Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN A

Xp 2,3;3.12-13; 1Cr 1, 26-31; Mt 5,1-12a

Vào những ngày đầu xuân, đông đảo bà con chúng ta đến các nhà thờ, hay chùa chiền để cầu an, cầu phúc cho năm mới. Điều này minh chứng cho thấy hạnh phúc là điều mà ai trong chúng ta cũng khao khát mong cầu.

Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là điều hễ cầu là được, ước là thấy, chúc nhau là có...Vậy phải làm thế nào để được hạnh phúc? Chúng ta cùng suy tư về câu chuyện sau đây:

Vào một buổi sáng đẹp trời, chú Mèo con chạy đến bên mẹ và hỏi : 

- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?

Mẹ mèo con mỉm cười đáp : 

- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó !

Mèo con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vẫy chiếc đuôi ! Nhưng rồi bỗng một hôm, mèo con buồn bã chạy đến bên mẹ và nói: 

- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được cái đuôi là hạnh phúc của con vậy?

Mẹ khẽ vuốt ve mèo con và đáp : 

- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc tự dưng sẽ đi theo con thôi !!!

Đừng vậy, hạnh phúc không phải là cái gì đó để ta đi tìm mà hạnh phúc chỉ theo ta khi ta phải hy sinh tiến bước. Đúng vậy Thiên Chúa không bao giờ đem đến cho ta những quả ngọt sẵn có mà Ngài chỉ ban cho ta những hạt giống và mong muốn chúng ta phải cố gắng gieo trồng và chăm sóc mới mong thu hoạch được nhiều hoa thơm trái ngọt. 

Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.

Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu.). Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật.

Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?

Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật. Đó chính là thực thi 8 mối phúc thật hay còn gọi là bảng hiến chương nước trời.

Đức Giêsu không chỉ giảng dạy bằng những công thức hoặc lý thuyết, nhưng Người đã thực hiện trong chính cuộc sống của Người: Chúa trở nên khó nghèo cho chúng ta được giàu sang; Chúa sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng và mời gọi chúng ta học đòi; Chúa đã rơi lệ trước nỗi thống khổ của nhân gian nhắc nhở chúng ta phải biết chạnh lòng thương; Chúa khao khát sự công chính cho loài người mời chúng ta không ngừng vươn lên; Chúa là Đấng giàu lòng thương xót để ý thứcchúng ta biết xót thương nhau; Chúa là Đấng có trái tim trong sạch nhắc nhở chúng ta giữ tâm hồn trong trắng; Chúa đến để thiết lập vương quốc hoà bình để kêu gọi chúng ta sống hòa thuận; Chúa bị bách hại và chấp nhận khổ hình thập giá để làm chứng cho Chân lý mời gọi chúng ta can đảm bước trên con đường hẹp để hớng đến sự sống vĩnh cửu.

Tất cả những gì Chúa Giêsu làm và gánh chịu là “Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là sống tinh thần khó nghèo, từ bỏđau khổ và hy sinh ngay cả mạng sống mình vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.

Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân bằng tình yêu.

Các thánh nam nữ và các thánh tử đạo Việt Nam, tất cả đã hân hoan bước vào con đường 8 mối phúc ấy và đã hâm hở tiến bước với lòng tràn đầy niềm tin, cậy trông và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa nên tất cả các ngài đã đi đến đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang là hạnh phúc thật trong nước trời do chính Chúa tặng ban.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão. Trong những ngày này, khi gặp gỡ nhau, chúng ta thường có thói quen cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp về sức khoẻ, học vấn, gia đình và sự nghiệp. Lời chúc phúc của Chúa Giêsu có phần khác với những lời cầu chúc của chúng ta, nhưng chắc chắn sẽ đem đến cho chúng ta muôn điều tốt đẹp nếu chúng ta biết trung thành thực thi 8 mối phúc do Chúa Giêsu vạch ra và mời gọi ta thực hành trong đời sống hàng ngày.

 

Suy niệm 2:

Ai đó đã nói : “Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng.”

Vậy làm thế nào để có hạnh phúc thực sự? Thưa phải sống tinh thần của 8 mối phúc do chính Chúa Giêsu đề ra:

1. Phải có tâm hồn nghèo khó

2. Phải sống hiền lành

3. Phải chấp nhận chịu sầu để đền tội mình và đền tội tha nhân.

4. Phải biết khao khát nên người công chính như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

5. Phải có lòng xót thương người khác. “Vui với người vui, khóc với người khóc”.

6. Phải giữ tâm hồn trong sạch: ngay thẳng, thật thà, không giả dối và làm mọi việc cách trong sáng.

7. Biết xây dựng hòa bình, nghĩa là luôn gieo sự an vui hòa thuận cho mọi nơi. Giải tỏa những hiểu lầm, tháo gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người.

8. Chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính : nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin, thì sẽ được thông phần vào sự phục sinh vinh quang với Chúa Giêsu.

Nếu để ý kỉ lời dạy của Chúa Giêsu trong Tám Mối Phúc, chúng ta nhận ra mỗi mối phúc đều có hai vế song đối nhau :

Vế thứ nhất là nhân, đối với vế thứ hai là quả;

Vế thứ nhất là gieo, đối với vế thứ hai là gặt;

Vế thứ nhất là “mình vì người khác”, đối với vế thứ hai là “người khác vì mình”;

Vế thứ nhất là đau khổ, đối với vế thứ hai là hạnh phúc.

Cho nên tất cả các câu trong vế thứ nhất, phải hiểu ngầm là vì Chúa và vì tha nhân, nghĩa là : ta chấp nhận sống nghèo vì Chúa và vì tha nhân; ta cư xử hiền lành và chịu bách hại là “vì lẽ công chính” hay là vì người khác…chứ không phải là vì lợi lộc bản thân ta. Vì thế, nếu không vì Nước Thiên Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân, thì các sự nghèo khó, hiền lành, đau khổ, chịu bách hại ta gặp phải chỉ là nỗi bất hạnh chúng ta đáng phải chịu, chứ không phải là nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho đời chúng ta.

Sống nghèo để tiết kiệm mua nhà thì chỉ là hành động bình thường của con người. Sống nghèo do thói xấu hà tiện vì mê tiền đến nỗi không dám chi xài ngay cả ngay trong những việc chính đáng, thì không phải nhân đức khó nghèo. Còn tâm hồn nghèo khó trong Tám Mối Phúc là tự nguyện sống nghèo để nhường cơm xẻ áo cho người nghèo khổ, là chấp nhận bỏ mình để giúp đỡ tha nhân và phục vụ nước Chúa… thì cái nghèo đó mới được Chúa chúc phúc như Chúa đã từng phán dạy“Cho thì có phúc hơn là nhận. (Cv 20,35).

Sống tâm hồn nghèo khó, nghĩa là chấp nhận bản thân mình bị thiệt thòi, chấp nhận mất thêm thời giờ, sức lực, tiền bạc để giúp đỡ tha nhân sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Một người có tinh thần phục vụ, hy sinh cho người khác, chắc chắn sẽ được người mọi đáp lại bằng sự kính trọng, yêu mến, tín nhiệm cao và được bề trên trao cho giữ những trọng trách quan trọng trong xã hội và Giáo hội.

Kinh nghiệm cho thấy, những kẻ ích kỷ chỉ nghỉ tới mình mà không biết nghĩ đến người khác chính là những kẻ bất hạnh nhất. Còn những người vị tha, biết nghĩ đến người khác mà không nghĩ đến mình thì sẽ cảm thấy hạnh phúc trong tâm hồn, được đẹp ý Chúa và đẹp lòng người chung quanh.

Vậy là thành phần được tuyển chọn để phục vụ Họ đạo, mỗi người trong chúng ta cần tập tành nếp sống vị tha : vì Chúa, vì người khác, nghĩa là luôn tìm mọi cách để giúp tha nhân và hy sinh vì lợi ích chung. Sống như thế không những chính mình được hạnh phúc hôm nay, mà còn được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Chúa mai sau. Amen.

 

Suy niệm 3:

Thiên Chúa không bao giờ đem đến cho ta những quả ngọt sẵn có mà Ngài lại ban cho ta những hạt giống và muốn ta gieo trồng chăm sóc, thì mới mong thu hoạch được hoa thơm trái ngọt. Thực tế cho thấy, muốn ăn cam thì hãy trồng cam, muốn ăn cơm thì phải gieo hạt lúa. Hạnh phúc cũng vậy, muốn có hạnh phúc thì ta phải ra sức gieo trồng và siêng năng chăm sóc hạt mầm hạnh phúc.

Nhìn vào thực tế, chúng ta nhận thấy có 3 hạng người sau đây:

- Hạng thức nhất: không trồng cây mà đòi hái trái, không gieo mà đòi thu hoạch… Hạng người nầy tượng trưng cho những ai không chịu gieo trồng hạnh phúc cho mình, cho người mà lại ngồi không mong chờ và đòi hưởng hạnh phúc.

- Hạng thứ hai: chỉ toàn trồng cây xấu mà đòi hái trái tốt, trồng những cây hoang dại mà đòi hỏi thu hoạch những trái ngon ngọt. Hạng nầy tượng trưng cho những người làm điều ác, hay gây đau khổ cho người khác mà lại đòi hưởng phúc lành.

- Hạng thứ ba: biết nỗ lực trồng cây tốt nên thu hoạch được nhiều trái tốt, siêng năng gieo giống tốt nên gặt được hoa màu tốt tươi. Hạng nầy tượng trưng cho những người dám hy sinh phục vụ người khác, mư cầu mang lại niềm vui cho tha nhân nên sẽ được gặt hái nhiều hoa trái hạnh phúc trong cuộc sống.

Như thế, phúc hay họa nằm trong tay của mỗi người chúng ta, và do chính ta định đoạt. Ai muốn hạnh phúc hãy chấp nhận hy sinh phục vụ vì mưu cầu hạnh phúc cho người khác; trái lại, sẽ là bất hạnh nếu ai đó chỉ toàn gây đau thương khốn khổ cho tha nhân mình.

Thánh Phaolô đã từng nhắc đến quy luật nầy như sau: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống đó.” Còn Chúa Giê-su thì nói: “Ai đong bằng đấu nào thì sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy.” Nếu chúng ta đong cho người khác một đấu thóc thì cuộc đời sẽ đong lại đấu thóc khác cho ta; trái lại, nếu chúng ta đong cát, sỏi… cho người khác, thì ta phải đành nhận lại được cát đá mà thôi.

* Để minh họa cho chân lý trên người ta kể lại câu chuyện sau đây:

Trong một buổi hội thảo về hạnh phúc gồm 50 người tham dự. Diễn giả khởi đầu bằng một hoạt động tập thể. Ông đưa cho mỗi người một quả bóng và yêu cầu họ viết tên của mình lên trái bóng bằng cây bút lông. Sau đó, số quả bóng ấy được thu hết lại trong một cái giỏ rồi được đưa sang một phòng khác.

Rồi 50 người này lại được tập trung sang phòng chứa bóng và được yêu cầu hãy tìm quả bóng có ghi tên mình trong thời hạn 5 phút. Mọi người đều lao vào giỏ xô đẩy nhau để tìm kiếm quả bóng mang tên mình và căn phòng trở nên hỗn loạn, khi hết 5 phút mà ít có người tìm được quả bóng mang tên mình.

Lúc này, vị diễn giả mới yêu cầu mỗi người tự nhặt lên một quả bóng bất kỳ rồi tìm chuyển cho người có tên ghi trên quả bóng ấyVà chỉ trong vòng 5 phút sau, ai nấy đều đã có được quả bóng tên mình.

Bấy giờ, vị diễn giả mới dẫn vào đề tài về hạnh phúc: Trong cuộc sống, mỗi người đều hối hả đi tìm hạnh phúc của mình, nhưng thực ra lại không biết chúng nằm ở đâu. Hạnh phúc của chúng ta nằm xen lẫn với hạnh phúc của người khác. Hãy tìm cách làm cho người bên cạnh chúng ta có được hạnh phúc, rồi ta cũng sẽ có được hạnh phúc cho do người khác mang lại.

Hãy cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại vì Chúa đã nói“Vậy anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,38).

Xin Chúa giúp chúng ta trong năm mới này đừng bao giờ đong “những đấu ghen ghét, oán hờn” cho tha nhân để khỏi bị đong lại bằng những đấu oán hờn, nhưng biết sẵn sàng đong cho mọi người những đấu hạnh phúc thật đầy, nhờ đó, Thiên Chúa sẽ đong lại cho ta những đấu hạnh phúc dư đầy.

Ước mong hạnh phúc đích thực của Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, nhờ đó mà ân sủng và bình an của Chúa cũng được lan tỏa khắp nơi đến với mọi người nhờ vào những cố gắng gieo trồng hạnh phúc của mỗi người trong chúng ta. (St)

 

Thứ hai: Mc 5,1-20

Giáo lý công giáo dạy ta biết rằng:  Ma quỷ là loài Thiên Thần. Nhưng vì không vâng phục Thiên Chúa nên đã bị phạt thành Satan hay Ma quỷ. Vì thế Satan hay ma quỷ được mệnh danh là “kẻ chống đối”.  Do không tài nào chống đối lại Thiên Chúa quyền năng nên ma quỷ quay sang hãm hại con người. Bởi lẽ con người là tạo vật được Chúa yêu thương bật nhất. 

Tin mừng hôm nay cho biết, tại vùng đất dân ngoại Ghê-ra-sa, đạo binh ma quỷ đang thống trị và dùng mọi thủ đoạn để hãm hại con người.

- Thủ đoạn thứ nhất: Hành hạ thân xác con người. 

Quỷ đã nhập vào một người làm cho anh ta phải điêu đứng khổ sở, mất hết nhân tính, phải sống cô độc trong mồ mả và trên núi đồi, tự làm hại bản thân bằng cách tru tréo và lấy đá đập vào mình…

- Thủ đoạn thứ hai: Xúi dục con người chống lại Thiên Chúa.

Ngay sau khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi người bị nó ám hại, thì tứ khắc ma quỷ  quay sang cám dỗ về lòng tham mê của cải nơi con người. Chính lòng say mê của cải mà dân trong vùng ấy chống lại Chúa Giêsu, bằng cách xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Bởi lẽ họ sợ rằng hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất đi tài sản quý giá gì nữa? Vì vậy, họ quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu ra xa họ.

Ngày nay có lẽ ma quỷ ít khi trực tiếp nhập vào con người, làm cho họ phải điêu đứng khổ sở như ngày xưa. Nhưng chúng thường bày ra muôn ngàn cách để lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa. Thúc đẩy con người hành động đến mất cả nhân tính như: giết người cướp của; tự do đồng tình luyến ái; nghiện ngập rượu chè, xì ke ma túy, hoang dâm… 

Hoặc có khi nó cám dỗ con người bằng những hình thức nhẹ nhàng, tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu không tỉnh thức con người sẽ dễ dàng sập vào bẫy nó giăng. 

Chuyện dân gian kể rằng: có một người đàn ông nọ bị quỷ hiện lên chận đường. Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say, hai là đốt nhà của mình, ba là giết chết vợ mình. Quá hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say, vì anh ta cho đó là việc làm ít nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đề ra.

Thủ đoạn của ma qủy là vô biên nếu không đề cao cảnh giác chúng ta sẽ dễ buông mình theo những lý lẽ xem ra rất hợp lý của chúng, tựa như câu chuyện sau:

Một tu sĩ kia rất có lòng đạo đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng Chúa. Xảy ra là có một hôm ông ngủ quên, thấy vậy, tướng quỷ Sa-tan đến đánh thức ông. Khi biết kẻ đánh thức mình là Sa-tan, tu sĩ tỏ dấu thắc mắc, ma quỷ liền nói với ông: “Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ông là một điều tốt. Ông thấy không, ai làm việc lành đều là người tốt cả. Vậy tôi cũng là một người tốt”. Tu sĩ đáp: “Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, vậy nhân danh Thiên Chúa, mi phải nói rõ vì lý do nào mi đánh thức ta?“ Bấy giờ ma quỷ buộc lòng phải nói thật: “Nếu ngày nào ông ngủ quên không đọc kinh sáng, thì khi thức dậy ông sẽ cảm thấy hối hận, khiêm tốn và quyết tâm sống đạo đức hơn. Còn ngày nào ông thức dậy sớm đọc kinh sáng, thì ông sẽ nghĩ mình đạo đức và không quyết tâm làm các việc lành khác”. Nói xong nó biến mất.

Để chống lại mưu mô của quỷ dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không ngừng chay tịnh, cầu nguyện nhất là sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết chay tịnh cỏi lòng, chuyên chăm cầu nguyện. Nhất là biết dùng  Lời Chúa như là kim chỉ nam định hướng cuộc sống chúng ta.

 

 Thứ ba: Mc 5, 21-13

Nhớ Thánh Gioan Bốt-cô, linh mục.

Tình thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.

Tin mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và chữa lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẻ của họ.

Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người.

Nhờ tin mà cô con gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.

Đức Tin đem đến cho con người niềm hy vọng.

Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến và đụng chạm vào gấu áo của Chúa Giêsu. 

Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông. 

Nhờ lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu sống.

Nhờ lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa chữa lành.

Tin chính là đặt hết niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở "Chúa. Trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.

Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ.Con cái là tất cả. Mất con cái là mất tất cả.  Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ lãnh đã có được niềm tin.

Bệnh tật luôn là nổi ám ảnh của con người. Bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên đau khổ, chan nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà đã có được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.

Chúng ta cũng vậy, niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha; hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay. Điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.

Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẻ thể hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.

Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn "Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.

 

 Thứ tư: Mc 6,1-6

Sau một thời gian thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu gây được nhiều tiếng vang và được đông đảo dân chúng đó đây ngưỡng mộ về giáo lý và những phép lạ Ngài làm.

Hôm nay khi trở về quê hương xứ sở để thi hành sứ vụ, thì Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương Nazareth khướt từ và đối xử tệ bạt. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ loại trừ và cách hành xử tệ bạt như thế của dân làng Nazareth?

Xét cho cùng cũng bởi hai chữ “tại vì”.

-  Tại vì Chúa Giêsu không có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ trong tay nên khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, Giáo lý, hay giáo luật…nên đã bị làng Nazareth xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu giảng dạy về kỷ thuật đóng bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận.

- Tại vì Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo. Con của bác thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa, không nghề nghiệp trong tay, không của hồi môn nên làm sao có của dư của để. Gía như Chúa Giêsu là con của một đại gia, thì đâu nổi bị dân làng xúc phạm.

- Tại vì Chúa Giêsu không có bà con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền quý. Gía như Chúa Giêsu là con ông cháu cha (CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi tán thưởng của dân làng Nazareth sẽ vang dậy không ngừng trước những lời hay ý đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!

Tắt một lời, “tại vì” họ biết rất rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu, một lý lịch được xếp vào “hạng tồi”.  Nên không lạ gì họ chối từ, không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị coi thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; nơi những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã hội. Đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, khi mà mọi thứ đều được đánh giá dựa trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những người nghèo hèn vẫn còn bị coi rẻ.

Khi mà người ta quá coi trọng địa vị bằng cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cõi ít học vẫn bị khinh thường.

Khi mà xã hội quá đề cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân cô thế vẫn còn bị hất hủi chà đạp.

Đâu là những tiêu chuẩn tôi thường dựa vào để đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành kiến, ác cảm chi phối mà đánh giá người khác một cách bất công không? Thái độ của tôi thế nào đối với những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta gạt bỏ cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên: cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa. Amen.

 

Thứ năm:  Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-32.

DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THÁNH

Cùng với GH hôm nay chúng ta mừng kính lễ Chúa Giêsu dâng mình trong đền thánh. Sự kiện Chúa Giêsu dâng mình trong đền thánh tiên báo về của lễ tinh tuyềnmà Người sẽ hiến dâng lên Chúa Cha trên thập giá sau này, để đền tội thay cho muôn dân.

Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cảm tạ tình thương cứu độ cao quý mà Thiên Chúa dành cho chúng ta; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng đời mình làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa và phục vụ mọi người với niềm tin yêu và phó thác.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến cách thế hiện diện của Thiên Chúa và điều kiện căn bản để ta đón nhận Người.

- Như chúng ta biết sau thời lưu đày Babylon, khoảng 515 trước công nguyên. Khi ấy đền thờ Giêrusalem đã được tái thiết xong, nhưng không đẹp và tráng lệ bằng đền thờ Giêrusalem trước đây nên nhiều người tỏ ra hối tiếc. Nhiều vị tiên tri thời bấy giờ cho rằng: điều quan trọng không phải là đền thờ đó cao sang lộng lẫy, nhưng quan trọng là đền thờ ấy được Chúa ngự đến. Vì vậy mà tiên tri Malakhi đã loan báo về một viễn tượng tràn đầy hy vọng trong ngày Thiên Chúa sẽ thân hành đi vào đền thờ viếng thăm dân Người: “và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến.

Tiên tri Malakhi cũng cho biết ngày Chúa đến sẽ là ngày kinh hoàng : “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?”. Vì ngày Chúa đến là ngày kinh hoàng nên con người cần phải được thanh luyện và tẩy sạch mới có thể đứng vững trong ngày đó.

- Trong bài đọc 2, tác giả thư Do Thái tiếp tục mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Người sẽ mặc lấy xác phàm mà đến ở với con người. Người trở nên đồng thân, đồng phận và đồng tử với con người, ngõ hầu cảm thông, trợ giúp và xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Thiên Chúa phải hiện diện với thân phận con người như thế? Thưa, bởi lẽ nếu Thiên Chúa không phải là người thật thì Người không chết thật và do đó loài người không được cứu độ; còn nếu Thiên Chúa là người thật mà không phải là Thiên Chúa thì cái chết của Người cũng như bao người khác, không thể cứu chuộc được ai cả. Vì thế sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu phải là Thiên Chúa thật và là người thật, ngoại trừ tội lỗi.

- Theo dòng tư tưởng trên, bài Tin mừng hôm nay cho biết cách thế để ta nhận ra Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu.

Để nhận ra Thiên Chúa đi vào Đền thờ với thân phận là một Hài Nhi Giêsu thì cần phải có đời sống như cụ già Simêon: Sống đời công chính, luôn khát khao mong đợi Chúa đến, nhất là biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; cũng như phải nêu gương bắt chước lối sống của cụ bà tiên tri Anna: “không rời khỏi đền thờ, đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Giêrusalem.” (Lc 37-38).

Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta qua mọi nẻo đường của cuộc sống để nâng đỡ, chở che, ban ơn. Điều quan trọng là làm thế nào để nhận ra Người?

Xin cho chúng ta có được đời sống tốt lành, thánh thiện như cụ ông Simêon và như cụ bà Anna để ta có được cái tâm trong sáng và cái nhìn ngay chính thánh thiện mà nhận ra Chúa hiện diện trong mọi người cũng như qua biến cố của cuộc đời. Xin Chúa Thánh Thần thương thanh tẩy tâm hồn và đôi mắt của ta nên trinh trong, để cái nhìn của ta được ngời sáng. Nhờ đó mà ta dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo nàn.

 

* Suy niệm mùa thường niên: Mc 6, 6-13

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.

Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng hai người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.

Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo tin mừng.

Sứ mạng thì to lớn nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức chúng ta hãy cậy trông vào Chúa.

Cậy trông vào Chúa, ta dễ sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị, không có đến hai áo.

Cậy trông vào Chúa, ta dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.

Cậy trông vào Chúa, ta sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được tinh thần khó nghèo đểcảm nhận được những thiếu thốn của tha nhân và đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh.

Xin gìn giữ chúng con khỏi những ma lực của đồng tiền, những quyến rũ của vật chất, để trung thành và can đảm rao giảng sứ điệp ăn năn sám hối mà Chúa truyền dạy.

Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác tích cực với anh em trong việc truyền giáo, nhằm làm lành mạnh hóa đời sống các tâm hồn, ngõ hầu đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống.

 

Thứ sáu: Mc 6, 14-29

Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.

- Góc tối của đam mê dục vọng:  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.

- Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.

- Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa. 

- Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê một cô con gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.

Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.

Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.

 

Thứ bảy: Mc 6,30-34

Ðức thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi thứ hai của tình thương". (Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 7). 

Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là hiện thân của Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể hiện cách cụ qua bài tin mừng hôm nay, bằng cách:

- Quan tâm đến các tông đồ: Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ trở về lòng đầy hứng khởi, thuật lại cho Chúa Giêsu nghe những thành quả vàng son mà các ông đã gặt hái được. 

Ngoài việc lắng nghe và đồng cảm với những thành quả ấy của các môn đệ, Chúa Giêsu còn nhìn thấy điều cần thiết và quan trọng hơn đối với các tông đồ ở đây lúc này, đó là nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau… Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình lại cuộc sống. Nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút.” (Mc 6,31). Với sự quan tâm này cho biết: Chúa Giêsu coi trọng con người hơn công việc.

- Quan tâm đến dân chúng: Mặc dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ đã tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến, “Ngài chạnh lòng thương vì họ đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”. Ngài quên cả mệt nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban phát lời hằng sống cũng như đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành động này cho biết: Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan tâm đến người khác.

Mỗi người chúng ta có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu đôi lúc cần phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì lợi ích và hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi đó là một cơ hội và là ân ban của Chúa để sẵn sàng đáp ứng với tấm lòng thương xót như Chúa đã thương xót ta.

Xin Chúa cho chúng ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra những nhu cầu cần thiết nơi tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như Chúa để chúng ta không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...