NGHI THỨC SÁM HỐI MÙA VỌNG: Lc 15,1-10
Tin mừng
chúng ta vừa nghe cho biết: ăn năn sám hối chính là sứ điệp quan trọng mà Chúa
muốn gửi đến mọi người trong chúng ta. Cho nên chỉ một người tội lỗi biết ăn năn sám hối thôi đã làm cho cả triều thần thiên quốc
vui mừng. Điều này thôi thúc chúng ta hãy can đảm thú nhận tội lỗi với lòng tin tưởng vào sức mạnh biến đổi của Bí tích Giải Tội, như ĐTC
Biển Đức XVI khẳng định: “bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống
thánh thiện thực sự đã bắt đầu từ trong một tòa giải tội!”.
Việc xét mình là dịp giúp chúng ta đối chiếu cuộc sống mình với chân lý Phúc Âm chứ không theo tiêu chuẩn của con người. Vì thế mỗi chúng ta
cần xét mình dưới ánh sáng lời Chúa và giáo
huấn GH qua mười giới răn Chúa, sáu điều răn Hội Thánh, bảy mối tội đầu, tám mối phúc
thật, nhất là giới luật yêu thương. Con đường nên thánh mỗi người chúng ta chỉ có được khi chúng ta biết khiêm tốn
nhìn nhận lầm lỗi của mình, biết chân thành sám hối và chấn chỉnh lại các mối
hiệp thông: với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình theo cho bằng
phẳng và thông thoáng để Chúa có thể dễ dàng đến với ta và ta đến với Chúa, để
ta đến được với tha nhân và tha nhân đến được với tha, để chúng ta hiệp thông
được với chính mình. Vì thế trong giờ sám hối này mỗi
người chúng ta hãy xét mình trong các mối tương quan: Với Chúa (chiều cao),
tương quan với tha nhân (chiều ngang), tương quan với chính mình (chiều sâu):
1. Với Chúa, ta hãy dựa trên
câu lời Chúa căn bản này: “Hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng con.”
Chúng ta
hãy xét xem, con tim của mình có thực sự hướng về Chúa và trung thành giữ các giới răn
của Ngài không? Tôi có để cho mình chạy theo các sự vật trần thế không? Ý hướng
hành động của tôi có luôn ngay thẳng không?
Đức tin của tôi vào Thiên Chúa có
vững vàng không? Tôi có chấp nhận hoàn toàn giáo huấn của Giáo Hội không? Tôi
có lắng nghe Lời Chúa, tham dự các buổi học thánh
kinh, giáo lý, tránh xa tất cả những điều có thể lừa dối đức tin của tôi không? Tôi
có luôn can đảm tuyên xưng đức tin của tôi vào Thiên Chúa và Giáo Hội mà không
sợ hãi không? Tôi có biểu lộ tôi là người Công giáo cả trong đời sống riêng tư
lẫn công cộng không?
Tôi có cầu nguyện sáng tối không?
Lời cầu nguyện của tôi có thực sự là cuộc nói chuyện từ con tim đến với con tim
với Chúa không? Tôi có biết dâng lên Chúa các mối lo nghĩ bận tâm, các niềm vui
và các đau khổ của tôi không? Tôi có tin tưởng nhớ đến Chúa cả trong những con
cám dỗ không? Tôi có tôn kính và yêu mến danh thánh Chúa không? Tôi có xúc phạm
tới danh thánh đó bằng những lời chửi rủa, thề gian thề dối, và kêu tên Ngài vô
cớ không? Tôi có bất kính với Đức Mẹ và các Thánh không?
Tôi có thánh hóa Ngày Chúa Nhật
và các Lễ Trọng không? Tôi có tham dự cách tích cực vào các buổi cử hành phụng
vụ, nhất là Thánh Lễ không? Tôi có tránh làm việc không cần thiết trong các
Ngày Lễ ấy không? Tôi có giữ luật buộc xưng tội và rước lễ không? Tôi có tôn
thờ những “loại thần thánh khác”, thí dụ xem ngày giờ, bói toán, cầu cơ, mê tín dị đoan, nghĩa là đặt tín thác vào loài thụ tạo hơn là vào Thiên
Chúa không?
2. Tiếp đến, với tha nhân, chúng
ta nhớ lại câu lời Chúa: “Hãy yêu mến nhau như Thiên
Chúa đã yêu mến các con.”
Hãy xét
xem: Tôi có thực sự yêu
mến tha nhân không? Tôi có lợi dụng họ vào các mối lợi của tôi và đối xử với họ
theo cách mà chính tôi cũng không muốn bị đối xử như thế không? Tôi có gây
gương mù gương xấu bằng lời nói và các hành động của tôi không?
Trong gia đình, tôi có kiên nhẫn
và yêu thương chân thực đóng góp vào ích lợi chung, cũng như cuộc sống thanh
thản của người thân không? Tôi có vâng lời cha mẹ, kính trọng và làm vinh danh
cha mẹ không? Tôi có giúp đỡ cha mẹ trong các nhu cầu cần thiết về thiêng liêng
cũng như vật chất không?
Tôi có dấn thân tại môi trường làm việc hay cộng đoàn họ đạo không? Tôi có kính trọng quyền
bính không? Tôi có nêu gương tốt trong mọi hoàn cảnh không? Tôi có trung thành
trong tình cảm và hành động không? Tôi có biết thông cảm với tha nhân trong
những giờ phút lo âu không? Tôi có biết cho đi từ chính mình, không sống cô lập
ích kỷ với những ai nghèo túng hơn tôi không? Tôi có đối xử với tốt với người
thân cận, đặc biệt với những người nghèo, người yếu đuối, những người bị loại
ra ngoài, những người di dân không? Tôi có chú ý tới sứ mệnh được trao phó cho
tôi không?
Tôi có tham gia vào các công việc
tông đồ và bác ái của Giáo Hội, vào các sáng kiến và đời sống của họ đạo không?
Tôi có cầu nguyện và đóng góp cho các nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, như
sự hiệp nhất của Giáo Hội, việc rao giảng Tin Mừng, việc thiết lập hòa bình và
công lý không? Tôi có lưu tâm tới thiện ích và sự thịnh vượng của cộng đoàn
nhân loại trong đó tôi đang sống không? hay tôi chỉ lưu tâm tới ích lợi riêng của
tôi? Tôi có tham gia theo sức vào các sáng kiến hầu cổ võ công lý, nền luân lý
công cộng, sự hài hòa và các việc gây phúc thiện không? Tôi có thực hiện các
bổn phận người công dân không?
Tôi có sống công bằng, dấn thân,
lương thiện trong việc trao dồi kiến thức, sẵn sàng đóng góp việc phục vụ của
tôi vào công ích không? Tôi có chu toàn các thỏa thuận và giữ trung thành với
các lời hứa không? Tôi có vâng lời và kính trọng đúng mức với nhà cầm quyền
chân chính không? Khi có trách nhiệm gì, tôi có dấn thân lo cho ích lợi của
người khác với tinh thần phục vụ không? hay chỉ tìm ích lợi cho tôi?
Tôi có sống sự thật và trung tín
không? Tôi có làm điều xấu cho người khác bằng các lời nói dối, thóa mạ, xuyên
tạc, phán đoán quá chủ quan và vi phạm các điều bí mật không? Tôi có xúc phạm
tới sự sống và sự an toàn thế lý của người khác không? Tôi có làm tổn thương
hay gây thiệt hại đến danh dự của họ không?
Trong các mối tương quan xã hội
và khác phái, tôi có gây ra hoặc cộng tác thực hiện việc phá thai không? Tôi có
im lặng trong những hoàn cảnh mà tôi có thể khích lệ thực hiện điều lành không?
Trong cuộc sống tình cảm tính dục và hôn nhân, tôi có tôn trọng giáo huấn của
Giáo Hội, đón nhận sự sống và tôn trọng sự sống không? Tôi có hành động chống
lại sự toàn vẹn thể xác không? Tôi có luôn trung thành, chung thủy cả trong tâm
trí của tôi không?
Tôi có giữ lại trong lòng sự thù
oán ai không? Tôi có hay cãi lẫy sinh sự không? Tôi có nói những lời sỉ nhục và
xúc phạm, khi gặp xô xát và hận thù không? Tôi có cố tình bỏ qua cách ích kỷ
việc làm chứng cho sự vô tội của người khác không? Khi tham gia giao thông, tôi
có để mình và người khác rơi vào tình trạng nguy hiểm không? Tôi có trộm cắp
không? Tôi có ham muốn cách bất chính của cải của người khác không? Tôi có làm
thiệt hại vật chất của tha nhân không? Tôi có đền bù những gì tôi đã lấy đi,
cũng như các thiệt hại tôi đã gây ra không? Tôi có sẵn sàng nhận sai lỗi, làm
hòa và tha thứ vì tình yêu Đức Kitô không? Hay cứ giữ lại trong lòng sự ghen
ghét và ước muốn trả thù?
3. Sau cùng ta hãy xét đến mối
tương quan với chính mình, qua lời gợi ý của Chúa: “Các con hãy nên trọn lành như
Cha Trên Trời là Đấng trọn lành.”
Hãy xét
xem: Đâu là định hướng
nền tảng của đời sống tôi? Tôi có lo nghĩ về cuộc sống đời đời của tôi không?
Tôi có tìm cách làm cho đời sống thiêng liêng của tôi được sống động bằng việc
cầu nguyện, đọc và suy niệm lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích không?
Tôi có thực hành việc hãm mình không? Tôi có quyết tâm dứt khoát với các tính
xấu, các tham muốn dục vọng và các hướng chiều về điều xấu không? Tôi có tự phụ
kiêu ngạo, huênh hoang về mình và khinh thường người khác không? Tôi có tìm áp
đặt ý muốn của tôi, lại coi thường tự do và quyền lợi của người khác không?
Tôi đã dùng thời giờ, sức lực, và
các ơn huệ Chúa ban như thế nào? Tôi có dùng chúng để làm tăng trưởng sự hoàn
thiện đời sống thiêng liêng của tôi và phục vụ người thân cận không? Tôi có
sống thụ động hay lười biếng không? Tôi đã dùng internet và các phương tiện
truyền thông xã hội như thế nào? Tôi đã giữ gìn thân xác của tôi trong trắng và
thanh sạch thế nào khi nghĩ rằng đó là đền thờ của Chúa Thánh Thần? Tôi có giữ
gìn các giác quan, cố tránh các tư tưởng và ước muốn xấu, bằng lời nói và hành
động bất xứng không? Tôi có tránh đọc các sách báo và các cuộc giải trí ngược
lại với sự lương thiện nhân bản và Kitô giáo không? Tôi có làm gương xấu cho
người khác qua cách sống của tôi không?
Tôi có kiên nhẫn chấp nhận các
đau khổ của cuộc sống trong tinh thần đức tin không? Tôi có tìm cách thực hành
sự hãm mình để bổ khuyết điều còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô
không? Tôi có giữ luật ăn chay và kiêng thịt không? Tôi có hành động chống lại
lương tâm của tôi vì sợ hãi hay giả hình không? Trong mọi tình huống, tôi có
luôn tìm cách xử sự theo sự tự do đích thực của con cái của Thiên Chúa và sự
thúc đẩy của Chúa Thánh Thần không? Hay tôi đã để làm nô lệ các tham vọng của
mình? Tôi có bỏ việc lành mà tôi có thể thực hiện không?
Anh chị em thân mến, chỉ còn ít ngày nữa, chúng ta sẽ cùng toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể lễ giáng sinh, kỉ niệm biến cố trọng đại Con TC nhập thể nhập thế làm người, ngoại trừ tội lỗi để cứu độ chúng ta. Hãy nghĩ đến tình thương cao cả của Thiên Chúa, hãy tận dụng thời điểm này và hãy bước vào ngưỡng cửa của lòng thương xót Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ chán nản chờ đợi chúng ta. Giờ đây, ta can đảm tiến lên, vì Chúa luôn mở rộng cánh cửa của Lòng Thương Xót đón nhận lòng sám hối của chúng ta và ban cho chúng ta ơn tha thứ và bình an của Ngài.(St)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét