Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

GIẢNG LỄ HÔN PHỐI

TÌNH TRỜI KHƠI GỢI TÌNH ĐỜI

Lm Nguyễn Xuân Trường

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, kể lại câu chuyện lúc khởi đầu công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên người nam và người nữ và đã se duyên để họ trở nên vợ chồng, trở thành một xương một thịt, gắn bó yêu thương nhau đến trọn đời. Đấy là bản chất hay đặc tính của hôn nhân Công Giáo.

1. Hôn nhân là do Thiên Chúa se duyên: Sách sáng thế kể lại việc Chúa tạo dựng người nữ và dẫn đến với người nam và kết hợp cho hai người  trở nên vợ chồng. Điều này cho ta biết chuyện hôn nhân không chỉ là chuyện tự ý yêu đương của 2 người nam nữ, mà là do Thiên Chúa phối hợp. Thế nên, đạo Công Giáo mới xác định cho ta biết hôn nhân là một ơn gọi, một bí tích. Tình yêu vợ chồng đã trở thành hình ảnh tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Đấy là sự hiệp nhất thiêng thánh của hôn nhân Công Giáo và là lý do nền tảng cho biết tại sao vợ chồng không được ly dị.

2. Vợ chồng thành một xương thịt gắn bó: Kinh Thánh dùng hình ảnh xương thịt để diễn tả sự gắn bó vợ chồng nên một với nhau. Vì người kia là xương thịt của mình, nên vợ chồng mới gọi nhau là mình ơi. Xương thịt cứ gắn bó, cứ ôm ấp dính chặt lấy nhau bao lâu người ta còn sống, còn thở. Chỉ khi chết thì xương thịt mới tan rã, rời nhau.

Cũng thế, vợ chồng phải chung thuỷ gắn bó với nhau cho đến chết. Và thật thú vị hình ảnh xương sườn Chúa rút từ người nam để tạo dựng người nữ. Chúa không lấy xương dưới chân để vợ làm nô lệ chồng; Chúa không lấy xương trên đầu để vợ đè đầu cưỡi cổ chồng; nhưng Chúa lấy xương sườn ở giữa để diễn tả sự bình đẳng vợ chồng.

Xương sườn ở bên dưới cánh tay, để được bảo vệ; xương sườn cong cong bao bọc, ôm ấp trái tim để yêu thương che chở. Có người còn bảo xương sườn để vợ chồng dễ ôm eo nhau. Hihii

Thiên Chúa là tình yêu đã phối hợp vợ chồng nên một xương thịt. Vợ chồng hãy yêu thương gắn bó cho trọn cuộc đời.

Hai con thân mến, lễ cưới hôm nay chỉ là khởi đầu của một cuộc hành trình lâu dài. Để cuộc hành trình này trải đầy hoa hồng tươi đẹp của niềm vui và ngào ngạt hương thơm của hạnh phúc, hai con cần phải luôn ghi nhớ lời Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly”. Amen.

 

 

SỰ BỀN VỮNG CỦA HÔN NHÂN

Lm Trần Thanh Sơn

Gia đình chính là tế bào, là đơn vị căn bản và là nền tảng để làm nên một xã hội. Do đó, để có một xã hội phát triển và ổn định, người ta thường phải bắt đầu bằng việc xây dựng một con người và một gia đình đạo đức. Xác tín điều đó, cha ông chúng ta vẫn dạy con cháu: “Tu thân, tề gia” trước khi “trị quốc, bình thiên hạ”.

Thế nhưng, nhìn chung vào xã hội hôm nay, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang dần bị mai một. Tình trạng nam nữ chung sống ngoài hôn nhân ngày càng nhiều, đến nỗi đã có một diễn đàn tranh luận sôi nổi trên báo chí về đề tài “Sống thử”. Việc ly dị cũng không còn là một vấn đề cần giữ kín. Tất cả những điều đó dẫn đến hậu quả là nhiều gia đình bị tan vỡ, con cái bơ vơ không nơi nương tựa, không người chăm sóc. Đó cũng là lý do khiến cho tình trạng phạm pháp của các thanh thiếu niên ngày càng gia tăng.

Do đó, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhìn lại và cố gắng sống theo các giá trị của hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa ngay khi tạo dựng lúc ban đầu. Nhờ đó, chúng ta có thể xây dựng một xã hội yên vui, hạnh phúc như ý muốn của Thiên Chúa.

1. Gia đình đầu tiên:

Trước hết, bài đọc một được trích đọc từ sách Sáng Thế chương 2, 18-24, thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng nên gia đình đầu tiên. Chắc hẳn khi viết lên đoạn sách nói về cuộc sáng tạo này của Thiên Chúa, vị thánh ký đã không hề có ý muốn làm một bài phóng sự, tường thuật tại chỗ về quá trình tạo dựng của Thiên Chúá. Tuy nhiên, dưới sự linh hứng của Thánh Thần, tác giả thánh đã kể lại cho chúng ta một câu chuyện tuyệt vời, nói về nguồn gốc và mối liên hệ chặt chẽ giữa người nam và người nữ trong gia đình đầu tiên theo chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh ký cho biết, sau khi đã lấy bùn đất tạo dựng nên con người đầu tiên trong vũ trụ, một người đàn ông, Thiên Chúa đã nhận ra rằng: “Đàn ông ở một mình không tốt”. Do đó, Ngài đã quyết định: “Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Thiên Chúa đã muốn làm cho Ađam một người bạn. Và thế là muôn loài, muôn vật, trên trời dưới nước và trên mặt đất, mỗi loài một vẻ đã được dựng nên, để Ađam có thể tìm trong số đó một sinh vật làm bạn với mình.

Thế nhưng, giữa muôn loài sinh vật trên trời dưới đất do Thiên Chúa vừa tạo dựng, “Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình”. Ađam đã không tìm được một sinh vật nào có thể cùng ông chia vui, sẻ buồn. Ông không tìm được một loài nào để ông có thể trao trọn tâm tư và con tim của ông. Ông vẫn cảm thấy cô đơn và bơ vơ giữa muôn loài, không có một sinh vật nào có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn ông.

Thế rồi trong lúc Ađam ngủ mê: “Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến cho Ađam”. Tỉnh giấc dậy, thấy người đàn bà bên cạnh, Ađam như tìm thấy được “một nửa” của mình, và chẳng chờ Thiên Chúa giới thiệu, Ađam đã nhận ra ngay đây là người mà ông cần, đây là người mà ông hằng trông đợi, ông sung sướng thốt lên: “Đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”. Và chúng ta cũng có thể nói thêm mà không sợ sai rằng: ngay lúc đó, Ađam đã chạy tới ôm chặt lấy, như sợ mất đi người phụ nữ đầu tiên này, vì điều mà ông khao khát bấy lâu, nay đã thành hiện thực. Thế là gia đình đầu tiên đã xuất hiện. Gia đình ấy đã được Thiên Chúa chúc phúc. Trong gia đình ấy giờ đây “tuy hai mà một ” như lời Thiên Chúa phán: “Vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể ”. Người này là một nửa của người kia. Hay nói theo cách nói của cha ông chúng ta, người này chính là “mình ” của người kia và ngược lại. Chồng gọi vợ là “mình ”, mà vợ gọi chồng cũng một tiếng “mình ơi! ”.

Như thế, qua một trình thuật thật sống động, tác giả sách Sáng Thế đã cho chúng ta thấy rằng: trong gia đình đầu tiên, chỉ có một nam và một nữ, và cả hai đều có một phẩm giá như nhau trước mặt Thiên Chúa, vì cả hai “cùng một thân thể ”. Đồng thời, chúng ta còn thấy rằng: chính Thiên Chúa là nguồn gốc của sự kết hợp này. Chính Ngài đã dựng nên con người cả nam lẫn nữ và đã chúc phúc cho sự kết hợp của họ trong đời sống gia đình, hay nói theo cách nói của tác giả thư Do thái trong bài đọc hai: “Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật”

Thế nhưng, qua dòng thời gian, kể từ khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, vẻ đẹp bền vững của gia đình cũng dần dần bị tan vỡ. Do đó, Đức Giêsu đã đến để dẫn đưa con người trở về với ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa.

2. Tính bền vững của hôn nhân:

Để trả lời cho những chất vấn của người biệt phái về vấn đề ly dị, Đức Giêsu đã nhắc lại cho họ về ý định ngay từ thuở tạo dựng của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người: “Khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ … Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Ngài nhắc lại cho họ biết rằng, tính bền vững của hôn nhân, không phải là do ý muốn của con người hay của đôi vợ chồng, nhưng trước hết và trên hết đó là do ý định của Thiên Chúa. Đồng thời, nhân cơ hội này, Đức Giêsu còn muốn khẳng định một chân lý nữa, đó là trong gia đình chỉ có một vợ, một chồng, bởi lẽ ngay từ ban đầu Thiên Chúa chỉ dựng nên một người nam và một người nữ.

Sự chung thuỷ, bền vững trong hôn nhân không những là ý muốn của Thiên Chúa, nhưng còn là một trong những điều kiện để con người được hạnh phúc, bởi lẽ, gia đình là trường học đầu tiên để đào tạo những con người trở nên người. Thật vậy, chính trong một gia đình bền vững, vợ chồng trung tín và chung thuỷ với nhau, con cái sẽ học được những bài học về sự nhường nhịn và chia sẻ, bài học về yêu thương và tha thứ. Cũng chính từ nơi đó, từng người sẽ học được bài học về sự khiêm tốn, biết nhận ra sự giới hạn của mình, để sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn của người khác, đồng thời cũng biết nâng đỡ những người chung quanh.

Do đó, để có một gia đình hạnh phúc, từng người chúng ta phải biết vun đắp cho cuộc sống chung trong gia đình, bằng cách quên mình, dẹp đi những tự ái cá nhân theo mẫu gương của Đức Giêsu, Đấng đã tự hạ mình “kém các thiên thần” và “chịu chết thay cho mọi người”. Nhờ đó, Ngài “đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang” như chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai.

Tóm lại, gia đình chính là cộng đoàn cơ bản để xây dựng một xã hội. Sự ổn định và phát triển của xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào sự ổn định và đạo đức của từng gia đình. Nhưng để có được một gia đình an bình và hạnh phúc, thì điều quan trọng không thể thiếu đó là sự trung tín và thuỷ chung của đôi bạn trong đời sống hôn nhân. Hơn nữa, dưới cái nhìn của đức tin, sự trung tín và bền vững của hôn nhân còn có một giá trị đặc biệt, bởi lẽ đó còn là ý muốn từ muôn thuở của Thiên Chúa.

Cuối cùng, Thánh Thể là nguồn trợ lực không thể thiếu để duy trì sự bền vững của gia đình. Vì nếu tất cả mọi người trong gia đình đều lãnh nhận chung một tấm bánh, thì nói theo cách nói của thánh Phaolô, chúng ta sẽ trở nên một (x. 1 Cr 10, 17). Ý thức điều đó, giờ đây, xin cộng đoàn cùng hiệp ý chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để tham dự phần phụng vụ Thánh Thể. Amen.

 

SỰ GÌ THIÊN CHÚA ĐÃ PHỐI HỢP...

đôi bạn Anrê Dũng Lạc Nguyễn Đình Duy Và Têrêsa Lê Thị Mộng Bình

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly”

Đó là lời khẳng định của Chúa Giêsu khi nói về bản chất hay đặc tính của hôn nhân Công giáo. Lời ấy đã vang vọng suốt hơn 20 thế kỷ qua mà vẫn giữ nguyên giá trị. Nên lời ấy vẫn được chọn để in trên các tấm thiệp cưới. Phải chăng mỗi khi nhìn vào tấm thiệp cưới, đôi hôn nhân,được nhắc nhở rằng: ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.

Nhưng tiếc thay, số vụ ly hôn mỗi ngày lại gia tăng, trong đó có cả hôn nhân Công giáo.

Trong xã hội Do thái giáo thời Chúa Giêsu, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi ly dị vì một lý do cỏn con.

Trước câu hỏi: “Chồng có được rẫy vợ không?”  Chúa Giêsu kiên quyết nói không. Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế. Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần. Lập trường của ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo của thời đó cũng như thời nay. Điều này khiến các môn đệ của Đức Giêsu có lần bị sốc. Họ nói: “nếu vậy thì thà đừng lấy vợ thì hơn” (Mt 19, 10). Hóa ra các ông vẫn cho mình cái quyền bỏ vợ nếu muốn.

Nếu những người Pharisêu dựa vào sách Đệ Nhị Luật để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê, thì Chúa Giêsu lại trích sách Sáng Thế, để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Đó là điều nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời. Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, đó là “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được tháo gỡ”.

Kinh Thánh dùng hình ảnh xương thịt để diễn tả sự gắn bó vợ chồng nên một với nhau. Vì người kia là xương thịt của mình, nên vợ chồng mới gọi nhau là mình ơi. Xương thịt cứ gắn bó, cứ ôm ấp dính chặt lấy nhau bao lâu người ta còn sống, còn thở. Chỉ khi chết thì xương thịt mới tan rã, rời nhau. Cũng thế, vợ chồng phải chung thuỷ gắn bó với nhau cho đến chết. Và thật thú vị hình ảnh xương sườn Chúa rút từ người nam để tạo dựng người nữ. Chúa không lấy xương dưới chân để vợ làm nô lệ chồng; Chúa không lấy xương trên đầu để vợ đè đầu cưỡi cổ chồng; nhưng Chúa lấy xương sườn ở giữa để diễn tả sự bình đẳng vợ chồng.

Xương sườn ở bên dưới cánh tay, để được bảo vệ; xương sườn cong cong bao bọc, ôm ấp trái tim để yêu thương che chở. Có người còn bảo xương sườn để vợ chồng dễ ôm eo nhau. Hihii

Chút nữa hai con sẽ nắm tay nhau và với sự tự do hoàn toàn, hai con nói lên thề hứa long trọng trước Chúa và cộng đoàn GH là: sẽ tôn trọng và giữ lòng trung thủy với nhau suốt đời, cho dù khi thịnh vượng, hay lúc gian nan; khi bệnh tật, hay lúc mạnh khỏe.

Tuy thề hứa như vậy, nhưng thực tế cho thấy, để lời thề hứa chung thủy ấy được nên trọn, vợ chồng cần phải hy sinh từ bỏ cái tôi rất nhiều:

bớt đi một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn,

bớt đi một chút tự ái, thêm một chút phục vụ,

bớt đi một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…

Nhất là cần đến sức mạnh tình yêu và ơn ban dồi dào của Chúa.

Vậy xin Chúa đổ tràn Tình Yêu của Người xuống trên đôi bạn trẻ Duy và Bình, để họ đủ sức mạnh ơn thiêng của Chúa mà vượt thắng mọi khó khăn thử thách trong đời sống hôn nhân và gia đình, luôn nắm chặt tay nhau bước đi trọn con đường tình mà đôi bạn đã cam kết trong ngày hôm nay.

Để kết thúc, cha muốn kể cho hai con nghe câu chuyện khá lý thú sau đây:

Một người phụ nữ nọ vừa ra khỏi nhà thì nhìn thấy ba người đàn ông râu dài bạc trắng đang ngồi trên ghế đá ở trước sân. Bà không hề quen ai trong số họ. Tuy nhiên, vốn là người tốt bụng, bà nói: “Tôi không biết các ông là ai, nhưng chắc là các ông đang rất đói, xin mời các ông vào nhà ăn một chút gì đó”.

- Ông chủ có nhà không? - họ hỏi

- Không, chồng tôi đi làm rồi - bà trả lời.

- Thế thì chúng tôi không thể vào được.

Đến chiều, khi chồng cô trở về, cô kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Chồng cô muốn biết họ là ai nên mới nói với cô ra mời ba người đó vào.

- Nhưng ba ông trả lời: chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được.

- Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi: Sao lại thế?

Một người giải thích: “Tên tôi là Tình yêu, ông này là Giàu sang, còn ông kia là Thành công. Bây giờ hai vợ chồng cô phải quyết định xem ai trong chúng tôi sẽ là người được mời vào nhà”.

- Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại toàn bộ câu chuyện cho chồng nghe.  

- Người chồng tỏ vẻ rất vui mừng vì cho rằng đây đúng là một cơ hội tốt. Vậy chúng ta hãy mời ngài Giàu sang vào. Ngài sẽ ban cho chúng ta thật nhiều tiền bạc và của cải”.

- Người vợ không đồng ý. “Thế tại sao chúng ta lại không mời ngài Thành công nhỉ? Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể”.

Hai vợ chồng tranh cãi một lúc lâu mà vẫn chưa ai quyết định được. Lúc ấy cô con gái nãy giờ đứng yên trong góc phòng bổng lên tiếng đề nghị: “Chúng ta nên mời ngài Tình yêu vào nhà là tốt nhất. Nhà mình sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp và ngài sẽ cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc”.

Người chồng suy nghĩ rồi nói với vợ: “Có lẽ chúng ta nên nghe theo lời khuyên của con gái. Vậy em hãy ra ngoài mời ngài Tình Yêu vào, vì đó mới là vị khách chúng ta mong muốn”.

Người phụ nữ ra ngoài và hỏi: “Ai trong ba vị là Tình yêu xin mời vào, và trở thành khách quý của chúng tôi”.

Thần Tình yêu đứng dậy và đi vào nhà. Hai vị thần còn lại cũng đứng dậy và đi theo thần Tình yêu.

Vô cùng ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi: “Tôi chỉ mời ngài Tình yêu, tại sao các ông cũng vào? Các ông nói không thể vào cùng một lúc kia mà”.

Hai vị ấy cùng nhau trả lời: “Nếu bà mời Giàu Sang hoặc Thành Công thì chỉ có một mình vị ấy được vào. Nhưng vì bà mời vị thần Tình yêu nên cả ba chúng tôi đều được vào. Bởi vì ở đâu có Tình Yêu thì ở đó sẽ có Thành Công và Giàu Sang”.

Thánh Gioan tông đồ cho biết vị thần Tình Yêu ấy chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4,8.11). Và nếu nơi nào có Thiên Chúa Tình Yêu ngự trị, thì nơi ấy sẽ ngập tràn niềm vui, bình an, thành công và hạnh phúc.

Hai con thân mến, lễ cưới hôm nay chỉ mới là khởi đầu của một cuộc hành trình lâu dài. Để cho cuộc hành trình của hai con trải đầy hoa hồng tươi đẹp của niềm vui và tỏa ngát hương thơm của hạnh phúc, hai con phải nhớ tha thiết mời vị thần của Tình Yêu là Thiên Chúa vào hiện diện và cư ngụ nơi tâm hồn và gia đình mình. Amen.

 

VỢ CHỒNG BẤT KHẢ PHÂN LY

Ngày hôm nay bọn Biệt phái đã đưa ra vấn đề ly dị để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ hỏi Ngài có được phép ly dị hay không? Bởi vì trong sách Đệ Nhị Luật, Maisen đã khẳng định: Một người đàn ông lấy vợ, nhưng sau đó nhận thấy người vợ không đẹp mắt mình, ông ta có quyền dãy vợ và đuổi vợ đi.

Đây là một vấn đề được tranh cãi rất nhiều nơi dân Do Thái. Có người thì chủ trương được ly dị với bất cứ lý do nào, có người thì quan niệm chỉ được ly dị với lý do thật nghiêm trọng và chính đáng mà thôi.

Nếu Chúa Giêsu chấp thuận ly dị thì đi ngược lại với lề luật của Thiên Chúa, còn nếu Ngài không chấp thuận thì Ngài sẽ mất đi cảm tình của dân chúng và không tôn trọng luật lệ Maisen. Đằng nào thì Ngài cũng sẽ rơi vào cái bẫy được gài sẵn.

Hơn thế nữa, lúc bấy giờ chính Hêrôđê cũng đã dãy vợ để lấy người chị dâu của mình. Gioan Tiền hô đã lên tiếng can ngăn và đã phải trả giá bằng chính cái chết của mình.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy rõ âm mưu thâm độc ấy và đã nói với họ: Sở dĩ Maisen chấp nhận là vì sự cứng lòng của họ, chứ từ thuở ban đầu thì đã không như thế. Bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, để cả hai trở nên một xương một thịt. Nghĩa là cả hai phải bổ túc lẫn cho nhau. Sợi giây hôn nhân này còn bền chặt hơn cả sợi giây máu huyết. Bởi đó người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình. Và Chúa Giêsu đã kết luận:

- Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly.

Lời xác quyết của Chúa Giêsu thì vững vàng như đá tảng. Chính vì thế mà Giáo hội luôn bênh vực cho tính cách bất khả phân ly của hôn nhân.

Như chúng ta đã biết gia đình là tế bào sống động của nhân loại, là nền tảng kiên vững của xã hội. Nền tảng này tồn tại được là do tính cách bất khả phân ly của hôn nhân. Nếu vợ chồng tan rã thì đang và sẽ sụp đổ. Một khi gia đình đã sụp đổ hẳn sẽ kéo theo nhiều hậu quả tai hại cho xã hội.

Thực vậy, vì lợi ích của cả hai vợ chồng mà hôn nhân đòi phải được bền vững. Một cuộc tình tan vỡ, hẳn sẽ gây đau khổ cho cả hai, nhất là người vợ. Nơi những quốc gia mà chế độ đa thê còn tồn tại, thì người phụ nữ phải chăng chỉ là một thứ đồ chơi không hơn không kém. Với đặc tính bất khả phân ly, Giáo hội đã lớn tiếng bênh vực quyền lợi của người phụ nữ.

Tiếp đến vì lợi ích của con cái mà hôn nhân đòi phải được bền vững. Trẻ nhỏ như một mầm non, cần phải được che chở bởi sức mạnh của người cha và tình thương yêu của người mẹ. Gia đình là mái trường đầu tiên dạy cho trẻ thơ những bài học làm người, trong đó cha mẹ chính là những bậc thày, những người hướng dẫn không thể thay thế.

Con cái sẽ như thế nào nếu như cha một nơi, mẹ một nẻo và như thế, chính bản chất của hôn nhân đòi buộc tính cách bất khả phân ly.

Để duy trì được đặc tính này, dĩ nhiên đòi hỏi vơ chồng phải hy sinh và từ bỏ nhiều lắm, nhưng nhờ chính những hy sinh và từ bỏ ấy mà tình yêu của vợ chồng ngày thêm mặn nồng và đằm thắm.

Có lẽ giờ này Chúa Giêsu cũng muốn nhắn nhủ những cặp vợ chồng Công giáo nói chung, cách riêng đối với đôi bạn trẻ…, điều quan trọng nhất trong hôn nhân là: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, thì loài người không được phân ly.” (St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...