Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN 

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A

Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5, 38-48

* Suy niệm 1:

Câu chuyện: TÔI ĐÃ TRẢ THÙ ĐƯỢC RỒI ! :

Có hai người đàn ông thổ dân nước Nam Phi rất thù hằn ganh ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp thấy đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang dạo chơi trong rừng, liền bắt cô bé chặt đứt ngón tay út rồi thả ra. Cô bé bị đau la khóc dùng tay còn lại ôm chặt bàn tay bị chặt đứt ngón út chạy mau về nhà chữa trị, đang khi tên hung thủ la to rằng : “Ta đã trả thù được rồi !”.

Mười năm sau, cô bé bị chặt ngón đã lấy được một người chồng Công Giáo giàu có trong vùng. Ngày kia, một kẻ ăn xin tới xin ăn, bà chủ nhà nhận ngay ra kẻ trước đây đã chặt ngón tay của mình. Bà vào trong nhà, sai gia nhân đem cơm thịt ra đãi người ăn xin. Khi kẻ thù đã ăn no, bà mới giơ bàn tay có ngón út bị cụt ra và nói : “Hôm nay tôi đã trả thù được rồi !”.

Tên ăn mày lập tức nhận ra người đàn bà đối xử tốt với mình không ai khác hơn là cô bé năm xưa đã từng bị hắn chặt đứt ngón tay để trả thù, nên hắn rất hối hận và đã quỳ gối cám ơn bà không những không chấp nhất tội hắn mà còn đối xử nhân hậu là cho hắn một bữa ăn ngon.

Tha thứ và làm ơn cho kẻ làm hại mình, đó chính là đỉnh cao của luật tình yêu mà Chúa Giêsu muốn lời mời gọi chúng ta thực hiện trong cuộc sống qua phần phụng vụ lời Chúa hôm nay.

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Cũng vì tình yêu ấy nên Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người. Vì thế mà trong mỗi chúng ta phải thấm đẫm tình yêu "như Chúa yêu". Tuy nhiên trải qua dòng thời gian với hoàn cảnh đổi thay, nhất là do bị lây nhiễm bởi tội lỗi nguyên tổ, tình yêu thuở ban đầu ấy đã bị lu mờ và biến chất. Cho nên khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã phải kiện toàn lại lề luật, trong đó có luật yêu thương: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”; và “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con.” (Ga 15,12)

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với cội nguồn của tình yêu. Và để trở về với tình yêu của thuở ban đầu ấy, Chúa Giêsu mong muốn chúng ta cần phải xác định lại: không gian, thời gian, đối tượng và cách thức yêu sao cho đúng với tinh thần của Ngài:

1. Không gian và thời gian của tình yêu: Tình yêu không chỉ bị giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp trong một lãnh thổ, tôn giáo hay sắc tộc nào cả…theo như luật của cựu ước đã quy định, mà nó phải được mở rộng ra khỏi vùng biên, nghĩa là tình yêu phải được hiện diện khắp mọi nơi trong trời đất; tình yêu ấy phải được kéo dài liên lỉ từ đời nọ đến đời kia, bởi lẽ Thiên Chúa đã phán“Ta là Alpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận!” (Kh 21,6).

2. Đối tượng của tình yêu: Tình yêu đích thực không chỉ bó buộc nơi những người thân thuộc cùng huyết thống, tôn giáo hay trong một đất nước nào cả theo như sách luật Lêvi giới hạn trong Bài đọc 1: "Anh em ngươi, con cái dân ngươi và đồng loại ngươi"; và cũng không được phân biệt đối xử theo lẽ tự nhiên như Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch”. Trái lại tình yêu đích thực phải được nới rộng ra cho hết mọi người, ngay cả những người xem ta là thù địch với ta nữa. Vì đó là điều Chúa dạy: “Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con." (Mt 5,44)

3. Cách thức thể hiện tình yêu: 

Hành động thể hiện tình yêu phải vượt trên mức độ công bằng theo như luật cựu ước quy định là: "mắt đền mắt, răng đền răng”; hay mang tính tiêu cực khi khuyên dạy: “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”. Trái lại, tình yêu đích thực phải mặc lấy tinh thần tích cực, cụ thể là: “nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ." Chưa dừng ở đó, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta còn phải đi xa hơn nữa. Đó là phải đối xử từ bi nhân hậu đối với mọi người, kể cả những kẻ không tin thờ TC và chống đối làm hại ta nữa bởi vì: “Thiên Chúa nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6,35-36). Tình yêu thương như Chúa còn phải lan tỏa đến hết mọi người ở khắp mọi nơi, bởi vì Thiên Chúa đã đang và sẽ yêu thương thi ân giáng phúc cho hết mọi loài và mọi người: “Thiên Chúa cho mặt trời Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45) Cho nên không lạ gì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con”.

Khi trở về và sống đúng với bản chất của tình yêu theo như lời dạy của Chúa Giêsu dạy quả là không dễ. Biết thế nên Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những phương cách cần thiết để có thể thực hiện được:

- Nghĩ đến tâm hồn mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần nên cần trân trọng yêu thương.

- Nghĩ đến sự hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu. (x. bài đọc 2).

- Nghĩ đến Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

- Nghĩ về mình là con cái Chúa, và Ngài là Cha chung mọi người.

- Nghĩ đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu “phải nên tốt hơn những người thu thuế và dân ngoại.”

- Nhất là đáp lại lời mời gọi của Chúa sống trọn lành theo khuôn mẫu của Chúa là Cha chúng ta trên trời: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành". (x. bài Tin mừng)

Khi suy nghĩ đến những điều ấy, ta sẽ dễ dàng thi hành giới luật tình yêu do Chúa Giêsu chỉ dạy, Nhờ đó ta mới xứng đáng với tình yêu mà Chúa dành cho ta. Thực hiện được như thế ta mới cảm nhận được niềm an vui, bởi biết mình sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.

Xin Chúa thanh luyện tình yêu của chúng ta nên giống như tình Chúa, để ta không chỉ đối xử với nhau theo lẽ công bằng mà còn biết sống với nhau theo tinh thần bác ái kitô giáo nữa. Sống như thế ta sẽ trở nên trọn lành, xứng danh là môn đệ Chúa. Amen. 

 

* Suy niệm 2:

Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến điều luật căn bản của Chúa. Đó là luật “Tình Yêu”. Tình yêu mà Chúa Giêsu chỉ dạy không dừng lại nơi người thân cận nhưng phải được vươn xa đến hết mọi người, ngay cả những kẻ thù ghét mình nữa. Đây quả là điều luật rất khó thực hiện với khả năng giới hạn của kiếp người. Nhưng sẽ không khó nếu chúng ta biết nương tựa vào ơn ban và sức mạnh của Chúa ban. Vậy chúng ta hãy tha thiết xin Chúa ban tràn đầy ơn thiêng xuống trên ta, để ta có đủ sức thiêng thực hiện điều Chúa chỉ dạy, hầu xứng danh là môn đệ của Chúa Giêsu và trở nên con của Cha trên trời là đấng nhân lành.

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nên con người cũng phải có tình yêu như Chúa. Nhưng trải qua dòng thời gian với hoàn cảnh đổi thay, nhất là do bị lây nhiễm bởi tội lỗi nguyên tổ, nên tình yêu nguyên tuyền của Thiên Chúa nơi con người đã bị lu mờ và biến chất. Vì thế khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài xác định: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về với Tình Yêu nguyên tuyền của thuở ban đầu như vốn dĩ nó là: 

 Tình yêu mang tính chiều rộng: Tình yêu không chỉ bị giới hạn trong một ranh giới hạn hẹp của một lãnh thổ, tôn giáo hay sắc tộc… nào cả theo như luật cựu ước quy định, mà phải được mở rộng ra khỏi vùng ngoại biên, nghĩa là tình yêu phải được hiện diện khắp mọi nơi trong trời đất.

-  Tình yêu mang tính chiều ngang: Tình yêu đích thực không chỉ bó buộc trong những người thân thuộc cùng huyết thống hay trong cùng một đất nước theo như sách luật Lêvi chỉ dạy: "anh em ngươi, con cái dân ngươi và đồng loại ngươi"; mà tình yêu phải được mở rộng ra khỏi vùng ngoại biên và vươn đến mọi người, ngay cả những kẻ thù ghét mình như lời xác quyết của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Như vậy đối tượng tình yêu phải được nới dài ra cho hết mọi người, ngay cả những người mà ta gọi là kẻ thù nữa.

- Tình yêu mang tính chiều sâu: 

  Hành động thể hiện tình yêu phải vượt trên mức độ công bằng và không mang tính của tiêu cực như là: "Mắt đền mắt, răng đền răng”; hay “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”, trái lại, phải mang màu sắc tích cực, cụ thể là: “nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.". Chưa hết, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi hỏi còn phải đạt đến đỉnh cao “yêu như Chúa yêu”

Khi trở về sống đúng bản chất của tình yêu theo lời dạy của Chúa Giêsu quả là khó vô cùng. Biết thế, nên Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những phương cách cần thiết để ta có thể dễ dàng thực hiện:

1. Nghĩ đến tâm hồn mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần nên cần trân trọng yêu thương.

2. Nghĩ đến sự hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu.

3. Nghĩ đến Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót. “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương.

4. Nghĩ đến mình là con của Chúa và Người là Cha của chúng ta.

5. Nghĩ đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “phải nên tốt hơn những người thu thuế và dân ngoại”.

6. Nhất là phải ý thức trở nên trọn lành như Cha chúng ta trên trời: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành."

Khi suy nghĩ đến những điều ấy, ta sẽ dễ dàng thi hành “giới luật tình yêu” mà Chúa Giêsu chỉ dạy, bởi vì ta biết rằng làm như thế mới xứng danh là môn đệ của Chúa. Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy chúng con yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

Xin Chúa thanh luyện tình yêu trong ta nên tinh tuyền, để ta không chỉ đối xử với nhau theo lẽ công bằng mà còn theo tinh thần bác ái kitô giáo nữa. Sống như thế ta sẽ trở nên trọn tốt, trọn lành, xứng đáng là con cái của Chúa. Amen. 

 

Suy niệm 3:

* Bài đọc I: Lv 19,1-2.17-18

Sách Lêvi là một bộ sưu tập những khoản luật rất cổ xưa, trong đó các chương từ 17 đến 25 (đoạn được trích đọc hôm nay nằm trong phần này) được gọi là “Bộ luật về sự thánh thiện”.

Vấn đề căn bản được đặt ra trong bộ luật này là: Thiên Chúa là thánh, con người là tội lỗi. Vậy làm thế nào con người tội lỗi như chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa thánh thiện được ?

Câu trả lời tuy rất đơn giản nhưng lại rất sâu sắc: Hãy sống yêu thương như chính Thiên Chúa đã yêu thương. Sách Lêvi diễn tả cuộc sống yêu thương theo hai phương diện :

- Phương diện tiêu cực là “Ngươi sẽ không thù ghét anh em ngươi… Ngươi sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi”.

- Phương diện tích cực là “Ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi”.

Chúng ta hãy chú ý: đối tượng của lòng yêu thương là “anh em ngươi, con cái dân ngươi, đồng loại ngươi”. Những kiểu nói đó đều chỉ về dân Israel. Điều này có nghĩa là lòng yêu thương trong Cựu Ước còn giới hạn nơi những người Israel với nhau.

* Bài đọc II: 1 Cr 3,16-23 (Chủ đề phụ) 

Ôn lại những đoạn được trích đọc các Chúa nhật trước: Tín hữu Côrintô tự hào mình khôn ngoan nên chia rẽ nhau, nhóm thì theo Phaolô, nhóm khác theo Apollô, nhóm khác nữa theo Kêpha (tức Phêrô).

Thánh Phaolô nói cho họ biết rằng tất cả là Đền thờ của Thiên Chúa, một thể thống nhất liên kết với nhau. Do đó họ không nên dựa vào sự khôn ngoan để kình chống nhau, làm hại đến tính thống nhất của giáo đoàn.

* Tin mừng: Mt 5,38-48

Tin mừng này, tiếp theo phần đầu của bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Những lời giáo huấn này là một trong những điều mà Chúa Giêsu chấn chỉnh để hoàn thiện Luật cũ.

Trong bài đọc I, chúng ta đã thấy Luật về sự thánh dạy phải yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau.

Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.

- Theo tinh thần Cựu Ước, người ta có quyền trả đũa “Mắt đền mắt, răng thế răng”. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

- Theo tinh thần Cựu Ước, người ta chỉ yêu thương người đồng bào. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì hãy yêu thương thù địch và lấy ơn để báo oán.

Lý do của lòng yêu thương bao la ấy là chúng ta phải noi gương Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương”.

Như thế, giáo huấn về yêu thương của Đức Giêsu thể hiện đúng nguyên tắc mà Luật về sự thánh trong sách Lêvi đã đề ra : “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.

Tuy nhiên cũng có những người suy nghĩ nông cạn nên vội cho đây là thái độ của kẻ hèn nhát nhu nhược, khuyến khích kẻ gian ác lộng hành: “Chúng được đằng chân, sẽ lân đằng đầu”; Nhưng những người khôn ngoan lại công nhận đây là lối hành xử tối ưu để giải quyết tận gốc các xung đột xã hội và mang lại hòa bình lâu dài. Thực vậy, nếu bị kẻ ác đánh một cái mà ta đánh lại, thì chắc chắn chúng sẽ đánh tiếp và bạo lực sẽ ngày một gia tăng. Nhưng nếu ta chịu đựng và nói chuyện phải quấy thì có thể kẻ đó sẽ bị khuất phục.

Chúng ta có thể ví bạo lực giống như sức mạnh của cây búa tạ trong tay thợ đập đá, tảng đá dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ bị bể tan! Đang khi hồ nước mềm mại có bị búa tạ bổ xuống vẫn không hề hấn gì, trái lại còn có thể nhấn chìm cây búa tạ kia xuống đáy hồ. Trước cơn bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp kháng cự lại sẽ bị gãy cành trốc gốc, đang khi rặng tre, lau sậy chịu uốn mình theo chiều gió nên vẫn được an toàn.

Thế nên Lão tử đã dạy các môn sinh : “Lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Môn phái Giuy-đô (juco) cũng theo quy luật nầy khi dùng sự mềm dẻo để tự vệ, và đánh bại đòn tấn công hung hãn của đối phương.

- Đức Giê-su đã yêu thương tha thứ cho những kẻ thù ghét làm hại mình : Người nhẫn nhịn chịu đựng khi bị xét xử bất công, bị xỉ vả đánh đập, bị lột áo trong áo ngoài, bị hành hình đóng đinh tay chân vào thập giá giữa hai tên trộm cướp… Người đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ mình : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

- Giận hờn, căm ghét người khác, tâm hồn chúng ta sẽ mất bình an, ta sẽ không còn thiết ăn uống vì dạ dày không làm việc, sẽ hay suy nghĩ thở dài và không ngủ yên giấc, bệnh tim mạch gia tăng và sẽ bị đột quỵ... trong khi kẻ bị ta thù ghét vẫn sống yên ổn ! Như vậy sự giận ghét không những không làm hại kẻ thù mà còn quay ra làm hại chính ta và cắt ngắn tuổi thọ của ta. Vậy chúng ta còn đợi gì mà không tha thứ cho tha nhân theo lời Chúa dạy?

- Hãy cầu nguyện và làm điều tốt để đáp trả kẻ đang thù ghét làm hại mình : Thay vì nuôi lòng thù hận, chúng ta hãy cầu xin Chúa thay đổi lòng trí kẻ thù ghét ta. Hãy tìm dịp thuận tiện để khen ngợi nói tốt cho họ. Khi nghe ai chỉ trích nói xấu họ, thay vì “đổ dầu vào lửa”, chúng ta hãy làm trạng sư để bào chữa lỗi lầm cho họ…Làm được vậy chúng ta mới trở nên hoàn thiện và xứng danh là môn đệ Chúa.

(Viết theo ý tưởng Lm. Carolo Hồ Bặc Xái)

 

Thứ hai: Mc 9,14-29

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết hậu quả tai hại do cứng lòng tin.

- Cứng lòng tin là nguyên nhân làm hư hỏng cả thế hệ. 

Đó là lời than phiền của Chúa Giêsu khi phải đối mặt với tình trạng đau khổ của đứa bé bị thần câm điếc ám hại. “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!”.

Sách sáng thế cho biết: Do Nguyên Tổ đã không tin vào tình thương của TC nên đã dùng tự do Chúa ban để khướt từ Ngài; với mong muốn đi tìm một hạnh phúc mà không cần TC. Từ đó đau khổ, bệnh tật và sự dữ xuất hiện lan tràn qua muôn thế hệ. Nhìn thấy những nỗi khổ đau của nhân loại cách chung, cách riêng tình trạng của đứa bé phải chịu sự khống chế của ma quỷ, Chúa Giêsu đã cất lên lời than thở “Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”. Qủa vậy, một khi con người không còn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình, thì hậu quả thật khôn lường xảy ra, không chỉ làm hư hỏng đến thế hệ tương lai mà còn hư hoại cả vũ trụ này nữa.

- Kém lòng tin là lý do làm cho các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ.

Chính Chúa Giêsu cho biết lý do tại sao các môn đệ không thể chữa lành được đứa bé bị quỷ ám. Đó là vì họ thiếu đức tin.

- Trước hết là đức tin của các môn đệ. Đức tin của các môn đệ còn yếu kém nên các ông đã không thể khống chế được sức mạnh của thần câm điếc ám hại đứa bé được. Điều này đã được minh chứng qua là lời trình báo của cha đức bé với Chúa Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông đã không làm nổi”.

- Tiếp đến là đức tin của người cha đứa bé. Cũng vì đức tin của người cha đức bé vào các môn đệ không được vững mạnh là nguyên do làm cho các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ. Nên Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lại niềm tin nơi ông: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin”. 

Nhận ra được đức tin của mình còn yếu kém. Nên ông đã khiêm tốn kêu xin Chúa tăng cường đức tin cho ông: “Tôi tin! nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chính nhờ lòng khiêm tốn và đức tin của ông được củng cố vững mạnh mà đứa con yêu quý của ông đã được Chúa Giêsu ra tay cứu chữa. 

Đọc Phúc âm, chúng ta thấy hầu hết những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện đều khởi đi từ lòng tin của con người. Nên Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẻ với người cha của đức bé: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).

Xin Chúa cho chúng ta biết gia tăng cầu nguyện và ăn chay hãm mình để đức tin nơi chúng ta được củng cố thêm vững mạnh, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được mọi cám dỗ và đủ sức mạnh để khống chế được sức mạnh của ma quỷ.

 

Thứ ba: Mc 9, 30-37

Tin mừng hôm nay cho biết, trong khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người sắp xảy đến, thì các tông đồ lại không muốn nghe và không muốn hiểu, chỉ vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược lại ước vọng trần tục của các ông. Xin Chúa giúp chúng ta biết vượt thắng được những khuynh hướng tự nhiên của con người để khao khát vươn lên sống theo tinh thần của Chúa. 

Kinh nghiệm cho thấy, không ai giống ai. Cha ông ta thường nói: "chín người mười ý". Ngôn ngữ của ngày hôm nay thì nói về “gu”, ám chỉ mỗi người có những sở thích khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè, lý tưởng…

Có thể nói “gu” của các tông đồ là được đi trên con đường dễ dãi, ngại hy sinh và dấn thân… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, thì các ông hình như không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu, bởi điều đó phải là “gu” mà các ông mong muốn nên “các ông sợ không dám hỏi Người”.

- “Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn, đứng đầu nên “dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.” (Mc 9,34).

- “Gu” mà các tông đồ là muốn mọi người phải nghe và làm theo ý mình nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã đứng ra can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người.” (Mc 833).

- “Gu” các tông đồ là muốn thống trị nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông. “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54). 

- “Gu” các tông đồ là muốn độc quyền ân huệ Chúa, không muốn cho người khác làm phép lạ như Thầy mình. Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” (Mc 9,38).

Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu là vì quyền lợi cá nhân, muốn được làm lớn để được người khác phục vụ, muốn tận hưởng vinh quang phú quý nhưng lại ngại hy sinh dấn thân. Vì thế, những gì đi ngược lại với “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.

Rất có thể “gu” của các tông đồ cũng là  “gu” của chúng ta. Nhưng đó không phải là “gu” mà Chúa Giêsu muốn. “Gu” mà Chúa Giêsu mong muốn nơi người làm lớnđứng đầu và lãnh đạo phải là:

Tận tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. 

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô vị lợi thì lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!

Mở lòng đón tiếp mọi người, nhất là những người bé nhỏ. 

Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thường thích liên hệ và đón tiếp những người có chức vụ cao, quyền trọng và giàu có..., còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó thì ít ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta? Nhưng Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp chính Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người. Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung: "Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái". Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo.

Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” làm lớn theo kiểu thế gian để chấp nhận “gu” lãnh đạo theo tinh thần của Chúa mà sẵn sàng mở lòng đón tiếp những người bé nhỏ, nghèo hèn với tấm lòng yêu thương chân thành; và tận tâm phục vụ mọi người với lòng khiêm tốn, vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu, cho dẫu phải trải qua con đường thập giá.

 

Thứ tư Lễ TroMt 6,1-6.16-18

Suy niệm 1:

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào mùa chay thánh. Mùa chay thánh có thể được ví như mùa cải lương (cải cách, đổi mới hay sửa đổi cho nên tốt hơn). Bởi thế mùa chay không chỉ mời gọi chúng ta thay đổi cách sống bên ngoài, nhưng trên hết là biến đổi bên trong cõi lòng. Nghĩa là biến đổi từ tâm xấu trở nên tốt, từ tâm bất chính trở nên chính tâm, từ giả tâm trở nên thật tâm , từ ác tâm trở về với lương tâm ngay chính của thuở ban đầu do Chúa tác tạo.

Khởi đầu mùa chay (mùa cải lương) bằng nghi thức xức tro lên đầu là dấu chỉ mời gọi chúng ta ý thức về thân phận bụi tro, mang nhiều tội lỗi mà khiêm tốn xin ơn hoán cải. Có nhận ra mình tội lỗi thì mới thật lòng trợ về xin ơn tha thứ; có được ơn tha thứ thì mới mong được biến đổi.

Ước gì mùa chay thánh này là dịp thuận tiện, là cơ hội tốt làm chuyển biến cuộc đời chúng ta trở nên hoàn thiện hơn theo ý muốn của Chúa và Giáo Hội.

Cử chỉ mà chúng ta nhận tro trên đầu nói lên dấu chỉ của lòng sám hối.

Vậy sám hối là gì ?

Từ ngữ Do thái dùng để chỉ sự sám hối có ý nghĩa sâu sắc. Đó là danh từ của động từ có nghĩa là “quay lại”. Sám hối là từ bỏ điều dữ và quay lại cùng Thiên Chúa, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý của tòan dân tộc hoặc của cá nhân.

Sám hối, theo tiếng Hy lạp là “Metanoia” có nghĩa là “thay đổi” = meta… não trạng = noia. Như vậy sám hối có nghĩa là sự đổi mới của con người từ trong con người, từ trong tâm hồn, biểu lộ qua ngôn ngữ và hành vi. Không phải chỉ như người bộ hành xoay mặt ngó lui thấy mình đi lầm đường rồi thôi, mà phải đi trở lại để đi vào đúng con đường chính.

Như vậy sám hối không phải chỉ là thay con người ở hình thức bên ngoài, mà là thay đổi chính nội tâm, biểu lộ ra bên ngoài qua ngôn ngữ và hành vi.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta sám hối hay là trở về trong các mối hiệp thông.

1. Hiệp thông giữa con người với nhau (chiều ngang).

Không biết vô tình hay hữu ý mà tin mừng hôm nay, trước tiên Chúa Giêsu lại nhắc nhở chúng ta chỉnh đốn lại mối hiệp thông đối với nhau. “khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy”.

Về cách làm việc lành phúc đức hay gọi là làm việc bác ái, thì Chúa dạy ta đừng thổi loa trước như bọn giả hình để cho người ta ca tụng. Chúa cảnh giác những người làm việc thiện chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen, để người ta ca tụng mình. Nếu để người khác ca tụng mình dưới đất thì ta đã được thưởng công rồi, không còn công phúc trước mặt Chúa nữa. Nếu không cẩn thận thì những việc quyên góp bác ái của ta chỉ nhằm để lấy điểm thì thật là tai hại. 

Ðể được gọi là việc bác ái, ta cần chia sẻ những gì là của mình, cho đi chính những gì mình cần, theo tinh thần của người đàn bà goá đã bỏ vào hòm tiền hai đồng bạc thì mới đáng quý. Còn nếu chỉ cho những thứ mà mình không dùng đến thì chẳng có giá trị gì.

Trở về sống hiệp thông trong tình bác ái với anh em là chúng ta phải vượt ra khỏi võ ốc của sự ích kỉ nhỏ nhen chính mình để đến với tha nhân bằng sự cảm thông và tha thứ, cho dầu gặp phải những lừa dối và vô ơn. Đến với mọi người bằng san sẻ chia xớt, cho dẫu gặp toàn những vong ơn bội bạc. Đến với anh chị em bằng tiếng cười cởi mở chân thành, dù gặp toàn những đắng cay muộn phiền.

Biết làm việc lành phúc đức trong âm thầm, hy sinh như thế là chúng ta đã trở về với con người thật với ý thức “ tất cả là bởi ân huệ Chúa ban”; “đã lãnh nhận nhưng không thì trao ban nhưng không”. Cho đi mà không toan tính như thế mới đáng được Chúa trả công.

2. Hiệp thông với Chúa (chiều cao)

Khởi đầu mùa chay, Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về sống tình hiệp thông với Chúa qua đời sống cầu nguyện và cách thức cầu nguyện. “ Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại…”.

Những người Pharisêu là những người chỉ muốn người khác biết họ cầu nguyện và cho họ là đạo đức. Nên thường thích chọn những nơi đông người. Không phải vì cầu nguyện nơi đông người là xấu, nhưng nó trở nên không xứng khi việc cầu nguyện trở nên một sản phẩm để đưa ra quảng cáo nhằm thu hút khác hàng.

Theo cách giải thích của thánh Ambrôxiô thì vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, có nghĩa là vào căn phòng nội tâm của nhà linh hồn, là nơi người ta lưu trữ tư tưởng, cảm tình. Cầu nguyện là lúc ta hiệp thông với Chúa, nhận ra Chúa là Đấng nhân hậu và yêu thương. Trở về với Chúa qua cầu nguyện là để mở lòng đón nhận tình thương tha thứ của Chúa. Trở về với Chúa để ta nhận ra đường lối và sự chỉ dạy của Người. Trở về với Chúa ta mới nhận ra những khuynh huớng xấu và những tội lỗi của mình mà sửa đổi ăn năn. Nhất là hiệp thông với Chúa qua cầu nguyện ta tránh khỏi sa chước cám dỗ (x.Mt 22, 20).

3. Hiệp thông với chính mình (chiều sâu)

Cuối cùng Chúa mời gọi chúng ta hãy trở về để sống tình hiệp thông với chính mình bằng việc ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình.

Sau Công đồng Vaticanô II, luật ăn chay kiêng thịt trở nên đơn giản: chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ sáu mùa chay và ăn chay cùng với kiêng thịt vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh. Ðiều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng luật ăn chay kiêng thịt đã trở nên lỏng lẻo dễ dãi. Tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề, người ta thấy không phải vậy. Thiết tưởng ngày nay nhiều người công giáo cần phải xét lại việc ăn chay kiêng thịt.

Sống trong xã hội kĩ nghệ hoá tiêu thụ, người ta thấy thịt thà quá dư thừa. Vì thế ăn cá cũng là dịp tốt cho sức khoẻ. Vả lại những người thích ăn đồ biển thì việc kiêng thịt cũng không hẳn là việc hãm mình đáng kể. Có những người kiêng thịt mà lại đi ăn tôm hùm chẳng hạn - vừa mắc tiền vừa ngon lành - thì làm sao gọi là hi sinh hãm mình?

Ðiểm lợi ích của việc ăn chay là không những để giữ gìn sức khoẻ phần xác, mà còn giúp gia tăng sức mạnh thiêng liêng hầu chống trả cám dỗ.

Nếu người ta kiêng ăn uống chỉ nhằm mục đích giữ gìn sức khoẻ phần xác cho khỏi mập hay cao máu, hay để làm giảm chất béo cholesterol, thì việc ăn chay kiêng thịt của họ không có giá trị thiêng liêng vì thiếu động lực tôn giáo thúc đẩy. Vì vậy, muốn có giá trị thiêng liêng, người ta phải đem động lực tôn giáo vào việc kiêng cữ đồ ăn thưc uống. Mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để tạo nên một khoảng trống trong dạ dày hầu giúp người ta cảm thấy được sự trống rỗng trong tâm hồn mà đi tìm Chúa và mời Chúa vào để lấp đầy sự trống rỗng. Nói cách khác mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để cho tâm trí được thanh thoát hầu dễ vươn lên thượng giới.

Ngoài ra Giáo hội mong muốn người tín hữu tự nguyện ăn chay kiêng thịt vào những ngày khác. Ai tưởng luật ăn chay cho người Công giáo là khắt khe, thì nên tìm hiểu xem tín đồ Phật giáo và Hồi giáo giữ chay ngặt hơn gấp bội như thế nào.

Ngoài việc kiêng cữ đồ ăn thức uống, Giáo hội còn mong muốn người tín hữu không những kiêng thịt, nhưng còn kiêng miệng lưỡi, lỗ tai, con mắt, để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, nghĩa là những gì lành mạnh hoá cho sức khoẻ tâm linh. 

Do đó, việc ăn chay kiêng thịt của người kitô hữu, không phải là để được kính nể và được tiếng khen tặng như những người Biệt Phái. Nhưng nhằm rèn luyện ý chí, làm chủ bản thân và kiềm chế những đòi hỏi bất chính của bản năng. Nhờ thế mà tâm hồn được thanh thoát và vươn lên tới những giá trị cao quý, thánh thiêng. Việc ăn chay, kiêng thịt cũng nhằm giúp chúng ta ý thức và chia sẻ phần hy sinh trong chay tịnh để trợ giúp cho những ai thiếu thốn, khó nghèo đang cần đến chúng ta.

Sự trở về trong các mối hiệp thông dĩ nhiên là việc làm thường xuyên, nhưng những mạng hiệp thông này cần được lưu ý ra soát và sửa chữa cho thật tốt trong mùa chay. Xin cầu chúc quý ông bà anh chị em mùa chay thánh thật thánh thiện.

 

Suy niệm 2:

Chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa chay thánh. Khởi đầu mùa chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, điều này cho chúng ta hiểu rằng: Thân phận con người chúng ta nhỏ bé, thấp hèn như tro bụi nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương hóa kiếp làm người.

Cử chỉ nhận tro xức trên đầu cho biết con người ta mang nhiều tội lỗi cần khiêm tốn ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha, đổi mới đời sống. Nhận tro xức lên đầu cũng nhắc chúng ta nhớ ngày nào đó, chúng ta cũng trở về tro bụi. Đó là ý nghĩa của thánh lễ hôm nay.

Chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa chay thánh. Khởi đầu mùa chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, điều này cho chúng ta hiểu rằng: Thân phận con người chúng ta nhỏ bé, thấp hèn như tro bụi nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương hóa kiếp làm người.

Cử chỉ nhận tro xức trên đầu cho biết con người ta mang nhiều tội lỗi cần khiêm tốn ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha, đổi mới đời sống. Nhận tro xức lên đầu cũng nhắc chúng ta nhớ ngày nào đó, chúng ta cũng trở về tro bụi. Đó là ý nghĩa của thánh lễ hôm nay.

Khởi đầu Mùa Chay, Giáo Hội đưa ra nhiều phương thế để giúp chúng ta chữa trị tâm hồn như: xức tro, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.

1. Xức tro:

- Xức tro trước hết là chỉ sự khiêm nhường. Khi đón nhận việc xức tro trên đầu là ta nhìn nhận sự thấp hèn, chóng qua của phận người. Chính ông Abraham cũng đã khiêm tốn nhận mình chỉ là thân tro bụi trước mặt Thiên Chúa. (x.St 18,27).

- Ý nghĩa thứ hai: Xức tro chỉ sự sám hối. Việc rắc một ít tro trên đầu là dấu nói lên lòng sám hối (x. 2Sm 13,19; Mac 3,47 ; Eth 4,1; Mt 11,21). Bởi thế khi xức tro, thừa tác viên nhắc lại câu tin mừng của thánh Marcô: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”. (Mc 1,15).

Sám hối đích thực là trở về với Thiên Chúa, như tiên tri Giô-en thì mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van.” (Ge 2,12), chay tịnh đúng nghĩa là từ bỏ mọi tội lỗi nên cần “xé lòng chứ đừng xé áo.” (Ge 2,13). Còn thánh Phaolô thì nhắc nhở ta hãy hủy bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Con người cũ đó là: “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục”, mà thay vào đó bằng con người mới qua những việc lành phúc đức như: cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bố thí.

2. Cầu nguyện: Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa. Cầu nguyện đối với người kitô hữu như cá cần nước để sống, như hơi thở cần cho sự sống. Khi cầu nguyện là chúng ta bắt chước gương Đức Giêsu. Ngài cầu nguyện khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện để xua trừ ma quỷ, bởi “giống quỷ ấy chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,29). Cầu nguyện còn là cách giúp chúng ta biết tín thác vào Chúa. Vì “không có Thầy các con không thể làm được việc gì?” (x. Ga 15,5). Cho nên mùa chay, chúng ta cần xét mình lại trong việc cầu nguyện và tự hỏi xem tinh thần cầu nguyện của ta như thế nào? Ta có thường xuyên cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung, cầu nguyện trong gia đình, nơi công sở hay ở nhà thờ không? ta có cầu nguyện khi thành công, hay khi thất bại không?.

2. Ăn chay: nhằm giúp chúng ta làm chủ các ham muốn của xác thịt, để gia tăng sức mạnh của tâm hồn nhằm hướng tới các điều thiện hảo. Ăn chay theo luật bao gồm việc nhịn ăn và kiêng ăn.

- Việc nhịn ăn: Trong ngày ăn chay không được ăn vặt, chọn một bữa ăn no, còn hai bữa kia chỉ được ăn vừa hoặc ăn ít.

- Việc kiêng ăn: Không ăn thịt loài động vật có máu nóng như thịt heo, gà, bò, vịt…Sau công đồng Vatican 2, Giáo hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng có lẽ việc ăn chay được Thiên Chúa ưa thích nhất vẫn là: giảm bớt tiêu xài; kiêng ăn uống say sưa; không nói hành, xấu nói; không xem phim ảnh sách báo xấu …Tiên tri Isaia còn nhắc cách ăn chay tích cực hơn, đó là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm; chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.” (Is 58,4-8)

3. Bố thí: chỉ có ý nghĩa khi ta biết hy sinh giảm bớt phần ăn uống của mình để làm phúc bố thí cho người nghèo. Vì vậy, việc ăn chay và bố thí luôn gắn liền với nhau. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô”.

Tin mừng theo Thánh Matthêu, Đức Giêsu cũng cho biết làm phúc bố thí cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa, bố thí cũng chính là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời (x. Mt 25,35-36).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết vận dụng thật hiệu quả những phương cách mà Giáo Hội đưa ra trong Mùa Chay thánh này đó là: sám hối, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí để ta chữa trị tâm hồn và nhờ đó gia tăng được sức chiến đấu thiêng liêng của chúng ta chước những cám của ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Amen.

 

 Suy niệm 3:

 

Câu chuyện:

Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ nọ. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm ăn, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi lang thang tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau.

Con thứ nhất tâm sự : “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”.

Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn liền nói : “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên hỏi : “Có một chỗ ở như thế trong nhà thờ thật ư ? Hãy cho tớ biết chỗ đó là chỗ nào vậy ?”.

Chuột thứ hai đáp : “Đó là thùng quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo và ủng hộ xây dựng những công trình chung đặt ở cuối nhà thờ này đấy !”.

 Yêu thương là cho đi. Cho nhiều là dấu hiệu yêu nhiều. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô như sau : “cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê thì dạy các tín hữu sống đức tin bằng hành động: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17); và “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì ?” (Gc 2,15-16).

Việc đạo đức có lẽ ta cần quan tâm thực hiện trong Mùa Chay này đó là bố thí chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói. Việc làm bác ái nói thì dễ nhưng rất khó thực hiện, vì “Đồng tiền liền khúc ruột”. Chỉ những ai thực sự có tình yêu thương chân thành thì mới dám chia sẻ với lòng quảng đại. Khi thực hiện được những việc làm bác ái sẽ không làm chúng ta thiệt thòi hay mất mác, trái lại sẽ đem đến cho ta nhiều lợi ích:

- Giúp ta ý thức về giá trị tương đối của đồng tiền, để ta biết dùng đồng tiền để làm vinh danh Thiên Chúa và lo phần rỗi cho tha nhân.

- Giúp ta bớt đi lòng dính bén với của cải vật chất như Đức Giê-su đã khuyên chàng thanh niên giàu có, muốn nên trọn lành thì hãy bán của cải và giúp đỡ tha nhân: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).

- Gíup ta đền bù tội cách hữu hiệu: Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên bảo hai cha con nhà Tô-bi-a như sau : “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu.” (Tb 12,8-9).

Biết vậy nhưng chúng ta thường tỏ ra ích kỷ, khép kín lòng trước nỗi khổ đau của tha nhân. Đôi lúc chúng ta cũng làm được một vài việc tốt, nhưng ta lại muốn nói ra cho nhiều người được biết để mong cầu được tiếng khen.

Hôm nay khi bắt đầu Mùa Chay thánh, xin Chúa giúp chúng ta luôn ăn ở khiêm tốn như lời Chúa dạy : “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để những việc chúng ta làm được đẹp lòng Chúa và xứng đáng được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời. Amen.

(Tư tưởng của Lm Đan Vinh)

 

 

Suy niệm 4: TRO LO CÕI LÒNG

Lm Nguyễn Xuân Trường

Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro nhấn mạnh về LÒNG: Lòng Chúa lòng con.

1. Hết lòng trở về.

- Bài Đọc 1 mời gọi chúng ta hết lòng trở về cùng Chúa bằng câu nói giàu hình ảnh “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.” Sám hối là hết lòng trở về cùng Chúa bằng cả tấm lòng.

2. Lòng Chúa thương xót.

- Bài Đọc 1 diễn tả lòng Chúa “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” Bài Đáp Ca làm nổi bật hình ảnh một Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu thương xót bằng việc rộng lòng tha thứ xóa sạch mọi tội lỗi cho dân Người.

3. Lòng con thay đổi.

- Câu Tung hô Tin Mừng kêu gọi “anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.” Hãy thay đổi cứng lòng thành mềm lòng và mở lòng, để Chúa biến đổi chúng ta từ lòng chai dạ đá thành lòng ngay dạ thẳng, lòng tội lỗi thành lòng trong trắng, lòng bất trung thành lòng chung thủy, lòng xác thịt thành lòng đầy Thần Khí.

4. Chúa thấu lòng thành.

- Bài Tin Mừng nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha thấu suốt những gì kín đáo trong lòng. Thế nên, khi làm phúc, cầu nguyện, ăn chay, thì hãy làm thật lòng, làm với tất cả lòng thành chứ không phô trương hình thức bề ngoài.

Tin yêu Chúa, tin yêu nhau thực sự rất cần một tấm lòng thành để sống thật lòng, mở lòng, rộng lòng và hết lòng. Thế nên, Lễ Tro là dịp để lo cõi lòng mình. Amen.

 

Suy niệm 5: LỄ TRO: TÀN TRO, TẠM THỜI, TIN TƯỞNG

Lm Nguyễn Xuân Trường

Có bà đi lên xức tro, lại cứ quen như lên rước lễ, tự động há miệng ra, may mà cha không quen tay đưa nắm tro vào mồm thì chết sặc mất! Xức tro trên đầu có phải để cho người già đỡ bị rụng tóc, trẻ con lại ít khóc hay ăn chóng lớn? Nếu không phải vậy, thì đâu là ý nghĩa của Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay thánh?

1. Tàn Tro. Kinh Thánh nhiều lần dùng hình ảnh tro để diễn tả lòng sám hối trở về cùng Chúa. Chúa yêu thương muốn gần con người. Nhưng tội lỗi lại luôn kéo đẩy con người rời xa Chúa. Tội lỗi thiêu rụi tình người với Chúa chỉ còn như nắm tro tàn. Nên sám hối là từ tro tàn, khơi lại ngọn lửa yêu thương với Chúa.

2. Tạm Thời. Lời đọc khi xức tro diễn tả phận người mong manh: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro.” Ta không sống mãi, trần gian chỉ là cõi tạm. Hãy hỏi lòng mình: ngày lìa đời tôi đem đi được gì? Mọi thứ chức quyền, danh vọng, tiền bạc, nhan sắc đều lìa xa, người cho ta vàng mã! Chỉ có công phúc nghĩa tình mới cùng ta đi vào cõi thiên thu. Thế nên, tro nhắc nhở mỗi người phân định cái gì chỉ là tạm thời, cái gì mới là vĩnh cửu.

3. Tin Tưởng. Ý thức thân phận tội lỗi và mong manh, việc xức tro dẫn con người tới Tin Tưởng như lời đọc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đích điểm của Mùa Chay là Tin: tin vào Chúa yêu thương đến độ hy sinh mạng sống cứu con người; tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại; tin và sống Tin Mừng yêu thương của Chúa. Để tin và sống Tin Mừng thì trước tiên phải đọc, phải học, phải nghe Tin Mừng hằng ngày, bởi vì “vô tri bất mộ”. Không thể tin yêu Chúa nếu không biết Tin Mừng của Ngài.

Lễ Tro hãy lo sám hối từ bỏ tội lỗi, thay đổi đời sống, trở về để tin yêu Chúa và tha nhân. Amen.

 

Suy niệm 6: BA CHÌA KHÓA ĐỂ CÓ MỘT MÙA CHAY TỐT LÀNH: ĐI LÊN, ĐI VÀO VÀ ĐI RA

LM Ed Broom, OMV

Trong Bài Đọc Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro, được trích từ chính tâm điểm của Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đặt ra nền tảng cho ba thực hành căn bản mà chúng ta phải thực hiện để Mùa Chay này thực sự sinh hoa trái và đạt tới tột đỉnh trong niềm vui và bình an tràn đầy. Mầu Nhiệm Vượt Qua - Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. (Đọc và suy niệm Mt 6:1-18)

Giải thích ba chiều

Nếu bạn thích, như một công cụ tinh thần đặc biệt và hữu ích để ghi nhớ Lời Chúa Giêsu, chúng tôi đưa ra cách giải thích ba chiều về ba thực hành cơ bản cụ thể của Mùa Chay này là cầu nguyện, sám hối (ăn chay) và làm việc bác ái. Vì vậy, trong lời cầu nguyện, chúng ta đi lên cùng Thiên Chúa; trong việc thực hành sám hối (ăn chay), chúng ta đi vào bên trong chính mình; và cuối cùng, đối với việc bố thí, chúng ta đi ra để làm việc bác ái cho người khác. Tóm lại, nếu chúng ta thực sự muốn sống một Mùa Chay phong phú và hiệu quả, thì chúng ta hãy làm điều đó:  Đi lên! Đi vào! Đi ra!

Ba thực hành: Đi lên, Đi vào, Đi ra!

Các khả năng trong ba lĩnh vực này là vô số. Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý Ngài; cảm hứng từ Chúa Thánh Thần không thể bị phong tỏa hoặc giới hạn trong một ý tưởng hoặc thực hành cụ thể. Để cho ngắn gọn, chúng tôi muốn đưa ra một cách thực hành trong lược đồ ba chiều này: Đi lên! Đi vào! Đi ra!

1. ĐI LÊN!

Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy đi lên cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha nhân từ của chúng ta, Chúa Giêsu là Anh Cả của chúng ta, và Chúa Thánh Thần là Người Bạn Thân Nhất của chúng ta. Rất có thể bạn đang vò đầu bứt tai và tự hỏi: Chà, tôi nên thực hiện lời cầu nguyện hoặc những lời cầu nguyện nào để sống Mùa Chay Thánh này một cách trọn vẹn nhất? Câu trả lời như sau:  Hãy đi lên bằng cách quyết định nắm lấy và sống hết mức có thể lời cầu nguyện vĩ đại nhất, đó là Hy Tế Thánh của Thánh Lễ.

Bốn Mươi Ngày Với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, Chúa Giêsu Yêu Thương

Bằng cách quyết định tham dự Thánh Lễ hằng ngày và tham dự đầy đủ, tích cực và có ý thức (Vatican II, Sacrosanctum Concilium), bạn sẽ ở với Chúa Giêsu, lắng nghe Chúa Giêsu, đón nhận Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu yêu bạn và về phần bạn hãy đáp lại bằng cách yêu mến Chúa Giêsu.

Lời cầu nguyện lớn lao nhất trong tất cả các lời cầu nguyện

Cho đến nay, điều cao cả nhất, lớn lao nhất, cao quý nhất trong tất cả những lời cầu nguyện khi chúng ta còn sống trên hành tinh trái đất này là tham dự Thánh Lễ và sống Thánh Lễ với mọi thớ thịt của con người chúng ta, với tất cả những gì chúng ta là và với tất cả những gì chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa. Tại sao? Vì một lý do đơn giản rằng Hy Tế Thánh của Thánh Lễ thực sự là Opus Dei - nghĩa là Công Việc của Thiên Chúa.

Trung Tâm và Bản Chất của Thánh Lễ?

Trung tâm đích thực và bản chất của Thánh Lễ là Chúa Giêsu, Lễ Vật tinh tuyền, Đấng hiến mình cho Thiên Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để cứu rỗi toàn thể nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Thánh Lễ là sự sống lại Hy Tế của Chúa Giêsu trên thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên. Trong mọi cử hành Hy Tế Thánh Lễ, hoa trái của Núi Sọ được áp dụng vô cùng dồi dào cho toàn thế giới và cho mỗi cá nhân chúng ta.

Đi Lễ và Rước Mình Thánh Chúa

Vì thế, nếu bạn muốn sống Mùa Chay cách trọn vẹn thì hãy đi dự Thánh lễ và rước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể với một đức tin sống động, một niềm hy vọng nồng cháy và một tình yêu cháy bỏng. Bạn sẽ được biến đổi thành những gì bạn rước lấy; theo lời của Thánh Tông Đồ vĩ đại Phaolô:  “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Galát 2:20)

 

2. ĐI VÀO!

Bây giờ hãy đi vào những nơi sâu kín nhất trong trái tim bạn: tâm hồn, con người bên trong của bạn và đào thật sâu! Bạn nên đào cái gì? Tội lỗi của bạn!

Tiên tri Isaia khuyến khích chúng ta bằng những lời này: “Dẫu tội lỗi các ngươi đỏ như son điều, ta sẽ khiến chúng trở nên trắng như tuyết” (Is 1:18) Tại sao không đào thật sâu, thật sâu vào những nơi sâu kín nhất của con người nội tâm bạn - trái tim, tâm hồn, lương tâm của bạn và rút ra tất cả những đau khổ về mặt đạo đức của bạn và trao chúng cho Chúa Giêsu.

Thật vậy, Chúa Giêsu là Vị Lương Y Thần linh có thể chữa lành mọi ốm đau, mọi đau yếu, mọi bệnh tật. Ngài chữa lành người mù, người què, người câm, người bại liệt, người phong cùi và thậm chí còn khiến người chết sống lại và ban cho họ sự sống mới. Cũng chính Chúa Giêsu này có thể chữa lành cho tôi khỏi bệnh tật trong cách sống đạo của tôi và phục hồi cho tôi sức khỏe tâm linh nếu tôi tin tưởng và tín thác vào Ngài với niềm tin tưởng hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Ngài, phẩm tính cao cả nhất nơi Thánh Tâm Ngài!

Làm thế nào? Chúng ta đi theo con đường nào?

Là người Công giáo, cách hiệu quả nhất để Đi vào là lãnh nhận Bí tích Giải tội, Sám hối, Hòa giải! Bằng cách thú nhận tội lỗi của mình với linh mục, chúng ta thực sự đang thú nhận chúng với Chúa Giêsu Kitô là Vị Lương Y Thần Linh của chúng ta, Đấng Chữa Lành của chúng ta, Bạn Hữu của chúng ta, Người Yêu vĩ đại nhất của chúng ta và Đấng Cứu Độ của chúng ta! Hãy cố gắng xưng tội cách tốt lành nhất trong đời bạn - như thể đó là lần xưng tội đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của bạn. Ai biết được, có thể là như thế.

Cái chết của chúng ta có thể đến như một tên trộm trong đêm, như Kobe Bryant[1]. Nói một cách dễ hiểu, hãy chuẩn bị cho mình theo cách tốt nhất có thể. Sau đó xưng tội với thái độ khiêm nhường, trong sáng và vâng lời. Hãy thú nhận tất cả các tội trọng của bạn, theo loại tội và số lượng.

Nếu làm tốt, bạn sẽ ra khỏi tòa giải tội với lương tâm hoàn toàn bình an, trái tim trong trắng như tuyết, và cuộc đời bạn được biến đổi nhờ Máu Chiên Con, Đấng xóa tội trần gian! Những lời của vị linh mục sau khi xá tội đầy an ủi biết bao: “Hỡi con, tội lỗi của con đã được tha; hãy đi bình an!”

 

3. ĐI RA!

Mệnh lệnh gồm hai từ này như phủ một lớp kem lên chiếc bánh của ba thực hành Mùa Chay. Đi Ra có nghĩa là thực hành việc cho đi. Thực hành việc bác ái không chỉ là bố thí tiền của hay thức ăn cho người nghèo sống dưới gầm cầu trong một đêm đông lạnh giá. Đây chỉ là một cách giải thích về bố thí. Một cách giải thích rộng rãi và bao quát hơn về bố thí là thực hành lòng từ thiện, lòng trắc ẩn và sự phục vụ yêu thương đối với bất cứ ai.

Việc bác ái bắt đầu tại nhà

Tất cả chúng ta đều đã nghe câu nói: “Việc bác ái bắt đầu từ gia đình”. Mặc dù câu châm ngôn này nghe có vẻ ngọt ngào và dễ nghe, nhưng nó rất đòi buộc trong bối cảnh gia đình. Tại sao? Trong bối cảnh gia đình, chúng ta ý thức sâu sắc về những khiếm khuyết rõ ràng của tất cả các thành viên trong gia đình chúng ta. (Nhân tiện, đây là con đường hai chiều; họ cũng nhận thức sâu sắc về những khuyết điểm rõ ràng của chúng ta!) Điều đặc biệt khiến chúng ta khó chịu là thực hành lòng tốt, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn, chịu đựng và kiên trì với những người mà chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống.

Thật dễ dàng để tử tế, mỉm cười, vui vẻ và lạc quan với những người chúng ta gặp ở nơi làm việc, trường học hoặc thậm chí ở cửa hàng. Nhưng một khi chúng ta về nhà, thiên thần trong chúng ta biến thành ác quỷ. Thánh Têrêsa Avila đã từng nhận xét về cách cư xử của các nữ tu trong tu viện bằng những lời này hoặc tương tự: “Các chị là những thiên thần bên ngoài tu viện, nhưng là ác quỷ bên trong tu viện.”

Một thực hành cụ thể trong bối cảnh gia đình là đi ra

Tại sao không biến đề nghị cụ thể này thành một hành động cụ thể trong bối cảnh gia đình! Mỗi tối trước khi đi ngủ, khi bạn cầu nguyện cuối ngày, hãy đề xuất cho ngày hôm sau là thực hiện ít nhất một hành động đơn giản để làm cho một người nào đó trong gia đình bạn hạnh phúc, mang lại niềm vui cho người đó. Chúa Giêsu thực sự hiện diện bằng cách cải trang trong con người đó!

Những gợi ý?

Có thể là một nụ cười, một lời cầu nguyện ngắn dành cho họ, một lời tử tế, một lời động viên, một món quà nhỏ, một cái vỗ nhẹ vào lưng, một sự phục vụ, một hy sinh nhỏ, một bàn tay chìa ra giúp đỡ, một hành động khiêm tốn, một đôi tai lắng nghe, một sự chịu đựng như một cống hiến thầm lặng. Những cử chỉ bác ái, cho đi đơn giản này và nhiều điều khác là những điều kiện làm cho đời sống chung của gia đình trở thành một nơi tuyệt vời để là chính mình, một nơi tuyệt vời để sống, một bầu không khí vui tươi làm đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Vì vậy, hỡi các bạn, ước gì đây là Mùa Chay tốt nhất trong tất cả các Mùa Chay! Hãy nhớ,  ĐI LÊN trong cầu nguyện - Thánh Lễ và Rước Lễ. ĐI VÀO bằng cách đào bới và loại bỏ rác rưởi trong đời sống giữ đạo của bạn bằng cách thực hiện một lần Xưng tội tốt lành. Cuối cùng, ĐI RA đến với những người khác - tìm hiểu ý nghĩa của “việc bác ái bắt đầu từ gia đình.” Trước tiên hãy yêu thương những người thân trong gia đình bạn, sau đó là cả thế giới nói chung!

Phêrô Phạm văn Trung

 

Thứ năm sau lễ troLc 9, 22-25

Suy niệm 1:

Để làm môn đệ Chúa Giêsu, cần phải có những điều kiện nào? Tin mừng hôm nay cho ta biết phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa”. Xin cho mỗi ngày chúng ta biết can đảm từ bỏ ý mình để theo ý chúa. Từ bỏ lối sống vị kỉ để sống vị tha. Biết hy sinh vác thập giá mình hằng ngày mà bước theo Chúa, hầu xứng đáng làm môn đệ của Người.

Cuộc sống chúng ta là một chuỗi những chọn lựa. Những lựa chọn sẽ làm cho ta trở nên tốt hay xấu, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh… Lựa chọn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ. Từ bỏ lại đòi chúng ta hy sinh. Mà hy sinh nào cũng phải chấp nhận mất mác và đau đớn.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có thái độ dứt khoát trong chọn lựa. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo.”

Khi gọi các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các ngài phải chấp nhận từ bỏ mọi sự: Bỏ tình thân (cha mẹ, anh chị em, vợ chồng…). Bỏ con người củ với những tính hư nết xấu, cả những tội lỗi để đi theo Chúa. Đó là ta không được nhượng bộ ham muốn xác thịt, không dung dưỡng sự lười biếng, không thỏa hiệp với lòng tham lam ích kỉ... Trên hết ta phải từ bỏ chính mình, vì nếu ta có bỏ đi tất cả mà chưa từ bỏ mình thì ta chưa bỏ gì cả, từ từ chúng ta sẽ gom lại tất cả những gì mình đã bỏ rơi.

Trong kho tàng văn hóa thần bí của nước Ấn độ, người ta đọc thấy một câu chuyện răn đời lý thú sau đây :

Sau một thời gian dài kiên nhẫn chịu đựng để hướng dẫn tu luyện, một vị linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử ruột của ông. Nhận thức rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt huấn luyện của mình nữa, nên một ngày kia, vị linh sư mới bỏ mặc anh trong một túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông.

Thực hiện huấn dụ của vị linh sư, mỗi buổi sáng khi thức dậy, người đệ tử dìm mình xuống dòng sông để thanh tẩy theo đúng nghi thức Ấn giáo, rồi anh giặt chiếc áo rách của mình. Chiếc áo rách : Ðó là tất cả tài sản duy nhất của anh.

Một ngày kia, người đệ tử buồn bực xót xa vô hạn khi phát giác chiếc áo duy nhất của mình phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn rách tả tơi! Không còn cách nào khác, người đệ tử đành phải gõ cửa dân làng để xin một chiếc áo khác.

Chẳng bao lâu, chiếc áo này cũng bị chuột cắn nát! Lúc đó anh mới nảy sinh ý nghĩ vào làng xin cho kỳ được một con mèo. Từ nay anh khỏi phải lo lắng về sự quấy phá của mấy chú chuột nữa. Nhưng thay vì xin áo mặc, người đệ tử thuộc môn phái khất thực cũng vẫn phải ngày ngày vào làng xin cơm bánh cho mình.

Tháng này qua năm khác, anh vẫn phải vác bị đi khất thực! Một ngày kia, bỗng nhiên người đệ tử cảm thấy xấu hổ vì bao năm qua, anh đã vô tình trở thành một thứ gánh nặng cho dân làng! Nghĩ thế, anh đã tìm đủ mọi cách để tậu cho bằng được một con bò lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò rồi thì cũng phải liệu sao có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh tự mình đi cắt cỏ cho bò. Nhưng về lâu về dài, nhận thấy không còn thời giờ để ngồi thiền và cầu nguyện, anh đành phải thuê một người cắt cỏ cho bò.

Con bò ngày càng sinh sản ra nhiều. Chẳng bao lâu đã trở thành một đàn bò đông đúc, nên số người cắt cỏ cũng phải gia tăng theo nhịp độ phát triển của đàn bò. Mấy năm sau, mảnh đất chung quanh túp lều tranh của anh ngày xưa đã biến thành một nông trại trù phú lớn lao.

Con người đã một thời muốn từ bỏ tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ, một vị linh sư trong Ấn giáo, thì nay đã nghiễm nhiên trở thành một ông chủ nông trại giàu có danh tiếng. Có tiền, có tất cả mọi sự, nên anh nghĩ phải có một người tâm đầu ý hợp để cùng anh chia sẻ công việc. Sau cùng anh đành phải cưới một người vợ trẻ đẹp. Không bao lâu, anh đã trở thành một trong những ông chủ nông trại giàu có quyền thế nhất trong vùng.

Hai mươi năm sau, trong một dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư Ấn giáo xưa đã một thời dẫn dắt anh trên đường tu trì, vô cùng ngạc nhiên vì thay cho túp lều tranh rách nát nghèo nàn bên bờ sông ngày nào, nay đã là cả một cơ nghiệp đồ sộ lớn lao.

Thăm hỏi dân làng để biết được tung tích người chủ nông trại giàu có uy quyền hống hách khắp vùng, vị linh sư mới ôn tồn lên tiếng hỏi người đệ tử cũ của mình: " Thế này nghĩa là gì hả con?".

Người đệ tử suy nghĩ hồi lâu rồi hối hận trả lời: "Thưa Thày, có lẽ Thày không tin. Tất cả cơ nghiệp này, được như hôm nay, cũng chỉ vì con đã không đủ can đảm tìm mọi cách để giữ được chiếc áo rách!".

Như vậy, bỏ mọi sự là phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn.

Đi theo Ngài. Nghĩa là đi chứ không đứng, là thực hiện chứ không ước muốn, vì “hoả ngục thường được lát bằng những thiện chí”. Đi chứ không lùi: nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải thấy được gần Chúa hơn, gần anh em hơn. Đi theo Ngài chứ không theo ai khác, nghĩa là phải xác định rõ Giêsu Kitô là thần tượng duy nhất của đời tôi. Đó là một Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh, đã sống chết và sống lại cho tình yêu. Đi theo Ngài chứ không phải bắt Ngài phải theo tôi.

Ước gì mùa chay thánh này, chúng ta biết bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Chúa. Biết bỏ đi những dự định toan tính của mình để vâng theo ý định của Chúa. Biết ưu tiên làm việc Chúa hơn việc mình. Biết làm cho và vì Chúa hơn làm cho và vì mình. Bởi ta biết rằng ý Chúa, việc Chúa, cho Chúa và vì Chúa thì thiện hảo và ích lợi cho đời sống chúng ta.

 Suy niệm 2:

Đâu là điều kiện tiên quyết để xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu? Đó là điều mà lời Chúa muốn nói với mọi người chúng ta trong bài tin mừng hôm nay.

Sau lời tiên báo về cuộc thương khó, Chúa Giêsu đề cập ngay đến những điều kiện cần thiết để được làm môn đệ Ngài. Đó là: “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Ngài”. Điều kiện này không chỉ dành riêng cho nhóm 12, mà còn cho tất cả chúng ta những người muốn theo Chúa. Từ bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày để đi theo Chúa là một đòi hỏi không hề dễ dàng chút nào! Đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ, lựa chọn và can đảm từ bỏ mọi thứ để bước theo Ngài.

Thực tế cho thấy bất kì ai cũng có những thánh giá, có thể thánh giá mỗi người có khác nhau; cũng như mỗi người có những cách thế khác nhau để đảm đương thánh giá trong đời mình ngang qua những bổn phận, trách nhiệm… trong các mối tương quan với: Chúa, tha nhân, bản thân và môi trường xã hội. Đã nói đến thánh giá thì không có thánh giá nào nhẹ nhàng dễ vác cả, nên đòi buộc mỗi người cần phải nỗ lực cố gắng nhiều. Điều quan trọng là làm sao ta không để thánh giá đè bẹp đời mình trong cuộc hành trình bước theo Chúa. Muốn thực hiện được điều này rất cần có ơn Chúa. Bởi tự sức riêng ta sẽ té ngả bất cứ lúc nào.

Tin vào lời Chúa nói: “Ơn Ta đủ cho con.” (2 Cr 12,9), ta hãy liên kết chặt chẽ với Chúa ngang qua việc cầu nguyện, tâm niệm sống lời Chúa và đón nhận bí tích Thánh Thể, nhờ thế ta mới có thể vượt thắng mọi thử thách, gánh nặng trên đường đời.

Xin Chúa nâng đỡ và ban sức mạnh của Người cho mỗi người chúng ta, để ta can đảm trung thành vác thánh giá theo chân Chúa đến cùng, cho dẫu phía trước còn nhiều gian nan trắc trở.

 

Thứ sáu sau thứ tư lễ troMt 9, 14-15

Nhân cơ hội giải thích cho các môn đệ Gioan hiểu vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.

Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Như vậy khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu như muốn cho các môn đệ của Gioan biết rằng: Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố: Người chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.

Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể) đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.

Việc ăn chay chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Người.

Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là chàng rể mà Chúa Cha sai đến để kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay chính là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.

Xin cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, yếu đuối, biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón mừng Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà ta được thông hiệp với Chúa trong ngày phục sinh vinh quang.

 

Thứ bảy sau thứ tư lễ troLc 5, 27-32

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi làm môn đệ Chúa và sẵn lòng đồng bàn ăn uống với tội nhân. Sự kiện này minh chứng mạnh mẽ lời xác quyết của Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Xin cho chúng ta cũng có cái nhìn tích cực và bao dung với mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi. Đồng thời cũng cho chúng ta biết can đảm từ bỏ tội lỗi mình để xứng đáng bước theo Chúa trong đời sống mới.

Lêvi được xem là người tội lỗi công khai đáng sợ đối với những người Do Thái bấy giờ. Bởi vì những người thu thuế thường lạm dụng quyền hành để đánh thuế cao hơn theo luật định nhằm làm giàu cho bản thân mình. Người thu thuế cũng bị coi là người trực tiếp cộng tác với ngoại bang bóc lột trên xương máu đồng bào mình. Trong xã hội xưa nay, hạng người bán thân để nuôi miệng luôn được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi gái điếm kiếm tiền bằng thân xác mình, thì hạng người ma cô lại kiếm tiền trên thân xác người khác.

Đọc tin mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thu thuế chẳng khác gì Ma cô, mà còn tệ hại hơn vì họ kiếm tiền trên xương máu của người khác.

Chính vì thế mà ai ai cũng cái nhìn ác cảm, khinh bỉ đối với những người làm nghề thu thuế. Nhưng Chúa Giêsu lại có cái nhìn khác về họ. Chúa không nhìn họ làm nghề gì? xem họ thuộc băng nhóm nào? chơi với ai? Nhưng trên hết Chúa có cái yêu thương.

Với cái nhìn đầy yêu thương, cộng với lời mời gọi tin tưởng của Chúa Giêsu mà Lêvi đã đáp lời mà dứt khoát từ bỏ cái nghề gặt hái ra tiền dễ dàng, với nguồn thu lợi béo bỡ. Đúng là “Tình yêu vẫy gọi tình yêu”, Lêvi đã không chỉ dứt khoát bỏ nghề nghiệp mà ông còn chấp nhận bỏ chổ ở an toàn, êm ấm quen thuộc để dấn thân vào con đường tình. Yêu Chúa ông đã từ bỏ tất cả để theo; yêu anh em nên ông đã tạo điều kiện cho anh em đồng nghiệp đến gặp gỡ Chúa, với mong muốn chính họ cũng được biến đổi nhờ cảm nhận tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Chúa.

Chính trong khung cảnh bàn tiệc thân tình giữa Chúa Giêsu và những người thu thuế đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu. Vậy mà ngay lúc đó, Chúa Giêsu lại bất ngờ tuyên bố về sứ mạng của Người khi đến trần gian này: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Xin Chúa cho chúng ta biết tích cực ăn năn sám hối để biến đổi đời sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa. Và trong mùa chay thánh này biết gia tăng linh dược mà Chúa chỉ dẫn là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí để chữa trị tâm hồn và sửa đổi đời sống, với tâm thế sằn sàng đón nhận ơn cứu độ của Chúa mang đến.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...