Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN I MÙA VỌNG

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A

Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44

Hôm nay cùng với GH, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới. Khởi đầu năm phụng vụ là Chúa nhật I Mùa vọng. Mùa vọng là mùa của trông ngóng, đợi chờ. Chúng ta không chỉ trông ngóng, đợi chờ để kỉ niệm biến cố đã qua là ngày lễ Chúa Giáng sinh, mà chúng ta còn trông ngóng đợi chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang; nhất là biết tích cực dọn lòng đón chờ Chúa đến ban ơn phúc cho ta trong từng giây phút hiện tại.

Chính vì thế mà phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải có thái độ tỉnh thức để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho ngày Chúa đến bất ngờ.

* Mùa vọng mang 2 đặc tính: Vừa là mùa chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh, ngày mà GH kỉ niệm lại biến cố Con Thiên Chúa đến trần gian trong thân phận làm người lần thứ nhất (1); vừa là thời gian nhắc nhở các tín hữu tích cực hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (2). Chính vì hai lý do này mà Mùa Vọng được coi là thời gian cần thiết để chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng hợp với mong muốn đón nhận ơn ban của Chúa trong thời gian hiện tại.

* Mùa vọng được chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Bắt đầu bằng giờ kinh phụng vụ chiều I Chúa nhật thứ I Mùa Vọng và kéo dài đến hết ngày 16 tháng 12. Ý nghĩa của giai đoạn này là hướng lòng trông đợi ngày Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, tức ngày quang lâm, hay ngày tận thế. Vì vậy mà phụng vụ lời Chúa trong giai đoạn này hướng chúng ta đến ngày cánh chung và thúc giục chúng ta chuẩn bị tích cực để chờ đón ngày tái lâm của Chúa Kitô.

- Giai đoạn 2: Từ ngày 17 đến ngày 24/12, các phần riêng của Thánh lễ và Giờ Kinh Phụng Vụ thúc giục người tín hữu chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp để  sẵn sàng mừng kỉ niệm ngày Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người, đem ơn cứu độ đến cho nhân loại.

* Để chuẩn bị tâm hồn xứng hợp trong khi chờ đợi ngày Chúa đến theo tinh thần trên, phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.

- Bài đọc 1: Trích sách Isaia nói đến ngày tươi sáng của dân Chúa. Ngày ấy chính là thời kỳ dân Chúa được tôn vinh: “Núi Nhà Chúa sẽ được xây trên đỉnh các núi”. Ngày đó sẽ là ngày mà những ai tin nhận và thờ lạy Chúa sẽ đón nhận được hưởng ơn thái bình: “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Dân này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa”.

- Bài Tin mừng: Chúa Giêsu cho biết ngày ấy (ngày dân Chúa được tôn vinh và hưởng ơn thái bình) đã đến gần. Tuy nhiên ngày ấy sẽ đến rất là bất ngờ, tựa như sự kiện lụt đại hồng thủy thời ông Nô-e. Trong ngày ấy số phận con người sẽ được phân biệt rõ ràng. Cùng một kiếp người nhưng có người được Chúa tiếp nhận, có người sẽ bị Chúa bỏ lại, tùy theo cách thức chuẩn bị tâm thế của mỗi người cho ngày Chúa đến?.

- Ai trong chúng ta cũng muốn được tôn vinh và sống trong cảnh thái bình. Nhưng để có được như vậy, đòi buộc mỗi chúng ta phải chuẩn sẵn sàng. Vậy chuẩn bị sẵn sàng như thế nào?

- Thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma nhắc chúng ta làm hai việc:

* Loại trừ những việc làm đen tối, nghĩa là phải biết loại trừ những tính hư, tật xấu và tội lỗi ra khỏi tâm hồn mình qua việc dẹp bỏ 3D:

- Dẹp bỏ chè chén say sưa;

- Dẹp bỏ chơi bời dâm đãng;

- Dẹp bỏ cãi cọ ghen tương;

* Cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.

Vũ khí ấy chính là:

- Siêng năng đi về nhà Chúa để tham dự thánh lễ: Như dân Chúa lũ lượt đưa nhau tới, dập dìu kéo nhau đi lên đền thánh Chúa, để được Ngài chỉ dạy ta cách thức bước theo đường lối của Người.

- Tích cực cầu nguyện: nhờ đó ta mới có thể lắng nghe được tiếng Chúa nói cố gắng thực thi ý muốn của Chúa trong đời sống hàng ngày. 

- Nỗ lực sống tình bác ái: nhằm kiến tạo nền hòa bình hiệp nhất, bằng cách biến gươm đao thành cày cuốc, biến vũ khí thành dụng cụ sản xuất mang lại cảnh ấm no, hạnh phúc.

Xin cho chúng ta tích cực thực hiện những lời chỉ dạy của Chúa mà nhanh chóng và tích cực chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

 

Thứ hai: Mt 8,5-11

Mùa vọng là mùa dọn đường để Chúa đến. Mà con đường quan trọng nhất là con đường đi vào cỏi lòng. Vậy ta đã, đang và sẽ dọn con đường ấy như thế nào cho phù hợp với ý Chúa? Tin mừng hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta biết. Ta hãy chú tâm lắng nghe và nỗ lực thi hành thánh ý của Chúa.

Trong suốt cuộc sống ở trần gian, nhất là những năm rảo khắp miền đất Israel rao giảng Tin mừng. Có lẽ chưa bao giờ Chúa Giêsu hết lời khen ngợi đức tin của ai cho bằng đức tin của ông viên đại đội trưởng ngoại giáo người Rôma như đoạn Tin mừng hôm nay trình thuật: “Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”.

Viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma này đã làm gì mà được Đức Giêsu nức tiếng khen ngợi như vậy? Xin thưa, bởi vì ông ta là người ngoại giáo và ngoại bang nhưng ông ta đã sống và thể hiện được ba nhân đức đối thần hết sức tuyệt vời:

- Đức mến: Lòng yêu thương của ông không chỉ dành cho người ruột thịt hay cho những người bằng vai vế, nhưng tình yêu của ông còn dành cho cả những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội. Bằng chứng là ông đã hết lòng tìm cách để cứu sống cho người đầy tớ của ông. Ngay cả việc tìm đến và hạ mình mời Chúa Giêsu đến nhà để cứu giúp cho người đầy tớ của ông đang bị bệnh sắp chết.

- Đức cậy: Có vững lòng trông cậy vào quyền năng nơi Đức Giêsu, ông mới mạnh dạn xin Chúa Giêsu cứu chữa. Lòng cậy trông dẫn đến đức khiêm nhường thẳm sâu, đến nỗi ông cảm thấy chính bản thân ông và ngay cả căn nhà nơi ông đang cư ngụ cũng không xứng đáng để Chúa Giêsu bước chân vào: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”.

- Đức tin: Nhưng hơn hết ông ta có một đức tin hết sức mạnh mẽ. Đức tin ấy được biểu lộ qua lời nói đầy tin tưởng:“xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng bé nhà tôi sẽ lành mạnh”. Với đức tin đó ông đã được Chúa Giêsu hết lời khen ngợi: “Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có niềm tin mạnh như thế”. Qua đây, Chúa Giêsu còn xác định cho chúng ta hiểu rằng: ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho dân tộc Do Thái mà còn dành cho hết những ai biết đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô như viên sĩ quan ngoại giáo này,“nhiều người từ phương đông và phương tây, sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac, và Giacop trong nước trời”.

Mùa vọng là mùa dọn đường chuẩn bị cho Chúa đến, xin cho chúng ta biết dọn con đường đi vào tâm hồn được thông sạch bằng đời sống đức tin mạnh mẻ, lòng trông cậy vững vàng và lòng mến yêu tha thiết theo mẫu gương của viên đại đội trưởng. Nhờ đó Chúa mới có thể đến và ban ơn cứu độ cho chúng ta.


Thứ ba: Lc 10,21-24

Sống trong cảnh nước mất, nhà tan của kiếp làm nô lệ nơi đất khách quê người thời tiên tri Isaia, hơn bao giờ hết dân Do Thái mong đến một tương lai tốt đẹp. Mơ ước ấy được tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc 1 hôm nay.

Isaia mơ ước đến một ngày mà thế giới được chung sống hòa bình, không còn cảnh chia rẽ hận thù, chiến tranh và chết chóc.“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.”.  

Viễn cảnh tốt đẹp ấy chỉ đến khi Đấng Thiên Sai xuất hiện. Đấng Thiên Sai mà Isaia loan báo sẽ xuất thân từ dòng dõi Đa-vit. “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”.  (Ông Jesse là cha của Vua David); được tràn đầy Thánh Thần“Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và can đảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”; có đầy đủ mọi đức tính xứng bậc quân vương: công minh khi xét xử“Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.”; thương yêu người nghèo hèn“Ngài xét xử công minh cho những người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở.”; và can đảm nghiêm trị kẻ gian ác “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.”.

Ngày nay con người đang sống trong một thế giới có nhiều bất ổn: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố đe dọa từng giây phút… ; và trong một xã hội đầy dẫy những bất công, mạnh thắng yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, người nghèo luôn bị thiệt thòi, người vô tội thì luôn bị ức hiếp… Hơn bao giờ hết, con người luôn mong muốn có được cuộc sống an bình, hòa hợp nhờ vào những nhà lãnh đạo chân chính, biết tận tâm hy sinh phục vụ cho lợi ích con người, nhất là những người thiệt thòi trong xã hội. 

Nỗi mong ước ấy chỉ thành hiện thực khi con người biết khiêm tốn tin nhận và sống theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai. Bởi lẽ mầu nhiệm nước trời chỉ mạc khải cho những người bé mọn, như lời cảm tạ của Chúa Giêsu theo tình thần của bài Tin mừng hôm nay.

Xin cho chúng ta mùa vọng này biết can đảm loại bỏ tính kiêu căng, tự mãn nơi con người củ để mặc lấy con người mới của chân thành, đơn sơ, khiêm tốn. Nhờ đó ta mới đón nhận được nền hòa bình mà Chúa Giêsu mang đến trần gian, cũng như cảm nhận được niềm vui và bình an của Chúa trong tâm hồn.

 

Thứ tư: Rm 10,9-18; Mt 4,18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ

Trong những lúc cuộc sống gặp nhiều khó khăn hay khi áp lực công việc nặng nề, thì niềm tin chính là sức mạnh giúp con người có đủ nghị lực vượt qua để vươn đến tương lai tốt đẹp. Niềm tin ấy có thể đến từ bên ngoài do những người thân yêu khích lệ, nhưng niềm tin ấy phần lớn được thúc đẩy từ bên trong. Đó cũng chính là điều mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 1 của ngày lễ mừng kính thánh Anrê tông đồ hôm nay.

Thánh Phaolô nhấn mạnh đến Đức tin chính là điều kiện cốt yếu giúp con người vượt thắng mọi trở ngại mà vươn đến đỉnh cao của sự công chính và ơn cứu độ. Nhưng làm thế nào để có được đức tin?

Để có được đức tin, Thánh Phaolô đề cập đến hai tác động:

Tác động từ bên trong bởi tiếng nói của Chúa thúc đẩy: “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng anh em”.

Tác động từ bên ngoài bởi nhờ lời rao giảng:“làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng?”.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu độ chứ không riêng người Do Thái. Nhưng để đạt đến ơn cứu độ thì cần phải có đức tin. Mà muốn có đức tin, trước hết ta phải lắng nghe tiếng nói của Chúa nơi lương tâm cũng như Tin mừng do Giáo hội rao giảng. Mà lắng nghe xong vẫn chưa đủ, ta còn phải cụ thể hóa Lời Chúa bằng những hành động cụ thể . Vì “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có tuyên xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ”. Thánh Giacôbê cũng đã xác quyết điều này:“Đức tin không có việc làm là Đức tin chết.” (Gc 2, 17).

Do đó khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn gọi chính là tông đồ Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Với lời mời gọi thân thương của Chúa Giêsu và ý thức được sứ vụ loan báo Tin mừng hết sức cao trọng nên các ông đã mau mắn đáp Lời. Sẵn sàng bỏ lại tất cả, kể cả những gì thiết thân nhất trong cuộc sống trần gian để mau mắn lên đường, hăng say loan báo Lời Chúa, ngõ hầu mọi người Tin mà được cứu độ.

Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Anrê tông đồ mau mắn lắng nghe và đáp lại Lời  mời gọi của Chúa, hăng say ra đi loan truyền Tin mừng tình thương, giúp mọi người đón nhận được đức tin mà được cứu độ.


* Suy Niệm Mùa Thường Niên: Mt 15, 29-37

Bữa tiệc nói lên niềm vui và hạnh phúc. Được tham dự tiệc là chung phần niềm vui và hạnh phúc cùng với chủ tiệc. Nhưng tiệc nào ở trần gian thì cũng tàn, niềm vui nào cũng dứt. Vậy mà Isaia lại loan báo về một bữa tiệc không hề tàn và niềm vui không hề dứt, với những nét rất độc và thật lạ.

- Độc bởi vì mọi người đều được mời gọi đến tham dự, và bữa tiệc do chính Thiên Chúa đứng ra tổ chức và khoán đãi. Thực khách được ăn thỏa thích mà không phải trả đồng nào cả.

- Lạ bởi vì bữa tiệc được dọn ra ở trên núi cao; thức ăn thì dư đầy, rượu thì ngon, thịt thì béo. Đặc biệt, thực khách tham dự tiệc ấy thì mọi đau khổ, ô nhục, nước mắt và chết chóc sẽ tan biến, nhường chổ cho niềm vui và hoan lạc.

Qua phép lạ chữa lành những người bệnh tật và hóa bánh ra nhiều cho những người nghèo đói được ăn no nê, được Tin mừng hôm nay trình thuật, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa về bữa tiệc mà Isaia đã loan báo. Từ đó hướng chúng ta đến bữa tiệc viên mãn trong nước trời.

Được tham dự bữa tiệc nước trời là khao khát lớn nhất của người kitô hữu. Tuy nhiên để xứng đáng tham dự vào bữa tiệc ấy, chúng ta cần phải tin nhận, đến với và ở lại trong Chúa. Bởi chính Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ta là bánh sự sống…Ai đến với Ta không hề đói và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bào giờ”. (Ga 6, 35) nên “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Xin cho mùa vọng này, chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc siêng năng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể do Chính Chúa Giêsu thết đãi hằng ngày trên bàn thờ, hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho việc tham dự vào bữa tiệc viên mãn trong nước trời mai ngày.

 

Thứ năm: Mt 7,21.24-27

Có yêu nhau thì mới sẵn sàng lắng nghe và làm theo điều người yêu mình mong muốn. Đứa con có yêu cha mẹ thì mới trân trọng lắng nghe lời cha mẹ khuyên dạy và vui mừng thực hiện điều cha mẹ chỉ bảo. Cũng vậy chúng ta có yêu mến Chúa thì mới nghe lời và sẵn lòng làm theo lời Chúa.

- Không phải bất cứ ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì hẳn nhiên trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Nhưng để nên con cái đích thực của Chúa, trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa bằng cách đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời chúng ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá trị hàng đầu trong cuộc sống.

- Thứ đến, yêu mến Chúa thì phải gắn bó với Chúa mật thiết. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai thì ở gần người đó, yêu ai thì muốn ở bên người đó và yêu ai thì muốn ở với và ở trong để trở nên một với người đó.

- Cuối cùng Chúa Giêsu cho biết dấu hiệu của những người có lòng yêu mến Chúa đích thực đó là: tuân giữ lời Chúa. Thước đo của lòng yêu mến chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta tuân giữ lời Chúa ít hay nhiều.

Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thực hành lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”. Nhưng chỉ vâng vâng dạ dạ mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu giả hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Tình yêu đó chỉ là nhãn hiệu, là cái mác mà thôi.

Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi ích và giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “Nghe và thực hành lời Chúa giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “hãy làm theo lời Chúa chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải đi đôi mới có ích lợi, đức tin không việc làm là đức tin chết.

Xin Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời ta. Làm được như thế, chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và xứng danh là con cái đích thực của Chúa.

 

Thứ sáu: Mt 9, 27-31

Bài đọc I, tiên tri Isaia loan báo về một tương lai tốt đẹp sắp đến. Ngày ấy sẽ ngập tràn niềm vui.

- Vui cho người nông phu vất vả gieo trồng sẽ thu nhập mùa màng hoa trái tốt tươi. “Chỉ còn chút nữa, chút ít nữa thôi, núi Liban sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng.”

- Vui cho những người đau khổ vì bệnh tật sẽ được cứu chữa. “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.”

- Vui cho những người sống trong cảnh nghèo hèn và bị đàn áp sẽ được giải thoát. “Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.”

- Vui cho những người công chính vì những kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt. “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài..."

- Vui cho những người tin tưởng vào Chúa, vì quyền năng Thiên Chúa được thể hiện. “Từ nay Jacob sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Jacob nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Jacob là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.”

* Còn bài Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu chính là Đấng mang đến niềm vui ấy. Với phép lạ chữa cho 2 người mù được sáng mắt, như là dấu hiệu để người Do Thái hiểu rằng, điều tiên tri Isaia tiên báo 700 năm về trước, nay đã trở thành hiện thực. Nơi Chúa Giêsu ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ đã đến. Nơi Chúa Giêsu số phận con người từ nay được thay đổi. Người mù lòa sống trong đêm tối của lầm thang, khốn khổ sẽ nhìn thấy ánh sáng soi dẫn mà hân hoan bước đi trong ánh sáng ơn cứu độ.

Xin cho mỗi người chúng ta biết tích cực bước theo Chúa Giêsu “là đường là sự thật và là sự sống.” Cũng như tích cực chiếu tỏa sáng niềm vui cứu độ của Chúa cho những ai đang còn ngồi trong bóng tối tử thần.

 

Thứ bảy: 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 16, 15-20

KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC

Bổn mạng các xứ truyền giáo:


Suy niệm 1:

Cùng với GH, sáng nay chúng ta hiệp dâng thánh lễ tạ ơn mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, vị tông đồ truyền giáo vĩ đại, nhiệt thành là bổn mạng của Họ đạo Sóc Trăng chúng ta, và là bổn mạng của ca đoàn Phanxicô. Trong ngày long trọng đáng nhớ này, chúng ta hãy chia sẻ niềm vui và chúc mừng nhau bằng một chàng pháo tay thật to được không à!

Xin tạ ơn Chúa vì đã ban cho GH một nhà truyền giáo tuyệt vời là thánh Phanxicô-Xaviê! Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo, xin cho mọi người trong Họ đạo chúng ta cũng biết tích cực thi hành sứ vụ loan báo tin mừng của Chúa bằng đời sống cầu nguyện, dấn thân hy sinh phục vụ và hăng say loan báo niềm vui tin mừng cứu độ của Chúa đến cho mọi người, theo gương thánh Phanxicô Xaviê.

Hiệp dâng ý nguyện thiết tha

Chu toàn sứ vụ chan hòa thánh ân.

Dù cho thử thách gian trần

Vững tin có Thánh Phan Sinh đồng hành.

Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng nhau sám hối xin Chúa tha thứ những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta để những ước nguyện và của lể dâng xứng đáng được Chúa đón nhận.

Với thánh phaolô thì việc rao giảng Tin mừng như là cái duyên chứ không còn phải là cái nợ bó buộc nặng nề. Nên việc rao giảng Tin mừng chính là một niềm vui là hạnh phúc và là lẽ sống. “Miễn Lời Chúa được rao giảng”(Pl 1,18). Ngược lại nếu không thi hành sứ vụ rao giảng tin mừng là một sự khốn khổ: “khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16).

Chính tình yêu là sức mạnh thúc đẩy thánh Phaolô tận tâm, tận lực trong sứ vụ rao giảng. Với sức mạnh tình yêu, thánh Phaolô đã chấp nhận mọi gian lao, khổ nhọc để đồng thân đồng phận với mọi người: “yếu với người yếu, vui với người vui” và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9, 12). Tất cả chỉ với mục tiêu duy nhất là đem phần phúc Tin mừng đến với mọi người.

Tiếp nối thánh Phaolô tông đồ, thánh Phanxicô-Xaviê cũng đã sẵn sàng bỏ lại tất cả: danh vọng, giàu sang… để dấn bước lên đường đến với muôn dân loan báo Tin mừng. Vâng nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu và mưu cầu ơn cứu độ cho mọi người, thánh nhân đã hăng say đến những vùng xa xôi Á Châu: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippin. Ngài đã sẵn sàng bỏ lại thân xác mình trong một túp lều thô sơ, trên một đảo nhỏ ở Sancian gần bờ biển Trung Hoa, sau những ngày lâm trọng bệnh. Trong lúc tìm đường vào đại lục này.

Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban, theo gương của thánh Phanxico-Xaviê mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

 

Suy niệm 2:

Thánh Phanxico sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê, nước Tây Ban Nha trong một gia đình quyền quý.

Năm 19 tuổi, ngài sang Ba Lê để tiếp tục việc học. Tám năm sau, ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư tại đại học đó. Nổi tiếng nhờ trí thông minh, cậu Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng một ngày kia, qua lời giảng dạy đầy thuyết phục của thánh Ignatiô : “Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?” Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim thánh nhân, chọn ngài làm tu sĩ dòng Tên, và biến ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo.

Năm 1539, Phanxicô hăng hái lãnh sứ mệnh nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ. Một năm trời lênh đênh trên biển để đi từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ.

Ba mươi sáu tuổi bắt đầu công việc của một nhà truyền giáo ở Goa, thánh Phanxicô chịu mọi lao nhọc để giảng dạy và rửa tội cho người bản xứ.

Rồi ngài lại lên đường đi Malaxia, Inđônêsia, và là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Nhật Bản. Thánh nhân khao khát được đặt chân đến Bắc Kinh để gặp Hoàng đế Trung Quốc. Đáng tiếc, khi đang chờ trên hòn đảo Thượng Xuyên, vị chứng nhân truyền giáo vĩ đại của chúng ta đã kiệt sức và nằm xuống, bởi thời tiết mùa đông khắc nghiệt; mắt ngài vẫn hướng về Quảng Đông chỉ cách đó 14 cây số. “Ngài tắt thở trong khi cầu khẩn Chúa Ba Ngôi, danh thánh Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tay cầm một cây nến. Hôm ấy là ngày 3.12.1552, khi thánh Phanxicô mới bốn mươi sáu tuổi.

Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn Ðộ. Ðúng 70 năm sau, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh vào năm 1622. Và đến năm 1904, Ðức Thánh Cha Piô X đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho GH một vị thánh tuyệt vời vì đã nhiệt thành thực thi sứ vụ loan báo tin mừng không mệt mỏi.

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho mọi người trong Họ đạo chúng ta cũng biết thao thức dấn thân cho công cuộc loan báo tin mừng bằng việc cầu nguyện, dấn thân hy sinh phục vụ hàng ngày, luôn trung sống đạo và hăng say loan báo niềm vui tin mừng đến cho mọi người theo gương sáng của thánh Phanxicô Xavie.

"Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta". Đó là lời mở đầu của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng giám Mục Việt Nam sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội. Giáo Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad Gentes 2). Sẽ không là Giáo Hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo Tin mừng.

Trên hết truyền giáo hay loan báo Tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các Tông đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16,15). Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa mà được cứu độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?

Trước hết noi gương thánh Phanxicô-Xaviê thao thức truyền giáo.

Trong bức thư của thánh Phanxicô gửi cho thánh Inhaxiô Loyola cho thấy thánh nhân đã thao thức cho việc truyền giáo mạnh mẻ là dường nào. Ngài viết: “Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ trở nên người có đạo. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng : “Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục. Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã ủy thác cho họ”. (Các giờ kinh Phụng vụ, tr 535).

Thứ đến, phải có lòng nhiệt thành truyền giáo.

Vì yêu Chúa và các linh hồn, ngài đã hy sinh tất cả bởi vì như ngài nói: “Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi”. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó không còn khó nhọc nữa. Mà nếu có khó nhọc thì họ lại yêu thích chính sự khó nhọc đó”. Vì thế, sau khi rửa tội cho một bà già đau nặng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, bỏ cha mẹ, quê hương, vượt trùng dương để cứu một linh hồn mà thôi thì con cũng thỏa mãn lắm rồi. Nay có chết con cũng vui lòng”. Điều đó chứng tỏ ngài yêu các linh hồn như thế nào. Gương truyền giáo của thánh Phanxicô thật tuyệt vời, chúng ta cần phải noi theo.

Có lẽ ngày hôm nay, Chúa không bắt chúng ta phải qua Tàu, sang Tây để truyền giáo mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người làm việc với chúng ta. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hằng ngày.

Một cách cụ thể, chúng ta thực hiện việc truyền giáo trước hết bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa, chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó, vì Chúa đã phán: “vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người”(Lc 10, 2).

Tiếp đó ta phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác vì như ai đó đã nói : “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”. Gương sáng có tính thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói. “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. (Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Xin Chúa cho chúng ta biết thao thức và góp phần tích cực vào công cuộc tân phúc âm hóa cho mọi người, ở mọi nơi theo gương thánh Phanxicô-Xaviê.

 

Suy niệm 3:

Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Việc làm của đức tin chính là lắng nghe và thi hành lời Chúa. Nhờ lắng nghe và thi hành lời dạy của Chúa mà đức tin của chúng ta mỗi ngày mới thêm vững mạnh và triển nở cách tốt đẹp. Đó nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gửi đến nhắc nhở chúng ta.

Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu sánh ví đức tin như một căn nhà. Căn nhà đức tin ấy có đứng vững hay không tùy thuộc rất nhiều vào phần nền móng. Nếu căn nhà được xây dựng trên nền móng là đá tảng thì căn nhà ấy sẽ đứng vững, cho dẫu phải đối mặt với phong ba bảo tố; còn ngược lại nếu căn nhà ấy được xây dựng trên nền cát thì sẽ bị run lắc và sụp đỗ dễ dàng dưới tác động của mưa sa, bảo tố trào dâng.

Như vậy, để căn nhà đức tin của chúng ta được được đứng vững thì điều hết sức quan trọng là ta phải xây dựng đời mình trên nền tảng lời của Chúa. Bởi thế Chúa mới xác quyết mạnh mẽ rằng: “ai nghe và giữ lời Ta thì giống như người xây nhà mình trên nền đá”.

Do đó việc xây dựng đời sống đức tin tùy thuộc rất lớn trên nền tảng lời Chúa. Tuy nhiên lời Chúa không phải là quyển sách tiểu thuyết hay tác phẩm khoa học để ta đọc cho vui hay thu thập một số kiến thức mà lời Chúa phải thấm vào máu thịt và trở thành hơi thở để trong mọi tình huống, hoàn cảnh lời Chúa phải là kim chỉ nam định hướng cho đời sống của mình. Chính vì thế mà Chúa cảnh báo chúng ta: “không phải ai nói lạy Chúa…mà được vào nước trời…”.

Xin cho chúng ta biết nhận ra giá trị quý giá lời của Chúa để siêng năng học hỏi, suy niệm và nỗ lực thi hành với tất lòng lòng yêu mến nhờ thế mà đức tin của chúng ta mỗi ngày được củng cố thêm vững mạnh để có thể vượt thắng được mọi gian lao thử thách trong đời sống hàng ngày mà sống trọn tình vẹn nghĩa cùng Chúa.

 

* Suy Niệm Mùa Thường Niên: Mt 9, 35-10, 1.6-8.

Lời Chúa hôm nay khắc họa khuôn mặt của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót:

- Bài đọc 1, tiên tri Isaia trình bày Thiên Chúa tựa như một người cha: rất gần gũi để sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của con cái mình. Ngài luôn ở bên để bảo vệ chăm sóc phần xác cũng như phần hồn. Ngài cũng hằng quan tâm lo dạy dỗ, hướng dẫn con cái bước đi trên con đường chân lý. Tận thâm tâm Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ khi con cái biết ăn năn sám hối và hết lòng chữa lành sau khi đã nghiêm khắc sửa dạy khi con cái lầm đường, lạc lối.

- Còn bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa qua ánh mắt: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”; đến trái tim và rồi đưa đến những hành động cụ thể bằng cách:

- Dạy dỗ dân chúng: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.”

- Chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”.

- Ngài còn lo cho dân chúng đói khát được ăn no nê bằng cách làm phép lạ bánh hóa nhiều để họ an vui và có đủ sức trở về lại mái ấm gia đình.

- Ngoài ra Ngài còn chuẩn bị cho nhân loại một tương lai tốt đẹp bằng cách: chọn gọi và huấn luyện các môn đệ để các ông này tiếp tục sứ vụ đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít”.

Mùa vọng là dịp tốt để chúng ta nhìn lại bản thân mà cảm nhận sâu xa tình Chúa yêu ta.

Xin cho chúng ta biết không ngừng cảm tạ, chúc tụng lòng thương xót của Chúa bằng tâm tình sám hối ăn năn chân thành và nỗ lực canh tân đời sống bằng những việc làm thiết thực như: siêng năng lần chuỗi lòng thương xót; tích cực tham dự thánh lễ; nhất là nhiệt tâm làm việc bác ái để loan truyền lòng thương xót Chúa cho mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...