SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Lm. Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN C
Is 66,10-14c; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-12.17-20
Suy niệm 1: BỔN PHẬN LOAN BÁO TIN MỪNG CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU.
Bản chất của Hội Thánh lữ hành là truyền
giáo hay loan báo Tin mừng. Hội Thánh sẽ không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không thi hành sứ vụ LBTM.
Chính Chúa Giê-su, trước khi về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng LBTM lại cho Hội Thánh, mà đại diện là các Tông Đồ, khi phán bảo:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng.” (Mc 16,15).
Nhưng không phải đợi đến khi Chúa
Giêsu về trời, Người mới trao sứ mạng này lại cho các Tông Đồ, mà ngay trong
khi còn ở tại thế, Người cũng đã từng sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin
Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật
lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ
loan báo Tin Mừng, Chúa muốn các ngài phải tin tưởng cây trông vào Chúa, phải biết đặt hết mối ưu tư truyền giáo lên
hàng đầu, nên đừng quá bận tâm đến những chuyện tiền bạc, vật chất, khi truyền dạy: “Đừng
mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”.
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, Hội Thánh đã không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ ít ỏi, đến nay, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên khắp cùng thế giới. Tuy nhiên số người tin Chúa và đón nhận tin mừng cứu độ vẫn còn rất ít. Chỉ khoảng 1,3 tỉ người Công giáo trên khoảng 7 tỉ người trên thế giới. Việt Nam khoảng 90 triệu dân nhưng người công giáo chỉ chiếm tỉ lệ 7%. Riêng GP Cần Thơ tỉ lệ người Công giáo rất thấp chỉ khoảng 3,4%. Vì thế Hội Thánh mong muốn con cái của mình cần phải thao thức và hành động cho sứ mạng LBTM cao cả này.
Đừng bao giờ cho rằng sứ vụ LBTM là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải như
thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3
chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ,
mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống
của mình.
Mục đích truyền giáo là giới
thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa sống theo tin mừng mà đón
nhận được ơn cứu độ. Vì thế chúng ta cần phải trang bị cho mình những phương thế cần thiết:
- Là một tín hữu bình thường,
chúng ta phải có sự hiểu biết sâu
xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và thánh kinh.
Vì làm sao ta có thể giới thiệu người này cho người kia được, nếu ta không hiểu
biết rõ về người ta muốn giới thiệu.
- Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng về Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Đừng để đời sống của chúng ta trở thành phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi miệng. Bởi lẽ “ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần”.
- Vậy trước tiên chúng
ta hãy can đảm tuyên xưng mình
là người tin theo Chúa, chớ vì những lợi ích vật chất làm ta phải chối bỏ
niềm tin của mình.
- Tiếp theo, chúng ta cần
phải can đảm sống cho những giá trị
Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…, cho dẫu đôi lúc vì những
giá trị này làm cho chúng ta phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, hiểu lầm.
- Cuối cùng, chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo, nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Do đó mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư cho việc truyền giáo. Thao thức ưu tư thôi chưa đủ, Chúa còn muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người.
Lạy Chúa, Chúa đã từng khắc khoải mà thốt lên: “Lúa chín đầy đồng lại thiếu thợ gặt”, Chúa muốn mỗi người chúng con hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm, lòng hăng say để giới thiệu Chúa cho những người sống và làm việc chung với chúng con, bằng chính đời sống chứng tá. Xin cũng cho chúng con biết tích cực cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng, sức lực của mình với lòng yêu mến Chúa và luôn xem đó như là công việc “sống còn” của Gíao hội. Amen.
Suy niệm 2:
Hội thánh là một Thân thể huyền nhiệm, gồm có Chúa Giêsu là Đầu và mỗi
một tín hữu là một chi thể trong Thân thể mầu nhiệm. Do đó, bất cứ ai là chi
thể của Chúa Giêsu đều phải tham gia vào sứ mạng cao quý, trọng đại nầy.
Chính vì thế, trước hết, Chúa Giê-su tuyển chọn 12 Tông đồ; sau đó, Ngài chọn
72 môn đệ khác và sai các ngài ra đi loan báo Tin mừng.
Trong thế kỷ 21 này, Ngài tuyển chọn thêm nhiều môn đệ khác, trong số đó
phải kể đến khoảng 1,3 tỉ người Công Giáo tham gia vào công
việc loan Tin mừng cho hơn 7 tỷ người trên thế giới.
Xưa kia, khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, Chúa Giêsu căn
dặn các ông rằng : "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh
em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về." Lời căn dặn nầy hôm
nay cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta. Đáp lời Chúa mời gọi, chúng ta hãy năng cầu xin để có thêm nhiều thợ gặt, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ
cầu cho ai đi làm thợ gặt đây?
Phải chăng khi cầu xin cho được bình an, sức khoẻ và may mắn… thì chúng ta cầu cho bản thân mình trước; còn khi cầu cho có người làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa, thì chúng ta xin Chúa ban ơn đó cho những người khác, ngoại trừ ta! Tuy nhiên, dù muốn dù không thì chúng ta cũng đã là thợ gặt chính danh ngay từ khi được lãnh Bí tích Thánh tẩy. Nhờ Bí tích nầy, chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giêsu và được thông dự vào chức vụ ngôn sứ, tức sứ vụ loan Tin mừng của Ngài. Vậy thì loan báo Tin mừng là trách nhiệm của chúng ta, của từng chi thể Chúa Giêsu, không thể thoái thác được, trừ phi chúng ta tự tách lìa mình khỏi Thân thể Chúa.
Vậy ta loan báo tin mừng bằng cách nào?
Không ai có thể cho điều mình không có. Vì thế, người đi loan báo Tin mừng cho người khác
không thể thiếu thốn Tin mừng. Tiếc
thay, nhiều tín hữu tong chúng ta còn ‘nghèo thiếu’ Tin mừng, vì không
chịu đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa dạy hằng ngày, chưa khám phá kho tàng khôn
ngoan chứa đựng trong đó và đời sống chưa thấm đẫm Tin mừng!
Nếu Tin mừng của Chúa Giê-su chưa sáng lên trong cuộc đời ta, chưa bừng
cháy trong tim ta… thì làm sao chúng ta có thể đem lửa ấy thắp lên cho người
khác được? Thế nên, việc quan trọng nhất là chúng ta phải đọc, học và suy niệm và sống giá trị Tin mừng hằng ngày, rồi mới có thể
ban tặng cho người khác được.
Ở Pê-ru có một loại cây rất ngộ nghĩnh, người bản xứ gọi nó
là “cây làm mưa”. Lá nó hút hơi nước trong không khí, rồi nhỏ xuống như những
giọt sương mai. Vì thế, chung quanh nó mặt đất lúc nào cũng ẩm ướt. Và trời
càng nóng, thì nó càng nhỏ xuống nhiều nước.
Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên như một cây làm mưa hữu
ích cho tha nhân chung quanh đang khô khan nguội lạnh. Bằng đời sống đạo đức,
chúng ta sẽ hút lấy ân sủng của Chúa, rồi bằng những hành động bác ái, chúng ta
gieo ân sủng ấy cho tha nhân chung quanh đang cần được trợ giúp.
Chúa Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra với các môn đệ và
phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,
21). Thế là từ hôm đó, Chúa chuyển giao trọn vẹn sứ mạng loan báo Tin mừng mà
Chúa nhận lãnh từ Chúa Cha cho các môn đệ, cũng như cho chúng ta là những chi thể trong Thân mình của Chúa.
Xin cho chúng con luôn ý thức sứ mạng thiêng liêng cao cả Chúa trao và ra công gắng sức thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, để muôn người khắp nơi được đón nhận Tin mừng và ơn cứu độ của Chúa. Amen. (St)
Thứ hai: Mt 9, 18-26
Tình thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết
mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón
nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Tin mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu
cứu sống con gái của vị Thủ lãnh và chữa lành người đàn bà bị băng
huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẽ của họ.
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con
người. Nhờ tin mà cô con gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm
được cứu chữa. Đức Tin đem đến cho con người niềm hy vọng:
- Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh
và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến Chúa
Giêsu.
- Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã
không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông.
- Hy vọng ở Chúa, người đàn bà bị
băng huyết đã can đảm chạm đến gấu áo Chúa .
Nhờ lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà
cô con gái ông được Chúa cứu sống. Nhờ lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo
mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa chữa lành.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng "vào", "nơi" và "ở" Chúa,
trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Dẫu rằng con cái là món quà quý giá và là kho báu vô
tận đối với cha mẹ. Trong mắt cha mẹ, con cái là tất cả. Mất con cái là mất tất
cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên Thủ lãnh lại có được niềm tin
vào Chúa Giêsu.
Bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh của con người, bởi lẽ bệnh
tật làm cho con người trở nên đau khổ, chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc
gặp phải đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà lại có được niềm tin đơn sơ,
âm thầm nhưng hết sức mạnh mẽ nơi Chúa Giêsu. Như thế sau khi được trui
rèn qua những thử thách đau thương thì đức tin của họ được kiên vững hơn.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta
cũng phải đối diện với bao là thử thách. Trong mọi thử thách, chúng ta cần nhìn
về phía bên kia để nhận ra điều Chúa muốn nơi ta. Xin cho chúng ta luôn kiên
vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ thể hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh
và người đàn bà bị băng huyết.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng
lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn "đức Tin". Chắc chắn đức tin
chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng đức tin cho
chúng ta. Amen.
Thứ ba: Mt 9, 32-38
Theo thống kê của hãng tin Fides đăng
ngày 23/10/2016 thì tính đến ngày 31/12/2014, người Công giáo
chỉ chiếm 17,77% trên toàn thế giới. Châu Á dừng lại ở mức 3,24%. Còn theo báo
cáo của HĐGM VN năm 2018 thì đất nước Việt Nam là 8 %. Cách riêng Giáo Phận Cần
Thơ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 3,74 %. Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao
la. Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là nhu cầu khẩn thiết và phải là ưu tư số một
của Giáo Hội, của Giáo Phận và cũng là của từng người tín hữu chúng ta.
Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao
giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này
chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố nhờ bí tích thêm
sức. Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một vài
cách thức:
- Hãy nên giống Chúa: biết "chạnh lòng
thương" đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi....
- Hãy nghe theo lời Chúa dạy: cầu xin với Chúa, chủ
mùa gặt; vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa
mà thôi, chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó. Cầu xin cho có
nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho việc truyền giáo; đồng
thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết tích cực góp công sức,
thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc truyền giáo.
- Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa: mỗi kitô hữu phải
có một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác; vì như
Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Người thời nay không thích
những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. Chúng ta chỉ có thể truyền giáo hiệu quả
qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người theo tinh thần bác ái của Tin mừng.
Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình biết nghe
lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong cung
cách sống yêu thương. Nhờ đó, ta mới có thể minh chứng cụ thể niềm tin
và lòng yêu mến Chúa cho người khác.
Thứ tư: Mt 10, 1-7
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những
đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là
đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách
thế đó, trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và
sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta
đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo
Tin mừng.
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã
nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao
phương cách, từ bên trong (tham, sân, si; hỉ, nộ, ái, ố), cũng như bên ngoài
(những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu…) đã len lỏi và thấm nhập
cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi. Nên cần lắm
cuộc canh tân mạnh mẽ để đổi mới cái nhìn, làm lành mạnh hóa tâm hồn
và đời sống; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới môi trường và những người
chung quanh theo tinh thần phúc âm. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong
gia đình, trong xóm làng và nơi Họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để
đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống. và xin
Chúa cũng cho chúng ta biết ý thức mình là những con người tài hèn sức mọn
nên Chúa không đòi buộc chúng ta phải ra đi loan báo tin mừng ở những nơi xa
xôi, mà Chúa muốn chúng ta biết tích cực gieo vãi tình thương và bình an của
Chúa cho những người gần gủi chúng ta. Vậy chúng ta hãy luôn tích cực thực thi
lời dạy của Chúa. Amen.
Thứ năm: Mt 10, 7-15
Bài tin mừng hôm qua trình thuật lại sự kiện Chúa
Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai, và sai các ông đi rao giảng. Còn bài tin mừng
hôm nay, Chúa Giêsu lại phác họa cho biết khi thi hành sứ vụ rao giảng tin mừng, người môn
đệ cần phải trang bị cho mình những gì?
- Về khả năng: Người môn đệ phải biết an ủi, khả năng chữa bệnh; phục hồi kẻ chết sống lại; khử trừ ma quỷ; đem lại bình an cho mọi người.
- Về hành trang: Cần có cuộc sống đơn
giản, không bám víu vào của cải vật chất…, bởi những thứ ấy có Chúa lo liệu: “vì
thợ thì đáng được nuôi ăn”. Sở dĩ, người môn đệ phải sống siêu thoát như
thế là để tín thác vào Chúa và tập trung cho việc loan báo Nước Trời.
Chúa Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó ấy, khi
nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa
đầu". Cũng vậy, người môn đệ của Chúa cũng không có một thứ vật chất nào bảo
đảm chắc chắn, ngay cả chỗ tựa đầu. Họ đi tới đâu cũng là nhà, và mọi người
đều là anh em của họ.
Sống tinh thần siêu thoát không màng đến tiền bạc, của cải, danh lợi …xem ra rất khó, thậm chí còn là một
thách đố cho người môn đệ. Bởi vì, những thứ ấy là nhu cầu gắn liền với cuộc
sống con người. Có nó, con người sẽ cảm thấy sảng khoái, dễ chịu và cuộc sống trở nên thú vị hơn. Thấy trước được mối nguy hiểm đó,
Chúa Giêsu đã đưa ra những hành trang cụ thể cho người môn đệ: "không
vàng bạc, không tiền giắt lưng, không bao bị, không giày dép, cũng như không
mặc hai áo." Bởi Chúa biết nếu quá chú trọng vào của cải vật chất, người môn đệ sẽ dần đánh mất đi
căn tính của sứ giả tin mừng Nước Trời.
Thật hạnh phúc khi đâu đó có những người môn đệ đích
thực của Chúa Giêsu, họ sống đúng với căn tính của mình, dám hy sinh tất cả để
chỉ dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Nhưng cũng nhói lòng, vì vẫn còn đó
những hình dáng của những môn đệ Chúa chỉ thích vun vén tiền bạc của cải cho bản thân mà không dàm chia
sẻ cho cộng đoàn, thích tìm kiếm tiện nghi vật chất để hưởng thụ mà ít quan tâm
cho sứ vụ loan báo Tin mừng. Chắc chắn trong mọi thời đại, Chúa và GH luôn mong
muốn có những người môn đệ thật giàu có về đời sống tinh thần: đức tin, lòng
mến, bác ái…, vì chỉ khi được đong đầy những thứ ấy, thì người
môn đệ Chúa mới có thể sẵn sàng chia sẻ cho người khác về niềm vui tin mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin mặc cho con chiếc áo của người
nghèo để con cảm nhận được sự thiếu thốn và đồng cảm với những người nghèo khổ.
Xin Chúa đừng để con bị cuốn hút vào sức mạnh của ma lực của đồng tiền, của
những quyến rũ của vật chất và danh vọng, nhưng hãy ban cho con lòng trung tín
với Chúa. Chính khi đó con mới có thể toàn tâm toàn ý hy sinh phục vụ cho sứ
mạng loan báo niềm vui của Tin Mừng của Chúa cho tha nhân.
Thứ sáu: Mt 10, 16-23
Chúa Giêsu đã chọn con đường thập giá để loan tin mừng cứu độ cho nhân loại. Nên người môn đệ của Chúa cũng sẽ không chọn con đường nào khác để đi khi tiếp nối sứ vụ loan báo tin mừng cứu độ. Vì thế mà tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết trước về những
cuộc bách hại các ông sẽ gặp phải khi thi hành sứ vụ rao giảng tin
mừng. Các ông sẽ bị tố cáo, bị đánh đập, bị thù ghét, bị phản bội… vì danh Chúa
Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng trấn an các môn đệ là “đừng sợ!”,
vì có Chúa Thánh Thần luôn hiệp hành để che chở và hướng dẫn. Hơn thế nữa, cho dẫu thân
xác có bị người đời giết đi, nhưng nếu trung tín đến cùng, chắc chắn các ông sẽ được Thiên Chúa ban thường.
Chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu gièm pha và phản
đối bởi những người thân và dân làng của mình; nhất là bị các lãnh đạo Do Thái
chống đối quyết liệt đến nỗi họ còn kết án tử và đóng đinh Người vào thập giá
cách bất công. Nhưng Chúa Giêsu vẫn trung thành sứ mạng cứu độ do Chúa Cha trao
phó đến cùng, nên Người đã được phục sinh vinh thắng khải hoàn.
Người môn đệ khi đi theo và gắn kết đời mình với Chúa
Giêsu trong sứ vụ làm chứng cho Tin mừng, chắc chắn cũng sẽ phải trãi qua
cuộc sống đầy cam go thử thách giống như Chúa Giêsu: bị chống đối, bị bắt bớ,
bị đánh đập, bị bỏ tù…, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình vì danh Chúa Giêsu.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã minh chứng điều đó và các ngài đã được Thiên Chúa
ân thưởng vinh phúc nước trời.
Đáng buồn thay, ngày nay vẫn còn đó không ít người Kitô
hữu không dám sống chết vì danh thánh Thiên Chúa. Họ có thể bỏ đi lễ chứ không
bỏ nhậu; lo kiếm tiền chứ không lo kiếm Chúa. Họ có thể vui chơi vài giờ, vài
ngày nhưng lại ngại đi lễ trong vòng một giờ hoặc hai giờ. Họ có thể bỏ tiền mua sắm
đầy đủ tiện nghi vật chất trong nhà, nhưng lại ngại góp phần cho công cuộc truyền
giáo. Thay vì tích cực giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giêsu giàu lòng thương
xót, họ lại đi giới thiệu khuôn mặt của Đức Kitô méo mó. Thay vì quảng bá
cuộc sống kitô hữu thánh thiện, công bằng và huynh đệ thì họ lại loan truyền
những việc làm bất công, tham lam và ăn thua đủ của người tín hữu. Đâu đó ta
vẫn còn nhận ra bóng dáng của ai đó vì sợ mất việc, mất chức, mất quyền… mà sẵn
sàng chối bỏ Thiên Chúa và niềm tin của mình.
Lạy Chúa, sống niềm tin và làm chứng cho Chúa là trách
nhiệm và bổn phận của chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống, chúng con dám sống chết vì danh Chúa, luôn can trường
trong mọi thử thách để loan báo Tin mừng.
Thứ bảy: Mt 10, 24-33
Bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu tiếp tục ghi lại
những lời trấn an của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi phải đối mặt với những
cuộc bách hại do quyền lực thế gian gây nên.
Với những lời trấn an này của Chúa Giêsu, chắc chắn
tương lai các môn đệ sẽ không tránh khỏi những cuộc bách hại tàn khốc. Nhưng
hãy tin chắc rằng: Thiên Chúa sẽ nhìn thấy hết mọi sự, sẽ quang phòng và an bài
cách tốt nhất cho các môn đệ. Do đó các môn đệ hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin
vào Đức Giêsu.
- Xưng là làm chứng công khai, bằng lời nói cũng như hành
động của mình vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Thiên Chúa. Rồi sẵn sàng liên
kết số phận của mình vào số phận Đức Giêsu, dầu phải đổ máu.
- Chối là nói tôi không biết Người, nên không bao giờ
chấp nhận liên đới cuộc đời mình vào số phận của Chúa Giêsu.
Xưng hay chối sẽ đưa đến hậu quả khác nhau. Những ai
xưng Người thì Người sẽ thừa nhận họ là người nhà trước mặt Chúa Cha; còn những
ai chối Người thì Người cũng sẽ chối họ trước mặt Chúa Cha: “tôi không biết
các ông”.
Ông Giuđa Ítcariốt và Phêrô đều đã chối Chúa, nhưng
lại có kết quả khác nhau. Ông Giuđa không biết ăn năn, không tin vào lòng
thương xót của Thiên Chúa nên hư mất. Còn ông Phêrô đã được tha thứ và được ban
thưởng vinh phúc nước trời, vì ngài biết ăn năn hối cải.
Thiên Chúa không ép buộc ai cả, nhưng luôn để cho con
người tự do chọn lựa. Chọn lựa đúng thì được đón nhận phần thưởng, chọn lựa sai
thì phải nhận lấy hình phạt.
Lạy Chúa Giêsu, ơn đức tin thật là cần thiết cho chúng
con, chỉ có đức tin mạnh mới đủ can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa trước mọi
thử thách, trước những cám dỗ của thế gian.
Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để suốt cuộc đời
này chúng con không bao giờ lìa xa Chúa, không bao giờ chối bỏ Chúa trước những
lời mời gọi thấp hèn, nhưng luôn tin tưởng và tín thác tuyệt đối vào quyền năng
và tình thương của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét