Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B

KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

1 Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38

Suy niệm 1:

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

Hiệp hành cùng toàn thể GH hoàn vũ, hôm nay chúng ta long trọng mừng kính lễ Ðức Mẹ với tước hiệu Mẹ Mân Côi. Năm 1208 khi hiện ra với thánh Ða Minh, Đức Mẹ đã chỉ dạy ngài cách lần chuỗi Mân Côi, để xin Chúa giúp Giáo Hội Pháp thoát khỏi hiểm họa lạc giáo An-bi-goa (Albigeois). Cũng như chiến thắng quân Hồi giáo tại vịnh Lepente vào thế kỷ 16 của đạo quân thập tự chinh và nhiều biến cố khác trong dòng lịch sử của GH. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa cho ta biết nhận ra thánh ý Thiên Chúa xảy đến trong đời sống với niềm tín thác vào quyền năng và tình thương vô biên của Chúa theo gương Mẹ Maria.

Với tâm tình con thảo, chúng ta cũng xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết khiêm tốn vâng nghe lời Mẹ chỉ bảo là: Sám hối cải thiện đời sống, tôn sùng mẫu tâm và siêng năng lần chuỗi Mân Côi làm đẹp lòng Mẹ. Và nhờ đó chúng ta mới có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách, có được cuộc sống bình an và hạnh phúc. 

Có thể nói trong toàn thể nhân loại, chắc hẳn không có ai được TC ưu ái ban tặng nhiều ân phúc trọng đại cho bằng Đức Maria. Ý thức điều đó với niềm xác tín vào nền tảng vững chắc của Thánh kinh, Giáo hội luôn tôn kính và dành tặng cho Đức Mẹ nhiều tước hiệu cao quý trong nám phụng vụ.

Bước vào tháng 10, GH ưu ái dành một ngày Chúa nhật đầu tháng để tưởng nhớ và mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ, với tước hiệu “Mẹ Mân Côi”.

Sở dĩ có ngày lễ hôm nay là vì liên hệ đến một biến cố quan trọng trong dòng lịch sử Giáo Hội. Đó là sự kiện vua Hồi giáo đem một đại quân đông đảo và hùng mạnh hướng thẳng về La Mã, với lời thề sẽ san bằng đền thờ thánh Phêrô, mong biến nơi đây thành một chuồng ngựa.

Bấy giờ GH rất lo lắng và sợ hãi. Bởi vì với quân đội thập tự chinh của công giáo rất  ít ỏi, khí giới thì thô sơ, lại không có kinh nghiệm tác chiến thì làm sao kháng cự lại với quân Hồi giáo hùng mạnh. Tin tưởng vào sự che chở của Đức Mẹ nên GH đã kêu gọi toàn thể tín hữu lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó mà đạo binh Công giáo đã ngăn chặn được bước tiến thần tốc của quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, và đã giành được chiến thắng tại vịnh Lépante, vào ngày 07/10/1571.

Nhận ra cuộc chiến thắng lạ lùng ấy là nhờ ơn ban của Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. Để ghi nhớ công ơn che chở của Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Piô V đã dạy các tín hữu rước kiệu Đức Mẹ và chọn ngày 7 tháng 10 làm lễ kỷ niệm Đức Mẹ Chiến thắng, sau này được thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi (1960).

Ngày nay mỗi khi kính nhớ lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo hội không nhằm nhắc lại biến cố chiến thắng ấy, cho bằng mời gọi con cái GH tích cực khám phá lại vai trò vị thế của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ; qua đó cũng muốn nhắc nhở các tín hữu về sức mạnh phi thường của Kinh Mân Côi. Trong ý nghĩa đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hai khía cạnh sau:

1. Vai trò vị thế của Mẹ Maria.

Nhìn lại lịch sử cứu độ, qua lăng kính của Thánh kinh, chúng ta biết được công trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa đã bị phá vỡ do tội lỗi nguyên tổ. Nhưng Thiên Chúa không muốn công trình tốt đẹp Ngài đã tạo dựng bị hủy diệt đi. Nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, TC liền hứa ban Đấng Cứu Thế. Đấng ấy sẽ được sinh ra bởi một người phụ nữ. Đấng ấy sẽ tái tạo lại công trình sáng tạo xinh đẹp như thuở ban đầu.

Và khi thời gian đã đến hồi viên mãn, lời hứa ấy bắt đầu được thực hiện, khi TC sai sứ thần Gabriel đến với cô thôn nữ làng quê Nazareth, có tên là Maria, để mời gọi cô cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.

Cũng giống như bao cô gái làng quê khác, thiếu nữ Maria đã từng ấp ủ bao mộng ước và dự phóng cho đời mình. Nhưng giờ đây, Thiên Chúa lại xen vào và đã khuấy động đời cô. Người đã làm thay đổi toàn bộ những ước vọng dự hướng tương lai của cô.

Tuy nhiên, sau khi biết được ý định của TC, thiếu nữ Maria đã sẵn lòng thân thưa với sứ Thần bằng hai tiếng "xin vâng" thật đơn sơ, nhẹ nhàng nhưng thật sâu lắng và đầy niềm tín thác. Chính nhờ bởi lời “xin vâng” tuy đơn sơ ấy mà ơn cứu độ của TC đã đến được với nhân loại.

Với biến cố Ngôi Lời TC đã nhập thể trong cung lòng Đức Maria do quyền năng của CTT, Đức Maria đã trở thành Mẹ TC. Xứng đáng đón nhận ơn phúc của TC theo như lời chào của Sứ Thần: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ." (Lc 1,28). Qủa vậy, có ơn phước nào lớn hơn ơn phước được làm Mẹ TC và được TC ở cùng.

Vì là Mẹ Ngôi Hai TC làm người nên Đức Maria rất có uy thế trước mặt TC. Nhưng Mẹ Maria cũng là Mẹ GH và là Mẹ của mỗi người chúng ta, nhờ bởi lời trăn trối thánh Gioan cho Đức Mẹ và Đức Mẹ cho thánh Gioan của Chúa Giêsu dưới chân thập giá.

Là con cái của Đức Mẹ nên chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương đỡ nâng của Mẹ, bởi vì: “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Tin tưởng như thế, chúng ta cần phải tỏ lòng yêu mến, tôn kính và vâng lời Mẹ chỉ dạy với tất cả tâm tình của người con thảo.

2. Sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi.

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, GH còn nhằm hướng chúng ta đến cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến với tội lỗi do ma quỷ, thế gian và xác thịt gây ra. Nếu xưa kia đạo quân thập tự Công giáo, nhờ vào sức mạnh của việc lần chuỗi Mân côi mà chiến thắng quân Hồi giáo hùng mạnh, thì ngày nay với trận chiến ba thù, chúng ta cần phải vâng nghe lời chỉ dạy của Đức Mẹ mà siêng năng lần hạt Mân Côi. Đó là phương thế mà Đức Mẹ chỉ dạy chúng ta mỗi khi hiện ra trên ngọn cây Sồi với ba trẻ chăn cừu là: Giaxinta, Phanxicô và Lucia, tại làng quê hẻo lánh Fatima, nước Bồ Đào Nha:

1. Ăn năn đền tội cải thiện đời sống.

2. Tôn sùng Mẫu Tâm.

3. Siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Ước gì mỗi người chúng ta tin tưởng vào sức mạnh thần thiêng của kinh Mân côi để trân quý và siêng năng lần chuỗi mỗi ngày, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được những cám dỗ của ba thù (ma quỷ, thế gian và xác thịt).


Suy niệm 2: VÂNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA THEO GƯƠNG MẸ MARIA

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho Đức Maria cách riêng và nhân loại cách chung. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”.

Mỗi khi đọc “kinh kính mừng” là chúng ta nhắc lại lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria khi xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….”

Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ, có ơn phúc nào lớn lao cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có vinh dự nào to lớn bằng vinh dự được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (Được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).

Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết, nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng nghe.

Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta cảm thấy không thể thực hiện được, nhưng “đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể”. Từ không, Chúa đã sán g tạo nên vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Từ bùn đất, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Bằng quyền năng, Thiên Chúa đã làm cho bà Isave cao niên và son sẻ mang thai và sinh con. Nên việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế vẫn đồng trinh đối với Đức Maria là chuyện bình thường. Do đó, nếu ta biết tin tưởng và khiêm tốn để Chúa hành động nơi cuộc đời của ta như Đức Maria, thì Chúa cũng sẽ làm những điều kì diệu trên đời ta.

Tuy dẫu Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.

Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.

Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất.

Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.

Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”.

Xin cho chúng ta biết noi gương Đức Maria biết khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà tích cực cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và qua ta ơn cứu độ đến được với tha nhân. (St).


SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN-B

St 2, 18-24;  Dt 2, 9-11; Mc 10, 2-16

Suy niệm 1: ĐƠN HÔN VÀ VĨNH HÔN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lần giở lại những chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta sẽ khám phá ra ý định tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng con người. Sau khi tạo ra người nam và người nữ đầu tiên, Thiên Chúa tác hợp Adong và Evà thành vợ thành chồng thật là đẹp. Ngài thiết lập hôn nhân là mối liên kết đặc biệt giữa người nam và người nữ, là nền tảng để xây dựng tổ ấm gia đình (St 1,27, 28; 2,18).

Ý định của Thiên Chúa

Từ ban đầu, Thiên Chúa thiết lập hôn nhân là sự gắn kết giữa một người nam và một người nữ (x. St 2,24). Ngài không chấp nhận đa thê, hành vi đồng tính hoặc sống chung ngoài vòng hôn nhân (x. 1 Cr 6,9; 1Tx 4,3). Thiên Chúa muốn các cặp vợ chồng hạnh phúc (x. Cn 5, 18). Ngài đưa ra tiêu chuẩn cũng như sự hướng dẫn để giúp hôn nhân thành công.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ vâng giữ tiêu chuẩn ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân (x. Mc 10, 6-8). Thiên Chúa coi hôn nhân là một sự gắn bó lâu dài. Khi người nam và người nữ kết hôn, họ hứa nguyện sẽ chung thủy và chung sống trọn đời. Thiên Chúa muốn họ giữ lời hứa nguyện đó (x. Mc 10,9).

Sự cứng lòng của các ngươi

Tình vợ tình chồng dành cho nhau là một thứ tình phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho nhau. Luật một vợ một chồng không phải do con người đặt ra để áp đặt trên con người, đây là luật của Thiên Chúa, mà những gì Thiên Chúa làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong đó có con người.

Có không ít người trong cũng như ngoài Giáo Hội Công Giáo cho rằng, Giáo Hội khe khắt, đòi hỏi, không bắt kịp trào lưu tư tưởng của con người thời đại. Họ đặt ra các vấn nạn: làm gì mà phải chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây sầu khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình lại không thử một lần để may ra đổi đời thay mệnh?

Đúng là tình trạng ly dị hiện nay không còn được coi là trọng tội đối với đời sống hôn nhân; nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” trở nên lạc hậu và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời! Điều mà Giáo Hội gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc. Ly dị không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Có thể có những lúc vợ chồng phải xa nhau, chẳng hạn khi một trong hai người phải đi lo việc khẩn cấp của gia đình. Nhưng Kinh Thánh không khuyến khích việc vợ chồng hoàn toàn tách ra, hoặc ly thân, vi những vấn đề trong hôn nhâ. Thay vì thế, Kinh Thánh khuyến khích họ giao hoà với nhau (x. 1 Cr 7,10).

Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị. Trước biện chứng của người biệt phái về việc Môisê cho phép làm giấy tờ ly dị và họ ly dị, Người đã trả lời : “…lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,…..). Môisê chỉ làm điều chẳng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự cứng lòng của con người. Tại sao vậy? Thưa: Vì Thiên Chúa muốn hạnh phúc cho con người.

Loài người không được phân ly

Con người và thế giới hiện đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, kỹ thuật, cũng như thông tin điện toán toàn cầu… Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến lễ nghĩa gia phong, tôn giáo, nhất là các gia đình, đặc biết các cặp hôn nhân trẻ.

Hơn bao giờ hết, gia đình trên thế giới đang bị đe dọa đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giới tính, một số quốc gia chấp thuận. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhận định rằng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”. Để duy trì nòi giống phải là sự kết hợp giữa người nam và người nữ từ nguyên thủy cho đến hôm nay.

Ngài lưu ý rằng, dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”. Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”. Ngài đặt câu hỏi: Con người là ai? Liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm do chính con người sản xuất ra?

Là người tín hữu ai cũng biết: đơn hôn và vĩnh hôn là hai đặc tính trong hôn nhân Công Giáo. Đơn hôn, nghĩa là hôn nhân chỉ giữa một người nam và một người nữ. Vĩnh hôn có nghĩa là đã kết hôn thành sự và đã hoàn hợp thì hai người bị ràng buộc, phải chung thuỷ với nhau với nhau cho đến chết. Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung cho đến chết. Một Giao ước mang tính Bí tích, lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo hội ra để làm chứng.

Chúng ta hãy cầu xin cho các cặp hôn nhân ngày hôm nay trung thành với giao ước hôn nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay gặp gian lao thử thách nào vẫn mãi mãi bền chặt, thủy chung và son sắt. Amen.

 

Suy niệm 2: TÌNH TRỜI KHƠI GỢI TÌNH ĐỜI

Lm. Nguyễn Xuân Trường

Đời sống hôn nhân gia đình của quý vị có hạnh phúc không? Lời Chúa tuần này kể chuyện lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã se duyên cho hai người nam nữ nên vợ chồng thành một xương một thịt gắn bó yêu thương trọn đời. Đấy là bản chất của hôn nhân Công Giáo.

1. Thiên Chúa se duyên. Câu chuyện sáng tạo kể Chúa tạo dựng người nữ và dẫn đến với người nam cho họ nên vợ chồng. Vì thế, trong đức tin, thì chuyện hôn nhân không chỉ là chuyện tự ý yêu đương của 2 người nam nữ, mà là do Chúa phối hợp. Thế nên đạo Công Giáo mới bảo hôn nhân là một ơn gọi, một bí tích. Tình yêu vợ chồng đã trở thành hình ảnh tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Đấy là sự thiêng thánh của hôn nhân Công Giáo. Đây là lý do nền tảng tại sao không được ly dị.

2. Xương thịt gắn bó. Kinh Thánh dùng hình ảnh xương thịt để diễn tả sự gắn bó vợ chồng nên một với nhau. Vì người kia là xương thịt của mình, nên vợ chồng mới gọi nhau là mình ơi. Xương thịt cứ gắn bó, cứ ôm ấp dính chặt lấy nhau bao lâu người ta còn sống, còn thở. Chỉ khi chết thì xương thịt mới tan rã, rời nhau. Cũng thế, vợ chồng phải chung thuỷ gắn bó với nhau cho đến chết. Và thật thú vị hình ảnh xương sườn Chúa rút từ người nam để tạo dựng người nữ. Chúa không lấy xương dưới chân để vợ làm nô lệ chồng; Chúa không lấy xương trên đầu để vợ đè đầu cưỡi cổ chồng; nhưng Chúa lấy xương sườn ở giữa để diễn tả sự bình đẳng vợ chồng. Xương sườn ở bên dưới cánh tay, để được che chở; xương sườn cong cong bao bọc, ôm ấp trái tim để yêu thương che chở. Có người còn bảo xương sườn để vợ chồng dễ ôm eo nhau. Hihii

Thiên Chúa là tình yêu đã phối hợp vợ chồng nên một xương thịt. Vợ chồng hãy yêu thương gắn bó cho trọn cuộc đời. Amen.

 

Thứ hai: Lc 1,26-28

Nhớ Đức Mẹ Mân Côi

HIỆU QUẢ CỦA KINH MÂN CÔI

Trong năm phụng vụ, có lẽ không có vị thánh nào được sùng kính cách đặc biệt như Đức Trinh Nữ Maria. Giáo Hội dành riêng nhiều lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ để tôn vinh Đức Maria. Đặc biệt Giáo Hội dành hai tháng, đó là tháng năm gọi là tháng Hoa, và tháng mười gọi là tháng Mân Côi để kính nhớ Đức Mẹ.

Hôm nay, với lòng sùng kính và yêu mến Mẹ Maira, chúng ta quy tụ nơi đây, để cùng hiệp dâng lên Mẹ những tâm tình ước nguyện chung và riêng tư của mỗi người chúng ta, xin Mẹ vui nhận, ban ơn và chúc lành cho những ước nguyện ấy, nhờ Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta.

Tôi xin bắt đầu bài chia sẻ bằng một câu chuyện. Không biết có thật hay không. Nếu như không thật thì cứ xem đây là câu chuyện do tôi mơ thấy vậy.

Chuyện kể rằng: Có một gia trưởng trẻ, trước đây, anh ta rất ít đi lễ, nếu có đi thì anh cũng thường đứng ngoài nhà thờ. Gần đây, anh ta có dấu hiệu thay đổi, anh thường xuyên vào nhà thờ tham dự thánh lễ và sau lễ còn đứng lại viếng Đức Mẹ khá lâu.

Cha sở ngạc nhiên nên mới đến hỏi thăm: Gia đình anh có chuyện gì mà thời gian gần đây tôi thấy anh thường xuyên đi lễ và viếng Đức Mẹ sốt sắng vậy?

Anh trả lời: Thưa cha, con đi tham dự khai mạc tháng Mân Côi của Họ đạo và được thấy Đức Mẹ. Từ đó đến nay, mỗi ngày con đều đến tham dự thánh lễ và sau lễ con ở lại viếng Đức Mẹ.

Ở gia đình mỗi tối trước khi đi ngủ, vợ chồng con cũng đều lần chuỗi cả. Hôm nào chưa lần chuỗi là con không thể ngủ được.

Sau khi nghe anh kể, cha sở suy nghĩ: không biết anh có nhìn thấy Đức Mẹ thật hay không, nhưng việc anh thay đổi một cách nhanh chóng như thế quả là một phép lạ mà Đức Mẹ đã thực hiện trên cuộc đời của anh. Nhất là ở họ đạo ai cũng ngạc nhiên khi thấy anh từ một người nguội lạnh giờ trở thành một tín hữu sốt sắng, từ một người dửng dưng với các sinh hoạt mục vụ của họ đạo, nay trở thành một tông đồ tham gia nhiệt tình vào các sinh hoạt của họ đạo.

Câu chuyện oán cải của anh gia trưởng trên giúp chúng ta xác tín hơn về tầm quan trọng của tràng chuỗi Mân Côi, cũng như vị thế của Đức Mẹ Maria trong chương trình của Thiên Chúa, từ đó nhắc nhở chúng ta phải sống thế nào cho xứng danh là con Mẹ. Đó cũng là 3 ý tưởng mà tôi muốn chia sẻ cùng với ông bà và anh chị em trong thánh lễ hôm nay.

1. Tầm quan trọng của tràng chuỗi Mân Côi

Chúng ta biết rằng lịch sử Giáo hội ghi nhận rất nhiều phép lạ xảy ra nhờ và qua việc lần chuỗi Mân Côi. Kinh Mân côi là lời kinh đơn sơ, bình dân, ai cũng có thể thuộc và có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, nhưng lại là lời kinh chuyển tải ơn lành của Chúa xuống trên Giáo hội và trên mỗi người chúng ta cách hiệu quả nhất. Trong một vài phút ngắn ngủi, chúng ta không thể nào kể ra cho hết những phép lạ mà Chúa đã làm nhờ vào việc lần chuỗi Mân Côi. Tôi chỉ gạch đầu hàng một vài biến cố tiêu biểu sau đây:

- Thứ nhất là vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp, thế nhưng nhờ việc lần chuỗi Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy cho thánh Đa-minh, mà chỉ trong một thời gian ngắn, Chúa đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

- Thứ hai, vào thế kỷ 16, quân Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ xâm chiếm Âu Châu và thề rằng sẽ san bằng Va-ti-can, biến đền thánh Phêrô thành chuồng ngựa. Nhưng nhờ việc lần hạt Mân Côi, đoàn chiến binh thập tự chinh ô hợp của Công giáo nhỏ bé, lại không có kinh nghiệm tác chiến, vậy mà đã giành được chiến thắng tại vịnh Lé-pan-te. Để tạ ơn Đức Mẹ cũng như ghi nhớ cuộc chiến thắng lạ lùng ấy, Đức Thánh Cha Pi-ô 5 đã thiết lập ngày lễ Mân côi kính Đức Mẹ như ngày nay.

- Thứ ba, là vào năm 1917, đất nước Bồ Đào Nha ở trong tình trạng suy thoái trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ với những cuộc nội chiến xảy ra. Giáo Hội thì bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm Tam Điểm. Các nhà thờ bị phá hủy hầu hết, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ ngày 13/05/1917 đến 13/10/1917, Đức Mẹ đã hiện ra liên tiếp 6 lần tại làng Fatima với ba trẻ chăm cừu là Lucia, Giaxinta và Phanhxico để ban truyền những sứ điệp quan trọng. Tóm kết trong những sứ điệp ấy là 3 mệnh lệnh: Hãy ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và Tôn sùng trái tim Mẹ, từ đó Giáo Hội bắt đầu đi vào khúc quanh mới. Khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban những ơn lành xuống cho đất nước.

- Có lẽ biến cố đặc biệt nhất là Đức Mẹ đã che chở Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II khi còn tại vị khỏi những làn đạn nguy hiểm. Ai trong chúng ta cũng biết, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II có lòng yêu mến Đức Mẹ rất đặc biệt. Ngài rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi và đã cổ vũ mọi người siêng năng lần hạt kính Đức Mẹ. Chính Ngài cũng đã thiết lập thêm Mầu Nhiệm 5 Sự Sáng để mọi người suy gẫm thêm về chặng đường rao giảng Tin mừng của Chúa Giê-su.

Sự kiện xảy ra vào ngày 13/05/1981, kỉ niệm ngày lễ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Trong khi Đức Thánh Cha chào thăm khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, thì một loạt đạn đã bắn vào Ngài. Đức Thánh Cha đã ngã xuống, cả quảng trường Thánh Phêrô rung động bởi tiếng khóc, hoà lẫn với lời kinh Mân Côi. Nhưng thật  lạ, những viên đạn chỉ cách trái tim của ngài vài centimet, sau đó ngài được đưa vào bệnh viện và được cứu sống. Mọi người đều tin rằng, đó là nhờ sự che chở của Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi.

2. Vị thế của Mẹ Maria trong chương trình của Thiên Chúa

Khi nhìn về lịch sử cứu độ, qua lăng kính Thánh Kinh, chúng ta biết được công trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa đã bị phá huỷ do tội lỗi nguyên tổ. Nhưng Thiên Chúa không muốn công trình tốt đẹp Ngài bị hủy diệt đi. Nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa liền hứa ban Đấng Cứu Thế, Đấng ấy sẽ được sinh ra bởi một người phụ nữ, Đấng ấy sẽ tái tạo lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa xinh đẹp như thuở ban đầu. Và khi thời gian đến hồi viên mãn, lời hứa ấy bắt đầu được thực hiện. Khi ấy Thiên Chúa sai sứ thần Gab-ri-el đến với cô trinh nữ làng quê Nazareth, có tên là Maria, để mời gọi cô cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Người.

Cũng giống như bao cô gái làng quê khác, thiếu nữ Maria đã từng ấp ủ bao mộng đẹp và dự phóng cho đời mình bao điều. Nhưng giờ đây, Thiên Chúa lại xen vào và đã khuấy động đời cô. Người đã làm thay đổi toàn bộ những ước vọng dự hướng tương lai của cô. Tuy có chút bối rối nhưng sau khi biết được đó là thánh ý Thiên Chúa, thiếu nữ Maria đã sẵn lòng thân thưa với sứ Thần bằng hai tiếng "xin vâng" thật đơn sơ, nhẹ nhàng mà thật sâu lắng với đầy lòng tín thác. Chính nhờ lời “xin vâng” đơn sơ ấy mà ơn cứu chuộc của Thiên Chúa đã đến được với nhân loại.

Với biến cố Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Đức Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria hiển nhiên trở thành Mẹ Thiên Chúa. Xứng đáng đón nhận mọi ơn phúc của Thiên Chúa theo như lời chào của sứ thần Chúa: "Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ." (Lc 1,28). Qủa vậy, có ơn phước nào lớn hơn ơn phước được làm Mẹ Thiên Chúa và được Thiên Chúa ở cùng.

Vì là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người nên Đức Maria rất có uy thế trước mặt Thiên Chúa. Và với lời trăn trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, Đức Mẹ cho thánh Gioan của Chúa Giê-su, dưới chân thập giá. Mẹ Maria trở thành Mẹ Giáo hội và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Là con cái của Đức Mẹ, chúng ta có quyền tin tưởng vào tình thương và uy thế của Mẹ, bởi vì: “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Nhưng để được Mẹ nhậm lời, chúng ta cần phải sống thế nào cho xứng danh là con Mẹ, đó là ý thứ ba.

3. Ta phải sống thế nào cho xứng danh là con Mẹ.

Người giáo dân Việt Nam chúng ta vẫn được đánh giá là những tín hữu có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Sự hiện diện đông đảo của bà con nơi các trung tâm hành hương: La Vang, Tà Pao, Trà Kiệu, Núi Cúi, Fatima Bình Triệu, La Mã, Rạch Súc... đã xác nhận điều đó. Lòng yêu mến này là có cơ sở vững chắc, bởi vì Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Lòng tôn kính đối với Đức Maria không hệ tại những tình cảm chóng qua và vô bổ nhưng phát xuất từ 1 Đức tin chân thật, Đức tin đó dẫn đưa chúng ta tới chỗ nhận ra địa vị cao trọng của Mẹ Maria”.

Thánh Bê-na-đô cũng đã quả quyết: “Không ai chạy đến với Mẹ Maria mà phải trở về tay không”. Cảm nhận được điều ấy, nên ông Paul Claudel, một triết gia người Pháp vào buổi trưa nọ, đã lẻn vào nhà thờ một mình, quì dưới chân Đức Mẹ và cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Maria, con đến đây với Mẹ không phải để dâng lên Mẹ những gì, bởi vì con nghèo nên không có gì để dâng Mẹ. Con đến đây với Mẹ cũng không phải để xin Mẹ điều gì, bởi vì Mẹ biết quá rõ con đang cần đến những gì. Con đến đây với tâm hồn tràn ngập hạnh phúc vì con biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ của con đang đứng đó”.

- Qủa thật Mẹ luôn đứng đó để ban cho chúng ta Đức Giêsu Con Mẹ. Mẹ đứng đó để hiệp thông với chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, Mẹ đứng để trao ban cho ta nguồn mọi ân phúc là chính Đức Giê-su Kitô, gồm tóm mọi ơn phúc.

- Mẹ đứng đó để nói lời yêu thương chúng ta, cho dẫu chúng ta có tội lỗi, xấu xa, nghèo hèn tới đâu, Mẹ cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, bởi vì một lẽ rất đơn giản: “Mẹ là Mẹ của chúng ta”.

Khi hiện ra 6 lần ở Fatima Mẹ không hứa ban cho nhân loại chúng ta những ơn phần xác, nhưng Mẹ lại hứa ban cho chúng ta những ơn về phần hồn nếu chúng ta tích cực thực hiện 3 mệnh lệnh truyền dạy của Mẹ: “Hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt và hãy tôn sùng trái tim Mẹ”, thì thế giới mới có hoà bình, nhân loại mới được an vui.

Giờ phút này, Mẹ Maria cũng đang đứng nhìn mỗi người chúng ta. Mẹ cũng muốn nói với chúng ta rằng: nếu muốn có gia đình hạnh phúc, xã hội được bình yên, quê hương Việt Nam ta và thế giới này được hoà bình thì cách tốt nhất vẫn là hãy ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng mẫu tâm, theo lời Mẹ dạy.

Ước gì mỗi người chúng ta biết vâng nghe lời Mẹ mà siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, cùng với ước muốn cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ. Nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được những cám dỗ của ba thù, xứng đáng đón nhận những điều cao cả do Chúa ban qua Mẹ Maria. Nhất là đừng quên hiệp thông cùng với Giáo hội mà cầu xin rằng: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử". Amen.

 

Mùa thường niên: Lc 10,25-37

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu của Chúa là nhưng không và phổ quát dành cho hết mọi người. Tình thương ấy đã được Chúa Giêsu hướng dẫn cách cụ thể cho người thông luật trong bài tin mừng hôm nay.

Với cái nhìn định kiến và loại trừ, người thông luật như muốn giới hạn tình yêu của mình nơi những người cùng màu da, chủng tộc và tôn giáo. Nhưng qua câu chuyện người Sa-ma-ri tốt lành, Chúa Giêsu chỉ cho ông biết, người thân cận là tất cả mọi người. Bởi lẽ, mọi người đều được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, nên tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương cứu độ, không loại trừ bất cứ một ai. Do đó, để xứng đáng có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, thì phải thực thi giới luật tình yêu nhưng không và phổ quát “như Chúa đã Yêu”, qua việc tận tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những người đang gặp hoạn nạn không phân biệt người đó là ai, theo mẫu gương của người Sa-ma-ri nhân hậu.

Xin Chúa uốn lòng chúng ta giống như trái tim Chúa, để chúng ta biết chạnh lòng trước những nổi đau của đồng loại mà tận tâm phục vụ giúp đỡ mọi người, nhất là những ai nghèo khổ. Nhờ thế, chúng ta mới hy vọng có được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

 

Thứ ba: Lc 10, 38-42

Tin mừng hôm nay vẽ lên một bức tranh xinh đẹp về hai cô thiếu nữ làng Bê-ta-ni-a:

+ Cô Mácta nồng nhiệt đón rước Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà, rồi tất bật hy sinh chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn nhất để tỏ lòng yêu mến những vị khách quý...

+ Cô em Maria thì tế nhị và sâu lắng hơn cô chị Mácta trong cách tiếp đón Chúa Giêsu, cô không quan tâm lắm về việc ăn uống bên ngoài cho bằng đi sâu vào mối tương quan gần gủi thân tình. Nên cô đã chọn cách thế ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người dạy bảo.

Cả hai cách thế trên đều thể hiện được những nét đẹp độc đáo của người phụ nữ: hiếu khách, tận tâm, tế nhị, khiêm tốn trong hy sinh phục vụ, nhưng cũng rất thân tình, gần gủi và tinh tế trong việc đón tiếp khách.

Xin Chúa cho chúng ta biết tôn trọng những nét đẹp tuyệt vời mà Chúa ban tặng nơi mỗi người. Đồng thời cũng biết tích cực phát huy những nét đẹp nơi bản thân mình nhằm tô điểm cho cuộc sống này mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn; cũng như góp phần tích cực vào sứ vụ loan báo tin mừng tình thương của Chúa cho mọi người.

 

Thứ tư: Lc 11, 1-4.

Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ trong đoạn tin mừng hôm nay là khuôn mẫu cầu nguyện tuyệt hảo dành cho những người môn đệ Chúa. Bởi lẽ lời cầu nguyện này hướng các môn đệ cũng như tất cả chúng ta đến tâm tình xứng hợp của những người con thảo Chúa.

- Là người con thảo thì không làm theo ý mình, nhưng luôn làm theo ý muốn của Cha, và mong muốn mọi người cũng thi hành ý Cha giống như mình.

- Là người con thảo thì không mưu tìm lợi ích cho chính mình, nhưng mưu tìm lợi ích, vinh quang, danh dự cho Cha mình.

- Là người con thảo thì luôn biết sống hiệp thông với anh em mình trong tinh thần yêu thương bác ái, bao dung quảng đại, hy sinh tha thứ theo gương Chúa là Người Cha luôn yêu thương và tha thứ cho ta.

- Là người con hiếu thảo thì luôn tin tưởng và phó thác vào uy quyền và tình thương của Cha mình. Nên điều quan trọng nhất không phải là những nhu cầu thể xác mà là những nhu cầu về tinh thần, tâm linh và linh hồn. Ý thức điều đó, để ta đừng bao giờ chạy theo những cám dỗ của ba thù (ma quỉ, thế gian, xác thịt) mà phản bội lại Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương chúng ta.

Xin cho gia đình chúng ta hằng siêng năng quy tụ bên nhau trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện sáng tối; và cũng cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và thực thi ý Chúa qua đời sống yêu thương quảng đại, bao dung tha thứ và hy sinh phục vụ trong tình yêu Chúa. Được vậy, ta mới xứng danh là những người con thảo của Chúa.

 

Thứ năm: Lc 11, 5-13

Nếu tin mừng hôm qua, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa; thì tin mừng hôm nay, Chúa lại mong muốn các môn đệ và chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Người mà kiên trì cầu nguyện.

Bằng hai hình ảnh rất thực tế: Người bạn hàng xóm cho bạn mình vay mượn 3 chiếc bánh giữa đêm khuya, cho dẫu không vì tình bạn mà là vì sự quấy rầy; và người cha sẵn sàng cho con cái mình những thứ tốt nhất theo như lời nó kêu xin. Chúa Giêsu như cũng muốn mời gọi, khích lệ chúng ta là con cái Người hãy tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Đừng bao giờ nản lòng, chán chí bỏ cuộc hay phàn nàn kêu trách Chúa khi thấy những lời mình cầu xin chưa được Chúa nhậm lời. Nhưng cần phải xét lại xem điều mình cầu xin có đẹp ý Chúa và thật sự có hữu ích cho cuộc sống và phần rỗi linh hồn của mình chưa?

Nên biết rằng trước một lời cầu nguyện sẽ luôn có 3 trường hợp xảy ra: Một là Chúa sẽ nhận lời nếu đó là lời cầu xin đẹp lòng Chúa và hữu ích cho ta. Hai là lời cầu xin của ta chưa tha thiết thiếu niềm tin hay chưa đúng thời điểm nên Chúa chưa ban ơn. Ba là lời cầu xin của ta không đẹp lòng Chúa và nguy hại đến phần rỗi đời đời của ta nên Chúa không nhậm lời. 

Nhưng hãy luôn tin rằng trong mọi trường hợp Chúa luôn lắng nghe và thấu suốt sâu xa vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin. Nên Người sẽ chọn lựa những điều thiện hảo nhất theo sự khôn ngoan của Người mà ban tặng cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng và tín thác vào tình thương của Chúa mà kiên trì cầu nguyện với tất cả tâm tình của người con thảo. Cũng như sẵn sàng đón nhận mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại...xảy đến trong cuộc sống, với niềm xác tín vững vàng vào những điều tuyệt hảo mà Chúa đang thực hiện trên cuộc đời mình. 

  

Thứ sáu: Lc 11, 15-26

Suy niệm 1:

Với phép lạ trục xuất quỷ câm ra khỏi một người bị nó ám hại mà Tin mừng hôm nay thuật lại. Vừa cho thấy uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, vừa cho thấy dấu chỉ của “Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi”

Nhưng để có thể đón nhận nước Thiên Chúa là Đức Giêsu đang đến giữa nhân loại thì trên hết con người cần phải loại trừ tính kiêu căng và lòng ghen tỵ. Bởi đó là nguyên nhân khiến cho đôi mắt con người không còn khả năng sáng suốt nhận ra sự thật. 

Với đầu óc kiêu căng tự mãn đã quy hướng cái nhìn của con người đến những điều tiêu cực thấp hèn. Họ luôn cho mình là tài giỏi nên không bao giờ chấp nhận những việc làm tốt đẹp nơi người khác. Một số người Do Thái được đề cập đến trong đoạn tin mừng hôm nay là một ví dụ. Chỉ vì họ kiêu căng và ghen tỵ không muốn ai bằng mình, cũng không muốn ai thành công hơn mình, nên đã cố tình giải thích sai lạc về phép lạ trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, nhằm bôi nhọ và hạ bệ Chúa xuống, để nâng mình lên của lòng dạ tiểu nhân.

Xin cho chúng ta can đảm loại trừ tính kiêu căng, ghen tỵ ra khỏi tâm hồn mình, nhờ đó ta mới có được cái nhìn trong sáng mà nhận ra sự hiện diện của Chúa qua mọi biến cố của cuộc đời. Nhất là xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót lầm lỗi mà sám hối chân thành hầu đổi mới đời sống bằng cách chu toàn tốt mọi nhiệm vụ Chúa trao phó, chuẩn bị cho ngày của Thiên Chúa cách xứng hợp.

 

Suy niệm 2:

Đứng trước một sự việc, biến cố, người ta có những phản ứng khác nhau, tuỳ thuộc theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay bất đồng, ủng hộ hay chống đối, tin nhận hay khướt từ ... Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi cùng chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu mà tin mừng hôm nay trình thuật.

Xin Chúa cho chúng ta luôn có được cái nhìn ngay chính và trong sáng để ta nhận ra sự thật trong mọi biến cố xảy đến của cuộc đời.

Cùng chứng kiến một phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện, đó là trừ một tên quỷ câm. Nhưng đám đông dân chúng lại có những cái nhìn và phản ứng khác nhau:

- Đa phần thì lấy làm ngạc nhiên.

- Một số người thì cho rằng: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ."

- Kẻ khác thì lại muốn thử Người, nên đã đòi hỏi Người làm thêm dấu lạ từ trời.

Trước những phản ứng khác nhau ấy, cách riêng với những người không tin, một lần nữa Chúa Giêsu đã phải kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu rõ về hai nguyên lý căn bản:

1. “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện tiên quyết để sinh tồn”. Vì thế mà Satan không dại gì chống đối nhau. Satan dư biết nguyên lý này: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế, cho rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng!.

2. "Chia rẽ là suy yếu và dẫn đến diệt vong". Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của mình. Cho nên không thể nào gán ghép cho rằng phép lạ Chúa Giêsu trừ quỷ con là dựa vào thế của quỷ vương được. 

Dựa vào hai nguyên lý trên thì phép lạ do Đức Giêsu thực hiện là đến từ Thiên Chúa! Bởi vì trong thế giới này chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền khống chế và loại trừ ma quỷ.

Nhưng do đâu mà một số người, chắc hẳn là những người Biệt Phái nhất quyết không tin nhận phép lạ này là do Đức Giêsu làm? 

Thưa vì nếu họ công nhận đây là phép lạ do Đức Giêsu làm, thì mặc nhiên họ công nhận Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Cho nên bằng mọi cách nhọ phải tìm cách phủ nhận. Chính vì kiêu căng và ganh tỵ đã làm cho tâm hồn họ trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và con người nữa. Cũng vì quá kiêu căng và tự mãn về mình nên họ đã tìm đủ mọi cách để gieo tiếng ác cho Người, với mong muốn hạ bệ và hãm hại Chúa Giêsu đến cùng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể chối cải được. Cố tình không đón nhận chân lý chỉ gây thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.

Câu chuyện sau đây, phần nói lên điều đó: Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. 

Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” 

Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. 

Nhưng chàng bắn hụt. 

Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. thế là nó không bay được nữa. 

Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh này về làm thịt. 

Nếu ta ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc ta chỉ tổ hại chính bản thân mình.

Xin Chúa đừng để chúng ta phải mắc phải chứng bệnh đui mù tâm hồn do virus của ghen tỵ và hận thù gây ra. Nhưng ban cho chúng ta có được tâm hồn đơn sơ, trong sáng và hiền hòa để chúng ta có được cái nhìn đúng đắn và đánh giá tích cực trong mọi sự việc và con người.

 

Thứ bảy: Lc 11, 27-28

Suy niệm 1:

Kinh nghĩa đức tin mà cộng đoàn chúng ta đọc với nhau hàng tuần, GH dạy rằng: “…đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét; kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng”.

Như thế, người kitô hữu chúng ta xác tín rằng ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ đến để phán xét mọi người. Trong ngày ấy, người công chính sẽ được ban thưởng thiên đàng và sống hạnh phúc đời đời  trong Thiên Chúa; còn kẻ gian ác sẽ phải sa hoả ngục và chịu đau khổ đến muôn đời. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để ngày đó sẽ là ngày an vui và hạnh phúc? 

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho ta biết phương cách hữu hiệu nhất để chuẩn bị cho ngày ấy, đó là: "phải lắng nghe và thi hành Thánh Ý Chúa."

Hạnh phúc đích thực không hệ tại bởi chúng ta "là ai" hay chúng ta "được làm" người kitô hữu, nhưng trên hết là chúng ta biết mình "thuộc về ai". Nên cần phải lắng nghe và làm theo ý của ai?

Đức Maria đã được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời và nhiều đặc ân cao trọng khác, bởi lẽ Mẹ biết mình thuộc về Chúa nên Mẹ đã lắng nghe và khiêm tốn làm theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng muốn thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và khao khát có được hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn sống khiêm tốn, vâng nghe và thi hành ý Chúa, để ngày Chúa đến không phải là một ngày kinh hoàng, sợ hãi, nhưng là ngày an vui và hạnh phúc cho chúng con.

 

Suy niệm 2:

Đời người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là cái gì để đi tìm mà nó chỉ xuất hiện khi ta làm một điều gì đó. Như thế muốn có hạnh phúc ta phải làm gì? Đó là điều mà lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta biết. Vậy chúng ta hãy để tâm lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay và cố gắng đem ra thực hành thì ta sẽ đạt được điều mà tất chúng ta mong muốn.

Người Việt chúng ta có những câu nói rất chí lý nhằm diễn tả sự gắn kết máu thịt giữa cha mẹ và con cái như sau: “Con cái là triều thiên của cha mẹ” hay “Con dại cái mang”...; rộng hơn là mối liên hệ giữa dòng tộc với nhau, như người đời thường nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

Đúng vậy, trên đời này có lẽ không có mối liên hệ nào khắn khít cho bằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; cũng như dòng tộc với nhau. Chính vì thế mà niềm vui của người con cũng chính là niềm vui của cha mẹ và ngược lại. Và công danh, sự nghiệp thành đạt của người con cũng chính là niềm vinh dự và hạnh phúc của cha mẹ.

Rất có thể đã từng trải nghiệm điều đó, nên một người phụ nữ đã không ngần ngại cất cao lời ngợi khen cho người mẹ nào đã cưu mang và hạ sinh Thầy Giêsu vì Thầy quá tài giỏi và uy quyền “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Đúng vậy, với cái nhìn tự nhiên có người mẹ nào lại không cảm thấy được hạnh phúc khi nhìn thấy con mình thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn người phụ nữ ấy và dân chúng dừng lại ở cái nhìn tự nhiên, chỉ kiếm tìm hạnh phúc mau qua ở đời nhờ vào mối liên hệ huyết thống, mà Người còn muốn hướng họ đến cái nhìn đức tin để nhận ra đâu mới là hạnh phúc thật có gí trị bền vững nhờ vào mối liên hệ thiêng liêng giữa con người với TC, là nguồn mọi ơn phúc. Do vậy Chúa Giêsu mới phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời TC thì có phúc hơn”.

Khi nói những điều đó, chắc chắn Chúa Giêsu không hề xem thường hạnh phúc ở đời này; Người cũng không hề chê trách hay hạ thấp vị thế của Mẹ Maria. Trái lại, Người muốn gián tiếp ca ngợi và tôn vinh mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ. Bởi hơn ai hết Đức Maria lúc nào cũng khiêm tốn để tâm lắng nghe "Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng." (Lc 2,19) và sẵn sàng thực thi thánh ý của TC “Này Tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Nhờ đó mà Đức Maria đã được TC trọng thưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn trong nước trời. Mẹ thật xứng đáng được ca ngợi qua muôn thế hệ, như tâm tình mà Đức Mẹ cất lên trong lời kinh Magificat: "Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tớ Chúa, vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước" (Lc 1,48).

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết khiêm tốn mở tai để lắng nghe lời Chúa, mở lòng để cho lời Chúa thấm nhập và rồi can đảm mở đôi tay ra để phục vụ mọi người, nhất là những người trong gia đình và nghèo khổ với niềm tin yêu và phó thác theo mẫu gương của Mẹ Maria. Được vậy, ta mới có được hạnh phúc đời này, nhất là sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc trọn vẹn ở đời sau. Amen.

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA HÀNG NGÀY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lm Minh Anh, Tgp. Huế

Thứ hai: KHÔNG THỂ TRỐN CHẠY

“Hãy đi và làm như vậy!”.

Trong cuốn “Facing Loneliness”, “Đối Mặt Với Cô Đơn”, J. O. Sanders viết, “Vòng lẩn quẩn của các thú vui hoặc thu tích của cải đều là ‘những nỗ lực hoài hơi’ nhằm chạy trốn những nỗi đau dai dẳng! Triệu phú thường cô đơn hơn người nghèo; vua hài thường bất hạnh hơn khán giả! Bạn không thể trốn chạy cô đơn, nếu không biết yêu thương!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không thể trốn chạy cô đơn, nếu không biết yêu thương!”. Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của J. O. Sanders! Đó là câu chuyện dài của một Giôna ‘vùng vằng’; đó còn là câu chuyện ngắn của một người Samaria ‘mủi lòng’. Điều thú vị ở đây, là dù vùng vằng hay mủi lòng, hai nhân vật này vẫn ‘không thể trốn chạy’ yêu thương!

Bài đọc thứ nhất mở đầu cho ‘chuyện dài nhiều tập’ của Giôna. Thoạt tiên, Chúa sai Giôna đi Ninivê, một thành thù nghịch của Ngài, “Hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta”. Giôna bất tuân lệnh Chúa, ông chạy trốn Ngài! Thay vì lên Ninivê, hướng đông; ông xuống tàu ngược qua Tarshish, hướng tây. Chúa không để yên, Ngài theo Giôna đến cùng! Người ta ném ông xuống biển; một con cá đã chực sẵn, nuốt ông. Cá nhả ông lên bờ, Chúa gọi ông lần hai. Cuối cùng, vì ‘không thể trốn chạy’ và cô đơn mãi, ông đến Ninivê, mang cho họ thông điệp sám hối. Họ ăn năn và được thứ tha.

Nếu Giôna trốn Thiên Chúa để khỏi yêu thương kẻ nghịch, thì người Samaria vô danh kia đã nghe ‘tiếng Trời’ qua lương tâm mà phục vụ kẻ thù. Ông cứu một người Do Thái sống dở, chết dở bên đường. Nếu Giôna là sứ giả ‘bất đắc dĩ’ cho Ninivê, người Samaria là sứ giả ‘tình nguyện’ cho kẻ thù. Câu chuyện của con người tốt lành này là câu trả lời của Chúa Giêsu cho chất vấn của một luật sĩ, “Ai là người thân cận của tôi?”. Và để kết thúc cuộc phỏng vấn, Chúa Giêsu nói với nhà thông luật, “Hãy đi và làm như vậy!”.

“Hãy đi và làm như vậy!”. Chúa Giêsu đã đi và làm như vậy! Và kìa, người Samaria, ‘một người lương’ đại diện cho Ngài; và nạn nhân, đại diện cho cả nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Khi con người không thể tự cứu mình, đang trầy trụa, ghẻ lạnh vì tội lỗi; Chúa Giêsu đã rời trời, xuống thế, lưu lại để cứu chúng ta. Chúng ta ‘sống dở, chết dở’ hay đã ‘chết một nửa!’. Ngoài cái chết thể chất, chúng ta có thể ‘chết một nửa’ theo nghĩa tinh thần khi lửa đã tắt trong tim và chỉ còn ‘sống một nửa’ khi đang lây lất ‘sống qua ngày, đợi qua đời’ lúc không còn một chút nhiệt huyết cho bất cứ điều gì! Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu vực chúng ta lên; đưa chúng ta ra khỏi huyệt. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Lạy Chúa, Ngài đã đưa con lên khỏi huyệt để con được sống!”.

Anh Chị em,

“Hãy đi và làm như vậy!”. Có người nói rằng, người có đạo vào nhà thờ để yêu Chúa và ra ngoài để yêu người lân cận. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh, chương trình của Kitô hữu - chương trình của người Samaritanô nhân hậu, chương trình của Chúa Giêsu - là “một trái tim có thể nhìn thấy”. ‘Không thể trốn chạy’, nhưng là xem và dừng lại! Đây là lý do Chúa Giêsu khiển trách giới biệt phái “Các ông có mắt mà không thấy!”. Người Samaritanô thấy và dừng lại, ông có lòng thương xót và nhờ đó cứu được mạng sống của người bất hạnh và ‘cứu được chính mình’. Bạn và tôi cũng “Hãy đi và làm như vậy!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bao lần, con thật cô đơn khi con trốn chạy yêu thương. Dạy con bài học “Hãy đi và làm như vậy!” để con bớt cô đơn mỗi ngày!”, Amen.

 

Thứ ba: CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

“Maria đã chọn phần tốt nhất!”.

“Khu rừng sẽ rất im ắng nếu không có con chim nào hót ở đó, ngoại trừ những con chim hót hay nhất!” - Henry Van Dyke.

Kính thưa Anh Chị em,

Như “những con chim hót hay nhất” không làm cho khu rừng mất im ắng, thì Giôna đã cất ‘tiếng hót ăn năn’; Matta cất tiếng hót ‘nhiệt thành’; và Maria, cất tiếng hót ‘chiêm ngắm’ hay nhất… nhưng vẫn giữ cho khu rừng Lời Chúa hôm nay linh thiêng im ắng! Đặc biệt Maria, người được Chúa Giêsu khen ngợi, “Maria đã chọn phần tốt nhất!”.

Giôna, không chỉ là con người của bất tuân, nhưng còn là con người của sám hối; Matta, con người của bận rộn, nhưng là con người làm Chúa vui lòng; và nhất là, Maria, con người của chiêm ngắm, còn là con người đã ‘chọn phần tốt nhất’. Mọi Kitô hữu được gọi để sống ba nhân đức này. Cả khi cuộc sống tràn ngập đủ thứ công việc, bạn và tôi vẫn thường xuyên được mời gọi để ‘trở về’, ‘làm Chúa vui lòng’ và ‘chọn phần tốt nhất!’.

Trước hết, Giôna! Chúa gọi ông lần thứ hai sau khi cá ‘hóc’ ông lên bờ. Từ vực thẳm tanh tưởi như một quãng lặng trong bụng cá, Giôna bất động, nhầy nhụa, tối tăm; ở đó, ông trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Kẻ nổi loạn được cứu; thân xác được chữa lành; và linh hồn được thứ tha. Giôna không chỉ bị ném cho thuỷ thần nhưng còn được quăng vào đại dương từ ái của Thiên Chúa. Quờ quạng trên bờ cát, ông hiểu thế nào bất tuân, trốn chạy! Vì vậy, dẫu đang loi ngoi, nhơ nhớp, Giôna vẫn nghe rõ tiếng Ngài. Lần này, ông mềm mỏng; đứng dậy và làm theo. Nhờ ông, Ninivê sám hối, được thứ tha. Như vậy, trước khi Ninivê ăn năn, Giôna đã hết lòng sám hối. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Thứ đến, Matta! Ngày sống của chúng ta đan quyện bởi những công việc; làm ăn, dạy dỗ, giải trí và chăm sóc người khác… Chúng ta được tạo dựng để làm việc cho đến suốt đời; nhưng làm gì và làm thế nào để Thiên Chúa vui lòng mới là điều quan trọng! Làm sao bạn và tôi luôn ‘chọn phần tốt nhất’ hầu làm vinh danh Ngài nhất!

Sau cùng, tuyệt vời hơn cả, Maria! Trước khi là con người chiêm ngắm, Maria là con người lắng nghe. Lắng nghe và chiêm ngắm là điều cần làm trước nhất nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt đẹp bất cứ điều gì. Trong cuốn Tennyson’s Morte d’Arthur, vua Arthur nói với Sir Bedivere rằng, “Nhiều điều được tạo ra bởi lời cầu nguyện hơn là tất cả những gì mà thế giới mơ ước!”. Người chiêm ngắm là người đã ‘chọn phần tốt nhất!’.

Anh Chị em,

“Maria đã chọn phần tốt nhất!”. Lắng nghe, chiêm ngắm là phần quý nhất! Chỉ khi cầu nguyện, chiêm ngắm, con người mới thực sự vĩ đại trước mặt Thiên Chúa; và cũng chỉ khi chiêm ngắm, cầu nguyện con người thực sự là những con chim hót hay nhất, ngợi ca Thiên Chúa thay cho cả thế giới vốn là một khu rừng không bao giờ im ắng. Chúa Giêsu đã sống gắn bó với Chúa Cha, làm vui lòng Cha, và hoàn toàn vâng phục ý Cha. Hãy chiêm ngắm Ngài, hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, bạn và tôi sẽ làm mọi việc hết tình và hết mình cho vinh quang Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sám hối như Giôna, nhiệt tâm như Matta và biết ở lại với Chúa như Maria. Và như thế, con có thể là một trong những con chim hót hay nhất!’”, Amen.

 

Thứ tư: KHÔNG THỂ THÂN TÌNH HƠN

“Lạy Cha chúng con!”.

Mọi người đều cần sự công nhận cho thành tích của mình, nhưng ít ai nói rõ nhu cầu này! Một cậu bé nói với cha, “Ba ơi, hãy chơi phi tiêu! Con ném tốt, ba sẽ la lên, “Tuyệt vời!”; và con thích nhất, mỗi khi con ném trật, ba cười rồi hét lên, “Gần trúng!””.

Kính thưa Anh Chị em, “Gần trúng!”, dễ thương làm sao!

Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều gì đó ‘không thể thân tình hơn’ giữa Thiên Chúa và con người. Đó là sự thân tình giữa một tương quan Cha - con; tương quan giữa một người bạn với một người bạn!

Bài đọc Giô-na tường thuật cuộc tranh luận khó tin của một Thiên Chúa với một phàm nhân. Giôna, một kẻ vừa được cứu và một lần nữa được sai đi Ninivê; đến nơi, thấy bao điều xấu xa, ông giận dữ và xin được chết đi nếu Chúa tha cho thành.

Chúa phân trần, “Ngươi nổi giận như thế có lý không?”. Và dẫu ‘không dám’ trách Giôna nửa lời, Ngài thuyết phục ông. Ngài cho một cây thầu dầu mọc lên, che nắng cho ông; sau đó, sai một con sâu cắn ngang, cây khô héo và giải thích, “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó… Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê?”. Giôna phải học biết Ngài, Đấng “chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự thân tình đó khi dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Thánh Anrê Bessette nói, “Khi bạn thưa lên ‘Lạy Cha’, tai của Thiên Chúa chạm xuống môi bạn!”; Têrêxa Ávila, “Nhiều điều đã xảy ra tức khắc, bây giờ và sau đó, chỉ bởi một lời ‘Lạy Cha’ cất lên từ trái tim!”; Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “‘Lạy Cha’, một lời cầu nguyện khi linh hồn tôi cằn cỗi đến nỗi không có một suy nghĩ nào đáng giá!”. Trong Thánh Lễ, mời dân Chúa cầu nguyện với kinh Lạy Cha, linh mục xướng, “Chúng ta dám nguyện rằng”. Đó là một lời mời gọi khá liều lĩnh khi con người dám thưa lên với Thiên Chúa một danh xưng ‘không thể thân tình hơn’.

Chúa Giêsu muốn chúng ta táo bạo như Giôna, mạnh dạn như chính Ngài, dám gọi Thiên Chúa là Cha, là bạn, hầu đến bên Ngài với sự tự tin của một em bé. Em bé không sợ; đúng hơn, có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ yêu chúng dù chúng thế nào! Cả khi có lỗi, chúng biết, chúng vẫn được yêu. Đây phải là ý thức căn bản khởi đầu cho mọi giờ, mọi phút, mọi khi cầu nguyện!

Anh Chị em,

“Lạy Cha chúng con!”; “Con thích nhất mỗi khi con ném trật, ba cười rồi hét lên, “Gần trúng!””. Điều cậu bé thích nhất nơi cha mình cũng là điều Cha trên trời thích nhất nơi bạn và tôi; Ngài ước mong tương quan với mỗi người chúng ta như thế đó! Nhờ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trợ giúp, chúng ta biết mình có một người Cha, “Abba”, không quá xa, nhưng rất gần gũi, thấu hiểu, đầy cảm thông. Một Thiên Chúa dạy dỗ, uốn nắn, qua đối thoại, qua các biến cố với những ‘cây thầu dầu’ bất chợt. Ngài ước trở nên bạn bè, Cha con với chúng ta. Chớ gì bạn và tôi biết dành cho Ngài một chỗ trong tim, để Ngài có thể thật sự là Chúa, là Thầy, là bạn và là Cha của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường ‘ném trật’, Chúa thường vờ khen. Cho con mỗi ngày và từng ngày, chỉ tìm làm vui lòng Chúa!”, Amen.

 

Thứ năm: VƯỢT TRÊN TRUNG LẬP

“Ai không đi với Tôi, là chống lại Tôi!”.

Thời nào cũng thế, có những người không kiên định trong lập trường, không rõ ràng trong chính kiến, không dứt khoát trong chọn lựa! Câu nói “Gặp thời thế, thế thời phải thế!” của Ngô Thời Nhậm bị lạm dụng không chỉ trong chính trị, nhưng cả đời sống tôn giáo. Bởi lẽ, một số người tự mệnh danh cho mình là “người trung lập”. Thế nhưng, một nhà tu đức nói, “Nơi nóng nhất trong hoả ngục thuộc về những người trung lập!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nơi nóng nhất trong hoả ngục thuộc về những người trung lập!”. Vậy, những ai “chống lại” Chúa Giêsu sẽ ở đâu; nơi đó, sẽ nóng hơn biết bao? Trong Tin Mừng hôm nay, lập trường của Chúa Giêsu thật rõ, “Ai không đi với Tôi, là chống lại Tôi!”. Ngài không muốn các môn đệ của Ngài trung lập, Ngài muốn họ ‘vượt trên trung lập!’.

Với tuyên bố này, Chúa Giêsu dứt khoát không chấp nhận một hạng môn đệ lập lờ! Đây là một thông điệp quan trọng cho thế giới! Vì như lời Thánh Vịnh đáp ca, sẽ đến ngày, “Chúa xét xử thế giới theo lẽ công minh!”. Vì rằng, mọi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa vào ngày của Ngài như bài đọc Gioel cảnh báo, “Ôi, ngày đáng sợ thay!”.

Hiện nay, xu hướng thế tục vốn bị tác động bởi “chủ nghĩa tương đối” đang ngày càng gia tăng. Nhiều người nói, tôi có thể chấp nhận bất kỳ đạo đức nào, lối sống nào, lựa chọn nào. Và dù họ yêu thương, đón nhận, đối xử với mọi người đúng phẩm giá và trân trọng; nhưng sẽ thật sai lầm khi họ chọn một kiểu sống trung lập với những lựa chọn hoàn toàn thế tục. Buồn thay, nói ra sự thật này, chúng ta thường bị dán nhãn là người đạo đức hay phán xét!

“Ai không đi với Tôi, là chống lại Tôi” cho thấy không ai có thể thờ ơ với giáo huấn của Chúa Kitô mà vẫn sống trong ân sủng của Ngài. Ngược lại mới đúng! Không đi với Chúa Kitô, nghĩa là, không chấp nhận những gì Ngài dạy trên thực tế, là đã chống lại Ngài. Trung lập về các vấn đề đức tin và đạo đức thực ra là không trung lập chút nào, đó là tách rời chính mình khỏi Chúa Kitô. Ví dụ, ai đó nói, “Tôi tin Chúa Kitô, nhưng không tin Bí tích Thánh Thể”; thực tế, họ từ chối Ngài và đã đi ngược đức tin! Điều này cũng đúng về mặt luân lý. Rất nhiều gương xấu luân lý ngày càng trở nên lộ liễu chống lại giáo huấn Tin Mừng, đang khi từ chối Tin Mừng là từ chối Chúa Kitô!

Anh Chị em,

“Ai không đi với Tôi, là chống lại Tôi!”. Cuộc chiến nội tâm không có thoả hiệp; nó phải dứt khoát, thần dữ hay thần lành, Thiên Chúa hay ma quỷ! Bởi lẽ, không có bất cứ một dung hợp nào giữa Thiên Chúa và ma quỷ; thánh thiện và gian ác! Đức Bênêđictô 16 nói, “Chúng ta đang đối mặt với một lực cản đặc biệt đáng ngại, đó là chủ nghĩa tương đối. Tiêu chuẩn tối thượng duy nhất của nó là ‘cái tôi’ và những ước muốn của nó!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta ‘vượt trên trung lập’, đặt Thiên Chúa và Lề Luật của Ngài trên tất cả mọi lựa chọn. Sách Khải Huyền đã viết, “Giá như ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn, nhưng bởi vì ngươi hâm hẩm, nên Ta sẽ mửa ngươi ra!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lập lờ, khôn ngoan kiểu thế gian. Và cho dù là chỗ ít nóng nhất của hoả ngục, cho con sống làm sao để số phận không kết thúc ở đó!”, Amen.

 

Thứ bảy: KIỆT TÁC CỦA MỘT KIỆT TÁC

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”

William Hearst, một tỷ phú, đã đầu tư cả gia tài vào các tác phẩm nghệ thuật. Ngày kia, biết đến một kiệt tác, ông cử đại diện ra nước ngoài tìm. Sau nhiều tháng, viên đại diện báo tin về, trước sự ngạc nhiên của William, “Kiệt tác vô giá được cất giữ trong kho của William Hearst!”. Như vậy, ông đã cho tìm kiếm một kho báu mà ông sở hữu! Nếu chịu khó đọc danh mục tác phẩm của mình, ông đã tiết kiệm được bao thời gian và tiền bạc!

Kính thưa Anh Chị em,

Như tỷ phú William, nhân loại đã sở hữu “Giêsu”, một ‘Kiệt Tác’; ấy thế, hơn 2.000 năm qua, con người vẫn mải miết đi tìm nó! Lời Chúa hôm nay không chỉ nói đến Kiệt Tác “Giêsu”, nhưng còn nói đến nói đến Maria, mẹ Ngài, ‘kiệt tác của một Kiệt Tác’ mà một phụ nữ đã phát hiện, “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”.

Sự hiểu biết của phụ nữ này thật sâu sắc! Cô cảm nhận sự vĩ đại của một vị Thầy có tên Giêsu; và hầu chắc, cô linh cảm Giêsu, một Messia. Thật đáng nghi! E rằng, cô đã đoán được phần nào Ngài còn là một Thiên Chúa làm người! Từ sự vĩ đại của “Con”, cô suy đoán sự vĩ đại của “mẹ”. Với cô, ai đã sinh ra ‘Kiệt Tác’ này cho thế giới, người ấy sẽ là một ‘kiệt tác’ của nhân loại, “Phúc đức tại phụ mẫu”. Và cô ấy đúng! Nhân tính của “Giêsu” là kiệt tác của “Maria!”. Tất cả những gì Mẹ có, Mẹ là, Maria đã chuyển cho Con mình. Đang khi không ai dám nghĩ sự hoàn hảo nơi thần tính Chúa Giêsu phần nào cũng có công nghiệp của Mẹ, thì sẽ rất bất công nếu bảo, Maria chẳng có tác động nào lên sự hoàn hảo nơi nhân tính của Chúa Con. Vì thế, Maria, là ‘kiệt tác của một Kiệt Tác’ vậy!

Vậy tại sao Maria là một kiệt tác? Vì lẽ, khi sai Con vào trần gian, Chúa Cha muốn Chúa Con có một người mẹ vốn phải tốt nhất, hoàn hảo nhất. Để chuẩn bị, Ngài ban cho Maria nhiều ân đức, đặc biệt ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, hầu gìn giữ Mẹ tinh tuyền. Ai có thể tưởng tượng, Giêsu trong trắng, được bao bọc trong một thân xác ô nhiễm bởi tội lỗi trong chín tháng đầu đời? Liệu một đứa trẻ tinh nguyên như thế, đến bao giờ mới có thể ‘ngừng khóc’ khi ‘một tội nhân’ chăm sóc? Vì thế, Chúa Cha đã chuẩn bị cho mẹ của Chúa Con một phép lạ có một không hai. Và đó là lý do tại sao, Maria là một kiệt tác!

Anh Chị em,

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”. Đó là lời khen người phụ nữ kia đã dành cho kiệt tác Maria. Nhưng, thật bất ngờ, Chúa Giêsu còn nói đến một điều gì đó quý hơn cả một kiệt tác, “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”. Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa bằng Maria, người đã không bỏ rơi một Lời, một ý nào của Ngài! Vì thế, Maria còn hơn là một kiệt tác! Và lạ lùng thay, cả chúng ta, nếu nghe và giữ lời Thiên Chúa như Mẹ, bạn và tôi cũng là một kiệt tác! Và còn hơn thế, chúng ta sẽ sinh ra những kiệt tác khác cho Chúa, cho thế giới bằng sự cộng tác hết mình với ân sủng; nghĩa là, phải nên thánh và giúp người khác nên thánh bằng Lời Chúa và thực thi Lời Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, mọi vật, mọi sinh linh Chúa tạo thành đều hoàn hảo. Dẫu không là một kiệt tác hay tuyệt phẩm, cho con đừng trở nên một tác phẩm xoàng, tác phẩm hỏng!” Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...