nhắc nhở ta phải lo sám hối. Nên thay vì kiêu căng kết án người khác thì tốt nhất là hãy khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình mà chân thành xin Chúa tha thứ.
- Tích cực là canh tân đổi mới đời sống để sinh nhiều hoa trái. Rất tinh tế Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả đã ba năm không sinh trái, vừa nói lên lòng nhân từ và sự nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho những tội nhân; vừa cho thấy được niềm hy vọng của TC vào sự đổi mới của chúng ta bằng những việc lành phúc đức, những hy sinh phục vụ, những việc làm bác ái yêu thương và chu toàn tốt bổn phận hàng ngày Chúa trao phó với hết khả năng của mình, trong tình yêu Chúa.
 Mùa chay này, xin Chúa cho chúng ta biết nhạy bén nhận ra  những lầm lỗi thiếu sót và yếu đuối của bản thân mà thật lòng sám hối trở về với tình thương của Chúa. Nhất là xin Chúa cho chúng ta biết can đảm thay đổi đời sống theo tinh thần của Phúc âm để trổ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa và mang đến niềm vui cho mọi người.

Thứ hai: Lc 4, 24-30.
Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là đồng hương hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta biết hết lòng tin yêu Chúa và nỗ lực làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Quen quá, hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu.
Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ hoài nghi rồi dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ mới tin nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người đồng hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe hai câu chuyện thời xưa.
- Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả, mà lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta. 
- Và trong lúc nhiều người bị phong cùi, nhưng không ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man, người ngoại xứ Xy-ri-a. 
Nghe hai câu chuyện đó dân làng Nazaret hiểu Chúa Giêsu ám chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực sâu, nhưng Người bỏ họ mà đi. 

Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan niệm sẵn có trong đầu họ. Chính quan niệm sai lầm đưa đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mù quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau.
Xin cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở. Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình thương cứu độ của Chúa dành cho mọi người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có thể đón nhận được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành Lời Chúa dạy, nhờ thế ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.

25/ 03: Lễ Truyền Tin
Lc 1, 26-38
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng Lễ Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Đức Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Mỗi khi đọc kinh Kính mừng, chúng ta nhắc lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ…”; cũng đồng nghĩa với lời Thiên Thần chào Đức Maria: “Mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Sau khi được nghe Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng phục.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực hiện được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã tạo thành vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tác tạo nên con người và bằng hơi thở Chúa đã làm cho con người trở nên giống hình ảnh TC. Và với quyền năng bà chị họ Isave son sẻ đã mang thai và sinh con. Như thế thì việc Đức Maria cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng trinh là chuyện rất đổi bình thường với quyền năng của TC. Điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi chúng ta như Đức Maria không?.
Tuy Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa. Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành. Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện. Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”. 
Xin cho chúng ta tích cự cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và tha nhân.

Gợi ý thêm:
Trước ơn phúc lớn lao, Đức Maria đã bối rối và muốn tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi nhận biết là ý định của Thiên Chúa, Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, thất bại, đau buồn trong cuộc sống, nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị lung lay nên sinh ra nghi ngờ và than trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu xem Chúa muốn gì qua những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh ấy trong cuộc sống.
Ta hãy tin rằng mỗi biến cố đều có sứ điệp rất quan trọng Chúa muốn gởi đến ta và mong ta đọc ra thánh ý của Chúa mà chấn chỉnh lại đời sống mình. Chúa luôn đi ngang qua cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta, nhưng ta lại không nhận ra Ngài. Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta, nhưng ta lại không nhận ra tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để tâm suy niệm các biến cố trong đời mà nhạy bén nhận ra lòng thuơng xót của Chúa như Đức Maria. Amen 
(Viết theo Hạt Giống Nẩy Mầm, của cha Carôlô Hồ Bặc Xái)

Thứ ba: Mt 18, 21-35.
“Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Ngược lại lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Ai trong chúng ta lại không lầm lỗi thiếu sót. Ai trong chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta hãy lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, như chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta.
Khi muốn nói một điều khó nói, người ta dùng câu chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta lại dùng câu chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào lột tả hết, người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng câu chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi con người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua tha hế cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta không bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy hết lời van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh nộ bắt giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là Thiên Chúa. Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường xuyên, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay hữu ý xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ. 
Con người là con vật có xã hội tính. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác. Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến và phát triển nhiều phương diện. Tuy nhiên đời sống chung cũng có khi gây nên không ít phiền hà, làm khổ cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng. Tha thứ cho nhau không là chuyện dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Như để thực hiện được sự tha thứ cho nhau theo như ý muốn của Chúa ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy tội lỗi thường xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai hoàn hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông cảm tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của mình. Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ hoà giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.
Trong mùa chay chúng ta hãy duyệt xét lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều bất hòa, chúng ta hãy hòa giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa thương tha tội cho ta.

Thứ tư: Mt 5, 17-19.
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri, nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật Chúa và Giáo huấn Giáo hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến và tuân giữ.
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và nhân dân bàn thảo, nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế. Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho tất cả mọi người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu. 

Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…”. Như thế đã có sai lạc nào đó về quan niệm, cách thế giữ luật của những người Biệt Phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn. Cần xác định lại những yếu tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật: là nhằm đem lại lợi ích cho con người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những phương tiện nhằm giúp con người nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang lại những giá trị trên, trái lại chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ làm gì. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).
Ưu tiên của luật: Thiên luật là luật do Thiên Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ; còn nhân luật là luật do con người làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc. Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật: Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (x. Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong thân phận hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất yếu. Tuy nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị tốt xấu các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết: Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: “Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình” (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một điều tích cực trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm chí là xấu xa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt 25,31-46).
Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo qua cách thức giữ luật. Xin Chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình thức bên ngoài, mà còn phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.

Thứ năm: Lc 11, 14-23.
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối, tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
2. Một số người cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ".
3. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
- Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.

Thứ sáu: Mc 12, 28b-34.
Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Kinh sư tới hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất. Thời bấy giờ trên đất nước Do Thái cũng có nhiều phe nhóm. Tùy theo quan điểm cá nhân nên mỗi phe nhóm cũng đề cao một số luật lệ nào đó. Có lẽ vì thế mà nhân cơ hội này, họ cũng muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Và cũng qua cách thức thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về Thánh kinh và luật lệ của Chúa Giêsu tới mức độ nào?. Qủa là thâm ý!
Chúa Giêsu thừa biết thâm ý của họ. Nhưng vì đây là vấn đề rất quan trọng trong đời sống đức tin nên cần phải xác định cho rõ ràng. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời cho họ hiểu đâu là điều luật quan trọng nhất mà TC chỉ dạy. Bằng cách trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là:“ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”, Chúa Giêsu đã tóm lược cho biết điều luật căn bản và quan trọng nhất trong mọi điều luật đó là luật “tình yêu”. “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” và “yêu thương người thân cận như chính mình”.
- Nhưng “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” thì phải làm gì? Thưa, yêu mến Đức Chúa thì phải siêng năng đến với Chúa, sống thân tình với Chúa, hân hoan vì được lắng nghe lời dạy của Chúa, nhất là vui thích làm theo điều luật của Người hướng dẫn; còn mến Chúa “hết”…nghĩa là đặt Chúa làm ưu tiên trong mọi giá trị mà ta chọn lựa và Chúa luôn là trung tâm của đời sống của ta.
- Còn việc “yêu người thân cận như chính mình” nghĩa là làm sao? Thưa đó là phải yêu thương hết mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ.. bạn hay thù. “Yêu như chính mình” có nghĩa là phải đối xử với mọi người cùng một “tình yêu” như ta đối xử với chính ta, theo như tinh thần của thánh Phaolô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm.12,15). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải “yêu như Chúa yêu”, một tình yêu trao ban, cho đi nhưng không và sẵn sàng chết đi cho người mình yêu. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).
Để cụ thể hóa tình yêu đối với tha nhân, GH mời gọi chúng ta hãy tích cực thực hiện 14 mối yêu người (thương xác 7 mối; thương linh hồn 7 mối).
Xin Chúa cho chúng ta mùa chay này biết nỗ lực thực thi điều luật Giêsu Chúa chỉ dạy là mến Chúa yêu người cách sâu xa hơn, theo tinh thần mà Chúa Giêsu mong muốn.

Thứ bảy: Lc 18, 9-14.
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục. Xin cho chúng ta có được thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết sức mạnh của lời cầu nguyện khiêm nhường như thế nào?
Hình ảnh của người thu thuế phía cuối đền thờ mà tin mừng hôm nay trình thuật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp bởi dáng điệu rất đổi khiêm nhường, đẹp bởi tính cách hết sức đơn sơ và tâm tình rất chân thành nên lời cầu nguyện của anh ta đã vượt qua được mọi rào cản và chọc thủng mây trời mà chạm vào tận trái tim của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Nên đã được Thiên Chúa đón nhận: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Thứ bảy cũng là ngày GH hướng lòng về Mẹ Maria để tỏ lòng kính mến cách đặc biệt. Hơn ai hết Đức Maria là mẫu gương về lòng khiêm nhường thẳm sâu cho chúng ta noi theo. Bởi lúc nào Mẹ cũng ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa. “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 48). Chính lòng khiêm nhường ấy đã nâng Mẹ lên tận thiên đường với một hình ảnh tuyệt đẹp như sách khải huyền mô tả…
Ước mong mùa chay này, chúng ta can đảm loại trừ được thái độ kiêu căng tự mãn hay đề cao mình như người Biệt Phái để yêu thích mặc lấy chiếc áo khiêm nhường của người thu thuế và của Mẹ Maria. Được như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng được Chúa nhận lời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...