SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN
II MÙA VỌNG
Lm. Viki
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,
8-14; Mc 1,1-8
Phụng vụ Lời Chúa tuần
II mùa vọng, nhắc nhở chúng ta dọn đường cho Chúa ngự đến. Nhưng con đường quan
trọng nhất vẫn là con đường đi vào lòng người.
Xin cho chúng ta biết
tích cực dọn dẹp và sửa chữa lại con đường thiêng liêng đi vào tâm hồn của ta
cho xứng hợp, để sẵn sàng đón Chúa ngự đến.
Năm nào cũng vậy, vào
Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, Lời Chúa đều vang lên lời kêu gọi: dọn đường cho
Chúa ngự đến.
Trong bài đọc I, tiên
tri Isaia kêu gọi Israel tích cực dọn một con đường cho Chúa ngự đến, để Người
giải phóng dân Người khỏi cảnh lưu đày bên Babylon "Hãy dọn đường Chúa,
hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu
và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường
gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy
vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.” (Is 40, 1-5). Lời kêu gọi này của tiên
tri Isaia được loan báo khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Lúc bấy giờ
dân chúng chỉ hiểu con đường ấy là con đường vật lý, con đường băng qua hoang
địa hiểm trở để tiến về đất hứa. Và quả thật lời tiên báo ấy đã thành hiện
thực. Vào năm 538 sau khi đánh thắng đế quốc Babylon, vua Ba Tư tên là Kyrô ra
chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương trở về quê cha đất
tổ.
Nhưng lời kêu gọi của
tiên tri Issaia không chỉ dừng lại trên phương diện vật lý mà còn có giá trị
thiêng liêng nữa. Ý nghĩa thiêng liêng ấy được làm nổi bật lên qua lời kêu gọi
khẩn thiết của ngôn sứ Gioan Tẩy Gỉa trong bài Tin mừng hôm nay: “Có tiếng kêu
trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.”
(Mc 1,3-4). Con đường mà Gioan Tẩy giả kêu gọi để sửa chữa không còn là con
đường vật lý mà chính là con đường thiêng liêng, con đường ấy là con đường đi
vào tâm hồn và cuộc sống của mỗi người. Chính vì thế mà Gioan Tẩy Gỉa đã không
ngần ngại tha thiết kêu gọi mọi người hãy tỏ lòng thống hối mà nhận lãnh phép
rửa.
Như vậy, lời kêu gọi dọn
đường cho Chúa đến, không chỉ có giá trị vật lý mà còn có giá trị thiêng liêng;
không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Do Thái thời lưu đày hay thời đại của Gioan
Tẩy Gỉa, mà lời mời gọi ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay cho tất cả
chúng ta. Bởi lẽ cho dẫu Đấng Cứu Thế đã đến trần gian cách nay hơn 2000 năm
rồi, nhưng Người có thể chưa đi vào được tâm hồn chúng ta, vì con đường đi vào
cỏi lòng chúng ta vẫn còn đó quá nhiều rào cản, bởi những tính hư tật xấu và
tội lỗi.
Vậy làm thế nào để dẹp
bỏ những rào cản mà chuẩn bị con đường xứng hợp cho Chúa ngự đến?
* Thưa bằng cách noi
gương của thánh Gioan Tẩy Gỉa mà biến đổi cuộc sống:
- Dành thời gian nhiều
hơn để cầu nguyện sống thân tình với Chúa. Trân trọng những phút giây thinh
lặng nội tâm để nghe được tiếng nói của Chúa và tiếng lòng thổn thức, theo
gương Gioan Thẩy Gỉa.
- Vui vẻ đón nhận những
nghịch cảnh xảy ra ngoài ý muốn mà không kiêu ca hay than trách.
- Biết làm chủ bản thân
bằng cách tiết chế trong ăn uống, mua sắm và tránh tiêu xài hoang phí. Dứt
khoát không thỏa hiệp với những ham muốn bất chính.
- Biết khiêm tốn nhận ra
đúng chân giá trị của mình: mình là ai? đang ở đâu? nhiệm vụ của mình là
gì?...như Gioan Tẩy Gỉa đã xác định chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, nhiệm vụ
dọn đường cho Chúa và không xứng là đầy tớ cởi dép cho Đấng Cứu Thế đến. “Người
rao giảng rằng: "Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi
xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài,
Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần".
Xin Thánh Gioan Tẩy Giả
cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta can đảm loại trừ những vật cản ra khỏi tâm hồn
và tích cực chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao ban trong tinh thần yêu thương
bác ái. Nhờ thế Chúa mới có thể đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta.
* Hoặc chúng ta hãy ý
thức canh giữ bản thân mình theo gương của vị thầy dòng đạo đức trong câu
chuyện sau đây:
Vào một buổi chiều kia,
cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng được tiếng là người đạo đức: « Hôm nay
con đã làm gì? » Tu sĩ liền trả lời: “Thưa cha, cũng như mọi ngày, hôm nay con
rất bận bịu làm việc mà nếu không có ơn Chúa, con sẽ không thể chu toàn. Đó là
mỗi ngày con đều phải canh chừng hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai
con diều hâu, giữ một con sấu, trị một con gấu và quan tâm săn sóc cho một bệnh
nhân”.
Bề trên cười hỏi lại : «
Con nói gì thế? Trong dòng chúng ta đâu có những con thú dữ như con vừa nói ?
». Tu sĩ trả lời : « Thưa cha thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con
mắt của con mà con phải giữ để chúng khỏi nhìn những vật cấm kỵ. Hai con nai
tức là hai chân mà con phải trông coi để chúng không đi vào con đường xấu. Hai
chim diều hâu là hai bàn tay mà con phải bắt nó làm những việc có ích. Còn con
cá sấu là cái lưỡi mà con phải kìm hãm để khỏi nói ra những điều lỗi bác ái.
Con gấu chính là trái tim mà con phải canh chừng để khỏi ích kỷ và tự cao tự
đại. Còn bệnh nhân là chính thân xác của con mà con cần luôn chăm sóc đề phòng
để nhục dục khỏi vùng trỗi dậy.
Ngày xưa Gioan Tẩy Gỉa
đã sống như thế để dọn đường đón Đấng Thiên Sai. Nếu mỗi người chúng ta cũng
biết sống như vậy trong Mùa Vọng này, nhờ đó ta biến đổi tâm hồn mình trở thành
con đường bằng phẳng để đón Chúa đến viếng thăm vào dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
Hôm nay chúng ta bước vào
Chúa nhật II mùa vọng, mùa của trông ngóng, đợi chờ Chúa đến trong hy vọng.
Thực ra Chúa đã đến trần gian cách nay đã hơn 2000 năm rồi và Chúa cũng sẽ trở
lại trong vinh quang để phán xét mọi loài trong ngày cánh chung. Nhưng trong
hiện tại lúc này và ở đây Chúa vẫn đến từng giây phút bên đời ta để ban ân
sủng, vì "Ngài là Chúa của kẻ sống". Điều quan trọng là làm sao ta
mới có thể được gặp gỡ Ngài?
Để gặp gỡ Chúa, rất cần
ta chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, bằng cách dọn đường.
Ngày xưa chưa có đường,
nhưng do đi lại nhiều nên thành đường. Trên trần gian này có lắm con đường:
đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường truyền mạng Internet, đường kiến
thức, văn hóa…Nhưng tựu chung tất cả các con đường đều hướng đến mục đích là
kết nối và gặp gỡ.
Phụng vụ lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta dọn con đường đi vào cỏi lòng. Ta tạm gọi con đường ấy là
"đường tình"; hay "đường từ trái tim đến trái tim".
Có dọn con đường này cho
tốt thì Chúa mới đến được tâm hồn ta. Vậy chúng ta cần phải dọn con đường này
như thế nào?
Phụng vụ lời Chúa hôm
nay gợi lên cho chúng ta một vài cách thức:
1. Trước hết phải tỏ
lòng sám hối.
Muốn sám hối thì phải
biết nhận ra con người thật của mình còn nhiều thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi
vì "Nhân vô thập toàn", chỉ có Chúa mới hoàn hảo. Vì thế mà Gioan Tẩy
Gỉa đã lớn tiếng kêu gọi dân chúng hãy tỏ lòng thống hối để đón nhận ơn tha thứ
ngang qua khiêm tốn lãnh nhận phép rửa.
Khiêm tốn nhận mình còn
nhiều thiếu sót, lầm lỗi là điều không phải dễ dàng, bởi ai trong chúng ta cũng
mang gen của kiêu căng tự mãn do nguyên tổ truyền lại. Nhưng nếu không khiêm
nhường sám hối thì ta không thể đổi mới được cuộc sống. Không khiêm tốn thì cửa
tâm hồn chúng ta bị đóng kín nên Chúa không đến được với ta.
2. Phải đặt Chúa vào vị
trí quan trọng nhất của đời mình.
Tin mừng cho biết đời
sống gương mẫu và lời rao giảng của Gioan Tẩy Gỉa thời bấy giờ đã thu hút mãnh
liệt nên ông được mọi người biết đến và ngưỡng mộ. Nhiều người còn lầm tưởng
ông là Đấng Cứu Thế đã đến. Nhưng không vì thế mà ông tự khuyết trương danh
vọng cho mình, trái lại ông luôn đặt Chúa Giêsu vào vị trí cao trọng nhất cho
đời mình. Ông không ngại cho mọi người biết mình chỉ là tiếng kêu trong hoang
địa, là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Trước mặt mọi người, ông khiêm tốn và
nhìn nhận mình thấp kém trước Chúa Giêsu, nên không xứng đáng cúi xuống cởi
quai dép cho Người.
Chỉ khi đặt Chúa vào vị
trí quan trọng nhất trong cuộc đời như Gioan Tẩy Gỉa, ta mới dám chọn Chúa làm
lẽ sống cho đời mình mà sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần tục khác nếu điều ấy
không phù hợp với ý muốn của Chúa.
3. Phải loại trừ mọi
tính hư hết xấu.
Bài đọc 1, trích sách
tiên tri Isaia, kêu gọi dân Israel mở một con đường băng qua sa mạc để cho Chúa
ngự đến, giải thoát họ khỏi cảnh lưu đầy bên Babylon về quê cha đất tổ.
Lời kêu gọi của tiên tri
Isaia cũng là lời kêu gọi dọn đường của Gian Tẩy Giả để đón chờ Chúa đến. Ông
kêu gọi dân chúng tích cực san bằng những đồi cao, lấp đầy những hố sâu và uốn
ngay lại những khúc đường quanh co hầu chuẩn bị sẵn sàng con đường cho Chúa ngự
đến.
Những lời kêu gọi ấy
cũng chính là sứ điệp của Chúa mời chúng ta ngày nay.
Vậy chúng ta hãy tích cực
san bằng những đồi cao của kiêu căng tự mãn, chấp nhận lấp đầy những hố sâu của
tham sân si và sẵn sàng uốn ngay lại những khúc đường quanh co gian dối, lọc
lừa.
Làm được như thế, Chúa
mới đến được với ta và ta mới có cơ hội gặp được Chúa. Có ý thức thi hành những
lời chỉ dạy của Chúa thì tha nhân mới dễ dàng đến được với ta và ta mới có thể
đến được với tha nhân bởi tất cả chúng ta đều bước chung một con đường tình của
Chúa.
Thứ hai: Lc 5, 17-26
Mùa vọng là mùa dọn
đường. Dọn đường cho Chúa đến được với ta và cho ta gặp được Chúa. Dọn đường
cho Chúa đến với tha nhân và cho tha nhân được gặp gỡ Chúa. Xin cho chúng ta
biết tích cực dọn con đường thiêng liêng cách tốt nhất để Chúa có thể dễ dàng
đến với ta và với mọi người.
Cuộc đời của người bại
liệt tại Caphanaum được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất
cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Đức Kitô. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu
lại gặp rất nhiều ngăn trở:
– Ngăn trở do bệnh tật:
Bởi mang căn bệnh bại liệt nên chính anh không thể thân hành đến gặp Chúa được,
cho dù anh ta rất muốn.
– Ngăn trở do khoảng
cách: Muốn gặp được Chúa Giêsu, anh phải vượt qua đoạn đường dài. Tự anh không
thể vượt qua.
– Ngăn trở bởi đám đông:
Bao chung quanh Chúa Giêsu rất nhiều người, làm sao anh ta có thể đến gần được
với Chúa.
Nhưng mọi ngăn trở ấy
được dẹp bỏ nhờ vào tình thương và sự hy sinh của những người thân cận anh. Họ
đã đưa anh lên chõng, cùng nhau khiêng anh đến với Chúa; họ đã vượt qua trở
ngại của không gian để đưa anh lên mái nhà và vất vả dỡ mái nhà để thòng anh
xuống trước mặt Chúa Giêsu. Chính sức mạnh của niềm tin và tình yêu nơi những
người thân cận, đã giúp anh vượt qua mọi rào cản, đưa anh đến gặp được Chúa
Giêsu. Nhờ đó mà anh được Người thương cứu chữa.
Tuy nhiên, để cứu chữa
người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải vượt qua
những rào cản khắc nghiệt, bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật
sĩ. Dẫu họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu vẫn biết trong thâm tâm họ có sẵn một
bản án dành cho Người:“Người này là ai mà dám phạm thượng?”.
Quyền tha tội là đặt
quyền của TC, khi nói lời tha tội là Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên
Chúa nên phạm vào khung luật tử hình. Nhưng với sức mạnh của lòng thương xót,
Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ của luật lệ vô hồn để
thực hiện giới luật tình yêu, để vừa chữa lành bệnh thể xác và bệnh tâm hồn cho
người bại liệt, qua việc tha tội cho anh ta.
Mùa vọng là mùa mà GH
mời gọi chúng ta dọn tâm hồn cho xứng hợp để cho Chúa đến. Xin Chúa chúng ta
biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà đến với Chúa để được Người tha thứ tội lỗi
và chữa lành mọi vết thương lòng. Xin cho chúng ta cũng mạnh dạn đến với tha
nhân nhất là những anh chị em đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn để nói lên
lời cảm thông, yêu thương và chia sẻ, giúp họ vượt qua được mọi ngăn trở mà trở
về cùng Chúa để được Người chữa lành và ban cho họ Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của
Chúa.
Suy niệm 2:
Cuộc sống này có nhiều
rào cản ngăn bước chúng ta đến gặp gỡ Chúa. Tin mừng hôm nay cho biết có những
rào cản sau:
- Do bệnh tật thể lý hay
tân hồn.
- Do khoảng cách địa lý
trắc trở.
- Do hội chứng đám đông.
Đó là những rào cản
khiến cho người bị bệnh bại liệt xưa kia khó lòng gặp gỡ được Chúa Giêsu. Những
rào cản ấy có khi cũng ngăn bước chúng ta đến với Chúa trong thời đại hôm nay.
- Có thể vì mang căn
bệnh thể lý, ta không thể tự mình đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay tham gia vào
các sinh hoạt đạo đức của Họ đạo được. Nhưng cũng có khi do nhiễm phải Virus
lười biếng, dững dưng, thói quen, giận hờn... nên ngại đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa.
- Có thể vì khoảng cách
địa lý cách xa nhà thờ, ngại yêu xa nên ít khi đến gặp gỡ Chúa qua việc tham dự
thánh lễ.
- Có thể do hội chứng e
ngại đám đông, xuất phát từ những lời nói ác ý, thiếu suy nghĩ có khi vô tình
những đã làm chùng bước một số anh chị em đến với Chúa. Kinh nghiệm cho biết đã
không ít người tín hữu cũng vì những lời nói tiêu cực của một ai đó trong cộng
đoàn đã làm cho họ bất mãn, có khi mất đức tin không còn thiết tha đến gặp gỡ
Chúa nữa.
Để vượt qua những rào
cản ấy cần phải có người quan tâm, đồng hành nâng đỡ. Hình ảnh những người
khiêng anh bị bại liệt trong tin mừng hôm nay đã giúp sức cho người bệnh vượt
qua mọi rào cản để đến gặp gỡ được Chúa. Nhờ thế cuộc đời anh được đổi mới và
tâm hồn anh được tái sinh.
Mong ước mùa vọng này,
một mặt, chúng ta có được sức mạnh tinh thần và đức tin đủ để vượt qua mọi rào
cản mà xưa nay đã ngăn bước ta đi đến gặp gỡ Chúa. Mặc khác vì đức tin và tình
thương, ta cũng biết hy sinh để quan tâm giúp đỡ và tìm mọi cách để đưa dẫn
những người thân chúng ta đang sống trong tình trạng bại liệt tâm hồn và đức
tin đến gặp gỡ Chúa để họ được Chúa chữa lành và ban ơn dồi dào ân sủng.
Thứ ba: Lc 1, 26-38
KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ
VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Thông thường khi nói tới
"nhiễm" là người ta nghĩ ngay đến những thứ độc hại, làm ảnh hưởng
xấu đến cuộc sống con người.
Cuộc sống ngày hôm nay
có nhiều thứ gây ô nhiễm:
Ô nhiễm không khí, làm
ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người.
Ô nhiễm nguồn nước và
thức ăn làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh
hưởng không tốt đến thính giác con người.
Ô nhiễm về hình ảnh xấu
ành hưởng đến thị giác con người.
Tuy nhiên, những ô nhiễm
bên ngoài ấy không độc hại bằng những ô nhiễmđến từ bên trong con người. Chính
những ô những bên trong làm cho trái tim con người trở nên bệnh tật và chay
cứng.
Ô nhiễm của chủ nghĩa
"mặc kê nô" làm cho trái tim con người trở nên xơ cứng dững dưng
trước những nỗi đau khổ của người khác.
Ô nhiễm của chủ nghĩa cá
nhân làm cho trái tim con người trở nên ích kỉ, chi tìm tư lợi cá nhân mà quên
đi của hy sinh phục vụ hạnh phúc cho tha nhân.
Ô nhiễm của lối sống
thực dụng nên lãng quên những giá trị luân lý, đạo đức thuần phong mỹ tục của
nhân loại.
Ô nhiễm của chủ nghĩa vô
thần làm cho lòng con người trở nên kêu căng, tự mãn, bất cần đến ơn thiêng của
Thiên Chúa.
Hôm nay chúng ta cùng
với GH kính nhớ lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. GH nhắc nhỡ chúng ta hãy khiêm
tốn mở lòng để luồng gió của Thánh Linh thổi vào tâm hồn ta, hầu tâm hồn của ta
được thanh lọc khỏi những thứ độc hại, có nguy cơ hủy hoại đến tâm hồn tinh
tuyền đã được thanh tẩy trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Xin cho chúng ta biết
noi theo mẫu gương của Mẹ Maria, luôn tin tưởng cậy trông vào quyền năng của
Chúa. Luôn biết khiêm tốn vâng nghe và thực hành lời Chúa chỉ dạy trong mọi
cảnh huống, để trái tim của chúng ta cũng được thanh sạch và rung lên đúng nhịp
yêu thương giống như trái tim của Mẹ dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần. Amen.
Thứ tư: Mt 11, 28-30
Đức Giêsu mang hai bản
tính: Thiên tính và nhân tính.
Nếu bỏ qua Thiên tính mà
xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là con người tuyệt
vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.
1. Với tâm an: Ngài đã
nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản.
Trước những thành công,
Ngài không tỏ ra thái độ hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài
không thua buồn, buông xuôi và bỏ cuộc. Tất cả được Ngài nhìn dưới ánh sáng của
niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
– Có được tâm an: Ngài
đã sáng suốt nhận ra chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm
cho những người biệt phái, các kinh sư không có khả năng đón nhận mầu nhiệm
nước trời. Nhờ tâm an Ngài cũng thấu hiểu nhờ lòng khiêm tốn và hiền hòa mà
những người thu thuế, tội lỗi, những người bệnh tật và ít học, gọi chung là kẻ
bé mọn đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.
2. Với khí hòa: không
nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự
hào trước những người tin nhận Ngài và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại Ngài
sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn.
– Với những kẻ cứng cỏi
và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm
người đó là hiền lành và khiêm nhường.
– Với những người khiêm
nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức
tin để sẵn sàng mang lấy ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo Chúa để
thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang
lấy ách và vác gánh lấy của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường của
Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá cũng như sống theo giới luật yêu
thương Chúa dạy thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi ở thế gian này. Biết thế nên
Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ
và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12,9).
Tóm lại sứ điệp lời Chúa
hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa để an bình đón
nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi
vấn đề một cách tốt đẹp nhất, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng
để có cái nhìn đức tin đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là
hiền lành và khiêm nhường.
Xin Chúa cho ta biết
sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa, tha nhân
và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo
Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy, nhờ đó ta
mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời.
Thứ năm: Mt 11, 11-15
Tin mừng hôm nay Chúa
Giêsu cho ta biết giá trị cao quý của người Kitô hữu và nhắc nhở chúng ta ý
thức sống xứng đáng với giá trị cao quý của mình.
Nhân vật được nhắc nhiều
nhất trong Mùa Vọng có lẽ không ai khác ngoài Gioan Tẩy Gỉa. Chính Chúa Giêsu
cũng xác nhận Gioan Tẩy Gỉa là nhân vật cao trọng. “Ta bảo thật các ngươi,
trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn
Gioan Tẩy Giả”. Sự cao trọng của Gioan Tẩy Gỉa không phải bởi tài năng hay chức
cao quyền trọng. Nhưng sự cao trọng này trước hết là do được Thiên Chúa yêu
thương tuyển chọn làm sứ giả trực tiếp dọn đường cho Chúa. Đồng thời cũng nhờ
đời sống đức độ của bản thân đã làm nên một con người Gioan Tẩy Gỉa cao trọng vượt
trổi hơn tất cả các con cái do người phụ nữ trần gian sinh ra và được mọi người
đặt ngang hàng với các tiên tri vĩ đại thời cựu ước. Nhiều người còn lầm tưởng
ngài chính là Đấng Messia xuất hiện.
Do đâu Gioan Tẩy Gỉa trở
nên cao trọng như thế?
Thưa do được Chúa chúc
phúc ngay khi còn trong dạ mẹ và được Chúa chọn để làm sứ ngôn dọn đường trực
tiếp cho Đấng Cứu Thế. Do ngài được diễm phúc hơn các tổ phụ các tiên tri thời
Cựu ước vì đã được thấy, được nghe và chứng kiến những việc làm của Đấng Cứu Độ
mà dân Israel trông đợi. Hơn hết là do ngài có một đời sống khắc khổ, chay
tịnh, nghèo khó và ngay chính trong lời nói và hành động. Sẵn sàng lên án bất
công và tội ác trong xã hội, cũng như đời sống vô luân của vua Hêrôđê. Với sứ
mạng làm chứng cho chân lý và cho ánh sáng cứu độ, Gioan đã sẵn sàng chịu chết
để trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó.
Dẫu Gioan Tẩy Gỉa được
Chúa Giêsu đề cao và không ngớt lời ca ngợi vậy mà Gioan tẩy Gỉa lại không được
diễm phúc bằng “những người nhỏ nhất trong nước trời”. Những người nhỏ trong
nước trời là ai mà quá diễm phúc như thế? Thưa đó là những người được tái sinh
ra qua Bí Tích Rửa Tội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Họ trở thành con của
Thiên Chúa và xứng đáng được thừa hưởng ơn cứu độ do chính Chúa Cứu Thế mang đến
nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.
Nhưng để xứng đáng là
người diễm phúc sống trong nước trời mà Chúa Giêsu thành lập, người Kitô hữu
chúng ta còn phải sống trung thành trong đức tin, luôn yêu mến và gắn bó với
Chúa; nhất là biết ngoan ngoãn lắng nghe và thực thi lời Chúa hướng dẫn mà chu
toàn tốt nhất bổn phận hằng ngày.
Thứ sáu: Mt 11, 16-19
Tin mừng hôm nay kêu gọi
chúng ta hãy can đảm loại trừ ý riêng để vâng nghe thánh ý Chúa trong tinh thần
hoán cải, hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho Chúa ngự đến.
Để phản ảnh thực tại
cuộc sống và trình bày giáo huấn Tin Mừng nước trời, Chúa Giêsu thường dùng
những hình ảnh cụ thể, gần gũi để sánh ví.
Nhìn vào lối sống kiêu
căng và ích kỷ của các Kinh Sư, Biệt Phái. Chúa Giêsu nghĩ ngay đến hình ảnh
của những đứa trẻ đường phố để sánh ví. Với việc đưa ra hình ảnh của những đứa
trẻ chơi trên đường phố, Chúa Giêsu muốn lên án lối sống ích kỷ và tự mãn của
những người cùng thời với Người, cách riêng là những Biệt Phái và Pharisêu. Họ
luôn lấy mình làm chuẩn mực cuộc sống. Nên họ cho mình cái quyền lên án mọi
người theo cái nhìn chủ quan của họ. Ngay cả Gioan Tẩy Gỉa vị ngôn sứ được mọi
người kính trọng, vậy mà họ cũng lên án và cho là bị ma quỷ ám vì lối sống ngay
chính và khắt khổ. Họ cũng không ngần ngại lên án cả Thầy Giêsu, Đấng mà Gioan
Tẩy Giả cho biết là “Chiên Thiên Chúa” , là Đấng mà Gioan không xứng đáng cúi
xuống cởi dây giày cho Người. Ấy vậy mà họ cũng xem thường và cho là kẻ mê ăn
uống và là bạn bè với quân tội lỗi và thu thuế.
Hạ người khác xuống để
ngôi đầu lên là kế sách hèn bẩn. Nó bộc lộ lối sống kiêu ngạo, không muốn ai
hơn mình. Và là cách thế biểu hiện tính ích kỷ, chỉ bắt người khác làm theo ý
mình.
Mùa vọng là mùa dọn
dường cho Chúa ngự đến tâm hồn chúng ta sao cho dễ dàng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhỡ
chúng ta hãy can đảm dẹp bỏ vật cản lớn nhất trong tâm hồn chính là tính ích kỷ
và tự mãn. Xin cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giớn hạn và
tội lỗi của mình mà chân thành sám hối, để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Nhất
là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng, để luôn vâng theo ý Chúa trong tinh thần khiêm
tốn, nhờ đó ta mới đón nhận được ơn khôn ngoan đích thực của Chúa.
Thứ bảy: Mt 17, 10-13
Tin mừng hôm nay cho
biết lời Kinh Thánh nói về ngôn sứ Êlia sẽ xuất hiện trở lại, để dọn đường cho
Đấng Cứu Thế đến, nay đã được ứng nghiệm nơi con người và sứ mạng của Gioan Tẩy
Gỉa. Xin cho chúng ta nghe theo lời mời gọi dọn đường của thánh Gioan Tẩy Gỉa
mà nổ lực sống theo gương sáng của ngài, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp đón nhận
Chúa đến.
Sau khi chứng kiến Đức
Giêsu biến hình trên núi Tabor, ba tông đồ thân tín của Người càng xác tín vững
vàng hơn vào thầy Giêsu của mình chính là Đấng Cứu Thế đã đến. Tuy nhiên, trong
đầu các ông vẫn còn một thắc mắc dẫu suy nghĩ mãi nhưng các ông vẫn không hiểu
được. Đó là theo Kinh thánh thì ngôn sứ Êlia phải đến trước để dọn đường cho
Đấng Cứu Thế. Vậy sao không thấy Êlia xuất hiện?
Với thắc mắc này, Chúa
Giêsu một mặt xác tín cho các ông biết lời “các kinh sư nói rằng Êlia phải đến
trước” là đúng thật. Mặt khác giúp cho các ông hiểu rằng lời xác nhận của các
kinh sư qua miệng ngôn sứ Malakhi trong Kinh thánh ấy nay được được ứng nghiệm
nơi Gioan Tẩy Gỉa.
Ngôn sứ Êlia không phải
từ trời ngự xuống trong hình hài thể xác như dân Do Thái mong đợi, nhưng ngôn
sứ Êlia xuất hiện trong tinh thần và sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa. Nhưng vì người
Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nên họ không đón nhận tinh
thần và quyền lực Êlia nơi Gioan Tẩy Gỉa. Vì thế mà họ đã xử tệ với ông như họ
đã từng đối xử tệ với các ngôn sứ trước đây. Đó cũng là cách mà họ sẽ đối xử
với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sau này.
Lời Chúa trong mùa vọng
luôn mời gọi chúng ta tích cực dọn đường cho Chúa đến qua lời nhắc nhở của các
vị ngôn xưa và nay. Nhưng cũng giống như dân Do Thái xưa, chúng ta không muốn
đón nhận những lời cảnh tỉnh ấy. Nên một lần nữa Chúa Giêsu tiếp tục bị chúng
ta khướt từ.
Xin cho chúng ta biết ngoan ngoãn nghe theo lời kêu gọi của Chúa qua những vị mục tử trong GH mà thật lòng sám hối, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón nhận ơn cứu độ mà Chúa thương ban.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét