Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

 TẾT THANH MINH

BỘ LỄ

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp Tết Thanh Minh chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật nhân ngày Thanh Minh này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mặc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.

Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nhân dịp Tết Thanh Minh, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

 

BÀI ĐỌC

Bài Ðọc I: Hc 44,1.10-15

Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.”

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen. Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 6,1-4.18.23.24

“Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt. Ðó là lời Chúa.

Câu xướng trước Phúc Âm

Hạnh phúc thay người nào kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương chúc phúc.

Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a

“Hãy thảo kính cha mẹ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”

Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”. Ðó là lời Chúa.

 

Dẫn lễ: 

Là người Việt Nam có lẽ ai trong chúng ta cũng đều thuộc lòng câu thơ của Nguyễn Du, trích trong Truyện Kiều: "Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh".

Tiết Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết trong năm, theo lịch phương Đông. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày.

“Thanh Minh” theo nghĩa đen: “Thanh” là khí trong; còn “Minh” là sáng sủa. Vì thế, Tết Thanh minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng thanh khiết, mát mẽ quang đãng nhất trong năm. Tiết Thanh Minh thường diễn ra vào tháng 3 và kéo dài khoảng 15 đến 16 ngày. Và ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh được gọi là Tết Thanh Minh.

Trong ngày Tết thanh minh, con cháu dù có đi xa cũng hội tụ về gia đình để cùng nhau ra nghĩa trang hay đất thánh để kính viếng, làm cỏ, quét dọn lại mộ phần người thân mình của mình cho sạch sẽ; sau đó thắp nhang, cắm hoa và thành tâm cầu nguyện cho linh hồn  những người thân yêu của mình được giải thoát.

Nơi gia đình thì lo dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ trang hoàn sạch sẽ, gọn gàng nhằm nói lên sự quan tâm, lòng hiếu kính dành cho ông bà, cha mẹ với mong muốn đón rước các ngài về ở với con cháu với lòng yêu mến.

Trong tinh thần hội nhập văn hóa ấy, chiều hôm nay chúng ta cùng quy tụ nơi đây để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta.

Với niềm xác tín vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công và với lòng tin tưởng vững vàng vào ơn cứu độ của Đúc Kitô đã chết và sống lại, chúng ta cùng dâng những hy sinh, những việc làm phúc đức và những lời nguyện cầu nguyện chân thành lên trước tòa Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa thương đón nhận tấm lòng hiếu kính và lễ hy sinh của chúng ta mà tha thứ mọi hình phạt tạm cho các đẳng linh hồn, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bạn hữu của chúng ta, với ước mong các ngài sớm được dự phần vào vinh quang phục sinh trong nước trời.

Gói trọn những tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng nhau thành tâm sám hối. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta, để chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

 

Suy niệm 1: 

Có một câu chuyện về tình mẹ rất đẹp được kể lại trong “Sự Tích Cây Vú Sữa” như sau:

Ngày xưa, ở vùng Lái Thiêu (thuộc tỉnh Sông Bé) có hai mẹ con sống đơn chiếc bên nhau. Thương con trai mồ côi bố, người mẹ hết sức cưng chiều con. Vì quá nuông chiều, cậu bé trở nên nghịch phá và ham chơi.

Một ngày kia, vì phá phách, bị mẹ quở mắng, cậu bé bỏ nhà ra đi. Cậu đi lang thang hết ngày này sang ngày khác, ai cho cái gì thì ăn cái ấy.

Một hôm, cậu quyết tâm trở về với mẹ. Sau bao ngày lặn lội, cậu cũng về tới nhà. Cảnh vật còn nguyên, nhưng mẹ cậu thì không còn nữa. Cậu bé đâu có biết rằng mẹ cậu vì mong mãi con không về nên đã sinh bệnh rồi chết, hóa thành một cây xanh.

Cậu bé gọi hoài, gọi mãi không thấy mẹ. Cậu chỉ biết ôm lấy cây xanh mà khóc. Bỗng cây xanh run rẩy và rơi xuống một trái to, da căng mịn và xanh óng ánh.

Vừa đói, vừa mệt, cậu bé đưa quả lên rồi cắn một miếng, dòng sữa trắng trong quả trào ra, như dòng sữa mẹ thật thơm ngon.

Vỏ cây xù xì như bàn tay lam lũ của mẹ, lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Mẹ không còn nữa, nhưng mẹ vẫn đứng đó để nuôi con bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Từ đó, người ta gọi cây xanh ấy là cây vú sữa, để tưởng nhớ đến tình mẹ thiêng liêng và cao cả.

Không lời lẽ nào có thể diễn tả hết tình mẹ tình cha; cũng không bút mực nào có thể tát cạn được công cha nghĩa mẹ. Bởi lẽ :

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!”.

Chính vì thế mà trong ngày tết Thanh Minh hôm nay, GH không quên nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn gốc rễ của mình qua việc kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng chữ hiếu và luôn đặt nó lên hàng đầu. Long thảo hiếu ấy được người Việt chúng ta biểu lộ qua nhiều cách thế khác nhau:

- Trong lòng thì hằng ghi tâm khắc cốt công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Và ai cũng đều ý thức được rằng các ngài chính là nguồn gốc và là mối dây linh thiêng, huyền nhiệm liên kết tất cả mọi con cháu lại thành một giòng tộc.

- Bên ngoài thì thường xuyên thăm hỏi, an ủi, chăm sóc sức khỏe, tặng quà, và quy tụ lại với nhau chung quanh các ngài để biểu lộ lòng tôn kính, biết ơn và yêu mến. Còn khi các ngài khuất bóng, thì con cháu không quên làm giỗ kỵ, tết nhất thì thắp nhang, cúng hoa quả, bánh mứt đầy ắp để tưởng nhớ và khấn cầu. Nhất là trong những ngày Thanh minh, ngày giỗ con cháu thường ra viếng mộ, quét dọn và trang hoàng lại mộ phần của các ngài cho khang trang, sạch đẹp.

Riêng với người Công giáo, Giáo Hội mẹ chúng ta còn nhắc nhở con cái mình mỗi ngày hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ, đặc biệt dành ngày 2 tháng 11, ngày mùng hai Tết và cả một tháng 11 để hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ mà tỏ lòng yêu mến và thảo hiếu. Bởi lẽ trong 10 điều răn Thiên Chúa phán dạy, thì 3 điều răn đầu nói đến bổn phận của con người đối với thiên Chúa, ngay sau đó điều răn thứ bốn Chúa dạy chúng ta phải thảo kính ông bà cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên mà là một điều luật nên buộc chúng ta phải thi hành, ai không thi hành thì phạm tội chứ không chỉ là phạm lỗi bình thường.

Để giúp chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo ấy cho đúng ý muốn của Chúa, sách giáo lý công giáo cũng đã chỉ cho chúng ta phải hiếu thảo như thế nào? Đó là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống cũng như đã qua đời.

Cụ thể, trong 3 bài đọc lời Chúa hôm nay đều hướng chúng ta đến lòng hiếu thảo:

1. Bài đọc 1, sách Huấn ca đã đề cập đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Theo tác giả Ben Sira, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:

Được đền bù tội lỗi.

Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.

Sẽ được Chúa nhận lời.

Bài đọc 2, thư gửi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô khuyên bảo con cái: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.”(Ep 6,1-3).

Còn bài Tin mừng, Chúa Giêsu xác quyết lại điều răn thứ bốn mà TC đã truyền dạy khi xưa. Và Người cũng lên án mạnh mẽ những kẻ nào dám sống bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ của mình: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.

Điều đáng buồn là ngày nay có khá nhiều người trẻ đã coi thường điều răn Chúa dạy và chối bỏ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Họ cho rằng hiếu thảo theo truyền thống văn hóa cha ông để lại nay đã lỗi thời trong thời đại tiến bộ 4.0, văn minh và dân chủ như ngày nay.

Sống trong thời đại phát triển như ngày nay, con cái đến tuổi khôn là muốn vượt thoát khỏi gia đình để sống độc lập tự do, không cần đến sự hướng dẫn bảo ban của ông bà cha mẹ nữa. Nhưng họ lại quên rằng“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” (Tục ngữ). Cha mẹ có tuổi tuy già yếu thật, nhưng với kinh nghiệm và khôn ngoan thì chắc hẳn sẽ nhiều hơn con cháu. Vì thế người đời mới có câu tục ngữ: “Người 70 còn phải học người 71”, để nhắc nhở phận con cháu như chúng ta.

Ngày nay con cái hình như có cảm giác như không còn muốn nuôi dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già nữa vì nhiều người cho đó là vướn bận và là gánh nặng. Để giải quyết bớt vướn bận và gánh nặng ấy, xã hội đã đưa ra giải pháp bằng cách xây dựng lên những viện dưỡng lão, con cái chỉ việc gửi cha mẹ vào đó, rồi lâu lâu ghé qua, gửi ít đồng tiền, hay một món quà nào đó cho cha mẹ già là xem như chu toàn bổn phận hiếu thảo, mặc cho cha mẹ phải sống cô đơn vì thiếu vắng tình thân. Họ đâu hiểu được cha mẹ cần tình thương hơn là tiền bạc, cần sự viếng thăm hơn là của cải.

Ông bà và anh chị em thân mến, “cha mẹ” hai từ ấy rất thiêng liêng và cao quí. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta ngày nay đã vô tình hay cố ý quên đi ý nghĩa và giá trị thiêng liêng cao quí của nó. Nên đây đó vẫn còn những lời nói, những hành vi bất hiếu với ông bà cha mẹ và người lớn. Mỗi khi nghe ai đó gọi cha mẹ mình bằng “ông này, bà nọ”, hay tỏ ra thái độ bất xứng trước mặt ông bà cha mẹ, thầy cô…chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhói lòng!

Hôm nay ngày Tết Thanh Minh, nhắc nhở chúng ta hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ để bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc tưởng nhớ, dâng những hy sinh công đức và tham dự thánh lễ để cầu nguyện cách đặc biệt cho các ngài. Đó là những việc làm tựa như những đóa hoa tươi đẹp, ngào ngạt hương thơm dâng kính ông bà cha mẹ chúng ta trong ngày hôm nay, chắc chắn điều đó sẽ mang đến niềm vui cho ông bà cha mẹ và cũng là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết trân trọng những  giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mà sống thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta đúng theo tinh thần của GH, qua việc thi hành điều răn hiếu thảo do chính Chúa phán dạy.

  

Suy niệm 2: LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ CÁC ĐẲNG LINH HỒN?

Để nhắc nhở chúng ta siêng năng “đi viếng nhà thờ” mà cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, cách đặc biệt cho tổ tiên ông bà cha mẹ và những người thân yêu chúng ta, người ta thường kể cho nhau nghe câu chuyện sau đây:

Ở một Họ đạo nọ, có một người đàn ông sống đạo rất khô khan nguội lạnh. Ít khi thấy anh ta đi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ một mình. Anh chỉ đi nhà thờ, khi nào đứa con trai cưng bảy tuổi của anh đòi đi mà thôi.

Số là vào một buổi chiều trong tháng các đẳng linh hồn, đứa con của anh thấy bạn bè mình đều được cha mẹ dẫn đi “viếng nhà thờ” để đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời, nó cũng đòi đi cho bằng được, để cầu nguyện cho ông bà nội đã qua đời.

Sau khi đưa ra hết mọi lý lẽ để cản ngăn con đừng đi nhà thờ không thành công, anh ta đành phải chiều lòng con mà đưa nó đến nhà thờ.

Nhưng khi đến nhà thờ, anh không vào tham dự thánh lễ mà ngồi chờ con bên ngoài hành lang nhà thờ. Anh dặn đứa con: “Khi nào con đọc kinh xong thì ra, ba sẽ đưa con về!”.

Nhưng vì ngồi chờ quá lâu ở ngoài nhà thờ, nên anh ta đã ngủ quên và không biết giờ kinh đã xong lúc nào. Trong khi đang say ngủ như vậy thì anh mơ thấy một đoàn các Thiên Thần đông vô kể, từ trên trời bay xuống, vị nào cũng ì ạch mang theo những bao chứa đầy những thứ có màu trắng tựa như bông, lại bốc mùi rất thơm không thể nào diễn tả được. Quá tò mò, anh chạy theo một vị Thiên Thần và hỏi nhỏ: đó là thứ gì vậy? Vị Thiên Thần trả lời: đây là “các ơn thánh” mà những người trên trần gian đã tích góp được nhờ vào việc đọc kinh, lần hạt và đi viếng nhà thờ, nay gửi xuống cho người thân của họ đang bị giam cầm trong Luyện ngục. Được lệnh của Thiên Chúa nay chúng tôi đi giao quà. Nghe vậy, anh liền rón rén đi theo các Thiên Thần.

Khi các Thiên Thần đi đến đâu thì các linh hồn đều rất vui mừng bởi họ đều nhận được thật nhiều quà “ơn thánh” mà bà con thân thuộc của họ gửi đến cho họ nên ai cũng đều cám ơn rối rít.

Sau cùng, còn lại một món quà nho nhỏ, các Thiên Thần tìm đến một phòng giam trông rất hoang vắng rồi gõ cửa và nói: “Này, ông bà cụ ơi, có quà của cháu nội gửi cho ông bà đây, ra mà nhận!”. Bổng từ bên trong có tiếng vọng ra vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Trời ơi, chúng tôi mà cũng có người tưởng nhớ tới sao! Bởi vì từ khi chết cho tới nay đã lâu quá rồi, đâu có ai nhớ đến chúng tôi nữa mà gửi quà! Nhưng thật cảm động vì hôm nay chúng tôi nhận được món quà hết sức quý giá của đứa cháu nội, ôi hạnh phúc biết bao!”.

Thật bất ngờ không thể tin vào mắt mình nữa, bởi vì vừa khi mở cửa ra để lãnh quà “ơn thánh” của đứa cháu nội, thì anh ta nhận ra đó chính là cha mẹ ruột của anh. Nhưng giờ đây hình dáng của hai ông bà đã gầy óm và hốc hác đi quá nhiều, trông rất là đau khổ.

Lúc ấy anh thấy hai ông bà hướng mắt nhìn về anh rồi từ từ tiến lại gần anh với một vẽ mặt rất tức giận. Với cái gậy đang cầm sẵn trong tay, ông bà đã phang thẳng vào đầu anh một cái thật mạnh và quát lớn: “Thằng con bất hiếu kia, mi còn mò tới đây làm gì nữa! Mi quả là đứa con bất hiếu! Mi coi gương đứa con của mi mà từ nay ăn ở sao cho phải đạo đó!”. Bị đánh một cú quá bất ngờ và đau điếng, anh chàng bèn tỉnh giấc. Khi ngước mặt lên, anh ta bất ngờ nhìn thấy ông từ trông coi nhà thờ đang đứng trước mặt anh và la lớn tiếng: “Mi là ai mà giờ này còn nằm trước cửa nhà thờ ngủ như thế này!”.

Bấy giờ anh ta mới biết là mình đang mơ. Và cú gậy vừa rồi là do ông từ đánh, chứ không phải ba mẹ anh đánh!

Trên đường lủi thủi về nhà, người đàn ông ấy đã suy nghĩ thật nhiều về giấc mơ ấy. Cuối cùng anh ta cũng quyết tâm đổi đời. Từ đó anh ta cương quyết sống đạo tốt hơn, siêng năng tham dự thánh lễ thường xuyên và lúc nào cũng nhớ cầu nguyện cho cha mẹ anh ta thật nhiều.

Câu chuyện trên là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, vì các ngài đang chờ đợi nơi chúng ta những người còn sống tặng “quà ơn thánh” cho họ.

Qùa ơn thánh mà những người đã chết mong chờ chính là những việc làm bác ái yêu thương, là những kinh nguyện sáng chiều, là những hy sinh phục vụ chân thành và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận của mình trong gia đình, nơi họ đạo và ngoài xã hội. Nhất là những thánh lễ mà chúng ta cùng hiệp dâng lên Chúa mỗi ngày với niềm xác tín vào Mầu Nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công, nhờ vào tình thương cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.

Tin tưởng vào tín điều các thánh thông công, chúng ta hãy tích lũy thật nhiều quà công đức mà gửi tặng các linh hồn nơi luyện tội, trong đó rất có thể là ông bà, cha mẹ, người thân của chúng ta, với niềm xác tín vào lòng thương xót Chúa sẽ thanh luyện các đẳng nên trinh trong, hầu xứng đáng bước vào nước trời chung hưởng niềm vinh phúc cùng các thánh trong nhà Cha muôn đời. Amen.

 

Suy niệm 3:

Một triết gia đã khẳng định: “đã là người đều phải chết. Vậy, tôi là người, tôi cũng phải chết”. Chết là cái đích cuối cùng của một đời người mà ai cũng phải trải qua. Nhưng, khi nói về cái chết thì nó muôn màu, muôn vẻ, không ai giống ai. Có người sau một đêm dài yên giấc, đã từ giã cõi đời và người thân yêu của mình ra đi mãi mãi, không bao giờ trở lại. Có người chết vì già nua ốm yếu, nhưng cũng có người chết trong lúc tuổi trẻ xuân thời. Có người chết bởi tai ương họan nạn, nhưng cũng có kẻ chết trong lúc vui vẻ với người thân, bạn bè. Có người chết vì bệnh tật hiểm nghèo, nhưng cũng có kẻ chết vì muốn tự kết liệu đời mình bởi không tìm được lối thoát trên dương gian...vv.

Quả là cái chết của con ngươi xảy ra "muôn hình, vạn trạng". Nhưng, với niềm tin Kitô giáo thì cái chết sẽ dẫn đưa người ta đến sự sống muôn đời. Hay, nói khác đi, chết là một cơ hội tốt đẹp nhất dẫn con người ta đến sự sống muôn đời trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cả ba bài đọc lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đều đề cập đến niềm tin căn bản của người kitô hữu, đó là chết, sống lại và thưởng phạt.

Bài đọc 1 trích sách Gióp, tác giả tin rằng cho dẫu phải trải qua cuộc đời gian nan thử thách vì phải đối mặt với bao đau khổ, ngay cả cái chết do ma quỷ gây ra, ông vẫn tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, đấng có quyền trên sự sống chết con người nên sẽ cứu thoát ông khỏi mọi hiểm nguy và đưa ông vào cỏi phúc khi ông nhắm mắt lìa đời: Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn người, Đấng mắt tôi nhìn thấy, không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.” (G 19, 25- 27).

Bài đọc 2, trích thư thánh phaolo tông đồ gửi tín hữu Roma, thánh Phaolo khuyên nhủ mọi tín hữu hãy luôn trông cậy vào TC, bởi chính TC mới là đấng làm ch con người có niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu: Thưa anh em, trông cậy, không làm chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ thánh thần mà người đã ban cho chúng ta... phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của người con ấy.” (Rm 5, 5.10b)

Bài tin mừng của thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Tất cả những kẻ được Chúa Cha ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 39- 40).

Như thế phụng vụ lời Chúa hôm nay xác quyết cho chúng ta biết rằng sự sống đời đời của người tín hữu hệ tại ở việc nhận biết, tin tưởng và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Nhờ đó mà ta sẽ được Ngài cho sống lại trong ngày sau hết.

Trong thánh lễ cầu cho các tín hữu đã ly trần hôm nay, chúng ta tin chắc rằng, khi sống kiếp phàm nhân họ không tránh khỏi những lỗi lầm do cuộc sống đưa đẩy, hay do những khiếm khuyết của bản thân, nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa rất mạnh mẽ, không phai nhòa của họ là cơ hội tốt đẹp để Thiên Chúa chấm công và ban phần thưởng.

Đời sống nơi dương thế với những ngày dài lê thê và những khổ ải đi theo Chúa của người tín hữu, nhưng nếu chúng ta biết cố gắng vượt qua với niềm tin vững vàng vào tình thương và ơn cứu độ của Chúa thì dù có chết về phần xác thì Chúa cũng sẽ cho chúng ta được phục sinh để bước vào cõi sống muôn đời với Thiên Chúa, vì chính Ngài đã phán: “Ai tin vào tôi, sẽ sống muôn đời”.

Khi suy niệm về cái chết của những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta cũng nhớ về thân phận tro bụi dễ tàn và chóng phai, nay còn nhưng mai mất của mình. Bởi thế, chúng ta cần chuẩn sẵn sàng mọi tư thế, để khi Chúa có đến gõ cửa, ta vui mừng đáp lại “này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Ngài muốn con đi đâu vậy? Con đã sẵn sàng hành lý để đi theo Ngài đây”. Có lẽ khi nghe lời đáp trả mạnh mẽ như thế, Chúa sẽ mỉm cười và nói với chúng ta rằng: “Ta muốn con đi theo Ta vào chung hưởng phần gia nghiệp với Ta trong Nước Trời”.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu, chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen. (St)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...