SUY NIỆM TRONG TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT
THỨ HAI: LÃNH ĐẠO SÁNG SUỐT
Vận mệnh một cộng đoàn tùy thuộc rất nhiều vào
lãnh đạo. Lãnh đạo sáng suốt sẽ giúp cộng đoàn phát triển. Lãnh đạo sai lầm sẽ
tàn phá cộng đoàn nhanh chóng. Chúa Giêsu chê trách người Pha-ri-sêu vì họ đưa
dân vào chỗ sai lạc, chết chóc.
Họ sai lạc vì giữ tín đồ lại cho mình, chứ
không dẫn đưa kẻ tin đến với Chúa. Tự giam hãm, trói buộc mình trong những mớ
luật lệ tỉ mỉ, phức tạp làm thui chột sức sống, họ không chịu vào Nước Trời mà
còn ngăn cản không cho người khác vào.
Họ sai lạc vì dẫn đưa người khác đến chỗ chết,
xô đẩy họ vào hỏa ngục khi loan truyền một thứ đạo không mến Chúa, cũng chẳng
yêu người.
Họ sai lạc quá xa khi đưa ra một thứ đạo dừng
lại ở vật chất, hình thức bên ngoài. Thề thốt và tin rằng những vật chất quí
giá là vàng bạc và lễ vật có thể chứng giám lời thề. Nhưng không đặt mình trước
mặt Chúa, thiếu đức tin vào Chúa. Đạo không có Chúa chỉ là trống rỗng. Thờ
phượng chỉ dừng lại ở vật chất và lễ nghi chỉ là lừa bịp. Sống đạo chỉ vụ lề
luật là một thứ vong thân, tha hóa khiến ta thành nô lệ.
Thánh Phao-lô tỏ ra là người dẫn đường sáng
suốt khi không biến mình thành ngẫu tượng. Tuy được dân đón nhận, tin yêu,
thánh nhân không bắt họ dừng lại nơi mình, nhưng đã dẫn họ đến với Chúa. Ngài
biết rằng tín hữu có niềm tin không phải nhờ tiếng nói của ngài nhưng “còn có quyền năng của Thánh Thần”
(năm lẻ).
Ngài khen ngợi dân thành Thessalonica vì họ đã
biết “từ bỏ ngẫu tượng mà quay
về với thiên Chúa để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Hơn
nữa họ đã vượt qua những khó khăn thử thách mà vẫn vững tin vào Chúa, vẫn yêu
mến Chúa và nhất là vẫn trông cậy, chờ đợi Chúa Giêsu Kito, Đấng Cứu Độ ngự đến.
Ngài mặc khải cho họ biết đạo Chúa là đạo tình
yêu. Ngài chúc mừng tín hữu Thessalonica vì họ “là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi
biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em”. Vì thế đạo không phải là một khái
niệm trừu tượng hay một mớ luật lệ vô hồn. Vì trong đạo họ được sống trong tự
do, được gặp gỡ Thiên Chúa sống đọng trong một tương quan liên chủ thể.
Với người lãnh đạo sáng suốt, dân Chúa được
dẫn đưa trên đường ngay nẻo chính, được gặp Chúa. Và được sống. “Như thế, danh của Chúa chúng ta là
Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người”
(năm chẵn).
THỨ
BA: ĐIỀU CHÍNH, ĐIỀU PHỤ
Trong đời sống phân định là rất quan trọng.
Nhất là phân định được điều chính điều phụ. Đối với công việc làm ăn, đánh giá
sai chỉ dẫn đến thua lỗ. Nhưng đối với đời sống, đánh giá sai làm hỏng cả cuộc
đời.
Chúa Giêsu chê trách người Pha-ri-sêu và kinh
sư trong đời sống đạo, họ không phân biệt được điều chính điều phụ. Họ cất công
giữ chi li những điều cỏn con, nhưng lại coi thường, bỏ qua những điều quan
trọng. “Họ nộp thuế thập phân
về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là
công lý, lòng nhân và thành tín”. Chúa Giêsu chê trách họ “lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con
lạc đà”. Thật là lầm lẫn tai hại. Bỏ những điều nền tảng cốt yếu thì dù
giữ những điều nhỏ nhặt nhất cũng trở thành vô ích. Vì không phân định được nên
họ thường chú ý tới hình thức bên ngoài mà bỏ quên nội dung bên trong. Rửa chén
bát là việc họ rất coi trọng. Nhưng nực cười là đối với họ chỉ cần rửa bên
ngoài là đủ. Thật là hình thức. Và Chúa Giêsu gọi họ là giả hình, là đạo đức
giả. Vì không những họ không quan tâm rửa bên trong chén bát mà nhất là họ
không quan tâm tẩy rửa linh hồn. Đạo không đi vào nội tâm thì chỉ là lừa dối.
Thánh Phao-lô khen ngợi giáo đoàn
Tét-xa-lô-ni-ca, vì họ là dân ngoại mới tin Chúa nhưng đã vượt qua người
Pha-ri-sêu khi biết giữ những điều chính yếu trong đạo. Khi thánh Phao-lô bị
người Phi-lip-phê làm nhục và người Do thái tại Tét-xa-lô-ni-ca từ chối, dân
ngoại Tét-xa-lô-ni-ca đã đón tiếp ngài, đón nhận Tin mừng Chúa Ki-tô và yêu
thương đùm bọc thánh Phao-lô. Họ cũng biết giữ đạo từ trong nội tâm khi vượt
qua tất cả mọi khó khăn thử thách để trung thành với đức tin (năm lẻ).
Ngài khuyên nhủ họ không nên tin vào những
điều nhảm nhí, ví dụ như tin đồn về ngày tận thế: “Nếu ai bảo rằng…ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng
vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em
bất cứ cách nào”. Hãy giữ những điều cốt lõi của đạo: “Hãy đứng vững và nắm giữ các
truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em”. Thánh nhân cầu nguyện cho dân
thành được Chúa “yêu thương và
dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cây trông tốt đẹp”
(năm chẵn).
Đời sống đạo hôm nay của tôi thế nào? Có biết
xây dựng điều chính yếu. Hay chỉ chú tâm đến những gì phụ thuộc? Có tập trung
vào Chúa Ki-tô? Hay chỉ tin những điều nhảm nhí, mê tín?
THỨ
TƯ: MỒ MẢ TÔ VÔI
Trong ta luôn luôn có những góc tối khuất nẻo,
khó có ai nhìn thấy. Nói và làm không đi đôi với nhau. Đó là những yếu đuối của
con người muôn thưở. Nhưng nếu thỏa hiệp và tệ hơn nữa chủ trương để những
tương phản đó trở thành một thái độ sống thì thật tồi tệ. Người ta trở thành
giả hình và lừa dối. Đó là trường hợp những người Pha-ri-sêu. Chúa Giê-su gọi
họ là những mồ mả tô vôi.
Là mồ mả tô vôi vì phần bên ngoài quá đẹp đẽ.
Người Pha-ri-sêu am hiểu Lề Luật, được tôn làm bậc thầy dậy dỗ Lề Luật cho mọi
người. Ngoài ra họ còn nêu gương về đời sống đạo đức, ăn chay và cầu nguyện rất
nhiều. Nhưng bên trong tâm hồn lại là một tương phản đáng ghê tởm: đầy sự gian
ác và đạo đức giả.
Là mồ mả tô vôi vì họ xây mộ các tiên tri mà
cha ông họ đã giết. Một hành vi che đậy tội lỗi dưới lớp vỏ bọc nhân nghĩa. Ác
nhân được tiếng là thiện nhân. Tội nhân mặc lấy áo thánh nhân. Vì hôm nay họ
vẫn tiếp tục giết Chúa Giê-su, một tiên tri trổi vượt trên mọi tiên tri. Tội ác
của họ còn nặng nề hơn tội của cha ông họ gấp bội.
Theo lời dạy của Chúa, thánh Phao-lô không
chấp nhận lối sống hai mặt như mồ mả tô vôi. Nên thánh nhân đã phê phán những
người mang danh Ki-tô hữu nhưng sống vô kỷ luật, không xứng với danh hiệu. Ngài
ra chỉ thị rõ ràng: “Ai không
chịu làm thì cũng đừng ăn”. Chính bản thân ngài luôn sống một cuộc sống
chân thực, không giả dối, hình thức bề ngoài. Không ngồi trên tòa, “không ăn bám ai, trái lại đêm ngày
làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người khác”. Dù ngài “có quyền hưởng sư giúp đỡ” và được trọng vọng (năm
chẵn).
Sống chân thực nên ngài sống “thánh thiện, công minh, không chê
trách được”. Không xa cách dân chúng nhưng “cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con”.
Không nói lời của mình mà chỉ “nói
cho anh em nghe lời Thiên Chúa”. Không giữ tín hữu lại cho mình, nhưng qui
hướng mọi tâm hồn về với Chúa: “chúng
tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa”.
Không tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm vinh quang cho Chúa và hướng mọi người
đáp lại lời của “Đấng kêu gọi
anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người” (năm lẻ).
Đời sống của tôi hôm nay thế nào? Có trung
thực trước mặt Chúa và anh em không? Tôi vẫn còn điều gì phải che giấu? Hãy
sống trung thực. Vì ta chẳng thể lừa dối Chúa.
THỨ
NĂM: TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
Chúa Giê-su cho ta biết mỗi người đều là quản gia của Chúa. Mỗi người được Chúa trao cho một số tài sản và một số nhân sự để ta chăm sóc phục vụ.
Theo Chúa, người quản gia tỉnh thức phải là người trung
tín và khôn ngoan.
- Trung tín là biết mọi sự ta có đều là của Chúa, nên không được dùng theo ý riêng mình. Phải dùng mọi của cải Chúa ban để phục vụ Chúa và phục vụ anh em. Người đầy tớ được đề cập trong tin mừng hôm nay lại lạm dụng quyền thế, thay vì phục vụ thì lại áp bức hành hạ anh em mình. Người này cũng lạm dụng của cải chủ trao để vun quén cho bản thân trong việc chè chén say sưa thay cho việc phục vụ cho lợi ích chung.
- Khôn ngoan là biết lo xa, phòng ngừa, bằng cách tỉnh thức và sẵn sàng luôn. Lúc nào cũng phải chu toàn nhiệm vụ, dù chủ có về bất ngờ cũng đều thấy người đầy tớ ấy đang nghiêm chỉnh thi hành nhiệm vụ. Khôn ngoan trong nhiệm vụ với anh em là biết đúng giờ đúng lúc phân phát lúa thóc. Phục vụ anh em đúng người, đúng việc, đúng lúc. Đây là điều khó, đòi hỏi phải rất tỉnh thức đối với từng người, từng việc và thời cuộc. Người không khôn ngoan là người cứ tưởng thời giờ còn dài nên sinh ra ăn chơi hưởng thụ nên sẽ bị trừng phạt một khi ông chủ bất ngờ trở về.
Thánh Phao-lô tỏ ra là một người quản gia trung tín và khôn ngoan. Nhận biết mình được tuyển chọn để rao giảng Tin Mừng, ngài đã trung tín với nhiệm vụ cho đến cùng.
Được Chúa trao cho các giáo đoàn, ngài trung tín với họ. Khi ở gần, hết lòng rao giảng, dậy dỗ, khuyên bảo, sửa trị. Khi đi xa thì viết thư thăm hỏi và tiếp tục giáo huấn. Ngài mong ước được gặp gỡ các giáo đoàn để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao khi bộc bạch: “Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em, và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em”.
Trung tín nên luôn gắn bó với giáo
đoàn đến nỗi giáo đoàn trở thành lẽ sống, thành niềm an ủi của ngài: “vì anh em có lòng tin, nên khi
nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi
phải chịu” (năm lẻ).
Khôn ngoan nên ngài hiểu biết rõ mặt mạnh mặt
yếu của từng giáo đoàn mà uốn nắn họ. Sửa chữa những lầm lỗi, nhưng khen ngợi
và khích lệ những ưu điểm: “Tôi
hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi
Đức Giêsu Ki-tô”. Khôn ngoan nên ngài luôn hướng lòng các giáo đoàn về
ngày cánh chung: “Thiên Chúa
sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được
anh em trong Ngày của Chúa” (năm chẵn).
Tôi có là người quản gia trung tín và khôn
ngoan của Chúa không?
THỨ
SÁU: DẦU ĐÈN VÀ CƠ HỘI
Hạnh phúc Nước Trời được Chúa Giê-su diễn tả
bằng một hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng: cầm đèn đón rước chàng rể. Bóng đêm làm
cho đám rước tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng. Bóng đêm làm cho đèn càng sáng hơn, giá
trị hơn. Nhưng bóng đêm tạo nên bất hạnh cho người không có đèn hay có đèn mà
đèn không sáng. Hai yếu tố quan trọng trong cuộc đón rước là dầu và cơ hội.
Đám rước ban đêm cần có đèn. Đèn cần có dầu để
sáng. Vì đêm quá dài nên phải chuẩn bị dầu cho đủ. Nếu đèn là ánh sáng đức tin
thì dầu chính là việc làm biểu lộ đức tin. Thánh Gia-cô-bê nói: “Đức tin không có việc làm là đức
tin chết”. Nếu đèn là ánh sáng thánh thiện thì dầu là cuộc sống trong
sạch, không vương ô uế. Thánh Phaolo trong thư 1 Tét-xa-lô-ni-ca cho rằng đó là
sống đẹp lòng Thiên Chúa. Mà “ý
muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh”. Và ngài cắt nghĩa nên thánh là sống
trong sạch, “xa lánh gian dâm… không buông theo đam mê dục vọng” (năm lẻ).
Việc sống trong sạch, không chiều theo đam mê
dục vọng, có thể bị người đời cho là khờ dại, và người thời nay cho là không
chấp nhận được. Đó thật là đóng đinh vào thập giá, là sự điên rồ. Nhưng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn
cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh
mẽ của loài người” (năm chẵn).
Cơ hội gặp Chúa chỉ có một lần trong đời. Ngàn
năm có một. Cơ hội đã qua không bao giờ trở lại. Đó là lý do khiến ta không bao
giờ được lơ là trong việc tỉnh thức chờ đợi và không bao giờ quên sắp sẵn dầu
trong bình. Chính vì thế thánh Phao-lô tuy khen ngợi dân Tét-xa-lô-ni-ca sống
tốt, nhưng vẫn nhắc nhở họ phải phấn đấu hơn: “Anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp
lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu,
chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa”.
Cơ hội chỉ có một lần trong đời vì thế phải
hết sức cảnh giác và tăng cường ngày càng tỉnh thức hơn. Cơ hội qua đi không
bao giờ trở lại. Trong chớp mắt số phận phân đôi. Kẻ nắm được cơ hội đi vào
hạnh phúc. Kẻ lỡ cơ hội suốt đời khóc lóc. Nhưng khi ta biết thì đã quá muộn.
Cửa thiên đàng đã đóng lại thì người lỡ cơ hội chỉ còn đi trong bóng đêm.
Tôi có chuẩn bị dầu đầy đủ. Và có quyết tâm
không lỡ cơ hội?
THỨ
BẢY: TỰ HÀO TRONG CHÚA
Dụ ngôn những nén bạc thật quan trọng. Nói lên
nền tảng của đời sống con người. Nền tảng đó là mọi sự ta có đều là của Chúa.
Hiện hữu ta là của Chúa. Ta là hư vô. Chúa đã kéo ta từ hư vô vào hiện hữu. Sự
sống ta là của Chúa. Chúa ban cho ta tất cả. Có sự sống là có tất cả. Không có
sự sống là không có gì hết. Kể cả linh hồn. Kể cả thiên đàng. Sau sự sống là
tất cả. Sức khoẻ. Trí tuệ. Tài năng…
Vì tất cả mọi sự là của Chúa nên ta phải làm
việc cho Chúa. Nén bạc Chúa trao phải được sinh lợi. Thân xác ngày càng mạnh
khoẻ. Trí tuệ ngày càng thông minh. Linh hồn ngày càng thêm đức hạnh. Phải làm
việc để thăng tiến bản thân, thăng tiến gia đình, thăng tiến xã hội, phát triển
thế giới trong trật tự, hoà bình, thịnh vượng. Đó là điều thánh Phao-lô khuyên
nhủ dân thành Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh
em hãy tiến tới nhiều hơn nữa. Hãy gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động
bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em” (năm lẻ).
Sau khi làm việc cho Chúa ta đặt tất cả thành
quả dưới chân Chúa, Chúa lại ban tất cả cho ta. Vì thế Chúa bắt ta làm việc để
chính mình được hưởng. Những ai không chịu làm việc. Muốn khẳng định mình không
thuộc quyền Thiên Chúa. Muốn chiếm đoạt những gì của Chúa thành của riêng mình.
Cho rằng mọi sự là của mình. Mình có quyền tự quyết. Trước mặt người đời họ
được xưng tụng là khôn ngoan thông thái. Nhưng trước mặt Chúa họ thật khờ dại.
Vì Chúa sẽ lấy lại những gì của Chúa. Họ chỉ còn là hư vô. Là xấu xa. Là nghèo
túng.
Những ai khôn ngoan theo kiểu người đời sẽ trở
thành khờ dại trước mặt Chúa. Những ai tưởng là khờ dại trước mặt người đời
thực ra là khôn ngoan. Vì họ nhận biết nền tảng của mình ở nơi Chúa. Mọi sự là
của Chúa. Như lời thánh Phao-lô dạy: “Những
gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn
ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục
những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không
có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm
nhân nào dám tự phụ trước mặt người…Ai có tự hào thì hãy tự hào trong Chúa”
(năm chẵn).
Người tôi tớ bị phạt vì muốn chối từ quyền làm chủ của Chúa. Muốn tự mình làm chủ đời mình. Nên anh trở về đúng tình trạng của mình là không có gì hết. Vì chính sự sống của anh là của Chúa. Từ chối Chúa là mất tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét