Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN C

KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

Suy niệm 1:

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua, là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Phụng vụ lời Chúa mời gọi chúng ta hướng về Đức Kitô, Vua vũ trụ quyền năng nhưng cũng giàu lòng nhân ái. Vì yêu thương và để cứu độ chúng ta, Ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì chúng ta như chính Người đã xác quyết: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28). Dẫu Ngài là một vị Vua trên các vua, Chúa trên các chúa, nhưng Ngài lại muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, qua đó Ngài đồng thân đồng phận và đồng tử với chúng ta để chúng ta “được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).

Xin cho tất cả chúng ta là con dân của Người biết yêu mến và đón nhận Người vào cõi lòng mình. Sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn của Vua Giêsu mà sống yêu thương, hiệp nhất và tận tâm hy sinh phục vụ lẫn nhau trong tinh thần khiêm tốn chân thành.

Với những ý nghĩa và tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng nhau sốt sắng bước vào hiệp dâng thánh lễ tạ ơn suy tôn Chúa Kitô là vua vũ trụ và cõi lòng của mỗi chúng ta.

Ước muốn của người kitô hữu chúng ta là gì, nếu không phải là được hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp? Nhưng làm thế nào để đạt được điều mà chúng ta hằng mong ước đó? Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ dạy chúng ta.

Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúa Giêsu đi vào trần gian không chỉ thể hiện tình yêu qua việc giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh tật,…mà còn vạch ra cho chúng ta con đường tình yêu qua cái “chết cho người mình yêu”, để rồi mời gọi tất cả những ai muốn vào nước trời phải đi vào con đường tình đó: “Yêu như Chúa yêu.”

Sở dĩ chúng ta phải yêu thương mọi người vì: 1 tất cả đều do Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa. 2 Mọi người đều được Chúa Giêsu đổ máu để cứu chuộc. 3 Chính Chúa Giêsu cũng đồng hoá Người với tất cả những ai bé nhỏ nghèo hèn nữa. Do vậy ai giúp người, nhất là người nghèo khổ chính là giúp Chúa.

Chúng ta thường hay phân biệt hai loại nghèo: 1nghèo mà dễ thương là những người chí thú lo làm ăn lương thiện, nhưng vì hoàn cảnh nào đó họ không khá lên được. 2 Loại nghèo khó thương, là những ai suốt ngày chỉ lo cờ bạc, rượu chè, gian tham, lười biếng không lo làm nên sinh nghèo. Loại nghèo này đáng phải trừng phạt và loại trừ mới đáng. Tuy nhiên với cái nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác. Loại nghèo xem ra khó thương, thì đó lại là loại nghèo đáng thương trước mặt Chúa, vì họ không chỉ nghèo vật chất mà nghèo cả tinh thần và kiến thức. Do đó họ đáng cần được yêu thương và giúp đỡ.

Mỗi người đều được Chúa kêu mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Do đó dù con người có xấu xa, tội lỗi như thế nào đi nữa thì họ cũng là đối tượng được Chúa yêu thương và tôn trọng, nên chúng ta không có quyền loại trừ.

Nhưng ta phải làm gì để nói lên tình yêu dành cho tha nhân?

Bài tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta ý thức nổ lực thực hành sống 14  mối yêu người.

- Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệc cùng kẻ tù đày, cho khách đổ nhờ, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết…

- Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Sống được như thế là chúng ta đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho ngày Con Người đến trong vinh quang. Chắc chắn ngày ấy chúng ta sẽ đứng bên phải, thuộc hạng chiên ngoan, xứng đáng được Chúa chúc phúc và thưởng vương quốc mà Người đã dọn sẵn cho.

Xin cho chúng ta biết sống tình bác ái với tha nhân bằng cái nhìn ngay chính và trong sáng, bằng nụ cười chân thành quý mến, bằng đôi chân thanh thoát ra đi đến với tha nhân, bằng đôi tay sẵn sàng mở rộng để chia sẻ với những ai nghèo khổ. Nhờ thế chúng ta mới nên giống đức Giêsu vua Tình Yêu và xứng đáng được Chúa mời gọi vào vương quốc của Người hưởng trọn niềm vui. 

 

Suy niệm 2: CHÚA KITÔ VUA TÌNH YÊU

Hôm nay Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu, Vua vũ trụ đầy uy nghiêm nhưng cũng rất giàu tình thương trong xét xử muôn loài.

Xin cho chúng ta biết tôn kính mến yêu vua Giêsu. Luôn biết đặt Ngài làm Vua cai trị cỏi lòng chúng ta và sống theo sự hướng dẫn của Ngài, đó là tích cực thực thi luật điều bác ái do Ngài chỉ dạy. Nhờ thế ta mới xứng danh là công dân sống trong vương quốc tình yêu của Ngài.

Tin mừng hôm nay vén mở quang cảnh trang nghiêm trong ngày phán xét của Thiên Chúa. Ngày ấy, Đức Giêsu là Vua vũ trụ sẽ ngự đến trong vinh quang, ngồi trên ngôi vinh hiển để xét xử muôn dân nước. Và mọi dân nước khắp cùng trái đất từ con người đầu tiên là Ađam và Eva cho đến người cuối cùng sẽ phải quy tụ lại trước mặt Người để lắng nghe Ngài phán xét.

Nhưng để biết được tiêu chí nào Vua Kitô dựa vào để phân xử, thì trước hết chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về ý nghĩa của từ “Vua”.

Theo Hán-Nôm nguồn gốc của từ “Vua” phát xuất từ chữ “Vương” viết theo lối tượng hình bao gồm hai bộ:

Bộ tam: gồm 3 nét thẳng nằm ngang, tượng trưng cho trời, đất và nhân, được gọi là tam tài (nghĩa là 3 gia tài hay tài nguyên quan trọng nhất trong vũ trụ này).

Bộ nhất: gồm một nét thẳng nằm giữa kết nối 3 nét ngang lại với nhau thành một.

Như thế chữ “Vương” tượng trưng cho sự hòa hợp giữa trời đất và con người. Là điểm trung tâm nối kết giữa trời-đất; giữa TC và con người, giữa vũ trụ vạn vật lại với nhau trong Chúa.

Khi phân tích như vậy chúng ta mới nhận ra rằng chỉ có Chúa Giêsu mới thật sự là vị Vua đúng nghĩa, bởi Người là đấng trung gian duy nhất nối kết giữa trời và đất, giữa TC và con người trong toàn cõi vũ trụ này.

Vì là Vua nên Ngài mới xưng mình là người lãnh đạo trong vai trò Mục Tử. Bởi Người luôn yêu thương, chăm sóc và dẫn đưa đòan chiên đến đồng cỏ xanh, suối mát trong lành và sẵn sành hy sinh mạnh sống mình bảo vệ đàn chiên được sống và sống dồi dào.

Vì là Vua nên Ngài mới có quyền công bố hiến chương nước trời và đưa ra những luật lệ đúng đắn để hướng dẫn con dân trong toàn cõi thiên hạ.

Vì là Vua thánh thiện và công minh nên Ngài mới có quyền đứng ra xét xử muôn dân nước thiên hạ.

Khác với những vị vua ở trần gian chỉ tạm thời lãnh đạo và hướng dẫn con dân trong một thời gian nhất định theo kì hạn trong triều đại của mình.

Khác với vị vua trần gian còn nhiều khiếm khuyết bản thân và khiếm khuyết trong điều hành, hướng dẫn, chăm sóc... Đức Giêsu mới thật là Vua vũ trụ, vì thế mà vương quyền và triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận, từ khởi nguyên cho đến tận cùng, bởi vì Ngài là Alpha và Omega.

Khác với những vị vua trần gian Ngài là vị vua đầy quyền năng trên sự sống thể xác và linh hồn con người. Tuy là vị vua quyền năng, thánh thiện, công minh nhưng Ngài lại giàu tình thương và nhân ái. Do đó tiêu chí xét xử của Vua Kitô không dựa vào của cải vật chất, không dựa trên tiền bạc danh vọng, không dựa vào chức cao quyền trọng, nhưng lại dựa vào luật yêu thương ngang qua những việc làm bác ái mà ta đã làm hay không làm cho tha nhân, nhất là cho những anh em bé nhỏ nhất trong cuộc sống trần gian này. Nên thật vô phúc cho những ai đã không tích cực thi hành việc bác ái cho tha nhân. Số phận của những người đó sẽ bị tách biệt khỏi những người lành thánh, phải ra đứng bên trái của Vua Giêsu và bị luận phạt chung số phận với bè lũ gian ác, đồng án phạt với ma quỷ...

* Kể chuyện về cọng hành…

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết tuân theo giới luật tình yêu mà Vua Giêsu đã sống và dạy bảo chúng ta, mà tích cực hy sinh phục vụ tha nhân trong tình bác ái chân thành. Biết tôn thờ Vua tình yêu và biết lấy tình thương làm lẽ sống mà ăn ở, cư xử với nhau trong tình anh em con cùng một Cha trên trời. Amen.

 

Suy niệm 3:

Điều kiện nào để ta được Chúa ban thưởng nước trời? Và tiêu chí gì làm cho ta được vui mừng trong ngày Chúa phán xét? Đó là hai điều mà Tin mừng hôm nay muốn nói đến.  Xin cho chúng ta biết để tâm lắng nghe và thi hành những điều Chúa dạy, nhờ đó ta mới đạt được những điều tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.

Tin mừng hôm nay vén mở quang cảnh trang nghiêm trong ngày phán xét của Thiên Chúa. Ngày ấy, Đức Giêsu sẽ là Vua ngự đến trong vinh quang để xét xử muôn dân. Ngày ấy muôn dân sẽ được tập họp hai bên tả hữu trước mặt Vua Giêsu để nghe xét xử và phán quyết.

Tiêu chí xét xử trong ngày đó sẽ không dựa trên chức quyền, giàu sang, kiến thức, màu da chủng tộc hay tôn giáo…nhưng Vua Giêsu chỉ căn cứ trên tiêu chí duy nhất đó là việc làm bác ái dành cho những người bé nhỏ và nghèo khổ. Bởi những người này là hiện thân của Chúa Giêsu. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa Giêsu.

Phần thưởng mà Vua Giêsu dành cho họ là được đến với Người và lãnh lấy phần thưởng là gia nghiệp nước trời. Còn án phạt mà những người đã không thực thi tình bác ái đối với những người bé mọn nhất là lui khỏi mặt Người và vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ.

Thật hạnh phúc biết mấy cho những ai được ngự bên hữu Vua Giêsu bởi họ thành phần được Chúa ghi nhận công đức và sẽ trao tặng phần thưởng xứng đáng với những việc bác ái mà họ đã hy sinh phục vụ trong cuộc sống hàng ngày.

Xin Chúa cho chúng ta biế sống vị tha và cố gắng hy sinh tiết chế những nhu cầu không cần thiết để góp phần vào chương trình mục vụ bác ái nhằm giúp đỡ cho những ai đang đói khổ nghèo nàn.

 

Thứ hai: Mt 12, 46-50

Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thánh

Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ kính nhớ Đức Maria dâng mình trong đền thánh. Với lòng yêu mến Chúa và trung thành với luật Do Thái nên ngay từ nhỏ, Đức Mẹ đã sẵn sàng dâng mình vào đền thánh để phụng sự Chúa. Chính tình yêu mến và lòng thiết tha gắn kết với Chúa qua việc lắng nghe và thực thi thánh ý của Chúa trong đời sống, mà Mẹ Maria xứng đáng trở nên thành viên thân thiết trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria biết khiêm tốn lắng nghe và thực thi Lời Chúa để xứng danh là Con Mẹ và trở nên thành viên gia đình thiêng liêng của Chúa.

Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh ra trong đức tin.

Vì thế Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết“lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.

Nếu để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống, ta phải lắng nghe và thi hành điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn chỉ bảo. Cũng vậy, để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa với sự hướng dẫn của GH.

Hơn ai hết, Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên người Mẹ của Chúa và là kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.

Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học chứng minh cho biết đó là loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an. Dòng máu ấy cũng chính là dòng máu của Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu.

Xin cho chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa như Mẹ Maria để dòng máu bác ái, bao dung và bình an của Chúa Giêsu cũng lưu truyền trong thân thể chúng ta. Nhờ đó mà ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình của Người.

 

Thứ hai TN: Lc 21, 1-4

Nét đẹp của người đàn bà góa được Chúa Giêsu yêu thích và khen ngợi nức lòng trong bài tin mừng hôm nay không phải là vì bà ta giàu có, sang trọng và có địa vị; cũng không phải bà ta đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng nơi đền thờ số tiền lớn, nhưng nét đẹp của bà ta được tỏa sáng từ com tim và tấm lòng. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả mà không cần tính toán. Đúng như ông bà ta thường nói: “Của ít lòng nhiều; giá trị của quà tặng không tùy thuộc vào số lượng mà là ở tấm lòng.”

Việc dâng cúng của người đàn bà góa nghèo hết sức ít ỏi chỉ có 2 đồng tiền kẽm, tuy nhiên nó lại vô cùng lớn lao trước mặt Thiên Chúa, vì bà cho đi những gì bà có chứ không phải những thứ dư thừa. Với hai đồng xu chẳng đáng là gì so với so với số tiền lớn lao mà nhiều người giàu dâng cúng, nhưng Chúa Giêsu lại cho rằng bà đã bỏ nhiều nhất vì đó là tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân và gia đình bà.

Tinh thần quảng đại cho đi của bà góa nghèo này phải trở nên gương mẫu bác ái kitô giáo cho chúng ta. Đó là tinh thần vô vị lợi, không màng danh phận, nhưng âm thầm, kín đáo “đừng để tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,3) Bác ái kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư thừa mà là cho đi những gì thiết yếu cho cuộc sống của mình với mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Vì vậy làm bác ái xã hội sẽ không khó vì chúng ta chỉ cho đi những thứ không cần lắm. Chúng ta chỉ có nhu cầu mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi giầy dép… là đủ. Nhưng thực tế, nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ quần áo, sở hữu hàng chục đôi giày dép… nên có rất nhiều thứ dư thừa luôn nằm im trong nhà, trong tủ của ta mà không bao giờ ta sử dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy là không khó. Ngược lại với tình thần bác ái kitô giáo đòi buộc, chúng ta phải chia sẻ những thứ mình cần những điều mình thích cho chính nhu cuộc sống bản thân quả là không dễ chút nào! Tuy nhiên nếu dám cho đi thì chúng ta mới xứng đáng được Chúa vinh danh, khen ngợi.

Mong rằng chúng ta đừng bao giờ đánh giá tha nhân qua dáng vẻ bên ngoài, nhưng có cái nhìn yêu mến và trân quý với hết mọi người, nhất là những ai nghèo hèn khốn khó. Xin Chúa cho chúng ta biết cảm thương và có tấm lòng quảng đại để sẵn sàng mở rộng vòng tay giúp đỡ những người nghèo khổ theo tinh thần bác ái kitô giáo của bà góa nghèo được Chúa Giêsu khen ngợi hôm nay.

 

Thứ ba: Lc 21, 5-11

Nhớ Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tính mau qua của thời gian và giới hạn của vật chất hữu hình. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta hướng đến những giá trị bền vững mà chuẩn bị tâm thế sao cho phù hợp với thời đại mới.

Tiên tri Isaia đã từng mơ về một tương lai sáng ngời dẫu dân Chúa đang phải sống những ngày đen tối nơi đất khách quê người. Isaia tiên báo về ngày trở về của dân Chúa. Ngày ấy đền thờ Thiên Chúa sẽ được xây dựng lại kiên cố nguy nga lộng lẫy trên núi cao, sẽ là trung tâm thu hút mọi dân nước quy tụ về. “Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi." (Is 2,2-3). Mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Dân Do Thái cũng được hồi hương và đền thờ Giêrusalem đã được xây dựng lại nguy nga bằng đá quý.

Tin mừng hôm nay cho biết, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga của đền thờ Giêrusalem, một số người đã trầm trồ và khen ngợi nức lòng. Tuy nhiên, với cái nhìn của Chúa Giêsu thì khác. Ngài cho rằng, mọi sự đều phải qua đi theo thời gian. Đền thờ vật chất dẫu kiên cố và lộng lẫy đến đầu thì có lúc cũng bị sụp đổ, không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". 

Với lời tuyên báo ấy, Chúa Giêsu muốn hướng mọi người tìm đến những giá trị bền vững và sâu xa hơn là những gì bên ngoài trước mắt. Từ đó mà biết để tâm chuẩn cho ngày ấy. 

Điều Chúa muốn là không chỉ quan tâm đến những giá trị hào nhoáng bên ngoài mà là bên trong và mang tính bền vững lâu dài.

Biết vậy, nhưng vì con người chúng ta lại dễ chiều theo khuynh hướng tự nhiên, nên thích hướng ngoại hơn hướng nội; lưu tâm những thứ chóng qua hơn là những giá trị vững bền. Vì vậy, cần lắm những dấu chỉ thời đại để nhắc nhở và cảnh tỉnh chúng ta.

Mặc dù Chúa Giêsu không cho chúng ta biết thời gian tận thế, nhưng Ngài lại cho biết sẽ có ngày tận thế và ngày đó sẽ đến rất bất ngờ. Nên cần phải tỉnh thức, cầu nguyện để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó. 

Để nhắc nhớ các môn đệ và chúng ta, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nhiều dấu chỉ báo trước như: chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch bệnh và có nhiều tiên tri giả xuất hiện... tất cả những dấu chỉ ấy như lời nhắc bảo yêu thương của Chúa để mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

Xin cho chúng ta biết ý thức về những giới hạn chóng qua của đời này mà tích cực chuẩn bị xứng hợp cho ngày Chúa đến,  bằng cách ăn năn sám hối, chu toàn tốt bổn phận Chúa trao, chú tâm lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy vì biết rằng: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21,33). Amen.

 

Thứ tư: Lc 21, 12-19

Nhớ Thánh Clémenté I, giáo hoàng, tử đạo

Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, phụng vụ lời Chúa muốn khơi lên những dấu hiệu báo trước về ngày quang lâm (tận thế) nhằm mời gọi chúng ta tích cực chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho ngày ấy đến bất ngờ.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo về những cuộc bách hại mà môn đệ Chúa sẽ gặp phải khi thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng như: bị tố cáo, bị đánh đập, bị thù ghét, bị anh em phản bội… Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng trấn an các môn đệ là “đừng sợ!”, vì có Ngài luôn ở bên để bảo vệ và hướng dẫn các ông biết khôn ngoan trong ứng phó. Hơn nữa cho dầu các môn đệ có bị người đời hay người thân của mình ghét bỏ, hãm hại và giết đi vì sứ mạng sống và minh chứng cho tin mừng của Chúa, thì chắc chắn các môn đệ cũng sẽ được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc trọng đại trên trời.

Chính Chúa Giêsu cũng đã chịu nhiều gièm pha và phản đối bởi những người thân và dân làng mình; nhất là bị các lãnh đạo Do Thái chống đối quyết liệt đến nỗi họ còn kết án tử và đóng đinh Người vào thập giá cách bất công. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tin tưởng và trung thành sứ mạng cứu độ mà Chúa Cha trao phó cho đến cùng, nên Người đã được vinh thắng khải hoàn.

Người môn đệ khi đi theo và gắn kết đời mình với Chúa Giêsu trong sứ mạng làm chứng cho Tin mừng, chắc chắn cũng sẽ phải trãi qua cuộc sống đầy cam go thử thách giống như Chúa Giêsu: bị chống đối, bị bắt bớ, bị đánh đập, bị bỏ tù…, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình vì danh Chúa Giêsu. Các thánh tử đạo Việt Nam mà hôm qua GH mừng kính đã minh chứng điều đó và các ngài đã được Thiên Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời trong nhà Cha trên trời.

Đáng buồn thay vì ngày nay vẫn có không ít người Kitô hữu không dám sống chết vì danh thánh Thiên Chúa. Họ có thể bỏ đi lễ chứ không bỏ nhậu; lo kiếm tiền chứ không lo kiếm Chúa. Họ có thể vui chơi vài giờ, vài ngày nhưng lại ngại đi lễ trong vòng một giờ hoặc hai giờ. Họ có thể mua sắm đầy tiện nghi vật chất trong nhà, nhưng lại ngại góp phần cho công cuộc truyền giáo. Thay vì tích cực giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, họ lại đi giới thiệu một hình ảnh của mình thật méo mó. Thay vì quảng bá cuộc sống kitô hữu thánh thiện, công bằng và huynh đệ thì họ lại loan truyền những việc làm bất công, tham lam và ăn thua đủ của người tín hữu. Đâu đó ta vẫn còn nhận ra bóng dáng của ai đó vì sợ mất việc, mất chức, mất quyền… mà sẵn sàng chối bỏ Thiên Chúa và niềm tin của mình.

Lạy Chúa, sống niềm tin và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người kitô hữu chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng con vẫn luôn can trường sống niềm tin và làm chứng niềm tin của mình.

 

Thứ năm: Kính trọng thể thánh An-rê Dũng Lạc, LM và các bạn, tử đạo-CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Suy niệm 1: Mt 10, 17-22

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết sẽ phải chịu nhiều bách hại không chỉ bởi nhà cầm quyền trần thế và ngay cả những người thân yêu của mình, vì mang danh Chúa. Nhưng Chúa Giêsu cũng chấn an các ông đừng sợ, hãy can đảm và kiên trì làm chứng cho Ngài. Đừng sợ! bởi lẽ chính Chúa Thánh Thần sẽ  luôn ở bên. Ngài sẽ nâng đỡ và soi sáng cho các ông biết phải nói gì. Đừng sợ! vì khi trung thành can đảm làm chứng cho Chúa, các ngài sẽ được Chúa cứu thoát.

Có thể nói, các thánh tử đạo Việt Nam những người trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu vì đã can đảm làm chứng cho Chúa nên đã được diễm phúc lãnh nhận vòng hoa chiến thắng vinh quang trong nước trời.

Vì mang danh môn đệ Đức Kitô cac thánh tử đạo Việt Nam đã anh dũng sống và tuyên xưng niềm tin của mình vào một vị Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nên đã bị người đời ghen ghét và đã tìm mọi cách để vu khống hạ bệ và giết chết. Nhưng với lòng can đảm và ơn soi sáng của Thánh Linh, các ngài không khuất phục trước những lời đe dọa hay cám dỗ ngọt ngào bước qua thánh giá, chối bỏ đức tin. Trái lại, các ngài đã nhẹ nhàng giải thích và can đảm nói lên chân lý của niềm tin.

Dù chịu cực hình đau đớn, nhưng lòng các ngài vẫn chan chứa sự tình thương và lòng bao dung tha thứ theo gương vị Thầy Chí Thánh của mình là Đức Giêsu.

Xin cho chúng ta cũng biết noi theo các thánh tử đạo Việt Nam can đảm chấp nhận mọi gian lao thử thách ngay cả mạng sống để minh chứng cho niềm tin của mình vào Đức Kitô Tình Yêu nhờ sức mạnh của Thánh Thần.

 Xin cho chúng ta biết noi gương các thánh tử đạo Việt Nam cũng sẵn lòng tha thứ cho những kẻ làm hại chúng ta. Biết lấy tình thương xóa bỏ hận thù, theo lời dạy của Chúa Giêsu. Amen.

 

Suy niệm 2: Lc 9, 23-26

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cũng như chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót. 

Nhiều người nghĩ rằng vì không muốn cho chúng ta sống sung túc, hưởng thụ cách tự do nên Chúa Giêsu mới kêu gọi chúng ta dấn bước trên con đường thập giá đi theo Người. Tuy nhiên chỉ có những ai cảm nhận được Đức Giêsu chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại rất giàu lòng thương xót,  đã sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao thử thách, ngay cả hy sinh mạng sống “vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” thì mới yêu mến, tin tưởng và sẵn sàng dấn bước theo Ngài.

Vinh quang chỉ xuất hiện ở đàng sau thập giá. Nên muốn đạt đến vinh quang phục sinh, ta sẽ không còn chọn lựa con đường nào khác ngoài con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Vì thế, Chúa Giêsu mới xác quyết mạnh mẽ: “Ai muốn cứu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Chỉ khi nào ta xác định được linh hồn cao quý hơn thể xác. Sự sống đời đời mai sau quý hơn sự sống chóng qua đời này…khi đó ta mới hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu, và sẵn sàng tiến bước theo Ngài trên con đường hẹp. 

Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã có kinh nghiệm đi trên con đường thập giá là khó khăn như thế nào. Nên Người mới hứa sẽ đồng hành, bên vực và tán thưởng cho những ai dám bước theo Người. Ngược lại, Người sẽ lấy làm hổ thẹn nếu ai đó chối bỏ không dám hy sinh dấn bước theo Ngài: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”

Các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc cha ông chúng ta đã sẵn sàng bước theo con đường hẹp mà Chúa Giêsu mời gọi và không hề xấu hổ khi mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào danh Chúa Giêsu Kitô, dẫu phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ và hy sinh mạng sống mình với niềm tin và hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, đấng đã chết và sống lại và là Chúa quyền năng. Nhờ thế mà các anh hùng tử đạo Việt Nam thật xứng đáng được Chúa ban thưởng vinh phúc muôn đời trong nhà Cha trên trời.

Ngày nay, trước những thách đố của chủ nghĩa duy vật vô thần, duy tương đối, não trạng hưởng thụ ích kỷ, lối sống gian dối và lừa lọc.... Muốn trung thành bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, đòi bược chúng ta phải liên lỉ lựa chọn và từ bỏ trong đau đớn không kém gì những khổ hình như các thánh tử đạo Việt Nam trước đây. Liều mất mạng sống mình để sống cho Chúa trong thời đại này đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Xin các thánh tử đạo VN cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống…”(Ga 14,6) mà sẵn lòng dấn bước theo Ngài trên mọi nẻo đường đời, cho dẫu đó là con đường hẹp, đường thập giá. Bởi chúng ta tin rằng đó mới chính là con đường chính đạo với niềm tin và hy vọng vào sự sống hạnh phúc muôn đời mai này theo gương các thánh tử đạo Việt Nam.

 

Thứ năm TN: Lc 21, 20-28

Theo triết lý Á Đông: “sự vật hễ có hình thì có hoại”, như lời sách Giảng viên đã nói: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, chi chi chăng nữa cũng là phù hoa”(Gv 1, 2). Thật vậy, tất cả mọi vật trần gian rồi sẽ qua đi. Chỉ duy Thiên Chúa là tồn tại mãi, bởi chính Người là đá tảng vững bền. Đó là sứ điệp Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Vật chất, tiện nghi đem lại cho con người cuộc sống thoải mái và sung túc. Tuy nhiên nó cũng dễ đẩy con người vào vòng xóay của hưởng thụ mà quên đi những giá trị cao quý. Do đó Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh để nói về sự mau qua của thế gian

- Hình ảnh thứ nhất là đền thờ Giêrusalem rất vững chắc và tráng lệ; là biểu tượng tự hào của dân tộc Do Thái vì đã được xây dựng vất vả suốt 46 năm trời mới hoàn thành. Nhưng rồi cũng sẽ có ngày sụp đổ tan tành. Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm vào năm 70, khi đó tướng Titô của đế quốc Rôma đã đem quân xâm chiếm và phá hủy bình địa, khiến không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Họ đã nhẫn tâm bán bổ tôn giáo bằng cách giẫm đạp lên nơi thờ phượng Thiên Chúa và giết chết đi bao sinh mạng con người, khiến tan nhà nát cửa và phải chịu cảnh lưu đày trong đau khổ.

Hình ảnh thứ hai là những biến chuyển rất lạ lùng của đất trời…khiến con người sợ hãi “đến hồn xiêu phách lạc.”  Nhưng đó là những dấu chỉ báo hiệu cho ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”  Ngày ấy thật hạnh phúc cho những ai biết nương tựa vào sức mạnh của Chúa mà kiên quyết xây dựng đời mình trên đá tảng vững bền là Đức Kitô thì mới thắng vượt được sức mạnh tàn phá kinh khủng của kẻ thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt mà hãnh diện “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì ta tin rằng Chúa sẽ đón chờ chúng ta vào trời mới, đất mới và thành Giêrusalem mới được Chúa dọn sẵn trên trời.

 

Thứ sáu: Lc 21, 29-33

Do chịu ảnh hưởng chiều dài lịch sử hơn 4000 của nền văn minh lúa nước nên ông cha ta đã có kinh nghiệm rất sâu sắc về sự thay đổi của tiết thời đất trời nên đưa ra những dự đoán thời điềm khá đúng đắn. Như: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”; “Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa”;  “Cơn đàng đông vừa trông vừa chạy Cơn đàng tây vừa cày vừa ăn”; "Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa"; “Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”. Nếu con người chúng ta đã nhạy bén nhận ra những dấu chỉ thay đổi tiết thời của trời đất thì tại sao chúng ta lại không dùng sự khôn ngoan và nhạy bén đó để nhận ra những dấu chỉ tiên báo của ngày triều đại TC sắp đến mà chuẩn bị?

Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến? Đến như thế nào và ra sao?  Hoặc bao giờ thì  ngày tận thế đến và đến ở đâu? không ai biết trước. Cả Chúa Giêsu cũng không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày này, chỉ có Chúa Cha biết thôi: “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi.”(Mc 13, 32). Nhưng Chúa Giêsu chỉ nói sẽ có ngày tận thế. Ngày ấy sẽ đến một cách nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia.” (Lc 17, 24). Tuy nhiên vì yêu thương chúng ta nên Chúa cũng cho xảy ra những dấu chỉ báo trước như Tin mừng hôm qua nói đến: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”  Cho nên, điều quan trọng là ta hãy chuẩn bị sẵn sàng bằng cách duy nhất là nghe theo lời Chúa Giêsu đã chỉ dạy, bởi lẽ “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

Có sẵn sàng thì cho dù ngày tận thế có đến bất ngờ, ta cũng không hề sợ hãi; trái lại, ngày ấy sẽ là ngày hân hoan vui mừng; ngày đáng cho chúng ta đứng thẳng và ngẩng cao đầu vì biết rằng ơn cứu chuộc của Thiên Chúa đã đến với ta.

Lạy Chúa, sống trên đời này, ai trong chúng con cũng tất bật lo cho cơm áo gạo tiền; cũng như muốn vui chơi hưởng thụ. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con quá ham mê của cải và đam mê hưởng thụ mà quên đi nhiệm vụ chính yếu là chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến qua việc lắng nghe và thi hành lời Chúa chỉ dạy.

 

Thứ  bảy: Lc 21, 34-36

Tin mừng hôm nay cho biết việc Chúa đến lần thứ hai trong ngày phán xét rất bất ngờ như cái lưới chụp xuống vậy. Do đó, chúng ta cần phải có tâm thế sẵn sàng cho ngày ấy. Vậy chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho xứng hợp? Tin mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta biết những cách thức cụ thể:

1. Phải tỉnh thức.

Tỉnh khức không có nghĩa là không được ngủ. Nhưng tỉnh thức có nghĩa là ta hãy chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao phó cho ta. Mỗi người được Chúa trao gửi những bổn phận khác nhau nên đừng bao giờ “để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” mà quên đi trách nhiệm của mình:

– Là con trong gia đình hãy chu toàn tốt bổn phận làm con: Kính trọng và vâng nghe lời cha mẹ, siêng năng trong học tập và tích cực làm việc giúp giúp đỡ cha mẹ…

– Là người chồng người cha trong gia đình hãy ý tứ để hoàn thành trọng trách thuyền trưởng bảo vệ, chăm sóc và đưa dẫn gia đình mình đi đúng hướng để đạt đến bến bờ an vui, hạnh phúc…

– Là vợ là mẹ trong gia đình, hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ lửa, tạo cho gia đình bầu khí êm ấm thuận hòa. Tạo mối dây hiệp nhất yêu thương các thành viên gia đình bằng những khả năng đặc biệt của người phụ nữ Chúa ban.

– Là người con Chúa hãy biết tôn thờ yêu mến vâng nghe và thực thi Lời Chúa dạy. Cũng như tích cực góp phần xây dựng GH mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

– Là người dân đất nước, hãy chu toàn tốt  bổn phận người công dân bằng cách góp phần cộng tác vào những phúc lợi chung hầu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

2. Cầu nguyện kiên trì.

Chúa Giêsu đã nói: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mt 14,38); chính thánh Phaolô cũng đã từng có kinh nghiệm này: “Điều tốt tôi muốn, nhưng tôi lại không làm; điều xấu tôi không muốn, nhưng tôi lại làm” (x.Rm 7,15-19). Cầu nguyện để chúng ta đủ sức chống trả lại sức mạnh của cám dỗ ma quỷ. Cầu nguyện để chúng gắn kết chặt chẽ với Chúa, múc lấy ơn Chúa, nhận ra thánh ý Chúa nhờ đó giúp ta vượt thoát khỏi vòng giam hãm của xác thịt, thế gian và ma quỷ mà vươn lên những giá trị thiêng liêng cao quý.

Tóm lại, để chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho ngày Chúa đến. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải trung thành sống đức tin vững vàng; luôn chu toàn bổn phận thật tốt với tình yêu Chúa và tha nhân nồng nàn; nhất là gia tăng đời sống cầu nguyện cách kiên trì. Nhờ đó ta sẽ được gặp Chúa trong mọi biến cố của đời sống, nhất là vào ngày cùng Chúa đến bất ngờ!  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...