Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN-B

Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34

Suy niệm 1:  CỐT LÕI CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO

Cốt lõi của đạo Công giáo là bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa Giêsu, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiêng đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái mà nỗ lực thi hành trong đời sống, hầu xứng danh là môn đệ Chúa.

Theo truyền thống hội đường Do-thái thời Chúa Giêsu, có đến 613 điều luật. Trong đó có 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng luật như thế thì ngay cả chính người thông luật còn bối rối huống chi là thường dân.

Thời bấy giờ trong xã hội Do Thái cũng có nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ nên dân chúng cũng không biết đâu là điều luật quan trọng nhất để tuân giữ. Có lẽ vì lý do đó mà Tin mừng hôm nay cho biết: nhóm Kinh sư đề cử ra một người để đến hỏi thử Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất? Với câu hỏi này, họ vừa muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Vừa muốn thử xem trình độ hiểu biết của Chúa Giêsu về Thánh kinh và luật lệ ở mức độ ra sao?

Chắc hẳn Chúa Giêsu dư biết dụng ý của họ, nhưng vì đây là cơ hội thuận lợi để Chúa Giêsu xác định lại điều quan trọng nhất trong giới luật của Thiên Chúa. Nên Người đã trích dẫn lại hai câu thánh kinh. Một được trong sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” (x Đnl 6,4-7). Một được trích trong sách Lê-vi, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (x Lv 19,18) để trả lời cho họ: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Qua đó xác định cho chúng ta biết được mọi lề luật và giới răn đều quy về Thiên Chúa và hướng đến con người, và được đặt trên nền tảng của một chữ yêu. Thiếu tình yêu phát xuất từ bên trong thì mọi việc làm bên ngoài cũng trở nên vô nghĩa. 

1. Như vậy đối với Chúa thì ta phải yêu thế nào?

- Yêu hết lòng: Nghĩa là yêu trọn vẹn con người. Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận.

- Yêu hết linh hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu mù quáng, cảm tính và hời hợt.

2. Đối với người khác thì ta phải xem họ là ai và yêu ở mức độ nào?

- Xem nhau là người thân cận.

Trong Cựu ước người thân cận chỉ có nghĩa là người gần gũi, cùng huyết thống và chủng tộc với mình. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu nói ở đây là hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo… ngay cả kẻ thù cũng phải yêu.

- Yêu người khác như chính mình.

Là phải ứng xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như chính bản thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải tiến lên tới đỉnh của tình yêu bằng chính tình yêu Chúa dành cho ta: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con" (Ga 5,12). Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc phe nhóm.

Nếu so sánh tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thì có lẽ yêu mến Chúa dễ hơn yêu thương tha nhân. Bởi vì tha nhân là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, nên dễ làm cho ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành và ở xa nên ta dễ yêu mến Người hơn. Tuy nhiên nếu không yêu thương tha nhân là ta không yêu mến Thiên Chúa, bởi vì ta không tuân giữ lời Người dạy, cũng như không tin nhận con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa.

Như vậy, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một tình yêu. Cả hai như một đồng tiền hai mặt. Nếu bỏ một mặt, đồng tiền ấy sẽ không còn giá trị.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống yêu thương nhau như tình Chúa yêu dành cho chúng ta. Đó là tình yêu phổ quát, bao dung tha thứ, tận tâm phục vụ và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu. Yêu như thế ta mới xứng xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

Suy niệm 2:  ĐIỀU RĂN NỀN TẢNG VÀ QUAN TRỌNG NHẤT CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO

“Mến Chúa yêu người” là luật điều nền tảng và trọng tâm của giáo lý Công giáo, bởi điều luật này phát xuất từ lệnh truyền của Thiên Chúa thời Cựu ước và được Chúa Giêsu xác quyết rõ ràng trong thời Tân ước.

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: có một người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giê-su và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu đã khẳng định với anh ta: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Như vậy, Chúa Giêsu vừa xác định cho biết đâu là điều luật quan trọng nhất, vừa liên kết mật thiết hai điều luật mến Chúa và yêu người thành một, không thể tách rời. Cả hai điều luật này đều quan trọng như nhau, nơi đó gồm tóm toàn bộ Luật Mô-sê.

1. Vậy ta phải hiểu giới răn này thế nào?

- Trước hết là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi: tình yêu ta dành cho Chúa không chỉ là một cảm xúc mà phải là một hành động; không chỉ nửa vời mà là trọn vẹn, không phải lúc này lúc khác mà là mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố. Tình yêu ta dành cho Chúa phải được cụ thể hóa qua việc vâng nghe và tuân giữ các giới răn của Chúa, với một niềm tín thác hoàn toàn vào Người. Yêu mến Thiên Chúa còn có nghĩa là chúng ta phải biết ơn những gì Ngài đã ban cho ta và tìm mọi cách để tôn vinh danh Ngài.

- Sau nữa là yêu mến tha nhân như chính mình: yêu thương mọi người như chính mình, là yêu hết mọi người bất kể họ là ai, họ đến từ đâu cho dẫu họ có những khác biệt với chúng ta. Yêu mến tha nhân như chính mình là ta đối xử với người khác như là điều ta muốn người khác đối xử với ta. Yêu người thân cận như chính mình cũng có nghĩa là chúng ta sẵn lòng tha thứ, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh, nhất là những ai đang gặp khó khăn trong đời sống.

+ Điều tuyệt với là Chúa Giêsu đã nối kết chặt chẽ hai điều răn lại thành một không thể tách rời. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, lúc ấy chúng ta sẽ có động lực để yêu thương người khác. Bởi khi ấy chúng ta nhận ra mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi để sống trong tình yêu thương của Ngài.

2. Ta phải thể hiện giới răn này trong đời sống ra sao?

- Trong gia đình: Chúng ta cần bày tỏ tình yêu thương với các thành viên trong gia đình, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc.

- Trong cộng đồng: Chúng ta cần quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người khó khăn. Chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động từ thiện, tình nguyện để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

- Trong xã hội: Chúng ta cần xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, nơi mọi người đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển.

+ Tóm lại: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tình yêu thương. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác, chúng ta sẽ sống một cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc.

Xin Chúa giúp chúng ta biết yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu thương mọi người không những như chính mình mà còn “như Chúa yêu” theo lời dạy của Chúa. Amen.

 

Thứ hai: Lc 14, 12-14

Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô

 Suy niệm 1:

“Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 5, 9). Đó cũng là sứ điệp mà lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng taXin Chúa uốn lòng chúng ta giống như trái tim Chúa, để chúng ta cũng có cách suy nghĩ và hành xử giống như Chúa.

Gần đây rong khu vực nông thôn rộ lên phong trào tổ chức đám tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ chạp… người ta còn bày ra nhiều lý do khác để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật…nói chung người ta tìm đủ mọi lý do để tổ chức tiệc.  Thì ra người ta thích tổ chức tiệc tùng là nhắm đến lợi nhuận kinh tế trong thời buổi "củi quế gạo châu". Vì thế, những thực khách được nhắm đến thường là những người có tiền và có địa vị trong xã hội. Còn những người nghèo thì ít khi người ta nghĩ tới để mời dự tiệc.

Đó cũng chính là mưu tính của vị thủ lãnh người Biệt Phái mà Chúa đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Để lên án đầu óc tính toán vụ lợi, Chúa Giêsu đề nghị ông ta cần phải loại bỏ tính ích kỷ và lòng tham lam tiền mà hãy quan tâm đến những người nghèo khổ. Vì thế Chúa đề nghị ông ta và mọi người khi dọn tiệc nên “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù”. Làm được như vậy, ta sẽ được phúc vì sẽ được người nghèo biết ơn ở đời này và được Chúa ban thưởng hạnh phúc ở đời sau, khi những người công chính sống lại đền ơn.

Để cụ thể hóa lời dạy của Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô đã thiết lập ngày “Thế Giới Người Nghèo” hàng năm, với mục đích hướng đến là nhắc nhở các cộng đoàn Kitô hữu , cũng như mỗi chúng ta phải “trở nên dấu chỉ cụ thể, rõ ràng cho tình yêu thương của Chúa Kitô, đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất” trong xã hội.

Xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và GH, mà thể hiện lòng yêu thương người nghèo, bằng những việc làm thiết thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo; học hỏi “sứ điệp ngày thế giới người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các khu xóm; chầu Thánh Thể và suy niệm Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón nhận và chia sẻ. Đó chính là phương thế giúp ta đạt đến sự trọn lành và xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu.


Suy niệm 2:

Vào thời Chúa Giê-su, xã hội còn nhiều bất công. Người giàu đối xử phân biệt với người nghèo. Cho nên khi tổ chức các bữa tiệc, người giàu thường chỉ mời những người cùng đẳng cấp xã hội với mình. Vì thế, nhân cơ hội được mời tham dự bữa tiệc sang trọng tại nhà ông thủ lãnh người biệt phái, Chúa Giê-su đã không ngần ngại lên tiếng nhắc nhở vị thủ lãnh phải quan tâm đến người nghèo khó, đừng đối xử phân biệt với họ. Qua đây, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh phẩm giá làm người là ngang hàng nhau, không ai hơn kém trước mắt Thiên Chúa, bất kể họ là ai và đang sống trong hoàn cảnh thế nào.

Lời dạy của Chúa Giê-su một mặt nhắc nhở chúng ta cần loại bỏ thái độ xem thường người nghèo, mặt khác cần phải yêu thương giúp đỡ những người yếu thế trong tình liên đới và trách nhiệm xã hội. Cho nên, nếu mỗi người chúng ta tích cực sống theo tinh thần bác ái do Chúa chỉ dạy, tin rằng thế giới này trở nên nhân bản và tốt đẹp biết mấy.

Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tấm lòng để yêu thương mọi người, nhất là những người khó khăn.  Và xin cho chúng ta biết cách thể hiện tình yêu của Chúa bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Amen.


THÁNH CAROLO BORROMEO: GƯƠNG SÁNG CHO ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Thánh Carolo Borromeo, vị giám mục đầy lòng nhiệt huyết và đức tin sâu sắc, được GH ngưỡng mộ và tôn kính bởi những đức tính cao quý của mình. Ngài là một tấm gương sáng cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là các linh mục và tu sĩ noi theo.

Một số đức tính nổi bật của Thánh Carolo Borromeo mà chúng ta có thể học hỏi:

1. Đức tin sâu sắc và lòng nhiệt thành:

- Sống trọn vẹn Lời Chúa: Thánh nhân luôn đặt Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống và công việc.

- Tham gia các nghi thức tôn giáo: Ngài tích cực tham gia các nghi thức tôn giáo và khuyến khích người dân làm như vậy.

- Cầu nguyện thường xuyên: Cầu nguyện là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Thánh nhân.

2. Sự khiêm tốn và lòng phục vụ:

- Đặt nhu cầu của người khác lên hàng đầu: Thánh nhân luôn quan tâm đến người nghèo, bệnh nhân và những người yếu thế trong xã hội.

- Không ngừng học hỏi và cải thiện bản thân: Ngài luôn tìm cách hoàn thiện bản thân để phục vụ tốt hơn.

- Sống đơn giản và khiêm tốn: Thánh nhân không màng danh lợi, sống một cuộc sống giản dị và khiêm tốn.

3. Sự thông thái và quyết đoán:

- Có tầm nhìn xa trông rộng: Ngài có khả năng nhìn thấy những vấn đề của Giáo hội và xã hội, và đưa ra những giải pháp hiệu quả.

- Đưa ra những quyết định khó khăn: Ngài không ngại đưa ra những quyết định khó khăn để bảo vệ đức tin và phục vụ người dân.

- Có khả năng tổ chức và lãnh đạo: Thánh nhân đã thành lập nhiều cơ sở giáo dục, bệnh viện và các tổ chức từ thiện.

4. Sự kiên trì và bền bỉ:

- Không nản lòng trước khó khăn: Ngài đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn luôn kiên trì.

- Làm việc không mệt mỏi: Ngài đã dành cả cuộc đời để phục vụ Giáo hội và người nghèo.

5. Lòng yêu mến Giáo hội và góp phần canh tân:

- Đóng góp tích cực vào Công đồng Trentô: Ngài là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc canh tân Giáo hội tại Công đồng Trentô.

- Cải cách giáo phận Milan: Ngài đã thực hiện nhiều cải cách để nâng cao đời sống đức tin của giáo dân Milan.

- Xây dựng các cơ sở giáo dục: Ngài thành lập nhiều trường học và chủng viện để đào tạo linh mục.

* Chúng ta có thể học hỏi gì từ Thánh Carlo Borromeo?

- Sống một cuộc đời có ý nghĩa: Bằng cách đặt đức tin vào Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

- Trở thành những người tốt hơn: Bằng cách noi theo gương sáng của Thánh nhân về sự khiêm tốn, lòng nhân ái và sự thông thái.

- Xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn: Bằng cách làm việc cùng nhau để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

* Thánh Carlo Borromeo là một mẫu hình lý tưởng cho mọi Kitô hữu.

Cuộc đời và những việc làm của ngài cho chúng ta thấy rằng, với đức tin, lòng nhiệt huyết và sự tận tâm, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho Giáo hội và xã hội.

 

Thứ ba: Lc 14, 15-24

Suy niệm 1:

Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng khao khát được tham dự vào bàn tiệc nước trời. Nhưng làm thế nào để đạt được niềm khát khao sâu xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết. Xin cho chúng ta biết lắng nghe và nỗ lực thực thi điều mà Chúa Giêsu chỉ dạy để được tham dự vào bàn tiệc nước trời.

Thấy cái này nhớ đến cái kia, làm điều này nghĩ đến điều nọ, đó là lẽ thường tình của con người. Cũng thế, trong bữa tiệc tại nhà vị thủ lãnh Biệt phái, một người ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu đã bộc bạch suy nghĩ của mình: “phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã hướng dẫn ông cũng như chúng ta cách thế để đạt được niềm khao khát chính đáng là tham dự vào bữa tiệc nước trời.

Chúa Giêsu cho biết bàn tiệc nước trời đã dọn sẵn và rộng cửa đón nhận mọi người vào tham dự. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng cho thấy con người lại quá say mê nhiều thứ khác ở trần gian nên dễ dàng từ chối bàn tiệc nước trời.

Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do khiến người đời từ chối lời mời gọi tham dự bàn tiệc nước trời: Mới tậu một thửa ruộng, nên cần phải đi xem đất (1). Mới mua năm đôi bò nên phải đi thử chúng (2). Mới cưới vợ, bởi còn lo đến chuyện hạnh phúc đời này, không thể đến được (3). Những lý do trên chung quy lại chỉ vì lợi ích trước mắt mà quên đi hạnh phúc và giá trị vĩnh cửu đời đời

Hằng ngày, hàng tuần Chúa tha thiết mời chúng ta đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để ta cảm nếm niềm vui nước trời. Nhưng chúng ta lại tìm mọi cách, diện mọi lý do để khướt từ. Tất cả cũng vì còn say mê những giá trị chóng qua đời này là của cải, danh vọng và lạc thú.

Xin Chúa ban cho chúng lòng cam đảm để vượt lên trên những giá trị trần thế chóng qua mà siêng năng đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể do Chúa thiết tha gọi mời. Được vậy, chúng ta mới có thể cảm nếm được niềm vui hạnh phúc nước trời hôm nay và mai sau.


Suy niệm 2:

Bữa tiệc trong văn hóa Do Thái xưa là hình ảnh quen thuộc, tượng trưng cho niềm vui, sự đoàn kết và sự phong phú. Tuy nhiên, bữa tiệc mà Chúa Giêsu mời gọi không chỉ là một bữa tiệc vật chất, mà còn là một bữa tiệc thiêng liêng, đó chính là Nước Thiên Chúa.

Đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với một bữa tiệc ấy, một bữa tiệc của tình yêu và ơn phúc. Lời mời gọi của Chúa Giêsu không giới hạn giàu nghèo, sang hèn, tất cả đều được Chúa mời đến dự bàn tiệc này.

Dù vậy vãn có nhiều người từ chối vì không quan tâm, vì vô tình, hay vì bận rộn với những công việc đời thường. Điều này cho thấy con người thường quá bận rộn với những lo toan trần thế mà quên đi những giá trị thiêng liêng cao quý.

Dẫu cho có nhiều người từ chối, nhưng chủ nhà vẫn không nản lòng, ông tiếp tục mời những người qua đường, những người nghèo khổ vào dự. Điều này cho thấy tình yêu của Thiên Chúa dành chúng ta là kiên nhẫn và thiết tha biết mấy!

Mỗi ngày, Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta đến với Ngài qua nhiếu cách thế, nhất là qua bàn tiệc thánh thể. Vì thế, chúng ta đừng quá lo toan những giá trị trần thế mà quên đi lời mời gọi tha thiết của Chúa.

Tạ ơn Chúa vì đã thương và kiên nhẫn mời gọi con đến dự bàn tiệc Nước Chúa. Xin cho chúng ta luôn tích cực đáp lại lời mời của Chúa bằng cách siêng năng tham dự thánh lễ và nỗ lực sống xứng đáng với ơn gọi làm con cái Chúa. Amen.

 

Thứ tư: Lc 14, 25-33

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ chân chính của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực làm theo lời dạy của Chúa với mong muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.

Thời buổi kinh tế thị trường (củi quế gạo châu) như hôm nay, trước khi đầu tư vào bất cứ dự án hay công việc gì, người ta đều phải tính toán chi tiết, kẻo thất bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.

Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là quyết định hệ trọng, ảnh hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Vì thế, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cần phải hãy suy tính thật cẩn trọng. 

Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế. 

Cũng vậy muốn chống lại quân thù kéo 20 ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối đầu nổi không. Nếu ta chỉ có 10 ngàn quân và không có kế sách nào hay, thì tốt nhất nên cầu hòa, hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.

Nếu những sự đời như xây nhà, đánh trận mà người ta còn biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và đi theo làm môn đệ của Chúa không phải là chuyện đùa, nên cần phải suy tính và chuẩn bị thật chu đáo. Vậy phải chuẩn bị thế nào?

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta 2 cách tốt nhất để chuẩn bị: 1 là từ bỏ, 2 là vác thánh giá. Đó chính là hai phương cách hữu hiệu tối ưu để được làm môn đệ Chúa và nhờ đó ta sẽ chiếm hữu được nước trời.

Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất mát và thấy thương đau vì những thử thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…xem ra còn dễ, nhưng từ bỏ ý riêng, bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là không dễ chút nào. Thật khó biết bao khi phải bỏ đi tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ con người cũ với những ý nghĩ cá nhân để hòan toàn vâng phục theo ý Chúa hoàn toàn. Khó nhưng với sức mạnh ơn Chúa ta thì mọi sự đều có thể.

Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước trời.


Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đề ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ Ngài:

- Từ bỏ mọi thứ: Điều này không chỉ đơn thuần là từ bỏ những vật chất mà còn bao gồm cả những mối quan hệ thân thiết nhất, thậm chí cả mạng sống của mình.

- Vác thập giá mình: Mỗi người đều có những khó khăn, thử thách riêng, đó chính là thập giá mà chúng ta phải vác để theo.

- Đi theo Chúa:  Để đi theo Chúa, trước hết Chúa Giêsu muốn chúng ta phải suy tính cẩn thận, tựa như việc xây dựng một tòa tháp hoặc tham gia một cuộc chiến vậy. Nên chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, để không phải hối hận về sau.

* Xin cho chúng ta hiểu rằng:

- Từ bỏ không phải là một sự mất mát mà là một sự giải phóng. Khi chúng ta buông bỏ những thứ ràng buộc, chúng ta sẽ có được tự do để yêu thương và phục vụ Chúa một cách trọn vẹn hơn.

- Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ và hy sinh, nhưng lại là con đường dẫn đến sự sống lại và vinh quang. Khi chúng ta vác thập giá mình là chúng ta đang chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và đồng hành cùng Ngài trên con đường cứu độ nhân loại.

- Để trở thành môn đệ của Chúa đòi hỏi chúng ta phải có một quyết tâm vững vàng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì thế một khi quyết  định theo Chúa, chúng ta cần phải cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham gia các hoạt động của Giáo hội, nhờ đó đức tin của chúng ta mới được củng cố vững mạnh cho dẫu phải đối mặt với những gian nan thử thách, chúng ta vẫn sẵn sàng.

Xin Chúa ban cho chúng ta dồi dào ơn sủng, để chúng ta can đảm từ bỏ mọi mọi sự mà hăng hái dấn bước theo Chúa đến cùng, với niềm xác tín vững vàng vào con đường thập giá chính Chúa đã đi là con đường duy nhất dẫn đến vinh quang phục sinh. Amen.

 

Thứ năm:  Lc 15, 1-10

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà chân thành sám hối để an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.

Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”. Tác giả người tôi tớ Chúa là đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:

1. Chúa Giêsu không biết làm toán.

Với dụ ngôn con chiên bị mất, cho thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán!

2Chúa Giêsu không sành luận lý.

Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình. Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!

Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.

Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu cao vời của Chúa.

Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.


Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai câu chuyện dụ ngôn về con chiên lạc và đồng tiền bị mất để bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót vô biên của Ngài đối với mỗi người chúng ta, dù chúng ta có là ai và tội lỗi thế nào.

- Con chiên tượng trưng cho mỗi người chúng ta, khi đôi lúc ta lạc lối khỏi con đường chính đạo, xa lìa khỏi Chúa. Nhưng Thiên Chúa, như người chăn chiên nhân lành, không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Ngài luôn tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận chúng ta trở về.

- Đồng tiền tượng trưng cho giá trị của mỗi người con cái Chúa. Dù ta có nhỏ bé, yếu đuối, hay có những lỗi lầm, thì trong mắt Chúa, chúng ta vẫn luôn quý giá. Ngài sẵn sàng bỏ ra mọi công sức để tìm kiếm và cứu chuộc chúng ta.

Qua đó cho ta hiểu được :

- Tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta vô điều kiện, không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Tình yêu ấy luôn bao dung, tha thứ và sẵn sàng đón nhận chúng ta trở về.

- Mỗi người chúng ta đều có giá trị trong mắt Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai, dù là người tội lỗi nhất. Khi chúng ta quay trở về với Chúa, đó là niềm vui lớn lao không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả thiên đàng.

Cảm nhận trước tình vô biên của Chúa, chúng ta hãy can đảm quay về cùng Chúa với lòng sám hối chân thành, hầu xứng đáng được Chúa đón nhận vào trong vòng tay yêu thương của Người. 

Khi đón nhận tình thương của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi thể hiện tình yêu thương ấy đối với những ai lầm lỗi cách vô điều kiện, sẵn sàng mở lòng tha thứ và đón nhận họ trở về cùng Chúa và GH.

 

Thứ sáu: Lc 16, 1-8

Suy niệm 1:

Làm thế nào để trở thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan Chúa ban để sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho nước trời.

Quản gia là người được ông chủ rất tin tưởng trao phó tất cả tài sản cho quản gia trông coi. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất trung.

Anh ta khôn ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của chủ để thu lợi bất chính cho mình. Đến khi chủ gia khám phá và có ý định sa thải, thì một lần nữa, anh khôn ngoan nghĩ ra cách đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có anh nghĩ ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, với ý định sau khi mất việc anh được nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà họ.

Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta đã không trung thực trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của chủ làm lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc luân lý đòi buộc là dùng phương tiện xấu hầu đạt được mục đích tốt.

Khi ca ngợi hành động khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta học nơi người quản gia này biết khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai xa.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa hôm nay là hồi chu chuông cảnh tỉnh những ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi lối sống bất trung với Chúa và gian dối với người kịp thời điều chỉnh lại cuộc sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền của… để sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho người và cho nước trời.


Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng câu chuyện về người quản lý bất trung để dạy chúng ta bài học sâu sắc về sự khôn ngoan.

- Sự khôn ngoan của thế gian: Người quản lý bất trung đã thể hiện một sự khôn ngoan nhất định khi đối mặt với tình huống khó khăn. Ông ta đã sử dụng những mối quan hệ và tài sản của chủ để đảm bảo tương lai cho mình. Tuy nhiên, đây là loại khôn ngoan của thế gian, một loại khôn ngoan chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân.

- Khôn ngoan của Thiên Chúa: Chúa Giêsu khen ngợi sự khôn ngoan của người quản lý này, nhưng Ngài không tán thành hành động của ông ta. Thay vào đó, Ngài muốn chúng ta hiểu rằng ngay cả những người không tin cũng có thể có những hành động khôn ngoan. Tuy nhiên, khôn ngoan của Thiên Chúa là một loại khôn ngoan cao cả hơn, một loại khôn ngoan hướng đến việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa.

- Bài học cho chúng ta: Chúng ta được mời gọi sử dụng những tài năng và khả năng của mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, chúng ta nên sống một cuộc đời khiêm tốn, chia sẻ và yêu thương.

Chúng ta nên học hỏi từ người quản lý bất trung về sự khôn ngoan trong việc quản lý tài sản. Tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng sự khôn ngoan này một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung.

Xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan như Chúa muốn. Nhờ đó chúng con biết sử dụng những tài năng và khả năng của mình mà phục vụ Chúa và tha nhân với lòng quảng đại, chia sẻ. Bởi vì chỉ khi cho đi, chúng ta mới nhận lại những điều cao quý Chúa ban. Amen.

   

Thứ bảy: Ed 47,1-2.8-9.12; Ga 2,13-22

KÍNH CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LA-TÊ-RA-NÔ

Suy niệm 1:       

Cùng với GH, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được triều đình hỗ trợ tái thiết và xây mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được hoàn thành và cung hiến long trọng, dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.

Mừng kính kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành riêng thờ phượng TC, là nơi con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín hữu lãnh nhận các nguồn ân sủng của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.

Hình ảnh đền thờ vật chất nhắc nhớ ta đến đền thờ cao quý không tàn phai theo năm tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi đó TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn biết gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch hầu xứng đáng là nơi cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

- Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.

Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ trong Đức Kitô được tốt đẹp.

Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.

Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.

 

 Suy niệm 2

Đền thờ Giêrusalem phải mất bốn mươi sáu năm mới xây dựng xong. Đúng là công trình thế kỉ hoàng tráng, kiên cố và đáng tự hào. Tuy nhiên giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách quy mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng hiện diện nơi ấy mới làm cho mọi công trình trở nên có giá trị và nơi đó mới được gọi là Đền Thờ. Cho nên một khi Đấng Thánh ấy không hiện diện và không được tôn thờ nơi ấy nữa, thì nơi ấy không còn sự thánh thiêng và lập tức nơi ấy lại trở thành nơi chợ búa, làm hang ổ cho bọn trộm cướp cư ngụ. Lúc ấy, nơi ấy cần phải được phá hủy để xây dựng lại những công trình khác có giá trị hơn. Điều này cũng giúp ta hiểu rằng giá trị đền thờ không phải do cấu tạo vật chất giá trị mà quan trọng là Đấng Thánh có hiện diện nơi ấy. Do đó, bất cứ ở nơi đâu, thậm chí là nơi hang bò lừa, hay nơi ổ chuột nếu có Chúa hiện diện, thì nơi đó cũng trở nên Đền Thờ vì có Đấng Thánh ở cùng.

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ là hoang phí, nếu công trình được trả giá bằng cái chết của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ của bọn cướp!

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là Đấng sẵn sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn trùng cao cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và thánh hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN-B

Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34

Suy niệm 1: ĐỘNG LỰC YÊU

“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.

“Tôi yêu nhân loại; đó là những con người mà tôi không thể chịu nổi!” - Charlie Brown.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhiều người sẽ đồng cảm với Charlie Brown - một nhân vật truyện tranh. Nhưng cuộc sống không phải là tập truyện tranh; cuộc sống là cuộc sống, sống các mối tương quan! Vậy làm sao có thể sống các mối tương quan? Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ cho chúng ta một động lực - ‘động lực yêu’ - đó là, “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.

Nhiều người cảm thấy không yêu nổi cuộc sống, nên ai cũng ngưỡng mộ một tình yêu trọn vẹn và trung thành. Tương tác của Chúa Giêsu với vị kinh sư chỉ cho chúng ta tình yêu này. Đây là một nguyên tắc đơn giản, bao trùm tất cả để sống. Hơn nữa, đây chính xác là điều mà thế giới hôm nay ‘đang thiếu, đang cần và đang muốn’. Chúng ta muốn đơn giản hoá cuộc sống mình và Chúa Kitô đã làm cho ‘bản đồ cuộc sống’ đó trở nên đơn giản. Chỉ cần hành động vì tình yêu dành cho Chúa và hợp nhất tất cả sức mạnh, trái tim, tâm hồn và trí óc của mình trong nỗ lực duy nhất này: Yêu mến Chúa. Thế là đủ! Bạn và tôi có đang làm phức tạp cuộc sống một cách không cần thiết không? Ý nghĩa thay, Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa là sức mạnh con, con yêu mến Ngài!”.

Muốn đến đích, đường ngắn nhất là đường thẳng. Khi yêu Chúa hết lòng, Ngài là ‘động lực yêu’, chúng ta sẽ đi thẳng con đường của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta có những tình yêu khác, những tình yêu ‘cạnh tranh’ khiến Chúa không có trong hành động của chúng ta, chúng ta sẽ mất đà và ‘lang thang theo đủ mọi hướng’, và như thế sẽ không đến gần được Vương quốc. Chúng ta không thể hợp nhất mọi thứ trong một tình yêu đơn phương dành cho Chúa sao? Nếu làm được, thì mọi email, mọi cuộc điện thoại, bữa ăn gia đình, sự kiện, các cuộc họp và lớp học, mọi việc vặt - hoàn toàn là mọi thứ - sẽ đưa chúng ta đến Vương quốc chứ không phải rời xa nó.

Thư Do Thái hôm nay cho biết, Chúa Giêsu, “Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” hằng chuyển cầu cho chúng ta; cuộc sống của Ngài trở nên tấm gương toàn bích về cách sống của chúng ta. Ngài thể hiện một tình yêu không vẩn đục. Noi gương Ngài sống tình yêu đối với Chúa Cha, với nhân loại, chúng ta có ‘động lực yêu!’.

Anh Chị em,

“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi!”. Nhìn lên thánh giá, chúng ta biết mình được yêu đến mức nào và phải đáp trả tình yêu đó thế nào. Chúa Kitô dành cho Chúa Cha và cho nhân loại tất cả khi Ngài phó dâng chính mình. Tình yêu của Ngài không là chịu đựng - như Charlie Brown - nhưng là ôm lấy, gánh lấy, mang lấy, yêu lấy, sống lấy cuộc sống nhân loại, và cứu lấy nó; trong đó, có cả những kẻ giết Ngài. Hãy đến với Ngài, kín múc sức mạnh hầu có thể tiếp tục yêu như Ngài yêu, ôm lấy như Ngài ôm lấy. Đó chính là ‘động lực yêu’ làm cho tình yêu trổ hoa sinh trái trong gia đình, trong cộng đoàn, làng xóm, công sở. “Yêu thương là hoa trái trổ sinh cả bốn mùa, ngang tầm với của mọi người” - Mẹ Têrêxa. Được như thế, bạn và tôi không còn xa Nước Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì tình yêu Chúa trong con đầy tràn đến mức con có thể yêu lấy bất cứ ai Chúa đặt trên đường đời, cả những người xem ra con không thể chịu nổi!”, Amen.

 

Suy niệm 2: TRƯỚC HẾT HÃY MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Lm Nguyễn Xuân Trường

Điều răn nào đứng hàng đầu? Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng đó là điều răn Mến Chúa Yêu Người. Chúa đã làm nổi bật cốt lõi của Đạo là yêu thương.

1. Mến Chúa. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” chưa? Cứ hỏi lòng mình là biết ngay: Mỗi ngày lòng tôi hướng về Chúa bao nhiêu thời gian? Tôi có siêng năng cầu nguyện và đi lễ không? Linh hồn và thân xác, tôi để ý chăm chút cái gì nhiều hơn? Tôi đã dùng tài trí sức lực để phụng sự Chúa thế nào? Tôi dâng tiến bao nhiêu tài sản cho Chúa và Giáo Hội? Cứ thành thật với lòng mình thì hoá ra tôi yêu Chúa hời hợt chứ không hết lòng. Tôi yêu Chúa nhiều khi không bằng yêu những sự khác.

2. Yêu người. Đã mến Chúa thì phải yêu người vì Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Chúa bảo phải “yêu người thân cận như chính mình.” Người thân cận không chỉ là người trong gia đình mình, hàng xóm mình, mà bao gồm cả người xa lạ như trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Dụ ngôn cũng cho thấy yêu không chỉ là cảm xúc, mà là thực thi những hành động cụ thể để chăm lo giúp đỡ người khác, để chữa lành và cứu sống người khác.

Nhiều tôn giáo dạy mến Chúa. Nhiều xã hội cổ võ yêu người. Vậy tại sao lại có chiến tranh tôn giáo, lại đầy rẫy những bất công xã hội? Vì người ta đã tách rời giữa mến Chúa và yêu người. Vì tách rời nên người ta có khi nhân danh yêu mến Thượng Đế để huỷ diệt người khác, người ta hô hào yêu mọi người không loại trừ ai nhưng lại gạt bỏ Thiên Chúa là tình yêu ra khỏi đời sống. Còn Chúa Giêsu đã làm điều đặc biệt: Ngài không tách rời mà lại nối kết 2 điều răn mến Chúa và yêu người thành một điều răn duy nhất. Đã mến Chúa thật lòng thì cũng phải yêu người hết lòng. Amen.

 

Suy niệm 3: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận”.

Anh chị em thân mến,

Mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng Mười điều răn của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng thuộc làu như ăn cháo Năm điều răn của hội thánh, và quan trọng hơn: chúng ta vẫn thường dùng giới răn của Thiên Chúa và của hội thánh để xét mình trước khi xưng tội, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta nhớ nằm lòng trong cách cư xử với người chung quanh: kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình !

Mọi lề luật và giới răn đều quy về Thiên Chúa và hướng đến con người, đó chính là yêu thương, và đó cũng chính là “cái ách nhẹ nhàng” mà Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải mang trong cuộc sống.

Có cái ách con trâu mới có những luống cày thẳng tắp. Người Ki-tô hữu được lề luật Thiên Chúa và giới răn của hội thánh hướng dẫn trong sự soi sáng của Đức Chúa Thánh Thần, nên đời sống của họ phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đến những người chung quanh qua việc họ thực hành giới luật yêu người của Chúa dạy. Họ tuân giữ và thực hành lề luật cách nhẹ nhàng bởi vì họ đã xác tín được rằng: tất cả mọi lề luật đều làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Kính mến Thiên Chúa thì là điều tự nhiên ai cũng biết và có bổn phận phải tuân giữ, nhưng yêu người là điều rất khó đối với con người ta, khó là vì chính những con người ấy đã bách hại người tin vào Chúa, họ đã giết chết và đã ghen ghét những người có niềm tin vào Đức Chúa Ki-tô, bây giờ lại phải yêu thương họ, đúng là một điều rất khó và trái với “truyền thống” của những người Pha-ri-siêu, các thầy thông luật và những người chỉ giữ luật Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em...

Thánh Gioan Tông Đồ đã nói với chúng ta rằng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.

Có người thuộc nằm lòng tinh thần và lề luật của Thiên Chúa, nhưng lại cố chấp thực hành lề luật theo từng nét chữ, để rồi họ trở nên xa lạ với tha nhân, và cô độc trong tâm hồn, vì lề luật nơi họ chỉ là cái gông nặng nề mà họ phải mang khi thực hành cốt lỏi của lề luật là yêu thương tha nhân như chính mình.

Anh chị em thân mến,

Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ tóm gọn trong hai điều này: một là kính mến Thiên Chúa, hai là yêu người như chính mình. Cả hai chỉ là một, bởi vì khi chúng ta kính mến Thiên Chúa thì đồng thời phải yêu thương tha nhân, và ngược lại, khi chúng ta yêu người thì cũng phải kính mến Thiên Chúa.

Chúng ta thường đi tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích để bày tỏ lòng kính mến Thiên Chúa, nhưng có lẽ chúng ta rất ít khi “nhìn” đến người anh em chị em của chúng ta đang cần đến chúng ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần...

Xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn nhiệt tình yêu mến Chúa, và tấm lòng quãng đại với tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

Thứ hai: Lc 14, 12-14

Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô

VĂN HOÁ CHO ĐI

“Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại!”.

“Tôi nghĩ đến những tình nguyện viên với lòng biết ơn về các bếp ăn từ thiện, nơi cung cấp thực phẩm cho người túng thiếu, thất nghiệp hoặc vô gia cư. Những bếp ăn này và các công việc từ thiện khác - như thăm viếng người bệnh và tù nhân - là nơi đào tạo lòng bác ái, toả lan văn hoá cho đi. Theo cách này, phục vụ trở thành chứng tá yêu thương, làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình và đáng tin cậy!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy đừng làm mọi việc vì phần thưởng tức thì; thay vào đó, hướng đến phần thưởng mai ngày. Ngài nói với người biệt phái, “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có. Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật... Họ không có gì đáp lễ. Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Ngài nói đến 'văn hoá cho đi!'.

Với nhiều người, cuộc sống thuộc về ‘những chiếc đòn bẩy’; những việc làm tốt là những khoản đầu tư sẽ gặt hái lợi nhuận trong tương lai. Chúa Giêsu mời chúng ta vượt quá suy nghĩ lẽ thường của con người và nghĩ đến nhiều hơn về ‘những chiếc đòn bẩy’ thần thánh - “được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại!”. Thiên Chúa không nhận được một lợi ích cá nhân nào qua việc thể hiện tình yêu vô bờ bến đối với chúng ta. Bạn và tôi không thể trao cho Ngài bất cứ thứ gì mà Ngài chưa có. Vì thế, hãy mở rộng danh sách cho ‘lời mời ăn tối’ của mình! Nói cách khác, hãy sống nền ‘văn hoá cho đi!’.

Cám dỗ về ‘những chiếc đòn bẩy’ không chỉ có ở giáo dân, nhưng ngay cả ở giáo sĩ, tu sĩ. Một Linh mục luôn nói thế này, “Tiền lương thì tệ, nhưng phúc lợi hưu trí thì tuyệt vời!”. Lợi ích cá nhân của ngài là nhận được sự đền đáp tích cực ngay ở đời này, đang khi tình yêu và lòng bác ái đích thực lại không ghi điểm để bảo đảm rằng, “nó đáng giá!”. Không! Chúng ta đang sống cho cõi vĩnh hằng! Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng, “những việc làm tốt không được đáp lại là những việc làm tốt nhất!”. Vì vậy, các bậc cha mẹ trên thế giới, hãy vững lòng! Những hy sinh của anh chị em thực sự sẽ tìm thấy phần thưởng của chúng “trong ngày các kẻ lành sống lại”, ngày phục sinh của người công chính.

Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô ước ao các tín hữu sống 'văn hoá cho đi' đó, “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác!”. Và bấy giờ, Chúa sẽ ban niềm vui, một niềm vui an bình, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Không cần đợi đến ngày kẻ lành sống lại; chỉ cần sống ‘văn hoá cho đi’ như lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Chúa đáp lễ ‘ở đây và lúc này’. Chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong chính sự cho đi hơn là nhận lại từ nó. Vì rất thường xuyên, khi trao tặng cho những người dường như không có gì để đáp lại, chúng ta thực sự nhận được từ họ nhiều hơn những gì chúng ta trao tặng. ‘Cho đi’ không bao giờ làm nghèo, nhưng luôn làm giàu cho trái tim ‘ở đây và lúc này’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì những hành động bác ái nơi con sẽ làm cho tình yêu Chúa trong thế giới này trở nên hữu hình và đáng tin cậy!”, Amen. 

 

Thứ ba: Lc 14, 15-24

TIỆC BẤT TẬN

“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”.

“Thiên Chúa nhân từ mời gọi mọi người, nhưng chính sự hèn nhát hoặc sự lầm đường lạc lối của mỗi người đã chia cắt chúng ta với Ngài!” - Ambrôsiô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến hạnh phúc của những ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Đó là ‘tiệc thiên đàng’, ‘tiệc bất tận’ mà “Thiên Chúa nhân từ mời gọi mọi người”.

Một số khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng ta được dành cho bàn tiệc. Những cột mốc quan trọng được tổ chức ở đó, tình bạn ngày càng sâu sắc hơn và các mối quan hệ được đổi mới ở đó. Phải chăng đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thường xuyên sử dụng hình ảnh này để mô tả thiên đàng? Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về niềm vui của bữa tiệc thiên cung, ‘tiệc bất tận’ này!

Chúng ta không thể hiểu được sẽ như thế nào khi mỗi người nhìn thấy Chúa Cha và vẻ đẹp vô biên bất tận nơi sự uy nghiêm Ba Ngôi của Ngài; và những người đồng bàn cũng sẽ rất tuyệt! Trong bữa tiệc thiên triều đó, bạn ngồi ở đâu không quan trọng nhưng một điều chắc chắn là bạn sẽ ngồi ‘cạnh một vị thánh’ và cuộc chuyện trò sẽ rất tuyệt vời!

Thế nhưng, việc đi dự tiệc luôn cần một chút nỗ lực! Có thể bạn cần thuê người trông trẻ, chọn thứ gì đó để mặc và có thể thay đổi các kế hoạch đã định. Nếu lời mời không được coi trọng, nỗ lực sẽ không được thực hiện; thay vào đó, bạn sẽ đưa ra bao lời bào chữa. Chúng có thể là một thực tế - một mảnh đất mới mua, năm cặp bò mới tậu, vừa đám cưới - nhưng tất cả chúng đều nhất loạt ngụy trang cho một sự thật ‘đáng buồn’: bữa tiệc đó có vẻ không đáng! Lời Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về những lời bào chữa có thể có trong đời sống thiêng liêng của mình. Liệu những bào chữa này có che giấu một sự tầm thường tâm linh nào đó đang ngày càng gia tăng khiến chúng ta chậm chạp trên đường nên thánh?

Thật vinh hạnh khi được mời dự tiệc thiên quốc của Chúa! Đó là “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người!”; và do đó, không có bất kỳ sự so sánh nào có thể. Dẫu vậy, mỗi người vẫn có khả năng từ chối lời mời thần thánh này và bỏ lỡ mãi mãi ân phúc tốt nhất Thiên Chúa tặng ban; đó là được chia sẻ ngôi nhà của Ngài, bữa ‘tiệc bất tận’ của Ngài, sự thân mật của Ngài, mãi mãi. Thật là một trách nhiệm!

Anh Chị em,

“Cho tôi xin kiếu!”. Thật không may, chúng ta có khả năng “xin kiếu” khi ‘đổi Thiên Chúa’ để lấy hầu như bất cứ thứ gì! Bạn và tôi sẵn sàng đổi Thiên Chúa - và lời mời của Ngài - để lấy điều gì? Có phải đó là danh vọng, quyền lực, tiền bạc hay chính “sự hèn nhát hoặc sự lầm đường lạc lối của chúng ta chia cắt chúng ta với Ngài?”. Ngài không xứng đáng đến mức chúng ta có thể thay thế Ngài bằng bất cứ thứ gì sao? Hãy để câu trả lời của bạn và tôi trước lời mời thánh thiêng này luôn là một lời ‘Xin Vâng’ đầy lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ khi chúng ta ‘đếm ngược’ ngày dự ‘tiệc bất tận’ rồi cũng sẽ đến!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương và thứ tha, vì lắm lần con đã ‘đổi Chúa’ và lời mời của Ngài bằng ‘bao thứ rác rưởi’. Và như thế, con đã bội giáo, phạm thánh vì thờ ngẫu tượng!”, Amen. 

 

Thứ tư: Lc 14, 25-33

NGƯỜI ĐI THEO

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”.

“Đối với các Kitô hữu, việc vác thập giá không phải là ‘một lựa chọn’ mà là ‘một sứ mệnh’ được ôm ấp vì tình yêu. Trong thế giới ngày nay, Chúa Kitô không ngừng đưa ra lời mời rõ ràng của Ngài, ‘Bất kỳ ai muốn trở thành môn đệ tôi - người đi theo tôi - phải từ bỏ sự ích kỷ của mình và vác thập giá với tôi!’” - Bênêđictô XVI.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, “Thành phố hoà bình”; tại đó, Ngài sẽ hiến dâng mạng sống để cứu độ thế giới. “Có rất đông người cùng đi”; trong đó có các môn đệ, những ‘người đi theo’ Ngài.

Môn đệ có nghĩa là “người đi theo”. Là ‘người đi theo’, môn đệ trở nên giống Thầy, suy nghĩ giống Thầy, sống giống Thầy, đồng hiện hữu với Thầy và đồng hành với Thầy trên cùng một con đường. Trên con đường đó, Chúa Giêsu đã dạy họ bằng những sự kiện, những lời nói và chắc hẳn, họ đã thấy tâm tình và thái độ của Ngài trước Đấng Tuyệt Đối và trước những gì tương đối. Họ ngưỡng mộ mối quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha, họ thấy sự trân trọng và sự tự tin của Ngài thể hiện khi cầu nguyện với Cha trên trời và họ đã ngưỡng mộ sự nghèo khó triệt để của Ngài.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với bạn và tôi những lời đó - những điều kiện - cách rõ ràng. Ngài phải được yêu mến hết lòng, vượt qua mọi loại ràng buộc, ngay cả những ràng buộc gần gũi nhất: “Cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa!”; vì “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”. Trong cuộc sống của ‘người đi theo’ Chúa Giêsu, Ngài phải luôn là ưu tiên số một. “Hãy trả lời cha mẹ mình rằng, ‘Con yêu cha mẹ trong Chúa Kitô, chứ không phải yêu cha mẹ thay vì yêu Chúa Kitô!’” - Augustinô. Theo Chúa Kitô, ngay cả tình yêu đối với mạng sống cũng phải đứng sau. Cuối cùng, theo Chúa Kitô đòi hỏi phải chấp nhận thập giá. Không có thập giá, không có môn đệ!

‘Người đi theo’ Chúa Kitô không như những người hâm mộ bóng đá theo dõi cầu thủ yêu thích của họ hoặc những ‘fan cuồng’ theo dõi một ngôi sao nhạc pop từ thành phố này sang thành phố khác. ‘Người đi theo’ Chúa Kitô luôn có một cái giá phải trả, giá đó là thập giá, một mức độ hy sinh và đau khổ - có thể là cả cuộc đời - mà mỗi người phải chuẩn bị để chịu đựng vì lợi ích Phúc Âm và lợi ích của việc xây dựng Vương Quốc.

Anh Chị em,

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”. ‘Người đi theo’ Chúa Kitô là người hoàn toàn tự do! Phanxicô Assisi đã rời bỏ gia đình, cởi bỏ áo xống sang trọng, đắt tiền; thay vào đó là những mảnh giẻ của người ăn xin. Từ ngày đó, Phanxicô tràn ngập một cảm giác vui sướng và giải thoát vô cùng. Tôi có muốn trở thành môn đệ Chúa Kitô không? Ở mức độ nào? Tôi có sẵn sàng trả giá mà Ngài yêu cầu? Có bao nhiêu người trong chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó? Tôi đã sẵn sàng chưa? Tôi đang bám víu vào điều gì? Tôi không thể buông bỏ điều gì? Tại sao như vậy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con luôn biết hỏi Mẹ Têrêxa và Phanxicô về một nghịch lý rằng, một khi con trả giá, con sẽ nhận lại được gấp trăm!”, Amen.
 

 

Thứ năm:  Lc 15, 1-10

 MỘT ĐỜI TÌM KIẾM

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Alexander thấy nhà triết học Diogenes đang chăm chú nhìn vào một đống xương người, vua hỏi, “Ông đang tìm kiếm điều gì?”. Diogenes trả lời, “Điều mà tôi không thể tìm thấy!”; và Diogenes thú nhận, ông đã dành cả một đời để tìm kiếm điều ông không thể tìm thấy!

Kính thưa Anh Chị em,

Như Diogenes, cuộc đời mỗi người, xét cho cùng, là ‘một đời tìm kiếm!’. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay còn cho biết, không chỉ con người tìm kiếm; cả Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời kiếm tìm!’.

Từ phút chào đời, con người đã rành rọt trong việc kiếm tìm! Chưa cần mở mắt, đứa bé đỏ ỏng đã biết tìm vú mẹ. Quá trình trưởng thành của nó, rốt cuộc, cũng là một quá trình tìm kiếm; tìm kiếm cái ăn, cái mặc; tìm kiếm tri thức, tìm kiếm của ăn tinh thần; tìm kiếm lẽ phải, tìm kiếm sự thiện; và tuyệt vời nhất, cái đáng tìm kiếm nhất của con người là Thiên Chúa, Chân - Thiện - Mỹ. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Phaolô dường như - gần nửa cuộc đời - đã hoài sức tìm kiếm sự hoàn thiện khi nỗ lực chu tất lề luật cho đến khi biết được Chúa Kitô. Biết được Ngài, Phaolô không còn thiết tha gì đến quá khứ, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi!” - bài đọc một.

Chính Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’, và Ngài đã làm điều này từ thuở địa đàng, “Ađam, ngươi ở đâu?”. Với Ngài, tìm kiếm là xót thương, là cứu vớt! Hình ảnh “con chiên lạc” và “đồng bạc mất” được tìm kiếm trong Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Cả người chăn chiên và bà nội trợ đều tìm kiếm cho đến khi tìm thấy những gì họ đã mất. Sự kiên trì của họ đã được đền đáp. Cả hai theo bản năng, chia sẻ niềm vui với cộng đồng. Người nghèo đặc biệt giỏi trong việc chia sẻ nỗi buồn và niềm vui của nhau! Điều mới mẻ trong lời dạy của Chúa Giêsu là sự nhấn mạnh rằng, ‘tội nhân phải được tìm kiếm chứ không chỉ đơn thuần là thương tiếc!’. Đó là lý do tại sao thiên đàng vui mừng khi một tội nhân được tìm thấy và phục hồi tình bạn với Thiên Chúa. Bạn có kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm những người mà bạn biết đã lạc lối đến với Chúa không?

Anh Chị em,

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”. Người tìm Chúa hoan hỷ vì biết rằng, Thiên Chúa đi tìm họ trước! Vì thế, trên hành trình tìm kiếm này, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn ngược chiều, Ngài đi tìm mỗi người chúng ta trước. Ngay khi bạn vừa đặt chân xuống dòng suối, tìm lên ngọn nguồn, thì chính dòng nước đã ôm chầm chân bạn! Một điều quan trọng khác cần lưu ý là chúng ta phải xin ơn ‘nhận biết mình lạc lối!’. Phải, tất cả chúng ta đều lạc lối mỗi người mỗi kiểu, theo những cách khác nhau. Chúa Giêsu, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ đang kiếm tìm chúng ta. Ngài tìm kiếm mỗi người tận núi Sọ; và mỗi ngày, tiếp tục tìm kiếm chúng ta trong các biến cố, trong những con người chúng ta gặp gỡ. Và điều quan trọng, bạn và tôi hãy ‘la lên’ và ‘cho phép mình được tìm thấy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa say mê tìm con; cho con say mê kiếm Chúa! Và nhất là, ban cho con sức mạnh và can đảm để có thể ‘la lên’ và ‘cho phép mình được tìm thấy!’”, Amen.

 

Thứ sáu: Lc 16, 1-8

CƠ DUYÊN

“Tôi nghe nói anh sao đó?”.

Một Kitô hữu đi qua ‘đường hầm tăm tối’ thường có xu hướng tập trung vào những thất bại của mình. Tuy nhiên, Chúa có thể sử dụng thời gian tăm tối này để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân sủng toàn vẹn của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘cơ duyên!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?” cũng là điều Chúa muốn nói với bạn và tôi khi chúng ta đặt mình vào vị trí người quản lý của dụ ngôn Tin Mừng. Vậy nếu nghiêm túc coi những lời này là lời của Chúa đang nói với mình, thì đây có thể cũng là ‘cơ duyên’ cho chúng ta. Thật thú vị, ‘cơ duyên’, “grace” - tiếng Anh - còn có nghĩa là “ân sủng!”.

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết hết mọi sự, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa!”. Tuy nhiên, Ngài vẫn có thể hỏi chúng ta những lời đó khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người. Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Hãy nhìn vào Ngài - một người Cha - người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Những lời này rồi cũng sẽ tiết lộ một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài!

Vâng, chúng ta sẽ cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ cuộc sống’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì đã lãnh nhận, nó sẽ gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta biết mình đã tận dụng tối đa những gì Chúa ban? Bí tích Hoà Giải cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình - từng phần một - như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra lần cuối. Thật là một dịp may, một ‘cơ duyên!’. Bạn có tận dụng nó? Chúa nhân lành có gọi bạn là kẻ phung phí? Dĩ nhiên, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo, lãng phí hoặc xa hoa.

Còn các ân sủng khác thì sao? Đức tin, Hội Thánh Công Giáo, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian và những tài năng đã lãnh nhận? Chúng ta có là những kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn với những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là một ‘cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và cho lợi ích các linh hồn hơn! Ước gì, nhờ việc xét mình, điều chỉnh ‘hồ sơ cuộc sống’ - trong sự tha thứ của Đấng xót thương - bạn và tôi trở nên người quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thánh khiết để tận hưởng ‘tiệc bất tận’, tiệc thiên đàng chính Ngài khoản đãi. Niềm vui phúc kiến đó được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả một cách sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì thắc mắc của Chúa về ‘hồ sơ cuộc sống’ của con là một ‘cơ duyên’ giúp con biết hoán cải, hầu linh hồn nguội lạnh của con có thể nở hoa, nên thánh!”, Amen.  

 

Thứ bảy: Ed 47,1-2.8-9.12; Ga 2,13-22

KÍNH CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LA-TÊ-RA-NÔ

LINH HỒN MỌI THÁNH ĐƯỜNG

“Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người!”.

Một trong các triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus - ông nổi tiếng đến nỗi được dựng tượng trong toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu!”. Simplicianus đáp, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông đến nhà thờ!”; “Tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó, học đạo, ông công khai trở lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như Victorinus nhận định, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, một hình ảnh biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một đại giáo đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong đó - Chúa Kitô - ‘linh hồn mọi thánh đường!’.

Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa; nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Ngài. Lúc đầu, nơi tụ tập của các tín hữu là nhà riêng của họ, các nhóm họp nhau để cầu nguyện và ‘bẻ bánh’ ở đó. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ‘ngôi nhà’ dành riêng cho việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa và cử hành phụng vụ. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ và các vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất vẫn là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.

“Latêranô” biểu trưng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội hoàn vũ với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao đại giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là ‘nơi ở’ hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám mục Rôma; dẫu thế, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh, nguồn mạch ân sủng, “Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy ra” - bài đọc một. Ngài là ‘linh hồn mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài. Phaolô nhắc nhở, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” - bài đọc hai. “Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi - Chúa có cảm thấy thoải mái trong cuộc sống của tôi không? Chúng ta có để Ngài ‘thanh tẩy’ trái tim và xua đuổi các ngẫu tượng, những thái độ tham lam, ghen tị, thế tục, đố kỵ, hận thù không? “Thưa Đức Thánh Cha, con sợ roi vọt!”. Dẫu thế, đừng quên, lòng thương xót là cách thanh tẩy của Ngài!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘ngẫu tượng’ nào ngấp nghé trong bốn bức tường linh hồn con - ngoài Ngài. Con sợ roi vọt!”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...