Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

 SUY NIỆM LỜI CHÚA SAU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Lm. Nguyệt Giang 

CHÚA NHẬT KÍNH TRỌNG THỂ THÁNH MARIA

ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI: CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

Suy niệm 1:

Trong ngày đầu năm mới, ai trong chúng ta cũng mong ước và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Nhưng suy cho cùng những mong ước ấy chỉ là những ước mong.  Bởi lẽ những điều ấy không do chúng ta sở hữu, nhưng là Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi phúc lành. Con người chúng ta chỉ là trung gian, là khí cụ Chúa dùng để chuyển tải những phúc lành của Chúa đến cho nhau mà thôi. Thế  nên trong bài đọc 1, trích sách Dân số, Thiên Chúa đã chỉ dạy cho A-ha-ron phải biết cách chúc lành cho dân như thế nào. Đó là phải nhân danh Chúa mà chúc: “Xin Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thương. Xin Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an.”

Nếu khi xưa Thiên Chúa đã nhờ ông A-ha-ron thay mặt Người để chúc lành cho dân Do Thái, thì với mầu nhiệm con Chúa Gíang Sinh làm người. Thiên Chúa lại mời gọi Đức Maria thay mặt Người để trao ban phúc lành đến cho nhân loại, qua việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế, nguồn mọi phúc lành.

Chính nơi Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô mà mọi ơn phúc của Thiên Chúa tuôn tràn trên chúng ta. Ơn giải thoát khỏi tội lỗi, ơn làm con cái Chúa, ơn nhận lãnh Thánh Thần…(x. bài đọc 2).  Đó chính là phúc lành viên mãn mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại chúng ta.

Ngày đầu năm không gì quý hơn là chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì yêu đã nhận chúng ta làm con và cho chúng ta được gọi Ngài bằng Cha.

Chúng ta tạ ơn Chúa chỉ vì tình yêu đã sẵn sàng ban chính con của Ngài là Chúa Giêsu cho chúng ta. 

Chúng ta cũng tạ ơn Chúa đã trao ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn, soi sáng và ban sức mạnh hồn xác trên chúng ta.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Một người Mẹ luôn sống đời đơn sơ, trong sáng, khiêm nhường. Một người Mẹ luôn quy phục và vâng nghe thánh ý Chúa với niềm tin và phó thác trọn vẹn. Một người Mẹ cao sang và uy quyền, nhưng cũng đầy lòng yêu thương con cái trần gian.

Xin Mẹ cho chúng con biết mở lòng đón nhận phúc lành của Chúa nhân ngày đầu năm này và xin cho đoàn con Mẹ luôn biết sống theo gương Mẹ qua việc ghi nhớ và thực thi Lời Chúa trong năm mới này, để lòng Mẹ được an vui vì đoàn con thân yêu.

 

Suy niệm 2:

Hôm nay là ngày đầu năm mới, cũng là ngày GH mừng kính trọng thể lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, với tình hiệp thông trong Chúa và Mẹ Maria, tôi xin gửi lời chào và chúc bình an đến với tất cả quý ông bà và anh chị em. Và thật ý nghĩa nếu giờ đây chúng ta dành tặng cho nhau món quà yêu thương với lời cầu chúc tốt đẹp nhất bằng một tràng pháo tay thật to!

Phụng vụ lời Chúa của ngày đầu năm, GH mời gọi chúng ta hướng về Đức Maria, với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Xin Mẹ nâng đỡ, gìn giữ và hộ giúp chúng ta là con cái Mẹ trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh trên hành trình dương thế.

Dưới chân thập giá, với lời trăn trối Đức Maria cho thánh Gioan và thánh Gioan cho Đức Maria, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng từ nay Đức Maria không chỉ là Mẹ của Người mà Đức Maria còn là Mẹ của GH và của mỗi người chúng ta, bởi lẽ thánh Gioan là đại biểu.

Do Đức Maria là Mẹ chúng ta nên Mẹ hằng yêu thương, lo lắng và nâng đỡ chúng ta bằng trái tim của tình mẫu tử. Hơn nữa vì ngài là Mẹ Chúa Giêsu nên Mẹ rất có thế giá trước mặt Thiên Chúa, những lời cầu xin của Mẹ chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Vì thế mà ta hãy tin tưởng và phó thác vào bàn tay từ ái của Mẹ. 

Mẹ được GH gọi là hừng đông của bình minh ngày mới; là tín hiệu báo trước cho nhân loại biết mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô đang xuất hiện, khởi đầu cho một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của tình thương cứu độ. Năm mới cũng chính là thời điểm mới, là cơ hội thuận lợi để ta khởi đầu làm tươi mới lại đời sống mình. Năm cũ đã qua với biết bao là ơn lành do Chúa tặng ban, nhưng cũng biết bao là lầm lỗi bởi phận người mỏng giòn, yếu đuối nên nên nhiều lần chúng ta đã để vuột mất đi cơ hội đón nhận bao nhiêu ơn ban của Chúa. Năm mới, cơ hội mới được mở ra vậy ta hãy bắt đầu lại với niềm hy vọng tươi sáng vào tình thương của Chúa và sự hộ phù của Mẹ Maria.

Thật là thích hợp khi GH chọn ngày đầu năm để hướng chúng ta về lại với Mẹ Maria. Nếu giờ đây ai trong chúng ta còn phải loay hoay tìm cho mình một hướng đi, một mẫu gương để định hình cho đời sống hay một nơi để tìm về chốn an bình thì thiết tưởng không có nơi nào êm ái cho bằng về với Mẹ Maria dấu yêu, nơi Mẹ ta sẽ được chở che vỗ về và được chỉ dẫn cho ta hướng đi đúng đắn nhất. Bởi lẽ hơn ái hết Mẹ chính là mẫu gương sống tuyệt hảo đẹp lòng Chúa nên đã được TC tặng ban những tước hiệu cao sang, trong đó có tước hiệu là Mẹ TC. 

Với tước vị làm Mẹ TC và là ngôi sao mai dẫn đường nên những ai bước đi theo Mẹ sẽ không lạc lối bao giờ. 

Với chức năng làm Mẹ của chúng ta, tin rằng Mẹ Maria sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta là con cái Mẹ. Nhưng điều quan trọng Mẹ đòi hỏi chúng ta cũng phải biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo những gì Mẹ chỉ dạy. Đó là hãy mở lòng lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa như lời Mẹ dặn: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).

Trãi qua biết bao thăng trầm của dòng lịch sử nhân loại, GH luôn xác tín cho ta hiểu rằng: "Xưa nay chưa từng nghe nói có người nào chạy đến kêu xin cùng Mẹ mà Mẹ chẳng nhậm lời". Đó cũng chính là điều mà thánh Bernađô đã xác quyết: “Kêu xin Mẹ, chúng ta không bao giờ bị lầm đường lạc lối".

 

Suy niệm 3:

Hôm nay là một ngày đặc biệt, vì Giáo hội dành để suy niệm 3 chủ đề lớn:

1. Maria, Mẹ Thiên Chúa. 2. Tết Dương lịch. 3. Cầu nguyện cho Hòa bình thế giới. Chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng chủ đề trong bài chia sẻ hôm nay.

1. Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Vào ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội tôn vinh Đức Mẹ, với tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”. Tước hiệu này đã được Công đồng Ephêsô tuyên tín long trọng vào năm 431, khi kết thúc công đồng bàn về thiên tính (hay còn gọi là thần tính) của Đức Giêsu.

Đức Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Là Thiên Chúa, Người là Đấng tạo dựng vũ trụ và Cứu độ nhân loại. Là Con Người, Người sinh bởi Đức Trinh nữ Maria.

Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu về thể xác và như thế, Mẹ là Mẹ của Con Đức Chúa Trời. mà Chúa Giêsu lại đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nên Đức Maria xứng đáng được tôn vinh với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngay từ thời Giáo Hội khai sinh, tước hiệu này đã được thánh Phaolo khẳng định trong thư gửi tín hữu Galát, và được cô bố trong Bài đọc II chúng ta vừa nghe: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật”.

2. Tết Dương Lịch

Hôm nay chúng ta chính thức bước sang năm mới 2023. Nếu hôm qua Giáo hội đã mời gọi chúng ta nhìn lại quá khứ trong năm qua 2022 với tâm tình biết ơn và cảm tạ, thì hôm nay bước vào năm mới, Giáo hội lại mời chúng ta nhìn về tương lai với tâm tình tin tưởng, cậy trông và phó thác. Tại sao ta lại tin tưởng, cậy trông, phó thác?

Thưa vì năm mới đến với ta như một ẩn số, ta không thể biết trước những gì sẽ đến với mình, gia đình mình và đất nước mình. Đau khổ có, hạnh phúc có, bất hạnh có, thất bại có, rủi ro có và bệnh tật cũng có luôn. Nó đang nằm ẩn trong 365 tờ lịch chờ được bóc ra từng ngày. Chính vì không thể biết trước những gì sẽ xảy đến với mình, thì điều khôn ngoan nhất của Kitô hữu chúng ta là phải luôn tin tưởng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa quyền năng. Tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và đồng hành với ta trong suốt 365 ngày sắp đến, cũng như trong suốt cuộc đời. Không những ta tin Thiên Chúa là Người Cha nhân lành, mà ta còn tin Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, Ngài có thể biến điều không thể thành có thể; biến đau khổ, bất hạnh, tuyệt vọng thành niềm vui, hy vọng và hạnh phúc.

Bài Đọc I, trích sách Dân số,  Thiên Chúa  đã chỉ cho ông Aaron về công thức chúc lành cho dân. Đó là lời cầu nguyện xin Chúa: hãy dủ lòng thương, ghé mắt nhìn và ban bình an. Đây là lời cầu chúc đi đôi với lòng tín thác cậy trông Thiên Chúa sẽ ban muôn ơn phúc. Trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới này, chúng ta cũng cầu xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban cho chúng ta một năm mới bình an, mạnh khoẻ và thánh thiện.

3. Cầu Nguyện Cho Hoà Bình Thế Giới

Sở dĩ Hội Thánh mừng kính Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm là mong muốn đặt thế giới vào tay Đức Mẹ để được cưu mang và sinh lại. Chỉ khi được cưu mang và sinh lại trong Mẹ, thì thế giới mới thực sự có hoà bình. Việc cưu mang chắc chắn không tránh khỏi sự vất vả nặng nhọc. Và sinh hạ chắc chắn phải chịu sự đớn đau. Nhưng nếu mỗi người biết noi gương Mẹ Ma-ri-a để vâng phục thánh ý Chúa, nhất là biết khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi… thì gia đình và xã hội mình đang sống trở mới thành trời mới đất mới theo thánh ý của Chúa, Bấy giờ hòa bình mới đến trong thế giới này.

Mong cho các nước đang có chiến tranh biết ngồi lại đàm phán với nhau, cho mỗi người đang thù ghét nhau biết tha thứ và quên mình phục vụ cho nhau để đạt tới một nền hoà bình vĩnh cửu. Vì hoà bình không chỉ là không có chiến tranh nhưng là mọi người biết sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu Kitô, Hoàng tử hoà bình, Đấng đến để thiết lập mối tương quan hài hoà giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Nên chỉ những ai chuyên tâm thực thi giáo huấn của Người mới tìm thấy bình an đích thực trong tâm hồn và trong cuộc sống.

Năm mới ta hãy noi gương Mẹ Maria về cách ứng xử trước các biến cố gặp phải trong cuộc sống thường ngày:

- Hãy năng đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ học được nơi Mẹ Ma-ri-a thái độ: “Luôn ghi nhớ các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

- Hãy gương Mẹ để tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng trước các biến cố mà ta gặp phải trong cuộc sống: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói” (Lc 1,38).

- Hãy năng kết hiệp với Mẹ, dâng lời ngợi khen Chúa qua lời kinh Magnificat : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46).

- Hãy mạnh dạn chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những người thân và phục vụ những ai đang cần được trợ giúp như Mẹ xưa đã giúp bà chị đang mang thai bằng việc : “Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (x Lc 1,56).

- Hãy cùng Mẹ : Can đảm chia sẻ sự đau khổ với Chúa Giê-su trên cây thập giá như Tin Mừng ghi lại : “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clopát, cùng với bà Maria Magđala” (Ga 19,25).

Là con cái của Mẹ trong nhiệm thể Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, xây dựng tình huynh đệ, sống liên đới và trách nhiệm với con người cũng như xã hội hôm nay; cùng nắm tay nhau để xây dựng một nền văn minh tình thương và ủng hộ sự sống.

Hãy ý thức rằng, mỗi khi đọc kinh kính mừng, là chúng ta thưa lên cùng Mẹ : “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Khi chúng ta thưa với Mẹ điều đó, là chúng ta ý thức thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình thường hay sa ngã phạm tội, đồng thời ta cũng nói lên sự phó thác cậy trông vào bàn tay từ mẫu của Mẹ, bởi Mẹ là Con Thiên Chúa làm người và cũng là Mẹ của mỗi chúng ta. Amen. (St)

 

Suy niệm 4:

Truyện vui: Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng rồi.”

Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã tìm cách mở cửa cho họ vào đó! Biết thế nhưng con thực sự là ‘bó tay chấm com luôn!’

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào tâm tình của ngày lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa hôm nay và suy nghĩ về hai điểm sau đây:

Điểm thứ nhất: Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà ngài còn là mẹ thật của mỗi người chúng ta nữa. Nếu trên thế gian, không một ai đã yêu thương chúng ta, không một ai đã sẵn sàng lắng nghe chúng ta kêu cầu, cảm thông và giúp đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh như người mẹ. Thì trên thiên quốc Đức Maria còn thương chúng ta gấp ngàn lần thế, bởi vì ngài là Người Mẹ của chúng ta trong gia đình đức tin. Hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, chúng ta hãy phó thác năm mới này trong vòng tay từ ái của Mẹ, xin Mẹ luôn hiệp hành, nâng đỡ và chở che cho mỗi người chúng ta. Bởi chúng ta “…hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.” (Kinh Hãy Nhớ).

Điểm thứ hai: Đức Maria phải là khuôn mẫu để chúng ta noi theo, nhất là về thái độ tín thác vào Chúa.

Thực vậy, khi sứ thần Gabriel báo tin Mẹ sẽ sinh con bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, mặc dù biết rằng việc này có thể làm cho thánh Giuse buồn phiền và lo nghĩ, nhưng Mẹ vẫn vững tin và phó thác vào Chúa.

Rồi khi nghe các mục đồng kể lại lời các thiên thần báo tin. Mặc dù không hiểu lắm, nhưng Mẹ vẫn ghi tâm và tín thác vào Chúa.

Khi nghe ông già Simeon nói tiên tri: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Bà”. Mẹ Maria cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa lời tiên tri ấy thế nào, nhưng Mẹ vẫn phó thác vào Chúa.

Rồi khi tìm thấy Đức Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi và nghe Ngài trả lời: “Mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?” Một lần nữa Mẹ Maria chẳng hiểu gì cả nhưng Mẹ vẫn tin tưởng nơi Chúa.

Hôm nay chúng ta chính thức bước sang năm mới 2023. Chúng ta hãy hướng nhìn về tương lai với niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác. Tại sao ta lại tin tưởng, cậy trông, phó thác?

Thưa vì năm mới đến với ta như một ẩn số, ta không thể biết trước những gì sẽ đến với mình, gia đình mình và đất nước mình. Đau khổ có, hạnh phúc có, bất hạnh có, thất bại có, rủi ro có và bệnh tật cũng có luôn. Nó đang nằm ẩn trong 365 tờ lịch chờ được bóc ra từng ngày. 

Chính vì không thể biết trước những gì sẽ xảy đến trong tương lai, thì điều khôn ngoan nhất của người Kitô hữu là hãy đặt tin tưởng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa quyền năng theo gương Mẹ Maria. Tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và ở với ta trong suốt 365 ngày sắp đến. Ngài là Người Cha nhân lành cũng là Thiên Chúa đầy quyền năng, Nên Ngài có thể biến điều không thể thành có thể; biến những đau khổ, bất hạnh, tuyệt vọng thành niềm vui, hy vọng và hạnh phúc. Hơn thế nữa bên chúng ta còn có Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta nên sẽ luôn hiện diện bên ta để nâng đỡ và cầu thay nguyện giúp chúng ta trước tòa Chúa.

Nếu là những bậc làm cha mẹ, chúng ta đã cặn kẽ dạy bảo, ra sức làm gương sáng mà con cái nhưng chúng vẫn khô khan nguội lạnh ngang bướng. Thì chỉ còn một phương cách là ta hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác cho Chúa. Chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta làm điều này.

Là một thanh niên, chúng ta lo lắng về tương lai, không hiểu những dự tính của mình là gì và sẽ đi về đâu? Chúng ta đã bàn bạc, đã cầu nguyện mà sao vẫn còn mù mịt. Vậy thì hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác, chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta trong việc này.

Là một người đang chao đảo về đức tin với bao nhiêu thắc mắc, khó hiểu. Mặc dù đã cầu nguyện nhưng chúng ta vẫn hoài nghi liệu có Chúa hay không? Vậy thì hãy cầu nguyện và phó thác, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta thực hiện điều này.

Lạy Đức Maria, là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, xin hãy nâng đỡ và hỗ giúp chúng con trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

Trong ngày đầu năm chúng ta thường cầu chúc cho nhau những điều tốt lành nhất. Nhưng suy cho cùng những mong ước ấy chỉ là những ước mong. Bởi lẽ những điều ấy không do chúng ta sở hữu, mà là Thiên Chúa, Đấng cội nguồn của mọi phúc lành. Con người chúng ta chỉ là trung gian, là khí cụ Chúa dùng để chuyển tải những phúc lành của Chúa đến cho nhau mà thôi. Thế nên trong bài đọc 1, trích sách Dân số, Thiên Chúa đã chỉ dạy cho A-ha-ron phải nhân danh Chúa mà nguyện chúc: “Xin Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thương! Xin Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an!”

Vậy chúng ta cũng hãy xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến chúng ta. Xin Ngài ban cho chúng ta một năm mới bình an, mạnh khoẻ và thánh thiện trong ngày năm mới này.

 

Thứ hai, ngày 2/12: 1Ga 2,22-28; Ga 1,19-28

Nhớ hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian, giám mục, tiến sĩ Hội thánh

Hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian đều được sinh ra tại Cap-pa-do-ce, thuộc hai gia đình quí phái, danh tiếng, có địa vị vững chắc trong xã hội lúc đó. Hai vị thánh đều học cùng trường tại Athènes Hy Lạp, thành đạt trong việc học, hai Ngài đều cùng về quê hương và sống với nhau trong một mái nhà tu viện.

Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng hai vị thánh đã sống nghĩa thiết chan hòa, sống theo gương mục tử nhân hậu hiền lành noi theo Chúa Giêsu.

Thánh Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy, điều khiển.

Thánh Grêgôriô Nazian lại thích chiêm niêm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức.

Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục của hai Giáo phận. Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục năm 370 tại Césarée de Cap-pa-do-ce. Thánh Giám mục Basiliô là một mục tử can trường, đầy dũng khí, hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm: lời giảng dậy, chữ viết và nhờ tài khéo léo, can thiệp trực tiếp của Ngài với Chính quyền, Ngài đã đem lại cho Hội Thánh một chỗ đứng vững chắc, tách quyền Giáo Hội ra khỏi thế quyền. Ngài giúp cho những người nghèo lấy lại phẩm giá của mình và bảo vệ đức tin của đoàn chiên cách sâu xa, vững chắc.

Thánh Grêgôriô Nazian được tấn phong Giám mục Sa-si-me năm 371. Năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Con-stan-ti-nople giữa sóng gió do bè rối Ariô gây nên. Ngài có tài hùng biện, mọi người đều theo Ngài. Thánh nhân được đặt cho một cái tên hết sức thân thương: "Cha của những kẻ khốn cùng".

Thánh Basiliô qua đời ngày 01/01/379 và thánh Grêgôriô Nazian tạ thế ngày 25/01/390.

Cả hai vị thánh đã sống hiền lành, khiêm nhượng theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ: "Nếu vì tôi mà bão táp này ( bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở ".

Giáo Hội Chính Thống đã đặt ba vị thánh Basiliô cả, Grêgôriô Nazian và Gioan Kim Khẩu lên hàng đầu giữa các bậc tiến sĩ trong Giáo Hội Chúa Kitô. Vì những công nghiệp, tài năng và nhân đức của các Ngài, Hội Thánh còn gọi các Ngài bằng tên rất đẹp, ấn tượng và thân thương: "đuốc thiêng của Hội Thánh".

 

Suy niệm 1:

Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Gioan tiếp tục cảnh tỉnh các kitô hữu hãy đề phòng những kẻ phản Kitô. Nhưng làm thế nào ta phân biệt ai là những kẻ phản Kitô? Thánh Gioan cho biết chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta, vì ta được nhận dầu của Ngài. Chúa Thánh Thần là thần chân lý và sự thật nên những ai sống theo sự thật và chân lý, kẻ ấy mới thuộc về Đức kitô. Còn ngược lại những ai sống giả dối và bất chính thì kẻ ấy chính là những kẻ phản Kitô.

Để phân biệt đâu là người thật đâu là kẻ gian dối không dễ! nhất là trong xã hội ngày hôm nay. Vì xã hội càng phát triển thì nạn lừa đảo càng tinh vi. Ngày hôm nay không chỉ người ta mượn danh công an giả, cán bộ giả, thầy tu giả…  để lừa gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù. Người ta cũng sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, chức vụ, tổ chức giả để vận động gây quỹ từ thiện nhằm móc túi những nhà hảo tâm.

Không chỉ họ lừa tiền, lừa tình mà còn lừa cả về lý tưởng sống nữa. Thật là đáng sợ! Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi với việc làm. Đúng như lời Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta : “Họ là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta phải cẩn thận cảnh giác, đề phòng những hạng người ấy.

Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người và với Chúa  theo gương của Gioan Tẩy Gỉa mà bài Tin mừng hôm nay nói đến. Đồng thời xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ mạo nhận những gì mình không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của người khác; nhưng phải biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật, vì "sự thật sẽ giải thoát chúng ta".

 

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay nêu bật lên hai đức tính cao quý nơi con người của Gioan Tẩy Gỉa, vị tiền hô của Chúa. Đó là đức khiêm nhường và lòng ngay chính.  

1. Lòng ngay chính của Gioan Tẩy Gỉa được thể hiện bằng 3 động từ phủ định cách dứt khoát: “Không!”: không là “Đấng Kitô”, không là “Êlia” và  không là “Tiên tri” nào cả. Bởi lẽ những tước vị ấy không phải là của ngài. Ngài chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho Chúa đến mà thôi.

Lẽ thường thì ai cũng thích được người khác vinh danh nên dùng mọi cách, tận dụng mọi cơ hội và xử dụng mọi thủ đoạn để tìm cho được một chỗ đứng quan trọng trong xã hội, nhưng với Gioan Tẩy Gỉa thì không cần những thứ đó. Bởi đối với người ngay chính thì những thứ gì không thuộc về mình thì không thể nhận bừa được.

2. Đức khiêm nhường của Gioan không chỉ được thể hiện qua cách sống đơn sơ khó nghèo mà còn được biểu lộ qua những lời xác nhận hết sức khiêm tốn đã được thốt ra từ chính môi miệng của ngài:

- Tôi chỉ “là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

- Tôi chỉ làm phép rửa bằng nước: “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết”. Đấng ấy đến sau tôi sẽ làm rửa trong Thánh Thần. (x. Ga 1, 33).

- Tôi chỉ dám nhận mình là người thấp kém trước mặt Đấng mà tôi loan báo: “Đấng ấy đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Thất đáng khâm phục trước những đức tính cao quý của Gioan Tẩy Gỉa. Ngài thật xứng đáng là bậc anh hùng xứng với lời khen ngợi của Chúa Giêsu: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” (Mt 11,11).

Sống trong một xã hội có quá nhiều gian dối, lọc lừa bởi lòng người còn quá nhiều ích kỷ, tham vọng và tự mãn. Rất cần lắm những con người như Gioan Tẩy Gỉa của thời đại: dám can đảm lội ngược dòng để bảo vệ và làm chứng cho những giá trị của Tin mừng; đó là luôn biết tôn trọng chân lý và sống khiêm nhường. Đó phải là lẽ sống mà mỗi người kitô hữu chúng ta theo đuổi trong thời đại hôm nay.

 

Thứ ba, ngày 3/1: 1Ga 2,29-3,6; Ga 1,29-34.

Trong đoạn thư thứ nhất của thánh Gioan được trích đọc hôm nay, tiếp tục ý thức chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa phải có bổn phận làm vinh danh Ngài. Lý do tại sao chúng ta phải có nhiệm vụ làm vinh danh Chúa? Thưa bởi vì chúng ta là con của Ngài, như Thánh Gioan đã nói: “Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.” (Ga 1,13). Vậy nên để làm vinh danh Chúa, không gì khác hơn là chúng ta phải sống đúng chức vị làm con Chúa. Mà để sống xứng danh là con Chúa, theo Thánh Gioan thì phải thi hành hai việc cụ thể:

 1. Phải nên công chính, vì Chúa là Đấng công chính. Công là công bằng; còn chính là ngay thẳng, trung thực. Theo nghĩa Thánh kinh thì sống công chính là mau mắn vâng nghe và thi hành ý Chúa.

2. Phải sống thánh thiện và tinh tuyền bằng cách tránh xa mọi tội lỗi. Bởi sống thanh sạch không vương tội lỗi thì ta mới nên giống Chúa Giêsu, người Con yêu dấu của Chúa Cha. Ngược lại nếu chúng ta sống xấu xa, tội lỗi là chúng ta chống lại Luật của Chúa, khi ấy ta tách rời khỏi Con yêu dấu của Thiên Chúa. Vì " Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người."

Qua bí tích rửa tội chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa. Xin cho chúng ta ý thức sống bổn phận làm con Chúa bằng cách đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa vì Ngài là Người Cha hằng yêu thương chúng ta; biết sẵn sàng lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của Chúa; nhất là biết nỗ lực loại trừ mọi tính hư nết xấu nơi bản thân mình, ngỏ hầu danh Chúa, Cha của chúng ta được cả sáng và được vinh danh qua đời sống tốt lành của chúng ta.

 

Thứ tư, ngày 4/1: 1Ga 3,7-10; Ga 1,35-42.

Thư thứ nhất của Gioan được viết trong bố cảnh cộng đoàn có sự chia rẽ nội bộ sâu sắc bởi những giáo thuyết sai lạc về thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu, do những kẻ phản Kitô gây ra. Thánh Gioan gọi tên những kẻ ấy là con cái của ma quỷ, vì họ không bởi Thiên Chúa sinh ra.

Để tránh tình trạng tin theo những luận điệu sai lạc ấy, thánh Gioan kêu gọi những người con bé nhỏ, tức những người còn non yếu về đức tin, hãy sáng suốt phân định, đừng vội nghe theo những kẻ phản Kitô mà bị lừa gạt. Nhưng đâu là tiêu chuẩn để phân định đúng sai?

Thánh Gioan đưa ra hai tiêu chuẩn, đó là: công chính và yêu thương: “Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra”.

1. Công chính. Thánh Gioan cho biết TC là Đấng Công Chính, ai sống công chính thì thuộc về Thiên Chúa “Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Đấng công chính”.  

- Công chính hiểu theo nghĩa thông thường là công bằng và chính trực.

+ Công bằng là của ai thì trả cho người đó; đối lại là bất công.

+ Chính trực là thẳng thắn là không quanh co, không e ngại; trái ngược với chính trực là giả dối, nịnh bợ, lừa dối niềm tin của một ai đó.

Chúa Giêsu đã từng gọi ma quỷ là cha của kẻ gian dối và khuyên chúng ta hãy trung thực trong lời nói: “có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”(Mt 5, 37). Nên ai sống gian dối là con cái của ma quỷ.

- Công chính theo nghĩa Thánh Kinh là biết lắng nghe và luôn thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham, thánh cả Giuse… được gọi là đấng công chính, vì các ngài đã luôn vâng nghe và làm theo ý muốn của TC. Vì thế, những ai không lắng nghe và thực hành lời Chúa là kẻ chống đối. Mà kẻ chống đối TC thì thuộc về ma quỷ.

2. Yêu thương. Thánh Gioan quả quyết rằng: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa”(1Ga 7-8). Mà tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách mạnh mẻ nhất qua việc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Vì thế nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).

Từ đó thánh Gioan kết luận: người sống yêu thương anh em mình thì “không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra” và “Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra”.

Nhờ bí tích bí tích Thanh tẩy, chúng ta được sinh ra làm con Chúa. Đó là một vinh dự vô cùng lớn lao mà Chúa thương ban cho chúng ta.

Xin cho mỗi người chúng ta nhận ra niềm vinh dự cao quý ấy mà không ngừng tạ ơn Chúa.  Và không ngừng chiếu giãi ánh sáng công chính và yêu thương của Chúa vào những nơi còn bao phủ bởi những bóng tối của bất công, gian dối, hận thù và ghen ghét… do ma quỷ gây ra. Nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta thêm tươi đẹp và tâm hồn của ta được an vui và hạnh phúc.

 

Suy niệm 2: 

Tin mừng hôm nay cho biết hành trình đức tin nơi hai môn đệ của Gioan Tẩy Gỉa và đó cũng là hành trình đức tin của mỗi người kitô hữu chúng ta.

Hành trình đó được thể hiện trong 4 động từ:  Tìm kiếm-bước theo-ở lại và đỉnh cao là làm chứng. Vậy chúng ta suy tư về những điều này:

- Như hai môn đệ xưa, Chúa cũng hỏi mỗi chúng ta hôm nay: Các người tìm gì? Mỗi người chúng ta phải trả lời cách chân thành từ sâu thẳm của lòng mình. Có thể chúng ta tìm kiếm tiền bạc, của cải danh vọng, chức quyền hay những cuộc tình, cuộc vui chóng qua, để rồi chúng ta dành quá nhiều thời gian, công sức cho những giá trị ấy mà quên hay ít khi thao thức bận tâm cho việc kiếm tìm Chúa. Mong cho mỗi chúng ta cũng biết theo gương hai môn đệ của Gioan Tẩy Gia nói lên nỗi bận tâm của mình: “Rabbi,…thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

- Khi tìm gặp Chúa thì điều quan trọng thứ hai là can đảm ra đi dấn bước theo Chúa. Bước theo Chúa là đi trên con đường Chúa đã đi. Chúng ta không bước theo một con đường nào khác ngoài con đường mà Chúa đã đi và hướng dẫn. Bởi lẽ “Đức Giêsu chính đường là sự thật và là sự sống”. Đi trên con đường Giêsu là chấp nhận đi vào con đường hẹp, con đường hy sinh phục vụ, con đường nhận thập giá vì yêu mới đạt đến vinh quang. Hai môn đệ của Gioan Tẩy Gỉa sau khi được thầy mình giới thiệu về Đức Giêsu, đã bỏ lại tất cả mà dấn bước theo Chúa.

- Có chấp nhận theo Chúa ta mới được gặp Chúa. Và ở lại với Chúa. Nhờ ở lại với Chúa ta mới hiểu biết Chúa, sống thận tình với Chúa và có kinh nghiệm về Chúa.

- Một khi đã hiểu rõ được Chúa, cảm nghiệm về lời dạy và cách sống của Chúa, chúng ta mới có thể làm chứng cho người khác về Chúa cách xác tín và hiệu quả. Như môn đệ An-rê sau khi được ở với Chúa, ông đã mạnh dạn giới thiệu Chúa cho Simon Phêrô em mình. Nhờ thế Simon Phêrô đã gặp gỡ được Chúa và được Chúa biến đổi.

Tóm lại hành trình đức tin của người kitô hữu lúc nào cũng phải mang đầy đủ 4  đặc tính trên. Nên rất cần chúng ta suy nghĩ và chấn chỉnh lại đời sống sao cho đúng với ơn gọi và sứ vụ của mình, với mong muốn người khác cũng tìm thấy Chúa, đi theo Chúa, ở lại với Chúa mà được biến đổi, nhờ đời sống chứng nhân tin mừng của mỗi chúng ta.

 

Thứ năm, ngày 05/01: Ga 1, 45-51.

Tin mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ làng quê Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?

Thời Đức Giêsu, dân Do Thái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1, 49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét. Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.

Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình? Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Barthôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không? và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa ?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa; xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.

 

Thứ sáu, ngày 06/01: Mc 1,7-11

Khởi đầu sứ mạng công khai, loan báo Tin mừng cứu độ, Đức Giêsu đã đến dòng sông Giodan để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Gỉa. Trong biến cố này, Đức Giêsu được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu của Người; đồng thời Chúa Cha cũng mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lời Con yêu dấu của Người chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết khiêm tốn để tâm lắng nghe và thực thi những lời dạy của Chúa Giêsu hầu xứng đáng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha.

Có thể nói, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giodan mà Tin mừng hôm trình thuật, muốn nói với chúng ta biết 3 điều quan trọng:

1. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi được minh định: Trong biến cố này có sự xuất hiện của Chúa Cha qua tiếng nói từ trời cao; có Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình dáng chim bồ câu; và của Chúa Con nơi Đức Giêsu qua lời xác nhận của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con.”(Lc 3, 22).

2. Cuộc sáng tạo mới được khai mào: Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan là khai mở một cuộc sáng tạo mới. Bởi khi ấy trời mở ra và có sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần với hình chim câu ngự xuống. Hình ảnh ấy gợi nhớ lại lúc khởi nguyên, Thần Khí Chúa cũng bay là trên nước, từ đó công trình tạo dựng vũ trụ và con người được hình thành. Nhưng công cuộc sáng tạo ban đầu ấy đã bị phá vỡ do tội nguyên tổ. Nay trong Đức Giêsu một cuộc tạo dựng mới lại được Thiên Chúa khai mở.

3. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người: Hình ảnh người tôi trung của TC được Isaia loan báo từ ngàn xưa, nay đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, rất đổi khiêm nhường. Nên dẫu rằng Người là “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7).

Tuy Người là Đấng vô tội, nhưng lại sẵn sàng hòa mình với tội nhânđể xếp hàng lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gìa. Như vậy, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào dòng đời của kiếp người để rồi đồng thân, đồng phận và sau này đồng tử hầu cứu độ con người. Với lòng khiêm tốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trở nên Ađam mới. Nơi Người một trời mới đất mới được khai mở và thời kỳ ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. 

Xin cho chúng ta biết đón nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của mình qua việc khiêm tốn lắng nghe và thực hành lời Người chỉ dạy. Nhờ đó chúng ta mới xứng đáng trở thành người con yêu của Chúa Cha.

 Xin Chúa cũng cho chúng ta luôn biết sống hòa hợp với mọi người và sẵn sàng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời sống theo tinh thần của Chúa Giêsu. Nhờ đó chúng ta mới trở nên chứng nhân của tình yệu Chúa giữa thế gian và là niềm hy vọng ơn cứu độ cho mọi người.

 

Thứ bảy, ngày 07/01: Ga 2,1-12

Nếu hôm qua, phụng vụ mời gọi chúng ta bước theo chân Đức Giêsu hòa vào dòng người đông đảo bên dòng sông Giođan để lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gỉa. Thì hôm nay phụng vụ tiếp tục mời gọi chúng ta theo chân Chúa Giêsu về làng Ca-na miền Galilê để tham dự tiệc cưới. Tại đây, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon, đem lại niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn cho đôi hôn nhân, đang gặp phải tình trạng khó khăn vì hết rượu, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Xin Chúa thương đong đầy rượu nồng tình yêu trên các gia đình, để họ tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống hôn nhân và gia đình.

Sau khi Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Gỉa bên dòng sông Giođan. Với lời xác nhận của Chúa Cha “Này là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con”;  dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu, Chúa Giêsu khởi đầu cho sứ vụ công khai, loan báo Tin mừng niềm vui đến cho mọi người.

 Tin mừng niềm vui ấy được thực hiện trước hết dành cho các gia đình. Tiêu biểu là nơi gia đình tiệc cưới Cana. Trong tình cảnh éo le là đang đãi tiệc cưới nhưng rượu lại hết nửa chừng. Tình cảnh này làm cho đôi hôn nhân rất bối rối vì sẽ phải bẻ mặt với mọi người. Hết rượu chắc chắn niềm vui của ngày cưới sẽ mất đi, và hạnh phúc của họ sẽ không được trọn vẹn… Nhưng thật may mắn cho tiệc cưới hôm ấy vì đã mời Chúa Giêsu và Mẹ Maria tham dự. Với sự quan tâm lo lắng của Mẹ Maria. Mẹ đã trình cho Chúa Giêsu về tình cảnh khó khăn mà đôi tân hôn đang gặp phải “họ hết rượu rồi”; đặt niềm tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu, Mẹ đã căn dặn các gia nhân “Người bảo gì hãy làm theo”

Nghe lời Đức Maria căn dặn, họ đã làm theo những gì mà Chúa Giêsu chỉ dạy nên phép lạ nước hóa thành rượu ngon đã xảy ra, đem đến niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn trọn vẹn cho đôi hôn nhân. Nhờ đó mà gia đình Cana vượt qua nổi lo lắng và không phải tủi hổ với mọi người.

Chúng ta cũng được TC nhận là con và được đón nhận CTT trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, nên chúng ta cũng mang trong mình sứ mạng, mang niềm vui Tin mừng của Chúa đến cho mọi người. Vậy ta phải thực hiện sứ mạng ấy như thế nào?

Tất cả hãy đặt lòng tin vững vàng vào tình thương của Chúa mà tận dụng tối đa mọi cơ hội phụng sự Chúa và phục vụ lợi ích cho mọi người. Đó là cách mà chúng ta thi hành sứ mạng đem tin mừng niềm vui của Chúa đến cho mọi người. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...