SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN C
2Mcb 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20, 27-38
Suy niệm 1:
Có sự sống sau khi chết hay không? Và nếu có thì tình
trạng sự sống mai sau như thế nào? Đó là hai vấn nạn được đặt ra bởi những
người thuộc nhóm Saduceo cũng như nhiều người trong chúng ta ngày nay. Hai vấn
nạn này sẽ được Chúa Giêsu giải đáp như thế nào? Chúng ta hãy để tâm lắng nghe
lời Chúa chỉ dạy hôm nay, để từ đó có được cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này.
Vào thời Chúa Giêsu, trong xã hội Do Thái xuất hiện
nhiều đảng phái khác nhau: Pharisêu, Biệt phái, Hêrôđê và Saducêo… Mỗi nhóm như
vậy theo đuổi 1 lý tưởng nên có những quan niệm khác biệt. Nhóm Saducêo mà Tin
mừng hôm nay nói đến thì lại không tin vào sự sống lại. Như vậy có thể nói nhóm
này chính ông tổ của những người chạy theo chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nên
không lạ gì họ tìm mọi cách để phủ nhận lời giáo huấn nói về sự sống lại của Chúa Giêsu.
Và để chống lại quan niệm có sự sống lại, những người
thuộc nhóm Saducêo mới bịa ra 1 câu chuyện lố bịch như sau: Trong một gia đình
nọ có 7 người anh em trai. Theo luật Môisen quy định thì nếu người anh lớn cưới
vợ nhưng chẳng may chết đi mà không con, thì người em kế đó phải cưới lấy người
vợ góa đó, để sinh con nối dõi tông đường. Vậy có cả thảy 7 người anh em trai
đều cưới lấy cùng 1 bà vợ, bởi vì cả thảy 7 người anh em đó lần lượt đều chết
đi mà không con. Cuối cùng người vợ góa đó cũng chết. Vậy nếu có sự sống lại
thì ai sẽ là người chồng của người vợ ấy sau này?
Tình huống họ đặt ra xem ra khá hóc búa, tuy nhiên để
giúp họ chấp nhận chân lý vào sự sống lại sau khi chết, Chúa Giêsu đã dựa vào
nền tảng Thánh Kinh. Ngài đã trích dẫn đoạn thánh kinh nói về sự kiện ông
Môisen diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy sáng lạ thường, sự kiện này tất cả những người Do Thái đều biết đến và tin nhận. Qua biến cố này, Chúa Giêsu giải thích cho những người Saducêo nhận
ra 3 điều:
- Thứ nhất: “Thiên Chúa là Đấng hằng hữu”,
bởi vì “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người
sống; vì hết thảy đều sống cho Người” (1)..
- Thứ hai: Sự sống mai sau là sự sống vĩnh cửu nên không
còn phải lấy vợ cưới chồng để duy trì giống nòi nữa (2).
- Thứ ba: Tình trạng của sự sống mai sau không giống như
sự sống nơi trần gian mà là như các Thiên Thần (3).
Trong cuộc thần hiện của TC nơi bụi gai với ông
Môisen, TC cho biết Người là “TC của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và
Thiên Chúa của Yacob”. Mặc dầu các tổ phụ ấy đã chết từ lâu nhưng sao TC
lại nói với Môisen rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,
mà là của người sống”. Như vậy là TC muốn khẳng định cho biết hiện nay các
tổ phụ ấy vẫn đang sống chứ không phải chết. Đây cũng là niềm tin của mọi người
Do Thái thời bấy giờ. Vậy nếu những người Saducêo không tin vào sự sống lại thì
họ đang phủ nhận lời mạc khải của TC; nếu thế là họ đang chống lại niềm tin của
cha ông họ, và một cách mặc nhiên họ đang mâu thuẫn với niềm tin của chính
mình.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ biết có
sự sống lại mà Người còn mạc khải cho họ hiểu thêm về tình trạng sau khi sống
lại như thế nào nữa. Tình trạng sống ấy viên mãn trọn vẹn như các Thiên Thần
vậy. Nên không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Do đó mà không
cần phải dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống như trong cuộc
sống đời này.
Bằng những lời giải đáp đầy thuyết phục ấy, Chúa Giêsu
đã làm cho những người thuộc phái Saducêo phải cúi đầu câm miệng bởi vì họ
không còn lý lẽ nào nữa để chống lại giáo huấn của Chúa Giêsu.
“Bá nhân bá tính”, mỗi người được sinh ra, lớn lên và
được giáo dục trong những môi trường, hoàn cảnh khác nhau nên có những cái nhìn
và quan niệm về niềm tin khác biệt. Hiểu được như vậy nên chúng ta đừng bao giờ
tỏ ra thái độ kiêu căng, tự mãn xem thường các giá trị niềm tin của người khác.
Nhưng trên hết cần phải biết cởi mở đón nhận và trân quý các giá trị niềm tin
của các tôn giáo khác nhau.
Là những người Kitô hữu một mặt chúng ta tìm mọi cách
để dung hòa niềm tin trong những điểm khác biệt; mặt khác chúng ta cần phải xác
tín vững vàng niềm tin của mình trong kinh tin kính do chính Chúa và GH chỉ
dạy; trong đó có niềm tin vào sự sống lại và thưởng phạt đời sau.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống thân tình với
Chúa qua việc yêu thích cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và năng rước
lễ; biết noi gương Đức Maria sống khiêm tốn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực
hành giới luật yêu thương do Chúa chỉ dạy, với hy vọng sau khi trãi qua cuộc
sống đời này, chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.
Suy niệm 2:
Phụng vụ lời Chúa hôm nay bàn đến một đề tài gai gốc, nhưng hết sức thực tế. Đó là có sự sống lại sau khi chết hay không? và sự sống ấy như thế nào? Vấn nạn này sẽ được Chúa Giêsu giải đáp ra sao? ta hãy chăm chú lắng nghe để có cái nhìn và thái độ sống sao đúng đắn theo điều Chúa dạy.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì dân số hiện nay có khoảng 8 tỉ người. Và theo nguồn tin các tôn giáo thì trong đó có khoảng trên 1 tỉ người không tin vào sự sống lại vì họ theo chủ nghĩa duy vật biện chứng (vô thần); phần đông còn lại thì theo chủ nghĩa duy tâm nên tin có sự sống lại. Tuy nhiên tình trạng sống lại sau khi chết ra sao? thì cũng không đồng nhất. Có người cho rằng cuộc sống mai sau cũng giống như cuộc sống hiện tại nên mới có phong tục cúng và đốt vàng mả; phần còn lại thì cho rằng tình trạng sống lại sau khi chết sẽ khác hẳn với tình trạng trước đó.
Vấn đề gai gốc này không chỉ được đem ra bàn cải trong thời hiện đại mà ngay trong thời cựu ước nó đã được đề cập đến rồi. Bài đọc một trích sách Macabê quyển thứ hai đã nói đến niềm tin vào sự sống lại mạnh mẽ nơi 7 mẹ con của nhà Macabê nên họ thà chịu chết chứ nhất quyết không ăn thịt heo vi phạm luật cấm Môsê. Cụ thể nhất vấn đề này đã được đề cập vào thời Chúa Giêsu, khi những người Saduceo tìm đến và đặt ra câu chuyện lố bịch để nhằm bắt bẻ về về chủ trương sống lại do Chúa Giêsu rao giảng. Câu chuyện chấp vấn của họ khiến ta liên tưởng đến câu chuyện tranh luận triết lý giữa nhà triết học vô thần Vôn-ten và nhà toán học, triết gia thời danh Blaise-Pascal (1623-1662) sau đây:
Một hôm nhà triết gia vô thần Vôn-ten buông lời mỉa mai nhà toán học Pascal rằng: “Ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau, để rồi trong đời sống hiện tại ông phải sống khắc khổ và đạo hạnh, với bản thân thì ông phải sống nhịn nhục, chịu nhiều thua thiệt; nhưng nếu không có đời sau, chắc hẳn ông sẽ là kẻ dại dột nhất”.
Nghe thế, Pascal từ
tốn đáp: “Ông nói chẳng sai chút nào! Ông không tin linh hồn bất tử, cũng không
tin có sự sống đời sau, nên ông có thể sống hưởng thụ, thác loạn tuỳ
thích; nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ khờ dại và ngu dốt hơn tôi nhiều, vì
tôi chỉ tạm thời thiệt thòi ở đời này, còn ông, ông có thể mất cả cuộc sống đời
đời!”.
Rồi Blaise Pascal
lý luận như sau: Có hai người, tôi tạm đặt tên là anh “A” và anh “B”.
- Anh “A” tin có
Thiên Chúa, tin có đời sau. Nên Anh “A” luôn cố gắng tuân giữ và sống những
điều Chúa dạy: Tôn thờ Thiên Chúa, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, yêu mến anh
em hết lòng và hay giúp đỡ những người nghèo khó. Anh sống công bằng và bác ái.
Khi lỗi phạm anh tìm cách thống hối ăn năn. Nhờ thế, gia đình anh hạnh phúc,
anh được bà con trân trọng, quí mến. Đặc biệt anh được bình an trong tâm hồn.
- Anh “B” không tin
có Thiên Chúa, không tin có đời sau. Nên Anh “B” thường sống buông thả, giả hình.
Anh vi phạm lỗi công bằng. Anh cố che đậy những điều sai quấy miễn sao pháp
luật không biết là được. Kết quả gia đình anh mất đi hạnh phúc; dân làng chê
bai; mọi người chỉ sợ anh chứ không trọng anh! Anh không có sự bình an thực sự
trong tâm hồn.
* Và Pascal đưa ra
hai giả thuyết về Thiên Chúa và về đời sau:
- Giả thuyết thứ
nhất: Không có Thiên Chúa và cũng không
có đời sau. Nếu không có Thiên Chúa và
đời sau thì ngay ở đời này anh “A” đã hơn anh “B”, bởi vì gia đình anh hạnh
phúc, mọi người quí mến và tâm hồn anh được bình an. Còn gia đình anh “B” thì
mất hạnh phúc, dân làng chê cười và anh cũng không có bình an trong tâm hồn.
Còn sau khi chết cả anh “A” và “B” huề nhau.
Giả thuyết thứ hai: Có Thiên Chúa và có đời sau. Có Thiên Chúa và có đời sau thì anh
“A” được hưởng trọn vẹn; trong lúc anh “B” mất trắng không được gì cả.
Rồi Pascal kết
luận: Khi ta tin vào Thiên Chúa và sự sống đời sau ta được cả đời nay lẫn đời
sau, chỉ chịu thiệt đôi chút về danh vọng, chức quyền, và ham muốn bất chính
thôi. Nếu ta không tin vào Thiên Chúa ta mất cả đời này lẫn đời sau. Như thế,
người tin vào Thiên Chúa và sự sống đời sau là người khôn ngoan; người không
tin vào Thiên Chúa mới là những người vô cùng dại dột!
Bài Phúc âm hôm nay thuật lại sự
kiện những người thuộc phái Xa-đốc không tin có sự sống lại, họ đến với Chúa
Giêsu và dựa vào luật “thế huynh" của Môisen (Đnl 25,
5-6), để bịa ra câu chuyện lố bịch nhằm bắt bẻ Chúa Giêsu như sau: “Nhà
kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Môsê,
người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con.
Khi sống lại, chị goá đó vợ sẽ là của ai ?”. Nếu có thế giới mai
sau thì bà vợ ấy thuộc về ai trong số 7 ông chồng? Chẳng lẽ 7 ông đánh nhau để
dành 1 bà trên thiên đàng sao?
Đây là kiểu lý luận hàm ẩn một
quan niệm bình dân của đa số Người Việt Nam chúng ta, khi cho rằng thế giới mai
sau cũng gần giống như thế giời đời này. Nên nhiều người có thói quen đốt vàng
mã, đốt đôla, đốt xe honda, đốt nhà lầu…cho người cõi âm xài vì họ tin rằng thế
giới mai sau cũng giống như thế giới mình đang sống nên người chết cũng cần xe,
cần tiền, cần ăn uống và cần vợ con…để sống thoải mái trong thế giới bên kia.
Tuy nhiên, qua câu trả lời của
Chúa Giêsu với những người thuộc nhóm Xa-đốc trong bài Tin mừng hôm nay, giúp
họ và chúng ta ngộ ra hai điều:
1. Có sự sống lại
sau khi chết là điều hiển nhiên.
2. Tình trạng sống
lại khác với tình trạng hiện nay.
- Trước hết, Chúa Giêsu minh
chứng cho biết tình trạng sống lại mai sau khác với cuộc sống hiện tại. Ngài nói: “Con cái đời này cưới vợ gả chồng”, vì đời sống con
người có sinh có tử, và vì thế nên con người cần phải dựng vợ gả chồng để
truyền sinh và nối dõi tông đường. Nhưng trong đời sống mai hậu, họ
không còn cưới vợ gả chồng vì hai lý do: một là vì họ sẽ không
chết nữa, và họ được sống trong tình trạng như các thiên thần; hai
là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, và là con cái của sự sống lại,
nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới trong Thiên Chúa hằng sống. Nên họ sẽ
không còn lo lắng việc đời nữa, chỉ còn việc là phụng sự và ngợi khen Thiên
Chúa, giống như nhiệm vụ của các thiên thần.
- Còn khi nói về việc kẻ chết
sống lại thì Chúa Giêsu dựa vào nền tảng Thánh kinh để chứng minh. Ngài nêu ra
một đoạn được ghi trong sách Xuất hành mà nhóm Xa-đốc cũng tin nhận. Đó là đọan
nói về sự kiện TC hiện ra với ông Maisen nơi bụi gai đang rực cháy, khi ấy
Thiên Chúa đã tự xưng với Môisen Ngài chính là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham,
Isaác và Giacóp (x. Xh 3,6). Người còn xác quyết với Môisen rằng: "Người
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống." Nên
cho dẫu các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop bấy giờ đã qua đời, nhưng với lời
xác quyết của Thiên Chúa với Maisen thì hiện nay các vị ấy vẫn còn đang sống.
Bởi Thiên Chúa là Đấng hằng sống đang điều khiển lịch sử loài người. Ngài
không thể là Thiên Chúa của những kẻ chết, mà phải là của những kẻ sống.
Con người chúng ta gồm cả hồn lẫn
xác, linh hồn thì thiêng liêng bất tử, không bao giờ chết được; Còn thân xác
con người, dù có hoá thành bụi đất, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa Hằng
Sống, cũng sẽ được sống lại trong ngày tận thế (x. Ga 11,23-26). Nhưng tiếc
thay lại có những người sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung
hưởng thụ những lạc thú trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống.
Cuộc đời này tuy ngắn ngủi, nhưng
lại rất quan trọng: nó quyết định đến vận mạng của cuộc sống đời đời. Một người
sống đầy tình người, bác ái vị tha ở đời này chắc chắn tình trạng đời sau sẽ
khác hẳn với một người ở đời này chỉ biết sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân
mình.
Đời này là nhân, đời sau là quả:
nhân nào sinh quả nấy, cây nào sinh trái nấy, “Cây tốt thì sinh trái tốt,
cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, cũng như cây xấu
không thể sinh trái tốt” (Mt 7,17-18). Người làm tốt sẽ
được thưởng, người làm điều xấu sẽ bị phạt theo như lời thánh Phaolô nói: “Thiên
Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm” (Rm 2,6; Kh
2,23).
Khi nói đến nguyên tắc “gieo
gì thì gặt nấy”, người phương Tây có một câu ngạn ngữ rất hay sau đây:
Nếu bạn muốn hạnh
phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.
Nếu bạn muốn hạnh
phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.
Nếu bạn muốn hạnh
phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh
phúc một đời, hãy làm người sống tử tế.
Nếu bạn muốn hạnh
phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.
Vậy chúng ta tự hỏi:
Tôi sẽ chọn cho mình cách sống nào? Sống để chiếm lấy vĩnh cửu hay là chỉ hưởng
thụ đời này để đánh mất sự sống đời sau? Hãy can đảm sống như 7 mẹ con của nhà Macabê đặt niềm tin vững mạnh vào sự sống mai sau để sẵn
sàng chết chứ không hề vi phạm lề luật Chúa dạy. Được như thế thì khi chết, ta mới trở về nguồn cội đích thật của mình là
quê hương vĩnh cửu. Nơi đó Chúa đang chờ để ban hạnh phúc muôn đời cho những ai
được “xét đáng được dự phần đời sau”. Amen
Suy niệm 3:
Xưa nay người ta không coi chết là chấm hết mà tin rằng chết vẫn có một nơi
hay một chốn để đến hay để về mà tiếp tục sống trong một tình trạng nào đó. Nơi
ấy hay chốn ấy được nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn gọi là “một cõi đi về”.
Người Trung quốc thì gọi nơi ấy là chốn Cửu tuyền hay Hoàng tuyền. Còn người Do
thái thì gọi là Sheol.
Đối với người Việt Nam thì gọi cái chết bằng những ngôn từ khác nhau
như : "băng hà", “khuất núi”, “ra đi”, “mất”, “về nơi chín suối”,
“quy tiên”, “chầu trời”, “qua đời”… Những từ ngữ trên nói lên niềm tin cho
rằng chết không phải là hết, mà là đi về với Tổ Tiên, về cõi Trời, vào
chốn Niết bàn... Thế nên mới có câu: “Sinh kí tử quy”, sống là gửi, thác mới là
về là vậy!.
Riêng với người Kitô hữu chúng ta thì tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng
nên sự sống, nên Người là chủ của sự sống. Ý định của Thiên Chúa là thông ban
sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có ?
Kinh Thánh trả lời rằng: “Sự chết là hậu quả của tội lỗi.”
(Rm 5,12; 6,23). Nhưng Thiên Chúa “vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban
Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được
sống muôn đời.” (Ga 3,16). Đúng vậy trước khi làm cho Lazarô sống lại
Chúa Giêsu phán với Mác-ta rằng: “Thầy là sự sống lại và là sự sống.” Lời
tuyên bố ấy của Chúa Giêsu chính là lời mặc khải quan trọng về sự sống lại nơi
con người. Nhưng lời ấy khiến cho nhiều người không tin, trong đó có những
người thuộc nhóm Xa-đốc.
Để bảo vệ cho quan điểm không có sự sống lại, những
người thuộc phái Xa-đốc đã bịa ra câu chuyện về một người phụ nữ có tới 7 đời
chồng. Theo luật “thế huynh” của Môsê cho phép nếu người anh lấy vợ mà không
con thì người em kế đó có quyền lấy người đàn bà ấy làm vợ. Như vậy có cả thảy
7 anh em đều lấy cùng một người đàn bà làm vợ vì tất cả đều lần lượt chết đi mà
không con. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy vấn đề họ đặt ra với Chúa
Giêsu là: Đời sau người bà ấy sẽ sống với ông nào? Phải chọn 1 ông chứ chả nhẽ
sống cùng một lúc với 7 ông chắc không ổn rồi!
Trước hết Chúa Giêsu khẳng định cho họ biết con người
sẽ sống lại, nhưng sự sống đời sau khác hẳn đời này và không còn cảnh dựng
vợ gả chồng nữa, bởi tình trạng bấy giờ giống như thiên thần. Tựa như con
sâu chết đi hóa kiếp thành cánh bướm đẹp lung linh sắc màu. Đời bướm khác
hẳn kiếp sâu.
Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là bảo
chứng hùng hồn nhất cho niềm tin vào sự sống lại cho con người. Nhờ niềm tin ấy
mà những người tín hữu ở đời này lúc nào cũng cố gắng nói và làm tất cả những
gì tốt lành như thánh Phaolô căn dặn: Dù không biết chắc khi nào tận thế
và Chúa lại đến, nhưng các tín hữu phải sống trong niềm hy vọng và mong chờ
Chúa đến. Chính niềm hy vọng và sự mong chờ này sẽ là động lực giúp họ sống
tốt. Hơn nữa chính nhờ sức mạnh của niềm tin vào sự sống lại mai sau nên
bà mẹ và cả thảy 7 anh em nhà Macabê đã sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không
phạm tội, họ nhất quyết vâng lời Vua vũ trụ hơn là vâng lời vua trần
gian.
Như thế, niềm tin vào sự sống đời đời giúp con người
vượt thắng mọi sợ hãi và vươn lên sống tốt lành ngay ở đời này bởi họ tin vào
sự sống vĩnh cửu mai sau. (St)
Suy niệm 4
Tin mừng hôm nay trình thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm
Xa đốc. Nhóm Xa đốc chủ trương chết là hết nên không tin có sự sống đời
sau. Còn Chúa Giêsu thì cho biết ngoài sự sống đời này, con người
còn có sự sống đời sau.
Sự sống ấy bắt đầu từ ngay sau cái chết ở đời này. Sự sống ấy đầy tràn hoan lạc và hạnh phúc, không còn lệ thuộc vào thế giới vật chất nữa, giống như các Thiên Thần. Nhưng làm thế nào ta mới có thể thông phần vào sự sống đời sau?
Thưa đó là phải tin vào Đức Kitô mà lãnh nhận bí tích rửa tội và sống theo lề luật do Chúa truyền dạy. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, ta đã thề hứa từ bỏ ma quỉ cùng tội lỗi; tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Nên nhớ rằng niềm tin là một sự sống, vì thế rất cần được nuôi dưỡng, bồi bổ hàng ngày. Vậy chúng ta cần nuôi dưỡng đức tin như thế nào? Thưa ta phải tích cực thi hành những việc sau đây:
- Lắng nghe Lời Chúa, chuyên chăm học hỏi giáo lý.
- Xa lánh tội lỗi, hết lòng thờ phượng Chúa và quyết
tâm không bỏ tham dự lễ lễ ngày Chúa Nhật.
- Trung thành giữ các giới răn Chúa dạy và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ vì tình yêu như Chúa yêu. Để được như thế, đức tin của chúng ta rất cần được ơn Chúa củng cố: “Lạy Thầy xin ban thêm đức tin cho chúng con.” Amen.
Thứ hai: Lc 17, 1-6
Mạnh Tử nói: "Nhân tri sơ tính bổn thiện".
Tuân Tử lại nói: "Nhân tri sơ tính bổn ác". Cùng bàn về tính thiện ác
trong con người, một nhà triết học phương Tây là Honbach cũng đưa ra quan điểm:
“con người khi sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn
cảnh tạo nên”. Còn Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì không bàn về tính
thiện- ác nơi con người. Ngài cũng không theo quan điểm trung dung, nhưng
khuyên chúng ta đừng làm gương mù, gương xấu mà làm ảnh hưởng đến tha nhân,
nhất là với những người bé nhỏ.
Gương xấu là gì? Gương xấu là một lời nói hay một hành
động không thích hợp làm cớ, tạo dịp cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.
Có hai hình thức gây gương mù, gương xấu: Trực tiếp và
gián tiếp. Trực tiếp là một hành động hay lời nói chủ ý, cố tình làm vậy để tạo
dịp cho người khác sa ngã. Gián tiếp là hành vi hay lời nói vô ý, sơ suất có
thể làm cho người khác hiểu lầm mà sa ngã, nhưng thực chất người làm không
muốn. Dù trực tiếp hay gián tiếp làm gương xấu thì cả hai hình thức này đều
phải tránh vì nó lôi kéo người khác vào những sai lầm, tội lỗi.
Chúa Giêsu lên án rất mạnh mẻ về việc làm này. Án phạt
mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai cố tình làm gương xấu là tử hình “Cột
cối đá mà quăng xuống nước”.
Để tránh gây gương mù gương xấu cho tha nhân không là
điều dễ dàng nên Chúa Giêsu đòi hỏi cần phải có lòng tin. Lòng tin chính là sức
mạnh vượt thắng những khó khăn trong đời. Sống lòng tin mọi nơi mọi lúc,
ta mới có thể hóa giải được những khuynh hướng xấu nơi chính bản thân. Nhờ đó
ta tránh gây ra những nguyên cớ làm thiệt hại cho tha nhân.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng con để chúng con
đủ can đảm thi hành những điều tốt lành Chúa chỉ dạy, nhờ đó chúng con loại trừ
được những hành vi và lời nói xấu xa, tội lỗi gây chia rẽ bất hòa trong đời
sống.
Thứ ba: Lc 17, 7-10
Để nói một điều gì khó nói, người ta hay dùng cách nói
ví von
Để thổ lộ một tâm tình sâu kín, người ta hay bộc bạch
qua một câu chuyện.
Để diễn tả một chân lý nào đó, người ta hay dùng một
dụ ngôn.
Dụ ngôn là cách thế Chúa Giêsu hay dùng trong lời rao
giảng nhằm dạy chúng ta về chân lý của lẽ sống.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng câu chuyện dụ ngôn
về người đầy tớ để dạy chúng ta về thái độ khiêm tốn phải có trong bổn phận
phục vụ.
Như người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên
về, sẽ tự thấy có bổn phận phải tiếp tục phục vụ bữa tối cho chủ, rồi sau đó
mới được ăn mà vẫn không hề kêu ca. Vì anh ta ý thức mình là đầy tớ chứ không phải con hay chủ nhà.
Chúng ta cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo
lệnh phải làm theo ý Chúa, thì cũng hãy nói : "Chúng tôi là những đầy
tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi." (Lc
17,10), chứ không được tự mãn, khoe khoang về những thành quả do công khó của
mình để rồi đòi buộc Chúa phải trả công cho mình như người làm thuê. Vì xét cho cùng, tất cả
những gì chúng ta “có” và chúng ta “là” đều do ơn ban của Chúa: Sự sống, sức khỏe,
tài năng, điều kiện hoàn cảnh…; ngay cả những lúc thành công trong công việc
tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Đúng như lời Người đã phán : “Không có Thầy, anh em
không làm được gì.” (Ga 15,5).
Tạ ơn Chúa vì chúng ta được Chúa tin tưởng trao phó cho nhiệm vụ phụng thờ Chúa và phục vụ anh em. Xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng khiêm tốn trước Chúa, trước anh em và bản thân mình trong khi thi hành những bổn phận hằng ngày. Để khi thành công chúng ta không hề kêu ca tự mãn đòi hỏi công sức; cũng như khi thất bại, chúng ta cũng không bao giờ buồn tủi, chán nản, bỏ cuộc trong việc phục vụ theo bổn phận Chúa trao.
Thứ tư: CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ, lễ kính.
Suy niệm 1: Ga 2, 13-22
Cùng với GH, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền
Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua
Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín
ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được
triều đình hỗ trợ tái thiết và xây mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ
Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được hoàn thành và cung hiến long trọng,
dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.
Mừng kính kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm
nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện
diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành riêng thờ phượng TC, là nơi con
người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín hữu lãnh nhận các nguồn ơn thiêng
của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi
Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có
thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.
Hơn nữa hình ảnh đền thờ vật chất còn nhắc nhớ chúng
ta đến ngôi đền thờ vững bền và cao quý khác xinh đẹp không tàn phai theo năm
tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn
ý thức gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch để xứng đáng là nơi cư ngụ
của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền
Thờ thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước
biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ
dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại
dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.
Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo
ấy được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm
thâu trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế
gian và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa
trái tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong
bài đọc II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của
chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa
nhập vào trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên
khi tôn trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền
thờ trong Đức Kitô được tốt đẹp.
Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi
đền thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao
quý của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp
thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh
thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là
nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.
Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa
và với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải
được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống
của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa
trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.
Suy niệm 2:
Đền thờ Giêrusalem phải mất bốn mươi sáu năm mới xây dựng xong. Đúng là công trình thế kỉ hoàng
tráng, kiên cố và đáng tự hào. Tuy nhiên giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách quy
mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng hiện diện nơi ấy mới làm cho mọi công trình trở nên có giá trị và nơi đó mới được gọi là Đền Thờ. Cho nên một khi Đấng
Thánh ấy không hiện diện và không được tôn thờ nơi ấy nữa, thì nơi ấy không còn sự thánh thiêng và lập tức nơi ấy lại trở thành nơi chợ búa, làm hang ổ cho bọn trộm cướp cư ngụ. Lúc ấy, nơi ấy cần
phải được phá hủy để xây dựng lại những công trình khác có giá trị hơn. Điều này cũng giúp ta hiểu rằng giá trị đền thờ không phải do cấu tạo vật chất giá trị mà quan trọng là Đấng Thánh có hiện diện nơi ấy. Do đó, bất cứ ở nơi đâu, thậm chí là nơi hang bò lừa, hay nơi ổ chuột nếu có Chúa hiện diện, thì nơi đó cũng trở nên Đền Thờ vì có Đấng Thánh ở cùng.
Qua Bí tích Rửa tội,
chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế
Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ là hoang phí, nếu công trình được trả
giá bằng cái chết của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ
của bọn cướp!
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh,
là Đấng sẵn sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn
trùng cao cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và
thánh hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Ba Ngôi
Thiên Chúa ngự trị. Amen.
Thứ tư tn: Lc 17, 11-19
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau
khổ.
- Đau về thể xác:
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân
xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét
mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả
năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
- Khổ về tâm hồn:
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên. Cùi là bệnh
nan y thời bấy giờ chứng tỏ tội của người cùi phải rất nặng.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh
vì sợ lây uế. Người cùi bị buộc phải sống tách biệt với cộng đồng và bị xã hội
đẩy ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nương tựa vào người
khác nên bị xem là thành phần ăn bám của xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là
Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót.
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc
Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở
ban đầu mà Thiên Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi, tạo điều kiện cho họ hòa
nhập vào xã hội. Đó cũng chính là sứ điệp mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng
tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi còn là mời gọi tha thiết
đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương
nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; qua đó
giúp họ tự tin can đảm hòa nhập vào cộng đồng xã hội tận hưởng niềm vui, nguồn
an ủi sẻ chia tình người.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì
ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi
về tâm linh:
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa.
Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhật, không còn biết cám ơn
Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và
giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em
trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu
ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng,
ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác.
Những thứ đó chính là triệu chứng bệnh cùi tâm linh rất nguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh
của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh
tình nguy hiểm mà ta đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho
lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.
Thứ năm: Lc 17, 20-25
Nhớ thánh Lê-ô cả, giáo hoàng,
Tiến sĩ Hội thánh.
Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến và đến ở đâu? Đó
không chỉ là thắc mắc của người Pharisêu mà là của tất cả chúng ta.
Qua câu trả lời, Chúa Giêsu như muốn nói với ta rằng:
Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến hay đến ở đâu không quan trọng. Quan trọng là
làm sao chúng ta cảm nhận được triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.
Làm thế nào chúng ta cảm nhận được triều đại Thiên
Chúa đang ở giữa hay ở nơi chúng ta?
- Phải sống yêu thương.
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Như
vậy ai sống yêu thương thì người ấy giống Thiên Chúa; giống Thiên Chúa thì tất
nhiên được ở trong triều đại của Chúa; mà ở trong triều đại Chúa có nghĩa là
triều đại Thiên Chúa đang đến ở giữa người đó. Linh mục Vinh Hạnh đã sáng tác
một bài hát “Đâu có tình yêu thương” rất hay. Lời của bài hát viết rằng: “Đâu
có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa trời”. Vậy nơi nào có tình yêu, thì Đức
Chúa Trời hiện diện nơi đó. Và nơi đó chính là triều đại của Thiên Chúa đang
đến.
- Phải đặt niềm tin vào Đức Giêsu.
Trong cuộc đàm luận với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã
khẳng định: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy,
Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng
là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”(Ga 3,1-21). Nên những ai
tin tưởng vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm Người sẽ đón nhận được ơn cứu độ. Đón
nhận được cứu độ cũng đồng nghĩa với triều đại Thiên Chúa đang đến giữa họ.
- Phải sống công chính.
Thánh Phaolô xác định mạnh mẻ: “Nước Thiên
Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và
hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Do đó, ai biết sống đời công
chính, kiến tạo bình an và gieo rắc niềm vui trong Chúa Thánh Thần, người ấy
xứng đáng là công dân của nước Chúa. Là công dân nước Chúa thì tất nhiên triều
đại Thiên Chúa đang đến ở giữa họ.
Tóm lại: Niềm tin, tình yêu, công chính... là những
điều kiện nền tảng mà mỗi người chúng ta phải nỗ lực thực hiện, mới mong đón
nhận được triều đại Thiên Chúa đang đến với ta.
Xin Chúa cũng cố niềm tin, tình yêu và sự công chính
của Chúa nơi mỗi chúng ta, ngõ hầu chúng ta cảm nhận được bình an, hạnh phúc và
niềm vui nơi tâm hồn. Khi đó chúng ta sẽ nhận thấy triều đại Thiên Chúa đang ở
giữa chúng ta. Amen.
Thứ sáu: Lc 17, 26-37
Nhớ thánh Mar-ti-nô thành
Tours, GM
“Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17, 20) hoặc bao giờ đến ngày
tận thế? Đó không chỉ là nỗi quan tâm của những người Pharisêu mà còn là của
các môn đệ Chúa Giêsu: “Thưa thầy, ở đâu vậy?” (Lc 17,37).
Trãi qua mọi thời đại, con người lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề này.
Vào những thời kì đầu của Giáo Hội, các tín hữu
Thessalonica đã nghe theo những luận điệu tuyên truyền sai lạc về ngày tận thế
sắp đến. Do đó họ tỏ ra chán nản, lười biếng buông xuôi hết mọi thứ, không còn
lo làm việc nữa. Đến nổi thánh Phaolô phải viết thư khuyên họ, đừng tin theo
những luận điệu sai lạc ấy.
Ta vẫn còn nhớ khi bước vào năm 2000, nhiều người cho
rằng ngày tận thế sẽ đến, họ lo lắng và chuẩn bị đủ mọi chuyện: dự trữ lương
thực, mua đèn cầy để xin làm phép, lo đi xưng tội, cố gắng sống tốt... nhằm chờ
đón ngày tận thế đến.
Cũng vậy, cách đây vài năm, người ta đồn đoán rằng:
theo lịch Maya, thì vào ngày 21/12/2012 là ngày tận thế, do đây là ngày kết
thúc niên lịch của họ. Nhưng tất cả những đồn đoán ấy đều qua đi, mà không hề
xảy ra ngày tận thế.
Vậy bao giờ thì tận thế?
Không ai biết trước được. Cả Chúa Giêsu cũng không mạc
khải về thời giờ cụ thể của ngày này, chỉ có Chúa Cha biết thôi: “Còn
về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa,
cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi”(Mc 13, 32). Chúa
Giêsu chỉ nói sẽ có ngày tận thế. Ngày ấy đến một cách rất là nhanh chóng và
bất ngờ như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương
trời kia” (Lc 17, 24).
Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, bài
tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời cựu ước đó là:
lụt Đại Hồng Thủy thời Nô-e và Mưa lửa, Diêm sinh từ trời xuống thời ông Lót để
mời gọi chúng ta phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy.
Cũng như ngày tận thế đến bất ngờ và nhanh chóng thế
nào, thì cái chết cũng đến với mỗi chúng ta cũng mang tính cách bất ngờ như
vậy. Vì thế, điều quan trọng là hãy nghe theo lời dạy của Chúa mà chuẩn bị sẵn
sàng. Có sẵn sàng thì cho dù cái chết có đến bất ngờ, ta cũng không hề sợ hãi;
trái lại, ngày ấy sẽ là ngày hân hoan vui mừng của ta, vì triều đại Thiên Chúa
thuộc về ta.
Lạy Chúa, sống trên đời này, ai trong chúng con cũng
tất bật lo cho cơm áo gạo tiền; cũng như muốn vui chơi hưởng thụ. Nhưng xin
Chúa đừng để chúng con quá ham mê của cải và đam mê hưởng thụ mà quên đi nhiệm
vụ chính yếu là chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến.
Thứ bảy: Lc 18, 1-8
Nhớ thánh Giô-sa-phát, GM, Tử
đạo
Phải nói rằng cầu nguyện chính là biểu lộ của đức tin.
Có tin mới cầu xin. Tin ít thì cầu xin ít, tin nhiều cầu xin nhiều. Tin vững
vàng thì cầu xin kiên trì.
Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu phải thốt
lên: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất
nữa chăng?”. Nói cách khác là liệu Ngài có còn thấy con người cầu nguyện
khi ngày Ngài ngự đến nữa chăng?
Với hình ảnh bà góa trong bài tin mừng hôm nay, chúa
Giêsu muốn dạy chúng ta phải kiên trì trong cầu nguyện để biểu lộ đức tin mạnh
mẻ của mình.
Kiên trì là gì?
Kiên trì là: bền bỉ, giữ vững, không bỏ.
Bền bỉ cầu xin như người đàn bà góa bất hạnh trong bài
tin mừng hôm nay. Như thánh nữ Mônica hơn 20 năm cầu nguyện cho chồng, cho
con….
Nếu bà góa kiên vững đặt hết niềm tin và lời cầu xin
của mình vào ông quan tòa bất chính, thì chúng ta càng phải kiên gan giữ vững
niềm tin với lời nguyện xin của chúng ta vào Thiên Chúa là người Cha chúng ta.
Nếu ông quan tòa bất chính còn đáp lại nguyện vọng của
người đàn bà góa nhờ sự kiên trì không chán nản bỏ cuộc của bà ta, thì Thiên
Chúa, người cha nhân ái chắc chắn sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin
liên tục của con cái mình. Nhưng liệu lòng tin chúng ta có đủ mạnh để kiên trì
cầu xin hay là chúng ta dễ dàng nản lòng bỏ cuộc?
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết biểu lộ lòng tin của
mình cách mạnh mẻ bằng việc cầu nguyện kiên trì. Để khi vui hay lúc buồn, thành
công hay thất bại, mưa hay nắng, mạnh khỏe hay đau yếu… lúc nào con cũng gắn
kết với Chúa qua việc cầu nguyện. Xin cho con cũng ý thức cầu nguyện là nhu cầu
rất cần thiết cho đời sống đức tin như hơi thở cần cho sự sống vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét