Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019


SUY NIỆM LỜI CHÚA SAU LỄ HIỂN LINH
LỄ CHÚA HIỂN LINH. A
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Cùng vời GH, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Hiển Linh. Kỉ niệm biến cố Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ, đại diện cho những người chưa có niềm tin vào Chúa, nhờ ánh sao lạ.
Chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của 3 nhà đạo sĩ là dịp chúng ta cảm nhận được hành trình đức tin của chúng ta đã và đang tiến bước. Đồng thời cũng nhắc nhở bản thân mỗi người chúng ta về nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho tha nhân. Xin cho mỗi kitô hữu chúng ta trở nên ánh sao sáng để làm dấu chỉ đưa dẫn nhiều người tìm đến gặp gỡ Chúa.
Khi suy niệm lời Chúa dựa trên biến cố Chúa Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ, ta nhận ra 3 điều quan trọng sau đây:
1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.
2. Hành trình đi tìm kiếm Chúa.
3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.
1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.
Giáo lý công giáo có hỏi và thưa như sau: làm thế nào mà biết có ĐCT? Thưa: Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có ĐCT.
Đúng vậy, khi nhìn vào vũ trụ vạn vật trong thiên nhiên,  ta liền nhận ra có một đấng uy quyền dựng nên. Mà người có niềm tin công giáo chúng ta gọi là Thiên Chúa.
Đọc thánh kinh Cựu ước, chúng ta biết được Thiên Chúa không chỉ tỏ mình qua công trình sáng tạo mà Thiên Chúa còn ban Lề Luật qua Môsê; ký kết giao ước qua tổ phụ Ápraham, cũng như ban Lời và giáo huấn của Người qua các tiên tri.
Đến thời Tân Ước, thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa mạc khải mình qua Chúa Con, Ngôi Lời nhập thể và được sinh ra bởi Đức Maria. Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện một cách hữu hình và trực tiếp với nhân loại. Đúng như thánh Phaolô đã nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1). Nên từ nay ai thấy Chúa Giêsu Kitô là nhìn thấy Chúa Cha. Ai tin vào Chúa Giêsu thì sẽ được ơn cứu độ.
2. Hành trình đi tìm kiếm để gặp gỡ Chúa.
Hành trình tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Giêsu không dễ dàng chút nào. Tin mừng hôm nay thuật lại: Nhờ thao thức tìm kiếm nên ba nhà đạo sĩ đã khám phá ra vị Vua tối cao  xuất hiện ở Phương Đông qua “ngôi sao lạ”. Từ đó, Ba Vua đã không ngại dấn bước lên đường tìm đến Bêlem để triều bái Người (Mt,2,7).
Hành trình Đức Tin của các ngài gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng Ba Vua đã không nản chí sờn lòng. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao chỉ đường, họ đã vượt qua tất cả để cuối cùng họ đã tìm gặp Đấng Cứu Thế.
Khi gặp Chúa Hài Đồng, họ dâng lên Chúa vàng, nhũ hương, mộc dược. Các Giáo Phụ giải thích rằng những tặng phẩm này mang nhiều ý nghĩa: “Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là Vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết” (thánh Phêrô Kim Ngôn).
Tuy nhiên, ngày nay ba tặng phẩm này được giải thích theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; mộc dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và sự từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.
3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.
Một chi tiết đáng quan tâm được thánh Mátthêu ghi lại: “sau khi đã gặp Đấng Cứu Thế, được mộng báo nên họ không trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nhưng đã đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12). Chi tiết này mang ý nghĩa biểu tượng. Nghĩa là sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, họ đã thay đổi hướng đi, thay đổi suy nghĩ, từ bỏ con đường cũ, và đi vào con đường mới; họ có tầm nhìn mới, suy nghĩ mới và cuộc sống mới. Những ai gặp Chúa đều có sự biến đổi tận căn như thế.
Cũng như Ba Vua, sau khi gặp Chúa, họ thay đổi đời sống, chúng ta cũng được mời gọi thay đổi lối sống cũ, mặc lấy con người mới và sống theo hệ giá trị Tin Mừng.
Ngày hôm nay, nhiều người vẫn còn đang sống trong bóng tối lầm lạc, chưa nhận biết và tôn thờ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúng ta được mời gọi trở thành những “ánh sao dẫn đường” đưa họ đến với Chúa như Lời Chúa dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14); “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). 
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình ra cho Ba Vua nhận biết và đến thờ lạy Chúa qua ánh sao lạ dẫn đường, xin cho chúng con luôn tin nhận và tôn thờ Chúa là Đấng Cứu Độ của muôn dân. Đồng thời, xin biến đổi chúng con thành những ánh sao dẫn đường cho người khác đến gặp và tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ. Amen!
(Dựa trên ý tưởng của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

Thứ hai: 1Ga 3,22-4,6; Mt 4, 12-17. 23-25
Để tỏ mình ra cho các mục đồng, là đại diện cho tầng lớp thấp cổ, bé miệng nhất trong xã hội, trên cánh đồng Bêlem, trong đêm Gíang Sinh, Chúa Giêsu đã nhờ đến lời loan báo của các Thiên Thần trên cao.
Để tỏ mình ra cho 3 nhà đạo sĩ, đại diện cho tầng lớp quý tộc và dân ngoại từ tứ phương thiên hạ, Chúa Giêsu đã nhờ đến ánh sao lạ chỉ đường.
Để tỏ mình ra cho đoàn dân đang ngồi trong tối tử thần, nơi miền đất của dân ngoại. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ công khai với lời kêu gọi “anh em hãy sám hối  vì nước trời đã đến gần”. Sám hối chính là sứ điệp quan trọng mà Chúa Giêsu ưu tiên khai mở nơi tâm hồn mỗi người, nó cũng chính là điều kiện căn bản để đón nhận nước trời. Do đó, tại mỗi nơi đi qua, một mặt Chúa Giêsu loan báo về niềm vui và hy vọng vì “nước trời đã đến gần”. Nhưng mặt khác, Người cũng không quên kêu gọi sám hối để đón nhận niềm vui và hy vọng đó.
Cùng với lời rao giảng là những phép lạ kèm theo, Đức Giêsu minh chứng Người chính là Đấng Cứu Thế mà Gioan Tẩy giả đã giới thiệu và tiên tri Isasia đã loan báo từ xưa trong Thánh Kinh.
Nếu xưa kia, Chúa Giêsu dùng nhiều cách thức để tỏ mình ra cho mọi người tin nhận Người là Ánh Sáng chân lý và là Đấng Cứu Độ trần gian, thì ngày nay, Chúa lại thích dùng mỗi người chúng ta để tỏ Mình cho người khác.
Xin cho mỗi người chúng ta trở nên ánh sáng chỉ đường cho mọi người tìm đến và gặp gỡ được Chúa qua đời sống yêu thương chân thành, khiêm tốn phục vụ…  Nhờ đó mà Ánh Sáng chân lý và niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ mới khả tín và đáng được người khác đón nhận.

Thứ ba: 1Ga 4,7-10; Mc 6, 34-44
Bắt đầu ca khúc “Tình Yêu Trên Dòng Sông Quan Họ”, tác giả có đặt ra câu hỏi: “Tình yêu có từ nơi đâu?”.
Tình yêu đến từ đâu? mà sao nó quá diệu kỳ, bởi nó đưa ta đi từ cung bậc cảm này đến cung bậc cảm xúc khác. Có khi nó làm cho tâm hồn ta êm đềm như dòng sông Quan Họ, và diệu dàng như cô Tấm thảo hiền. Nhưng lắm khi nó cũng dấy lên trong lòng ta những cơn sóng của giận dỗi và bối rối. Cũng có lúc nó làm nhói lòng ta vì lưu luyến, nhớ nhung … Vậy nó đến từ nơi đâu? Tác giả ca khúc này cho biết tình yêu ấy đến từ “nơi anh” và “nơi em”.
Đồng ý! tình yêu đến từ nơi anh và nơi em. Nhưng nếu hỏi thêm: ai là người đặt để thứ tình yêu diệu kỳ ấy nơi anh và nơi em? Thì có lẽ mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau.
Riêng thánh Gioan, trong bài đọc 1 hôm nay thì cho biết: tình yêu ấy khởi nguồn từ TC “Thiên Chúa là Tình Yêu.”(1Ga 4, 8). Nên tình yêu có từ nơi Thiên Chúa. Chính Người đã đặt để tình yêu ấy vào trong tâm hồn của mỗi chúng ta, từ khi tạo dựng con người. Nên ơn gọi cao quý nhất nơi con người vẫn là yêu thương. Nhưng vì tội lỗi của nguyên tổ đã làm méo mó đi khuôn mặt của tình yêu đích thực. Để chấn chỉnh lại tình yêu ấy, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người đã sống và dạy chúng ta con đường tìm về tình yêu đích thực, như Chúa yêu. Yêu như Chúa yêu là:
- Luôn đi bước trước: “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.
-  Là sẵn sàng trao ban tất cả: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”.
-  Là dám hy sinh chết thay cho người mình yêu: “Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.
-  Tin mừng hôm nay còn cho biết: Yêu như Chúa là biết động lòng thương khi nhìn thấy dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn mà sẵn sàng hy sinh phục vụ nhu cầu chính đáng của họ. Nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy dỗ và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Tình yêu của Chúa là một tình yêu quan tâm và chăm sóc cách toàn vẹn  con người, cả hồn lẫn xác.
Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nên thánh Gioan tha thiết mời gọi: “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7).
Xin cho chúng ta luôn biết yêu thương nhau, như Chúa đã yêu chúng ta bằng cách: luôn đi bước trước trong tình yêu, biết quan tâm chia sẻ vui buồn với mọi người và sẵn sàng hy sinh phục vụ những ai đang gặp khó khăn với tình yêu chân thành.  Nhờ đó ta mới xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa  và trở nên con thảo của Người.

Thứ tư: 1Ga 4,11-18; Mc 6,45-52
Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước biển vào khoảng canh tư đêm tối, mà đến với các mộn đệ.
Với phép lạ này, Chúa Giêsu muốn tỏ mình ra là một Đấng có uy quyền. Ngài không chỉ có quyền trên bệnh tật, ma quỷ mà còn có sức mạnh khống chế cả thiên nhiên nữa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước biển, các môn đệ lại hoảng hốt, la lên vì tưởng là ma. Đến khi được Chúa chấn an “cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, thì các ông mới được an tâm.
Không có Chúa Giêsu hiện diện trong con thuyền, các môn đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược giữa đêm khuya u tối. Không nhận ra Chúa ngay bên, tâm hồn các môn đệ sẽ bất an sợ hãi. Chỉ khi nào các ông thật sự nhận ra Chúa Giêsu bên mình, thì lòng các ông mới có tìm được bình an đích thực.
Vì vậy mà lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Gioan kêu gọi các kitô hữu hãy “ở lại” trong tình yêu Chúa. Ở lại bằng cách: “tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (1Ga 4,15) và “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,11).
“Tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”,  là ta tin nhận uy quyền TC nơi Đức Giêsu. Và “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta”, chính là điều kiện để được TC ở lại trong chúng ta. Tin vào Đức Giêsu là TC uy quyền và có TC ở trong tâm hồn, ta đâu còn phải sợ chi nữa, mặc cho ngoài kia sóng gió của biển đời có nổi lên, nhưng lòng chúng ta vẫn an bình vì có “Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa” (x. 1Ga 4, 15).
Con thuyền gia đình của chúng ta không phải lúc nào cũng lướt sóng êm đềm, nhưng có lúc cũng phải đối mặt với thử thách vì sóng to gió lớn của dòng đời. Trong những lúc ấy, xin Chúa cho chúng ta biết bình tĩnh đặt trọn vẹn niềm tin vào uy quyền của Chúa. Bởi ta tin rằng: có Chúa hiện diện giữa gia đình ta, chắc chắn con thuyền gia đình của ta sẽ dễ dàng vượt qua mọi sóng to, gió lớn, mà thẳng tiến về đến bến bờ của an vui và hạnh phúc.

Thứ năm: 1Ga 4,19-5,4; Lc 4,14-22a
Nếu khi bắt đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho những người sống trong vùng đất dân ngoại, thì Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy trở về miền đất Galilê để thi hành sứ vụ. Tại đây, cũng như những vùng đất mà Chúa Giêsu đã đi qua, mọi người đều biết đến Chúa và danh Người được tôn vinh.
Sau khi nhắc qua về những thành công vang dội của Chúa Giêsu trên hành trình rao giảng tin mừng trong miền đất Galilê, thì Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu trở về  quê nhà Nadaret, nơi người sinh trưởng. Tại đây, vào ngày Sabat, Người vào hội đường và long trọng công bố chương trình hành động. Đó là một chương trình bao gồm những việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu ưu tiên dành cho người nghèo:“loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Chương trình hành động của Chúa Giêsu rất hợp lòng dân, nên được “mọi người đều tán thành và thánh phục lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng trên hết chương trình ấy còn rất đẹp ý Chúa Cha, bởi vì những việc làm ấy được ứng nghiệm đúng với những lời loan báo được ghi trong Thánh Kinh.
Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm đem lại niềm vui, hạnh phúc và hồng ân cứu độ đến cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Vậy thử hỏi chương trình hành động ưu tiên của tôi là gì? Mỗi người chúng ta cần phải sắp xếp lại chương trình sống hàng ngày của chúng ta sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa.
Với thánh Gioan trong bài đọc 1 hôm nay, nhắc nhở chúng ta cần phải ưu tiên cho hành động yêu thương. Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nên chúng ta phải bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa bằng cách là dành tình yêu thương của mình cho tha nhân. Vì nếu “Ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối”.
Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những lời nói yêu thương chân thành và những việc làm bác ái cụ thể, ta sẽ làm vơi đi những nỗi nhọc nhằn còn vương nặng trên đôi vai của họ. Được như vậy là ta đã góp phần đưa chương trình hành động  yêu thương của Chúa đến được với mọi người .

Thứ sáu: 1Ga 5, 5-13; Lc 5,12-16
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.
– Đau về thể xác:
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
– Khổ về tâm hồn:
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Những thứ đó chính là triệu chứng bệnh cùi tâm linh rất nguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm mà ta đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.

CHẦU THÁNH THỂ THÁNG 01/2029
Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin tôn kính, thờ lạy và chúc tụng Chúa với tất cả niềm tin vào sự hiện diện của Chúa nơi bí tích Thánh Thể.
Hôm nay anh em Linh mục trong hạt Sóc Trăng chúng con cùng nhau quy tụ trước Thánh Thể Chúa trong lần tĩnh tâm đầu tiên của năm mới 2020, với định hướng mục vụ “đồng hành với người trẻ, hướng đến sự trưởng thành toàn diện”.
Chúng con xin phó dâng lên Chúa mọi hoạt động mục vụ của chúng con trong năm nay. Xin Chúa thương ban ơn soi sáng, hướng dẫn và đỡ nâng để những hoạt động của chúng con trong năm nay gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, theo như lòng Chúa mong muốn.
Lời Chúa luôn là kim chỉ nam và là ánh sáng soi đường chúng con. Vậy giờ đây, xin Chúa thương ban lời giáo huấn cho chúng con. Kính mời quý cha đứng!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca:  Lc 5, 12-16
Khi ấy, Ðức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”. Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Mỗi tháng một hình ảnh hay một tước hiệu của Đức Giêsu”. Đó chính là chủ đề xuyên suốt cho định hướng mục vụ giới trẻ của Giáo hội Việt Nam trong ba năm 2020-2022, dĐức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra nhân dịp đầu năm nay.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi đặt mình vào trong bố cảnh của bài Tin mừng hôm nay dựa trên định hướng mục vụ giới trẻ của HĐGMVN, con chú ý đến hai hình ảnh hay đúng hơn là hai động từ: “đang ở trong” và “đụng chạm vào” của Chúa.
1. Khởi đầu đoạn tin mừng, thánh Luca cho biết khi ấy “Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia”. Vậy con tự hỏi thành kia là thành nào? Bởi vì theo luật được ghi trong sách Lêvi (13,45-46) “thì người mắc bệnh phong hủi phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”. Nghĩa là nơi hoang vắng, tách biệt với khu dân cư. Người bị phong hủi không được phép ra khỏi vùng bị cô lập để tránh sự ô uế và lây nhiễm bệnh cho người khác. Ai vi phạm luật này sẽ bị xử chết. Đây được gọi là “luật cách ly” rất nghiêm ngặt của người Do Thái. Do đó làm sao người cùi dám ở trong thành cùng với đám đông được; anh ta đành phải ở bên kia của làn biên tách biệt. Cho nên để gặp gỡ được người cùi, đòi buộc Chúa phải vượt qua vùng ngoại vi, phá bỏ bức tường ngăn cách của “luật cách ly” mà vượt qua rào cản của nỗi sợ hãi bởi sự lây nhiễm ô uế và căn bệnh cùi nan y nguy hiểm, để “ra đi” đến với người cùi.
Lạy Chúa “đi ra” luôn là lý tưởng sống của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài không chỉ đi ra khỏi căn phòng vật lý để đến với mọi người mà ẩn sâu trong đó còn là “đi ra” khỏi chính con người của mình để đến với mọi người, mọi nơi bằng tình yêu thương và sự quan tâm.
Ngài đã không ngại đến với người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn, các tù nhân ở nhiều nơi khác nhau. Và mỗi lần đến thăm như thế, ngài thường đồng bàn, nói chuyện vui vẻ với họ như những người thân, người bạn của nhau. Khi tự nguyện “hạ mình” trước những con người được ví là dưới đáy của xã hội như thế thì sự “đi ra” đó của Đức Thánh Cha là sự “đi ra” đến cùng tận.
Nhận thấy, thế giới ngày nay hình như con người có xu hướng thu mình vào trong vỏ óc của sự ích kỷ và hưởng thụ, nên trên cương vị lãnh đạo Giáo hội, ĐTC mong muốn tất cả mọi người hãy “đi ra” để cống hiến, để trao ban cho tha nhân sự sống của Chúa. Vì thế vừa khi đặt chân xuống phi trường ở Nhật Bản trong chuyến viếng thăm vừa qua 11/2019, ĐTC đã gửi đến người trẻ Nhật Bản một sứ điệp hết sức quan trọng, đó là: “Hãy luôn bước đi!”. Ngài còn nói thêm rằng: “Có thể khi bước đi các con sẽ ngã, nhưng như thế các con sẽ học cách đứng dậy và phát triển trong cuộc sống”.
Cách riêng với Linh mục là những mục tử của Chúa, Đức Thánh Cha hằng tha thiết mời gọi “đi ra” để mang mùi chiên vào mình, để gặp gỡ mọi người mà không chờ họ đến nhà thờ[7].  Trong Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui của Tin Mừng) Đức Thánh Cha nói: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.”[8]
Ra đi để tạo sự gần gũi, để gặp gỡ, để cảm nhận, để chia sẻ, và trao ban sứ điệp tin mừng tình thương của Chúa cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị đẩy ra bên lề xã hội mà không nản lòng, sợ hãi đó phải là sứ mạng mà Chúa mời gọi Linh mục bước theo Chúa mà vượt qua làn ranh địa lý và tâm lý trong sứ vụ của mình, để cùng hiện diện với Chúa “ở trong một thành kia”, chứ không chỉ quanh quẩn ở lại trong thành này.
2. Hình ảnh thứ hai, chính là hình ảnh bàn tay của Chúa “đưa ra để đụng chạm vào người cùi”. Đụng vào người cùi là một hành động tuyệt đối cấm kị đối với người Do Thái vào thời của Chúa. Khi chiêm ngắm bàn tay của Chúa chạm vào da thịt người cùi, con cảm nhận ẩn sâu bên trong con tim của Chúa là một tình yêu mãnh liệt; bởi chỉ có sức mạnh của tình yêu, Chúa mới dấn bước ra đi đến nơi hoang vắng và không ngần ngại dừng lại ở chỗ đau khổ tột cùng nhất của con người. Với Chúa người cùi không phải là một phế nhân, một kẻ bị loại ra bên lề xã hội, nhưng là một con người đáng được cảm thông, yêu thương và trân quý. Khi giơ tay ra đụng chạm vào người cùi là Chúa muốn loại bỏ bất cứ lề luật nào dám tách biệt con người đến với nhau và đến với Chúa. Khi đụng chạm vào người cùi là Chúa sẵn sàng chấp nhận bị ô uế trong con mắt người Do Thái, nhưng Chúa vẫn chấp nhận chỉ vì Chúa muốn gánh lấy hết mọi nỗi thống khổ của kiếp người. Đúng như lời tiên tri Isaia đã tiên báo:“chính bệnh tật chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm thâu vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát” (Is 53, 7-10).
Thật cảm động khi nhìn bàn tay tinh sạch của Chúa đưa ra để chạm đến một làn da máu mủ, hôi thối, bẩn thỉu của người cùi. Cử chỉ này giúp con hiểu hơn về mầu nhiệm nhập thế và nhập thể làm người của Chúa. Thật vậy, để cứu chuộc nhân loại yếu hèn, tội lỗi, đáng phải chết, Chúa không muốn đưa tay từ trên cao xuống để cứu, trái lại Chúa đã chấp nhận từ bỏ trời cao để hạ mình xuống nơi sâu nhất với mong muốn đụng chạm và chữa lành vết thương tội lỗi của kiếp người.
Lạy Chúa, dẫu rằng chúng con không mắc phải căn bệnh cùi về thể lý, nhưng rất có thể chúng con đang mắc phải căn bệnh cùi về mặt tâm linh. Bởi lẽ có nhiều điều xấu, điều tội chúng con cố gắng chừa bỏ nhưng không sao dứt ra được. Hơn nữa với tư cách là người lãnh đạo, anh em linh mục chúng con dễ tỏ ra thái độ cha chú, làm cho chúng con khó lòng đến được với mọi người và cũng khiến cho nhiều người không dám đến gần được với chúng con, đó quả là một điều rất tai hại!
Vậy, giờ đây với niềm tin tưởng và phó thác vào lòng Chúa yêu thương, Chúng con xin mượn lại tâm tình van xin thật khiêm tốn của người cùi để thiết tha xin Chúa tha thứ và cứu chữa tâm hồn chúng con nên sạch trong: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!”.

Xin Chúa thương chúc lành và nhậm lời chúng con. Amen.

Thứ bảy 1Ga 5,14-21; Ga 3,22-30.
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận giữa các môn đệ Gioan Tẩy Gỉa với một người Do Thái về vấn đề phép rửa của Chúa Giêsu.
Nội dung của cuộc tranh luận là gì? ta không biết. Tin mừng chỉ cho biết, sau cuộc tranh luận đó, các môn đệ đến gặp thầy mình là Gioan Tẩy Giả để trình báo về sự việc:“người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông".
Qua lời trình báo của các môn đệ Gioan, cho thấy hai điều:
- Thứ nhất: Họ muốn độc quyền. Không muốn bất kì ai được phép làm điều mà thầy mình đã làm trước đó, nên họ rất muốn thầy mình ngăn cản. 
- Thứ hai: Họ ghen tỵ. Vì không muốn ai hơn thầy mình nên khi nhìn thấy dân chúng tuôn đến chịu phép rửa của Đức Giêsu đông hơn thầy mình, họ cảm thấy rất khó chịu.
Trong cuộc sống chung không tránh khỏi những cuộc tranh luận. Những cuộc tranh luận hầu như xảy ra hàng ngày trong xã hội, trên nhiều bình diện lớn nhỏ khác nhau. Có những cuộc tranh luận có thể rất hữu ích vì nó giúp nhau nhận ra được sự thật; nhưng nó cũng rất nguy hại, vì rất có thể nó làm mất đi bình an nơi tâm hồn và phá vỡ tình hiệp thông. Nếu không có lòng khiêm tốn, cái nhìn cởi mở và hướng đến chân lý như Gioan Tẩy Gỉa.
Nơi môi trường gia đình chắc chắn không tránh khỏi những cuộc tranh luận về những vấn đề khác nhau. 
Xin cho chúng ta có được lòng khiêm tốn, tinh thần cởi mở và biết hướng đến chân lý với mong muốn được làm vinh danh Chúa theo tinh thần của Gioan Tẩy Gỉa. Nhờ đó mà ta mới được Chúa hướng dẫn cách giải quyết những vấn đề xảy ra cách khôn ngoan nhất, nhằm đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho gia đình mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...