SUY NIỆM SÁM HỐI MÙA VỌNG
Lm Viki
Theo khuynh hướng tự
nhiên, ta thường nghĩ rằng sám hối là những giây phút hồi hộp, lo lắng và sợ
hãi…nên có người rất ngại tham dự giờ sám hối cộng đồng. Thật ra, sám hối không
đáng ngại như vậy, bởi lẽ sám hối là lúc ta được lắng lòng trước Chúa, là cơ
hội để ta nhìn rõ mình trước các mối tương quan với Chúa, với tha nhân dưới ánh
của lời Chúa. Từ đó ta thành tâm sám hối để đón nhận tình thương ơn tha thứ của
Chúa. Nhờ vậy mà tâm hồn chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc.
Để bớt căng thẳng, tôi
xin mở đầu giờ gợi ý xét mình sám hối hôm nay bằng những vần thơ dí dõm, do ai
đó chế tác trong bố cảnh dịch bệnh Covid 19 đang được cộng đồng thích thú hiện nay:
“Trăm năm trong cõi thời
nay. Ai ai cũng phải xoa tay vào cồn.
NHẬT BẢN họ rất là khôn. ABe
thủ tướng xoa cồn vào tay.
TRIỀU TIÊN cũng rất là
hay. Đồng chí JUN ỦN xoa tay vào cồn.
Bên MĨ ai cũng bồn chồn. Anh
TRUMP tổng thống xoa cồn vào tay.
Nước NGA uống rượu cả
ngày. PUTIN tỉnh rượu xoa tay vào cồn
TRUNG QUỐC chống dịch dập
dồn. Bác TẬP chủ tịch xoa cồn vào tay.
VIỆT NAM chống dịch rất
hay. Bác ĐAM gương mẫu xoa tay vào cồn.
SÓC TRĂNG dịch đến dập
dồn. Người dân hăng hái xoa cồn vào tay.
Chắc chắn sẽ đến một ngày.
Cả nước ko phải xoa tay vào cồn.
Bài thơ vần
"ỒN" mà lại rất hay. Mọi người nên nhớ xoa tay vào cồn.
Nếu để chống lại loại Virus
Corona chủng mới, có nguy cơ xâm nhập và giết chết sự sống thể xác con người,
các nhà khoa học khuyến cáo mọi người cần phải ý thức phòng chống dịch với nhiều
hình thức khác nhau, trong đó có biện pháp xoa cồn vào tay thường xuyên.
Cũng vậy, để chống lại
Virus độc hại, có nguy cơ giết chết sự sống tinh thần và linh hồn chúng ta, GH
cũng luôn nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh thức để phòng chống bằng nhiều hình
thức khác nhau. Trong đó có phương cách sám hối cộng đồng.
Sám hối được ví như việc
xoa cồn vào tâm hồn để Chúa tẩy rửa lòng ta khỏi mọi thứ Virus độc hại là những
tính hư nết xấu và tội lỗi xâm nhập. Nhờ đó mà ta mới tìm lại được niềm vui, bình
an và sự sống mạnh mẻ trong ân sủng Chúa.
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, cho biết Chúa cũng đã
thanh tẩy tâm hồn của thánh Giuse khỏi Virus của lo lắng trước sự kiện trái
ngang xảy ra trong đời. Nhưng qua lời sứ thần Gabriel truyền
tin, trong giấc mộng, sau khi tỉnh giấc, thánh Giuse biết được thánh ý Chúa và
ngài đã mau mắn thi hành. Nhờ đó tâm hồn ngài mới tìm được sự thanh thản, niềm
vui và bình an đích thực.
Như vậy để có được niềm vui, bình an
của Chúa, chúng ta cần phải học nơi thánh Giuse bài học của sự lắng nghe và vâng
phục thánh ý Chúa. Nhưng để lắng nghe được ý Chúa và can đảm thực hành lời
Chúa, ta cần phải học nơi thánh Giuse bài học của cầu nguyện và sống tình bác
ái:
1. Hiệp thông với Chúa qua cầu nguyện.
Tin mừng
cho biết ít nhất có 3 lần thánh Giuse được Thiên Thần Chúa báo mộng, nhưng cả 3
lấn ấy thánh Giuse đều mau mắn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa.
- Lần thứ
nhất: được Tin mừng hôm nay thuật lại cho ta biết.
- Lần thứ
hai: Đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập để lánh nạn.
- Lần thứ ba: Đem Hài Nhi trở về lại quê hương.
Như thế
thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, thánh Giuse cũng đều nhạy bén nhận ra thánh ý
của Chúa và mau mắn thi hành. Có được như vậy là vì ngài luôn sống mật thiết
với Chúa trong bầu khí của âm thầm cầu nguyện.
2. Hiệp thông với tha nhân bằng đời sống bác ái.
Biết được Đức Maria mang thai mà tác giả không phải là
của mình, thay vì theo phản ứng tự nhiên thánh Giuse chỉ cần đưa Đức Maria ra
tố cáo. Chắc chắn Đức Maria sẽ bị ném đá cho đến chết chiếu theo luật Do Thái
thời bấy giờ. Nhưng thánh Giuse đã không hành xử như thế. Trái lại, ngài chọn
giải pháp âm thầm rút lui bằng cách “định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Cách
xử như thế cho thấy thánh Giuse là một con người độ lượng và giàu lòng bác ái.
Hơn thế nữa để chăm sóc Đức Maria không phải là vợ của
ngài đúng nghĩa và nuôi dưỡng Chúa Giêsu không phải là con ruột ngài, trong một
hoàn cảnh khó nghèo nơi làng quê Nazareth sẽ không dễ dàng chút nào. Cuộc sống
ấy đòi hỏi thánh Giuse phải hy sinh rất nhiều. Nếu không có tình bác ái cao
thượng, chắc hẳn ngài sẽ không chu toàn tốt được sứ mạng mà Thiên Chúa trao
phó.
Mùa vọng sắp kết thúc, đây là
thời điểm chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ bên ngoài để mừng đại lễ Giáng sinh.
Là những người kitô hữu, xin cho chúng ta đừng quá mãi mê thế sự mà quên đi
chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để cho Chúa ngự vào. Cách chuẩn bị xứng hợp nhất
trong những ngày này là ta hãy dành nhiều thời gian hơn để gắn kết với Chúa qua
cầu nguyện và nỗ lực sống tình hiệp thông với tha nhân qua những việc làm bác
ái cụ thể, theo mẫu gương của Thánh Giuse.
+ Hiệp thông với Chúa:
Tôi đi lễ Chúa Nhật vì lòng yêu mến Chúa hay
vì sợ phạm tội trọng và mất linh hồn? Tôi có tự
nguyện hằng ngày đọc kinh sáng và kinh tối chung với gia đình không? Tôi có cảm thấy được kết hợp với Chúa Giêsu
Thánh Thể qua việc rước lễ là điều cần thiết cho đức tin và gia tăng lòng yêu
mến Chúa không? Khi đã trót phạm tội, tôi có mau mắn trở về làm hòa với Chúa
qua bí tích giải tội hay chưa? Hay tôi vẫn ù lì sống chung với tội lỗi? Tôi có
siêng năng tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa và các Giáo Huấn của Hội thánh để nhận ra
ý Chúa muốn tôi phải làm gì không? Tôi có tích cực cộng tác với Giáo Hội trong công
cuộc loan báo Tin Mừng cho tha nhân chưa?
+ Hiệp
Thông Với Tha Nhân :
· Có lẽ trong chúng ta không ai nghĩ đến việc
hãm hại anh em mình, nhưng thực ra: Bằng những sự đố kỵ, cố chấp, không bao
dung; bằng những lời nói không tốt về người khác, chúng ta đã xúc phạm đến tha
nhân, gây đổ
vỡ trong tình yêu, trong những mối tương thân tương
ái và làm mất bình an trong lòng người khác.
- Trong
gia đình, nền tảng và sức sống chính là Tình Yêu. Tình yêu ấy đòi hỏi chúng ta
phải từ bỏ chính mình để phục vụ cho nhau, để yêu thương và kính trọng nhau.
Con cái phải thảo hiếu với cha mẹ – Cha mẹ phải hết lòng yêu thương và quan tam
giáo dục con cái nên người – Chúng ta có cùng cộng tác để xây dựng gia đình trở
thành một mái ấm yêu thương hay mạnh ai nấy sống, làm cho gia đình trở thành
một quán trọ, thành hoả ngục cho nhau ?
- Tâm
hồn của các trẻ em như tờ giấy trắng, như sáp ong mềm sẵn sàng khắc ghi và khó
xoá nhoà những gì mắt các em nhìn thấy, tai các em nghe người lớn nói năng, cư
xử không tốt với nhau. Vậy trong gia đình tôi hiện nay có xảy ra những cãi vả
nhau lớn tiếng hay
không ?
- Đứng trước các khó khăn của gia đình, trước
các nạn nhân bị thiên tai, trước những người nghèo khổ và những mảnh đời bất
hạnh khác… chúng ta có thái độ nào: sẵn sàng giúp đỡ, giang rộng đôi
tay để phụ giúp hay quay lưng lại và nhắm mắt làm ngơ ?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thực hành trọn vẹn
lời Chúa
đã dạy chúng con: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”,
bằng cách mở rộng tình thương với mọi người, nhất là những người đau khổ. Xin
Chúa cho những ai trong gia đình chúng con đang sống trong sự hận thù chia rẽ biết sẵn sàng
bỏ qua mọi hiềm khích, để giao hòa với nhau và trở nên nhịp cầu yêu thương đem
bình an đến cho mọi người chung quanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét