Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA SAU LỄ HIỂN LINH

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Suy niệm 1:

Cùng vời GH, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Hiển Linh, kỉ niệm biến cố Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ, đại diện cho những người chưa có niềm tin vào Chúa, nhờ ánh sao lạ.

Chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của 3 nhà đạo sĩ là dịp chúng ta cảm nhận được hành trình đức tin của chúng ta đã và đang tiến bước. Đồng thời cũng nhắc nhở bản thân về nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho tha nhân. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên ánh sao sáng làm dấu chỉ đưa dẫn nhiều người tìm đến gặp gỡ Chúa.

Khi suy niệm lời Chúa dựa trên biến cố Chúa Giêsu tỏ mình cho ba nhà Đạo sĩ, ta nhận ra 3 điều quan trọng sau đây:

1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.

2. Hành trình tìm kiếm Chúa.

3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.

1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.

H. Giáo lý Công Giáo có hỏi làm thế nào mà biết có ĐCT? 

T. Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có ĐCT.

Đúng vậy, khi nhìn vào vũ trụ vạn vật, ta liền nhận ra có một Đấng uy quyền dựng nên. Mà người có niềm tin Công giáo chúng ta gọi là Thiên Chúa.

Đọc thánh kinh Cựu ước, chúng ta biết được Thiên Chúa không chỉ tỏ mình qua công trình sáng tạo mà Thiên Chúa còn ban Lề Luật qua Môsê; ký kết giao ước với tổ phụ Ápraham, ban Lời và giáo huấn của Người qua các tiên tri.

Đến thời Tân Ước, thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa mạc khải qua Chúa Con, Ngôi Lời nhập thể và được sinh ra bởi Đức trinh nữ Maria. Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện một cách hữu hình và trực tiếp với nhân loại. Đúng như thánh Phaolô đã nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. (Dt 1,1). Vì thế từ nay ai thấy Đức Giêsu Kitô là thấy Chúa Cha. Ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ.

2. Hành trình tìm kiếm gặp gỡ Chúa.

Hành trình tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Giêsu không dễ dàng chút nào. Tin mừng hôm nay thuật lại: Nhờ thao thức tìm kiếm nên ba nhà Đạo sĩ đã khám phá ra vị Vua tối cao xuất hiện ở Phương Đông qua dấu chỉ “ngôi sao lạ”. Từ đó, Ba Vua đã không ngại dấn bước lên đường tìm đến Bêlem để triều bái Người(Mt 2,7).

Hành trình Đức Tin của ba Đạo sĩ (ba Vua) gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng ba Vua đã không nản chí sờn lòng. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao chỉ đường, họ đã vượt qua tất cả để cuối cùng tìm gặp Đấng Cứu Thế.

Khi gặp Chúa Giêsu Hài Đồng, họ dâng lên Chúa vàng, nhũ hương, mộc dược. Các Giáo Phụ giải thích rằng những tặng phẩm này mang nhiều ý nghĩa: “Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là Vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết.” (Thánh Phêrô Kim Ngôn).

Tuy nhiên, ngày nay ba tặng phẩm ấy được giải thích theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; mộc dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và sự từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.

Một chi tiết đáng quan tâm được thánh Matthêu ghi lại: “Sau khi đã gặp Đấng Cứu Thế, được mộng báo nên họ không trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nhưng đã đi lối khác mà về xứ mình.” (x. Mt 2,12). Chi tiết này mang ý nghĩa biểu tượng. Nghĩa là sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, họ đã thay đổi hướng đi, thay đổi suy nghĩ, từ bỏ con đường cũ, và đi vào con đường mới; họ có tầm nhìn mới, suy nghĩ mới và cuộc sống mới. Những ai gặp Chúa đều có sự biến đổi tận căn như thế.

Cũng như Ba Vua, sau khi gặp Chúa, chúng ta cũng được mời gọi thay đổi lối sống cũ, mặc lấy con người mới và sống theo tinh thần mới theo những giá trị Tin mừng mời gọi.

Ngày hôm nay, nhiều người vẫn còn đang sống trong bóng tối lầm lạc, chưa nhận biết và tôn thờ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúng ta được mời gọi trở thành những “ánh sao dẫn đường” đưa họ đến với Chúa như Lời Chúa dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,14) và “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời. (Pl 2,15). 

Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình ra cho Ba Vua nhận biết và đến thờ lạy Chúa qua ánh sao lạ dẫn đường, xin cho chúng con biết tin nhận và tôn thờ Chúa là Đấng Cứu Độ muôn dân. Đồng thời, xin cũng biến đổi chúng con thành những ánh sao dẫn đường cho người khác đến gặp gỡ và tôn thờ Chúa như Chúa là Đấng đáng được tôn thờ. Amen

(Dựa trên ý tưởng của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

 

Suy niệm 2: THẮP LÊN MỘT NGỌN NẾN

Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay được vang lên như một thôi thúc, kêu gọi chúng ta phải toả sáng: “Hãy đứng lên, bừng sáng lên! … Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư dân…” (Is 60,1-6).

Hôm xưa, Thiên Chúa đã nhờ ngôi sao lạ để soi đường dẫn lối cho các nhà chiêm tinh ngoại giáo đến thờ lạy Chúa hài nhi tại Bê-lem, thì hôm nay, Ngài cũng cậy nhờ chúng ta như những ánh sao Bê-lem mới để dẫn đưa muôn dân về với Chúa (Mt 2,1-12). Chúa Giê-su dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16).

Và thánh Phao-lô kêu gọi: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philip 2,15).

Nếu chúng ta không thể là “ánh sáng cho trần gian” như lời Chúa Giê-su truyền dạy hoặc không thể là “ngôi sao trên vòm trời” như lời thánh Phao-lô mời gọi, thì ít nữa, chúng ta cũng phải là một “ngọn nến” nhỏ trong gia đình, trong khu xóm của chúng ta.

Cùng nhau thắp nến

Một ngọn nến nhỏ không toả sáng nhiều, nhưng nhiều ngọn nến được đốt lên sẽ làm sáng tỏ cả một không gian rộng lớn. Việc tốt của một người chưa có ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng việc tốt của nhiều người sẽ mang lại ảnh hưởng lớn.
Trong đêm vọng phục sinh, sau nghi thức làm phép lửa và nến phục sinh, đang khi cả nhà thờ chìm trong bóng tối… ánh nến phục sinh trong tay linh mục chủ tế từ cuối nhà thờ từ từ tiến lên, tiến lên… Ánh lửa này được thắp cho vài cây nến nhỏ của các em lễ sinh và các ngọn lửa từ tay lễ sinh lại truyền qua cho những người kế cận... Thế rồi chỉ trong chốc lát, cả nhà thờ bừng sáng trước hàng trăm ngọn nến lung linh.
Nếu chúng ta để cho ánh lửa của yêu thương và việc tốt bừng cháy lên trong đời mình, và để cho lửa ấy tiếp tục lan sang những người kế cận… thì hy vọng một ngày không xa, cả phố phường làng mạc sẽ bừng sáng.

Mỗi ngày làm một việc tốt

Hằng ngày, các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình… đề cập đến nhiều thứ “bóng tối” đang bao trùm xã hội. Đó là những tệ nạn lan tràn khắp nơi.
Trước tình hình đó, người thì quy trách cho các nhà giáo dục; người khác thì đổ lỗi cho thế lực này, cho tổ chức kia… Thế rồi người ta đua nhau nguyền rủa “bóng tối” mà không chịu thắp lên một ngọn đèn. Làm như thế thì “bóng tối” ngày càng lan rộng, càng dày đặc thêm.

Tại sao chúng ta không thắp lên một “ngọn nến nhỏ” cho gia đình hay thôn xóm mình mà lại ngồi khoanh tay nguyền rủa “bóng tối”? Mỗi người hãy cố gắng thắp lên nơi mình một ngọn nến ngay từ hôm nay.
Mỗi ngày hãy thắp ngọn nến của mình lên bằng cách làm một việc tốt, như mỉm cười chào hỏi người hàng xóm khó thương, ủi an người gặp khó khăn gian khổ, thăm người già yếu bệnh tật... Nay một việc tốt, mai một việc tốt, mỗi tháng có đến 30 việc tốt, mỗi năm có 365 việc tốt thì thật tuyệt vời!

Nếu chúng ta nhẫn nại thắp nến hằng ngày như thế, chắc chắn, bóng tối sẽ bị đẩy lùi, ánh sáng sẽ toả lan, gia đình và làng xóm sẽ an vui hạnh phúc.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp mỗi người chúng con quyết tâm làm một việc tốt mỗi ngày. Đó là bổn phận của người tín hữu vốn là ánh sáng trần gian. Đó là lễ vật cao đẹp mà Chúa ưa thích và chờ đợi nơi chúng con mỗi ngày. Đó cũng là ánh nến nhỏ mà chúng con cần phải thắp lên để đẩy lùi bóng tối đang bao phủ phố phường, thôn xóm chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Suy niệm 3: HIỂN LINH HÀNH TRÌNH SỐNG ĐẠO

Phúc âm lễ Chúa Hiển Linh kể chuyện ba vua hiệp hành tìm kiếm và thờ lạy Chúa Hài Đồng. Đó cũng là hành trình sống đạo của mỗi chúng ta qua 3 điều: Mắt nhìn, chân bước, và lòng dâng.

1. Mắt Nhìn. Xã hội ngày nay đề cao tầm nhìn. Thật ra, từ xưa Kinh Thánh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mắt nhìn. Mắt nhìn sai đã gây nên sa ngã như Evà nhìn trái cấm, nhưng mắt nhìn đúng lại giúp hưởng ơn cứu độ khi nhìn Đấng chịu treo trên thánh giá. Ba vua đã có tầm nhìn cao và sâu khi nhìn thấy “ngôi sao của Chúa” trên cao và thấy Thiên Chúa tối cao nơi Hài Nhi Giêsu bé nhỏ. Quả thật, việc nhìn thấy Chúa trong mọi sự là điều hết sức quan trọng trong đời sống đạo. Cách nhìn hướng dẫn cách sống.

2. Chân Bước. Đạo là đường. Đường để đi chứ không để ngồi ì. Phúc Âm thường kể Chúa Giêsu thi hành sứ vụ trên đường đi. Hơn nữa, chính Chúa công bố: “Thầy là đường.” Nhiều người biết Hài Nhi Giêsu sinh ra ở Bêlem, nhưng vua Hêrôđê và các thượng tế, kinh sư thì ngồi yên ở nhà, còn ba vua dấn bước lên đường tìm Chúa. Hiện nay, Đức Thánh Cha đang mời gọi cả Giáo hội cùng hiệp hành, nghĩa là cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường theo Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

3. Lòng Dâng. Khi thấy Hài Nhi, ba vua sấp mình thờ lạy và dâng tiến lễ vật. Sống đạo rất cần một tấm lòng thành kính và quảng đại. Tôn giáo nhằm giúp con người mở lòng quảng đại dâng hiến chứ không phải khép lòng cầu lợi cho mình. Ở đây, chúng ta cần nhìn lại thái độ của mình khi cầu nguyện, khi tham dự thánh lễ, xem lại lòng mình quảng đại ra sao khi đóng góp cho Nhà Chúa.

Hiển Linh là Chúa tỏ mình nơi một trẻ thơ bé nhỏ. Hình ảnh này mời gọi chúng ta cần nhìn thấy Chúa nơi những người xung quanh và nơi chính bản thân mình. Đó là Tin Mừng vĩ đại của Giáng Sinh, để mọi người nhìn nhau, đối xử với nhau một cách yêu thương kính trọng như với Thần Linh, như với Thiên Chúa. Amen.

Lm. Nguyễn Xuân Trường


Suy niệm 4:

- Vào lúc 15h34 phút ngày 31 tháng 12 năm 2022 vừa qua, Hội thánh hoàn vũ phải ngậm ngùi tiển biệt một ngôi sao sáng trên bầu trời triết lý và thần học đã lịm tắt , đó là ĐGH danh dự Bê-nê-đic-tô 16. Một người Cha thánh thiện, một vị Mục tử nhân từ, một bậc Thầy lỗi lạc, một Chứng nhân trung kiên trong đức tin đã ra đi về với Chúa.

- Hôm nay Giáo hội hân hoan mừng Lễ Chúa Hiển Linh, kỷ niệm lại biến cố Hài nhi Giê-su là Thiên Chúa, tỏ mình ra cho dân ngoại qua 3 nhà Đạo sĩ Phương Đông nhờ ánh sao lạ dẫn đường.

- Theo truyền thuyết kể lại, 3 nhà Đạo sĩ có tên: Bal-tha-sar, Mel-chi-or và Gas-per, là những nhà chiêm tinh hay vũ trụ học, họ là chuyên gia nghiên cứu về những hiện tượng xảy ra trong trời đất, năm ấy các ngài đã phát hiện một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Sau khi tìm hiểu cẩn thận, các ngài biết được ngôi sao lạ này báo hiệu một nhân vật quan trọng đã sinh ra đời và vị ấy sẽ là cứu tinh cho nhân loại. Nên các ngài đã bỏ lại tất cả để quyết tâm lên đường tìm kiếm. Đây chính là nguồn gốc của Lễ Ba Vua trước đây, sau này Phụng vụ đổi thành Lễ Hiển Linh.

- Từ truyền thuyết trên và qua tường thuật Tin mừng của Thánh Mát-thêu mà chúng ta vừa nghe, có lẽ chúng ta nghĩ việc 3 nhà Đạo sĩ này tìm đến tôn thờ Chúa quá dễ dàng. Chỉ tình cớ nhìn thấy ngôi sao lạ, nhận ra có một nhân vật quan trọng vừa xuất hiện, rồi cuốn gói lên đường. Tuy nhiên nếu đọc lại kỹ đoạn Tin mừng, suy tư tìm hiểu chúng mới nhận ra rằng:

1. Đây là một hành trình dài đầy gian lao vất vả.

- 3 nhà Đạo sĩ là những người ngoại đạo, chưa một lần được biết hay nghe nói về Chúa; hơn nữa, lại họ là những người giàu có, quyền thế và thông thái. Theo quan niệm bình thường, khi không bị ràng buộc do trách nhiệm và có dư đầy của cải, danh vọng trong cuộc sống, người ta thích ngồi đó ăn chơi, hưởng thụ chứ tội gì phải vất vả rước vào mình vào những thứ phiền phức. Nhưng các nhà Đạo sĩ đã không nghĩ thế, các ông không để cho vật chất và quyền lực cản bước tâm hồn khao khát tìm kiếm chân lý và sự thật.

- Chính tấm lòng chân thành này đã giúp các ông nhận ra dấu chỉ của ánh sao lạ trong bầu trời bao la, cho các ông sức mạnh và lòng can đảm bỏ mọi tiện nghi cuộc sống để kiên trì tiến bước trên một hành trình dài với bao gian khổ, nguy hiểm, có khi lâm vào nỗi hy vọng. Nhưng với lòng kiên nhẫn và chân thành cuối cùng, các ông cũng tìm đến nơi, mà đó lại không phải một cung điện nguy nga, sang trọng trái lại là một chuồng bò tồi tàn, hôi thối, với một Hài nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vây mà các ông vẫn tin đó là vị cứu tinh nhân loại. Vì thế các ông đã tôn thờ và cung kính dâng cho Hài Nhi Giêsu những lễ vật quý giá.

Như vậy, có thể nói hành trình của 3 nhà Đạo sĩ tìm đến thờ lạy Chúa Hài nhi Giê-su là một hành trình của lòng chân thành, kiên tâm và không toan tính. Cho nên lòng hiểm độc và toan tính như Vua Hê-rô-đê và những người biệt phái, dù thông thạo Kinh Thánh, nhưng lại không nhận ra Chúa. Chỉ có Thánh Giu-se, Đức Mẹ, các mục đồng và 3 nhà Đạo sĩ với tấm lòng đơn sơ, chân thành và trung tín mới nhận ra Chúa.

2. Các ông dâng Chúa Hài nhi những món quà quí giá nhất.

- Ba nhà Đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi Giê-su những món quà quí giá của mọi thời đại: Vàng: muốn nói em bé này là Vua của nhân loại, Nhũ hương: em bé này chính là Thiên Chúa và Mộc dược: ý chỉ sẽ ướp xác em sau này.  Ba tặng phẩm ấy được các nhà chuyên môn ngày nay giải thích theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; mộc dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và sự từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

- Mừng Lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta vừa dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, vì yêu thương, đã mạc khải mình ra cho nhân loại nhận biết Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi khám phá những ngôi sao sáng trong cuộc sống quanh ta. Những ngôi sao này đang hiện diện ở nơi các gia đình qua đời sống thánh thiện, yêu thương và hy sinh của ông bà, cha mẹ ta; cũng như nơi những anh chị em công khai hoặc âm thầm đóng góp phần mình để xây dựng Họ đạo hay phục vụ cho cộng đồng xã hội với lòng quảng đại bác ái. Chính những ngôi sao sáng này sẽ ánh sao hữu hiệu chỉ đường cho nhiều người tìm gặp Chúa.

- Trong cuộc sống thường ngày, anh chị em cũng đừng quên dâng cho Chúa những món quà quí giá của riêng mình. Chắc chắn Chúa Hài đồng Giêsu không cần tiền tài, danh vọng, quyền lực, áo quần, bánh kẹo và đồ chơi…. Nhưng Ngài thích những món quà của tình bác ái, sự quan tâm giúp đỡ chân tình của chúng ta dành cho nhau nơi gia đình, khu xóm và trong Họ đạo. (St)

 

Thứ hai: KÍNH CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

Suy niệm 1: TIẾNG NÓI BÊN DÒNG SÔNG GIO-DAN

Khởi đầu sứ mạng công khai, loan báo Tin mừng cứu độ, Đức Giêsu đã đến dòng sông Giodan để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Gỉa. Trong biến cố này, Đức Giêsu được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu của Người; đồng thời Chúa Cha cũng mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lời Con yêu dấu của Người chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết khiêm tốn để tâm lắng nghe và thực thi những lời dạy của Chúa Giêsu hầu xứng đáng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha.

Có thể nói, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giodan mà Tin mừng hôm trình thuật, muốn nói với chúng ta biết 3 điều quan trọng:

1. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi được minh định. Trong biến cố này có sự xuất hiện của Chúa Cha qua tiếng nói từ trời cao; có Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình dáng chim bồ câu; và của Chúa Con nơi Đức Giêsu qua lời xác nhận của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con.”(Lc 3, 22).

2. Cuộc sáng tạo mới được khai mào. 

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan là khai mở một cuộc sáng tạo mới. Bởi khi ấy trời mở ra và có sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần với hình chim câu ngự xuống. Hình ảnh ấy gợi nhớ lại lúc khởi nguyên, Thần Khí Chúa cũng bay là trên nước, từ đó công trình tạo dựng vũ trụ và con người được hình thành. Nhưng công cuộc sáng tạo ban đầu ấy đã bị phá vỡ do tội nguyên tổ. Nay trong Đức Giêsu một cuộc tạo dựng mới lại được Thiên Chúa khai mở.

3. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người. 

Hình ảnh người tôi trung của TC đã được Isaia loan báo từ ngàn xưa (Khoảng 700 năm trước), nay đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, rất đổi khiêm nhường. Cho dẫu rằng Người là “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7).

Tuy Người là Đấng vô tội, nhưng lại sẵn sàng hòa mình với tội nhân để xếp hàng lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gìa. Như vậy, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào dòng đời của kiếp người để rồi đồng thân, đồng phận và sau này đồng tử, hầu cứu chuộc con người. Với lòng khiêm tốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trở nên Ađam mới. Nơi Người một trời mới đất mới được khai mở và thời kỳ ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. 

Xin cho chúng ta biết đón nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của mình qua việc khiêm tốn lắng nghe và thực hành lời Người chỉ dạy. Nhờ đó chúng ta mới xứng đáng trở thành người con yêu của Chúa Cha.

 Xin Chúa cũng cho chúng ta luôn biết sống hòa hợp với mọi người và sẵn sàng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời sống, theo tinh thần của Chúa Giêsu. Nhờ đó chúng ta mới trở nên chứng nhân của tình yệu Chúa giữa thế gian và là niềm hy vọng ơn cứu độ cho mọi người. 


Suy niệm 2:

“Chịu phép rửa xong, Đức Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa đến ngự trên Người.”

Câu Lời Chúa trên đây có làm cho bạn suy nghĩ nào không, chứ riêng tôi thì có suy nghĩ như thế này.

1. Ân sủng của bí tích Rửa Tội thật là vô cùng lớn lao, mà có khi trong cuộc sống chúng ta quên mất không biết cảm tạ Thiên Chúa, ân sủng đó là: làm cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, và tha tội nguyên tổ cũng như những tội mà chúng ta đã phạm trước khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

2. Bí tích Rửa Tội cũng dìm chúng ta trong nước, không phải nước của sông Gio-đan, nhưng là nước được thánh hóa bởi quyền năng Thiên Chúa, nước này đủ sức rửa sạch tội lỗi của chúng ta, và trả lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa, qua sự chết và sống lại của Chúa Giê-su. Đó chính là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giê-su có thể ban cho chúng ta, do đó mà Chúa Cha cũng nói với chúng ta như đã nói với Chúa Giê-su: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.” Chúa Cha không hài lòng sao được khi chính Con Một của Ngài đã vì chúng ta mà chết trên thập giá !

Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Ngài để từ đó Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời cho mọi người.

Bạn và tôi cũng như thế, chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, bởi vì ân sủng của bí tích Rửa Tội không phải là một trò đùa, hay như một bùa phép làm cho có lệ, nhưng là một dấu chỉ được sai đi, một tác động của Chúa Thánh Thần để chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Bạn thân mến,

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa là chấm dứt mùa giáng sinh, cũng có nghĩa là chúng ta đem mầu nhiệm giáng sinh ấy làm nền tảng để làm chứng có một Đấng Cứu Thế đã đến trong thế gian, Ngài đã sống và đã chia sẻ thân phận với con người, và vì yêu thương nên Ngài đã chịu khổ hình thập giá, đã chết đã sống lại và đã lên trời.

Đấng Cứu Thế ấy vẫn hằng ngày hiện diện với Giáo Hội với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, và chúng ta sẽ là những chứng nhân của Ngài...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


 Suy niệm 3:  SỐNG TÌNH CON THẢO VỚI CHÚA CHA

Truyện: GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG TỰ HẠ CỦA MỘT ÔNG QUAN :

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một vị khách cao niên. Rủi thay, vì già yếu nên ông này khi bước xuống xe đã bị trượt chân té vào vũng bùn khiến quần áo vấy bẩn. Khách đến dự tiệc thấy vậy liền phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông lão quyết định quay về nhà. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi nghe biết sự việc, viên quan chủ tiệc đã từ trong nhà vội bước ra sân, tới chỗ vũng nước dơ, ông cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông cũng dơ bẩn y như cụ già kia. Lần này mọi người chẳng ai còn dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn đến cầm tay vị khách quý đưa vào phòng tiệc. Bây giờ ông lão chẳng thể nào chối từ nữa.

Chính hành động khiêm tốn hạ mình của viên quan chủ tiệc : cố tình té ngã xuống bùn để trở nên lem luốc giống ông lão, mới đánh tan được mặc cảm tự ti của ông và mới đưa được ông vui vẻ vào nhà dự tiệc.

1. Mạc khải mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi :

Sự kiện tại sông Gio-đan sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, chính là mạc khải của Thiên Chúa cho loài người về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi : Chỉ có một Thiên Chúa nhưng xuất hiện qua Ba Ngôi vị như sau :

- Ngôi Con là Đức Giê-su vừa được ông Gio-an làm phép rửa bằng nước sông và từ dưới nước trồi lên.

- Ngôi Ba là Thần Khí Thiên Chúa từ trên cao đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Đức Giê-su.

- Ngôi Cha xuất hiện qua tiếng phán từ trời : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

2. Đức Giê-Su nêu gương khiêm hạ cho chúng ta :

Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ngự trên trời cao, lại hạ mình xuống trở thành một phàm nhân. Người là đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng chung với những kẻ có tội.

Là Đấng xóa tội trần gian, lại sẵn sàng hòa mình ở giữa đoàn người tội lỗi.

Là Đấng thanh sạch vô biên, lại chấp nhận dìm mình trong dòng sông để nêu gương sám hối cho các tội nhân.

Là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, lại khiêm tốn xin Gio-an làm phép rửa.

Hành động khiêm hạ của Đấng Cứu Thế cho thấy tình yêu vô biên Thiên Chúa đối với loài người : Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh tật của con người; Để cảm thông với nỗi đau khổ mà các tội nhân đang phải chịu để đền tội và để ban ơn Thánh Thần giúp tội nhân được đổi mới nên con yêu của Thiên Chúa.

3. Kết hiệp với Chúa Giê-Su để nên con thảo của Chúa Cha :

- Sau khi nhận được Thần Khí, Đức Giê-su đã bắt đầu sứ mệnh Thiên Sai :

Trong thời gian gần 3 năm, Người luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để chiến thắng ma quỷ cám dỗ, cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế. Cuối cùng, Người đã vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng theo đường « Qua đau khổ vào vinh quang » là chấp nhận trải qua cuộc tử nạn để đền tội thay cho chúng ta và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta.

- Phép rửa của Gio-an Tẩy Giả là hình bóng của phép rửa là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Đức Giê-su sẽ trải qua để vâng theo ý Cha (x Mt 26,39). Vì thế Người đã được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu luôn làm vui lòng Cha : “Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17b).

4. Sống tình con thảo bằng việc “xin vâng” thánh ý Thiên Chúa :

- Một đứa con ngoan sẽ không vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại phải vui vẻ mau mắn thi hành những điều cha mẹ chỉ dạy. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Để xứng đáng làm con cái hiếu thảo của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải vui vẻ và mau mắn thực thi thánh ý Ngài noi gương Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.

- Ngày nay vâng theo thánh ý Thiên Chúa là làm theo tiếng lương tâm, tuân giữ các giới răn Thiên Chúa và điều luật Hội Thánh, nhất là giữ giới răn mến Chúa yêu người, khiêm tốn vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh..

Lm. Đan Vinh


Thứ ba: Mc 1,21-28

Suy niệm 1:

Với lời giảng dạy và sức mạnh khống chế thần ô uế của Đức Giêsu mà Tin mừng hôm nay trình thuật minh chứng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng.  Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình vào sức mạnh và quyền năng của Chúa.

Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta biết: Thiên Chúa dựng nên hai thế giới, thế giới hữu hình và vô hình. Trong thế giới hữu hình, Thiên Chúa dựng nên con người. Con người có xác và hồn và là tạo vật cao quý nhất. Còn trong thế giới vô hình, Chúa dựng nên loài Thiên Thần thiêng liêng cao sang. Nhưng vì là loài thiêng liêng nên chúng ta không nhìn thấy các ngài được.

Giáo lý cũng cho biết: Vì bất tuân phục TC nên Thiên Thần Luxia đã bị TC giáng phạt thành ma quỷ hay còn gọi là Satan (kẻ chống đối). Do đó mà thế lực của ma quỷ rất mạnh, con người không có khả năng để chống đối lại được nếu không biết nương tựa vào quyền năng của TC.

Với lời nói đầy uy lực và phép lạ khống chế sức mạnh của thần ô uế mà tin mừng hôm nay trình thuật, minh chứng rõ ràng Đức Giêsu không chỉ có sức mạnh trong lời nói “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền”, mà Người còn có uy quyền trong hành động. Phép lạ Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám hại minh chứng rõ ràng uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Xin cho chúng ta luôn vững tin vào sức mạnh và quyền năng nơi Chúa Giêsu mà sẵn sàng đón nhận Chúa vào cư ngụ trong gia đình ta để Người hướng dẫn, bảo vệ và gìn giữ các thành viên trong gia đình chúng ta được hiệp nhất trong tin yêu và an vui trong cuộc sống.

 

Suy niệm 2:

Với lời giảng dạy đầy uy quyền và phép lạ khống chế ma quỷ của Đức Giêsu,  minh chứng cho biết Người chính là TC quyền năng.  Xin cho chúng ta luôn tin tưởng và phó thác đời mình trong bàn tay uy quyền và yêu thương của Chúa.

Sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Gỉa ở sông Giodan, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai bằng cách thực thi 3 chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế, để đem lại ơn cứu cho nhân loại.

- Với chức năng tư tế: Chúa Giêsu đã vào hội đường để cùng với mọi người cầu nguyện, nghe lời Chúa, dâng của lễ cũng như những ước nguyện của mình lên TC trong ngày Sabat.

- Với chức năng ngôn sứ: Chúa Giêsu đã trang trọng đọc Lời Chúa và thi hành nhiệm vụ giảng dạy. Lời giảng dạy của Người rất thu hút và có một sức mạnh lôi cuốn, khiến mọi người phải thán phục. Bởi vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các Kinh sư và Biệt phái.

- Với chức năng vương đế: Chúa Giêsu đã dùng quyền năng TC mà trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, để trả lại quyền tự do làm chủ bản thân, thoát khỏi vòng khống chế bời sức mạnh của ác thần của ma quỷ.

Khi lãnh nhận lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa cũng trao ban cho mỗi chúng ta ba nhiệm vụ hay chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.

Xin cho chúng ta thi hành tốt 3 chức năng này theo gương Chúa Giêsu: Luôn ý thức loan báo tin mừng và giới thiệu Chúa cho người khác. Chuyên chăm đến nhà thờ để cùng với mọi người hiệp dâng thánh lễ tưởng niệm hy tế thập giá mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá trong vai trò tư tế; nhất là ý thức làm chủ bản thân, can đảm loại trừ tính hư tật xấu và tội lỗi ra khỏi tâm hồn, ngõ hầu tâm hồn chúng ta xứng hợp là đền thờ thiêng liêng xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị.

 

Suy niệm 3:

Nếu lời giảng dạy của các Biệt phái và Kinh sư không được dân chúng đón nhận là vì "họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào" (Mt 23, 3-4)Và lối sống giả hình của họ khiến dân chúng chán ngán, mệt mỏi. Thì với Chúa Giêsu lại khác. Ngài không chỉ giảng dạy mà còn làm phép lạ kèm theo nữa. Với lời giảng dạy như một Đấng có uy quyền và phép lạ trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, Chúa Giêsu đã làm cho mọi người trong hội đường Ca-phác-na-um hôm ấy phải ngạc nhiên và vô cùng sững sờ.

Vì vậy, để thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng suông bằng lời, nhưng còn đòi hỏi chúng ta phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể nữa.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy uy quyền, giúp chúng con biết thống nhất giữa lời nói và việc làm để những giá trị Tin mừng mà chúng con loan báo được người nghe đón nhận và tin theo.

 

Thứ tư: Mc 1,29-39

Lẽ sống ưu tiên của Chúa Giêsu là gắn kết đời mình mật thiết với Chúa Cha và liên đới với mọi người, nhất là với những người gặp đau khổ. Xin cho chúng ta cũng biết theo gương Chúa Giêsu hằng gắn kết đời mình với Chúa và sống thân tình với mọi người trong mỗi ngày đời của chúng ta.

Tin mừng hôm nay thuật lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu ở Caphácnaum với biết bao công việc: Vào Hội đường giảng dạy, rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời lặn, Ngài vẫn còn tất bật chữa lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm tinh mơ, Chúa lại tìm đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi người kitô hữu chúng ta.

- Hãy bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện.

Cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân tình bên Chúa, để lắng nghe lời Chúa chỉ dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của Chúa nhằm chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.

- Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy chuyên chăm làm việc.

Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống trong thế giới hữu hình và được đặt trong thế giới này để "làm chủ trái đất".  Vì thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao động. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho ta : "cho đến nay, Cha tôi làm việc, thì tôi cũng làm việc" (Ga 5, 17).

Làm việc để có của nuôi sống bản thân và gia đình; để đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật, nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức, đó là ý định của Chúa và mong muốn của con người.

Tóm lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động khiến con người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.

Xin cho chúng ta luôn biết noi gương Chúa Giêsu kết hợp hài hoà giữa lao động và cầu nguyện trong đời sống thường ngày.

 

Thứ năm: Mc 1,40-45

Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ của Chúa Giêsu chữa cho người phong cùi được lành sạch. Phép lạ này nói lên tình thương và quyền năng của TC nơi Đức Giêsu. Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Người, nhất là khi chúng ta gặp những gian nan thử thách.

Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.

- Đau về thể xác

Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.

Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.

Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.

- Khổ về tâm hồn

Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.

Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.

Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!

Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..

Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.

Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.

Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.

Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh.

Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….

Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.

Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Những thứ đó chính là những chứng bệnh cùi về tâm linh nguy hiểm.

Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.

Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.

 

Thứ sáu: Mc 2,1-12

Tin mừng hôm nay tiếp tục trình thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người bị bại liệt được khỏi. Xin cho chúng ta cũng biết can đảm đến gặp gỡ Chúa Giêsu để được Người chữa lành căn bệnh bại liệt thiêng liêng của chúng ta; và cũng cho chúng ta biết quan tâm giúp đỡ những ai đang trong tình trạng bại liệt thiêng liêng để họ cũng được chữa lành.

 Cuộc đời của người bại liệt tại Caphanaum được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Đức Kitô. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu lại gặp rất nhiều cản trở:

- Cản trở về thể lý, do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt nên chính anh không thể thân hành đi đến với Chúa. Có thể anh ta rất muốn đến gặp Chúa.

- Cản trở về địa lý, do phải vượt qua đoạn đường dài mới đến gặp được Chúa Giêsu.

- Cản trở về tâm lý, do ngần ngại đám đông bao quanh Chúa Giêsu chật ních làm anh không thể đến gần Chúa được…

Nhưng mọi cản trở ấy được dẹp bỏ nhờ và tình thương và sự hy sinh cao cả của những người thân anh. Họ đã đưa anh lên chõng và cùng nhau khiêng anh đến với Chúa; họ đã vượt qua trở ngại không gian để đưa anh lên mái nhà và vất vả dỡ mái mới thòng anh xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu.

Chính sức mạnh của niềm tin và tình thương của bản thân anh và những người thân của anh làm thành sức mạnh giúp họ vượt qua mọi rào cản. Nhờ đó mà người bị bại liệt mới có thể đến được với Chúa Giêsu và được Người thương cứu chữa.

Tuy nhiên để cứu chữa người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Dẫu họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu biết trong thâm tâm họ có sẵn một bản án dành cho Chúa Giêsu khi Người thốt lên lời tha tội cho người bị bại liệt. “Người này là ai mà dám phạm thượng?”

Quyền tha tội là đặc quyền của TC, khi nói lời tha tội là Đức Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa nên xét về luật lệ thì Ngài đã phạm vào khung luật tử hình. Tuy nhiên Đức Giêsu lại là Thiên Chúa làm người nên Ngài vượt trên mọi rào cản của nghi kỵ luật lệ của con người để thực hiện giới luật tình yêu, là vừa chữa lành bệnh thể xác vừa bệnh tâm hồn cho người bị bại liệt, qua việc tha tội cho anh ta.

Xin Chúa chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà can đảm đến với Chúa để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương lòng. Nhất là xin cho chúng ta biết can đảm đến với tha nhân, nhất là những anh chị em đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn, để yêu thương và an ủi họ, giúp họ vượt qua mọi vướn mắc với niềm hy vọng đưa họ trở về cùng Chúa và hiệp nhất trong đức tin hầu đón nhận niềm vui Tin mừng cứu độ của Chúa.

 

Thứ bảy: Mc 2,13-17

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi làm môn đệ Chúa và Người sẵn lòng đồng bàn ăn uống với tội nhân. Sự kiện này minh chứng mạnh mẽ cho lời xác quyết của Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Xin cho chúng ta cũng có cái nhìn tích cực và bao dung với mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi. Đồng thời cũng cho chúng ta biết can đảm từ bỏ tội lỗi mình để xứng đáng bước theo Chúa trong đời sống mới.

Ông Lêvi làm nghề thu thuế nên được xem là người tội lỗi công khai đáng sợ đối với người Do Thái thời bấy giờ, bởi vì:

Những người thu thuế thường lạm dụng quyền hành để đánh thuế cao hơn theo luật định, nhằm làm giàu cho bản thân và gia đình mình.

Người thu thuế cũng bị coi là người trực tiếp cộng tác với ngoại bang bóc lột xương máu đồng bào mình. Bởi vì tiền nộp thuế là công sức lao động do mồ hôi nước mắt người dân đổ ra mà có.

Trong xã hội xưa nay, hạng người bán thân để nuôi miệng luôn được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi gái điếm kiếm tiền bằng thân xác mình, thì hạng người ma cô lại kiếm tiền trên thân xác người khác.

Đọc tin mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thu thuế chẳng khác gì ma cô, mà còn tệ hại hơn vì họ kiếm tiền trên xương máu của người khác. Chính vì thế mà ai ai cũng cái nhìn ác cảm, khinh bỉ đối với những người làm nghề thu thuế. Nhưng Chúa Giêsu lại có cái nhìn khác về họ. Chúa không nhìn họ làm nghề gì? xem họ thuộc băng nhóm nào? chơi với ai?  Nhưng trên hết Chúa có cái yêu thương. Chính cái nhìn đầy yêu thương, cộng với lời mời gọi tin tưởng của Chúa Giêsu mà Lêvi đã đáp lời bằng cách dứt khoát từ bỏ cái nghề gặt hái ra tiền dễ dàng với nguồn thu lợi béo bỡ để đi theo Chúa.  “Tình yêu vẫy gọi tình yêu”, Lêvi đã không chỉ dứt khoát bỏ nghề nghiệp mà ông còn chấp nhận bỏ chổ ở an toàn, êm ấm quen thuộc để dấn thân vào con đường tình yêu. Yêu Chúa bằng từ bỏ tất cả để theo, yêu anh em đồng nghiệp bằng việc tạo điều kiện để đưa anh em mình đến gặp gỡ Chúa với mong muốn anh em mình cũng được biến đổi nhờ cảm nhận tình yêu và lòng nhân từ tha thứ của Chúa Giêsu.

Chính trong khung cảnh bàn tiệc gây khó chịu cho nhiều người chung quanh ấy, Chúa lại bất ngờ tuyên bố sứ mạng làm kinh ngạc mọi người: “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Xin Chúa chữa chúng con lành sạch hết những bệnh tật tâm hồn là những tính hư nết xấu và tội lỗi. Xin cho chúng con biết tích cực và kiên nhẫn dùng những linh dược mà Chúa đã chỉ dẫn là: cầu nguyện, ăn chay, bố thí”  mà chữa trị tâm hồn, sửa đổi đời sống cho tốt đẹp hầu xứng đáng với tình yêu và xứng danh là môn đệ Chúa. Khi đã được Chúa chữa trị lành sạch, xin cho chúng ta cũng biết quan tâm giới thiệu những người bệnh khác đến với Chúa với hy vọng họ cũng được Chúa chữa lành.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...