Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Vĩnh Hòa

 

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN C

1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết phải có để trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu:

1. Phải có tinh thần siêu thoát. Tin mừng cho biết trường hợp của người thứ nhất tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu. Nhưng Chúa Giêsu cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản, không nhà cửa, không tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải chấp nhận sống phiêu bạt rày đây mai đó. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu”. Không biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.

2. Phải biết ưu tiên cho việc chọn lựa. Trường hợp của người thứ hai. Chúa Giêsu đích thân kêu gọi anh ta“Hãy theo Ta”. Nhưng điều kiện anh ta đưa ra là: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã“. Một điều kiện xem ra rất cấp thiết và phù hợp với đạo làm người, không ai có thể chối cải được! Nếu theo Chúa mà phải bỏ cha mẹ và không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất hiếu, không xứng với đạo làm người, sao xứng danh làm môn đệ của Chúa được. Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

Chắn chắn là Chúa Giêsu không hề xem thường đạo hiếu, bởi trong 10 điều răn, thì ngay sau 3 điều răn đầu nói về bổn phận với Chúa, thì điều răn thừ 4, Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Nhưng nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và kính; giữa đạo làm người và làm con Chúa; giữa việc Chúa và việc con người; giữa ý Chúa và ý ta thì chúng ta phải ưu tiên dành cho Chúa. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là việc làm tối quan trọng vì đem tin mừng cứu độ đến cho con người, nên phải là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quyết liệt đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta có theo Chúa Giêsu hay không.

3. Phải chấp nhận từ bỏ cách dứt khoát. Trường hợp của người thứ ba. Anh ta cũng xin theo Chúa nhưng với điều kiện là cho phép anh ta về từ giã gia đình trước đã. Tuy nhiên Chúa Giêsu không đồng ý với lý do đó, Người nói :“Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Nếu theo Chúa mà còn vướn bận chuyện gia đình, còn lưu luyến bởi những tình cảm thân quen, thì khó lòng dốc hết toàn tâm toàn lực phụng s Chúa và chăm lo cho nước trời. Vì thế, Chúa Giêsu đòi hỏi anh ta phải dứt bỏ những vướn bận ấy, mới xứng đáng làm môn đệ Người. Cuối cùng ta cũng không biết anh ta có theo Chúa hay không.

- Tóm lại: Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần hay từ từ, nhưng Chúa đòi buộc ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó đời mình với Chúa và cho Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận trần thế… là những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng không phải là giá trị tuyệt đối nên nếu không vượt lên những thứ ấy để dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ không xứng đáng làm môn đệ đích thực của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta để sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta trong Chúa và cho những giá trị của Tin mừng.


Suy niệm 2:

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lời mời gọi theo Chúa trong sứ vụ làm ngôn sứ và nhấn mạnh đến những điều kiện cần thiết để trở nên người môn đệ đích thực của Người. 

Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời dạy của Chúa và xin cho chúng ta luôn sẵn sàng đáp lại những điều kiện mà Chúa đòi buộc, hầu mỗi người trong chúng ta xứng đáng là môn đệ của Người.


Các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ đều nhấn mạnh đến lời mời gọi của Chúa:

- Bài đọc 1: Chúa kêu gọi ông Êlisê làm ngôn sứ thay cho ông Êlia. Ông dọn tiệc từ giã mọi người và từ bỏ tất cả đi theo Êlia. Ông đã nêu gương sẵn sàng hy sinh theo Chúa cho chúng ta.

- Bài đọc 2: Thánh Phaolô cho biết, Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi để được sống tự do. Vậy chúng ta phải sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nên hãy nhớ rằng không bao giờ được lợi dụng quyền tự do ấy mà chiều theo những ham muốn xác thịt bất chính.

- Bài tin Mừng: Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện quan trọng cho những ai muốn bước theo làm môn đệ của Ngài:

1. Phải có lòng quảng đại tha thứ như Người đã thương tha cho dân làng Samari.

2. Luôn sẵn sàng từ bỏ trọn vẹn vẹn và dứt khoát mọi vướt bận trần gian, ngay cả việc hiến dâng mạng sống mình vì phần rỗi nhân loại theo gương Chúa.

Cả 3 trường hợp được kể lại trong phần hai của đoạn tin mừng hôm nay, cho chúng ta hiểu rằng: Để theo Chúa, thì cần phải dành cho Người một sự chọn lựa ưu tiên và trên hết. Ưu tiên ấy là lý tưởng sống vượt lên mọi tình cảm tự nhiên và mọi mối liên hệ trần thế. Khi dốc quyết theo Chúa, người môn đệ ấy mới có thể trở thành con người tự do để thanh thản tiến bước trong niềm tin yêu và tín thác dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta chỉ có thể thật sự trở thành môn đệ Chúa, cũng như chu toàn sứ mệnh sống và làm chứng cho tin mừng nước Chúa, một khi chúng ta biết thành tâm lắng nghe và tích cực thực hiện những điều kiện do Chúa đòi buộc qua lời Chúa hôm nay với tình yêu mến.

Xin Chúa ban ơn giúp sức để ta can đảm từ bỏ những vướng bận đi ngược lại với những giá trị của tin mừng do Chúa đòi buộc, nhờ đó ta được tự do tiến bước theo Chúa trong ơn gọi và sứ vụ của người môn đệ Người.


Thứ hai: Mt 8, 18-22.

Điều kiện nào để trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu? Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết cần phải có hai điều kiện căn bản sau đây: 

- Thứ nhất: phải chấp nhận đời sống siêu thoát và khó nghèo.

Một vị Kinh sư tự nguyện đến xin theo Chúa bất cứ nơi đâu. Nhưng Chúa Giêsu cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản: không nhà cửa, không tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải phiêu bạt khắp nơi "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu". Không biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.

- Thứ hai: phải ưu tiên chọn Chúa và sứ vụ loan báo Tin mừng.

Một môn đệ khác nữa muốn theo Chúa, nhưng lại xin về để lo bổn phận chôn cất cha mình " xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã ". Chu toàn đạo hiếu là việc làm đáng khen bởi rất phù hợp với đạo làm người. Vì theo Chúa mà phải bỏ cha mẹ và không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất hiếu, không xứng đạo làm người, nói chi làm môn đệ của Chúa. Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi "cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ". Chắc chắn là Chúa Giêsu không hề xem thường đạo hiếu, bởi trong 10 điều răn, thì ngay sau 3 điều răn đầu nói về bổn phận với Chúa thì điều răn thứ 4 Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Nhưng nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và kính; giữa đạo làm người và làm con Chúa; nhất là giữa việc Chúa và việc con người; giữa ý Chúa và ý ta thì ta phải ưu tiên cho Chúa. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là việc làm tối quan trọng vì đem đến niềm vui tin mừng cứu độ đến cho con người nên phải là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quyết liệt đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta có theo Chúa Giêsu hay không?

- Tóm lại: Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu, đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần hay từ từ, nhưng Chúa đòi ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó đời mình cho Chúa và Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận trần thế... là những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng nếu không vượt lên những thứ ấy để dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ không xứng đáng làm môn đệ đích thực của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta để sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta cho những giá trị của Tin mừng. 

 

Thứ ba: Nhớ Thánh I-rê-nê, Giám mục, Tử đạo

Suy niệm 1: Mt 8, 23-27

Cuộc đời chúng ta có lúc yên bình nhưng lắm khi cũng gặp phải sóng gió, khiến chúng ta sợ hãi bất an. Xin Chúa luôn ở bên để che chở, chấn an và giúp ta biết chọn lựa hướng sống sao cho đẹp ý Chưa, nhờ đó thuyền đời của ta mới dễ dàng vượt qua những sóng gió hiễm nguy giữa biển đời này mà đạt đến bến bờ bình an, nhờ sức mạnh của Chúa.

Những hình ảnh được đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta. Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội. Biển khơi là hình ảnh trần gian. Phong ba, bảo tố là những thử thách xảy ra trong cuộc sống do ma quỷ gây nên.

– Giống như các môn đệ xưa bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng đã bước vào con thuyền của Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập khi ta lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Từ đó ta cùng ở trong con thuyền Giáo hội để hiệp hành tiến bước trên biển đời trần gian.

– Tựa như con thuyền của các môn đệ xưa đã bị sóng to, gió lớn đánh vào dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung; cách riêng thuyền đời của mỗi chúng ta cũng phải đương đầu với những làn sóng chống phá, bôi nhọ và bách hại gắt gao do thế lực ma quỷ gây ra.

– Ví như những cơn sóng gió bất ngờ xảy đến, đó là những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội. Hay những đau khổ, thất bại và bất hạnh xảy đến trong cuộc sống hàng ngày làm cho niềm tin của chúng ta như chao đảo, lắm khi mất cả phương hướng cho cuộc sống.

– Sánh như các tông đồ vì nghi ngờ vào quyền năng của Chúa khiến các ông sợ hãi. Cuộc đời của người Kitô hữu chúng ta khi đối mặt với những khó khăn, đau khổ và thử thách… trong cuộc sống cũng làm chúng ta lo sợ, nghi ngờ vào quyền năng của Chúa và lắm khi đánh mất cả niềm tin và hy vọng mà buông mình chìm sâu vào dòng chảy của biển đời. Nhưng chúng ta hãy vững tin vì Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ và ra tay cứu giúp, nếu chúng ta biết trông cậy và tha thiết kêu cầu Người như các môn đệ: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!".

 Xin Chúa ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.


Suy niệm 2: Ga 17, 20-26

Tin mừng hôm nay ghi lại những lời cầu nguyện chân thành và tha thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Lời cầu nguyện tha thiết này Chúa Giêsu hướng đến những người tin nhận Chúa cách đặc biệt, với mong muốn họ được hiệp nhất nên một. Bởi hiệp nhất chính là sức mạnh. Có hiệp nhất mới có niềm vui và bình an. Trái lại, sự chia rẽ làm cho cuộc sống trở nên buồn bã, đau khổ và mất sức sống. Hiệp nhất trong cùng một đức tin còn là dấu chứng khả tín cho việc loan báo tin mừng.

Nhưng lời cầu xin của Chúa Giêsu hình như đã bị con người khướt từ bởi tính kiêu căng, tự mãn. Do vậy mà trong GH đã từng xảy ra những cuộc sự chia rẽ đáng tiếc, làm mất đi tinh thần hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính những cuộc chia rẽ ấy đã gây nên những vết thương lòng đau đớn và đã trở nên gương mù, gương xấu trong GH Chúa, nhất là làm mất đi tính khả tin của Tin mừng tình yêu.

Ý thức điều đó, nên hàng năm GH luôn dành một tuần lễ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nhưng để cho Chúa nhậm lời ước nguyện hiệp nhất ấy, trước hết mọi người Kitô hữu chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho mình có được lòng khiêm tốn, bao dung để biết mở lòng đón nhận những khác biệt của nhau; cũng như tích cực cộng tác với nhau thực hiện những giá trị căn bản mà Chúa chỉ dạy, với tinh thần tôn trọng và lòng yêu mến chân thành.

 

Đối với Irênê, tiêu chuẩn hỗ trợ sự hiệp nhất trong hòa bình và tôn trọng các truyền thống khác nhau, đó là quyền kế vị các Tông Đồ, biết rằng quyền này đặc biệt luôn được thực thi trong Giáo Hội Rôma. Nên ngài đã viết: “Có lẽ bản liệt kê sẽ quá dài nếu tính nơi đây những đấng kế vị các Tông Đồ trong các Giáo Hội. Chúng tôi chỉ lưu ý đến Giáo Hội lớn nhất và lâu đời nhất, được mọi người biết đến, đó là Giáo Hội được thành lập tại Rôma bởi hai vị thánh Tông Đồ rất vinh hiển, Phêrô và Phaolô. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng truyền thống mà Giáo hội ấy nhận được từ các Tông Đồ và chân lý đức tin Giáo Hội loan báo cho chư dân, tất cả đều được chuyển giao cho chúng tôi qua quyền kế vị liên tục của các giám mục… do bởi quyền hạn đã được ban cho Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, tất cả các Giáo Hội khác đều phải qui chiếu và tuân theo Giáo Hội (Rôma) này, nghĩa là các giáo hữu ở khắp nơi. Truyền thống các Tông Đồ luôn luôn được gìn giữ trong Giáo Hội Rôma vì lợi ích của mọi người ở mọi nơi” (khảo luận chống Lạc giáo, II,3,1-2). 

Chính bởi các nguyên tắc này mà Irênê đã xứng đáng với tên gọi hiếu hòa và là người xây dựng hòa bình.

Một đặc điểm khác của vị chứng nhân cho đức tin này là quan niệm của thánh nhân về con người. Câu danh ngôn được Bài đọc Kinh sách trích dẫn, đã tóm tắt quan niệm ấy như sau: “Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa” (khảo luận chống Lạc giáo IV). Đối với Hội thánh, điều này xác định chương trình không hề thay đổi của mình là luôn tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin như thể Hội thánh chỉ có “một con tim, một tâm hồn và một miệng lưỡi” (khảo luận chống Lạc giáo I,10,2).

Endo Lodi


Thứ tư: Mt 8, 28-34.

 Tin mừng hôm nay cho biết, tại vùng đất dân ngoại Ghêrasa, đạo binh ma quỷ đang thống trị và dùng mọi thủ đoạn để hãm hại con người.

- Thủ đoạn thứ nhất: Hành hạ thân xác con người.

Khi quỷ đã nhập vào ai thì nó làm cho người ấy phải điêu đứng khổ sở. Hai người bị quỷ ám mà tin mừng hôm nay nói đến đã phải sống cô độc trong đám mồ mả. Trông họ rất dữ tợn và hung ác, khiến cho không ai dám qua lại lối ấy.

- Thủ đoạn thứ hai: Xúi dục con người chống lại Thiên Chúa.

Ngay sau khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi người bị nó ám hại, thì tức khắc ma quỷ quay sang cám dỗ về lòng ham mê của cải nơi con người. Chính lòng say mê của cải mà dân trong vùng ấy chống lại Chúa Giêsu, bằng cách xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Bởi lẽ họ sợ rằng hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất đi tài sản quý giá gì nữa? Vì vậy, họ quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu ra xa họ.

Ngày nay có lẽ ma quỷ ít khi trực tiếp nhập vào con người, làm cho họ phải điêu đứng khổ sở như ngày xưa. Nhưng chúng thường bày ra muôn ngàn cách thế để lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa. Thúc đẩy con người hành động đến mất cả nhân tính như: giết người cướp của; tự do đồng tình luyến ái; nghiện ngập rượu chè, xì ke ma túy, hoang dâm…Để chống lại mưu mô của quỷ dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không ngừng chay tịnh, cầu nguyện nhất là sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết chay tịnh cỏi lòng, chuyên chăm cầu nguyện. Nhất là biết dùng  Lời Chúa như là kim chỉ nam định hướng cuộc sống chúng ta.


29/06: KÍNH TRỌNG THỂ

HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.17-18; Mt 16, 13-19

Suy niệm 1:

- Bài đọc 1: Trích sách Công Vụ Tông đồ, cho thấy sự quan phòng kì diệu của Chúa qua việc Người đã sai sứ thần đến giải thoát thánh Phêrô cách lạ lùng khi ngài đang bị giam giữ trong ngục với nhiều chốt chặn có nhiều lính canh gác.

- Bài đọc 2: Trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi cho ông Timôthê. Qua lá thư này thánh Phaolô xác tín mạnh mẽ: chính vì có Chúa là sức mạnh của mình, nên ngài mới có thể hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại cách tốt đẹp. Giờ đây, ngài chỉ còn trông đợi vòng hoa chiến thắng dành cho người công chính.

- Bài tin mừng hôm nay ghi lại lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô vào thầy Giêsu của mình, với niềm xác tín mạnh mẽ: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, trước câu hỏi thăm dò của Đức Giêsu: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Với câu trả lời ấy phần nào đã làm cho Chúa Giêsu hài lòng vì Phêrô đã trả lời đúng thực với "chức danh" của Ngài và Ngài đã khen ngợi Phêrô. Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn biết rõ con người bình thường của Phêrô vẫn còn nhiều thiếu sót và yếu đuối. Vậy mà Ngài vẫn tin tưởng trao phó cho Phêrô nhiệm vụ cao cả là lãnh đạo GH do Ngài thiết lập.

Nếu thánh Phêrô tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin vào thầy Giêsu là Đức Kitô Con TC hằng sống, và đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình với lời tuyên xưng ấy, thì thánh Phaolô cũng không kém cạnh. Bởi lẽ thánh Phaolô cũng đã xác quyết mạnh mẽ rằng: Cái lợi tuyệt vời nhất trong cuộc đời của ngài chính là được biết Chúa Giêsu và thuộc trọn về Người. Cuộc sống của Phaolô gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu đến nỗi:  "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Với niềm xác tín ấy, thánh nhân cũng đã dấn thân trọn vẹn cho sự vụ loan báo tin mừng của Chúa cho dân ngoại và đã sẵn sàng hy mạng cả mạng sống mình để làm chứng niềm tin.

Việc tuyên xưng ngoài miệng sẽ trở nên mất giá trị và vô nghĩa nếu không sống chết cho những gì mình đã tuyên xưng. Ước gì mỗi chúng ta luôn biết noi gương hai vị thánh tông đồ Phêrô và Phaolô không chỉ tuyên xưng danh Chúa trên môi miệng qua lời Kinh Tin Kính mà còn biết tích cực thực hiện những điều mình tuyên xưng ấy bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, với niềm tin tưởng và phó thác vào tình yêu và sức mạnh của Chúa.


Suy niệm 2:

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng kính lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai ngài là cột trụ Chúa dùng để xây dựng Hội Thánh và loan báo Tin Mừng của Chúa đến tận cùng trái đất.

Thánh Phêrô là người anh cả, luôn đại diện cho các Tông đồ tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô là Tông đồ của các dân ngoại. Nhờ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngài đã đi khắp nơi rao giảng về Đấng đã chịu chết và Phục sinh vì nhân loại, nhờ đó chúng ta được ơn nhận biết Chúa.

Cả hai Vị Thánh đều đã trải qua những kinh nghiệm về tội lỗi và sự yếu đuối của con người, nhưng điều đặc biệt là được chan chứa niềm vui và hạnh phúc vì được Chúa thương xót thứ tha.

Mừng lễ hai thánh Tông Đồ hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Giáo Hội luôn noi gương hai thánh Phêrô và thánh Phaolô biết gắn kết đời mình vào Chúa Giêsu, mạnh mẽ loan báo tin mừng của Chúa cho mọi người bằng đời sống chứng tá yêu thương và hiệp nhất.

Mừng lễ trọng hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trổi vượt và quan trọng trong Hội Thánh. Tuy nhiên cả hai con người ấy đều có một quá khứ lầm lỗi, thiếu sót nhưng hai ngài đã được Chúa biến đổi và đã trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của tòa nhà Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập.

1. Thánh Phêrô.

Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách (x. Mt 14,22; 16,23). Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình (x. Mt 26,69); một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong Đức tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6,68); “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm Mười Hai. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt ba năm trên mọi nẻo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoảng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê, trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis - Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai.” Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính La Mã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì ông càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào ông càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!

2. Thánh Phaolô.

Cũng thế, nơi thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Do Thái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Người đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy Lạp và La Mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

Cũng như Phêrô và Phaolô, chúng ta đều là những con người đầy khiếm khuyết tội lỗi, nhưng Chúa vẫn yêu thương tin tưởng vào tương lai tốt đẹp nơi chúng ta nếu chúng ta biết noi gương hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô can đảm khép lại quá khứ mà hướng đến tương lai trong khiêm tốn, tin tưởng, yêu mến và cậy trông vào sức mạnh và tình thương của Chúa.

Ước gì mỗi chúng ta đừng bao giờ thất vọng về những lầm lỗi thiếu sót của mình. Nhưng qua đó chúng ta nhận ra được tình thương lòng bao dung tha thứ của Chúa mà cố gắng biến đổi đời sống mỗi ngày nên hoàn thiện hơn theo thánh ý của Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể chu toàn ơn gọi và sứ mạng sống chứng nhân và loan báo Tin mừng tình thương của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. (St)

 

Thứ năm: Mt 9, 1-8.

 Cuộc đời của người bất toại được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Chúa Giêsu. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu của anh ta lại gặp rất nhiều cản trở:

- Cản trở do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt khiến anh không thể tự thân đến gặp gỡ Chúa Giêsu được, cho dẫu anh ta rất muốn.

- Cản trở vì khoảng cách địa lý: chắc chắn khoảng đường từ nhà người bất toại đến với Chúa Giêsu sẽ không ngắn nên đòi hỏi anh và những người khiên anh phải hy sinh vất vả để vượt qua.

- Cản trở do đám đông: cuối đoạn tin mừng có nói đến dân chúng bao quanh Chúa Giêsu. Để đưa được người bất toại đến được trước mặt Chúa Giêsu, đòi hỏi những người khiên anh ta phải vất vả lắm mới chen lấn qua khỏi đám đông được. 

Nhưng mọi cản trở ấy được dẹp bỏ nhờ và tình thương lớn lao và sự hy sinh cao cả của những người thân anh. Họ đã đưa anh lên chõng và cùng nhau khiêng anh đến với Chúa. Chính vì tin tưởng vào uy quyền của Chúa Giêsu, nhất là tình thương mà họ dành cho người bại liệt, đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi rào cản. Nhờ đó mới có thể đưa được người bất toại đến được với Chúa Giêsu và được Người thương cứu chữa.

Tuy nhiên để cứu chữa cho người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, chính Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Mặc dù họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu biết rõ trong thâm tâm họ đã có sẵn một bản án tử dành cho Người khi Người nói lời tha tội cho người bị bại liệt “ Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.

Tha tội là đặt quyền của TC, nên khi Đức Giêsu nói lời tha tội là Người đã đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Điều này đã vi phạm vào khung luật tử hình. Tuy nhiên với sức mạnh của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ, và luật lệ vô hồn để thực hiện giới luật tình yêu bằng cách thể hiện quyền năng TC mà cứu chữa tâm hồn và thể xác cho người bất toại.

Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà đến với Chúa với lòng tin tưởng để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây nên. Nhất là xin cho chúng ta cũng biết yêu thương giúp đỡ những ai đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn có cơ hội vượt qua mọi rào cản mà đến gặp gỡ Chúa với hy vọng được Chúa chữa lành, nhờ đó cũng họ cảm nhận được Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của Chúa.

 

Thứ sáu: Mt 9, 9-13.

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi làm môn đệ Chúa và sẵn lòng đồng bàn ăn uống với tội nhân. Sự kiện này minh chứng mạnh mẽ lời xác quyết của Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”  

Xin cho chúng ta cũng có cái nhìn tích cực và bao dung với mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi. Đồng thời cũng cho chúng ta biết can đảm từ bỏ tội lỗi mình để xứng đáng bước theo Chúa trong đời sống mới.

Ông Lêvi được xem là người tội lỗi công khai, đáng sợ đối với những người Do Thái bấy giờ, bởi vì: Những người thu thuế thường lạm dụng quyền hành để đánh thuế cao hơn theo luật định nhằm làm giàu cho bản thân mình. Người thu thuế cũng bị coi là người trực tiếp cộng tác với ngoại bang bóc lột trên xương máu đồng bào mình.

Đọc tin mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với hạng gái điếm. Chính vì thế mà ai ai cũng cái nhìn ác cảm, khinh bỉ đối với những người làm nghề thu thuế. Nhưng Chúa Giêsu lại có cái nhìn khác về họ. Chúa không nhìn họ làm nghề gì? xem họ thuộc băng nhóm nào? chơi với ai? Nhưng trên hết Chúa có cái bao dung và yêu thương.

Chính cái nhìn đầy yêu thương, cộng với lời mời gọi tin tưởng của Chúa Giêsu mà Lêvi đáp lời bằng cách dứt khoát từ bỏ cái nghề gặt hái ra tiền là nguồn thu lợi béo bỡ ấy để đi theo Chúa. “Tình yêu vẫy gọi tình yêu”, Lêvi đã không chỉ dứt khoát bỏ nghề nghiệp mà ông còn chấp nhận bỏ chỗ ở an toàn, êm ấm quen thuộc để dấn thân vào con đường tình yêu. Yêu Chúa bằng từ bỏ tất cả để theo, yêu bạn bè đồng nghiệp bằng việc tạo điều kiện để anh em mình cũng được gặp gỡ Chúa với hy vọng họ cũng được biến đổi nhờ cảm nhận được sức hút tình yêu và lòng bao dung của Thầy Giêsu.

Chính trong khung cảnh vui mừng của bàn tiệc cùng với những người thu thuế và tội lỗi, đã làm cho những người Pharisêu tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu lại bất ngờ tuyên bố sứ mạng làm kinh ngạc mọi người: “người lành mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

Xin Chúa thương chữa lành hết mọi bệnh tật tâm hồn chúng con, là những tính hư nết xấu và tội lỗi và giúp chúng con biết tích cực đáp lại tình thương của Chúa mà biến đổi đời sống sao cho phù hợp với tin mừng tình thương; hầu xứng danh là môn đệ của Chúa.

 

Suy niệm 2:

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,21).

Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Người không nỡ bẻ gãy cây lau bị giập, không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét. Chúa yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Sứ mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian là để “Tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất“. Vì thế, cho dù Lêvi là người tội lỗi nhưng Ngài đã không chê bỏ, trái lại tìm đến và kêu gọi ông đứng lên theo Ngài. Ông đã lập tức đáp lời bằng cách bỏ lại tất cả sự nghiệp và tiền bạc cũng như tình thân mà không hề luyến tiếc để dấn bước theo Ngài.

Trong mọi hoàn cảnh hãy nhớ rằng Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết tròn trịa trên cuộc đời ta. Trái lại Chúa luôn mở lối thoát cho ta bằng nhiều phương cách: ánh sáng lời Chúa hướng dẫn, các bí tích nâng đỡ thanh luyện; anh em, bạn bè và bề trên chia sẻ, nhắc bảo... Ngay cả những biến cố đau thương Chúa cho phép xảy ra để thức tỉnh ta.

Đứng trước tình thương bao la của Chúa, chúng ta hãy mở lòng cảm nhận mà oán cải và đừng bao giờ tỏ ra thái độ khinh thường, lên án anh chị em mình khi họ mắc phải lỡ lầm. Trái lại, xin cho chúng ta luôn biết cảm thương, cầu nguyện và tận tâm giúp đỡ để họ đủ sức đứng dậy, đổi mới mỗi khi vấp ngả trên đường đời. Amen.


Thứ Bảy: Mt 9, 14-17.

Nhân cơ hội giải thích cho những người Pharisêu lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.

Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu.

Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Người chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại. Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể)  đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.

Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Người.

Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.

Xin cho chúng ta biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...