Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

CHÚA NHẬT KÍNH THÁNH GIA THẤT

Lc 2, 41-52

Lm Viki

Hômnay cùng với GH, chúng ta mừng kính trọng thể lễ thánh gia: Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu. GH như mời gọi chúng ta hướng nhìn về hang đá Bêlem để chiêm ngắm và học hỏi những đức tính tuyệt hảo nơi gia đình thánh gia, để qua đó chúng ta xây dựng gia đình mình thật sự trở thành cộng đoàn của yêu thương, hiệp nhất và bình an.

Xin gia đình thánh gia ban ơn, nâng đỡ  và chúc lành cho mọi gia đình chúng ta.

Chưa bao giờ hai chữ “gia đình” được xã hội và GH nhắc nhiều đến như ngày hôm nay. Vậy gia đình là gì mà GH và cả xã hội quan tâm cách đặc biệt như thế?

- Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình tốt xã hội sẽ vui; gia đình có vững xã hội mới an. Ngược lại gia đình không lành mạnh, xã hội sẽ bất an.

- Gia đình còn được ví như tế bào của xã hội. Bất cứ tế bào nào bị suy nhược hay bệnh tật thì cũng đều làm ảnh hưởng đến toàn bộ thân thể của xã hội.

- Cách riêng GH thì xác định: Gia đình là Hội Thánh tại gia. Nơi mỗi gia đình đều có đầy đủ những đặc tính, ơn gọi và bổn phận tựa như gia đình GH hoàn vũ. Gia đình có tốt lành thì GH mới Thánh Thiện.

- Gia đình còn được gọi là tổ ấm yêu thương là cái nôi của sự sống... Bởi nơi ấy con người được sinh ra, được nuôi sống và lớn lên trong tình yêu của cha mẹ và anh chị em.

Gia đình chính là mái trường đầu tiên và tốt nhất để ta học làm người và làm con Chúa.

Gia đình vẫn là chốn êm ái nhất để ta tựa nương những khi mệt nhoài trên đường đời; chính nơi gia đình, con người mới tìm được sự bình an tâm hồn đích thật.

Do bởi tầm mức quan trọng như thế của gia đình nên GH và xã hội rất quan tâm đến gia đình. Nhưng khi nhìn vào thực tế gia đình hiện nay, chúng ta nhận thấy có quá nhiều thách đố như: Tình trạng di dân bùng nổ; sống thử và hôn nhân khác tôn giáo gia tăng; tình trạng ngừa phá thai, ly hôn, li dị diễn ra hàng ngày…gây tác động rất lớn đến xã hội và GH.

Ngày nay, nhiều gia đình không còn là tổ ấm yêu thương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là nơi chốn bình an như mong muốn vốn có của nó nữa.

Gia đình ngày nay bị rạn nứt và đổ vỡ rất nhiều. Vậy làm thế nào để trả lại giá trị đúng đắn cho hai chữ “gia đình” vốn dĩ rất thiêng liêng?

Ở mỗi thời đại, xã hội đều tìm ra những nguyên tắc để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, hình như không có nguyên tắc nào hoàn hảo và chuẩn mực cả, “bởi mỗi hoa mỗi cây, mỗi nhà mỗi cảnh”. Vì vậy mà GH mong muốn các gia đình Kitô hữu hãy tìm đến học hỏi mẫu gương tuyệt hảo nơi gia đình thánh gia.

Vậy khi nhìn vào gia đình thánh gia chúng ta học được gì?

Chắc chắn có rất nhiều bài học, nhưng dựa trên những gì mà phụng vụ lời Chúa hôm nay thuật lại, GH như mời gọi gia đình chúng ta lưu tâm và học hỏi nơi gia đình thánh gia 3 nhân đức nền tảng sau đây:

1. Trước hết là bài học vâng phục thánh ý Chúa.

Thánh Giuse, được gọi đấng công chính, bởi vì ngài hằng biết lắng nghe và vâng phục thánh ý Chúa. Đọc lại phúc âm chúng ta thấy rất nhiều lần ngài đã vâng nghe và làm theo ý Chúa qua những lời mộng báo của Thiên Thần:

- Khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử theo luật Do Thái.

Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít theo đúng lời hứa của Thiên Chúa qua lời các tiên tri phán xưa.

- Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Sau khi nghe lời mộng báo của Thiên Thần là đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, ngay lập tức thánh Giuse đã vâng theo thiên ý là đưa dẫn gia đình lên đường, vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước… để đến tị nạn bên Ai cập, nơi đất khách quê người với bao nhiêu là gian khổ phải đối mặt để chăm lo và nuôi sống gia đình.

- Rồi khi được Thiên Thần mộng báo trở về, Thánh Giuse đã phải suy tính khôn ngoan tìm chỗ ở định cư an toàn cho gia đình. Trước đây nếu ngài phải lo bảo vệ mạng sống và sự sống cho gia đình, thì giờ đây ngài phải vất vả lao động để bảo đảm cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Bằng nghề thợ mộc vất vả tại làng quê Nazarét, ngài đã phải đổ mồ hôi và nước mắt để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong nuôi sống gia đình. Cuộc đời thánh Giuse quả không sung sướng, an nhàn chút nào, nhưng phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ.

- Còn Mẹ Maria lúc nào cũng sống tinh thần khiêm tốn, luôn sẵn sàng vâng nghe và thực thi thánh ý Chúa trong đức tin với lòng phó thác hoàn toàn vào quyền năng của TC. Với hai tiếng “xin vâng” qua biến cố truyền tin (x. Lc 1, 26-38), Đức Maria đã sẵn sàng đối mặt với biết bao là thử thách, hiễm nguy và đau khổ, nhưng với niềm tin Mẹ đã hoàn toàn đón nhận thánh ý của TC.

- Còn với Đức Giêsu thì luôn hằng xác quyết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4,34 ). Ngay khi biết mình đi vào con đường thập giá và phải đối mặt cái chết đau đớn trên thập giá trong sợ hãi và cô đơn, nhưng Người vẫn vâng phục thánh ý Cha chấp nhận uống cạn chén đắng Cha trao:  “Nhưng đừng theo ý Con, một xin vâng ý Cha” (X. Mt 26, 39-42).

2. Thứ đến là bài học trung thành tuân giữ lề luật.

Theo luật Do Thái quy định, những người đàn ông trưởng thành, tức từ 13 tuổi trở lên buộc phải về Giêrusalem dự lễ vượt qua; riêng phụ nữ thì luật không buộc. Cũng theo luật, chỉ buộc dự lễ 3 ngày đầu thôi, còn những ngày sau thì tùy ý. Nhưng Tin mừng cho biết, cả gia đình thánh gia đều lên Giêrusalem để dự lễ và cả nhà ở lại tham dự cho đến hết kỳ lễ. Điều này cho thấy gia đình Thánh gia có tinh thần tuân giữ luật rất cao nên cả nhà đã làm hơn những gì mà luật đòi hỏi.

3. Sau hết đó là bài học chu toàn bổn phận.

- Với vai trò là trụ cột gia đình. Thánh Giuse đã không quản ngại hy sinh vất vả để gìn giữ bảo vệ và chăm sóc thánh gia. Là vị thuyền trưởng của con thuyền gia đình, thánh Giuse đã làm hết sức mình để lèo lái và đưa dẫn gia đình mình vượt qua mọi sóng gió.

- Với vai trò là vợ và mẹ, Đức Maria đã khiêm tốn tùng phục thánh Giuse và tích cực cộng tác với chồng để chăm lo gia đình. Nhất là luôn để tâm giáo dục và nuôi dạy con cái theo thánh ý của Thiên Chúa.

- Còn Đức Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng Người vẫn mang thân phận con người. Nên Người vừa ý thức chu toàn bổn phận đối với Chúa Cha trao phó, nhưng bên cạnh đó, Người cũng ý thức mình phải chu toàn bổn phận hiếu thảo với thánh Giuse và Đức Maria. Thánh Luca cho biết: “ Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa ... Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 40-51).

Có lẽ mong muốn lớn nhất nơi các gia đình không gì khác hơn là có được hạnh phúc thật. Nhưng để có hạnh phúc đích thực, ước mong mỗi gia đình chúng ta biết hướng về gia đình thánh gia để học nơi các Ngài bài học của khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa; ý thức trung thành tuân giữ luật Chúa; và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận của mình nơi gia đình.

Xin thánh gia ban dồi dào những ơn cần thiết và thương chúc lành cho mọi gia đình chúng ta. Amen.

                          

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...