TÁM MỐI PHÚC THẬT
PHÚC ÂM: Mt 5,1-12a
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ
đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người.
Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM :
Ai đó đã nói : “Tiền bạc có thể mua được chiếc giường,
nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ;
có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang
nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm
gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua
sự sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập
giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được
thiên đàng.”
Vậy làm thế nào để có hạnh phúc
thực sự? Thưa phải sống tinh thần của 8 mối phúc do
chính Chúa Giêsu đề ra:
1. Phải có tâm hồn nghèo khó.
2. Phải sống hiền lành.
3. Phải chấp nhận chịu sầu để đền tội mình và đền tội
tha nhân.
4. Phải biết khao khát nên người công chính như Cha anh em trên
trời là Đấng hoàn thiện.
5. Phải có lòng xót thương người khác. “Vui với người vui, khóc với
người khóc”.
6. Phải giữ tâm hồn trong sạch: ngay thẳng, thật
thà, không giả dối và làm mọi việc cách
trong sáng.
7. Biết xây dựng hòa bình, nghĩa là luôn gieo sự an vui
hòa thuận cho mọi nơi. Giải tỏa những hiểu lầm, tháo gỡ những bất
hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan
chứa tình người.
8. Chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính : nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin, thì sẽ
được thông phần vào sự phục sinh vinh quang với Chúa Giêsu.
Nếu để ý kĩ lời dạy của Chúa Giêsu trong Tám Mối Phúc, chúng ta nhận ra mỗi mối phúc đều có hai vế song đối với nhau :
Vế thứ nhất là nhân, đối với vế
thứ hai là quả;
Vế thứ nhất là gieo, đối với vế
thứ hai là gặt;
Vế thứ nhất là “mình vì người
khác”, đối với vế thứ hai là “người khác vì mình”;
Vế thứ nhất là đau khổ, đối với vế
thứ hai là hạnh phúc.
Cho nên tất cả các câu trong vế thứ nhất, phải hiểu ngầm là vì Chúa và vì
tha nhân, nghĩa là : ta chấp
nhận sống
nghèo vì Chúa và vì tha nhân; ta cư xử hiền lành và
chịu bách hại là “vì lẽ công chính”
hay là vì người khác…chứ không phải là vì lợi lộc bản thân ta. Vì thế, nếu không vì
Nước Thiên Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân, thì các sự nghèo khó, hiền lành,
đau khổ, chịu bách hại mà ta gặp phải chỉ là nỗi
bất hạnh chúng ta đáng phải chịu, chứ không phải là nguyên nhân mang lại hạnh
phúc cho đời chúng ta.
Sống nghèo để tiết kiệm mua nhà đất thì chỉ là hành động bình thường của con người. Sống nghèo vì hà tiện hay mê tiền đến nỗi không dám chi xài ngay cả ngay trong những việc chính đáng, thì không phải nhân đức khó nghèo. Còn tâm hồn nghèo khó trong Tám Mối Phúc là tự nguyện sống nghèo để nhường cơm xẻ áo cho người nghèo khổ, là chấp nhận bỏ mình để giúp đỡ tha nhân và phục vụ nước Chúa… thì cái nghèo đó mới được Chúa chúc phúc, như Chúa đã từng phán dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35).
Sống tâm hồn nghèo khó, nghĩa là chấp nhận bản thân mình bị thiệt thòi, chấp nhận mất thêm thời giờ, sức lực, tiền bạc để giúp đỡ tha nhân sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Một người có tinh thần phục vụ, hy sinh vì người khác, chắc chắn sẽ được người mọi đáp lại bằng sự kính trọng, yêu mến, tín nhiệm cao và được bề trên trao cho giữ những trọng trách quan trọng trong xã hội và Giáo hội.
Kinh nghiệm cho thấy, những kẻ
ích kỷ chỉ nghỉ tới mình mà không biết nghĩ đến người khác lại là những kẻ
bất hạnh nhất. Còn những người vị tha, biết nghĩ đến người khác sẽ cảm thấy hạnh phúc trong tâm hồn, vì khi ấy ta sống đúng ý Chúa và đẹp lòng mọi người.
Là thành phần được tuyển chọn để phục vụ Họ đạo, mỗi người trong chúng ta cần tập tành nếp sống vị tha : vì Chúa, vì người khác, nghĩa là luôn tìm mọi cách để giúp tha nhân và hy sinh vì lợi ích chung. Sống như thế không những chính mình được hạnh phúc hôm nay, mà còn được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Chúa mai sau. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét