SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN-B
Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc
10,17-30
Suy niệm 1:
Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống
đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy?
Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách để đạt đến khát vọng
cao quý ấy.
Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý, luân lý,
bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú
trọng đến phần luân lý mà ít quan tâm đến phần tín lý nên có những sai lệch
trong cái nhìn và cách sống đạo.
Nền luân lý Công giáo ngày nay nhấn mạnh đến mục đích và phương tiện
trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý
được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều phải đúng.
Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng thì hành vi đó có nguy cơ sai lạc.
Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của
cải người giàu để chia cho người nghèo; hoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát
khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an
tử thì không đúng, vì ta đã xử dụng phương tiện sai trái cho dù hướng đến mục
đích là tốt đẹp.
Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh
tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp
vào sự sống-chết trên mình hay người khác.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật
rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải không
phải là phương thế duy nhất để đưa anh đạt đến hạnh phúc nước trời. Vì thế, anh
ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải
làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Và thật bất ngờ với lời đề nghị
của Chúa Giêsu là: “anh hãy về và bán hết
của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó…rồi đến theo Ta”. Như vậy
yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống
đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của
Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.
Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là
tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng vô hồn, nhưng
phải là tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm
tin yêu và phó thác vào Chúa.
- Yêu Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là
tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán
tất cả …mà theo Ta”.
Yêu người, thì phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt
những người nghèo khó, nên “hãy bán hết
của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Chúng ta theo đạo và sống đạo với mục đích tối hậu là để đạt đến hạnh phúc nước trời, xin Chúa cho chúng ta
biết phụng sự Chúa với tấm lòng kính tin, cũng như biết yêu thương tha nhân
bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Được như thế, chúng ta mới có được
bình an nơi tâm hồn và mới mong đạt được hạnh phúc đích thực ở đời sau. Amen.
Suy niệm 2: CHỌN LỰA
Câu chuyện về chàng thanh
niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những
bài học sâu sắc về sự lựa chọn giữa của cải trần gian và Nước Trời.
Câu chuyện này đặt ra cho
chúng ta những câu hỏi căn bản sau:
- Giá trị thật sự của sự
giàu có là gì?
- Chúng ta có thể vừa theo
Chúa vừa yêu tiền bạc không?
- Điều gì ngăn cản bước
tiến chúng ta đi theo Chúa?
Chàng thanh niên mà Tin
mừng hôm nay nói đến là một người giàu có và xem ra giữ đạo khá tốt vì anh ta đã
tuân giữ các điều luật của Chúa rất nghiêm ngặt từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, với Chúa thì bấy nhiêu
vẫn chưa đủ điều kiện để được vào nước trời. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi anh ta
hãy bán hết tài sản mà bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến đi theo Ngài. Nhưng
vì lời mời gọi ấy của Chúa không phù hợp với lối suy nghĩ và cách sống đạo theo
ý của anh ta, nên anh ta có vẽ thất vọng, rồi buồn bã và bỏ đi. Điều này cho
thấy sức mạnh tình yêu mà anh ta dành cho tiền bạc của cải quá lớn, đến nỗi đã
trở thành bức tường ngăn cách khiến anh ta không thể nào đến được gần Chúa.
Khi chiêm ngắm hình ảnh
của chàng thanh niên giàu có trong phúc âm hôm nay, Chúa như nhắc nhở chúng ta
rằng:
- Tiền
bạc không phải là tất cả: Của cải vật chất chỉ là
phương tiện để chúng ta sống, chứ không phải là mục đích sống. Chúng ta không
thể mang theo của cải vào cõi vĩnh hằng.
- Chúa
đòi hỏi sự từ bỏ: Để theo Chúa, chúng ta
cần sẵn sàng từ bỏ những gì chúng ta yêu thích, kể cả tiền bạc, của cải vật
chất. Sự từ bỏ này không phải là mất mát mà là một sự trao đổi, chúng ta sẽ
nhận được một kho báu trên trời.
- Việc
chọn Chúa là một chọn lựa khôn ngoan: Cuộc sống của chúng ta
chỉ có ý nghĩa và hạnh phúc đích thực một khi chúng ta biết đặt Chúa vào vị trí
quan trọng và trên hết, vì Ngài là Đấng ban sự sống và mọi ơn phúc lành, nên
chúng ta chỉ tìm thấy được bình an, hạnh phúc và sự sống đích thực khi gắn kết
mật thiết với Chúa. Vậy chúng ta hãy dành thời gian nhiều hơn để tiếp xúc thân
tình với Chúa ngang qua sống cầu nguyện, siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, tích
cực tham gia các sinh hoạt mục vụ của Giáo hội.
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra giá trị thật của cuộc sống mà can đảm từ bỏ những gì ngăn cản bước chân ta theo Chúa. Xin cũng cho chúng ta có một trái tim rộng mở để sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho những người xung quanh, nhất là những ai nghèo khổ. Amen. (St).
Thứ hai: Lc 11, 29-32
Mặc dù được nghe rất nhiều lời
giảng dạy và chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do
Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng lời. Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như
người Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo
Huấn của Giáo Hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
"Người buồn cảnh có vui bao
giờ". Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng
trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có
chứng kiến bao là phép lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp
của Chúa Giêsu, rốt cùng họ vẫn không tin.
Như hết cách, Chúa Giêsu đành
phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng
chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na.”.
Như một cố gắng cuối cùng, Chúa
Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi
não trạng.
Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa,
nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona.
Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật
đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người
còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không
để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng
phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến
vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn
ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là
sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng
thèm nghe. Thật đau lòng!
Chính lòng tự mãn và mù quáng đã
làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù quáng và tự mãn, nhưng trở
nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và
quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm
khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn
mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Thứ ba: Lc 11,37-41
Nhớ Thánh Tê-rê-sa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
xác định lại tính sạch dơ phát xuất từ đâu? và đâu là sự dơ bẩn đáng sợ nhất
trong đời sống?
Chúng ta đang sống trong một thế
giới báo động đỏ về nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà lãnh đạo tâm huyết của thế
giới đã kêu gọi liên kết với nhau để nhằm tìm ra những giải pháp làm giảm đi
nạn ngây ô nhiễm môi sinh.
Năm 2015, ĐGH Phanxicô trong
thông điệp Laudato-si cũng cho thấy tác hại ghê gớm của nạn ô nhiễm môi trường
và tha thiết kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ ngôi nhà chung, nhằm để lại cho
thế hệ mai sau một bầu không khí trong lành.
Dẫu những ô nhiễm bên ngoài tác
động không nhỏ đến đời sống thể lý của con người cần phải thanh tẩy cho trong
sạch nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người.
Tuy nhiên ô nhiễm bên trong mới
là điều đáng lo ngại.
Chính ô nhiễm tâm hồn, ô nhiễm
lối sống ích kỷ và tham lam đồng tiền đã đánh mất những giá trị sống lành mạnh.
Từ đó đẩy con người đến chỗ không còn biết hành xử văn hóa nữa. Dẫn đến tình
trạng vức rác bừa bãi, xả thải nước công nghiệp độc hại ra môi trường, sản xuất
nông nghiệp độc hại vô tư; tình trạng thức ăn bẩn được rao bán tràn lan…dẫn đến
biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm ngập mặn và bệnh tật bùng phát làm cho
đời sống người dân điêu đứng khốn cùng!
Chính vì thế trong bài Tin mừng
hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho những người Biệt phái và Luật sĩ hiểu rằng:
Những gì xuất phát từ bên trong mới gây nên những điều xấu xa và nguy hại. Nếu
tâm trí lành mạnh sẽ dẫn đến hành động tốt đẹp, ngược lại tâm trí đầy u tối và
toan tính xấu xa sẽ đưa đến những việc làm đen tối gây nguy hại cho con người
và cuộc sống. Do đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ý thức trong việc thanh tẩy
tâm hồn hơn là chú tâm vào việc tẩy rửa bên ngoài chén đĩa.
Khi nuôi dưỡng trong lòng những ý nghĩ tốt sẽ làm những điều lành và có ích
cho mọi người. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết thanh tẩy tâm hồn khỏi những dơ
bẩn của tính xấu và những vấn vương tội lỗi để chúng ta có những lời nói và
hành vi tốt đẹp trong sáng chân thành dành cho Chúa và cho nhau trong đời sống.
Thứ tư: Lc 11, 42-46
Với những lời khiển trách của
Chúa Giêsu dành cho những người Biệt phái và Tiến sĩ luật trong đoạn tin mừng
hôm nay, giúp chúng ta nhận dạng ra những biểu hiện của lối sống giả hình:
- Tư lợi: Theo luật quy định thì:
“Mỗi năm anh (em) phải trích một phần mười tất cả hoa lợi lấy từ những gì anh
(em) gieo, những gì mọc lên ngoài đồng. Anh (em) sẽ dùng trước nhan Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh (em), ở nơi Người chọn cho Danh Người ngự…để mọi ngày anh
(em) học cho biết kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em).” (Đnl 14, 22).
Nhưng do quá tham lam tiền bạc nên giới Biệt phái và Luật sĩ đã đánh vào những
loại thuế hơn những gì sách luật quy định như:“bạc hà, vân hương và các thứ
rau”, từ đó làm mất đi ý nghĩa tôn giáo của bổn phận nộp thuế. Trong khi đó họ
lại sao lãng “những điều quan trọng trong lề luật, là đức công bình, lòng yêu
mến Thiên Chúa thì lại bỏ qua; lẽ ra phải làm những điều này và không được bỏ
những điều kia.”.
- Hám danh: Những người Biệt phái và Luật sĩ
rất hám danh nên lúc nào cũng muốn đặt mình vào vị trí cao trọng nhất “ưa thích
ngồi ghế nhất trong hội đường và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ.” Nhưng
họ có biết đâu rằng: danh dự không do tự mình đặt lên mà là do người khác nhìn
nhận và đặt để cho mình lên mới xứng hợp.
- Chuộng hình thức: Vì muốn che đậy tâm địa xấu xa
và thối nát bên trong nên những người Biệt phái và Luật sĩ cố tình tạo ra bên
ngoài một lớp vỏ đạo đức bằng cách: “họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những
tua áo thật dài.” (Mt 23, 5). Nhưng những hành vi che đậy tinh vi ấy không thể
nào qua được con mắt tinh tường của Chúa Giêsu. Vì thế, Ngài không ngần ngại
dùng hình ảnh mồ mả để sánh ví lối sống chuộng hình thức của họ: “khốn cho các
ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà
không hay biết.”.
- Nói mà không làm: Lối sống này biểu hiện rất rõ
nét nơi các Tiến sĩ luật. Theo truyền thống hội đường Do-thái thời Chúa Giêsu,
các tiến sĩ luật đã đề ra đến 613 điều luật. 365 điều cấm làm và 248 điều phải
làm. Giữa một rừng điều luật như thế thì ngay cả chính người thông luật còn bối
rối huống chi là người dân. Nên có lần một người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê ?”
(Mt 22, 36). Chính vì quá nhiều luật lệ do các tiến sĩ luật đặt ra, vô hình
chung đã trở nên gánh nặng chất chồng lên vai người dân. Trong khi đó, những
tiến sĩ luật lại không hề thực hiện. Do đó, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên
án họ rất nặng lời: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa, vì các
ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi
dù một ngón tay cũng không động tới.”
Những lời quở trách của Chúa
Giêsu dành cho những người Biệt phái và giới Luật sĩ khi xưa, âu cũng là lời
nhắc nhở chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy nghiêm túc xét mình, xem coi có những
biểu hiện của lối sống giả hình như những người Biệt phái và Luật sĩ không? Nếu
có, ta hãy khiêm tốn xin Chúa tha thứ mà can đảm chấn chỉnh lại đời sống sao
cho phù hợp với ý muốn của Chúa.
Thứ năm: Lc 11,47-54
Nhớ Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử
đạo.
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại
những lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu dành cho những người Biệt phái và
các Tiến sĩ luật về 2 vấn đề:
1. Gían tiếp giết hại sứ giả của Chúa.
Họ đã cộng tác cách gián tiếp với
cha ông họ mà giết hại các tiên tri. Nếu họ đã nhận ra được sự sai lầm của các
tổ phụ vì đã giết hại các Tiên Tri từ xưa đến nay mà ra công xây lại mồ mả cho
các tiên tri như là một sự bù đắp, thì đáng lý giờ đây họ phải cương quyết
không đi theo vết xe đổ ấy mới phải. Đàng này họ tiếp tục chống đối và khướt từ
lời dạy của Đức Giêsu, một vị ngôn sứ tối cao đến từ Thiên Chúa.
2. Bẻ cong luật Chúa.
Những Tiến sĩ luật là những người
thông thạo về thánh kinh và luật lệ. Họ có nhiệm vụ giải thích cho dân chúng
hiểu biết và tuân giữ luật Chúa. Ấy thế mà họ cố tình bẻ cong luật Chúa để giải
thích theo ý mình. Vì lợi ích nhóm nên họ đã tùy tiện đưa ra nhiều khoản luật
theo hướng có lợi cho mình nhưng lại nên trở gánh nặng chồng chất trên vai dân
chúng, khiến người dân rất hoang mang vì không thể phân biệt được đâu là điều
chính, đâu là điều phụ nữa. Vì thế mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách
họ rất nặng lời: "Các ngươi cất giữ chìa khóa sự hiểu biết. Chính các
ngươi không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ
lại."
Xấu hổ và khó chịu vì bị Chúa
Giêsu vạch mặt nên họ đã tìm mọi cách để loại trừ cái gai Giêsu ra khỏi con mắt
họ. Và để hãm hại Chúa Giêsu, họ đã bày ra nhiều phương cách như: tăng bốc, đe dọa,
hạ uy tín...ngay cả giăng bẫy để đưa Chúa Giêsu sa vào lưới của khung hình phạt
nặng nhất mà tiêu diệt.
Chính lòng ghen tỵ và óc tự mãn
đã làm cho cặp mắt của những người Biệt phái và Luật sĩ bị mờ đi. Họ không còn
khả năng nhận ra ánh sáng chân lý nữa.
Ngày nay ngoài xã hội cũng như
trong gia đình vẫn còn đó những bóng tối của kiêu căng, gian dối, tham lam, ích
kỷ và hận thù...làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt khó thở. Xin Chúa cho mỗi
người chúng ta biết can đảm dẹp hãm bản thân để mưu cầu lợi ích và hạnh phúc
cho tha nhân. Nhất là biết khiêm tốn đón nhận và sống theo ánh sáng chân lý của
lời Chúa, nhờ đó mà ánh sáng của niềm vui Tin mừng được lan tỏa đến mọi nơi.
* Suy niệm 2: Pl 3, 17- 4,1; Ga 12, 24-26
Lời Chúa trong đoạn tin mừng
chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta nhớ lại quy luật tự nhiên
của đời sống, chết đi để được sống, khi phân quyết: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng
đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới
sinh được nhiều bông hạt.” (Ga 12,24). Dựa trên nền tảng của nguyên tắc này,
Chúa Giêsu khẳng định cho chúng hiểu rằng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự
sống đời đời.” (Ga 12,25).
Thánh Ignatio đã nhận ra nguyên
tắc và hiểu được quy luật này nên ngài đã vui lòng dâng hiến đời mình, sẵn sàng
chịu chết đau thương vì tin yêu Chúa và GH.
Ngài sinh trưởng năm 50 tại
Syria, Inhaxiô trở lại Kitô giáo và sau đó làm giám mục Antiokia.
Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé
thăm Antiokia và buộc các Kitô hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Inhaxiô vì
lòng yêu mến Chúa nên đã cương quyết không chối bỏ đức tin mà chấp nhận án tử
hình ở Rôma.
Trên đường từ Antiokia đến Rôma
chịu tử đạo, GM Inhaxiô đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo
hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời
bề trên. Ngài cảnh giác họ đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ
những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo. Lá thư thứ sáu ngài gửi cho
Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Và trong
lá thư sau cùng, ngài xin các Kitô hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo.
“Điều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho
Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới
nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô.”
Ước nguyện của ngài trở thành
hiện thực khi chịu tử đạo dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107. Thánh
tích của ngài hiện còn lưu giữ tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô ở Rôma.
Có thể nói điều quan tâm lớn lao
của thánh Inhaxiô là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Nhưng cao quý hơn
cả là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên không
phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến GM Inhaxiô, nhưng vì niềm tin và tình
yêu tuyệt đối ngài dành cho Thiên Chúa. Chính vì niềm tin và tình yêu ấy thì dù
ngài có chết thì Thiên Chúa cũng cho ngài sống lại trong vinh phúc.
Xin Chúa cho chúng ta biết noi
gương thánh Ignatio, luôn đặt niềm tin kiên vững vào tình thương và quyền năng
Chúa, để dù cho chúng ta có gặp gian nan thử thách, ngay cả phải hy sinh mạng
sống mình, chúng ta vẫn an vui đón nhận bởi ta tin vào lời dạy của Chúa: "ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời
đời.”
Thứ sáu: 2Tm
4,10-17b; Lc 10,1-9
KÍNH THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng
thánh lễ mừng kính thánh Luca, tác giả sách Tin mừng. Chúng ta không biết rõ về
quê quán và gia thế của ngài, chỉ biết ngài gia nhập kitô giáo ở Antiokia và
qua đời bên Hy lạp. Ngài được thánh Phaolô nhắc đến như người bạn đồng hành
trong bước đường loan báo Tin mừng. Ngài chính là tác giả của sách Tin mừng thứ
ba và sách công vụ tông đồ.
Đọc những tác phẩm của thánh Luca
ta nhận ra được thao thức lớn nhất của thánh nhân là làm chứng niềm vui Tin
mừng của Chúa đến tận cùng trái đất theo lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh.
Tạ ơn Chúa vì GH có được một vị
thánh tài hoa và nhiệt tâm tông đồ. Tạ ơn Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao
giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa là người Cha
giàu lòng thương xót.
Xin cho chúng ta biết siêng năng
học hỏi TM của thánh Luca để chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Chúa, nhờ đó ta
mới có thể loan báo niềm vui Tin mừng của Chúa cách tích cực và hiệu quả.
Công đồng Vatican II khẳng định
rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans
natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như
Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa
Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ:“Anh em hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải
đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn
ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà
Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật
lại sự kiện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ
vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên
hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “Đừng
mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội
Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay
Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng
muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Phải chăng truyền giáo là công
việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người
tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội
Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín
hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của
mình.
Mục đích truyền giáo là giới
thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là
một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc
không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể
giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là
ai?
Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho
người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày,
đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên
môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù
thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước tiên chúng ta can đảm
tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta
chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo, chúng ta can đảm sống
cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì
những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta phải thực hành
niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người
Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi
tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn
khắc khoải “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người chúng con
hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh
Luca thao thức sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi nơi. Xin cho
chúng con biết cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả
năng và sức lực của mình theo gương thánh Luca mà hôm nay GH mừng kính.
* Mùa Thường niên: Lc 12, 1-7 (Ga 15,1-8)
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay gồm 2 phần:
1. Phần thứ nhất: Chúa Giêsu lên
án lối sống giả hình của nhóm Biệt Phái và lưu ý các môn đệ cũng như đám đông
dân chúng hãy ý tứ giữ mình khỏi lây nhiễm thứ men giả hình ấy của Biệt Phái.
2. Phần thứ hai: Chúa mời gọi các
môn đệ can đảm sống và làm chứng cho sự thật, đừng sợ! Chúa Giêsu đưa ra nhiều
lý do để khuyến khích các môn đệ can đảm sống và làm chứng cho sự thật:
- Thứ nhất: “không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì dấu kín mà
chẳng biết được”.
- Thứ hai: Tin vào sự quan phòng của Thiên
Chúa: “năm con chim sẻ không bán được hai
đồng tiền sao? Thế mà không con nào bỏ bị quên trước mặt Thiên Chúa. Tóc trên
đầu các con cũng được đếm cả rồi. Vậy các con đường sợ: các con còn trọng hơn
nhiều con chim sẻ”.
- Thứ ba: Thiên Chúa là Đấng quyền năng,
Ngài làm chủ sự sống chết của chúng ta. Do đó Người nhắc nhở chúng ta “đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác,
rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa”. Nhưng “hãy sợ Đấng, sau khi đã giết
chết, còn có quyền ném vào địa ngục”.
Trong một xã hội có quá nhiều gian dối như ngày nay. Xin cho chúng ta biết
can đảm dám sống sự thật về mình trước Chúa, người khác và lương tâm.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng
cảnh cáo các môn đệ tránh xa men Biệt Phái. Bởi lẽ loại men này rất nguy hiểm
và có sức mạnh lan tỏa rất ghê gớm nên cần đề phòng.
Vậy loại men ấy là men gì mà nguy
hiểm thế, đến nỗi Chúa Giêsu phải cảnh tỉnh các môn đệ Ngài tránh xa?
Thưa men ấy là chính đời sống xấu xa, tội lỗi của họ.
Men của Biệt Phái chính là lòng
kiêu căng, tự mãn và thói sống giả hình.
Loại men này có độc tố mạnh và
lan tỏa rất nhanh. Trái lại có một thứ men rất bổ dưỡng và đem lại sức khỏe cho
tâm hồn rất tốt. Loại men ấy Chúa Giêsu đã nói đến qua dụ ngôn nấm men trộn trong
ba đấu bột cho đến khi toàn bộ bột dậy men. Men ấy là men Tin mừng, men của
tình yêu, men của hy sinh, bao dung và tha thứ…nhưng đáng tiếc loại men này lại
ít ai thích sử dụng nên lan tỏa rất chậm chạp.
Ngày nay những loại men độc hại
luôn âm thầm thấp nhập và lan tỏa vào trong xã hội và dễ đi vào lòng người. Nên
lời cảnh báo của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị.
Men của ích kỷ, dối trá, dửng
dưng, tham vọng, tự do phóng túng…rất nguy hiểm gây xáo trộn xã hội và giết
chết tâm hồn con người nên cần phải tránh xa.
Xin Chúa cho chúng ta biết loại trừ khỏi tâm hồn chúng ta những độc tố của
những loại men nguy hại bằng cách tiếp nhận những loại men tốt mang lại sức
khỏe và sự sống tinh thần. Nhất là luôn can đảm khước từ những cám dỗ do hương
vị ngọt ngào của men độc tố mời gọi bằng việc gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu
nguyện, bác ái và chay tịnh tâm hồn.
Suy niệm 3: Ga 15,1-8
Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen
thuộc là cây nho, để nói lên sự gắn kết sâu xa giữa Ngài với Chúng ta. Vì tình
yêu Chúa Giêsu ở lại với chúng ta và mong muốn chúng ta ở lại trong Ngài để
tiếp nhận sự sống dồi dào Ngài thông truyền cho chúng ta. Nhờ thế chúng ta mới
có thể trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa và dành tặng cho
nhau.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh
ví Ngài như là cây nho được Chúa Cha trồng xuống thế gian. Chúng ta được ví như
là những cành kết hiệp trong cùng một cây nho là Chúa Giêsu.
Mục đích của người trồng nho là
để thu hoạch hoa trái. Nên các cành của cây nho phải sinh nhiều hoa trái thì
mới làm vui lòng ông chủ.
Khi sánh ví chúng ta là cành nho
thì đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta sinh nhiều hoa trái là các việc
lành phúc đức, để Thiên Chúa được vinh hiển nơi chúng ta. Nhưng để cành nho
sinh nhiều hoa trái, cần phải có hai điều kiện:
Thứ nhất gắn liền với thân nho. Cành nào càng gắn kết với với
thân nho thì càng tươi tốt và sinh nhiều hoa trái. Cũng vậy để có đời sống sung
mãn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành, chúng ta phải liên kết chặt
chẻ với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và năng lãnh nhận các bí tích nhất
là bí tích Thánh Thể.
Thứ hai phải được chăm sóc và chịu cắt tỉa. Niềm vui của người
trồng nho là làm sao cho vườn nho sinh thật nhiều hoa trái tốt lành. Vì thế chủ
vườn nho đã không ngừng chăm sóc và cắt tỉa những cành nho chu đáo. Cũng vậy,
để sinh thật nhiều hoa trái tốt lành, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc chúng ta
bằng Giáo huấn và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, đồng thời Chúa
cũng hằng cắt tỉa chúng ta bằng cách cho phép sự dữ, thử thách, thất bại và đau
khổ… xảy ra trong cuộc sống. Việc làm đó là cần thiết để ta được dạn dày nhờ
những trãi nghiệm không ngừng, hầu mỗi ngày ta nên thanh sạch và mạnh mẻ hơn.
Xin cho chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Chúa và với nhau, luôn tin
tưởng phó thác vào ơn ban của Chúa; nhất là can đảm để Chúa cắt tỉa đời mình
mỗi ngày. Nhờ thế, cuộc sống ta mới có thể sinh được nhiều hoa trái tốt lành mà
phụng sự Chúa và phục vụ ích lợi cho nhiều người. Amen.
Thứ bảy: Lc 12, 8-12
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp
tục khuyến khích các môn đệ hãy can đảm xưng nhận Chúa trước mặt người đời,
cũng như trước mặt vua quan thế quyền với những lý do sau:
- Chúa Giêsu sẽ bênh vực họ trước
mặt Thiên Chúa, nên người môn đệ mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Còn ngược lại nếu chối bỏ Chúa Giêsu thì Người cũng sẽ chối bỏ họ trước mặt
Chúa Cha. Nếu chối bỏ Chúa Giêsu cũng là chối bỏ sự thật và chân lý, bởi lẽ
“Chúa Giêsu là đường là sự thật và là chân lý”. Mà chối bỏ chân lý là xúc phạm
đến Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần. Đó là tội mà Chúa Giêsu khẳng định là sẽ
không được tha.
Cuộc đời của Giuđa Ítcariốt và
Phêrô đều giống nhau là đã chối bỏ Chúa Giêsu. Nhưng lại có kết quả khác nhau:
ông Giuđa không biết ăn năn, không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên
đã đi tự tử. Còn thánh Phêrô đã được tha thứ, vì ông tin vào tình thương tha
thứ của Chúa nên đã ăn năn hối cải. Như thế tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là
cố tình chối bỏ chân lý, sự thật mà không chân thành sám hối.
- Có Chúa Thánh Thần bảo vệ và
hướng dẫn. Chúa Giêsu cho biết khi làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp nhiều
nguy hiểm bởi thế gian và sẽ bị bắt hại bởi vua quan, chính quyền. Nhưng Chúa
Giêsu cũng bảo đảm với các môn đệ là có Chúa Thánh Thần luôn hiện diện ngay bên
để nâng đỡ họ: “Các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào: vì
trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào.”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con để chúng con can đảm sống và làm chứng cho chân lý. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con kiên vững niềm tin để không bao giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn của thế gian nhưng luôn mạnh dạn xưng nhận Chúa trước mặt người đời.
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVIII
THƯỜNG NIÊN
Lm. Minh Anh, Tgp Huế
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN-B
Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc
10,17-30
Suy niệm 1: CHUI QUA LỖ KIM
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu vào Nước Thiên Chúa!”.
“Lỗ kim” ám chỉ
một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem. Sau
khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một
cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó. Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống,
nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua. Điều này đòi hỏi
nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!
Kính thưa Anh Chị
em,
Tin Mừng Chúa Nhật
hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời
đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”. Điều này khiến các môn
đệ kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc hơn - và cũng thú vị hơn - Lời Chúa mời gọi các
môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’.
Câu chuyện muốn
nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào! Trong trường hợp này,
Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người
ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào. Ngài mời anh từ bỏ sự giàu
có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời. Đầy yêu thương, Ngài nói với anh,
“Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên
trời. Rồi hãy đến theo tôi!”. Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.
Lòng tham của và
sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn. Đó là một sự
thật! Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác. Khi chúng
ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình
khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.
Chứng kiến sự gắn
bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để
vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ. Điều đó là tốt!
Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện
của mình. Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc. Sự kinh ngạc
trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi! Tuy
nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng
buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi
của Chúa nữa. Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ
đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống
mới.
Anh Chị em,
“Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn”. Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình
nào? Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim’, bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết. Chúa
Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho
Ngài. Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang
nói với bạn về những ràng buộc này. Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục
tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn. Đây là cách duy
nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp
con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ
kim’ Chúa muốn!”, Amen.
Suy niệm 2: NHỮNG ÁNH NHÌN CỦA CHÚA
GIÊSU
Trong câu chuyện
Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cung cấp cho ta về BA ÁNH NHÌN của Chúa Giêsu:
1. Ánh Mắt Trìu Mến.
Một người (Tin Mừng
theo thánh Matthêô, đó là một "thanh niên") chạy đến quỳ xuống và gọi
Chúa là "Thầy nhân lành" rồi hỏi: "Tôi phải làm gì để được sự sống
đời đời?".
Chúa nhắc lại những
nguyên tắc và luật luân lý để trả lời. Người thanh niên thật tốt, anh hết sức
chu toàn và không có gì đáng trách. Điều đáng quý là, anh còn muốn vượt lên
trên những gì anh đã từng sống. Anh muốn sống một lối sống trọn vẹn, một lối sống
cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn trong tinh thần của một người vượt lên trên khả năng
con người để tiến sâu vào tình yêu của Thiên Chúa, để gần hơn với sự hoàn hảo
trong ơn gọi thánh thiện.
Chúa quý mến
anh. Chúa nhìn anh bằng cái nhìn nồng nhiệt, dịu dàng, trìu mến, yêu thương:
"Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh".
Trong chính cái
nhìn đầy thiện cảm ấy, Chúa tiếp tục mời gọi anh đi xa hơn trên con đường hoàn
hảo: Hãy cho người nghèo tài sản. Hãy cho người nghèo tất cả những gì anh đang
sở hữu.
Thật phũ phàng.
Chúa chỉ có thể trao cho anh ánh nhìn và dừng lại bằng một ánh nhìn, dù thiện cảm.
Anh thất bại trong cuộc chiến giữa theo Chúa và từ bỏ vật chất. Anh không thể
trở thành người nghèo với Chúa. Anh không thể là người nghèo trong số những người
nghèo. Anh không thể đứng chung hàng ngũ đoàn môn đệ, những người phải thực sự
giữ vững tinh thần nghèo khó.
2. Ánh Mắt Cảnh Báo Và Đánh Thức.
Sau khi người
thanh niên bỏ đi, "CHÚA ĐƯA MẮT NHÌN CHUNG QUANH" và đúc kết:
"Người giàu vào nước Thiên Chúa khó biết bao!". Đó là CÁI NHÌN CẢNH
BÁO VÀ ĐÁNH THỨC.
Chúa muốn cảnh
báo người nghe, nguy cơ lớn của sự giàu, sự tích trữ của cải. Kẻ có nhiều của cải
thì để tâm vào của cải: "Kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó" (Lc
12,34), cho nên phải chọn: một là Thiên Chúa, hai là tiền của.
Lời Chúa "sắc
như gươm hai lưỡi". Người thanh niên có thiện chí muốn nên thánh thiện và
hoàn hảo hơn, nhưng bị vật chất cản bước. Anh tiếc của, còn Chúa, chắc chắn
cũng tiếc khi phải để một người thiện chí ra đi.
Từ câu chuyện với
người thanh niên, Chúa cảnh báo chúng ta, và dạy người giàu phải cảnh giác. Họ
cần cắt đứt những ràng buộc vật chất thì mới có cơ hội vươn cao lên, mới có cơ
hội theo Chúa đúng nghĩa nhất.
Bằng mối liên hệ
thực tế từ chính người giàu mất cơ hội theo Chúa, Chúa đánh thức niềm tín thác
của khán giả. Họ phải chọn Chúa, đừng chọn của cải. Họ phải đặt cuộc đời họ
trong tay Chúa, đừng xem của cải là bảo đảm của đời sống. Đừng đặt sự giàu có
thành vận mệnh chính thức của đời mình. Chúa đánh thức người tín hữu khả năng
chọn Chúa và ly thoát sự giàu có. Chúa đánh thức mỗi người khả năn
chọn Chúa làm chủ
thay cho mọi thứ đam mê.
3. Ánh Mắt Bao Dung.
Trong khi môn đệ
hết sức chưng hửng, hết sức kinh ngạc trước lời phán: "Lạc đà chui qua lỗ
kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa";
Trong khi môn đệ
đang chuyền tai nhau: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?", thì Chúa
Giêsu lại trao cho các ông một ÁNH NHÌN mới.
Thánh Marcô viết tiếp: "Chúa Giêsu chăm chú
NHÌN các ông". Cùng lúc Chúa khẳng định: "Ðối với loài người thì
không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi
sự".
Dù quả quyết người
giàu khó vào Nước trời, Chúa vẫn bày tỏ tình yêu bằng ánh nhìn bao dung, ánh
nhìn của lòng thương xót, của sự cứu rỗi.
Đáng tiếc, người
thanh niên khước từ ngay ánh nhìn đầu tiên của Chúa, anh không còn cơ hội lãnh
nhận bất cứ ánh nhìn nào khác mà Chúa dành cho.
Nếu trước đây
anh vui mừng, hy vọng đi tìm con đường trọn lành bao nhiêu, giờ đây anh càng giập
tắt niềm vui và hy vọng bấy nhiêu.
Trước đây anh phấn khởi bao nhiêu để tìm gặp
Chúa, giờ đây anh trở về với sự lạnh giá của con tim bấy nhiêu.
Ai dám từ bỏ sở
hữu để giải phóng mình khỏi mọi ràng buộc của bất cứ sự giàu có nào ở đời, người
đó thực sự rảo bước trên con đường tự do để đến với Chúa, chiếm hữu Chúa và dễ
dàng trải rộng trái tim cho tình yêu, cho lòng nhân ái. Có như vậy, họ mới thực
sự thừa hưởng niềm vui của sự trao ban.
Chúng ta hãy để
ánh nhìn của Chúa soi rọi trên cuộc đời và lý tưởng của mình, để không bị mù
quáng trước bất cứ cám dỗ nào của thế gian.
Chúng ta hãy từng
bước và luôn hướng về phía Chúa để nhận ra ánh mắt của Chúa, nhờ đó, thường
xuyên khám phá những ánh nhìn mà Chúa trao để ngày càng tiến xa hơn, sâu hơn
vào chính Chúa, Đấng là cả một vũ trụ của lòng yêu thương, của những ân tình và
của ơn cứu rỗi vĩnh cửu.
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Thứ hai: Lc 11, 29-32
DẤU QUYẾT ĐỊNH
“Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành
Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”.
“Không phải sự
ăn năn cứu rỗi tôi; sự ăn năn là dấu cho thấy ‘tôi nhận ra’ những gì Thiên Chúa
đã làm trong Đức Kitô. Ơn cứu độ của Chúa không dựa trên logic của con người mà
dựa trên cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Ngài là ‘dấu quyết định’ cho mọi
tội nhân nam nữ có thể được biến đổi để trở nên những tạo vật mới!” - Oswald
Chambers.
Kính thưa Anh Chị
em,
Tin Mừng hôm nay
cho thấy, trước sự tự phụ đầy kiêu hãnh và cứng lòng của những người đương thời,
Chúa Giêsu ngao ngán. Họ đòi Ngài một dấu lạ. Ngài nói, như Giôna là dấu cho
dân thành Ninivê thế nào, thì Ngài là ‘dấu quyết định’ cho họ như vậy!
“Không phải sự
ăn năn cứu rỗi tôi!”. “Có nhiều Kitô hữu nghĩ rằng họ được cứu dựa trên những
gì họ làm. Các việc làm là cần thiết, nhưng chúng chỉ là hậu quả, là sự đáp trả
cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta. Những việc làm
không có tình yêu thương xót thì chẳng có ý nghĩa gì. “Hội chứng Giôna” là việc
làm mà không có tình yêu!” - Phanxicô.
Trong cuộc sống,
không ít lần, chúng ta cũng tự tin và kiêu hãnh với những gì mình làm, kể cả sự
ăn năn. Cùng lúc, như thách thức Thiên Chúa, chúng ta thách thức Ngài khi chạy
tìm kiếm dấu lạ này dấu lạ kia để đưa ra những quyết định nên làm hay không nên
làm điều này điều nọ. Chúa Giêsu cho biết, sẽ không có dấu lạ nào được ban thêm
ngoài dấu lạ Giôna. “Dấu lạ Giôna” ám chỉ đến sự đóng đinh, cái chết, ba ngày
trong mộ và sự phục sinh của Ngài. Cái chết và sự sống lại của Ngài là ‘dấu quyết
định’ cho người đương thời của Ngài và cho cả chúng ta ngày nay.
Như vậy, đừng
tìm kiếm điều gì khác ngoài mầu nhiệm đức tin trung tâm này! Bởi lẽ, mọi câu hỏi,
mọi vấn đề, các mối quan tâm và sự bối rối… đều có thể được giải đáp và xử lý nếu
chúng ta bước vào mầu nhiệm cứu chuộc vĩ đại này. Chỉ cần bước vào cuộc sống,
cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta tìm được câu trả lời cho mọi nan đề.
Tìm kiếm một dấu lạ nào khác ngoài mầu nhiệm - ‘dấu quyết định’ này - sẽ là sai
lạc vì nó nói lên rằng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là không đủ.
Khi tìm kiếm một
số dấu lạ nổi bật, ngoạn mục từ Chúa Giêsu, chúng ta có thể bỏ lỡ những dấu lạ
đang có trước mắt. Khi tìm kiếm điều phi thường, chúng ta có thể bỏ lỡ sự phong
phú trong điều bình thường. Theo nhiều cách, Chúa Giêsu rất bình thường; Thánh
Thể của Ngài trong các nhà chầu cũng ‘khá bình thường’.
Anh Chị em,
“Con Người cũng
sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”. Hôm nay, nếu bạn thấy mình đang đấu
tranh với những câu hỏi trong cuộc sống, hãy hướng mắt về Chúa Kitô! Hướng mắt
về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, trung tâm của đức tin chúng ta. Chính tại đó,
mọi câu hỏi đều có thể được giải đáp và mọi ân sủng đều được ban tặng. Chúng ta
không cần gì hơn thế. Trong nhà chầu Thánh Thể rất đỗi âm thầm và ‘bình thường’,
Ngài đang chờ đợi chúng ta!
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cất
khỏi con mọi tự phụ. Đừng để con thách thức Chúa, nhưng dám làm những gì Chúa
thách thức, hầu con sớm trở nên một tạo vật mới!”, Amen.
Thứ ba: Lc 11,37-41
Nhớ Thánh Tê-rê-sa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
TÔN GIÁO TRANG ĐIỂM
“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch,
nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà!”.
“Những người
theo ‘tôn giáo trang điểm’ chú trọng vẻ bề ngoài. Họ giả vờ xuất hiện theo một
cách thức ‘vui mắt’ nào đó, đang khi bên trong - như Chúa Giêsu nói - là những
ngôi mộ đầy xương người chết và mọi thứ ô uế!” - Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị
em,
Tin Mừng hôm nay
tường thuật việc Chúa Giêsu ‘bóc trần’ một người biệt phái mời Ngài dùng bữa.
Ông này trách Ngài không rửa tay trước khi ăn; Ngài cho ông biết, ông giả hình!
Với Đức Phanxicô, ông là người theo ‘tôn giáo trang điểm!’.
“Bên ngoài chén
đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc,
gian tà!”. Qua đó, Ngài muốn nói, luật có mục đích giải thoát con người - khỏi
các thần ngoại và ách nô lệ tội lỗi - để con người có thể thờ phượng Thiên
Chúa. Nhưng với những người Pharisêu, lề luật, các tập tục và các quy định bổ
sung tự nó đã trở thành mục đích; vì thế, nó trở nên gánh nặng. Nó đã bị cắt
xén và tách khỏi Đấng mà nó hướng đến. Phaolô mạnh mẽ cảnh báo, “Anh em tìm sự
công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng!”
- bài đọc một.
Ngày nay, Giáo Hội
có đủ luật lệ, tập tục và các quy định khiến những người Pharisêu khắt khe nhất
- và cả chúng ta - tự hào. Thế nhưng, mối nguy ở chỗ, chúng được tuân thủ một
cách chặt chẽ đến nỗi chúng ta không còn nhìn thấy Đấng mà chúng giải thoát để
chúng ta tôn thờ. Tuân theo chúng một cách mù quáng, chúng ta không cho phép
trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi chúng. Kết thúc bằng
việc ‘lau sạch bên ngoài’ các thứ, chúng ta dừng lại ở đó mà không nhận ra tình
yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa; chúng ta không để tình yêu đó thanh tẩy
trái tim mình, trái tim của một người đang ‘cải đạo’ để theo ‘tôn giáo trang điểm’.
Cái bẫy thứ hai ở
một thái cực khác: tự cho mình một lối thoát dễ dàng bằng cách cho rằng, “Điều
quan trọng là tấm lòng của tôi! Nếu trái tim tôi đặt đúng chỗ, tôi không cần lo
lắng về tất cả những quy tắc này và những thứ tương tự!”. Với thái độ lỏng lẻo,
chúng ta dễ dàng cho phép mình khinh suất lề luật hầu cốt làm sao được thoải
mái. “Tôi biết hôm nay là Chúa Nhật, tôi phải đi lễ; nhưng đây là kỳ nghỉ! Chúa
biết tôi là người tốt!”. Tuy nhiên, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta nhận được
bao ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt!”. Luật giữ ngày Chúa Nhật và bất
kỳ quy định nào của Giáo Hội đều có mục đích dẫn chúng ta đến với Chúa.
Anh Chị em,
“Bên ngoài chén
đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp
bóc, gian tà!”. “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mình luôn tỉnh táo và sáng suốt
để không bao giờ mệt mỏi chống lại ‘chủ nghĩa vị kỷ’ khi đi theo tôn giáo ‘nệ
luật’ này; và rằng, chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi từ chối tôn giáo của vẻ
bề ngoài, tôn giáo của sự giả vờ, ‘tôn giáo trang điểm!’. Thay vào đó, chúng ta
cam kết tiến hành “thầm lặng, làm điều thiện”; và như thế - một cách tự do -
chúng ta đã tự do nhận được sự tự do nội tâm của mình!” - Phanxicô.
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng
để con chạy theo ‘thời trang tôn giáo’; vì như thế, con sẽ đoạn tuyệt với Đức
Kitô và mất hết ân sủng!”, Amen.
Thứ tư: Lc 11, 42-46
CHỦ NGHĨA BIỆT PHÁI
“Các người xao lãng lẽ công bình và lòng
yêu mến Thiên Chúa!”.
“Tình yêu là gì?
Đó là im lặng - khi lời nói của bạn có thể gây tổn thương. Đó là kiên nhẫn -
khi hàng xóm của bạn cộc lốc. Đó là điếc - khi một vụ bê bối xảy ra. Đó là ân cần
- khi người khác chạm phải nỗi đau. Đó là nhanh nhẹn - khi nhiệm vụ cấp bách gọi
đến. Đó là can đảm - khi bất hạnh ập xuống. Những người Pharisêu giỏi về lề luật
nhưng kém về tình yêu. Họ là những con tắc kè hoa. Bạn hãy tránh xa ‘chủ nghĩa
biệt phái!’” - Anon.
Kính thưa Anh Chị
em,
Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục lên án thái độ “giỏi về lề luật nhưng kém về tình
yêu” của giới kinh sư, biệt phái. Tuy nhiên, những nhận xét này không áp dụng
cho tất cả họ, vì nhiều người trong họ - như Phaolô, Nicôđêmô, Gamaliel - là những
người tốt. Ngài đang chỉ trích một số người “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu
mến Thiên Chúa”; và nếu thành thật, đôi khi, ‘chủ nghĩa biệt phái’ này cũng xuất
hiện giữa chúng ta!
“Một khuyết điểm
thường gặp nơi những con người có thẩm quyền dân sự hay tôn giáo, là họ đòi hỏi
người khác nhiều điều - ngay cả những điều công chính - mà họ lại không thực
hành như là người đầu tiên. Họ sống hai mặt! Thái độ này gây gương xấu về thẩm
quyền, điều vốn phải có sức mạnh chính yếu từ việc nêu gương tốt. Thẩm quyền phát
sinh từ gương tốt giúp người khác thực hành những điều đúng đắn và phù hợp,
nâng đỡ họ trong những thử thách họ gặp phải trên đường công chính. Thẩm quyền
là một sự trợ giúp, nhưng nếu thực hiện sai, sẽ trở nên áp bức; không cho phép
mọi người phát triển; tạo ra ngờ vực, thù địch và dẫn đến tham nhũng!” -
Phanxicô.
Trong quá khứ và
có lẽ ở một số nơi vẫn còn, các giáo sĩ thường mong đợi những vinh dự tương tự
được trao cho họ. Rất thường xuyên, mọi người sẵn sàng dành sự tôn trọng cho
Giám mục hoặc Linh mục của mình; tuy nhiên, thay vì các vinh dự đó được đón nhận
cách trân trọng và khiêm tốn, đôi khi, chúng lại ‘được yêu cầu’ hoặc ‘mong đợi’.
Đừng quên, “Chiếc áo không làm nên thầy tu, cổ áo Rôma không làm nên Linh mục,
mũ miện không làm nên Giám mục!”.
Bản thân Giáo Hội
trong nhiều thế kỷ cũng không thoát khỏi ‘chủ nghĩa biệt phái’ thuộc lĩnh vực
này. Và có lẽ điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay. Các Giám mục và Linh mục thường
đặt gánh nặng lên vai các tín hữu và thiếu giúp đỡ họ trong việc gánh vác. Đôi khi,
các đấng lo lắng nhiều hơn cho việc bảo tồn các tập tục truyền thống hơn là dẫn
dắt mọi người đến với tình yêu sâu sắc hơn đối với Chúa Kitô và với nhau.
Anh Chị em,
“Các người xao
lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa!”. Về điểm yếu này, các giáo sĩ
không độc quyền; cha mẹ cũng có thể mắc phải sai lầm đó khi họ tuân theo các
‘tiêu chuẩn kép’. Họ đặt ra một quy tắc cho bản thân và một quy tắc khác cho
con cái. Tương tự như thế, cư xử giữa giáo viên với học sinh, chủ nhân với nhân
viên cũng có thể biểu hiện cách tiếp cận này, “Làm như tôi nói; đừng làm như
tôi làm!”. ‘Chủ nghĩa biệt phái’ thực sự vẫn tồn tại và phát triển trong xã hội
và Giáo Hội của chúng ta - nhưng người đầu tiên tôi cần sửa đổi là chính tôi!
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng
để con hoá nên ‘tắc kè’. Cho con luôn ‘tin điều con đọc, dạy điều con tin và
thi hành điều con dạy!’”, Amen.
Thứ năm: Lc 11,47-54
Nhớ Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Suy niệm 1:
Khi chiêm ngắm mẫu gương của thánh
Inhaxiô Antiôkia dưới ánh sáng của Tin mừng hôm nay, gợi lên cho ta những bài
học sau đây:
- Hạt lúa mì có chết đi mới sinh
ra nhiều hạt khác: Thánh Inhaxiô phải trải qua nhiều đau khổ và hy sinh theo
gương Chúa Giêsu, nên ngài đã mang lại cho GH một sức sống mới. Cái chết của
ngài không phải là sự kết thúc mà là một khởi đầu mới, một sự chuyển đổi từ cái
hữu hạn đến cái vô hạn.
- Sự kết hợp với Chúa Kitô: Thánh Inhaxiô đã sống trọn
vẹn đời mình để kết hợp với Chúa Kitô. Ông đã xem cái chết như một đám cưới với
Chúa Kitô, một sự hợp nhất hoàn toàn với Đấng mà ông yêu thương. Câu nói của
Chúa Giêsu về hạt lúa mì trở thành một thực tại trong cuộc đời của ông.
- Sự sinh hoa trái trong Giáo hội: Thánh Inhaxiô đã để
lại một di sản vô cùng phong phú cho Giáo hội. Qua lời giảng dạy, gương sống và
sự hy sinh của ngài đã truyền cảm hứng cho biết bao người trở nên những môn đệ
đích thực của Chúa Kitô. Cái chết của ngài đã trở thành nguồn mạch nuôi dưỡng
cho sự phát triển của Giáo hội.
Noi gương thánh nhân:
- Ta cũng phải chấp nhận chịu đau
khổ: Cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. Đau khổ, thất bại là
những điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta có thể học theo thánh
Inhaxiô để biến những đau khổ đó thành cơ hội để lớn lên trong đức tin.
- Sống cho người khác: Thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích
cá nhân, hãy sống một cuộc đời phục vụ tha nhân. Hãy trở thành những hạt giống
gieo vào lòng đất để mang lại niềm vui và hy vọng cho những người xung quanh.
- Kết hợp với Chúa Kitô: Mỗi ngày, hãy dành thời gian để
cầu nguyện, đọc Lời Chúa và tham dự các nghi thức phụng vụ. Qua đó, chúng ta sẽ
được nuôi dưỡng đức tin và trở nên giống Chúa Kitô hơn, đó là điều mà thánh
Inhaxiô đã thực hiện mỗi ngày trong đời sống .
Lời Chúa về hạt lúa mì là một lời mời gọi chúng ta sống một cuộc đời có ý
nghĩa. Hãy để câu nói này trở thành nguồn động lực để chúng ta sống trọn vẹn
đức tin và yêu thương.
Suy niệm 2: ÁM ẢNH
“Họ vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy
để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng!”.
“Những người hay
chỉ trích và tức giận thường chết trẻ. Những người có điểm cao về thái độ thù địch
- qua các bài trắc nghiệm thuộc loại này - có khả năng chết sớm gấp bốn lần so
với những người có điểm thấp!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị
em,
Tin Mừng hôm nay
không đề cập việc chết trẻ của một người nuôi dưỡng trong lòng sự thù địch;
thay vào đó, nói đến cái chết linh hồn của họ. Đó là các kinh sư biệt phái,
thay vì hoán cải, họ bị ‘ám ảnh’ bởi Chúa Giêsu nên âm mưu chống lại Ngài.
Thông thường,
chúng ta lấy cảm hứng từ Lời Chúa theo cách tích cực, bằng việc suy gẫm lời nói
và hành động của Ngài để áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cũng có thể học
hỏi từ điều ác mà người khác phạm phải và cho phép hành động của họ truyền cảm
hứng hầu có thể tránh xa tội lỗi của họ. Thông thường, khi thù địch với người
khác, chúng ta hành động với tâm thế rằng, mình đúng và người ấy đã làm điều gì
đó sai. Chúng ta biện minh cho sự thù địch bằng cách chỉ ra tội lỗi của họ
‘theo như mình nhận thấy’. Tuy nhiên, cần hiểu rằng mọi hành động thù địch đều
là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chúng ta đã bắt đầu đi vào ‘con đường tội lỗi’ bởi
sự ‘ám ảnh’ của mình. Tội lỗi thật sự!
Các nhà lãnh đạo
tôn giáo đã thể hiện sự thù địch bằng cách đưa ra những câu hỏi để cố lừa Chúa
Giêsu vào bẫy bằng lời của mình và bằng chính Luật pháp của Chúa. Thế nhưng, họ
đã thao túng Luật Ngài để biện minh cho sự thù địch bên trong; và chỉ vì cái
tôi, chỉ vì kiêu ngạo, chỉ vì muốn nổi tiếng, họ vu khống Ngài.
Sự thù địch thậm
chí có thể là thụ động, nghĩa là bạn có thể tỏ ra tử tế bên ngoài, nhưng bên
trong bạn đang ‘ám ảnh’ về cách bạn có thể lên án người khác. Chúng ta cảm thấy
chính đáng khi tự thuyết phục mình rằng, công lý phải được thực thi và tôi là
người phải thực thi công lý đó. Nhưng “Bạn là ai mà dám phán xét tha nhân?” -
Phaolô. Và nếu Chúa kiểm soát cuộc sống của bạn, Ngài sẽ không kêu gọi bạn làm
thẩm phán; thay vào đó, khi tuân theo ý muốn của Chúa, bạn sẽ cảm thấy Ngài
truyền cảm hứng để bạn hành động lập tức, bằng bình tĩnh, vui vẻ, tử tế, trung
thực và thoát khỏi tức giận và ‘ám ảnh’.
Anh Chị em,
“Để xem có bắt
được Người nói điều gì sai chăng!”. Hãy suy gẫm về bất kỳ cách nào mà bạn cảm
thấy xu hướng sai lầm này xuất hiện trong cuộc sống mình. Hãy nhìn vào kết quả
của nó! Thiên Chúa có được tôn vinh qua hành động của bạn không? Điều này khiến
bạn bình an hay cảm thấy mình quá thâm hiểm? Hãy trung thực với những câu hỏi
này và bạn sẽ bắt đầu khám phá ra con đường giải thoát khỏi lối suy nghĩ ‘ám ảnh’
như vậy. Chúa muốn bạn bình an! Nếu có bất công, hãy tin rằng Chúa sẽ giải quyết!
Về phần mình, bạn hãy cầu nguyện để tha thứ, hành động với lòng thương xót và
hướng sự chú ý của mình vào ý muốn của Chúa khi nó nhẹ nhàng đến!
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng
để con chết trẻ chỉ vì nuôi trong lòng sự thù địch một ai đó; giúp con thoát khỏi
mọi ‘ám ảnh’ đang giết chết linh hồn con!”, Amen.
Thứ sáu: 2Tm
4,10-17b; Lc 10,1-9
KÍNH THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
CÙNG CÕI ĐỊA CẦU
“Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi
hai môn đệ khác!”.
Kính thưa Anh Chị
em,
Thật đáng kinh ngạc
- dù chỉ là một tân tòng - thánh Luca Giáo Hội mừng kính hôm nay là một nhà
truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như
một công cụ sắc bén, Luca mang thông điệp cứu độ của Thiên Chúa đến mọi dân nước,
mọi thế hệ; đã tác động và thay đổi cuộc sống của bao người ở ‘cùng cõi địa cầu’.
Là thầy thuốc,
Luca say mê Phaolô; tại Troa, Luca xin trở lại. Như một đồ đệ trung tín, Luca
được Phaolô nhắc đến, “Chỉ một mình Luca ở với tôi” - bài đọc một. Đồ đệ này đã
cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ - ‘nhật
ký đầu tiên’ của Giáo Hội. Không thể hiện sự am tường về niềm tin và tập tục,
Luca chú tâm vào những gì cần thiết cho anh em lương dân: một Thiên Chúa xót
thương, chữa lành. Chỉ Luca đề cập con số “72”; các Phúc Âm khác chỉ nói “Nhóm
12”; và dẫu nhiều người trong họ đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng hẳn một số
đã đến các lãnh địa không Do Thái. Vì thế, “Nhóm 72” là biểu tượng cho sự chuẩn
bị mọi lương dân ở ‘cùng cõi địa cầu’.
Chỉ với Luca, chúng
ta nợ ngài về những kiến thức của mầu nhiệm Nhập Thể; các khoản nợ rõ ràng như
kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis Giáo Hội hát mỗi ngày. Với biến cố
Truyền Tin - như thể Luca thấp thỏm sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh
đẹp - nơi sứ thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Và cũng chỉ với
Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần; và sau đó, các hoạt
động của Chúa Thánh Thần trong buổi đầu sơ sinh của Hội Thánh.
Khoa khảo cổ và
các học giả thế giới đánh giá cao Luca. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay gọi
“Luca là nhà sử học hạng nhất với những tuyên bố thực tế đáng tin cậy... Luca
đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, “Luca, một sử
gia xuất sắc, ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; N. L. Geisler cho
biết, “Luca kể tên 32 miền, 54 thành phố và 9 hòn đảo mà không một sai sót!”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong sự nghiệp cầm bút, Luca không viết với tư
cách một sử gia mà là một nhà truyền giáo công bố sứ điệp của Thiên Chúa và
lòng thương xót của Ngài. Có truyền thống còn cho Luca là một hoạ sĩ; một tác
phẩm nổi tiếng về Đức Maria được gán cho Luca. Vì thế, Luca được coi là thánh bảo
trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.
Anh Chị em,
“Chúa Giêsu chỉ
định bảy mươi hai môn đệ khác!”. Bạn và tôi là những “môn đệ khác” được chỉ định
và sai đi. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Kẻ hiếu trung với Chúa được biết triều
đại Ngài rực rỡ vinh quang”. Hãy là những “kẻ hiếu trung”, chúng ta làm cho những
người khác nhận biết triều đại rực rỡ vinh quang Nước Chúa! Hãy cầu nguyện cho
một ai đó, một số người nào đó. Đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo với
những phương tiện tuyệt vời ‘sẵn trên tay!’. Khi làm vậy, chúng ta có thể tạo
nên ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào
đó, ở một góc trời nào đó. Với Luca, bạn và tôi tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu
độ cho đến ‘cùng cõi địa cầu!’.
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ để
con lơi lỏng trong việc chuyển trao Lời Chúa cho anh em con tận mút cùng trái đất.
Lạy Quan Thầy các nghệ sĩ, đừng quên truyền cảm hứng cho con!”, Amen.
Thứ bảy: Lc 12, 8-12
TRUYỀN CẢM HỨNG
“Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những
điều phải nói!”.
Các nhà soạn nhạc
vĩ đại không bắt đầu sáng tác vì được truyền cảm hứng, nhưng họ được truyền cảm
hứng vì cần cù. Beethoven, Wagner, Bach và Mozart cần cù với công việc của mình
như một kế toán viên cần cù. Họ không lãng phí thời gian để chờ đợi nguồn cảm hứng;
nhưng nhờ cần cù, họ trở nên những con người thổi hơi và truyền cảm hứng!
Kính thưa Anh Chị
em,
Lời Chúa hôm nay
giới thiệu một khuôn mặt, một tính cách luôn cần cù - Phaolô! Nhờ đó, Phaolô trở
nên vị tông đồ dân ngoại luôn thổi hơi và ‘truyền cảm hứng’ cho người khác.
May mắn hơn các
nhạc sĩ, Phaolô không chỉ nhờ vào sự cần cù - cầu nguyện, kết hiệp với Đấng đã
kêu gọi mình - nhưng còn nhờ một sức thiêng từ trên, Chúa Thánh Thần, Đấng thổi
hơi và ‘truyền cảm hứng’ cho ngài. Đến lượt Phaolô, Phaolô truyền cảm hứng cho
các tín hữu, “Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em
trong những lời cầu nguyện của tôi” - bài đọc một. Với những lời lẽ hết sức đạo
đức, Phaolô đưa ra một tầm nhìn tuyệt vời về sự vĩ đại tột cùng của Chúa Kitô,
Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang; cũng là Đấng trở nên một phần
thân thiết trong đời sống tín hữu. “Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy
rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia
nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh!”.
Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Chúa Thánh Thần là Đấng thổi hơi và ‘truyền cảm
hứng!’. Ngài báo trước, vào những ngày khốn quẫn, khi các môn đệ bị điệu ra trước
vua chúa quan quyền, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho họ biết phải nói gì
và nói thế nào. Tuyệt vời thay! Bản thân Chúa Giêsu cũng đã sống niềm tin ấy
trong suốt đời mình đến mức hoàn hảo. Ngài đã không nghiên cứu những nhân vật sẽ
đối chất Ngài; cũng không tìm cách lựa lời để nói những gì và không nên nói những
gì; Ngài không chuẩn bị một cách xử thế nào khác ngoài sự kết hợp tuyệt đối với
Chúa Thánh Thần và với Chúa Cha. Từ đó, Ngài được thổi hơi và ‘truyền cảm hứng’
để đi đến cùng - tận thập giá - và hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha.
Anh Chị em,
“Thánh Thần sẽ dạy
cho anh em biết những điều phải nói!”. Trong cuộc sống, dẫu chúng ta có thể sẽ
không bị bắt bớ vì đức tin, nhưng có thể sẽ phải trải qua nhiều hình thức thẩm
vấn và kết án khác nhau từ thế gian và thậm chí từ anh chị em mình. Vào những
lúc ấy, bạn bị thách thức phản ứng; và nhiều khả năng, bị cám dỗ để tự vệ trong
giận dữ hoặc tấn công lại. Vậy nếu những lời của Chúa Giêsu hôm nay được hiểu
và sống một cách thiết thực, nó có tác dụng xoa dịu và trấn an bạn trong bất kỳ
trải nghiệm đắng cay nào. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt chúng ta trong khiêm tốn
và nhẫn nhịn với điều kiện bạn và tôi luôn ngoan ngoãn làm theo gợi hứng của
Ngài. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu chúng ta biết xây dựng cho mình một
thói quen cần cù cầu nguyện, chú ý đến tiếng nói của Thánh Thần, một tiếng nói
bên trong linh hồn.
Chúng ta có thể
cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con luôn cần cù cầu nguyện; nhờ đó, con ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần. Không được vậy, con chẳng thổi hơi, chẳng ‘truyền cảm hứng’ cho ai!”, Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét