Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V MÙA CHAY

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM A

ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ.

Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45

Suy niệm 1:

Hôm nay Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay. Đây là lúc chúng ta cần nhìn lại chặng đường mà phụng vụ lời Chúa đã dẫn ta đi trong suốt những tuần qua.

- Chúa nhật I MC: Phụng vụ lời Chúa mời chúng ta hiệp hành cùng với Đức Giêsu đi vào sa mạc dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, để chay tịnh tâm hồn, rèn luyện ý chí, nâng cao đời sống tinh thần. Luôn lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu với ba thù là xác thịt, thế gian và ma quỷ. Tin rằng chúng ta cũng sẽ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang như Đức Giêsu.

- Chúa nhật II MC: Phụng vụ lời Chúa mời gọi chúng ta cùng lên núi cao với Đức Giêsu. Trên núi cao ta sẽ dễ dàng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa ngang qua đời sống cầu nguyện, và nhờ tích cực thực hành lời Con yêu dấu của Chúa Cha chỉ dạy mà đời sống ta được biến đổi mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.

- Chúa nhật III MC: Phụng vụ lời Chúa mời gọi chúng ta theo chân Đức Giêsu ra đi đến vùng ngoại vi để gặp gỡ những người bất đồng tôn giáo, xa cách về quan niệm sống, mặc cảm về tội lỗi. Chính bên bờ giếng tổ phụ Gia-cóp, Đức Giêsu đã khơi dậy tinh thần hòa hợp dân tộc khi vượt qua mọi rào cản để gặp gỡ, lắng nghe và phân định cùng với người phụ nữ và dân thành Samari dưới ánh sáng Lời Chúa. Tại nơi đây Đức Giêsu đã xác quyết “việc tôn thờ TC không phải nơi này hay nơi kia mà phải trong Chân lý và Thần khí.”  Và thật ngỡ ngàng, qua cuộc đối thoại ấy, người phụ nữa và dân làng đã tin nhận Người chính là nguồn nước trường sinh, uống vào sẽ không còn khát nữa, nguồn nước trường sinh ấy mang tên là “Giêsu”.

- Chúa nhật IV MC: Phụng vụ lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta theo chân Đức Giêsu rảo bước trên khắp nẻo đường đời, hòa nhập vào cuộc sống của những người đang gặp đau khổ do bệnh tật và tội lỗi gây nên, để đồng cảm và ra tay nâng đỡ, chăm sóc, cứu giúp họ bằng tất cả tấm lòng yêu thương, với mong muốn đem lại ánh sáng niềm vui, hy vọng tươi sáng cho những ai biết tin nhận vào Đức Giêsu là Ánh sáng đích thực đã đến trần gian.

- Chúa Nhật V MC hôm nay, phụng vụ Lời Chúa lại thúc bách chúng ta hiệp hành cùng Đức Giêsu đến với những ai đang sống trong tình cảnh đau buồn vì mất đi người thân. Bằng tình thương và quyền năng, Đức Giêsu đã phục sinh Lazarô, mang lại niềm tin và hy vọng vào sự sống vĩnh cửu cho những ai biết tin tưởng và cậy trông vào quyền năng của Ngài.

Như thế, Chúa Giêsu đã đi bước trước trong lối sống hiệp hành, bằng cách chấp nhận bước xuống trần, đã ra đi đến hết mọi nẻo đường, đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời. Ngài đã sống và cảm nếm hết mọi nỗi buồn-vui, sướng-khổ, vinh-nhục, giàu- nghèo, sang-hèn…của kiếp người.

- Ngài đã từng chiến đấu cam go với những cám dỗ do ma quỷ gây ra và đã chiến thắng nhờ vào sức mạnh Lời Chúa và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

- Ngài cũng vượt qua mọi khó nhọc để lên núi cao, tiếp xúc thân mật với Chúa Cha bằng đời sống cầu nguyện không ngừng, cho nên dung nhan Ngài được biến đổi nên sáng ngời.

- Ngài đã không ngần ngại ra đi đến vùng ngoại vi nhằm phá bỏ những bức tường ngăn cách, xây dựng lại nhịp cầu hiệp thông trong chân lý và niềm tin; nhất là ban cho họ nguồn nước trường sinh, làm no thỏa mọi nỗi khát vọng vào chân lý của con người.

- Ngài cũng lân la vào những làng mạc, sải bước trên những con đường quanh co, gặp gỡ những con người đau đớn về thể xác và khổ sở về tinh thần, đã chữa lành, phục hồi nhân phẩm, đem đến ánh sáng niềm vui và sự sống cho bao người.

- Ngài sẵn sàng hiện diện nơi những gia đình đang gặp hoạn nạn đau khổ, để an ủi, động viên đem lại niềm vui, hy vọng và khơi dậy lòng tin nơi họ. Với tấm lòng yêu thương, Ngài đã đến tận ngôi mộ chôn xác Lazarô để ban lại sự sống cho anh, bởi chính Ngài là chủ của sự sống: "Ta là sự sống lại và là sự sốngAi tin vào Ta thì dầu có chết cũng sẽ được sống." (Ga 11,25).

Mùa chay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đi đến mọi ngả đường của cuộc sống, bước qua mọi ranh giới của nghi kị và đi vào tận bên trong tâm hồn của tha nhân, để nhận ra những lo toan, trăn trở, vất vả thường ngày của anh chị em mình; để chứng kiến những nỗi buồn, đau khổ và bất hạnh của những người già cả, bệnh tật, thiếu thốn, của những gia đình bất hòa, ly tán, thiếu vắng tình thân… mà cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ họ vượt qua mặc cảm tội lỗi, nghèo khổ, thiếu thốn...

Chúa cũng thiết tha mời gọi chúng ta đến với bất cứ ai, dù là lương hay giáo; người thân quen hay xa lạ; với người dễ thương hay khó thương, người đồng thuận hay kẻ chống đối, người đau khổ thể xác hay tinh thần; bạn hay thù… Ta hãy lên đường đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người bất chấp đường xa, lắm chông gai, thuận tiện hay khó khăn; bất luận đêm hay ngày, mưa hay nắng để ta thăm viếng, giải hòa, xua tan mặc cảm, ban tặng niềm vui và hy vọng bằng chính tình yêu chân thành của ta theo tinh thần của Chúa Giêsu.

Làm được như vậy mùa chay thánh mới thật sự mang lại nhiều ơn ích lợi liêng liêng cho đời sống đức tin của chúng ta. Sống được như thế chúng ta mới làm cho ánh sáng Tin mừng tình thương của Chúa được lan tỏa đến mọi người và mọi nơi. Khi thi hành những điều trên là chúng ta đang canh tân lại đời sống theo tinh thần sám hối của mùa chay, để rồi như thánh Phaolô, ta có thể hãnh diện nói rằng: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Amen.

 

Suy niệm 2:

Cùng với GH hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay, mùa của chay tịnh và cầu nguyện, của bác ái và sám hối để chết đi cho tội lỗi với niềm hy vọng được sống lại với Chúa Kitô. 

Phụng vụ Lời Chúa tuần này mời gọi chúng ta mạnh dạn hiệp hành cùng với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường đời, bởi Ngài là sự sống lại và là sự sống, tin và bước theo Ngài ta cũng sẽ được cùng sống lại với Ngài. 

Xin cho chúng ta luôn can đảm vững bước theo Chúa, với niềm hy vọng được sống lại trong ngày sau hết để hưởng phúc đời đời.

Truyện kể: Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 TCN. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và là người đầu tiên chấm dứt thời kỳ Chiến quốc, thống nhất Trung Quốc. Kế vị cha, ông lên ngôi vua từ năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế ở tuổi 38. Sau khi chinh phục 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng tự đặt cho mình danh xưng Thủy hoàng đế với mục đích chứng minh rằng nhà Tần vĩ đại hơn các triều đại khác. Theo sử sách ghi lại thì Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một hôm, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thủy Hoàng liền phái một số tầu thuyền chất đấy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.

Câu chuyện trên cho ta hiểu rằng, sự sống vô cùng quý giá nên người đời thường hay bảo: “mạng sống hơn đống vàng” là vậy! Ai cũng khao khát được sống, sống lâu, sống khỏe. Cho nên người ta tìm mọi cách ăn uống, tập luyện, thuốc men để sống. Tuy nhiên cho dù nhân loại có văn minh, tiến bộ đến đâu thì cũng không tài nào thoát khỏi được lưỡi hái của Tử thần.

Thế nhưng thật bất ngờChúa Giêsu đã đến trần gian và đem theo bí quyết trường sinh bất tử khi Ngài công bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” Bởi lẽ Ngài là người nhưng cũng là Thiên Chúa nên Ngài đã dùng chính thần lực của mình mà đánh bại thần Chết để giải thoát muôn người thoát khỏi nanh vuốt của Tử thần.

Ngài đã đánh bại thần Chết khi làm cho con gái ông Giai-rô mới chết được sống lại. Ngài đã đánh bại thần Chết khi cho người con trai bà góa thành Na-in đang được người thân mang đi chôn được trở về với cuộc sống; Ngài đã đánh bại thần Chết khi làm cho La-da-rô, cho dù đã chết bốn ngày rồi được sống lại, từ giã ngôi mộ đá, quay về đoàn tụ với bao người thân yêu. Đặc biệt nhất là Ngài đã tự mình sống lại và đã lên trời vinh hiển.

Như vậy, Đức Giêsu chính là vị Cứu tinh cao cả nhất của nhân loại, Ngài đã giúp loài người thoát khỏi gông cùm của sự chết và ban cho con người sự sống đời đời. Cho nên từ đây ai biết tin vào Ngài và sống hiệp thông với Ngài thì sẽ có được sự sống đời đời. Tựa như bóng đèn có toả sáng thì cần phải được nối kết với nguồn điện; cành nho có trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt thì nó phải được tháp nhập vào thân nho; cũng vậy bàn tay muốn có sự sống và hoạt động thì cần phải nối liền với thân thể…Vậy muốn có được sống đời đời thì chúng ta cần phải kết nối chặt chẽ với Chúa Giê-su là nguồn sống, để sự sống đời đời của Chúa Giê-su được lưu truyền trong chúng ta.

Nhờ bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng ta nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Ngài. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng ta.

Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng ta đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa như cành nho lìa thân nho, như bàn tay bị cắt lìa khỏi cơ thể và như thế chúng ta đánh mất sự sống đời đời.

Xin cho chúng ta sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được nối kết lại với Chúa, để cho sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền cho chúng ta. Amen

 

Suy niệm 3:

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến hai chữ “Chết” và “Sống”

Bài đọc I trích sách tiên tri Êdêkien. Tiên tri Edekien nhìn thấy một thị kiến về những bộ xương khô nằm la liệt trên thung lũng. Đó là hình ảnh nói về dân tộc Ítraen đã bị tàn lụi do tội lỗi, bệnh tật và những khó khăn khi họ sẽ phải sống trong cảnh lưu đày bên Ai-cập.

Ngài cũng ý thức dân chúng rằng: nếu họ sống ở trong đất nước mình, nhưng họ vẫn còn ở xa Thiên Chúa, thì họ vẫn còn ở trong sự lưu đày tinh thần hay ở trong sự chết. Và chỉ có Thần Khí Đức Chúa mới có thể giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và sự chết như thế. Cho nên Thiên Chúa hứa ban Thần Khí cho họ, nhờ đó, họ sẽ được tái sinh và phục hồi sự sống cách mạnh mẽ. Thiên Chúa phán: “Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ítraen." (Ed 37,6.13).

Bài đọc II, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, ngài nhắc nhở các tín hữu Roma rằng chỉ có Thánh Thần của Chúa Giêsu mới có thể mang lại sự sống cho họ: “Nếu… Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,11).

Nói khác đi, không có Thần Khí của Đức Chúa, con người dù khỏe mạnh cũng như chết. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6,63). Ví thế trong thư gửi cho tín hữu Epheso, thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4,30).

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật về phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho Ladaro sống lại. Qua phép lạ này mình chứng cho chúng ta biết về quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Ladarô là người bạn được Chúa Giêsu yêu quý, anh bị bệnh nặng. Chị Mácta và Maria chạy đến xin Chúa cứu chữa, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Ladarô đã chết và được mai táng trong mồ đã 4 ngày rồi. Khi chứng kiến cảnh đau buồn này, Chúa Giêsu đã khóc thương anh.

Máctha nói với Chúa: “Nếu Thầy ở đây, em con đã không chết,” có lẽ đó là một lời trách móc. Nhưng Chúa Giêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại.” Mácta nghĩ rằng Người đang nói về sự sống lại trong ngày sau hết. Nhưng Chúa Giêsu muốn xác nhận trong hiện tại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Chị có tin thế không?”.  

Cô trả lời: “Con tin.” Và quả thật khi đến bên mộ, Chúa Giêsu truyền cho lật viên đá cửa mồ ra, rồi Người lớn tiếng gọi: “Ladarô, hãy đi ra đây!” Và thật bất ngờ người chết trỗi dậy và đi ra khỏi mồ.

Như thế, qua phép lạ này, Chúa Giêsu minh chứng rằng Người thực sự là sự sống lại và sự sống. Người làm phép lạ này nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa phép lạ cho Ladarô sống lại là hình bóng báo trước về sự phục sinh của Chúa Giêsu sau này. Ở đây cũng cần phân biệt sự phục sinh của Ladarô khác biệt với sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Ladarô chết và sống lại, nghĩa là quay lại sự sống trước đó (bios), chỉ là sự sống tạm thời ở đời này. Còn Chúa Giêsu phục sinh là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sống sự sống vĩnh cửu (zéon). Và một khi đã sống lại, Chúa Giêsu không còn chết nữa; còn Ladarô thì cũng sẽ phải chết.

Vậy qua phép lạ Chúa Giêsu cho Ladaro sống lại muốn nói với chúng ta điều gì?

Trước hết, phép lạ này là một sự diễn tả về tình yêu. Chúa Giêsu yêu quý Ladarô, Người đến thăm anh và gia đình vì Người yêu quý họ. Niềm vui của họ là niềm vui của Người, và nỗi buồn của họ là nỗi buồn của Người.

Thứ đến, đức tin là yếu tố vô cùng quan trọng để quyền năng của Chúa được thực hiện trên chúng ta. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói với Mácta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25).

Bài học cuối cùng là Chúa Giêsu có quyền năng trên sự sống và sự chết. Người luôn sẵn sàng cứu giúp chúng ta với bất kỳ giá nào.

Chúa Giêsu yêu mến và gọi chúng ta bằng tên riêng như Người gọi Ladarô: “Ladarô, hãy ra đây!” Nếu chúng ta lắng nghe và vâng lời Người, Người sẽ mang lại sự sống, sự phục sinh cho sự yếu hèn và thân xác hay chết nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Amen! (St)

 

Thứ hai: Ga 8, 1-11

Suy niệm 1: 

Cổ nhân đã nói: “Nhân vô thập toàn”, là người không ai hoàn hảo cả. Mang thân phận con người ai trong chúng ta cũng bất toàn, đây những thiếu sót và tội lỗi. Vì thế cần phải khiêm tốn sám hối.

Dám nhận mình thiếu sót, tội lỗi và can đảm sửa đổi, mới được xem là bậc anh hùng, quân tử. Mạnh dạn đứng lên, đổi mới đời sống theo thánh ý của Chúa sau khi vấp ngả mới xứng danh là người Kitô hữu và xứng bậc là con Chúa. Đó chính là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta.

Ta có thể xem đoạn tin mừng hôm nay như là vở kịch gồm 3 phần, nói về vụ án nỗi tiếng lịch sử nhân loại được mang tên là:  "người đàn bà ngoại tình né đá"

Phần 1. Tố cáo tội phạm:  những người đứng ra tố cáo tội phạm là các kinh sư và biệt phái. Họ tố một người phụ nữ bi bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Họ lôi kéo và xô đẩy chị ta ra trước toà án công cộng. Đại diện quan toà bất đắc dĩ họ buộc phải đứng ra xét xử vụ án này là Đức Giêsu. Bởi người mà những kinh sư và biệt phái nhắm đến để tố cáo và lên án tử không phải là tội nhân mà là chính quan toà Giêsu. 

Phần 2.  Cách thức xử án: Để xét xử đúng người, đúng tội, Đức Giêsu không kết án vội vàng đưa ra phán quyết, mà Ngài lại khôn khéo đưa dẫn mọi người trở về với lòng mình với một khoảng lặng vừa đủ. Sau đó, Ngài mới đặt ra một câu hỏi mang tính tra vấn: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này truớc đi!". Khi trở về đối diện với lương tâm, ai nấy đều nhận ra sự thật về mình mang đầy thiếu sót và tội lỗi, cần phải sám hối hơn là lên án. Nhờ đó, họ bắt đầu nới lỏng tay và từ từ buông bỏ những hòn đá nặng trĩu xuống đất; rồi lần lượt rút lui khỏi pháp trường; bắt đầu từ những người lớn cho đến người nhỏ nhất. Tình thế giờ đây được thay đổi, từ vị trí kẻ lên án, tố cáo người khác, giờ đây họ trở thành kẻ bị tố. Từ người tưởng mình vô tội, cho phép mình cầm đá ném vào người khác, giờ đây trở thành những có tội, xứng đáng đón nhận những trận mưa đá ném vào chính mình.

Phần 3. Tuyên bố trắng án: Sau khi Chúa Giêsu khéo léo đưa dẫn mọi người trở về lòng mình và nhận ra những tội lỗi của bản thân mà bỏ đi hết, thì Ngài mới tuyên bố trắng án cho người phụ nữ ngoại tình, khi nói với chị ta: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!"

Vở kịch hạ màn, mọi người ra đi, lòng mang theo nhiều bài học đáng giá cho đời mình:

- Bài học về lòng người thật hiểm ác. Luôn tìm cách hãm hại, lên án, tố cáo người khác bằng cách giăng ra những cái bẫy tinh vi nhằm hãm hại và giết chết những ai họ không ưa thích. Đại diện cho thành phần ấy là các kinh sư và biệt phái.

- Bài học về hiệu ứng đám đông có khi phủ lấp chân lý. Sự mù quáng thiếu tỉnh táo của đám đông dân chúng có mặt hôm đó trước sân đền thờ Giêrusalem đã tạo nên một làn sóng phẩn nộ mạnh mẽ, có sức mạnh khủng khiếp che lấp tình thương và công lý, có nguy cơ đưa đẩy người phụ nữ vào con đường cùng vô phương cứu chữa. Mù quáng hùa theo dư luận đám đông sẽ dễ dàng sai lầm, đẩy người khác vào cái chết không đáng.

- Bài học về phân định. Trong mọi vấn đề rất cần sự biện phân định, bằng cách tạo được khoảng cách tâm lý, khi dành ra những giây phút thinh lặng để bình tâm suy xét dưới sự tác động của CTT, nhờ sự soi sáng của lời Chúa. Nhờ thế, ta mới có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc, trước khi đưa ra những quyết định.

- Bài học trước hết và trên hết là tình thương, nhờ đó ta mới có được cái nhìn đúng đắn, tấm lòng nhân ái với hết mọi người, nhất là những ai lầm lỗi. Tha thứ mở ra cho người khác một tương lai hy vọng, bao dung tha thứ cho người khác là cũng chính là bao dung tha thứ cho chính mình. Quy kết, lên án và tiêu diệt người khác là ta đã nhẫn tâm đóng chặt cánh cửa tương lai đổi mới cho người khác và cho chính mình. Hãy tha thứ để được Chúa thứ tha!

 

Suy niệm 2: 

Bài tin mừng hôm nay làm nỗi bật lên hai hình ảnh đối lập nhau:

1. Hình ảnh của một vị TC giàu lòng thương xót nơi Đức Giêsu luôn bao dung, nhân từ tha thứ với mong muốn mở ra con đường sống và một tương lai hy vọng cho những ai lầm lỗi thiếu sót. Bởi thế, Người khẳng định: “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải" (Lc 5,32).

Với cái nhìn bao dung và lời nói tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã tháo cởi nút thắt để giải thoát chị khỏi án tử. 

2. Hình ảnh của những kinh sự và biệt phái: tự cho mình là người công chính và cho phép mình cái quyền lên án người khác. Họ chỉ biết nhìn vào những lỗi lầm người khác để lên án, cáo buộc, lọi trừ và giết chết. Họ muốn đóng kín lại tương lai của người khác hơn là khơi mở con đường sống và hy vọng cho những ai lầm đường lạc lối. Có thể đó cũng chính là thái độ của chúng ta.

Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những làm lỗi thiếu sót của mình để biết cảm thông và bao dung với những yếu đuối, tội lỗi của người khác. Và ta cũng hiểu rằng: Chúa yêu thương người có tội chứ không yêu tội. Chúa bao dung tha thứ cho tội nhân, chứ không phải dung túng cho phạm tội. Vì thế, sau khi tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, Chúa đã nhắc nhở chị: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Khi lãnh nhận bí tích giao hoà, chúng ta cũng hãy cố gắng dốc lòng chừa mà canh tân đổi mới đời sống!

 

Thứ ba: Ds 21,4-9; Ga 8, 21-30

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài là ai, đến từ đâu và con đường nào Ngài phải đi. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa và vững bước theo Ngài.

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại kiên nhẫn cố gắng giúp cho những người Biệt Phái cứng lòng nhận biết: Ngài là ai, đến từ đâu và còn đường Ngài đi là gì?

Ngày nay chúng ta đã hiểu con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói về con đường ấy trong bài tin mừng hôm nay: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi là Tôi Hằng Hữu”.

Con đường thập giá là con đường đẹp ý Chúa Cha. Nhưng lại ngược với tư tưởng và ước muốn lựa chọn của con người. Bởi ai trong chúng ta cũng mong muốn có được cuộc sống tiện nghi, giàu có, sung túc. Ai mà chẳng mong được danh vọng chức quyền. Chẳng ai muốn thập giá của đau khổ, vất vả, cay đắng và chết chóc. Nhưng thực tế cho thấy, dù không muốn ta vẫn không tránh khỏi. Vì thế, Chúa bảo chúng ta nếu tin vào Ngài và cầu xin với Ngài, Ngài sẽ ban ơn trợ giúp để chúng ta đủ sức mạnh vác lấy thập giá đời mình. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần kêu gọi: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo”.

Đã rõ, Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu đến từ Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài là con đường Thập Giá. Vậy, để được cứu độ thì không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá Chúa đã đi qua và đã phục sinh vinh quang.

Xin cho chúng ta biết:

- Từ bỏ ý riêng không hợp ý Chúa để vâng nghe và thực thi ý Chúa.

- Vui vác thập giá mình bằng việc đón nhận những hy sinh vất vả khó khăn thử thách trong cuộc sống mà không kêu than, oán trách với niềm tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa.

- Sẵn sàng bước đi theo Chúa Giêsu chứ không theo một ai khác, với mong muốn mỗi ngày ta thấy mình được gần Chúa và gần anh chị em hơn, bởi biết rằng chính Người là Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương ta.

Sống được như thế chúng ta sẽ không bị luận phạt và không mang tội nơi mình mà chết. Trái lại sẽ được sống trong Chúa với niềm hạnh phúc viên mãn. 

 

Suy niệm 2:

Bài đọc 1, trích sách Dân số, trình thuật lại cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi cảnh nộ lệ, đau thương bên Ai Cập, trở về đất hứa. Trên cuộc hành trình ấy, họ đã chứng kiến bao phép lạ vĩ đại mà TC đã làm cho họ. Tuy nhiên, mỗi khi gặp gian khó họ lại kêu trách Mô-sê và bất tín với Chúa. Nên Chúa đã cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ hoảng sợ và đã van xin Chúa cứu giúp. Mô-sê lại van xin Chúa và Chúa bảo Mô-sê hãy đút rắn đồng treo trên cây, để khi những ai bị rắn cắn, nếu biết tin tưởng nhìn lên rắn đồng, thì sẽ được sống.

Hình ảnh con rắn đồng treo cao trên cây trong sa mạc, tiên báo về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Để từ nay, bất cứ ai nhìn lên Chúa với lòng tin tưởng, cậy trông thì sẽ được cứu độ.

Nhưng tiếc thay, thời nào cũng vậy, có nhiều người không tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian, nên họ không sống theo giáo huấn của Người. Trong đó có những người Do Thái thời Mô-sê, nhất là các kinh sư và biệt phái thời Chúa Giêsu. Vì vậy, họ không xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vì tình thương, Chúa Giêsu rất kiên nhẫn và dùng mọi cách để thuyết phục họ. Nhưng vì họ mong ước một Đấng Cứu Độ theo ý muốn của họ và vì cứng lòng nên họ không tin vào Người.

Rất có thể những ước muốn của chúng ta ngày nay cũng giống như họ, cho dẫu ta vẫn tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Có không ít người trong chúng ta vẫn thích và đòi hỏi phép lạ nên đã thách thức Chúa thực hiện mới tin; Cũng có khi ta gặp khó khăn, bệnh tật, nghèo khổ, ta mong muốn Chúa làm dấu lạ để đáp ứng nhu cầu theo ý mình, nhưng không được Chúa đáp ứng, ta lại chối bỏ Chúa và chạy theo những thần minh khác…Ta đâu có biết rằng, TC luôn là Người Cha hằng yêu thương ta, luôn muốn mọi điều thiện hảo nhất cho ta là con cái Người. Nên có lần Chúa Giêsu đã khẳng định với ta: “Các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!” (Lc 7,11). Tuy nhiên với cái nhìn thiển cận, chúng ta chỉ biết xin những điều ta tưởng là tốt cho lợi ích cá nhân, nhưng điều ấy lại phương hại đến phần rỗi đời đời của ta mà ta không biết. Thế là ta đâm ra bất mãn, không tin và bỏ cầu nguyện.

Xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.” (Is 55,7-9). Vậy nên trong mùa chay này, với niềm xác tín vững vàng vào Chúa, ta hãy can đảm từ bỏ đường lối và tư tưởng của mình mà hãy trở về với Chúa. Tin rằng Chúa sẽ ban cho ta những điều tốt lành vượt trên những gì chúng ta mong ước.

 

Thứ tư: Ga 8, 31-42

Thấy niềm tin của những người Do Thái còn mới, chưa trọn vẹn lắm nên Chúa Giêsu đề nghị họ cần phải cố gắng “sống lời Chúa”; để lời Chúa giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi mà xứng đáng trở thành môn đệ của Chúa. Nhưng những người này chưa đủ khiêm tốn để chấp nhận lời đề nghị của Chúa. Lý do vì họ tự cho mình là con cháu Abraham nên không cần tiếp nhận thêm điều gì nữa. 

Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo lời dạy của Chúa, nhờ đó ta mới có thể được giải thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi, xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.

Kết thúc cuộc đối thoại với những người Do thái, Chúa Giêsu cho biết “Ngài là Đấng Hằng Hữu”, và khi ấy có nhiều kẻ tin vào Ngài. 

Tin mừng hôm nay, Chúa tiếp tục mời gọi những người mới tin theo Chúa hãy tiến thêm một bước nữa là hãy: “Ở lại trong Lời Chúa”; vì Lời Chúa là lời chân lý có sức mạnh giải thoát họ. Tuy nhiên khi nghe đến sự giải thoát khỏi ràng buộc tội lỗi thì những người này cho rằng: “Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”. Thế là họ hiểu sai lời Chúa. 

Thực ra không phải Abraham làm cho họ được tự do, nhưng sự tự do đích thật trước Chúa là được sạch tội. Nên những ai phạm tội là trở thành kẻ nô lệ.

Đức cố giáo hoàng Bênêđictô 16 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật 13/03/2011 đã nói: “Nô lệ nghiêm trọng và sâu xa nhất là nô lệ cho tội lỗi”. Đúng vậy, hễ ai phạm tội tất nhiên là nô lệ cho tội. Vì khi phạm tội là ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình và rước ác thần Sa-tan vào cư ngụ thay thế cho Thiên Chúa. Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải “ở lại trong Lời Chúa”. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta đang tuân giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa chính là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa, đồng nghĩa là ta để cho Chúa được ở lại trong ta. Mà “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống" nên ai ở lại trong Chúa thì sự thật chiếm hữu và giải thoát người ấy khỏi ràng buộc của tội lỗi, được đón nhận sự sống của Chúa.

Sở dĩ những người Do Thái không chịu ở lại trong lời của Chúa, là vì họ tự mãn cho mình là con cháu Abraham là dân riêng của Chúa. 

Tự mãn kiêu căng là tội đầu trong các mối tội. Chính vì kiêu căng tự mãn muốn bằng Chúa nên nguyên tổ đã đánh mất thiêng đàng và trở nên nô lệ cho ma quỷ; chính kiêu căng tự mãn mà thiên thần Lu-xi-phe đã chống đối lại Chúa và đã bị trừng phạt trở thành Sa-tan.

Có thể nhiều lần ta cũng tự mãn vỗ ngực xưng tên là người Công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa, chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế gian.

Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta. Cho chúng ta biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa để được tự do làm con cái Chúa thật sự.

 

Thứ năm: Ga 8, 51-59

Trong những lần đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu đã kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế và sứ mạng của Ngài; qua đó Ngài cũng nêu lên nếp sống cần phải có cho những ai tin nhận Ngài. Tuy nhiên với cái nhìn định kiến và sự hiểu biết hạn hẹp; cũng như quá tự mãn về kinh nghiệm sống của mình, họ đã không nhận ra thân thế và sứ mạng đích thực của Chúa Giêsu. Vì thế họ đã không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta đừng bao giờ ỷ vào kiến thức và nếp sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và sự hướng dẫn của Giáo Hội. Nhưng biết khiêm tốn lắng nghe mà tích cực thi hành để ân sủng Chúa tuôn đổ dồi dào dồi dào trong tâm hồn chúng ta.

Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:

- Thứ nhất: Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.

- Thứ hai: Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý của việc tuân giữ Lời Chúa.

1. Thánh Gioan luôn nói đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Đoạn tin mừng hôm nay cũng vậy, thánh Gioan cho biết Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.

2. Ngài đến từ Chúa Cha, biết rõ về Chúa cha, nói những lời của Chúa Cha. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.

Người Do Thái tự hào họ là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc của Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây. Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết làm con cháu Abraham theo huyết thống thôi chưa đủ điều kiện, mà còn phải là con cháu của đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời. 

Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa. Mà Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng. Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý Lời của Chúa và cố gắng thi hành Lời Chúa dạy, để đón nhận sự sống đời đời Chúa thương ban.

 

Thứ sáu: Ga 10, 31-42

Suy niệm 1: 

Trong suốt những ngày qua, chúng ta đọc Tin mừng của thánh Gioan, Tác giả ghi lại các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái còn hoài nghi về Ngài. Tương tự như các cuộc tranh luận trước, cuộc tranh luận trong tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu mạc khải sự thật quan trọng về Ngài. Ngài xác định rõ ràng: "Ngài là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa." 

Xin Chúa củng cố đức tin của mọi người trong chúng ta để cho dẫu phải gặp những khó khăn hay đau khổ trên hành trình sống đạo, ta vẫn luôn tin tưởng vào Đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm người, cứu độ duy nhất của chúng ta.

Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết về hai chân lý đức tin rất quan trọng đó là: “Tôi là Con Thiên Chúa” và “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong chúa Cha”. Đây là bài giáo lý rất quan trọng. Bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ là một người như bao người, thì lời giảng dạy của Ngài cũng chỉ là để nghe cho vui tai và chỉ dừng lại bởi những tiếng vỗ tay tán dương như bao lời giảng dạy của những nhà hùng biện, hay như các bậc hiền triết và các đấng sáng lập các tôn giáo khác. Nhưng Ngài không chỉ là con người tài giỏi, đức cao, quyền trọng mà Ngài còn là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nên lời giảng dạy của Ngài mang giá trị tuyệt đối cần được quý trọng. Nhưng vì tự mãn và cứng lòng nên những người Do Thái đã không tin vào Ngài, cho dẫu họ đã được chứng kiến không ít những lạ Ngài làm và nghe biết bao lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu. 

Ngày nay không chỉ có những người cứng lòng tin như người Do Thái xưa mà còn đó những con người vô thần. Lối sống của họ chỉ nghĩ đến hưởng thụ vật chất, chỉ thích yêu cuồng sống vội. Họ xem giáo huấn của Chúa thật rắc rối, là chướng ngại vật, là bức tường cản ngăn lối sống phóng túng, trụy lạc, tội lỗi của họ. Để rồi họ sẵn sàng ném đá tiêu diệt Chúa, tìm mọi cách lọai trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống họ giống như những người Do Thái xưa.

Chúng ta hãy cầu xin cho những người vô thần. Vô thần trong tư tưởng, trong lập trường cũng như vô thần trong lối sống, biết nhìn vào thiên nhiên, nhìn vào vạn vật, nhìn vào các biến cố xảy ra, nhất là nhìn vào bản thân mình mà khám phá ra sự hiện hữu của Chúa mà tin nhận Người. Với chúng ta cũng rất cần nhìn lại cách thế sống và thể hiện niềm tin của mình vào Chúa, nhất là trong mùa chay để chấn chỉnh cho phù hợp.

 

Suy niệm 2: 

Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái ngày càng gay gắt đến độ họ không ngần ngại ném đá Chúa Giêsu!

Khi thấy họ không tin vào lời của Ngài nói: Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai...thì Ngài thuyết phục họ tin vào những việc Ngài làm: “Cho dù các ông không tin tôi, thì hãy tin vì các việc tôi làm.”

Những việc làm của Chúa Giêsu là: đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Nước Trời, là làm các phép lạ kỳ diệu, là chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, là trừ quỷ khỏi, khống chế thiên nhiên... Ngài đã làm các việc tốt đẹp ấy không phải theo ý mình, nhưng là theo thánh ý Chúa Cha. Ngài luôn hiệp nhất với Chúa Cha, “Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha.” Tuy nhiên những người Do Thái vì quá kiêu căng, tự mãn và nặng óc thành kiến nên họ không tin vào Ngài.

Đức tin là một ơn Chúa ban, nhưng cũng đòi buộc sự cộng tác của mỗi người. Dù không thấy Chúa vẫn luôn hoạt động qua những việc lạ lùng trong vũ trụ, qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống, qua những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày, qua những lời chỉ của Chúa trong Thánh Kinh, qua những lời giáo huấn của Giáo hội...

Một thực tế cho thấy, những người nghèo hèn, bé nhỏ thì dễ tin Chúa hơn các người thông thái, quyền thế (x. Lc 10,21). Bởi lẽ những người tự cho mình là thông thái và quyền thế thì tự mãn về sự hiểu biết của mình giống như những người Do Thái trong bài tin mừng hôm nay đã cố tình phủ nhận Chúa Giêsu bằng mọi giá.

Mùa chay là dịp chúng ta cần củng cố lại đức tin của mình, cũng như đưa đức tin vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể, bởi lẽ thánh Giacôbê tông đồ đã xác quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17)

Vậy ta hãy tận dụng mọi cơ hội để minh chứng niềm tin của mình qua những việc làm cụ thể như: quảng đại yêu thương, hy sinh bác ái, bao dung tha thứ và khiêm tốn phục vụ...đó chính là những phương cách hiệu quả nhất để giúp cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa thật trong thời đại hôm nay, bởi như lời ĐGH Phaolô VI đã nói:  “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

 

Thứ bảy: Ga 11, 45-56

Sự đố kị và lòng hận thù khiến người ta mù quáng không còn nhận ra lẽ phải và bất chấp mọi thủ đoạn, ngay cả giết người. Đó là cách thế hành xử của các Thượng Tế và Biệt Phái đối với Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay.

Jean de La Fontaine từng viết bài thơ ngụ ngôn “Le Loup et l’Agneau” kể về con chó sói và con cừu non cùng ra suối uống nước. Con sói muốn ăn thịt con cừu bèn tìm đủ cách buộc tội con cừu.

Đầu tiên con sói bảo con cừu làm bẩn nước suối của con sói.

Bị con cừu bẻ: “Thưa ông, ông uống ở thượng lưu, tôi uống ở hạ lưu, thì chỉ có ông làm bẩn nước của tôi chứ làm sao tôi có thể làm bẩn nước của ông được?”

Con sói nói: “Năm ngoái mày đã phỉ báng tao!”

Con cừu trả lời: “Thưa ông, năm ngoái tôi chưa ra đời.”

Con sói nói: “Thế thì thằng anh mày đã phỉ báng tao!”

Con cừu đáp: “Thưa ông tôi là con một.”

Con sói rống lên: “Thế thì một đứa trong lũ chúng mày đã nói xấu tao, thằng chăn chúng mày đã nói xấu tao, con chó chăn chúng mày đã nói xấu, tao phải trả thù!” Thế rồi con sói vồ con cừu nhai ngấu nghiến.

La Fontaine kết luận: “Lý lẽ kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”

Đọc Tin mừng hôm nay, ta có cảm tưởng các Thượng Tế và Biệt Phái giống như con sói vậy. Họ tìm mọi cách, viện đủ mọi lý do để tiêu diệt Chúa Giêsu. Họ đã triệu tập một công nghị để bàn tính với nhau cách đối phó với Chúa Giêsu ra sao. Vì thấy Chúa làm được nhiều việc lành, có nhiều người tin theo Chúa, sợ mất ảnh hưởng nên họ ghen ghét muốn khử trừ Ngài cho xong. Sau khi viện đủ mọi lý do tôn giáo để kết tội Chúa Giêsu như: Chúa đã lộng ngôn phạm thượng xưng mình là Con Thiên Chúa. Rồi lại công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Giêrusalem, nhất là đã liên tục vi phạm ngày sabát…nhưng những cáo buộc ấy không thành. Vì thế, họ chuyển sang ghép Ngài vào tội chính trị. Họ vu cáo Ngài vi phạm tới luật lệ của nhà nước và quyền của hoàng đế Rôma. Rồi họ ra chỉ thị truy nả Ngài trong toàn dân. Với lời khích động: “Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”

Quyết định giết Chúa Giêsu để thay cho toàn dân quả là một quyết định do lòng ghen tỵ, hận thù… thật là bất công. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, thì cái chết của Chúa Giêsu là để cho mọi người được sống đời đời. Thay cho hành động hận thù và bất công của các Thượng Tế và Biệt Phái là hành động bao dung và yêu thương của Thiên Chúa, nhằm quy tụ con cái tản mác khắp nơi về một mối, trong tình hiệp nhất yêu thương.

Xin cho chúng ta đừng vì ghen ghét, hận thù mà tìm đủ mọi cách để hãm hại người khác. Nhưng xin Chúa ban cho chúng ta có được lòng quảng đại, yêu thương tha thứ và sẵn sàng hy sinh, chịu gian lao khốn khó như Chúa Giêsu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...